Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Tuổi Thơ

Khi những người lính biệt kích tỉnh mặc kaki đen và mang giày bố màu xanh bước thành hàng dọc trên con đường chính xuyên qua làng, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu. Thằng Phú mặc chiếc quần đùi mốc cời, ở trần, lưng cõng đứa em nhỏ ba tuổi, đứng cạnh cổng vào nhà Hương Văn nhìn trân trối những người lính lần lượt bước qua trước mặt nó. Ðây là "lính Ðại Úy Sáu," những người lính thám báo tỉnh nổi tiếng gan dạ và dữ dằn.
Ðám lính bước đi lặng lẽ, tiếng giày vải sột soạt dưới nhịp chân, tiếng lắc cắc của băng đạn kim loại chạm vào bá súng các bin, tiếng chó sủa ông ổng ở phía đầu của đoàn người. Có những người lính mặt khó đăm đăm, có những người lính mặt mũi tươi tỉnh. Có người còn cười với thằng Phú nữa!
Người lính cuối cùng trong hàng đã qua mặt thằng Phú cả trăm thước. Có tiếng chó sủa ran ở Tứ Ðiện, ngôi làng phía trên. Chắc là khúc đầu của đám lính đã tới trên đó rồi. Thằng Phú quay lại dòm mấy cây "keo" trồng làm hàng rào, lựa hái mấy trái keo non lấy hột nhai cho đỡ buồn. Ðứa em nhỏ trên lưng nó bỗng dưng trở nên nặng ì. Thằng Phú ngồi thụp xuống, hai tay vòng ra sau lưng đỡ em mình xuống đất, miệng la lối, "Xuống mi, nặng tổ cha!"
Cuộc hành quân của đám lính biệt kích tỉnh xảy ra đúng như dự đoán của dân chúng khu "Gò Nổi" này. Mới tuần trước, thằng Phú nghe bà hàng xóm than thở với mẹ nó, "Mấy ổng làm kiểu ni thì trước sau chi lính Ðại Úy Sáu cũng lên càn cho mà coi!" Mẹ hắn chép miệng, tiếp lời, "Thằng Tín hắn ỷ y quá. Thời buổi chi mà chết dễ như không!"
Anh Tín là cháu họ xa của mẹ thằng Phú, nhà ở làng kế cận. Anh đi lính Ðại Úy Sáu, thỉnh thoảng về làng, mặc đồ lính màu xanh, đội lệch chiếc "bê rê" màu đen ra chợ tán tỉnh mấy cô thợ may. Ðôi khi thằng Phú gặp anh ở tỉnh lỵ, nơi nó đang ở trọ đi học Trung học, anh niềm nở hỏi thăm, "Cô Út có khỏe không mi. " Út Giỏi là tên của ba thằng Phú nên mọi người đều gọi mẹ nó là chị Út Giỏi, thím Út Giỏi, hay cô Út Giỏi. Tháng trước, mấy ổng về làng, chụp được anh Tín ngoài chợ bèn mang ra chỗ cây "gạo" cổ thụ bắn mấy phát vào đầu rồi bỏ đi. Cũng chính ở chỗ gốc cây "gạo" đó, nơi anh Tín nằm chết với cái đầu bể nát, máu óc văng tung tóe trên đám cỏ còi cọc, hai tháng trước phe Quốc Gia đã kéo hai cái xác chết thuộc phe mấy ổng chưng ra mấy ngày để thị oai. Hôm đó thằng Phú đi học ở tỉnh về, nhìn thấy hai xác chết ở trần, da trắng nhờ nhờ, miệng há hốc, đám ruồi nhặng bay lên đáp xuống quanh đống dãi nhớt kêu o o, nó về nuốt cơm không vô.
Bỗng dưng tiếng súng nổi lên như bắp rang. Ðứa em nhỏ của thằng Phú òa lên khóc, miệng há hốc để lộ mớ hột keo xanh lè trong miệng. Thằng Phú hấp tấp xốc em lên, ẵm chạy lúp xúp vào căn nhà bếp trống hoang của bà Hương Văn, trống ngực đánh ầm ầm. Dạo sau này nó ở dưới tỉnh thường, ít nghe súng đạn nên trở thành nhát hít. Tiếng súng vẫn nổ giòn giã, tiếng các bin lộp bộp, tiếng đại liên oàng oàng, thỉnh thoảng lại có tiếng lựu đạn nổ đánh ầm." Không biết mấy ổng bắn cái chi mà bắn dữ rứa," Thằng Phú nghĩ thầm. Con nhỏ em của nó vẫn khóc ngất, mấy hột keo trộn lẫn với nước dãi nhễu lộp độp trên tấm lưng trần của thằng Phú nhớt nhợt.
Tiếng súng bây giờ đã thưa hẳn, chỉ còn vài tiếng nổ lộp bộp lẫn với tiếng chó sủa ran ở làng trên. Tự dưng thằng Phú cảm thấy đói bụng. Nó quay đầu nhìn quanh quất, cặp mắt lùng sục cái bếp trống bằng sắt bám khói đen thui, đến bức vách bằng phên tre với mớ soong chảo, nồi đồng móp méo treo lỉnh kỉnh, và sau cùng dừng lại ở chiếc lu sành đựng gạo đặt cạnh bếp. Thằng Phú thả đứa em xuống nền đất, vói tay nhấc chiếc rổ tre đan thưa đậy chiếc lu, vục một tay vào mớ gạo lức trộn bắp xay nhỏ tìm kiếm. Dân trong làng thường hay giấu mảng cầu ta hoặc "sa bô chê" trong lu gạo cho mau chín. Tay thằng Phú chạm phải một vật gì cưng cứng. Nó hì hục lôi ra. Ðó là một khẩu súng lục có hình ngôi sao năm cánh ở bá súng. Nó đưa khẩu súng lên ngang tầm mắt, dùng một ngón tay chà lớp bột gạo bám trên bá súng, ngắm nghía một cách thích thú rồi cẩn thận bới mớ gạo độn bắp "chôn" món vũ khí xinh xắn đó về chỗ cũ. "Của thằng Trường chớ còn ai vô đây!" Thằng Phú lẩm bẩm.
Thằng Trường là cháu ngoại bà Hương Văn. Mẹ nó chết từ hồi nào, còn cha nó thì đi tập kết cả mười năm nay. Thằng này lớn hơn thằng Phú ba tuổi, lớn đầu mà học ngu như bò! Học hết lớp nhì trường làng, thằng Trường nghỉ học, tối ngày lang thang ngoài đồng bẫy mấy con cu ngói, cu đất bằng những cái bẫy chim làm bằng căm xe. Mùa hè năm ngoái, thằng Trường cho thằng Phú đi theo bẫy chim, hai thằng bắt được ba bốn con cu đất mập ù về làm "nhưn" ăn với bún tươi ngon hết biết. Mới tuần trước, tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè năm nay, thằng Phú lại kiếm thằng Trường thì bà ngoại nó bảo, "Thằng Trường về bên nội nó ở Ðại Lộc chơi mấy tháng rồi cháu." Kiểu ni thì bà Hương Văn "phỉnh" mình rồi, thằng Phú nghĩ thầm. Hắn đi mô mà súng ống bỏ đây? Chắc lại theo đám huyện ủy Quý, tối tối mới mò về! Thằng Phú liếc nhìn cánh cửa hông thông lên nhà trên của bà Hương Văn -tự nãy giờ vẫn đóng im ỉm- một cách e dè. Biết đâu thằng Trường hay huyện ủy Quý nãy chừ nấp trong nhà thấy nó lục lọi trong lu gạo. Thằng Phú xốc đứa em nhỏ, rón rén bước ra đường. Nó nghe ơn ớn ở chỗ mấy bãi nước dãi trộn lẫn hột keo đang se dần lại trên lưng nó.
*
Không biết đám biệt kích tỉnh có làm ăn được gì không mà mới chập tối đã nghe tiếng loa oang oang của anh Thôi kêu mọi người đi dự phiên xử của Tòa Án Nhân Dân. Anh Thôi là nhân viên thông tin của xã ăn lương "Quốc Gia." Dạo sau này anh kiêm luôm chức vụ thông tin liên lạc cho Mặt Trận, lương hướng bao nhiêu thì không ai biết. Thực ra nhiệm vụ của anh cũng dễ thôi! Chỉ cần đổi cách xưng hô từ "yêu cầu toàn thể đồng bào" sang " yêu cầu toàn thể nhân dân" là xong ngay. Hôm nay anh yêu cầu toàn thể "nhân dân" có mặt tại đình Tứ Ðiện để tham dự cuộc xử án Trần Tư Giá, phụ tá tài chánh kiêm quản trị lò gạch công cộng của xã. Thằng Phú có nhiệm vụ đi thế mẹ nó. Mỗi nhà phải có ít nhất một người hiện diện.
Ðình Tứ Ðiện nằm dưới gốc một cây "gạo" sum suê mà phần gốc được phủ đầy bởi những ông bình vôi sứt mẻ và những ông táo, vòng kiềng nấu bếp đen kịt. Những đồ thờ cúng lỉnh kỉnh trong ngôi đình ba gian được dẹp đi đâu không biết. Trên vách tường gian giữa là chiếc cờ đỏ búa liềm ngự chễm chệ phía trên lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt Trận. Vị chánh án mặt mày xương xẩu, đen đúa mặc chiếc áo len đỏ có những sọc nổi vặn vẹo hình con rết ngồi trước chiếc bàn nhỏ xem lại mớ giấy tờ. Bị cáo đứng gần một cây cột đình, nhỏ thó, lơ láo, thỉnh thoảng đưa hai bàn tay trói chặt với nhau lên gãi gãi vào mặt. Một giải phóng quân cầm súng canh bị cáo, khuôn mặt nghiêm trọng.
Phiên tòa bắt đầu. Ông chánh án đọc bản cáo trạng dài ngoằng, nhưng thằng Phú chẳng nghe được gì hết. Nó đang nhìn con Xuyến. Con nhỏ này học sau nó một lớp ở trường tỉnh, nhà ở gần nhà nó. Thằng Phú đưa tay giật nhẹ một món tóc của con Xuyến. Con nhỏ quay lại, cặp môi chu ra sẵn sàng để gây gổ bỗng nở ra thành nụ cười bẽn lẽn khi chủ nhân của chúng nhận ra thằng Phú. Lúc này bản cáo trạng đã đọc xong, đến phiên "nhân dân" đóng góp. Một chị chừng mười bảy tuổi đưa tay phát biểu. "Tên ác ôn Trần Tư Giá có lần đòi xáng hòn gạch vô mặt tui. Tui còn nhỏ mà hắn bắt tui phải rinh một lần mười cục gạch!" Một người khác tố cáo bị cáo đã ỷ quyền thế đòi ăn hối lộ cặp gà mới chịu chứng giấy làm khai sinh tòa án cho con của bà ta. Ngoài ra còn vài vụ xích mích lặt vặt giữa Trần Tư Giá với mấy người trong làng cũng được đem ra mổ xẻ.

Cuối cùng thì ông ủy viên Mặt Trận phải tuyên bố là ngoài các tội lỗi ghê gớm kể trên, bị cáo còn mang tội làm tay sai cho bè lũ bán nước, tức là phụ tá ủy viên tài chánh xã kiêm nhân viên quản trị lò gạch cộng đồng. Ông đề nghị nhân dân tuyên án tối đa tên ngụy có nợ máu với nhân dân này để làm gương. Chị tre trẻ hồi nãy đòi xử tử hình! Có tiếng xì xào trong số thính giả. Thằng Phú nghĩ thầm trong bụng, "Vậy là chết cái lão Giá rồi." Nó không ưa lão này, có lần nó vô vườn mía của lão bẻ có hai cây mía mà lão vác gậy rượt nó thiếu điều muốn ná thở. Chương Một Mắt, ủy viên thanh thiếu niên Giải phóng đề nghị Cách mạng khoan hồng cho bị cáo học tập cải tạo cho đến ngày thành công rồi hãy đưa ra xét xử. Mọi người hình như có vẻ hài lòng với bản án này. Ông ủy viên tuyên án đúng như anh Chương đề nghị. Anh sướng quá, mặt mày dáo dác, nhìn ngang nhìn ngửa, con mắt trái đục lờ thiếu điều muốn nhảy ra ngoài.
Trên đường về, con Xuyến phàn nàn: " Ông Giá có làm chi mô mà bắt người ta!" Thằng Phú làm ra vẻ thông thái, trả lời: "Không có chó bắt mèo ăn cức chớ chi. Mấy ông đại diện với tư pháp xã chạy về quận hết trơn, thì cha Giá lãnh tội chớ còn ai vô đây!" "Thấy ổng tội nghiệp quá hà," con Xuyến than thở. Con nhỏ này thì cái gì cũng tội nghiệp! "Chắc họ nhốt ổng mấy bữa rồi thả ra, Xuyến đừng có lo," thằng Phú an ủi. Thằng Phú hoang đàng nghịch ngợm có tiếng, cả làng cứ kéo tới nhà mẹ nó mắng vốn tối ngày. Vậy mà đối với con Xuyến lúc nào nó cũng dịu dàng, cái mới lạ! "Lão Chương Một Mắt bữa ni ngon dữ," thằng Phú nhận xét. Con Xuyến chợt dừng bước, giật giật lưng áo thằng Phú:
" Ông Chương nói sẽ họp kiểm thảo anh Phú đó."
" Kiểm thảo chi."
" Thì ai biểu anh đánh thằng Hải, hắn đi báo cáo ông Chương."
" Cái thằng đó ỷ có cha đi tập kết, nói xấu ba anh thì anh đánh hắn chớ răng!"
" Ông Chương nói anh có đầu óc chống phá cách mạng."
" Răng Xuyến biết?"
" Thì ông Chương nói với mẹ em đó!"
Thím Bích góa chồng năm sáu năm nay, lão Chương cứ theo cà rà mãi, có chuyện gì cũng đem kể lể để làm quà.
" Rồi thím có nói chi không?"
" Mẹ em nói thằng Phú con nít biết chi mà chống với phá, nói rứa tội nghiệp hắn. Ông Chương nói biết mô thằng Phú giống cha hắn không chừng!"
Thằng Phú thấy tức trong bụng. Ba nó mà có ở đây thì ông nội lão Chương cũng không dám hó hé. Mà ba nó đi đâu mất tiêu mấy năm nay, bỏ mẹ con nó côi cút, ai cũng hiếp đáp được hết. Thằng Phú cắm cúi bước đi, lòng nặng trịch. Con Xuyến lúp xúp chạy theo, nói nhỏ:
"Mẹ em nói anh Phú đừng có cứng đầu với mấy ổng, rủi có chuyện chi tội nghiệp thím Út."
"Chuyện chi là chuyện chi?"
Thằng Phú trả lời cấm cẳn rồi bỏ đi một nước. Ánh trăng hạ tuần đẩy bóng nó ngã dài, nhảy nhót trên những bụi cây ven đường. Bỗng nó dừng lại, nghe ngóng. Có tiếng vật gì đang xé gió kêu u u trên đầu nó. Thằng Phú cắm đầu chạy ngược lại con đường lúc nãy, miệng kêu lớn "Xuyến ơi Xuyến ơi!" Con Xuyến đứng nép vào hàng rào keo cạnh bờ giếng, hai tay bưng chặt lấy tai, thân hình run rẩy. Thằng Phú nhào lại ôm chặt lấy con Xuyến cùng lúc viên đạn trái phá nổ đánh ầm ở một nơi nào đó gần bờ sông Cái. Lại có tiếng đạn trái phá kêu xè xè trên đầu. Kinh nghiệm cho thằng bé mười bốn tuổi biết rằng lần này đạn sẽ nổ gần hơn. "Hắn kêu u u thì còn đỡ, kêu xè xè là đang chúi xuống, mi lo mà nằm xuống đi," chú Năm Hổ dặn nó như vậy. Hai tiếng nổ choáng óc vang lên trước sau chỉ có vài giây, khu đầu làng sáng rực lên trong khoảnh khắc và mặt đất rung lên như động đất. Có tiếng con Xuyến khóc thút thít, đòi về nhà. Thằng Phú gắt, "Nằm im đó. Bộ Xuyến muốn chết răng mà đòi về!"
Cuộc oanh kích kéo dài khoảng mười lăm phút. Những viên đạn trái phá được gởi đi từ những họng đại pháo bố trí ở một nơi nào đó trong quận lỵ cách ngôi làng của thằng Phú trên mười cây số đường chim bay tiếp tục kêu u u, xè xè trên đầu hai đứa trẻ và nổ tung chung quanh chúng cùng với những bựng lửa sáng lòa và mặt đất nghiêng ngả như đang dậy sóng. Thằng Phú tựa lưng vào hàng rào "keo" lởm chởm, ôm chặt thân hình run rẩy của con Xuyến vào người. Chen lẫn giữa những tiếng nổ là tiếng thở hào hển đứt quãng của hai đứa bé trong nỗi kinh hoàng. Chúng chia tay nhau ở bờ giếng sau đó, ù té chạy về nhà của mình. Ở đó, có mẹ của chúng đang lo lắng mong đợi chúng, nếu chính họ may mắn không bị tên bay đạn lạc.

*
Thằng Phú giật mình choàng tỉnh. Lưng nó ướt sũng mồ hôi dính vào chiếc chiếu cũ mèm trải trên miếng vạt giường làm bằng những thanh tre mỏng rít chịt. Lỗ tai vẫn còn lùng bùng bởi tiếng đạn trái phá hồi chặp tối khiến nó không hiểu chuyện gì xảy ra. Nó dụi mắt và nhận ra dáng người nhỏ thó của mẹ nó đang cúi xuống lay nhẹ vai nó. "Con dậy xuống bếp rửa mặt cho tỉnh táo rồi lên mẹ biểu." Mẹ nó thì thào.
"Chuyện chi rứa mẹ? Con buồn ngủ quá mà!" Thằng Phú cằn nhằn.
"Dậy mau đi." Mẹ nó thúc, giọng vẫn thì thào nhưng quyết liệt.
Lúc thằng Phú trở lên nhà trên, nó bắt gặp mẹ nó đang ngồi khóc thút thít trên chiếc chõng tre ọp ẹp của nó.
"Chuyện chi rứa mẹ? " Thằng Phú lo sợ hỏi.
"Chút nữa chú Năm Hổ qua dẫn con đi ra bến đò Phong Thử. Con đón xe ra Ðà Nẵng để chị Giang đưa con đi Sài Gòn."
Tự nhiên lại đi Sài Gòn! Thằng Phú thích đi Sài Gòn lắm, nhưng mà tại sao lại đi Sài Gòn ngay bây giờ?
"Răng phải đi gấp rứa mẹ?"
"Mi mà còn ở đây mấy ổng bắt mi đem xử tội."
"Con có làm chi mô?"
"Mi chửi lính huyện đội, đòi oánh người ta hộc máu!"
"Tại thằng nớ gây sự trước chớ bộ! Con qua thím bảy Vượng kiếm thằng Mỹ chơi, hắn nói giặc Mỹ ở bên Mỹ chớ đâu ở đây mà kiếm. Hắn ỷ có cái ‘sào đuổi vịt’ đó rồi làm trời. Cái mặt thằng nớ mà không có súng con đá một cái hộc máu!"
Thằng Phú gân cổ cãi.
"Thôi đi. Còn thằng Hải con cán bộ tập kết mắc chi mi oánh hắn?"
"Tại hắn nói ba là đồ phản động chi! Mẹ nói hồi đó ba là anh hùng kháng chiến đánh giặc bị thương mà!"
"Ðó là hồi nớ, bây chừ khác rồi."
Mẹ hắn nói tiếp:
"Chú Năm Hổ nói huyện ủy Quý nghi mi do thám cho Quốc Gia! Mi vô nhà Hương Văn lục lạo lão thấy hết!"
Vậy là lão Quý trốn trong nhà Hương Văn sáng nay rồi, thằng Phú nghĩ thầm.
"Mà con có lấy chi mô! Con kiếm đồ ăn thôi mà!"
"Mi đi kiếm mấy ổng mà cãi," mẹ nó gắt.
Thằng Phú nghĩ bụng nếu gặp huyện ủy Quý thì nó cũng cãi tuốt chớ sợ chi! Cùng lắm ổng móc súng ra dọa cho nó sợ rồi cũng tha thôi chớ không lẽ ổng bắn nó. Mới hai tháng trước đây, mấy ông bên phe Quốc Gia cũng làm dữ với nó mà có sao đâu! Hôm đó cơn bão ở đâu kéo qua tỉnh lỵ nơi nó trọ học, trời mưa tầm tã, gió mạnh làm tróc nóc mấy lớp học, trường cho học trò nghỉ mấy hôm để sửa chữa. Thằng Phú nóng ruột mẹ và em nó, lội bộ mấy chục cây số về nhà. Cảnh hoang tàn dọc con đường về làm nó càng lo hơn, cứ muốn chạy về nhà cho nhanh. Về đến chỗ giáp ranh của Ðông Ðài và Ðịnh An, thằng Phú bắt gặp một nhóm người mặc bà ba đen mang súng tiểu liên thấp thoáng trong mấy khu vườn đổ nát. Thằng Phú làm ngơ, tiếp tục dấn bước. Ðược một quãng, hai người đàn ông trung niên mang tiểu liên Tôm xông ở đâu không biết xuất hiện ngay trước mặt nó. Người mập lùn cất tiếng hoạnh họe:
"Mi ở mô về đây?"
"Tui đi học dưới Hội An về."
"Mi về mô?"
"Về La Khom chớ về mô." Thằng Phú quạu quọ trả lời.
La Khom là làng của nó, giáp ranh với Ðịnh An. Lão mập lùn trừng mắt nhìn nó, tra vấn tiếp:
"Nãy chừ mi có gặp ai mang súng ống như tau không?"
" Có thiếu chi! Mấy ông ‘cu dê đê’ mang súng ca răng nớp đi đầy đàng dưới kia."
Thằng Phú trả lời, tay chỉ về hướng nó vừa đi qua. ‘Cu dê đê’ là chữ tắt của Quốc Dân Ðảng, thằng Phú nghe người ta kêu như vậy thấy ngồ ngộ nên bắt chước. Lão mập lùn biến sắc, nạt lớn:
" Mi nói cái chi bậy bạ đó!"
Tự dưng lão nổi quạu, kéo tai thằng Phú đau điếng, dúi nó vào vách tường của trạm thông tin cạnh đó. Lão kéo cò khẩu tiểu liên kêu rôm rốp, chĩa mũi súng vào ngực nó, quay qua người đồng hành, một lão ốm nhách mặt mày sần sùi tự nãy giờ im như thóc, nói:
"Tui làm thằng ni nghe anh Ba. Ðể hắn về trên kia nói bậy nói bạ không được đâu."

Thằng Phú dương mắt nhìn mũi súng đen ngòm, thấy ơn ớn, nhồn nhột trước ngực. Lỡ mà lão mập bóp cò một cái thì rồi đời! Mà không biết tại làm răng khi không lão lại nhảy dựng lên rứa không biết. Nó đưa mắt nhìn lão ốm nhách, hy vọng lão nói đỡ cho vài câu. Lão ốm vẫn làm thinh quan sát nó. Cuối cùng lão lừ lừ bước đến gần, mở miệng:
"Mi con cái nhà ai?"
"Tui con ông Út Giỏi," thằng Phú lẹ làng trả lời.
"Mi con Út Giỏi thiệt hả?" Lão mập vọt miệng hỏi.
"Cha mi đang làm chi trên nớ?" Lão ốm hỏi tiếp.
"Tui đâu biết. Ba tui bỏ đi đâu mấy năm ni rồi."
"Rứa là đúng rồi," lão ốm nhách quay lại nói với bạn mình.
Lão quay qua nói với thằng Phú:
"Mi về trên nớ không có nói bậy bạ coi chừng mất đầu như không nghe chưa!"
Thằng Phú làm thinh làm thế quày quả bước đi, nghe ơn ớn sau lưng. Ði được một quãng khá xa, nghĩ bụng hai lão đó không đuổi kịp, nó la lớn "Tổ cha mấy người ỷ lớn ăn hiếp con nít" rồi ù té chạy.
"Con mà không đi cho lẹ thì nguy lắm. Chú Năm Hổ nói …"
Bỗng nhiên mẹ nó ngừng bặt. Có tiếng sột soạt như vuốt mèo cào nhè nhẹ trên tấm cửa liếp ở nhà bếp. Hai mẹ con rón rén đi xuống phía nhà bếp, ngọn đèn dầu tù mù trên tay mẹ thằng Phú chao qua chao lại như muốn tắt. Mẹ nó cất tiếng hỏi nhỏ:
"Ai rứa?"
"Tui Năm đây chị Út."
Chú Năm Hổ len qua tấm phên đóng khung bằng những nẹp tre mỏng một cách gọn gàng. Chú trừng mắt nhìn thằng Phú nạt nhỏ:
"Mi hoang đàng chi địa làm khổ mẹ mi, mi có biết không?"
Thằng Phú cúi mặt nhìn xuống đôi chân sứt sẹo, im thin thít. Chú Năm là xã đội trưởng du kích. Nghe nói hồi Kháng chiến chú ở trong tổ của ba nó, hai người thân nhau như anh em. Từ hồi ba nó bỏ di, mấy ổng về làng thường xuyên, chú Năm ra coi đội du kích của xã. Khi nào lính Quốc Gia lên thì chú Năm đi theo mấy ổng rút đi đâu mất biệt. Có lần chú rút không kịp, mẹ nó đưa chú vào trốn trong hầm trú ẩn nhà thằng Phú. Chú thường hay giúp mẹ thằng Phú những công chuyện lặt vặt như leo lên mái nhà thay tấm tranh cũ nát hay ra ngoài vườn đốn tre chẻ lạt đan cái rổ mới cho nhà nó. Ðôi khi chú nhìn thằng Phú chăm chú rồi quay lại nói với mẹ nó, "Thằng ni giống anh Út như đúc." Thường thì mẹ nó trả lời bằng nụ cười buồn bã.
Chú Năm quay qua mẹ nó, hỏi:
"Chị Út sửa soạn xong chưa tui đưa hắn đi cho rồi. Trời sắp sáng bét rồi đó!"
Mẹ thằng Phú quày quả đi lên nhà trên, trở lai với cái túi xách bằng cói trên tay. Bà đưa chiếc túi xách cho thằng Phú, dặn nhỏ:
"Có lá thơ của mẹ viết cho chị Giang trong nớ, con nhớ đừng làm mất nghe!"
Quay qua chú Năm, bà nói:
"Thôi trăm sự nhờ chú. Thằng Phú còn nhỏ dại có biết chi mô."
Câu nói bị cắt ngang bởi tiếng nấc nhỏ. Thằng Phú nhìn lên, bắt gặp cặp mắt sũng nước của mẹ. Tự dưng mắt nó nhòe đi, tay nó níu lấy vạt áo của mẹ nó không muốn rời. Chú Năm Hổ đẩy nó ra cửa, nói nhỏ:
"Thôi đi đi Phú!"
"Khoan đã chú!"
Thằng Phú lật đật chạy lên nhà trên, len lén bước vào buồng ngủ của mẹ nó. Ðứa em nhỏ ba tuổi của nó nằm co quắp trên chiếc chõng tre, ngủ say mê. Nó cúi xuống hôn lên trán em mình, nói nhỏ "Thôi anh đi nghe," rồi len lén bước ra.

*
Thằng Phú ngập ngừng bước theo chú Năm Hổ, thỉnh thoảng quay lại nhìn về phía cánh cửa liếp bây giờ đã khép lại. Nó biết chắc có đôi mắt đẫm nước mắt của mẹ nó ở đàng sau cánh cửa đang dõi theo từng bước chân của mình.
Còn khoảng hơn một cây số nữa thì sẽ tới bến đò. Thằng Phú mà qua lọt tới bờ bên kia là kể như thoát nạn. Chú Năm dã quay trở lại sau khi dẫn nó đi xuyên qua làng, chui vào khu vườn sau cùa ông Hương Trà, băng qua đám mía mật rậm rịt của lão Xã Hành để tránh tai mắt đám anh em trong đội du kích của chú. Lúc chia tay, chú chỉ nói "Chú gởi lời thăm cha cháu mạnh giỏi" rồi mất hút trong đám mía dầy đặc.
Thằng Phú lủi thủi bước trên con đường rợp bóng tre. Ánh trăng hạ tuần ném những mảng ánh sáng yếu ớt xuống con đường đất mấp mô. Chân nó vấp phải một mô đất, đau điếng. Nó tức giận nghĩ đến khuôn mặt láu cá của thằng nhóc có cây súng dài như sào đuổi vịt. "Cái mặt nớ tau đá một cái là hộc máu," thằng Phú lầm bầm. Nó lại nghĩ đến hai người đàn ông đã chận nó lại ở ranh giới làng Ðịnh An và Ðông Ðài. "Ðồ người lớn ăn hiếp con nít!" Nó nhớ lại nhân dáng nhỏ thó và khuôn mặt chịu đựng của lão Giá, thỉnh thoảng đưa hai bàn tay bị trói lên mặt gãi gãi. Rồi khuôn mặt lạnh tanh của chị tre trẻ đèm đẹp ở Tư Phú, "Tui đề nghị tòa án Mặt trận xử tử tên ác ôn Trần Tư Giá để làm gương!" Rồi tiếng u u xè xè của những viên đạn trái phá trên đầu nó lẫn với tiếng thút thít của con Xuyến đang nằm run rẩy trong lòng nó, "Xuyến muốn về nhà!" Rồi tiếng mẹ nó than thở, "Con tui còn nhỏ dại có biết chi mô!"

Bỗng dưng thằng Phú nghe có tiếng chân ai nện thình thịch ở phía sau. Nó hoảng hồn quay lại nhìn. Mặt trăng đã biến đi đâu mất. Con đường sau lưng nó vắng tanh. Xa hơn nữa, phía trên rặng tre xám xịt nó vừa đi qua là dãy Trường Sơn với ngọn núi Quắp sừng sững dọa nạt. Và vắt ngang đỉnh núi Quắp là dải mây đen kịt, bằng tăm tắp như dải lụa đen ai kéo ngang chân trời. Mây thành, nó nghe người lớn gọi như vậy.
Thằng Phú quay lưng hướng về phía bến đò. Bỗng dưng tai nó ù đi. Âm vang những bước chân của chính nó dội lên như tiếng trống làng, phóng lớn mãi ra thành tiếng sấm gầm ghì. Nỗi kinh hoàng mênh mông như bầu trời xám trên cao úp chụp lên đầu thằng bé mười bốn tuổi, sinh ra trong căn hầm tránh bom ở vùng tản cư thời Kháng chiến, lớn lên cùng với bom rơi đạn réo, cùng với hoang tàn của chiến chinh và điêu linh của lòng người. Nó ngã khuỵu xuống trên đám cỏ xác xơ cạnh bờ sông, miệng kêu nhỏ, " Mẹ ơi!"
Bờ sông vắng tanh, rặng tre đen thẫm phía sau đứng im lìm, và ở phía chân trời, dải mây thành đen kịt vẫn sừng sững vắt ngang dãy Trường Sơn như đã ngàn năm.

Phùng Nguyễn – 1997

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)