Vào 6 giờ sáng ngày 14 tháng bảy, hộp thư của Ban biên tập tạp chí mạng Không Biên Giới nhận được thư của “14 Tháng Bảy”. Thư gởi đi từ Việt Nam vào lúc 8 giờ tối cùng ngày. Thư vỏn vẹn có mấy chữ như sau:
Xin chan thanh cam on BBT Khong Bien Gioi đã “lên” ! Rat suong !
Một chuỗi hỏi đáp rất náo nhiệt xảy ra sau đó trong nội bộ BBT tạp chí mạng Không Biên Giới.
Dưới đây là một vài suy nghĩ không phải về sự kiện 14 tháng Bảy nhưng được gợi ra từ truyện chớp “Sự kiện 14 tháng Bảy”:
“Sự kiện 14 tháng Bảy” có đủ mọi yếu tố để thuộc về thể loại truyện chớp/truyện cực ngắn bên cạnh độ dài của nó.
Trước hết, truyện khởi đầu từ một cảm giác mạnh: đã “lên” ! Rat suong ! Không thể nào có một cảm xúc mạnh hơn được nữa! Cảm xúc này lây lan rất nhanh và giữ được cường độ nguyên thủy, tạo nên một trường vấn đáp sôi nổi ở phía người nhận. Thêm vào đó là một chiều kích mới: bí ẩn. Vẫn chưa có đáp án cho câu hỏi ai trong BBT đã làm gì “14 Tháng Bảy”? Ai đã làm gì “14 Tháng Bảy”?
Trong đời sống, có những ngày tháng trôi qua không để lại dấu vết. Vào 8 giờ tối ngày 14 tháng bảy, ngày của “14 Tháng Bảy” đóng lại với ít nhất một điều tác giả này sẽ không dễ dàng quên đi trong 15 ngày kế tiếp. Truyện chớp, kể cả “Sự kiện 14 tháng Bảy,” là thể loại thích hợp để ghi lại những điều như thế. Không phải vậy hay sao?
Có một câu nói thường được đề cập ở buổi trà dư tửu hậu trong giới hội họa, Hãy nguệch ngoạc cái gì đó rồi lý luận cho khéo vào thì sẽ biến “nó” thành một tác phẩm. Liệu câu nói này có thể áp dụng cho “Sự kiện 14 tháng Bảy”?
Trong mọi trường hợp, yêu cầu mới cho giới Lý luận Văn học Việt nam: xác lập một trường phái / chuyển động lý luận văn học mới dựa trên đã “lên” ! Rat suong !
Phùng Nguyễn