Trang chính » Sáng Tác, Tạp ghi Email bài này

Chuyến đi

 

 

Ông cụ, 92 tuổi, 38 kí lô, và nặng tai, tựa lưng vào thành giường xem trận bóng đá hào hứng giữa Manchester United và Arsenal đang diễn ra trên màn hình TV. Máy điều hòa được tắt đi vì ông cụ không chịu được lạnh. Thằng con trai đầu lòng của ông thì tất nhiên phải chịu đươc cái nóng và ẩm của căn phòng khách sạn hắn dọn vào và sau đó nhờ người đưa ông cụ đến ở chung vài hôm. Đây có thể là lần cuối cùng hai cha con còn được nói chuyện với nhau, và tôi đã hét vào tai ông cụ điều này trước đó. Ông cụ, bất kể những suy nhược vì tuổi tác và mất quân bình khi đi đứng, vẫn còn khá minh mẫn và chưa từng mắc bệnh tim mạch hoặc các chứng nan y khác. Với đôi tai lớn và dái tai dài như tai phật (tôi mà cũng tin vào tướng số ư?), có thể sẽ còn phải tiếp tục sống để nhận chịu thêm một lần mất mát, không chừng lại là thằng con trai đầu lòng. Tôi cũng, một cách đần độn, hét vào tai ông cụ điều này như một khích lệ và ngay lập tức, hối hận . Ông rời xa gia đình, con cái từ khi tôi và các em còn rất nhỏ, cuộc đời của ông có nhiều lỗ đen hun hút. Dấu tích để lại trên nửa phần dưới khuôn mặt ông bởi viên đạn 12.7 ly trong một lần công đồn đả viện, những người hiến binh đội mũ đỏ từ quận lỵ lên vây nhà, bản cáo trạng trong phiên tòa “nhân dân” xử ông khiếm diện mà người chánh án từng là đồng chí thân quen trong thời kháng chiến, những ngày tháng ở trại tập trung cải tạo Suối Máu, những lần vượt biên luôn luôn kết thúc ở một đồn công an biên phòng nào đó, và những năm tháng bằn bặt chia ly trước và sau đó chỉ có thể giúp cho tôi một phác họa về cuộc đời của cha mình.

*

Trước khi về Việt nam tôi có hỏi Đặng Thơ Thơ về những người cô muốn tôi tiếp xúc khi đến đây. Danh sách mỏng, không đếm đủ trên đầu ngón tay, và trong số đó có tác giả “Luống cải vàng.“ Sinh ra ở một làng quê hẻo lánh và nghèo xác, tôi cho rằng mình may mắn đã có cơ hội được đọc sớm và hơn thế nữa, đọc được những điều mình sẽ còn nhớ mãi. “Nạn nhân” của Nguyễn Văn Xuân và “Luống cải vàng” của Cung Tích Biền nằm trong số này. Cung Tích Biền có dáng dấp của một tiên ông từ thượng giới đáp mây xuống trần dự cuộc liên hoan, hoàn toàn đối nghịch với cái đáy địa ngục mà ông đã thể hiện trong văn chương và nhất định là đã kinh qua trong một hay nhiều phần đời của mình. Cuộc đàm đạo sau hết đào sâu vào sự nghiệp viết lách của Phan Khôi, và chính là ở đề tài này, người tuổi trẻ Lý Đợi chiếm lĩnh diễn đàn. Tôi lắng nghe với hứng thú và hâm mộ, một phần bởi vì tôi tin rằng Lý Đợi làm bất cứ gì cũng với nỗi say mê, bên cạnh cái dũng khí cần phải có để hoàn tất dự án của mình. Buổi gặp gỡ xảy ra ở Đất Phương Nam, nơi mà cách đây hơn bốn năm về trước tôi có cơ hội gặp nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh lần đầu và cũng là lần cuối. Có một điều hoàn toàn không mơ hồ thuộc về anh mà tôi muốn tìm thấy lại khi đi ngang qua chiếc bàn đặt đúng ở vị trí chúng tôi cùng ngồi uống bia nhiều năm trước đó.

*

Thơ là một địa hạt tôi sẽ, bằng vào sự dốt nát của mình, nỗ lực để không can dự vào môt cuộc đối thoại/tranh luận/phê phán, nghiêm túc hay không. Tuy vậy, tôi tin chắc có những người sinh ra chỉ để làm thơ, và Thường Quán là một người như thế. Bí mật này sẽ không được tiết lộ trong bài viết chủ yếu về chuyến đi về thăm nhà của tôi nếu Thường Quán không ở Việt Nam trong cùng thời điểm. Tôi biết được điều này từ một điện thư của Vi Lãng gởi anh chị em trong BBT Da Màu. Thân phụ Thường Quán qua đời ở Đà nẵng và sẽ được an táng vào ngày chủ nhật 28 tháng 3. Thường Quán đã có mặt ở Đà Nẵng và tôi thì phải có mặt ở Đà nẵng. Vài tiếng đồng hồ trước khi nhận được điện thư của Vi Lãng, một cú điện thoại của người nhà cho biết mẹ tôi đang nằm phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa thuộc thành phố này. Gần nửa đêm, bà vào phòng vệ sinh ở tầng trệt và ở mãi trong đó. Cũng may mà thằng con trai út tình cờ tìm thấy bà nằm bất tỉnh trên sàn đá hoa cương lạnh lẽo. Bà lão 86 tuổi xinh đẹp và hiền hậu này, về Việt nam trước tôi vài tuần để thăm thằng con út và đám cháu chắt, là người phụ nữ duy nhất bị tôi làm khổ triền miên mà vẫn yêu tôi vô điều kiện, thắm thiết, và không một lời trách hận. Tình trạng sức khỏe của bà giải thích việc tôi phải có mặt ở Đà nẵng sớm hơn dự định. Và như vậy đó, Thường Quán và tôi nhất định phải gặp nhau ở Đà nẵng, như một điều an ủi cho cả hai sau những tin buồn!

Đà nẵng là nơi tôi quay lưng lại với tuổi hoa niên. Đó là năm 1964, vài tháng sau trận lụt kinh thiên động địa năm Thìn. Trôi dạt đến trại tạm cư Hòa khánh cùng với đứa em gái 6 tuổi, chúng tôi, bằng một hay nhiều cách nào đó, sống lê lết cho đến ngày có đủ tiền để leo lên xe đò vào Sài gòn. Để tiếp nối trường lớp dở dang, nhưng trước và trên hết, để tìm miếng cơm manh áo, điều không phải dễ dàng cho đứa bé nhà quê 14 tuổi.

Đêm thứ bảy 2 tháng 4, Thường Quán và tôi gặp nhau cùng với một số bạn bè trong giới viết lách ở Đà nẵng và vùng phụ cận. Tôi ít khi gọi ai là thi sĩ, ngay cả chỉ để châm chọc (cho vui hay không vui), nhưng Thường Quán là một biệt lệ. Không hẳn vì những bài thơ của hắn mà vì cái chất lãng đãng không phấn son của hắn. Buổi họp mặt đông và vui, có những người tôi yêu mến nhưng sẽ không đưa tên vào bài viết này. Bất kể thuộc thể loại nào mà bạn đọc muốn gán cho, đây nhất định không phải là một bản tường trình!

*

Tôi không hề được Đức giới thiệu đầy đủ tên và họ của Ross. “Đây là Ross, nhà báo, và đây là Phùng, nhà văn.” Ross là biên tập viên phụ trách phần Anh ngữ của YemenTimes.com, vừa chạy ra khỏi Yemen vài hôm trước đó, khi tình hình bất ổn ở đây có khả năng ảnh hưởng lên sự an nguy của công dân các nước Âu tây, kể cả Úc đại lợi, sinh quán của Ross. Tôi không phải là người đễ dàng có ấn tượng, ngay cả với những người có chút ấn tượng nào đó về tôi. Một trong số những truyện ngắn ít ỏi của tôi (do ngòi bút dịch thuật khá điêu luyện của Đức chuyển qua tiếng Anh) được Ross đọc và ưa thích. Tôi thường dành cho những nhận xét tương tự một mối hoài nghi. “Không cần thiết phải lễ độ một cách quá đáng, anh/chị không có trách nhiệm gì với đất nước tôi, trước đây hay bây giờ!” hoặc cay độc hơn, “Có những món trang sức khác thích hợp với nhân dáng quý anh/chị hơn.” Chỉ đến khi Ross, trả lời câu hỏi “Bao giờ thì vợ anh đến Hà nội với anh?” của tôi, cho biết sẽ đến Nhật để gặp vợ mình ở đó “bởi vì cô ấy muốn ở lại để giúp nước cho đến khi tình hình khá hơn” không phải với vẻ cam chịu mà với ánh mắt lấp lánh niềm tự hào về người vợ gốc Nhật của mình, tôi cảm thấy hắn thuộc loại chơi được. Phần còn lại của đêm Hà Nội được tiêu phí ở Southgate, một quán rượu mới khai trương mà tửu khách có đến 90% là người nước ngoài. Ở đây, Ross là người gây ấn tượng cho tôi khi hắn hạ Đức trong cuộc tranh chấp về khả năng nốc cạn mấy chai whisky Ái nhĩ lan. Tôi thì chưa hề thắng Đức trong những lần thi đấu tương tự. Với Khánh Trường thì tôi có phần may mắn hơn. Nhiều năm trước đây, khi không có điều gì hay hơn để làm ở căn nhà kho hẻo lánh cuối đường Bolsa mà Khánh Trường chọn làm chốn tạm dung, chúng tôi thi uống rượu và chửi thề. Kết quả luôn luôn là huề nhau bởi vì Khánh Trường lúc nào cũng mạnh hơn tôi về chuyện uống rượu!

*

Nếu được chọn lựa, nơi tôi tiêu phí nhiều thì giờ nhất sẽ là Hội An. Tuy vậy, tôi chỉ có được một đêm và buổi sáng ngày hôm sau. Vào buổi chiều, tôi sẽ trở ra Đà Nẵng, và đi Sài gòn trên chuyến bay cuối trong ngày của Vietnam Airlines. Một cú điện thoại từ Sài gòn cho biết Chương vừa bị tai biến mạch máu não, nửa thân tê liệt, đang nằm ở bệnh viện chợ Rẫy. Chương là con trai lớn của dì Thanh, vợ kế của ông cụ thân sinh của tôi. Họ sống với nhau đã mấy mươi năm! Khi dì Thanh trở nên tàn tật (cũng vì tai biến mạch máu não), Chương nghỉ việc để chăm sóc mẹ và ông cụ. Dì Thanh mất cách đây khoảng hơn một năm, và Chương, cánh tay nối dài của những đứa con tha hương, tiếp tục chăm sóc ông cụ. Kể từ hôm qua, đến lượt Chương cần đến sự chăm sóc! Bạn đọc có thể hình dung tình huống của tôi!

Tôi đến Hội An vào lúc quá trưa, và Trần Nghi Hoàng đón tôi ở góc đường. Nhà Trần Nghi Hoàng ở trong một căn hẻm không lớn không nhỏ, sân trước có hai cây cau với dây trầu quấn quít. Tôi cũng muốn có một căn nhà nho nhỏ như thế này khi về hưu, ở Hội An. Buổi chiều chúng tôi lang thang ở khu phố cổ, mua vài món lặt vặt cho Quỳnh. Tôi dừng lại khá lâu ở một cửa tiệm bán đồ lưu niệm trên đường Trần Phú, nhìn ngắm nhưng không mua món nào. Sau hết, tôi đến ngồi ở bậc thềm của tiệm, bên cạnh người đàn ông lùn tịt và dị dạng, không phải vì bẩm sinh mà vì vướng phải bệnh polio vào năm ba tuổi, và hỏi tên. “Em tên Thắng,” người đàn ông trả lời. Buổi tối, thay vì cho tôi nằm dưới sàn nhà, Trần Nghi Hoàng đề nghị chúng tôi chia nhau cái giường duy nhất của hắn. “Anh có pê đê không?” tôi hỏi. “Tất nhiên là không.” Tôi yên tâm, nằm xuống và ngủ một mạch đến sáng. Buổi sáng, chúng tôi uống cà phê, ăn bún mắm, và dạo phố cổ một lần nữa. Cửa tiệm có người đàn ông tàn tật tên Thắng là điểm dừng cuối cùng trong cuộc dạo chơi. Thắng không có ở đó. Phía trong của tiệm, tôi nhìn thấy bà lão tóc trắng đeo kính ngồi sau chiếc bàn tròn chơi đùa với một đứa bé gái. Tôi chọn bức tượng phật ngoẹo đầu bằng gỗ và càm ràm với Trần Nghi Hoàng sao ông phật này giống đám triết gia Hy lạp quá. Người thiếu phụ trông cửa hàng đưa ra cái giá cao gấp ba lần giá tôi phải trả để mua tượng này ở tiệm kế cận. Tôi trả tiền và quay lại quan sát một lần nữa bà lão đang tươi cười với cháu nội của mình. Ra đến cửa tôi nhờ người thiếu phụ cho tôi gởi lời chào Thắng. “Anh biết anh Thắng của em?” người thiếu phụ hỏi. “Mới biết ngày hôm qua,” tôi trả lời và bước đi. Thật ra thì không phải mới ngày hôm qua mà năm mươi năm về trước. Mẹ của Thắng, bà lão tóc trắng sau chiếc bàn tròn, là con của bà chị nuôi của ba tôi. Hai người chị của Thắng, gọi tôi bằng cậu và đều chết trẻ, là bạn học thời trung học của tôi ở trường Trần Quý Cáp. Hơn bốn năm trước, tôi ghé Hội An thăm chị của mình. Cửa tiệm, vốn là căn nhà do nhà nước cấp để đánh đổi căn biệt thự của chị mà họ sang đoạt sau năm 1975, lúc bấy giờ trơ trọi, tiêu điều, lỏng chỏng vài món đồ của ai đó gởi bán. Tôi dốc hết những đồng đô la còn lại gởi chị, tự biết không thấm tháp gì so với số vốn cần thiết để có một cửa hàng tươm tất. Nay thì xem ra mọi sự dã đâu vào đó, sinh kế không còn là mối lo hàng ngày cho chị, cho Thắng, cho người thiếu phụ mà tôi đoán là vợ Thắng, và cho đứa bé đang cười khanh khách cùng bà nội. Một nỗi vui thầm lặng và bùi ngùi. Cám ơn Trần Nghi Hoàng đã không lên tiếng can thiệp lần “mua hớ” này của tôi.

*

Tình trạng sức khỏe của mẹ tôi đã khả quan hơn. Hơn nữa, cô em gái, đến từ phi cảng Los Angeles trên chuyến bay sớm nhất mà cô có thể chen vào, hiện đang ở cạnh bà. Như vậy, tôi có thể yên tâm hơn để lo cho ông cụ và Chương.

Sài gòn, bên cạnh cái nóng, bụi bặm, và tiếng ồn, sẽ chỉ là một chuỗi dài những lo toan để đối phó với việc nhà rối rắm, nếu không có những tình cờ đáng ghi nhớ. Tôi gặp Rừng tức Kinh Dương Vương vào buổi sáng ngày hôm sau. Trong những ngày này, anh được nhắc nhở rất nhiều với tư cách tác giả của “Đường Kiến” mà kịch bản phim dựa trên truyện vừa đoạt giải cánh diều bạc. Chi tiết về chuyện này không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Điều đáng để ý là, thay vì là nạn nhân của một vụ xâm phạm tài sản trí tuệ, anh trở thành thủ phạm của một bội phản không thể tha thứ: phản bội chính nhân vật của mình (Thận Nhiên, theo Nguyễn Quốc Chánh) và do đó, tự xóa bỏ vai trò nhà văn của mình (Nguyễn Quốc Chánh). Kinh Dương Vương đã chết chỉ vì một [vài] ly bia nóng (uống chán bỏ mẹ). Thật ra thì những rắc rối anh đang gặp phải không thấm tháp gì so với những điều tôi trải qua từ khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất mấy hôm trước đây, và Rừng thừa nhận điều này. Khi tôi kể lại những diễn biến liên quan đến ông bà cụ thân sinh và Chương, anh nhảy dựng lên và đòi viết kịch bản phim, dựa trên những tình tiết tôi cung cấp. Kịch bản phim? “Điếc không sợ súng” là điều duy nhất tôi có có thể kết luận về nhà văn kiêm nhà thơ kiêm họa sĩ này!

*

Sau đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi với Dương Nghiễm Mậu, do Lê Thánh Thư giới thiệu. Tôi gặp nhà văn tuổi-bảy-nhăm-mà-ngỡ-như-bốn-mươi một lần nữa vào ngày hôm sau ở một quán cóc gần nhà ông. Như đã nói ở trên, tôi là người không dễ có ấn tượng về người khác, và đây thật ra là điều không may cho tôi. Gặp gỡ Dương Nghiễm Mậu không nhất thiết là điều may, nhưng được chuyện trò cùng ông mà không bị quấy rầy thì nhất định là điều may mắn. Tôi không phải là người ít nói, nhưng trong tiệc rượu này tôi thích ở vị trí lắng nghe hơn. “Hãy khó với chính mình [trước]” là một trong những điều Dương Nghiễm Mậu chia sẻ. Tôi không chắc có chữ “trước” trong lời nói của ông hay không (bởi vì có hay không có chữ này không phải là điều không quan trọng) nhưng tôi cho rằng điều ông nói có liên quan đến sự phê phán. Đây chính là điều tôi muốn tìm thấy lại khi đi ngang qua sân trước của Đất Phương Nam để gặp nhà văn Cung Tích Biền, nơi hơn bốn năm trước đây tôi đã ngồi cùng Nguyễn Phan Thịnh và lắng nghe anh phê phán chủ trương của Hợp Lưu (thời Khánh Trường). Tôi tin chắc Nguyễn Phan Thịnh đã trước hết nhìn vào gương soi mỗi ngày và đã yêu thích khuôn mặt của chính mình trong đó.

Bằng một cách nào đó, câu chuyện xoáy vào chủ đề tác giả và tác phẩm, và sự liên hệ không thể tách rời của hai thực thể này. Nói cách khác, nhà văn phải sống xứng đáng với những điều mình viết xuống, nghĩa là phải giữ tư cách. Họa sĩ, nhạc sĩ, và những nghệ sĩ không phải dùng đến chữ nghĩa thì có thể “châm chước” được. Dương Nghiễm Mậu là nhà văn, và đã đến lúc không nên chỉ lắng nghe. “Châm chước cho người sáng tạo thuộc các loại hình nghệ thuật khác có phải là dấu hiệu của sự kiêu ngạo [của nhà văn]?” tôi hỏi. “Không phải kiêu ngạo, mà là lập ngôn.” Lập ngôn là một từ lớn và nghiêm túc, rất nghiêm túc, và tôi chỉ nên lắng nghe. “Nhà văn, đặc biệt trong những thời điểm nhất định, những giai đoạn nghiêm trọng và ngặt nghèo của lịch sử chẳng hạn, không chỉ viết, họ lập ngôn. Nhà văn tồn tại qua chữ nghĩa của họ, và không chỉ tồn tại. Họ phải tồn tại như một con người. Cho nên nhà văn phải xứng đáng với chữ nghĩa của mình, và không chỉ cho và vì chính mình. Cho sự tồn tại của Con Người, viết hoa.” Tôi, người chủ trương tách rời tác giả khỏi tác phẩm và không ngần ngại phải tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình, ngồi làm thinh. Và hài lòng.

*

Sẽ không có một giải pháp toàn hảo cho những bất hạnh xảy đến cho gia đình tôi trong chuyến đi này. Dù sao thì công việc cũng tạm ổn thỏa. Mẹ tôi đã ra viện, và tôi sẽ gặp lại bà ở Mỹ sau này. Sẽ có người chăm sóc ông cụ 92 tuổi và Chương. Hy vọng châm cứu và vật lý trị liệu sẽ giúp Chương sớm hồi phục.

Về phần mình, tôi cũng cần nghỉ ngơi một tí. Tôi sẽ đi Vũng tàu ít hôm. Ở đó có căn phòng bỏ trống của một người bạn. Ở đó tôi sẽ hoàn tất bài tiểu luận về ebook mà tôi dự định sẽ gởi đến bạn đọc trước khi tháng Tư chấm dứt.

*

Sau chuyến về thăm quê hương lần đầu cách đây hơn 14 năm, tôi viết “Bia Ôm,” một truyện ngắn nhằm phê phán những tiêu cực của xã hội Việt nam mà tôi có dịp chứng kiến. Trong truyện này nhân vật chính, xưng tôi và chán chường, “phân vân về khả năng của một lần trở lại trong tương lai.” Ở lần đi này, tôi nghĩ mình sẽ trở lại, không chỉ một mà nhiều lần nữa. Không phải vì xã hội Việt nam đã trở nên tốt hơn. Ở nhiều khía cạnh, thật ra có phần tệ hơn, bất kể những cao ốc hào nhoáng và những chiếc ô tô bóng lộn.

Tôi muốn trở lại để thắp sáng những lỗ đen trong cuộc đời chìm nổi của thân phụ mình, nếu và trong khi còn có thể. Tôi muốn trở lại để chứng kiến và ghi nhớ cuộc chiến đấu không cân xứng chống lại ma quỉ, của những người còn sống hay đã chết, để tồn tại, và không chỉ để tồn tại. Để tồn tại như một Con Người.

PN

04/2011

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)