Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Phụ Nữ & Giới Tính, Quan Điểm Email bài này

đi chợ

dicho_thumb.jpg

 

dicho

 

 

Cuối tuần, đưa Quỳnh đi mua sắm thức ăn ở siêu thị Saigon City trước khi về lại B. Xế trưa Chủ nhật, khu chợ đông nghẹt, chỉ việc điều khiển chiếc xe đẩy len lách trong dòng người xuôi ngược trên những lối đi chật hẹp giữa các dãy rau cải, thực phẩm tươi khô đủ loại đã là cả một nghệ thuật! Tựa chiếc xe đẩy sát vào một quầy hàng tương đối vắng để tránh cản trở lưu thông, tôi đưa mắt nhìn quanh. Tôi bắt gặp ít nhất vài đấng trượng phu đang ở cùng cảnh ngộ. Họ cũng đứng cạnh một chiếc xe đẩy tựa sát vào một quầy hàng nào đó, đưa mắt lơ đãng nhìn quanh một vòng rồi hốt hoảng lùng sục cái bóng hồng của mình trong đám đông nhốn nháo, nét mặt rạng rỡ hẳn lên với niềm ngưỡng mộ khi tìm thấy người đàn bà của họ đang nhởn nhơ/bận rộn bơi lượn một cách bận rộn/nhởn nhơ trên những dãy rau quả, thực phẩm đầy màu sắc. Trông họ, những người đàn ông này, giống nhau một cách kỳ lạ, khép nép, đần độn một cách vừa phải, và trong cùng một lúc, hài lòng với hoàn cảnh của mình một cách khá lộ liễu. Và tôi giật mình nhận ra mình cũng không khác gì họ, nghĩa là cũng khép nép, đần độn, và tự mãn vì sự đần độn của mình, trong cùng một lúc…

Những suy nghĩ bất chợt và trung thực đến với tôi trong cái siêu thị tọa lạc ở góc đường McFadden và Brookhurst thuộc quận Cam một chiều cuối tuần có thể sẽ được diễn dịch khác đi khi được đưa vào chuyên đề Phụ Nữ & Giới Tính của tạp chí Da Màu. Trước và trên hết, bởi vì sự không-đơn-giản của chính chuyên đề này, bạn đọc sẽ mang vào đó những tiền đề phức tạp khi thưởng thức các bài viết liên quan đến chuyên đề. Vì vậy, người đàn bà được ngưỡng mộ chỉ vì khả năng thiên phú của họ trong việc chọn lựa các món thực phẩm thích hợp và sau đó quần quật trong nhà bếp làm cơm để phục vụ [cái bao tử của] người đàn ông của họ. Và tất nhiên người đàn ông không thật sự ngoan ngoãn, không thật sự đần độn, họ chỉ láu lĩnh làm bộ làm tịch như thế chính vì cái phần thưởng to tát sẽ đến với họ ở cuối ngày: bữa ăn ngon do người đàn bà xinh đẹp của họ đích thân chăm sóc!

*

Đoạn văn đầu tiên trong truyện ngắn “Bắt hến ở hồ Isabella” của tôi chấm dứt với câu “Tất nhiên là tôi không nói gì. Mấy chuyện đó đã có vợ tôi và mấy cô em gái lo liệu.” Xin đăng lại toàn bộ đoạn văn nêu trên để bạn đọc tham khảo:

Chừng hai tuần sau khi gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ và nhập cư ở thành phố này, Chung đến thăm. Trước anh một tuần thì có ông mục sư Tuế. Ông này mang cho một số thịt đông lạnh gói trong lớp giấy bọc màu vàng xỉn. Mẹ tôi đem bỏ hết vào tủ lạnh, và phải đến hơn một tuần sau chúng tôi mới khám phá ra mớ thực phẩm cao cấp này đã hết hạn cả năm về trước. Mẹ tôi mang vất thùng rác một cách tiếc nuối, nhất định bà còn chưa quên những rổ cá ươn thối cả khu phố giành giật nhau ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh đầu con hẽm nhà chúng tôi ở Sài Gòn. “Mô Phật, đừng có nói hành người ta tội nghiệp. Người ta có lòng đem cho mình mà các con.” Tất nhiên là tôi không nói gì. Mấy chuyện đó đã có vợ tôi và mấy cô em gái lo liệu.

Câu này được/bị một nữ độc giả (Trần Minh Quân) lưu ý và đặt vấn đề với người viết. Tôi cảm thấy khá bất ngờ vì trong khi luôn có đủ tự tin để tuyên bố rằng mình không phải là người “sexist,” tôi phải thừa nhận Trần Minh Quân có cơ sở để phê phán. Điều đặc biệt là câu này được viết ra với một giọng bình thản, như thể đây là một điều rất tự nhiên, cũng tự nhiên như việc tôi được sinh ra và lớn lên từ một xã hội trong đó phụ nữ được biết đến như là một sinh vật [chỉ] biết ngồi lê đôi mách.

Tôi đã dùng đoạn văn trên đây như là một dẫn chứng khi cố gắng trả lời câu hỏi của Lưu Diệu Vân “Một tác phẩm có hay không một giới tính riêng và những đặc điểm giới tính đó có biểu lộ những phân biệt đối xử (double-standard) không?” Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng có, một cách ý thức hoặc vô thức, những biểu hiện của phân biệt đối xử về phương diện phái tính trong tác phẩm. Và điều này áp dụng cho tất cả mọi tác giả, không phân biệt phái tính.

*

Vấn đề đặt ra ở bài viết này là liệu có gì khác nhau giữa những suy nghĩ bất chợt và trung thực về những người đàn ông khép nép, đần độn, và hạnh phúc mà tôi có ở cái siêu thị tọa lạc ở góc đường McFadden và Brookhurst thuộc quận Cam một chiều cuối tuần và câu văn “khinh bạc” (một cách vô thức, tất nhiên) trong “Bắt Hến ở Hồ Isabella” hay không.

Có rất nhiều những lãnh vực trong đời sống người phụ nữ cần thiết phải tiếp tục tranh đấu để được đối xử công bằng. Bởi vì họ xứng đáng được đối xử như thế. Tuy vậy, có một số điều tôi không thật sự muốn thay đổi, những điều có thể khiến đàn ông trở nên khép nép và đần độn một cách hạnh phúc, chẳng hạn.

It comes with the territory. Và không phải lúc nào thành ngữ sáo mòn này cũng mang tính tiêu cực.
 

16.11.2011

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)