biên khảo – nhận định
Phùng Nguyễn
Khi có người hỏi tôi về động cơ của một loạt những cử động gần đây của Nguyễn Hữu Liêm, tôi chỉ trả lời một cách đơn giản là Nguyễn Hữu Liêm muốn xác lập vị trí của anh. Vị trí nào? Cũng đơn giản không kém: hàng đầu, phía bên trái. Không có gì sai với tham vọng đứng ở vị trí số một của phe thiên tả (và tôi tin rằng Nguyễn Hữu Liêm không nhất thiết sẽ phủ nhận), đặc biệt khi anh, ít nhất ở thời điểm hiện tại, nổi bật lên như là khuôn mặt tả phái sáng giá nhất sau một loạt các phát biểu gần đây. Bài phỏng vấn mới nhất của Phạm Thị Hoài [1] dành cho Liêm trong lần trở lại cùng bạn đọc của talawas sau hơn một tháng vắng mặt cho thấy anh đã tiến khá nhanh và khá xa trên hành trình đưa đến mục tiêu chọn lựa, con đường "Thực Dụng Mới." Không thể phủ nhận là đã có một số thuận lợi thoạt xem có vẻ như tình cờ đã đóng góp không ít vào tốc độ của hành trình này.
Bắt đầu với “Nơi giữa đại hội Việt Kiều: Một nỗi bình an,” [2] Nguyễn Hữu Liêm đã mang nỗi … bất an đến cho hàng đống bạn đọc talawas có khuynh hướng chống đối chế độ cộng sản cả trong và ngoài nước. Bài phỏng vấn "Người công sản sẽ biết lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói" [3] tiếp theo đó không hề làm cho nỗi bất an nói trên giảm đi. Trái lại là khác! Không có gì để ngạc nhiên về những chỉ trích, đã kích, thậm chí phỉ báng, nhục mạ cá nhân dấy lên từ bốn phương tám hướng nhắm vào anh. Tôi không nhớ có một bài tham luận hay “chiến luận” đáng kể nào trên talawas nhằm bẻ gãy lập luận của anh ngoại trừ một bài viết với thái độ chừng mực của Tiêu Dao Bảo Cự, “Từ triết lý đến cảm xúc, giải pháp cá nhân và con đường đi lên của dân tộc (Thư ngỏ gởi Nguyễn Hữu Liêm)” [4]. Sự cố Thơ Đến Từ Đâu [5] của Nguyễn Đức Tùng, và nhất là vụ talawas bị buộc phải tạm ngưng hoạt động một thời gian khá dài vì những đánh phá liên tục của bọn tin tặc hèn nhát xảy ra trước và trong thời điểm chính quyền cộng sản đưa các nhà hoạt động Dân chủ ra tòa xét xử đã giúp lắng xuống những huyên náo chung quanh các bài viết này của Liêm. Tôi không biết chắc sự kiện này (sự vắng mặt tạm thời của những tiếng ồn) có giúp được gì cho anh hay không, nhưng ở vị trí của người xem kịch, tôi cho rằng giai đoạn im ắng ngắn ngủi này chỉ có thể giúp làm tăng cường độ cho sự sôi động của những cảnh, những hồi kế tiếp.
Phải công nhận những phát biểu trong “Con đường thực dụng mới” [1] trên talawas mới đây của Nguyễn Hữu Liêm có tính thuyết phục cao. Nó giúp mô tả đường lối và mục tiêu anh theo đuổi một cách khá minh bạch. Đồng thời, một cách khôn khéo, nó trình/phô diễn một số “thành quả” anh đạt được trong thời gian qua dựa trên đường lối kể trên; việc được phép tham dự phiên tòa trong khi đại diện của IBA lại bị từ chối có thể dùng để chứng minh cho sự khả thi của chiến thuật “tiếp cận – lắng nghe” mà anh đã đề cập trong bài phỏng vấn trước đó. Sau hết, và không phải là không quan trọng, những phát biểu trong Thực Dụng Mới đưa ra một hình ảnh thuận lợi về con người của Nguyễn Hữu Liêm: sự nhất quán trong lời nói và việc làm của anh. Anh thật sự “walk the walk!”
Thật không dễ dàng gì khi phải ở vào vị trí của Nguyễn Hữu Liêm, một vị trí hoàn toàn không được ưa chuộng bởi tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại. Chỉ cần nhìn vào số lượng các phản hồi mang tính công kích trên talawas và các trang mạng khác. Tôi e rằng phản ứng của độc giả khắp nơi không chỉ dừng lại ở các diễn đàn Internet, và không gồm toàn những từ ngữ văn vẻ. Tuy vậy, không thấy có dấu hiệu nào những phản ứng này, bất kể hung hăng dữ dội hoặc cay độc biếm nhẽ đến cỡ nào, đã ảnh hưởng mảy may lên kế hoạch của anh. Không những thế, phản ứng của phần đông "bình luận gia" chuyên nghiệp trên talawas với bài viết mới nhất của Liêm xem ra "nhẹ nhàng" và khá cân bằng. Đây là một dấu hiệu tốt không chỉ cho Nguyễn Hữu Liêm, và giúp cho thấy ngay cả những bình luận viên hung hăng nhất cũng có thể học hỏi từ chính sự vô hiệu của mình!
Tuy vậy, bất kể sự hấp dẫn về một khả năng “cải tạo” cơ chế hành chánh của chính quyền nội địa (để chúng hoạt động tốt và hữu hiệu hơn) dựa trên ước muốn “lắng nghe” của lãnh đạo chóp bu, những nỗ lực tiếp cận để được lắng nghe của Nguyễn Hữu Liêm, theo tôi, không thật sự đóng góp gì được cho Việt Nam ở bình diện quốc gia, dân tộc. Bởi vì, thuyết Thực Dụng Mới, tự bản chất, hoàn toàn không được "phát minh" để phục vụ lợi ích đường dài của đất nước mà chính là để phục vụ sự trường tồn của chế độ toàn trị cộng sản, vốn đến lượt biện minh cho sự hiện hữu của chủ trương Thực Dụng Mới.
*
Trong quá trình biện giải cho kế hoạch của mình, Nguyễn Hữu Liêm, đặc biệt trong bài phỏng vấn mới nhất, luôn nỗ lực tạo cho độc giả cái cảm giác về "ước muốn và khả năng" thay đổi của đảng thống trị. Theo ý tôi, cần được nói lại cho rõ ngay ở đây, "ước muốn và khả năng" thay đổi (cho tốt hơn) cái công cụ gồm cơ man những cơ cấu chính quyền trực thuộc sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đây là hai điều khác nhau, sự khác biệt giữa người thợ máy và thùng "đồ nghề" của anh ta. Bằng cách không làm tách bạch điều nói trên, có phải chăng Nguyễn Hữu Liêm mong người đọc tin rằng những cải tổ bề mặt dựa trên khái niệm “thể thức” mà anh nhiều lần nhấn mạnh sẽ có khả năng thay đổi chính bản chất của đảng cộng sản chứ không chỉ riêng cái guồng máy được xây dựng chỉ để thực thi mệnh lệnh của đảng cầm quyền? Có thể anh đã thành công trong ý đồ này ở một mức độ nhất định với chiến thuật lấy tiểu tiết để định nghĩa/diễn dịch cái đại thể.
Trong “Nơi giữa đại hội Việt Kiều: Một nỗi bình an” và "Người cộng sản sẽ biết lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói," có một chi tiết mà Nguyễn Hữu Liêm lập đi lập lại nhiều lần nhưng không được quý “bình luận gia” thường trực của talawas lưu ý đúng mức. Đó là cụm từ “thể thức” như trong câu “Thể thức sẽ lèo lái và đìều hướng tâm hồn – như cô chiêu đãi viên hàng không Việt gốc nông dân kia cười miệng với khách nhưng lông mày vẫn nhíu…” Tôi cho rằng đây là một luận điểm quan trọng được Nguyễn Hữu Liêm sử dụng như là nền tảng của thuyết Thực Dụng Mới trong nỗ lực giúp "nâng cấp" cơ chế hành chánh của chính quyền cộng sản. Theo chỗ tôi hiểu, và Liêm vui lòng giúp chỉ ra nếu tôi hiểu lầm hoặc hiểu không thấu đáo, thể thức có thể được định nghĩa như là một số quy ước (protocol) khi áp dụng một cách thích hợp lên hiện cảnh (thí dụ như các quy định, thủ tục hành chánh, …) thì sẽ gây hiệu ứng tốt. Như tiếp viên hàng không thì lúc nào cũng phải tươi cười với khách. Ngay cả khi nụ cười của cô tiếp viên vẫn còn đi kèm với cặp chân mày nhăn nhíu cũng đủ để bơm phồng niềm lạc quan của Nguyễn Hữu Liêm về cái "cánh cửa đang từ từ hé mở" và cùng một lúc, "kêu ken két!" Và bởi vì "thể thức sẽ lèo lái và đìều hướng tâm hồn," việc áp dụng thể thức một cách thích hợp lên toàn bộ cơ chế quản lý của nhà nước ở tất cả các cấp độ, từ trung ương đến địa phương sẽ biến viên chức nhà nước thành những người lương thiện, triệt để thượng tôn pháp luật, và kết quả là Việt Nam sẽ có được một chính quyền tuyệt hảo, ít nhất ở bề mặt. Đúng ra, chỉ ở bề mặt.
Thử áp dụng "thể thức" do Nguyễn Hữu Liêm đề nghị vào chính phiên tòa xử án các nhà hoạt động dân chủ vào ngày 20.01.2010 vừa qua mà anh có cơ hội chứng kiến. Một cách ngắn gọn, cứ cho rằng giới lãnh đạo cộng sản sẽ hoàn toàn bị thuyết phục bởi "bản kiến nghị cải cách thủ tục tố tụng pháp chế căn cứ vào những khuyết điểm của phiên tòa này" và ra nghiêm lệnh là những "thể thức" chọn lựa (từ bản kiến nghị) phải được triệt để áp dụng. Hơn thế nữa, vụ án các nhà dân chủ được xử lại với sự hiện diện tất yếu của Nguyễn Hữu Liêm và đại diện của IBA và ngay cả CNN, Fox News, v.v… nếu các cơ quan thông tấn này có yêu lời cầu! Áp dụng thể thức do Nguyễn Hữu Liêm đề xướng, phiên tòa diễn ra một cách tốt đẹp và, một cách tất yếu, tốn kém rất nhiều thì giờ. Phiên tòa kéo dài hàng tuần lễ để hàng tá nhân chứng có thì giờ khai báo, hàng tá luật sư có cơ hội biện hộ, và phải cần đến không phải 27 phút mà 3 ngày để Hội Đồng Xét Xử luận tội. Về mặt hình thức, không có sai phạm nào đáng kể. Vì vậy, phiên tòa được đánh giá là đạt tiêu chuẩn quốc tế, và đã không hề có lời dị nghị nào khi tòa tuyên án các bị can sau đó trong một phiên tòa khác (cũng theo đúng thể thức do Nguyễn Hữu Liêm đề nghị). Bạn đọc có thể đọc kết quả phần tuyên án ở đây: http://www.cand.com.Việt nam/vi-Việt nam/phapluat/2010/1/125363.cand [6].
Tôi tin là Nguyễn Hữu Liêm sẽ không thất vọng bao nhiêu nếu bản án dành cho các nhà hoạt động dân chủ giống y chang như cũ. Điều anh muốn nhìn thấy là thể thức dành cho vụ án đã được tuân thủ chặt chẽ. Còn kết quả thì không phải là yếu tố quan trọng cho việc đánh giá sự thành công của phiên tòa. Như Nguyễn Hữu Liêm đã tuyên bố, bởi vì "quyền lực và mệnh lệnh chính trị, qua sự thể hiện bởi guồng máy pháp chế, vẫn có thể thực thi bằng một phương thức thuyết phục hơn," vấn đề còn lại là làm thế nào những bản án "theo mệnh lệnh" này được rao bán cho công luận như là sản phẩm của một nền tư pháp độc lập. Nhìn ở góc độ này, khái niệm thể thức của Nguyễn Hữu Liêm trông giống một cách kỳ lạ điều mà người cộng sản vẫn làm, và làm rất giỏi: tuyên truyền. Điều mới lạ ở đây không phải ở phương pháp mà chính là ở xuất xứ. Thuyết Thực Dụng Mới, như Nguyễn Hữu Liêm trình bày, là hàng nhập khẩu. Thực vậy sao?
*
Bạn đọc tinh ý sẽ nhận thấy không ở đâu trong các phát biểu của mình Nguyễn Hữu Liêm phủ nhận vị trí lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản, trong quá khứ, trong hiện tại, và trong cả tương lai gần hoặc xa. Không có lấy một lần! Như đã nói ở trên, điều này thật ra không có gì khó hiểu: thuyết Thực Dụng Mới cần đến sự trường tồn của đảng cộng sản như cây tầm gởi cần đến dưỡng chất từ cây chủ. Cho nên, chúng ta có thể hiểu được vì sao có sự hiện diện của những lập luận nhằm biện minh hoặc ít nhất giảm đi sự nghiêm trọng của những sai lầm ở mức độ ngang tầm tội ác của đảng cộng sản trong suốt quá trình hơn 60 năm nắm quyền thống trị đất nước. Trước hết, cách mạng "duy ý chí" cho phép người ta áp đặt những chính sách tàn bạo một cách vô tội vạ lên chính nhân dân của đất nước họ cho mục đích “chuyển hóa toàn diện lịch sử.” Không những thế, nó cho phép đồng hóa lịch sử của một thiểu số (bất xứng) với lịch sử của cả một dân tộc (Tôi e rằng cũng chính cuộc cách mạng duy ý chí mầu nhiệm này cho phép người ta được quyền tiếp tục độc diễn ở vai trò đè đầu cởi cổ cả một dân tộc cho đến thiên thu!). Do đó, những sai lầm dù nghiêm trọng đến đâu cũng chỉ là "những bước lùi nhỏ" không nẩy mầm từ bản chất của thể chế toàn trị nhưng bởi "thói quen và lề lối văn hóa ứng xử" của cấp thừa hành trong bước nhảy vọt vĩ đại về phía trước mà đảng cầm quyền đang trường kỳ thực hiện. Bước đại nhảy vọt? Chính là cái "vòng xoáy trôn ốc lặp lại nhiều sai lầm lớn – nhưng mức độ ngày càng giảm nhẹ đi" của đảng cầm quyền.
"Sai lầm" là một điều chắc chắn sẽ xảy ra và có cơ hội tái diễn trong tất cả các guồng máy nhà nước, độc tài hoặc dân chủ. Không nên nghi ngờ là các chính quyền này không thật sự muốn giảm thiểu các sai lầm trong nhiệm kỳ hiến định hoặc tiếm đoạt của mình. Tuy nhiên, tôi không hề biết gì đến sự hiện diện của một hay nhiều "chu kỳ" theo kiểu vòng xoáy trôn ốc những sai phạm nghiêm trọng mà bất cứ chính quyền thuộc bất cứ chính thể nào trong quá khứ và hiện tại bị cuốn hút vào. Nếu Nguyễn Hữu Liêm muốn chứng minh cái khả năng "học hỏi từ sai lầm của chính mình" của đảng cộng sản Việt nam, anh cứ việc đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Còn không, bằng vào sự dốt nát của mình, tôi đề nghị anh giúp chỉ ra cái công thức (hoặc bất cứ tên gọi nào khác) chứng minh quả thật có một chu kỳ sai phạm theo kiểu xoáy trôn ốc như thế. Với khả năng tưởng tượng ngèo nàn của mình, tôi thấy công thức cái vòng xoáy này có vẻ giông giống như giả thuyết của một số nhà thiên văn vật lý học về sự "chia tay" tiệm tiến giữa trái đất và mặt trăng sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp độ và cao độ của thủy triều trong vài triệu năm sắp tới. Tất nhiên, với niềm lạc quan cao độ về thuyết "sai lầm xoáy trôn ốc" của mình, Nguyễn Hữu Liêm nhất định đã không hề nghĩ đến việc đo đạc khoảng cách giữa các "vòng xoáy trôn ốc" bằng năm ánh sáng (light-year). Thôi thì dùng tạm thế kỷ, hoặc thập kỷ, Liêm nhé?
*
Một trong những thực tế khiến người ta nhức đầu là chế độ cộng sản, như một mũi gai độc, vẫn tồn tại và đất nước do họ lãnh đạo ngày càng trở nên hùng mạnh. Tệ hơn nữa, đã có ngày càng nhiều những than phiền về những thỏa hiệp hoàn toàn dựa trên quyền lợi kinh tế và chính trị giữa "thế giới tự do" và thiểu số cộng sản (như bài viết gần đây của Hoshua Kurlantzick [7] qua ngòi bút dịch thuật của Đinh Từ Thức). Tất nhiên là người ta đang nói về Trung quốc và không chừng cả Việt nam. Đây là một phương cách tệ hại để nhắc nhở chúng ta về khả năng trường tồn của một thể chế lẽ ra không nên tồn tại: toàn trị độc đảng. Thuyết Thực Dụng Mới của Nguyễn Hữu Liêm chấp nhận thực tế này (khả năng tồn tại của cộng sản) và đề ra phương châm “hành động tích cực” nhằm cải tạo guồng máy cai trị của đảng cầm quyền. Cho một tương lai tốt đẹp hơn, anh phát biểu. "… Không mơ mộng ảo tưởng, nhưng cũng không thụ động mỉa mai. Phải dấn thân nhiều hơn cho từng chuyện nhỏ mà mình làm được trong bối cảnh khả thi của từng vấn đề. Tương lai, từ phương pháp dấn thân ‘thực dụng mới’ này, sẽ tự nó hình thành và chắc chắn là phải tốt đẹp hơn."
Đây là một suy nghĩ cao đẹp, và không phải là không hợp lý, nhưng tôi e rằng sẽ lợi bất cập hại. Có ít nhất một số điều vô cùng bất lợi cho Việt nam như là một dân tộc và một quốc gia khi chấp nhận sự tồn tại của đảng cộng sản ở vai trò lãnh đạo. Điều này có nghĩa là những quyết định quan hệ đến vận mệnh đất nước sẽ tiếp tục nằm trong tay một nhóm người mà ngay cả Nguyễn Hữu Liêm cũng phải thừa nhận là đã liên tục mắc phải những lỗi lầm tai hại. Những quyết định hệ trọng thường (nếu không là luôn luôn) được diễn ra trong vòng bí mật, và khi bí mật được hé lộ thì tổn thất đã không còn cứu vãn được nữa (như vụ vẽ lại bản đồ Việt nam chẳng hạn). Từ những sự kiện lịch sử trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt từ những điều đã xảy ra gần đây trong những tranh chấp, va chạm giữa Việt nam và …. kẻ lạ, có thể phát biểu một cách an toàn là sự tồn tại của đảng cộng sản (như là thế lực thống trị độc quyền) chỉ có thể đẩy đất nước ngày càng lún sâu hơn vào quỹ đạo của thiên triều phương Bắc. Chỉ còn là một nhúm nhỏ các nước cộng sản trên thế giới, khuynh hướng túm tụm lại với nhau là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung quốc trên các lãnh vực kinh tế và chính trị trên toàn thế giới, giới lãnh đạo cộng sản Việt nam nhất định sẽ cảm thấy an toàn hơn khi núp bóng vị đàn anh vĩ đại này. Ngoài ra, ôm giữ quyền bính trong tay là phương pháp phòng thân hiệu quả nhất, nhất là khi người ta đã dựa vào chính quyền bính này để làm bậy. Một khi quyền lợi và an toàn bản thân bị đe dọa (vì không còn quyền bính), cái gọi là "tính anh hùng của cách mạng duy ý chí" sẽ bốc hơi trong vài sát na, và thay vào đó là tâm lý sợ bị trừng phạt. Cho nên, trông đợi những bứt phá dũng cảm của đảng cầm quyền để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của thiên triều là điều không tưởng. Để tháo gỡ mối quan hệ bá chủ – chư hầu truyền kiếp này, cần đến ý chí và hậu thuẫn của toàn thể dân chúng, điều chỉ có thể thực hiện được khi quyền góp tiếng của người dân được hiến pháp và chính quyền công khai nhìn nhận và bảo vệ. Điều này vĩnh viễn không thể tìm thấy trong một chế độc độc tài toàn trị.
*
Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ mình khó mà tranh cãi với Nguyễn Hữu Liêm về độ dài của sự tồn tại của đảng cộng sản Việt nam ở vị trí lãnh đạo đất nước. Nguyễn Hữu Liêm nhất định phải tin rằng nó dài lắm, ít nhất cũng đủ dài để thuyết Thực Dụng Mới của anh có thì giờ đơm hoa kết trái. Trong khi không cho phép mình hoài nghi ý định cao đẹp của Liêm trong việc đưa ra một giải pháp tích cực để xây dựng đất nước trong điều kiện cho phép, tôi hy vọng những điều trình bày ở trên có thể giúp chỉ ra những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa anh và tôi. Tôi cũng tin rằng những khác biệt này sẽ không ngăn cản anh và tôi thỉnh thoảng cùng nhau nhấm nháp cafe ở quán Gypsy [8] như đã từng, nếu tình trạng sức khỏe cho phép chúng tôi tiếp tục “travel.” Trong lần “cafe Gypsy” sắp tới, tôi sẽ có một câu hỏi dành cho anh. “Liệu anh sẽ dấn thân tranh đấu cho sự cáo chung của chế độ độc đảng toàn trị ở Việt nam nếu quả thực có một mảy may hy vọng nào đó?” Tôi, vốn ưa thích những điều kỳ diệu, tin là anh sẽ, cho dù cái gật đầu của anh sẽ đánh dấu sự cáo chung của thuyết Thực Dụng Mới. Và để có thêm một điều kỳ diệu, tôi sẽ cố gắng trấn áp lòng hiếu kỳ của mình để không đề nghị anh lên tiếng xác nhận điều này, ở cafe Gypsy, hay ở bất cứ đâu.
02.10.2010
PN
Ghi chú:
*Bài đã đăng trên Talawas: http://www.talawas.org/?p=16202