Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Huyền Thoại – Phần I: Người Đàn Bà Phía Bên Kia Đường

Phần I: Người Đàn bà Phía Bên Kia Đường

(cập nhật 12.02.2009 – bởi tác giả)

Tiểu luận "Nạn Nhân," đóng góp đầu tiên của tôi cho chủ đề "Nghệ Thuật & Chính Trị" của tạp chí văn chương Da Màu, được chiếu cố khá tận tình. Có khích lệ, và tôi cảm kích điều này. Có phản đối, và tôi cũng cảm kích điều này. Có chửi rủa, lăng mạ, và tôi không cảm kích điều này.

Bài viết này, "Huyền Thoại," là đóng góp thứ hai của tôi cho cùng một chủ đề, nhưng không nhất thiết giới hạn chung quanh FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng và những sự kiện tương tự trong quá khứ. Bài viết có tham vọng đi xa hơn trong việc phân tích và đánh giá những hiện tượng bề mặt đã được chạm đến phần nào trong "Nạn Nhân" cùng với một số vấn đề khác mà tôi cho rằng rất quan trọng và rất cần thiết cho việc làm hẹp lại cái hố sâu đang ngăn cách các thế hệ khác nhau của tập thể người Việt tị nạn cộng sản ở Hải ngoại.

Từ thư riêng cũng như các bình luận/phản hồi trên bàn tròn "Văn nghệ & Chính trị" của tạp chí Da Màu và một số diễn đàn bạn trên hệ thống Internet, tôi có cảm giác là một số bạn đọc và thân hữu vẫn chưa "thấy" được vị trí  người viết đã chọn lựa khi viết "Nạn Nhân." Xin phép minh định một lần nữa trước khi bước vào phần chính của "Huyền Thoại."

1. Phùng Nguyễn chống biểu tình?

Xin đọc lại từ Nạn Nhân: Người viết bài này, trong khi hoàn toàn KHÔNG tán thành mục tiêu của cuộc biểu tình, tin rằng nhóm người này có quyền bày tỏ tư tưởng, nguyện vọng, và ngay cả cảm xúc của mình một cách công khai,  ôn hòa, và hợp pháp.

Nghĩa là tôi chỉ chống lại những hình thức bạo động và vi phạm luật pháp nhân danh bất cứ điều gì, điều mà một cách đáng tiếc đã xảy ra trong cuộc biểu tình chống VAALA và các giám tuyển trong tháng Giêng 2009 vừa qua.

2. Phùng Nguyễn bênh/chống VAALA và giám tuyển của cuộc triển lãm FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng?

"Nạn Nhân" được viết ở vị trí của một quan sát viên, không phải người trong cuộc,  nên không có chuyện bênh hay chống. Những nhận xét khách quan của tôi khiến một số người cho rằng tôi đã bất công và ngay cả khắc nghiệt với VAALA và các giám tuyển khi phản bác nhận định của Lan Dương là cuộc triển lãm đã đạt được một số thắng lợi nhất định. Hơn thế nữa, tôi đã khẳng định rằng "Thất bại thuộc về ban tổ chức cuộc triển lãm FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng, VAALA và quý vị giám tuyển."

Tuy nhiên, kết luận tôi đưa ra ở trên KHÔNG có nghĩa là tôi phản đối tinh thần và mục đích tốt đẹp của cuộc triển lãm. Trái lại, tôi ủng hộ mục tiêu mở ra những đối thoại chân thành, cởi mở, và tương kính trong nội bộ cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản của FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng, đặc biệt giữa các thế hệ già trẻ, và tôi hy vọng VAALA sẽ không thối chí vì thất bại vừa qua. Tôi mong họ và các nhóm bạn trẻ khác sẽ tiếp tục những sinh hoạt nghệ thuật tương tự với cách tổ chức hoàn thiện hơn trong đó những tác phẩm nghệ thuật "nhạy cảm" sẽ tiếp tục được trưng bày.

3. Có đến 2 Phùng Nguyễn, một ở "đây" và một ở talawas.

Bình luận ở trên ám chỉ điều mà độc giả Vô Sắc trên DCVOnline nói ra một cách khá rõ: "Tôi thật bất ngờ và không hiểu nổi tâm trạng ông Phùng Nguyễn, khi đọc bài viết này trên trang damau.org mấy ngày trước. Bài viết thể hiện nhiều mâu thuẫn về quan điểm và thái độ chính trị trong con người tác giả."

Trước hết, tôi không thực sự lo ngại về việc người khác đánh giá "thái độ chính trị" nếu có của mình, không phải vì tôi không trân trọng những nhận định này mà chính vì tôi… bất lực, không làm gì được. Phán xét, dựa trên tri thức, kiến thức, và kinh nghiệm sống của mình là quyền tối thượng của người đọc. Ở một bài viết, "Nỗi Loay Hoay của Lữ Phương,"  tôi được ông Trần Văn Trạng tặng cho cái nón sắt "chống cộng cực đoan." Ở "Nạn Nhân," tôi được nhà văn Nguyễn Viện, và không chỉ riêng ông, tặng cho cái nón cối rực rỡ "làm lợi cho cộng sản." Và có vẻ như những món quà  tương tự từ cả hai phía sẽ được tiếp tục  gởi đến với nhịp độ chóng mặt vì chính bài viết "Huyền Thoại" này. Trong một khung cảnh như vậy, điều duy nhất tôi có thể làm được là tạo điều kiện thuận lợi cho quý độc giả nào muốn có cơ hội thẩm định một cách độc lập về vị trí của người viết và có hay không sự nhất quán trong các bài tiểu luận đã đăng tải, kể cả “Huyền Thoại,” bài viết này.

Trong số những bài viết liên quan đến nỗ lực đối thoại một cách nghiêm chỉnh và chân thành với ước vọng giúp thay đổi những định kiến thiên lệch, những ngụy tín độc hại, những "nọc độc văn hóa" tôi đã ấn hành có thể kể đến "Đọc ‘The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction’ của Nguyễn Bá Chung," "Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa," và "Nỗi Loay Hoay của Lữ Phương." Ở đây, bởi vì không phải là trọng tâm của bài viết, tôi sẽ không đi vào chi tiết các bài tiểu luận này cũng như những phản ứng chung quanh chúng. Những người có ý định muốn tự mình tìm hiểu về quan điểm cũng như sự nhất quán [hay không nhất quán] của tác giả, xin vui lòng đọc các bài viết đã nêu, và nếu cần, những bài viết/bình luận liên hệ. Chỉ có một yêu cầu, đọc cho hết mỗi bài trước khi rút ra kết luận cho chính mình. Người viết sẽ rất hân hoan đón nhận phê bình, góp ý từ bạn đọc.

*

Trong bài viết này, cụm từ "cộng đồng" sẽ được đề cập thường xuyên. Đây là điều không thể tránh được. Để giảm thiểu nhầm lẫn hoặc hiểu sai ý nghĩa của cụm từ, xin đề nghị qui ước sau: cộng đồng hoặc cộng đồng tị nạn (không nằm trong ngoặc kép) sẽ được dùng để chỉ tập thể người Việt tị nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới và từ "cộng đồng" (trong ngoặc kép) xin được dùng để chỉ một nhóm hoặc bộ phận nhỏ của cộng đồng và thường mang tính địa phương, cục bộ. Theo qui ước này, "cộng đồng Bolsa" được dùng để chỉ tập thể người Việt tị nạn ở khu phố Bolsa, Nam California, Hoa Kỳ và vùng phụ cận (còn được gọi là "thủ đô tị nạn"). Ngoài ra, tùy theo nhu cầu diễn đạt, "cộng đồng" (trong dấu ngoặc kép) có thể được sử dụng để chỉ một bộ phận đặc thù và nhỏ hơn nữa, thí dụ như cái "cộng đồng" đại diện bởi một nhóm người sở hữu chiếc xe vận tải nhỏ có trang bị dàn máy treo cổ hình nộm của "kẻ thù" nằm trong "cộng đồng Bolsa" vốn đến lượt nằm trong cộng đồng.

Trong "Huyền Thoại," gồm hai phần, xin phép được chia sẻ cùng bạn đọc suy nghĩ của tôi về một số vấn đề không phải chỉ nảy sinh từ mà còn nổi cộm lên [một lần nữa] nhân sự kiện FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng và một phần nào đó, bài tiểu luận "Nạn Nhân."

Một trong những lập luận phổ biến nhất, hùng hồn nhất, và đầy tính [tự] thuyết phục nhất cho thái độ im lặng là "không nên làm lợi cho cộng sản." Lập luận này phần đông nhận được qua điện thoại, email riêng từ một số thân hữu, bạn bè trong và ngoài giới viết lách. Tôi vốn đã từ lâu không hề tin rằng mục đích của việc chỉ trích một cách xây dựng  những điều xấu/tệ nạn của một nhóm nhỏ trong một tập thể lớn là để làm lợi cho bất cứ ai khác ngoài chính tập thể này. Tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những lập luận tương đối “nghe được” để tự thuyết phục mình là quả thật có một khả năng "làm lợi cho cộng sản" như vậy. Cho đến bây giờ, trong khi còn xa với “nghe được,” tôi chỉ nhận được lập luận hiếm hoi dưới đây từ một người bạn đã bỏ công sưu tầm và gởi đến đóng góp:

"Lên tiếng" phản đối cộng đồng là một cách xác nhận/phô bày cho cộng sản thấy là có chia rẽ trong nội bộ, khiến cộng đồng yếu đi và do đó cộng sản sẽ mạnh lên. Im lặng là… vàng, và sẽ làm cộng sản… tưởng rằng chúng ta là một khối đại đoàn kết, muôn người như một, trên dưới một lòng chống cộng. Như vậy chúng ta sẽ mạnh lên, và cộng sản sẽ yếu đi.

Tất nhiên là lời lẽ có thể thay đổi chỗ này chỗ nọ vì tam sao thất bổn, nhưng ý chính mà toàn bộ sức nặng của huyền thoại, vâng, huyền thoại, “làm lợi cho cộng sản” là như thế, hoàn toàn dựa trên nguyên tắc “lấy bàn tay che mặt trời.”

Trước khi ngay cả tìm cách chứng minh ngược lại, nghĩa là không phải "lên tiếng" mà chính "im lặng" mới là làm lợi cho cộng sản, tôi xin được phép đưa ra một vài quan sát nhỏ về “lý thuyết” này. Trước hết, “nó” dựa trên cơ sở là nếu không nói ra thì không ai biết nội tình của cộng đồng. Bên cạnh sự ngờ nghệch và ấu trĩ của cơ sở lý luận nêu trên, đây còn là một sỉ nhục cho cộng đồng bởi vì tiền đề của lập luận này cho rằng cộng đồng sinh hoạt dựa trên sự dối trá, che đậy, những điều đi ngược lại với sự lương thiện của tuyệt đại đa số thành viên cộng đồng. Ngoài ra, những người ủng  hộ lập luận này hoặc là ngây thơ hoặc là ngây thơ cụ, cho rằng phải cần đến những bài viết tương tự như “Nạn Nhân” mới khiến cho người cộng sản có thể nhìn thấy sự rạn nứt/chia rẽ trong cộng đồng. Thực vậy sao? Trước khi bài viết của tôi xuất hiện trên tạp chí Da màu, tin tức về FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng và phản ứng của "cộng đồng" đã nằm chễm chệ trên LA Times, OC Register, BBC, và nhiều cơ sở truyền thông chính mạch khác. Những nơi này, bằng cách phản ánh trung thực những diễn tiến trong cuộc triển lãm FOB II: Nghệ thuật Lên tiếng, và cùng với những sự kiện tương tự từng xảy ra trong những năm tháng trước đó, đã vẽ ra một hình ảnh vô cùng bất lợi cho  cái khối "toàn bích, muôn người như một" gọi là cộng đồng này. Đây là cái hình ảnh mà Lan Dương đã đề cập, "faceless and fanatical," quá khích và không đáng kể! Thêm vào đó, những website chống cộng cực đoan với những hô hào cổ động vung vít về những "chiến công" rực rỡ tương tự "chiến công" của Lý Tống đã một cách hăng say cung cấp bằng chứng cho giới truyền thông chính mạch để họ có lý do củng cố những nhận định vô cùng bất công và vô cùng bất lợi cho tập thể người Việt tị nạn cộng sản ở Hải ngoại. Không hề thấy một cuộc biểu tình nào của "cộng đồng" trước cửa các cơ quan truyền thông chính mạch để buộc họ thay đổi cách nhìn thiên lệch, nông cạn, và vơ đũa cả nắm của họ. Không hề có những khuyên can, những cảnh báo, những biện pháp kỷ luật của cộng đồng đối với những phần tử quá khích làm xấu mặt tập thể này. Chỉ có  những chiếc nón cối bay phấp phới giữa phố Bolsa hướng về phía những người thực sự muốn thay đổi cái hình ảnh và tai tiếng không mấy tốt đẹp của cộng đồng.

Với một vài người bạn thân mến đã chân thành khuyên tôi đừng "làm lợi cho cộng sản," thử làm một vụ đánh cá nho nhỏ. Nếu quả thực tiểu luận “Nạn Nhân” và bài viết này, “Huyền Thoại,” làm lợi cho cộng sản, điều tự nhiên là nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không bỏ qua  cơ hội phổ biến rộng rãi trong cả nước để tuyên truyền về những tiêu cực, chia rẽ trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Hải ngoại. Quý bạn có thể cho tôi biết cả hai bài viết này sẽ xuất hiện ở đâu trước, trên trang chính nhật báo Nhân Dân hoặc trong tạp chí lý luận Cộng Sản? Hoặc chí ít trên Tuổi Trẻ? (Nếu bạn đọc xem chuyện đánh cá trên đây là "đề nghị" của tôi gởi đến cơ quan trách nhiệm thông tin báo chí trong nước thì cũng không xa sự thật bao nhiêu). Tôi cho rằng giỏi lắm thì một vài câu chữ trong hai bài viết này sẽ được cắt xẻ, gọt đẽo, lôi tuột ra khỏi toàn bộ ngữ cảnh của chúng để chứng minh cho một số luận điểm mang tính tuyên truyền của một số ngòi bút ăn lương nhà nước. Trong trường hợp đó, bởi vì không muốn làm lợi cho cộng sản, quý bạn cần thiết phải giúp cộng đồng và tôi bằng cách chỉ ra cho và đề nghị độc giả đọc toàn bộ các bài viết này trên tạp chí Da Màu, và chỉ cần có thế thôi!

Nói chung, cái nón cối "làm lợi cho cộng sản" trông rất giống cái lưới cá "phản động/làm lợi cho kẻ thù" mà chính quyền Việt Nam đã và đang sử dụng.  Chính là đảng cộng sản, với súng đạn, với công an chìm công an nổi, đã và đang tiếp tục dập tắt những nỗ lực phơi bày sự thật của nhân dân trong nước và đưa những người bất đồng ý kiến vào vòng lao lý với lý do “làm lợi cho kẻ thù!” Tôi hy vọng thành viên của cộng đồng tị nạn chúng ta không phải chịu đựng chính sách tàn bạo này ngay trên một đất nước có nền dân chủ hàng đầu của thế giới!

*

Như đã đề cập ở trên, tôi có nhiều cơ sở để kết luận rằng không phải "lên tiếng" mà chính là "im lặng" đã làm lợi cho cộng sản. Chính sự im lặng của chúng ta mới là điều mà chính quyền cộng sản mong muốn. Im lặng thường đến từ sợ hãi, sợ phiền phức, hoặc từ sự lãnh đạm, nói chung là những biến dạng của yếu đuối. Chúng ta e sợ hoặc né tránh một số sự việc nào đó, lâu dần sẽ quen đi và xem đây là phản ứng tự nhiên và chấp nhận được! Chính quyền cộng sản không mong muốn gì hơn là chỉ phải đối phó với một tập thể sẵn sàng quay lưng ngoảnh mặt với những điều xấu xa hoặc khép nép cúi đầu trước bạo lực. Đây chính là vị trí họ đang vui hưởng ở Việt Nam.

Đi xa hơn cái ám ảnh "làm lợi cho cộng sản," sự im lặng của chúng ta đã mang đến những tổn thất đôi khi không thể phục hồi cho hình ảnh của cộng đồng người tị nạn trong mắt dư luận thế giới. Bằng sự im lặng, chúng ta chấp nhận sự đánh giá nghiệt ngã và thiếu công bằng của giới hàn lâm và truyền thông Âu Mỹ,  và do đó của dư luận thế giới, về vai trò và tính chất của người miền Nam, đặc biệt của người lính và văn nghệ sĩ miền Nam, trong cuộc chiến tương tàn hơn ba mươi năm về trước (đọc "Đọc ‘The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction’ của Nguyễn Bá Chung" trích dẫn ở trên). Bằng cách im lặng, chúng ta cho phép những nọc độc văn hóa vốn khởi đi từ trá ngụy trở thành một bộ phận không thể xóa bỏ của lịch sử, như huyền thoại "Lính ngụy ăn thịt người" (đọc "Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa"). Bằng cách im lặng, chúng ta cho phép một thiểu số ồn ào biến chúng ta thành một tập thể cực đoan và chìm đắm. Bằng cách im lặng, chúng ta cho phép không chỉ kẻ khác mà cả chính mình dẫm đạp lên những nguyên tắc dân chủ sơ đẳng, và trong cùng một lúc, cất tiếng xiển dương những nguyên tắc này trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở quê hương. Đã bao nhiêu lần trên diễn đàn talawas và nhiều diễn đàn văn học nghệ thuật đứng đắn khác, cái lập luận "chính quý vị cũng không có tự do ngôn luận" đã được chính quyền cộng sản, xuyên qua những bút danh thật hay giả, sử dụng để phản bác những than phiền của giới viết lách Hải ngoại về những cấm đoán vi phạm thô bạo quyền hạn này của văn nghệ sĩ trong nước? Tất nhiên đây là một lập luận sai bét nhằm bào chữa cho một điều hỏng bét! Chúng ta, người Việt ở Hải ngoại, bất kể có là văn nghệ sĩ hay không, nhất định là có quyền tự do ngôn luận. Vấn đề là chúng ta đã chối bỏ quyền hiến định này bằng cách tình nguyện im lặng. Và hậu quả là chúng ta bắt buộc phải im lặng vì "há miệng mắc quai," một diễn đạt nhẹ nhàng của "cứng họng!"

Chưa hết, hậu quả nguy hại nhất của sự im lặng tình nguyện chính là việc chúng ta cho phép  mình và các thành viên khác của cộng đồng tin rằng sức mạnh thực sự của cộng đồng đến từ một nỗi đau vĩnh cửu, bất khả xâm phạm, bất khả tư nghì! Nguy hại, bởi vì cái gọi là “nỗi đau vĩnh cửu, bất khả xâm phạm, bất khả tư nghì “ này bắt nguồn từ tâm lý của chiến bại và của sự chấp nhận làm nạn nhân vĩnh viễn. Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Hải ngoại không hề bắt đầu với một tâm lý bại vong như thế. Và cái sức mạnh thực sự của cộng đồng không bao giờ, nghĩa là đã không hề trong quá khứ, đang không hề ở hiện tại, và sẽ không hề vào rất xa trong tương lai, đến từ nỗi đau "vĩnh cửu, bất khả xâm phạm, bất khả tư nghì" mà một thiểu số đang gắng sức khiến mọi người tin vào.

Khi sử dụng cụm từ "nỗi đau thiêng liêng, vĩnh cửu, bất khả xâm phạm, bất khả tư nghì" lần đầu trong "Nạn Nhân," tôi không hề có ý mỉa mai. Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ diện mạo của điều được thường xuyên sử dụng như là món thuốc trị bá bệnh xuyên tâm liên để giải thích cho tất cả mọi hành động chấp nhận hay không chấp nhận được của một nhóm thiểu số ồn ào và quá khích. Điều được làm sáng tỏ không phải là diện mạo của mà là sự thật về nỗi đau huyền bí này: Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, như là một tập thể, không hề có một nỗi đau như thế. Và cái tựa “Huyền Thoại” của bài viết này cũng không đến từ sự ngẫu nhiên!

*

Vào một ngày cuối tháng tư năm 1975, chúng ta, những người tị nạn cộng sản, cùng nhận lãnh một nỗi đau chung và thiêng liêng. Chung, bởi vì dù muốn hay không, chúng ta phải gánh vác hậu quả của điều xảy đến như là một số phận không phải riêng cho một ai. Thiêng liêng bởi vì, cùng với ngày tháng, nỗi đau này giúp định nghĩa chúng ta. Nói cho đúng hơn, cung cách ứng xử của chúng ta khi đối diện với đau thương và uất hận giúp định nghĩa mỗi cá nhân chúng ta, và trong trường hợp của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, giúp định nghĩa toàn bộ tập thể này. Và cũng chính thái độ ứng xử này là nguồn gốc sức mạnh thực sự của cộng đồng. Và sức mạnh này không phải xuất hiện chỉ trên đất khách quê người. Nó bắt đầu rất sớm, chỉ trong một thời gian rất ngắn sau ngày 30 tháng tư năm 75. Và bắt đầu với người đàn bà nhăn nhúm, giận dữ, và tuyệt vọng đang vung vẫy lá cờ vàng và luôn miệng nguyền rủa trong hàng ngũ những người biểu tình ở phía bên kia đường vào một ngày tháng giêng năm 2009!

Bà đã không bắt đầu như thế. Hơn ba mươi năm về trước, bà là người vợ trẻ có chồng đi xa. Bà là người mẹ có con đi xa. Bà là người em có anh đi xa. Rất xa và không hẹn ngày về. Người đàn bà, cô đơn và sợ sệt trong những ngày đầu của dâu bể, nay phải đương cự với những thảm họa vô cùng lớn lao, một mình. Nước mất nhà tan,  người chồng, người cha đang gánh vác gông xiềng ở một xó rừng nào đó, không hẹn ngày về. Và những đứa con thơ phải nuôi nấng, phải bảo bọc. Ngoài kia, cùng với những khẩu hiệu ồn ào sắt máu vọng ra không ngưng nghỉ  từ loa phóng thanh, là cả một hệ thống bạo lực võ trang tận răng sẵn sàng nghiến nát tất cả những gì có thể được xem là chướng ngại của chế độ. Và đêm đến, là tiếng chân dọa nạt, tiếng gõ cửa rụng tim, tiếng quát tháo rợn người, và tiếng than van uất nghẹn. Nhưng người vợ trẻ, nạn nhân của một thời điêu linh cùng cực, giữa gọng kềm của một thế lực hung bạo, sau cùng đã không cho phép mình gục ngã. Bởi vì có quá nhiều điều cần phải được chống đỡ bởi chính bờ vai mỏng manh trên tấm thân gầy yếu vì đói khát của nàng. Và bằng vào tình yêu và sự can trường không thể giải thích được, nàng gượng dậy và bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Và chiến thắng. Nỗi đau nước mất nhà tan, nỗi đau sinh ly tử biệt, nàng nuốt ngược vào. Nỗi kinh hoàng dành cho thế lực hung tàn, nàng đạp xuống. Núi đồi hiểm trở, nàng bước lên, vượt hàng ngàn cây số để tìm đến chồng đến cha đến anh và mang đến họ thẻ đường, bịch muối, những gừng cay, những khô mặn, và trên hết,  hy vọng. Vào những buổi tối, phía sau bức vách rách nát hoặc trống trải ở một nơi nào đó giữa lòng đô thị cũ đông đúc hay vùng kinh tế mới hoang vắng, từng mảnh và từng mảnh, nàng tháo gỡ những nọc độc văn hóa đang tìm cách xâm nhập trí não đứa con thơ bởi nền giáo dục hồng hơn chuyên. Và như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng tháng khác, năm này qua năm khác, nàng gìn giữ cho mình, cho người chồng đi xa, xuyên qua đứa con, ước mơ về một tương lai tươi sáng.  Người đàn bà, đối diện với những thử thách vô cùng to lớn, những đe dọa vô cùng khủng khiếp, đã không cho phép mình gục ngã. Nàng nhìn thẳng vào nỗi sợ, và khuất phục nó. Nàng đã từ chối làm nạn nhân.

Chính là điều này, cái khả năng đối diện và chiến thắng nghịch cảnh, cái tinh thần ngã nhưng không gục, và lòng cương quyết không chấp nhận thân phận nạn nhân chứ không phải bất cứ điều gì khác đã và đang là chỗ dựa tâm lý, là sức mạnh thực sự của cộng đồng. Chính việc từ chối làm nạn nhân đã giúp những người tị nạn đầu tiên trên xứ người, bất kể chính sách chia năm sẻ bảy của chính quyền Mỹ đã đưa họ vào hoàn cảnh trơ trọi, lẻ loi ở những vùng đất lạ và xa cách nhau hàng trăm, hàng ngàn dặm, đã vượt mọi khó khăn để tìm đến nhau ở một nơi có màu nắng trong veo nhắc nhở nắng quê hương và trong muôn vàn khó khăn, bắt tay xây dựng từ trứng nước một nền tảng cho cái cộng đồng mơ ước của tương lai. Chính việc từ chối làm nạn nhân đã giúp những người chồng, người cha, người anh, xanh xao, bệnh hoạn, lả người vì đói khát, vượt qua được những khảo tra, những hành hạ thể xác lẫn tinh thần trong các trại cải tạo ở nơi rừng thiêng nước độc để hy vọng một ngày về. Chính việc từ chối làm nạn nhân  đã cho phép mẹ già và em bé chịu đựng đói khát hàng tuần lễ, lênh đênh trăm ngàn hải lý trên những chiếc thuyền gỗ ọp ẹp băng qua trùng dương để cuối cùng tìm đến được bến bờ tự do. Và mỗi chúng ta trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Hải ngoại đều có ít nhất một câu chuyện để kể nhau nghe, và kể cho thế giới nghe, về cuộc chiến đấu dai dẳng và lắm khi vô cùng đơn độc của người thân và của chính mình trong cuộc hành trình biệt xứ dài hơn ba mươi năm để không phải tiếp tục làm nạn nhân mà làm kẻ sống còn (survivor).

(Hết phần I)

Phùng Nguyễn

Xem tiếp Huyền Thoại phần II – Từ Tro Than Chiến Bại

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

  • Bao Tự says:

    Thưa Ông Phùng Nguyễn,

    1) Có lẽ Ông đánh giá quá cao một hình thái biểu tỏ thái độ: Biểu tình. Không thể chối cãi đã có những cuộc “xuống đường” đánh đổ cả một chế độ. Nhưng đó chỉ là giai đoạn cuối trong một chuỗi những sự kiện đôi khi tuần tự,lúc lại đảo lộn trước sau trong cuộc đấu tranh mà mục tiêu là chính trị. Về mặt tư tưởng e rằng khó hơn nhiều. Sự thiếu hiểu biết đến nơi đến chốn một sự việc cộng thêm định kiến thì biểu tình phản đối chẳng đem lại lợi ích gì, đôi khi lại có tác dụng ngược (xem ra điều này đúng cho cả sự kiện xảy ra trong “cộng đồng” mới đây). Bằng vào những chứng từ, những kinh nghiệm thực tế mà chính họ trải nghiệm hay nhìn thấy thấy, may ra mới “thay đổi được cách nhìn thiên lệch, nông cạn,vơ đũa cả nắm…”. Chắc không cần nhắc Ông cũng biết là không ít kẻ, ngày nay, vẫn cho rằng:” làm gì có cuộc tàn sát mấy triệu người Do Thái?”

    Đối với một số người trong giới hàn lâm và truyền thông Mỹ, dưới mắt họ hình như không có ai, ngay cả đồng nghiệp của họ ở bên kia Đại Tây Dương. Có sá gì một cộng đồng nhỏ bé ăn nhờ ở đậu? Ba mươi tư năm trước, khi người Việt chân ướt chân ráo đến đây ,đã chẳng có những người trong giới này ầm ĩ phản đối và cho rằng những người mới tới, đến từ một xứ sở lạc hậu, một chữ Mỹ cắn làm đôi không có làm sao sống được ở đây? có chăng là một gánh nặng cho dân Mỹ. Giả sử lúc đó Ông hay ai đó nói:” Hãy đợi đấy!” phỏng ai trong số họ tin Ông. Bây giờ, chúng ta có cần nói, hay những sự thật (ngược lại những định kiến pha lẫn kỳ thị cuả họ) đã nói thay?

    Với ông Tổng Thống mới mãn nhiệm, được số đông người Việt ủng hộ, qua một cuộc phỏng vấn đã chẳng tuyên bố là QĐVNCH hèn yếu, để mất nước. Tuyệt đại đa số những người trong hàng ngũ này không cảm thấy “nhục” khi nghe biết điều này, họ biết họ đã làm gì cho đất nước họ, cả những người đồng hương với Ông TT năm xưa đã sát cánh với họ, biết họ. Những sĩ quan trung cấp trong vai trò cố vấn mà những năm sau này là những tướng lãnh của quân lực MỸ, những người đồng niên tuế với Ông TT, sẽ xấu hổ dùm cho sự hiểu biết của người đứng đầu nước Mỹ , một người lúc đó còn rượu chè,hút sách ,chứ đã biết gì đến chính sách cuả nước Mỹ. Cả những người cầm cân nảy mực lúc đó dù biết nguyên nhân cuộc thất trận kia đã mấy người đủ dũng lược tự nhận lỗi lầm? Nói như vậy không có nghĩa là bênh vực sự im lặng. Nếu chủ nghĩa CS không sụp đổ tan tành , những xấu xa của những chế độ theo chủ nghĩa ấy không được phơi bày, ai trong chúng ta( những người chống CS) cãi lại được đám hàn lâm khuynh tả Tây Phương mà điển hình là J.P.Sartre, B. Rusell? Có cuộc biêủ tình nào thay đổi được cái nhìn thiển cận của đám người miệng có gang có thép này?

    Đối với thế hệ Việt lớn lên và sinh ra ở đây, họ có điều kiện hiểu biết hơn những người “bản xứ”, họ có thể tiếp cận với những người “trong cuộc”, cha anh họ, những người của “lịch sử” để tìm ra sự thực, còn nếu họ tin người ngoài hơn người nhà thì họ không đổ lỗi cho ai được.

    Tóm lại, phải đánh đổ cái chế độ đã và đang là những oan khiên của dân tộc, của những xung đột,chia rẽ trong cộng đồng đất nước, địa phương, gia đình… Lúc đó những chính sách hại dân hại nước, những thần tượng giả hiệu, những chiêu bài cách mạng, vì dân vì nước rơi rụng lả tả, những xấu xa bỉ ổi của đám cầm quyền bấy lâu nay được bộc lộ, lúc đó cần gì phải dùng đến phương tiện biểu tình, cần gì phải thanh minh, làm cho rõ… Đối với những người có liêm sỉ, tự họ tìm ra sự thật. Với những kẻ đầy định kiến trước đây, nếu không “phù thịnh” xoay chiều, thì dư luận cũng chẳng đếm xiả gì đến họ. Bây giờ khi nhắc đến những lời nói, những hành động của Jane F., có ai (cả Bà ta, lẫn cái chế độ được ủng hộ kia)còn tin tưởng đó là những hành động anh hùng, bênh vực công lý, lẽ phải…

    2) Có lẽ Ông cũng hiếm khi quá bước đến một cuộc họp ” cộng đồng” để biết rằng cũng có rất nhiều khuyến cáo -những hành động quá khích- từ những người có trách nhiệm. Còn việc “kiểm soát” những hành động này thì không phải dễ khi nhiệt tình dâng cao trong một cuộc bày tỏ thái độ. Nếu Ông để ý trong việc biểu tình dài hơi trước cơ sở một nhật báo, đã có rất nhiều người trong cộng đồng tỏ thái độ bất bình bằng hình thức này hay hình thức khác. ( bài phỏng vấn Ông Trần Thái Văn cuả quý báo đã chẳng nói đến việc Ông Trí, Ông Trường bị họ treo cổ đấy sao? Chẳng lẽ ủng hộ họ mà họ làm thế?) Nhưng Ông muốn CĐ phải có “biện pháp kỷ luật” thì tôi cho là Ông “bức xúc” quá khi nghĩ như vậy. Hơn nữa, chính Ông cũng phản đối những người biểu tình chống triển lãm “nghệ thuật” cuả VAALA-và cho rằng đây là hình thức bịt miệng- chẳng lẽ bây giờ Ông lại bảo cộng đồng phải bịt miệng những người kia ? Việc cho phép những kẻ khác và đôi khi chính mình “dẫm đạp lên những nguyên tắc cơ bản cuả dân chủ” như ông nói thì tôi e rằng Ông lạm dụng ngôn từ. Chúng ta đang sống trong một nước pháp trị, không thể nhân danh cá nhân hay cộng đồng để ngăn cấm bất cứ điều gì nếu nó không vi phạm pháp luật. Chẳng lẽ chúng ta không cho phép “kẻ khác” dẫm đạp lên những nguyên tắc cơ bản dân chủ mà lại lớn tiếng binh vực quyền dẫm đạp của”mình”?

    Vài lời chia sẻ với riêng Ông, nếu Ông thấy những điều tôi nói với Ông cần được đem ra thảo luận nơi công cộng, tôi cũng không vì lời thô, ý thiển mà từ chối nhã ý ấy.

    • Kính thưa độc giả Bao Tự;
      Cám ơn đã để lại góp ý. Trong khi không nhất thiết chia sẻ toàn bộ suy nghĩ/giải pháp của ông/bà, tôi cảm thấy chúng ta có cùng một điểm khởi hành. Sẽ là ích kỷ để giữ những đóng góp quý giá của ông/bà cho riêng mình. Hy vọng ý kiến của quý ông/bà sẽ được mở rộng xuyên qua những đóng góp của các độc giả khác. Tôi sẽ tham gia khi thuận tiện.
      Trân trọng
      PN

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)