Trang chính » Bàn Tròn: Chính trị, Phiếm luận Email bài này

Xung đột biển đảo: một tình huống khó xử

 

 

Hành động bạo ngược, bá quyền của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Việt Nam lần này đã gây ra một làn sóng công phẫn của người Việt trong và ngoài nước. Làn sóng công phẫn lan tỏa rất nhanh trên liên mạng, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook.  Phẫn nộ dành cho không những bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh mà còn cho giới lãnh đạo cộng sản ở Bắc Bộ Phủ vì những phản ứng lúng túng, thiếu quyết đoán của họ trong cung cách đối phó với dã tâm của “kẻ lạ.” Tuy nhiên, bên cạnh phẫn nộ, là niềm hy vọng. Hy vọng là sẽ có cơ hội bày tỏ lòng yêu nước một cách công khai mà không bị hạch sách, bắt bớ, thậm chí tù đày! Niềm hy vọng kế tiếp liên quan đến các buổi biểu tình “tự phát” không chỉ để lên án bá quyền Trung Quốc mà còn cho các đòi hỏi liên quan đến việc đặt nền móng cho một xã hội dân sự thực thụ tại Việt Nam. Có người còn đi xa hơn và cho rằng xung đột về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tạo cơ hội hòa giải giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nếu không vì lòng ái quốc của Việt kiều thì ít nhất cũng vì cái… chân lý “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta!”

Như vậy, xung đột biển Đông xem ra cũng không đến nỗi quá tệ cho hy vọng cải thiện sinh hoạt dân chủ trong nước. Một bài viết tỉnh táo mang tính cảnh báo trên trang Facebook của nhà lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc, tuy vậy, đã khiến không ít người không còn lạc quan như trước đó. Không những vậy, họ còn cảm thấy hoang mang, thậm chí bực bội bởi vì không biết nên hành động như thế nào cho phải nếu những phân tích của Nguyễn Hưng Quốc được chứng minh là chính xác. Bài viết “Chiến Tranh và Dân Chủ” của Nguyễn Hưng Quốc khá ngắn, tôi xin mạn phép tác giả chép lại nguyên văn dưới đây:

 

CHIẾN TRANH VÀ DÂN CHỦ

Trên facebook, tôi thấy có một số người lý luận: Nếu chiến tranh giữa Việt Nam bùng nổ, dù là trên biển, Việt Nam rất có nhiều cơ hội được dân chủ hóa.
Sai.
Sự thực ngược lại.

Trong trường hợp có chiến tranh, thứ nhất, chính quyền vốn lâu nay bị xem là hèn nhát và hèn hạ, sẽ nắm lấy ngọn cờ chính nghĩa, trở thành kẻ lãnh đạo cuộc chiến tranh chống ngoại xâm; thứ hai, dân chúng sẽ tự động đoàn kết và cùng đứng sau lưng chính quyền để đánh giặc; thứ ba, như nhiều học giả trên thế giới đã phân tích từ lâu, văn hóa chiến tranh (war culture) chủ yếu là văn hóa khuất phục và vâng phục. Trong chiến tranh, người dân, ngay cả ở những nước tiến bộ và có trình độ giáo dục cao nhất, thường có khuynh hướng tự động giảm óc phê phán của mình để lắng nghe chính quyền và làm theo lệnh của nhà cầm quyền. Đó là lý do tại sao tất cả các nhà độc tài đều muốn chiến tranh: Họ dùng chiến tranh ở bên ngoài để củng cố sức mạnh và đàn áp đối lập ở bên trong.

Một số người khác lý luận: Nếu chiến tranh bùng nổ, chắc chắn Việt Nam sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ; và chắc chắn một trong những yêu sách đầu tiên của Mỹ là Việt Nam phải dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Sai.
Sự thực ngược lại.

Nước Mỹ có nhiều nghịch lý. Một trong những nghịch lý đó là: Một mặt, Mỹ là quốc gia vận động và truyền bá dân chủ một cách nhiệt tình và tích cực nhất trên thế giới; nhưng mặt khác, đôi khi vì quyền lợi của Mỹ, Mỹ sẵn sàng dung dưỡng và bảo trợ rất nhiều nhà độc tài. Bằng chứng? Nhiều lắm. Chỉ kể sơ qua vài người: tướng Maximiliano Hernandez Martinez ở El Slvador; Tổng thống Rafael Leonidas Trujillo ở Dominican Republic; tướng Humberto Branco ở Brazil; tướng Jorge Rafaal Videla ở Argentina; Tổng thống Augusto Pinochet ở Chile; Tổng thống Park Chung Hee ở Hàn Quốc; Tổng thống Ferdinand Marcos ở Philippines, v.v… Gần đây, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ vua Abdullah ở Saudi Arabia; Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen; Sultan Qaboos bin Said Al-Said ở Oman;Teodoro Obiang Nguema Mbasogo ở Equatorial Guinea; Gurbanguly Bordymukhamedov ở Turkmensistan, Hosni Mubarak ở Ai Cập, v.v…

Để bảo vệ Biển Đông, Mỹ và Việt Nam sẽ phải liên minh chặt chẽ với nhau. Để liên minh, hai bên cần thỏa hiệp với nhau một số điểm. Một trong những điểm Mỹ dễ nhân nhượng nhất là bỏ hoặc giảm các yêu sách về dân chủ và nhân quyền!

Bởi vậy, trong trường hợp bùng nổ chiến tranh, dù chỉ ở mức độ thật hạn chế, kẻ có lợi nhất vẫn là nhà cầm quyền và kẻ bị mất mát lớn nhất vẫn là dân chúng: Họ phải vừa chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến vừa tiếp tục bị kiềm hãm trong vòng độc tài.

Nguyễn Hưng Quốc
May 7, 2014 at 7:29pm

Thật vậy, chiến tranh thường được xem là cơ hội tốt cho nhà cầm quyền, đặc biệt dưới chế độ độc tài, củng cố quyền lực của chế độ xuyên qua việc mua chuộc sự đồng tình và ủng hộ của dân chúng. Ngay cả việc Trung Quốc cà khịa với các quốc gia láng giềng kể cả Nhật Bản về chủ quyền lãnh hải cũng đã khơi dậy tinh thần quốc gia cực đoan của một số thành phần người Hoa ở lục địa và trên thế giới. Những người yêu nước Tàu quá khích này luôn miệng nhắc đến sự kiện “Thảm sát Nam Kinh” của quân đội Nhật vào năm 1937 nhưng không hề nhắc đến việc tổ tiên họ đã đối xử với người An Nam như thế nào trong suốt ngàn năm Bắc thuộc! Cái viễn tượng cuộc chiến tranh với Trung Quốc, bất kể kết quả, sẽ giúp Hà Nội bước ra khỏi cuộc chiến này với uy thế và sức mạnh chính trị hùng hậu để tiếp tục cai trị đám dân đen khốn khổ của Việt Nam thêm dăm ba thập kỷ nữa cũng đủ khiến các nhà đấu tranh dân chủ và những ai quan tâm đến số phận của Việt Nam phải nhức đầu!

Có ít nhất hai dự cảnh (possible scenarios) tùy thuộc vào phản ứng của chính quyền Hà Nội mà chúng ta có thể hình dung.

1. Tránh xung đột bạo lực với Trung Quốc bằng mọi giá. Điều này chỉ có thể đạt được với những nhượng bộ quan trọng từ phía Việt Nam. Có nhiều phần là những thỏa hiệp bất lợi này sẽ được ký kết trong vòng bí mật như vụ “vẽ lại đường biên giới” nhiều năm trước đây (1999).  Đây là điều mà Trung Quốc  mong muốn sẽ xảy ra bởi vì Trung Quốc không chỉ đạt được mục đích lấn đất lấn biển mà còn có thêm cơ hội để rêu rao về những nỗ lực “đàm phán trong hòa bình” của họ với hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ không xem Trung Quốc là một mối đe dọa kinh tế lẫn quân sự  cho vùng Đông Nam Á và thế giới.

Có thể không chỉ giới lãnh đạo Trung Quốc mới ao ước dự cảnh này. Tôi e rằng các nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng mong thoát ra khỏi cuộc tranh chấp bằng con đường thỏa hiệp nếu điều này không làm phương hại đến vị trí thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tương lai gần. Đừng quên là bất kể những hiềm khích trong thời gian gần đây, Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít ỏi các thiên đường cộng sản còn sống sót. Luôn luôn có một mối quan hệ anh em (đọc: chủ tớ) giữa hai đảng, và giới lãnh đạo hai nước sẽ yên tâm hơn khi Việt Nam tiếp tục nằm trong cái quỹ đạo ngày càng vắng như Chùa Bà Đanh này. Đánh đổi một vài tảng  đá ngầm hoặc mấy cây san hô nằm đâu đó giữa biển khơi với quyền lực tối thượng và của chìm của nổi tích lũy hàng chục năm qua phải được xem là điều khôn ngoan, và do đó, nên làm. Với dự cảnh này,  sẽ có lễ ký hòa ước, đọc thông cáo chung, tay bắt mặt mừng giữa tai to mặt lớn của hai đảng anh em (đọc: chủ tớ). Không chừng có thêm một mớ chữ vàng chữ vện để nhân dân học tập. Sau đó dàn khoan HD-981 sẽ được kéo đến một nơi khác trong vùng tranh chấp lãnh hải (và có thể lén trở lại địa điểm cũ sau một thời gian) mà không gặp bất cứ phản ứng nào từ phía Việt Nam.  Mãi sau này, nếu chuyện vỡ lở, đảng chỉ cần bảo là vụ việc bán đứng đất đai của tổ tiên đã được thực hiện đúng quy trình, do đó nhân dân phải  chịu trách nhiệm và không nên làm ầm ĩ!

2. Chọn đánh nhau với Trung Quốc.  Và có lẽ sẽ thua tơi tả! Có nhiều phần là cuộc chiến sẽ diễn ra ngắn ngủi và chỉ giới hạn chung quanh vùng biển đang tranh chấp. Sẽ không có chạm trán nảy lửa ở đất liền cho dù vùng biên giới sẽ căng thẳng ở một cấp độ cao.  Đánh thì sẽ thua và ngoài ra còn phải chịu đựng một số hậu quả nặng nề, vậy thì đánh làm gì? Đánh, bởi vì bên cạnh cái thua, Việt Nam sẽ “được” một số điều. Trước hết, phần lãnh hải mà Trung Quốc lấn chiếm bằng vũ lực sẽ không được cộng đồng thế giới thừa nhận, và do đó, Việt Nam có thể chiếm lại (bằng cách nào đó) trong tương lai. Việt Nam sẽ không còn… cô đơn (như trong một phân tích khác của Nguyễn Hưng Quốc) vì thế giới, và đặc biệt các nước đang tranh chấp với Trung Quốc, sẽ nghiêng cảm tình về phía Việt Nam. Có nhiều cơ hội là Mỹ sẽ can thiệp mạnh mẽ, ngay cả với hiện diện quân sự trong vùng tranh chấp. Trong khi dân Mỹ đã ngấy tận cổ hai cuộc viễn chinh ở Iraq và Afghanistan, việc chính quyền Obama đương đầu một cách cứng rắn với Trung Quốc, kẻ có khả năng thay thế Mỹ ở vị trí lãnh tụ thế giới, là điều hoàn toàn đáng khích lệ (và không chừng sẽ cứu được một vài ghế ngồi ở Thượng và Hạ Viện cho Đảng Dân Chủ trong dịp bầu cử vào tháng 11 tới đây). Nhưng quan trọng hơn hết là khả năng chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc ở các phương diện kinh tế, chính trị, và văn hóa tư tưởng.

Để dạy Việt Nam thêm một vài bài học, Trung Quốc sẽ không ngần ngại áp dụng một số biện pháp kinh tế để gây khốn đốn cho nền kinh tế mong manh của Việt Nam và do đó tạo thêm khó khăn cho đời sống của người dân cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam có thể nhân dịp này trả đũa bằng cách quốc hữu hóa công ty, xí nghiệp và cơ sở tài chính của Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.  Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam xem xét và nếu cần, hủy bỏ những công trình có hại cho phát triển kinh tế và môi sinh đã ký kết với và thực hiện bởi Trung Quốc trước đây.

Tất nhiên, cái “được” lớn nhất, như phân tích của Nguyễn Hưng Quốc, sẽ thuộc về Đảng Cộng Sản Việt Nam. Như vậy đó, giới chóp bu của đảng sẽ bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bất kể  có thể đã thua te tua, một cách hiên ngang, hùng dũng, và sẵn sàng để cai trị đất nước thêm năm mươi năm nữa.

Nếu đây là tình huống sẽ xảy ra trong ba mươi, sáu mươi, hay chín mươi ngày sắp tới, bạn, yêu nước và ước mơ một thể chế dân chủ cho Việt Nam, sẽ làm gì cho công cuộc chống bọn bá quyền phương Bắc?

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

3 Bình luận

  • Phan Đức says:

    Mới đọc sơ qua thì tôi cho là độc giả Phong Phanh có lý khi nói “e rằng trong việc
    bám víu quyền lực,người CS.có nhiều hiểu biết hơn ông Nguyễn Hưng Quốc”.
    Lý do là chính người trong cuộc và trực tiếp thì phải hiểu biết hơn người ở ngoài
    và đó là điếu đương nhiên,không cần gì phải bàn cãi.Thế nhưng HIỂU BIẾT là một việc
    còn làm hay không là một việc khác.Nếu biết mà không làm thì việc hiểu biết như thế
    không những chẳng có giá trị nào mà còn là nguyên nhân chủ yếu làm họ phải chịu hoàn
    toàn trách nhiệm đối với vận nước hiện nay và mai sau,khi họ cố BÁM VÍU quyền lực.

  • Phong Phanh says:

    Chế độ quân phiệt tại Argentina đã cáo chung sau nước này bị Hải Quân Anh đánh bại trong cuộc hải chiến tại quần đảo Falklands. Chế độ CS tại Việt Nam sẽ gặp một số phận tương tự nếu chiến tranh Việt-Trung bùng nổ. Giới lãnh tụ CSVN biết điều đó, nên họ đã và đang cố gắng tránh chiến tranh bằng mọi giá. E rằng trong việc bám víu quyền lực, người CS có nhiều hiểu biết hơn ông Nguyễn Hưng Quốc.

  • Hoàng Ngọc-Tuấn says:

    Nhưng chính Nguyễn Hưng Quốc đã phân tích và nhận định rằng chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc sẽ không xảy ra:

    https://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-h%C6%B0ng-qu%E1%BB%91c/li%E1%BB%87u-s%E1%BA%BD-c%C3%B3-chi%E1%BA%BFn-tranh-gi%E1%BB%AFa-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c/1413087632300878

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)