Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Ngày Đầu Tiên Của Mùa Xuân

1995

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng cuối Đông. Bây giờ đã là đầu tháng Hai dương lịch, nhưng ở đây mùa Xuân chỉ bắt đầu từ cuối tháng Ba. Sương mù còn vướng vất trên những tàng cây trơ trụi, và những cọng cỏ ướt mèm run rẩy gượng dậy đàng sau gót giầy của ông. Ông đi qua chiếc băng đá có cô gái tóc ngắn trong chiếc áo lạnh màu xám đang ngồi đọc sách, khẽ nghiêng đầu nhìn cô, chân bước đều. Cô gái không hề ngẩng đầu lên. Cô đang bận đọc sách.

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng đầu tháng Hai. Trời rất lạnh, cũng lạnh như buổi sáng hôm qua. Một con chim lông đen mỏ vàng đứng im lìm trên cành cây trơ trụi. Cô gái tóc ngắn trong chiếc áo lạnh màu xanh lá cây ngẩng đầu nhìn lên khi người đàn ông đi ngang qua chiếc băng đá. Người đàn ông tiếp tục tiến về phía trước, những cọng cỏ ướt mèm rạp xuống dưới gót giầy của ông. Cô gái cúi xuống trang sách đọc dở dang. Khi cô ngẩng đầu nhìn lên một lần nữa, người đàn ông lại xuất hiện trong tầm nhìn của cô. Ông đứng cách cô chừng năm thước, cặp mắt dán chặt vào cô, khuôn mặt buồn thảm và bối rối. “Cô giống một người tôi quen. Giống quá chừng!” Ông nói bằng thứ tiếng Anh cứng nhắc, mang nặng âm sắc của dân Á Đông. Một bên chân mày của cô gái nhướng lên thay cho câu trả lời. Tất nhiên là người đàn ông có thể đoán được ý nghĩa của nó. Ánh mắt ngần ngừ một giây trước khi rời khỏi khuôn mặt cô gái, người đàn ông quay lưng bước đi. Có tiếng nói đuổi theo từ phía sau, “Người quen của ông tên gì?” “Ngọc Hồi.” Cụm từ “Ngọc Hồi” chỉ có thể phát âm đúng với tiếng Việt. Có tiếng chân đuổi theo người đàn ông từ phía sau.

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng đầu tháng Hai. Bầu trời sáng hơn và không gian ấm áp hơn ngày hôm qua. Những cọng cỏ đẫm sương hân hoan vươn dậy đàng sau gót giầy của ông. Ông dừng lại ở chiếc băng đá có cô gái tóc ngắn trong chiếc áo len màu đỏ đang ngồi đọc sách. Cô ngước lên nhìn ông, khép sách lại và nhấc chiếc túi đeo lưng bỏ xuống chân. Ông đến ngồi cạnh cô và bắt đầu kể chuyện. Ngày hôm qua ông đã hứa sẽ kể cho cô nghe chuyện của Ngọc Hồi.


1970

Chiếc cầu khỉ gồm hai khúc tràm lớn bằng bắp chân bắc ngang qua con rạch. Chúng gặp nhau ở giữa lòng rạch, nơi hai khúc tràm khác mọc lên từ đám sình lầy xám xịt bắc chéo nhau. Lúc nãy người lính trẻ đã đi qua chiếc cầu một lần, và vẫn còn ngơ ngác không hiểu vì sao anh đã có thể làm được điều đó! Anh đặt chân trái lên khúc tràm nhầy nhụa bùn đất, ướm thử. Rồi đến chân phải. Rồi lại chân trái. Hai tay vung vẫy trên không trung, thân hình xiêu vẹo khi thì bên này, khi thì bên kia, anh lần mò ra đến khoảng giữa chiếc cầu. Bước kế tiếp, chiếc giày “sô” trượt đi trên lớp da tràm trơn trợt làm người anh chúi về một bên. Chính vào lúc anh đang vặn vẹo toàn thân để lấy lại thăng bằng, tiếng cười chợt nổi lên từ phía sau. Tiếng cười trong veo như tiếng những thanh kim loại của chiếc phong linh chạm vào nhau trong gió chiều. Anh ngoái đầu nhìn lại, và chính động tác này làm anh chới với. Người anh rơi tỏm vào lòng rạch, và trong một giây, anh nghĩ mình sẽ chết mất. Đám sình non xám xịt lún xuống dưới sức nặng của cơ thể anh, một mớ sình khác bắn tung lên và rơi xuống người anh. Những con thòi lòi mắt thô lố hoảng sợ nhảy tung lên. Và giọng cười lại nổi lên, trong veo như tiếng phong linh. Anh nằm thênh thang trong lòng con rạch cạn nhìn lên chiếc cầu khỉ. Và anh thấy cô gái. Một tay ôm cặp và đôi dép, tay kia túm hai vạt áo dài trắng và hai ống quần đen, chắc là để khỏi dính bùn, cô thoăn thắt qua cầu. Cô bặm môi, thoăn thoắt qua cầu. Anh lính trẻ nằm trong trong lòng rạch cũng bặm môi, ngẩn ngơ! Buổi tối về lại nơi trú quân, anh vẫn còn ngẩn ngơ. Ngày hôm sau, anh vẫn còn ngẩn ngơ. Buổi chiều anh ra bên đò chờ chuyến đò có cô gái tóc “bôm bê” mặc áo dài trắng đi học về. Không có cô gái mặc áo dài trắng nào đi học hôm ấy. Anh lính trẻ ngẩn ngơ quên mất trường quận đóng cửa ngày Chủ Nhật!

Người lính trẻ chưa quen trận mạc, vẫn còn run mỗi lần đụng trận ở vùng cao nguyên đất đỏ, nơi anh được điều thẳng về từ quân trường. Anh theo đơn vị rời chiến trường cao nguyên về trú quân ở vùng này chỉ mới mấy hôm. Ở đây mỗi đêm khi nhìn qua bên kia sông Nhà Bè, anh có thể nhìn thấy vừng ánh sáng phía trên thành phố Sài Gòn. Nhưng anh chưa vội về đó. Anh còn phải tìm gặp cô gái có tiếng cười trong veo trước đã.

Ngày hôm sau có lệnh hành quân. Cả đại đội bì bỏm lội qua mười mấy con rạch, chui vào khu rừng ngập nước bịt bùng, thân thể trầy trụa vì những bụi dây mây đầy gai, da thịt nổi đầy mẫn đỏ vì vết cắn của lũ kiến vàng cao cẳng, miệng đắng chát vì những trái bần non, mắt lờ đờ vì thiếu ngủ, những ngón tay ngón chân tóp lại vì úng nước. Và cứ như thế cả tuần lễ. Đêm nằm còng queo trên chiếc võng mắc giữa hai cây bần, ngắm những đốm hỏa châu vàng vọt thắp sáng những tàng lá trên cao của khu rừng ngập nước, nghe âm thanh của tràng súng liên thanh vu vơ vọng về từ một nơi chốn khác, người lính trẻ nghĩ hoài về cô gái, bặm môi thoăn thoát qua cầu.

Một ngày sau cuộc hành quân, người lính trẻ lại ra bến sông tìm cô gái. Anh nhận ra dáng cô, tóc bôm bê, áo dài trắng, ngay từ lúc con đò chưa tới bến. Anh lẽo đẽo theo cô trên con đường đất dẫn về nơi anh nhìn thấy cô lần đầu, hân hoan quan sát cử chỉ quýnh quáng của cô. Anh đoán cô đang bặm môi, không phải để nín cười mà để nín … khóc. Lúc cô cúi xuống lột đôi dép và túm lấy vạt áo dài sửa soạn bước lên chiếc cầu khỉ, người lính trẻ vượt lên án ngữ lối đi của cô. Anh đã quyết định sẽ làm quen với cô ngay tại chỗ này. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt có đôi mắt thật tròn và những chiếc răng cửa trắng bóng đang cắn vào phần môi dưới mềm mại, anh quên hết điều mình muốn nói. Anh nhận ra mình đang … run, run còn hơn cả lần đầu tiên viên đạn trái phá 82 ly bay xè xè trên đầu và nổ tung đàng sau anh chừng hai mươi thước. Run hơn cả lúc cơ thể người bạn bên cạnh bật tung ra phía sau, đập vào bức tường đất đỏ ẩm ướt của cái giao thông hào, và ngoài kia lố nhố những bóng người, tiếng súng, tiếng gào thét man rợ lẫn trong tiếng mưa cao nguyên rả rích. Rồi anh chợt nhận ra cô gái cũng đang … run không kém gì mình. Điều này làm anh cảm thấy … bớt run. Sau cùng anh cất tiếng nói, “Cho tôi qua cầu trước, có gì còn được nghe lại tiếng cười hôm nọ.” Đã hai mươi lăm năm trôi qua kể từ phút đó, và người đàn ông không nhớ mình đã từng nói với ai khác một lời tình tứ như vậy. Lúc bấy giờ, anh hai mươi tuổi, và Ngọc Hồi mười bảy.

Những ngày tháng sau đó, người lính trẻ lòng vui như mở hội. Những ngày không bận hành quân, anh ra bến sông đón Ngọc Hồi. Rồi những lần cùng Ngọc Hồi lang thang ở chợ quận, tấm ảnh đen trắng hai đứa chụp chung trong cái tiệm chụp hình nhỏ xíu. Những lần phóng xe “Honda” trên những đường phố chật chội của Sài Gòn. Và những lần cùng Ngọc Hồi đi qua cầu khỉ. Anh không còn sợ chiếc cầu khỉ nữa, anh đã quen rồi. Và anh không cần phải nhảy xuống lòng con rạch đầy sình non để được nghe giọng cười trong veo của cô. Nhưng anh vẫn mê mẩn mỗi khi quay lại nhìn cô túm vạt áo dài, bặm môi thoăn thoắt qua cầu.

Mỗi sáng Chủ Nhật anh theo hai mẹ con Ngọc Hồi đi lễ nhà thờ. Anh tập làm dấu thánh giá và nói “Amen,” cho dù anh không có ý định theo đạo. Anh chỉ muốn có nhiều cơ hội gần gũi Ngọc Hồi. Ở xã Phước Khánh này, hai mẹ con thím Nhẫn là những người duy nhất ở phía bên kia con rạch theo đạo Chúa. Những gia đình còn lại đều theo đạo Phật. Có cả một ngôi chùa khá lớn ở bên đó. Bên này con rạch là một ngôi nhà thờ khang trang. Dân chúng hai bên con rạch qua lại chuyện trò với nhau vui vẻ. Nhưng chắc là họ không muốn làm sui gia với nhau. Thím Nhẫn lấy chồng lúc còn trẻ. Nhất định hai người phải thương nhau ghê gớm và cương quyết ghê gớm mới lấy được nhau. Gia đình bên chồng thím theo đạo Phật. Thím theo chồng về bên kia con rạch nhưng vẫn băng qua chiếc cầu khỉ mỗi tuần đi lễ nhà thờ. Mấy năm sau, chú Nhẫn bỏ đi mất tăm lúc Ngọc Hồi mới thôi nôi. Thím Nhẫn mỗi tuần lại ẳm con đi qua chiếc cầu khỉ chênh vênh đi lễ nhà thờ. Đã mười mấy năm như vậy.

Thím Nhẫn là một người đàn bà duyên dáng, chưa đến bốn mươi. Lúc người lính theo Ngọc Hồi về gặp mẹ cô, thím Nhẫn đang hoài thai hơn sáu tháng. Đã có nhiều lời đàm tiếu ở cả hai bên con rạch về “biến cố” này. Một người ngoan đạo, đức hạnh như thím Nhẫn mà lại như thế thì thực không ai hiểu nổi. Nhất là chẳng ai biết được tác giả của cái bào thai đó là ai. Có người cho rằng chính là một trong những người lính thuộc một đơn vị đã đến đóng quân tại đây sáu tháng trước. Điều này đúng hay sai chỉ có thím Nhẫn biết mà thôi. Mà thím thì không hề hở môi. Có lần đang giúp Ngọc Hồi chẻ củi sau vườn, người lính nhìn thấy thím đứng ở nhà bếp xoa xoa khoảng bụng tròn vo cười dịu dàng. Rõ ràng là thím Nhẫn không có vẻ gì buồn phiền về chuyện tai tiếng của mình.

Vào một đêm mà người lính sẽ không bao giờ quên, bí mật về cái bào thai của thím Nhẫn được bộc lộ. Đêm máu me. Đêm tử biệt. Đêm banh da xẻ thịt. Đêm luân hồi.
Vài hôm sau đó, người lính cùng đơn vị rời Phước Khánh. Anh chưa một lần quay trở lại. Như vậy đã hai mươi lăm năm!


1995

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng tháng Hai. Chiếc băng đá nơi cô gái tóc ngắn vẫn ngồi đọc sách hôm nay trống trơn. Khi đến gần hơn nữa, người đàn ông nhận ra chiếc băng đá không thực sự trống trơn. Có một chiếc phong bì màu trắng khổ lớn nằm ở đó. Phong bì khá nặng. Ngoài lá thư, còn có sợi dây chuyền mặt trái tim bằng nhựa màu hồng đã sờn cũ. Sợi dây đeo màu trắng xám chính là sợi dây đã có lần lồng vào hai tấm thẻ bài có khắc số quân của ông. Ông đã không còn nhớ số quân của mình.

“Cho đến bây giờ em vẫn không biết mình nên xưng hô với ông thế nào cho phải. Thôi thì em tiếp tục gọi ông bằng … ông như mấy hôm nay vậy. Trong những ngày qua, ông chưa hề hỏi đến tên em, cho nên em cũng không có cơ hội để hỏi tên ông, cho dù điều này thực ra không cần thiết. Em nghĩ em biết vì sao ông ngại ngần không muốn biết tên em. Nếu hỏi, có lẽ ông đã có được một ngạc nhiên thích thú.”

“Bây giờ thì nhất định là ông đã đoán ra em là ai, nhờ vào món quà mà ông đang cầm trong tay. Ông biết không, món kỷ vật đó và em không rời nhau mười lăm năm nay. Em đã tưởng rằng nó sẽ là của em, mãi mãi. Em đã lầm, nó là của ông và chị Ngọc Hồi. Bây giờ thì nó lại thuộc về ông, và em không nên gặp ông nữa! Bởi vì nếu không xa ông thì em sẽ yêu ông mất thôi. Mà như vậy thì sẽ không công bằng cho em.”

“Ông đã không hỏi tên của em chỉ vì ông muốn em cứ phải là Ngọc Hồi của ông mà thôi. Ông còn nhớ đã trả lời câu hỏi của em ‘Nếu ông chỉ ước được mỗi một điều, ông sẽ ước gì?’ Lúc đó ông bảo chỉ muốn được nằm thênh thang trong lòng con rạch bùn lầy, nhìn nắng chiều viền mái tóc bôm bê của cô gái đang bặm môi thoăn thoắt qua cầu. Cái ước mơ đẹp quá, dễ thương quá. Em thực sự cảm động, và trong cùng một lúc, đau lòng. Cái kỷ niệm đáng yêu đó chỉ thuộc về ông và chị Ngọc Hồi. Em không được can dự vào đó, cho dù ông đã là một phần quen thuộc của đời em từ mười lăm năm nay. Chính tay mẹ em đã đeo vào cổ em sợi dây chuyền có hình của chị Ngọc Hồi và ông vào năm em mười tuổi, một tuần lễ trước ngày em theo gia đình ông bác xuống tàu vượt biên. Ông biết không, từ lúc còn bé xíu em vẫn mơ được làm chủ món kỷ vật xinh xắn này. Em thường lén mẹ lấy nó xuống (mẹ đặt nó bên cạnh tấm hình phóng lớn của chị Ngọc Hồi trên bàn thờ gia đình), săm soi hình ảnh của chị ấy và ông trong chiếc mặt giây chuyền hình trái tim. Cứ như vậy, em lớn dần với mối tình của hai người, qua sợi dây chuyền và những lời kể của mẹ. Ngay cả bố em cũng biết chuyện của chị Ngọc Hồi và ông nữa!”

“Mà em nói lung tung, chắc làm ông bực mình hở? Chắc ông cũng muốn biết chuyện gì đã xảy ra kể từ lúc ông theo đơn vị rời đi. Hết chiến tranh thì bố em về. Lúc đó em mới có năm tuổi. Bố có vẻ vui lắm, cười lớn, nói lớn. Mỗi Chủ Nhật bố bế em dắt mẹ qua chiếc cầu khỉ đi lễ nhà thờ. Bố không vào (tại nhà bố theo đạo Phật), bố đi loanh quanh rồi vòng lại vào lúc tan lễ. Bố đi cầu khỉ giỏi lắm, không như ông đâu! Thỉnh thoảng mẹ hay nhắc lại chuyện chị Ngọc Hồi đi học về kể lại thấy có ông lính lọt xuống rạch trông buồn cười lắm. ‘Mấy hôm sau cái ông lính lọt xuống rạch ấy cả gan theo Ngọc Hồi về tận nhà cơ đấy!’ Mẹ than thở với nụ cười bâng khuâng. Em lại lạc đề nữa rồi!”

“Những năm về sau bố không còn cười nói lớn tiếng nữa. Bố im lìm, lúc nào cũng có vẻ tư lự. Bố dắt mẹ và em đi thăm chị Ngọc Hồi. Bố thắp nhang cầu nguyện thực lâu. Rồi bố khóc. Bố nói nếu đêm hôm đó bố ở lại lo cho mẹ sinh nở thì chị Ngọc Hồi đã không chết! Tại bố lo hàng xóm kéo tới bố sẽ lộ tung tích nên vội vàng ra đi lúc mẹ bắt đầu trở dạ. Đâu ngờ toán trinh sát của đơn vị ông nằm phục cả đêm chờ bố ra! Rồi tiếng quát tháo, rồi tiếng súng vang rền giữa khuya… Bố khóc rưng rức, cũng tại bố cả, cũng tại bố cả … Mẹ cũng khóc sụt sùi. Đêm kinh hoàng. Mẹ lăn lộn đau đớn trên giường, bất lực nhìn chị Ngọc Hồi tung cửa chạy ra… Loạt đạn vô tình quật chị ngã xuống. Bố đã biến mất. Tiếng súng ngưng. Mẹ lết ra cửa, chết điếng.”

Người lính không chết điếng. Anh thy đau. Trái tim anh đau nhói. Anh ph phc trên cơ th còn nóng hi ca Ngc Hi, tay đè lên l thng ngc cô t đó máu vn a ra không ngt. Si dây chuyn mặt hình trái tim dính đy máu… Người anh dính đy máu. Ngc Hi tm trong vũng máu ca chính mình. Thím Nhn cũng chy máu. Gia hai đùi.

“Một hôm bố không về. Rồi hai hôm, rồi cả tuần lễ. Có người đến bảo mẹ bố bị bắt giam rồi. Mẹ dắt em lặn lội đi tìm bố, cuối cùng rồi cũng gặp được. Về nhà mẹ khóc thầm rồi bảo em mẹ sẽ lo cho em về ở với gia đình bác Hai. Bác Hai cùng vợ con đi Mỹ sáu bảy năm rồi! Em khóc đòi mẹ đi theo nhưng mẹ bảo mẹ muốn ở lại trông nom cho bố rồi qua gặp em sau. Năm đó em đúng mười tuổi. Em không còn bao giờ được gặp lại bố nữa. Năm em mười lăm tuổi, bố mất. Phải đợi thêm bảy năm nữa em mới mang được mẹ qua Mỹ. Mẹ em nay đã già yếu, cứ mong em lập gia đình cho mẹ yên tâm. Em bảo mẹ em muốn học cho xong, có nghề nghiệp vững chắc rồi mới tính đến hôn nhân. Thực ra, đó chỉ là cái cớ.”

“Ngay từ nhỏ, mọi người đã bảo em giống chị Ngọc Hồi như khuôn đúc. Từ dung mạo, cử chỉ, cho đến tiếng nói giọng cười. Ngay cả cái tên cũng giống nhau. Em đã bảo nếu ông hỏi tên em, chắc ông sẽ có được một ngạc nhiên thích thú mà. Mẹ bảo mẹ chưa hề mất đứa con nào, mẹ chỉ có một đứa con gái tên là Ngọc Hồi! Khi đủ khôn lớn, em cho rằng mẹ muốn nói là ngay cả cuộc chiến tàn khốc ngày xưa cũng không thể hủy diệt được mầm sống mà mẹ đã tạo ra. Càng lớn, em càng giống cô gái tóc bôm bê trong tấm hình lộng trong mặt dây chuyền hình trái tim mà em vẫn ngắm nghía mỗi ngày. Cho đến một lúc nào đó, em trở thành cô gái ấy, tươi cười bên cạnh người lính em chưa hề gặp gỡ. Thực ra thì đã có ‘gặp,’ nhưng lúc đó em chỉ là một hài nhi sơ sinh trong vòng tay của mẹ, và tất nhiên là em không nhận biết gì lúc người lính nghiêng người trên giường sản phụ đặt lên ngực em sợi dây chuyền còn dính những giọt máu từ thân thể của người chị xấu số. Chi tiết này mẹ kể cho em nghe từ nhỏ, nhưng chỉ cho đến khi trở thành một thiếu nữ em mới bắt đầu bận tâm. Tại sao người lính đã làm như vậy, em vẫn tự hỏi. Phải chăng anh ấy muốn nhờ em giữ hộ mối tình của chị Ngọc Hồi? Ý nghĩ này thực sự làm em sợ hãi và cùng lúc, xao xuyến! Em thương tiếc cuộc tình đau thương mà vô cùng đẹp đẽ mười bảy năm trước và không muốn nó chết đi. Em đánh thức cuộc tình và cho nó tiếp tục với em — em và người lính và sợi dây chuyền mặt trái tim.”

“Trong những năm tháng sau này, em thỉnh thoảng cũng mong gặp được ông. Bây giờ em hối hận là chúng ta đã gặp nhau! Ông không còn là người lính trẻ mà em đã quen biết (và thương yêu) bấy lâu nay. Ông già đi, điều này em có thể chấp nhận được. Ông dày dạn phong trần, ông u sầu trầm mặc. Em không lo lắm. Em nghĩ mình có thể mang lại niềm vui cho ông. Nhưng còn hai mươi lăm năm qua, quãng thời gian dài bằng cả cuộc đời em, ông đã làm gì? Ông đã yêu thương những ai? Em không biết và cũng không muốn biết. Nhưng cái quá khứ dài đằng đẵng đó có thực. Của riêng ông, và chắc chắn không có em trong đó! Ông ơi, ông không phải là người lính của em! Mà bây giờ cả người lính của em cũng đi rồi. Em đã trả người lính lại cho ông rồi đó.”

“Thôi chào ông em đi…”
“Ngọc Hồi”

2000

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng đầu tháng Ba. Bầu trời trong xanh, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Ông hướng về phía thư viện. Chiếc băng đá mà ông sẽ đi ngang qua mỗi buổi sáng vẫn trống trơn. Trái tim ông đập hụt đi một nhịp. Trái tim ông vẫn đập hụt một nhịp như thế mỗi khi ông đi ngang qua chiếc ghế đá trống trơn. Không có cô gái tóc ngắn ngồi đọc sách ở đó. Đã năm năm, và trái tim ông đã đập hụt bao nhiêu nhịp?

Người đàn ông băng ngang sân trường Đại học một buổi sáng tháng Ba. Chiếc ghế đá trống trơn. Trái tim ông lại đập hụt một nhịp. Rồi lại một nhịp nữa. Mắt ông hoa lên. Hình như có ai đó bặm môi thoăn thoắt qua cầu. Lại hụt một nhịp nữa. Và có ai đó trên chiếc băng đá cúi đầu đọc sách. Và trái tim của người đàn ông hụt tất cả các nhịp còn lại. Ông ngã xuống. Phía trên chiếc băng đá trống trơn, những nụ lê hoa năm cánh màu trắng nhú ra từ phía sau những chiếc lá xanh non.

Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa Xuân.

Phùng Nguyễn
viết: tháng giêng 1999
xem lại: tháng tám 2007

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)