Trang chính » Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung

Liệu có một “số phận” dành cho mỗi nền văn học? Nếu có, số phận dành cho nền văn học Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (VHNVN) coi mòi rất gian nan. “Sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu,” như lờì than thở của một nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Nền văn học này, ngay từ những giờ phút đầu tiên của sự sụp đổ của chính quyền miền Nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá một cách có hệ thống của phe chiến thắng dưới chiêu bài “tiêu diệt văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy.” Có cần thiết phải nhắc đến ở đây hình ảnh các bé thiếu nhi quàng khăn đỏ hân hoan reo hò chung quanh những đống sách vở “đồi trụy” cháy ngùn ngụt ở nhiều ngã tư, tụ điểm của thành phố mang tên Bác trong những ngày tháng sau khi chiến tranh vừa kết thúc?

Bắt đầu với những điều như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn hiểu được lý do vắng mặt của VHNVN ở những thập kỷ vừa qua trong toàn bộ hoạt động văn học trong nước. Nền văn học này cũng hiếm khi được đề cập đến ở hải ngoại, ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi có đông đảo người gốc Việt cư ngụ, ngoại trừ những cố gắng đơn độc để bảo trì những gì còn có thể cứu vớt bởi một thiểu số đếm được trên đầu ngón tay. Cho nên, nếu có lần nào đó nền văn học này được nhắc đến bằng một thứ ngôn ngữ rất mạnh, rất phổ quát như Anh ngữ, hẳn là một điều rất đáng lưu tâm.

Một trong những bài viết hiếm hoi đó xuất hiện trong Manoa Journal số 14:1 (2002). Tác giả là nhà thơ/học giả Nguyễn Bá Chung (NBC), và bài viết mang tựa đề The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction [1]. Mở đầu bằng một đoạn ca từ trong Gia Tài của Mẹ của Trịnh Công Sơn, tác giả Nguyễn Bá Chung đã, như tựa đề gợi ý, lần lượt đưa ra những nhận định của ông về con đường hồi hương diệu vợi bắt đầu từ tư thế lưu đầy của giới cầm bút Việt Nam ở hải ngoại.

NBC, trong đoạn mở đầu, cho rằng chiến tranh Việt Nam buộc người ta phải lựa chọn, và hầu hết các nhà văn miền Nam hoặc tự nguyện hoặc do bức thúc của hoàn cảnh đã phải chọn phe. Trong khi đó, cũng theo NBC, sự ủng hộ của giới cầm bút miền Bắc đối với giai cấp lãnh đạo và sự nghiệp chống Mỹ là điều hầu như hoàn toàn không bị truy vấn và càng không thể nghi ngờ. Những nhà văn [miền Nam] chống miền Bắc và không trốn chạy sau 1975 được gởi đến những "trại học tập" để cải huấn và điều chỉnh tư tưởng [để thích nghi với] xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa. Số còn lại, phần đông bỏ viết lách, làm đủ thứ nghề để sống. Hàng trăm người vượt biên, gởi mình cho sóng gió, và bắt đầu thân phận lưu đày.

Ở những phần kế tiếp trong tiểu đoạn Tiếng Gọi Lương Tâm (A Call to Conscience), nơi lời tuyên bố của Mai Thảo về nhiệm vụ của văn học lưu vong Việt Nam được đề cập [2], NBC kể lại những diễn tiến liên quan đến phát triển văn học hải ngoại trong những năm 80 và 90, trong đó sự chia rẽ và rạn nứt được bắt đầu bởi công cuộc đổi mới ở nội địa Việt Nam vào giữa những năm 80. Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của các học giả Hoàng Ngọc Hiến (HNH) và Nguyễn Huệ Chi (NHC) vào đầu những năm 2000 sau đó để nghiên cứu nền văn học lưu vong được NBC đánh giá rất cao. “Lần đầu tiên, những đối thoại chân thành đã có thể diễn ra giữa các tác giả lưu vong và trong nước,” ông viết. NBC cũng đề cập đến những chống đối của “cánh quá khích,” những người đã cáo buộc HNH và NHC là nhân viên cao cấp của chính quyền Hà Nội được gởi đến Hoa Kỳ để xâm nhập cộng đồng lưu vong Việt Nam.

Ở tiểu đoạn Gián Đoạn Văn Hóa (Cultural Discontinuities), NBC cho rằng bất kể tình trạng đất nước được thống nhất với tổng số hơn 80 triệu người trong lẫn ngoài nước, Việt Nam thực ra bao gồm những "Việt Nam nhỏ" với những khác biệt văn hóa, tôn giáo, chính trị như là hậu quả gây ra bởi những thế lực chính trị trong và ngoài xuyên qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Dựa phần lớn trên công trình biên khảo của học giả Nguyễn Huệ Chi (NHC), NBC cho rằng sự khống chế của Khổng Giáo dưới thời Lê Thánh Tông đã làm mất đi sự cân bằng cần thiết của tư tưởng Tam Giáo Đồng Nguyên, tạo nên gián đoạn văn hóa lần thứ nhất. Gián đoạn văn hóa lần thứ hai bắt đầu với với sự đô hộ của thực dân Pháp (hoà ước Patenôtre 1884) và cuộc tranh chấp đẫm máu giữa lực lượng Thiên chúa giáo do chế độ thực dân du nhập vào Việt Nam và nhóm khởi nghĩa Văn Thân, và lần thứ ba sau chiến thắng Điện Biên Phủ từ giới lãnh đạo miền Bắc trong quyết tâm xóa bỏ tàn tích của 80 năm thực dân chủ nghĩa xuyên qua mô hình cai trị của chủ nghĩa Cộng sản.

Trong tiểu đoạn kế tiếp, Tự Kiểm và Tái Thiết (Self-Recognition and Reconstruction), NBC đề cập đến sự xuất hiện của những tác phẩm ngang tầm thế giới của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Duy, Bùi Ngọc Tấn nhờ vào chính sách "cởi trói văn nghệ" của nhà cầm quyền Hà Nội và việc các tạp chí uy tín của hải ngoại đã đăng lại tác phẩm trong nước như là hai sự kiện quan trọng trong những năm 90 đã thúc đẩy giới làm văn học hải ngoại đánh giá lại chính mình. Vai trò của học giả Nguyễn Huệ Chi trong việc mang lại một chỗ đứng cho văn học Nam Việt Nam giai đoạn trước 75 và và văn học hải ngoại được tuyên dương bởi vì ông chịu trách nhiệm việc "điều hợp một con số rất lớn những tuyển tập văn học mang tính khai phá này."

Phần này đóng lại với những nhận định của tác giả về sự chia rẽ "trầm trọng" của giới cầm bút lưu vong trong phương cách ứng xử với tình thế mới. Ông chỉ trích "cánh bảo thủ" đã ôm chặt lấy quá khứ trong mưu đồ khống chế linh hồn và hướng đi tương lai của cộng đồng lưu vong. Dựa trên những nhận xét của mình, NBC cho rằng, "cũng như Nam Việt Nam đã có lần bị xâu xé không ngừng, cộng đồng lưu vong, bất kể sau 25 năm sống trong một đất nước tiến bộ và dân chủ hàng đầu, vẫn tiếp tục là hình ảnh thu nhỏ của nó (Nam Việt Nam)."

Một lần nữa, Trịnh Công Sơn trở lại trong tiểu đoạn cuối cùng của The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, có tên Hội Tụ Văn Hóa (Cultural Convergences) qua một đoạn ca từ của Gia Tài Của Mẹ. Ở phần này, tác giả nói về bằng chứng của một cuộc "hồi sinh văn hóa" đang mở ra ở Việt Nam cùng với sự xuất hiện của những đầu sách về Phật, Lão, Khổng giáo, và các vấn đề tâm linh, bắt đầu với việc xuất bản của cuốn Thơ Văn Lý Trần và ước mơ của người viết trong và ngoài nước về một Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ, và thịnh vượng. "Văn chương quan yếu và nhiệt thành chỉ có thể mọc ra trong những tâm hồn đã loại bỏ được hận thù và ảo tưởng về quá khứ hay tương lai," NBC kết luận.

*

Qua những tiểu đoạn nhắc ở trên, cần phải nêu ra ở đây những nỗ lực đáng kể của tác giả Nguyễn Bá Chung trong việc chỉ ra những diễn tiến liên quan đến hoặc có ảnh hưởng lên khía cạnh văn học của cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong những thập kỷ qua, đặc biệt những sự kiện đưa đến chuyện cơm không lành canh không ngọt trong cộng đồng lưu vong. Quả thực đã có những chia rẽ trong giới làm văn học hải ngoại về phương hướng ứng xử với những diễn biến chính trị trong nước. Đã có lời qua tiếng lại, những cáo buộc, những vu vạ bắt đầu từ những bất đồng ý kiến. Đã có những tai tiếng mà những người làm văn học ở hải ngoại, bất kể "bảo thủ" hay "cấp tiến," đã phải gánh lấy. Không phải tình cờ mà chúng ta tìm thấy đoạn sau đây trên trang chính của trang wiki Vietnamlit.org[3]do Dan Duffy, một nhà "Việt Nam học," chủ trì:

"We remove articles that libel any author as a secret agent of the Vietnamese Communist Party, or compare a critic to a Nazi, and so on. We will prepare and protect articles that review these controversies in Vietnamese literature but will not provide a forum for accusations."

Tạm dịch:
Chúng tôi sẽ loại bỏ những bài viết nhục mạ bất cứ tác giả nào là nhân viên mật vụ của đảng cộng sản Việt Nam, hoặc so sánh một nhà phê bình với hội viên Đức Quốc Xã, vân vân… Chúng tôi sẽ dành chỗ và bảo vệ những bài viết về những tranh luận trong văn chương Việt Nam nhưng sẽ không cung cấp một diễn đàn để cáo buộc nhau.

Xin bạn đọc đoán thử xem phát biểu này nhắm vào ai. Có lẽ không cần đến may mắn để có được câu trả lời chính xác. Rõ ràng là những người đã đi xa hơn sự cần thiết trong việc bảo vệ chính kiến của mình phải chịu trách nhiệm về những tai tiếng chung cho cộng đồng văn học lưu vong. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể mang tai tiếng cho dù đã không làm gì để xứng đáng phải gồng gánh điều này. Đã có những tai tiếng, những cáo buộc áp đặt lên cả một tập thể vô cùng gần gũi với người Việt hải ngoại: miền Nam Việt Nam, người miền Nam, và tất cả những gì liên quan đến họ. Đã không hề có một câu hỏi nào được đặt ra cho việc ai sẽ chịu trách nhiệm về những thương tổn mà một số đông người Việt Nam trong và ngoài nước đã phải gánh chịu trong bao năm qua.

*

Có một số "kiến thức" rất phổ biến về chiến tranh Việt Nam được chia sẻ trước hết trong giới trí thức cấp tiến Âu Mỹ và giới truyền thông và sau đó, lây lan rất nhanh đến các tầng lớp khác qua ngả học đường, báo chí, và các phương tiện truyền thông khác. Lâu dần, những "kiến thức" này trở thành những "thực tế" được công nhận rộng rãi và được sử dụng thường xuyên để đóng khung cách nhìn của các "tín đồ" về người, việc, và sự kiện liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Một số "thực tế" cơ bản và phổ biến nhất:

1. Chiến tranh Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến mà là chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.

2. Chính quyền miền Nam tham nhũng, thối nát, và là tay sai của đế quốc Mỹ.

3. Quân đội miền Nam tàn ác và trong cùng một lúc không có tinh thần chiến đấu.

4. Nhân dân Nam VN, đặc biệt là thành phần nông dân, hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến đấu chống Mỹ do Cộng sản lãnh đạo.

Từ những "thực tế" cơ bản trên, một hay nhiều cơ sở lý luận được thiết lập, và kết luận về những gì dính líu đến chiến tranh Việt Nam đều có thể dễ dàng được vẽ ra theo kiểu "vơ đũa cả nắm" và do đó, chân tướng của mỗi người, việc, và sự kiện riêng lẻ không còn cần thiết phải là đối tượng của nghiên cứu và kiểm chứng. Chúng ta có thể nhận ra cái nhìn rất phổ biến, rất quen thuộc, rất dễ dãi, rất lười biếng này trong bài viết của học giả Nguyễn Bá Chung. Xin được trở lại với bài tiểu luận của ông và những nhận xét ông đã dành cho một nền văn học trầm luân và những người đã góp phần làm nên diện mạo của nền văn học đó trong một tiểu đoạn chưa được đề cập ở trên. Tiểu đoạn này mang tên A Clash of Worlds and Worldviews, xin tạm dịch là Xung Đột của các Thế Giới và Thế Giới Quan.

Theo Nguyễn Bá Chung, trong tập Văn Học Miền Nam: Tổng Quan, Võ Phiến (VP) đã lưu ý độc giả đến sự vắng bóng của người nông dân trong các tác phẩm văn học miền Nam, và nếu có xuất hiện, họ chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, thiếu chiều sâu [4]. “Đây là một khám phá đáng giật mình dựa trên sự kiện 80% dân số Nam Việt Nam là nông dân trong giai đoạn này,” NBC than phiền. “Chúng ta làm thế nào để giải thích tình trạng dị thường này? Tại làm sao VHNVN có thể phản ánh suy tư và quan tâm của chỉ 20% dân số — những người sống an toàn trong đô thị, cách ly những bom những pháo và những đe dọa thường xuyên của lằn đạn réo?” [5]

First-world enclave, tạm dịch "ốc đảo thượng lưu" hoặc "tô giới thượng lưu" là cụm từ học giả Nguyễn Bá Chung dùng để mô tả Sài Gòn và những thành phố khác của miền Nam. "Sài gòn và nhiều thành thị khác của miền Nam vào thời điểm đó giống như những hòn đảo thanh bình và tiện nghi trong một biển lửa mà chúng ngoảnh mặt làm ngơ. Được bảo vệ bởi lực lượng quân sự Hoa Kỳ và nuôi sống bởi viện trợ hào phóng của Mỹ, những thành phố này mang dáng dấp của những tô giới thượng lưu trong vùng đất nghèo khổ của những đất nước kém mở mang." [6]

Bằng một nhận xét vay mượn từ Võ Phiến mà độc giả có thể tìm đọc những trang liên hệ ở phần chú thích, và không hề chứng tỏ đã kiểm chứng và suy ngẫm về tác động thực sự của điều chứa đựng trong nhận xét này, NBC nhanh chóng khẳng định văn học miền Nam Việt Nam chỉ phản ánh quan tâm của những người sống an toàn trong những tô giới thượng lưu và quay lưng lại với chiến tranh đang xảy ra trên đất nước. Trong khi người đọc có thể cho rằng đây là một cú nhẩy liều lĩnh về phương diện lý luận, tôi tin rằng NBC đã rất yên tâm với kết luận của mình. Dựa trên một trong những "thực tế" đề cập ở trên, toàn bộ nông dân Việt Nam ủng hộ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, những kẻ không thuộc về "thực tế" này, hầu hết là dân thành phố, hoặc nhất định phải là tay sai của đế quốc Mỹ hoặc đã ngoảnh mặt làm ngơ trước thảm họa đất nước. Sự vắng mặt của nông dân trong các tác phẩm văn học và sự hiện diện của các "ốc đảo thượng lưu," như lớp kem trên mặt chiếc bánh kem, làm tăng thêm sự "hấp dẫn" của kết luận này.

Ở đoạn kế tiếp, NBC cho rằng thành thị là chốn tị hộ của giới viết lách thành phố, "nơi phần lớn những mối quan tâm của họ chỉ thích hợp với một xứ sở không chiến tranh hoặc ít nhất, không phải chiến đấu cho sự sống còn của mình. Không giống như đồng bào của họ ở thôn quê, sinh mạng của những nhà văn/nhà thơ này chưa bao giờ bị đe dọa." [7]

Từ nhận xét này, tác giả NBC giải thích tâm lý của giới viết lách miền Nam như sau:

"Trong nhiều phương diện, tác giả thành thị bị sập bẫy bởi một lịch sử không do chính họ lựa chọn: họ không thể toàn tâm ủng hộ những người tuyên bố đang chiến đấu nhân danh họ hoặc hoàn toàn cách ly họ. Họ cũng không thể rời bỏ sự an toàn của đô thị để tham gia lực lượng du kích trong rừng, mà cũng không thể thẳng thừng chối bỏ và lên án những người vào bưng chiến đấu bởi vì không một ai có thể phủ nhận được nhiệt tình, cống hiến, và hy sinh của phía bên kia và sự đồi trụy của phe họ!" [8]

Ở đây, "thực tế" được đẩy đi xa hơn để phục vụ lập luận của NBC. Bởi vì hầu hết các tác giả là dân thành phố, thái độ "ngoảnh mặt làm ngơ" của họ nhất định phải thể hiện ra ở sự lựa chọn những chủ đề văn chương "chỉ thích hợp với một xứ sở không chiến tranh." Có quả thực quan tâm của người viết miền Nam chỉ có như thế thôi sao? Sử dụng chính trích dẫn của NBC, Trịnh Công Sơn đã ngồi ở đâu khi soạn bài hát Gia Tài của Mẹ và những bản nhạc khác trong tập Ca Khúc Da Vàng? Hoặc giả chỉ có "TCS và một số ít những người khác luôn luồn lách ở bên lề" [9] mới có khả năng nhìn xa hơn ranh giới Sàigòn-Gia Định? Hơn nữa, chưa cần phải bàn đến toàn bộ tác giả miền Nam, chỉ riêng con số tác giả quân đội ở các đơn vị tác chiến cũng đủ giúp đánh giá kết luận của NBC. Trong bài "Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến" ở một số damau.org chủ đề Chiến Tranh, Đặng Tiến có đề cập đến những tác phẩm viết về Chiến Tranh của hơn 260 tác giả miền Nam do Trần Hoài Thư và bạn hữu sưu tập. Công trình này, trong mọi trường hợp, chỉ chứa đựng một phần rất nhỏ trong cái tổng số tác phẩm có chủ đề chiến tranh xuất hiện trong giai đoạn bi thảm này của đất nước và viết ra bởi các tác giả trong và ngoài quân đội.

Chiến tranh, tuy vậy, không hề là chủ đề duy nhất của văn chương Nam Việt Nam. Một trong những đặc điểm không thể chối cãi được của nền văn học này là sự đa dạng. Không giống như người viết trong nền văn học chuyên chính ở phía Bắc, nghệ sĩ sáng tác miền Nam được dành nhiều khoảng trống cho sáng tác, và họ đã tận dụng những "khoảng trống" này. Do đó sự đa dạng của nền văn học này là một hậu quả tất yếu. Để dẫn chứng, không phải là điều khó khăn. Những độc giả hoài nghi có thể tìm đọc một số tác phẩm tiêu biểu của nền văn học này, ngay cả với số lượng nhỏ và rải rác, trên Internet hoặc ở một số nhà sách/thư viện ở nước ngoài để tìm lấy câu trả lời cho chính mình. Bạn đọc cũng có thể đọc một số tác phẩm của nền văn học nhiều màu sắc này ngay trên tạp chí mạng damau.org trong các số chuyên đề Văn Học Miền Nam Việt Nam giai đoạn 54-75, bắt đầu với số 26.

Cũng xin lưu ý bạn đọc là cùng với những kết luận vội vã, học giả NBC đã không hề đưa ra một dẫn chứng nào để hỗ trợ lời tuyên bố của mình. Tôi có cơ sở để tin rằng trách nhiệm đưa ra bằng chứng để bảo vệ lập luận của mình không phải là điều ông quan tâm. Ông không hề có ý định tìm hiểu và phê phán VHNVN và những người đóng góp cho nó một cách nghiêm túc. Điều này cần thời gian và công sức, và tại sao phải phí công sức khi những khuôn mẫu đã có sẵn để sử dụng! Số phận nền văn học này và các tác giả này đã được định đoạt ngay từ đầu là phải thuộc về cái thế giới của những hòn đảo an lành, đầy tiện nghi, và vô cùng lãnh đạm với chính số phận của quê hương. Và phán xét này của ông sẽ giúp làm rõ hơn sự tương phản giữa hai "thế giới" mà học giả NBC khổ công kiến tạo. Câu "Không giống như đồng bào của họ ở thôn quê, sinh mạng của những nhà văn/nhà thơ này chưa bao giờ bị đe dọa" là một thí dụ khác về nỗ lực của tác giả trong ý định làm rộng thêm cái hố ngăn cách giữa hai thế giới.

Trong quá trình sửa soạn tâm lý cho các tác giả ở thành thị miền Nam (ở đây phải hiểu là toàn bộ các tác giả đã cống hiến cho nền văn học Nam Việt Nam dựa trên kết luận của NBC), tác giả The Long Road Home … đã biến các cây bút miền Nam trở thành những người vô cùng lúng túng, hoang mang một cách bị động. Và với lá gan bằng hạt đậu. Chỉ vì họ "không thể rời bỏ sự an toàn của đô thị để tham gia lực lượng du kích trong rừng." Và vô cùng tự ti, vì "cũng không thể thẳng thừng chối bỏ và lên án những người vào bưng chiến đấu bởi vì không một ai có thể phủ nhận được nhiệt tình, cống hiến, và hy sinh của phía bên kia và sự đồi trụy của phe họ."

Cách nhìn của NBC cho thấy ông chỉ ủng hộ một lựa chọn duy nhất: vào bưng biền chiến đấu cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Tất cả những chọn lựa khác chỉ là biểu hiện của hoang mang bị động, của hèn nhát, và do đó, của mặc cảm tự ti. Đây là một nhận định "độc đoán" dựa trên thiên kiến của ông, và thiên kiến này, soi rọi từ một số khía cạnh, có thể cho phép chúng ta nhìn ra quá trình hình thành của nó. Trở lại với những "đức tính" mà học giả Nguyễn Bá Chung đã gán cho tác giả miền Nam. Trên thực tế, một số tác giả, như Võ Phiến mà ông NBC đã trích dẫn, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, v.v… đã đến từ chính cái nơi mà NBC muốn họ đến, đúng hơn, trở lại. Với các tác giả khác, sự chọn lựa đã xảy ra khi họ và gia đình lên đường vào miền Nam. Đối với các nhóm này, sự chọn lựa là một hành động ý thức và dứt khoát. Một số khác, trưởng thành sau cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và trong giai đoạn non trẻ của chế độ miền Nam đã, tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan, chọn cho mình một vị trí. Trong khi có thể không có nhiều lựa chọn như họ mong muốn, giới sáng tác miền Nam quả có điều để lựa chọn và có quyền được lựa chọn, ngay cả giữa những điều không toàn hảo. Nói chung, số người chọn "ở lại" chiếm tuyệt đại đa số. Đây có vẻ như là một điều khó hiểu đối với NBC. Tại sao phải … lựa chọn nếu chọn lựa duy nhất có thể chấp nhận được là vào bưng kháng chiến? Không phải đó là điều mà cả một nửa đất nước ở phía Bắc đã làm hay sao? Khôn lớn, trúng tuyển nghĩa vụ, xẻ dọc Trường Sơn, sinh Bắc tử Nam, trở thành anh hùng hay liệt sĩ. Trăm, ngàn, triệu người như một. Tươi cười, hớn hở, như ngày giỗ hội. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. KHÔNG làm anh hùng hay liệt sĩ còn khó hơn đi lên trời!

Không có được sự "thuần nhất" theo kiểu hệ thống sản xuất dây chuyền chỉ có thể có được trong những chế độ mà theo ông NBC, đòi hỏi ở người dân sự ngoan ngoãn vâng lời (conformity), người dân miền Nam, và đặc biệt giới sáng tác, như là một cá nhân, có toàn quyền đương đầu với tất cả mọi vấn đề khiến họ quan tâm bên cạnh mối quan tâm chung và lớn nhất, chiến tranh. Đây chính là một trong những lợi thế của nền văn học miền Nam. Đa dạng thể hiện ở sự phong phú trong thể loại, chủ đề, và sự tự do khám phá các chủ đề này. "Gia Tài Của Mẹ" của Trịnh Công Sơn mà NBC đã trích dẫn hơn một lần trong bài viết của ông nhất định đã không có cơ hội ra đời ở phía bên kia sông Bến Hải trong cùng một giai đoạn. Sự phức tạp của những vấn đề phải đối phó trong đời sống, trong khi khiến nhức đầu, lại là cơ hội tốt cho tác phẩm văn học vượt qua sự đơn giản phiến diện và buồn chán của minh họa để đào bới sâu hơn vào tâm thức cá nhân và bản chất của sự việc.

Dù sao thì cũng nên ghi nhận lòng tốt của ông Nguyễn Bá Chung ở đây. Ít nhất, những nhà văn nhà thơ có tâm lý phù hợp với mô tả của NBC -sập bẫy thời cuộc, lưỡng lự, hoài nghi, bị động, đầy tự ti- không nên nằm trong danh sách những tên "biệt kích văn nghệ" và do đó có nhiều cơ hội được hưởng sự khoan hồng. Có điều nghĩa cử này có được đón nhận bởi chính những người cầm bút, còn sống hay đã chết, trong giai đoạn 1954-1975 hay không còn là một nghi vấn.

Tiếp tục tái khẳng định một số các "thực tế" nhắc đến ở trên, NBC đã dành một phần khá dài trong tiểu đoạn Xung Đột của những Thế Giới và Thế Giới Quan để làm một cuộc so sánh giữa những lực lượng đại diện cho mỗi thế giới, ở đó, thiện và ác được mô tả rất rạch ròi, rất phân minh.

"Tương phản với những xa hoa chỉ thấy được trong xã hội văn minh – tính bất định của nhân vật Hamlet, sự tự vấn, và niềm hoài nghi hiện sinh, nổi lên sừng sững sự quyết tâm của những người cặm cụi trên những cánh đồng khô cằn, dưới hầm trú ẩn, và đối diện với bắt bớ và giết chóc hàng ngày, hoàn toàn không có sự trợ giúp của không lực ngoại bang và không có quân đội đồng minh nhào đến cứu viện. Một tướng lãnh hoặc chính trị gia Nam Việt Nam có thể sống sung túc trong một biệt thự Tây và hưởng thụ tất cả những tiện nghi của xã hội tân tiến, kể cả nhiều ‘gia nô’ chạy việc cho ông ta. Trái lại, một tướng lãnh hay chính ủy của lực lượng giải phóng sống trong rừng sâu, trong một túp lều hay dưới địa đạo, và có thể chịu đói khát hàng tháng trời cùng với bộ đội của họ. Ông ta không có những vật dụng, biểu tượng của thế giới thượng đẳng: không TV, không xe hơi, không tin tức về đời sống xa hoa. Trái tim ông cháy bỏng với một ước muốn duy nhất: giữ gìn sinh mạng thuộc cấp, hoặc ít nhất, làm chậm lại tổn thất sinh mạng của họ càng lâu càng tốt. Ông trải qua nhiều lần những kinh nghiệm đau thương chứng kiến đơn vị của ông đối diện sự hủy diệt của B-52 rải thảm, bom lửa, pháo hạm, và trọng pháo. Ông tin rằng nguồn gốc của của tất cả những thống khổ của ông và của những người dân quê thân thiết của ông năm ở ngưỡng cửa của những người miền Nam Việt Nam và những “quan thầy” Mỹ, những người sinh hoạt thoải mái phía sau những vòng đai an ninh bao quanh các thành phố. Bởi vì lực lượng giải phóng có nhân viên tình báo cài đặt ở những cơ quan cao cấp nhất của chính quyền miền Nam, các tướng lãnh sống trong rừng biết được tư thế tay sai của miền Nam trong một cách thế hầu hết công dân của ‘nó’ không thể biết được. Người nào biết thì không bao giờ công khai thừa nhận – một thí dụ mỉa mai về câu nói của Lão Tử, ‘kẻ biết thì không nói; kẻ nói thì không biết.’” [10]

Sự mập mờ, trong cách ứng dụng của một số người, là một chất liệu mầu nhiệm. Nó làm nhòa những kẻ hở, những mấp mô, những chỗ không ăn khớp, đặc biệt trong lý luận. Hamlet-like irresolution, self-questioning, existential self-doubt nhất định là những đức tính xa xỉ không phải bất cứ người dân thành thị trung bình nào ở miền Nam cũng có thể sở hữu. Giới viết lách thì may ra, và có lẽ đó là đối tượng NBC nhắm đến. Vậy thì sừng sững quyết tâm là của ai, phe nhóm nào? Theo cách nói của NBC, của những người dân quê làm ruộng, ngủ hầm tránh bom, nghĩa là 80% dân số VN, cũng theo NBC, trước 1975. Nếu là vậy, có phải đây là quyết tâm làm ruộng và ngủ hầm? Không có ai bỏ ruộng vườn chạy về thành phố lánh nạn trong khi dân số thành thị miền Nam tiếp tục sưng tấy lên trong suốt chiều dài cuộc chiến? Nếu "quyết tâm" dùng để chỉ lập trường chống Mỹ cứu nước không lay chuyển của lực lượng du kích thuộc Mặt trận Giải Phóng miền Nam thì không nên thêm vào đó cái hình ảnh còng lưng trên đồng ruộng khô cằn hoặc than phiền không có viện trợ của không lực Mỹ! Bằng cách nhập nhằng giữa thường dân (không có phương tiện tự vệ, làm ruộng, chui dưới hầm để tránh bom đạn, nạn nhân của chiến tranh) và lực lượng võ trang (võ trang tận răng, có thể biến bất cứ ai thành nạn nhân chiến tranh), học giả Nguyễn bá Chung tỏ ra không thể không bám chặt vào một số những "thực tế" nhắc đến ở trên. Trong cả hai trường hợp, bằng cách so sánh giữa một bên là trạng thái tâm lý phức tạp của một nhóm người vô cùng chọn lọc với phía bên kia là một đức tính được gán ghép chung chung theo kiểu buôn sỉ cho một khối lượng dân số lớn gấp bội, ông Nguyễn Bá Chung trông đợi gì ở kết quả của công cuộc nghiên cứu này?
So sánh lối sống của các tướng lãnh của các phe đối nghịch xem ra có phần hợp lý hơn. Ông NBC đã làm như thế trong đoạn kế tiếp. Với sự nồng nàn và tha thiết hiếm khi bộc lộ trong thể văn tiểu luận, ông đã mô tả … rất chính xác những gian khổ mà các vị tướng lãnh và chính ủy cách mạng đã phải trải qua. Rất là thiếu tiện nghi, ông kết luận! Đế quốc Mỹ, và trước đó là thực dân Pháp, đã không xây những "tô giới thượng đẳng" trong phần lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của trung ương cục Miền Nam, lúc bấy giờ còn đặt ở trong rừng sâu. Tất nhiên là không có TV. Ngay cả Sài Gòn lúc đó cũng chỉ có TV đen trắng. Dù sao thì chúng ta cũng nên hy vọng những gian khổ, những nằm gai nếm mật của các vị tướng và các chính ủy cao cấp của phe thắng trận đã được đền bù một cách xứng đáng sau tháng 4 năm 1975. Sẽ vô cùng bất công cho các vị này nếu những căn biệt thự Tây lộng lẫy vẫn tiếp tục để trống sau khi những người chủ cũ của chúng đã rời đi.

Việc phô diễn một cách nồng nhiệt những đức tính cao quý của các lãnh tụ chính trị và quân sự miền Bắc là một bước hợp lý và cần thiết cho việc khẳng định những "thực tế" đề cập trước đây. Mọi sự cần thiết phải trở trên rõ ràng như ban ngày. Những thế giới cần phải có mặt, thành thị và thôn quê, đã được kiến tạo. Tốt và xấu, nguồn gốc của xung đột, đã được gán ghép. Cho dù tất cả những điều đó, tướng tốt tướng xấu, nghĩ cho cùng, không dính líu gì đến văn học miền Nam Việt Nam và những người làm văn học trong giai đoạn này. Không giống như các lãnh tụ miền Bắc, những người luôn đứng tên trên bìa sách của một hay nhiều tác phẩm văn học do người khác viết hộ và luôn sở hữu những đức tính cao quý tương tự như vị tướng trong bài viết của NBC, không có bao nhiêu tướng miền Nam có tham vọng dấn mình vào lãnh vực văn chương. Không giống như những lãnh tụ miền Bắc, những người không chỉ nắm quyền nhào nặn diện mạo văn học mà lắm khi cả quyền sinh sát trên sinh mạng của người làm văn học, ảnh hưởng của tướng/lãnh tụ miền Nam trên nền văn học này, nếu có, nhất định rất không đáng kể.

Như đã trình bày ở trên, NBC, trong ước muốn tái khẳng định giá trị của những "thực tế" mà ông ôm ấp, đã nỗ lực chỉ ra sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa theo và chống Mỹ để làm nổi bật sự xung khắc không thể hóa giải giữa hai thái cực này trong thời chiến. Vẫn cảm thấy chưa đủ, ông tiếp tục chiều hướng này trong đoạn kế tiếp:

"Sau cuộc chiến, trong giai đoạn từ 1975 đến 1986, khi kinh tế đất nước tuột dốc nặng nề, đó là một điều vô cùng thê thảm cho hầu hết người miền Nam, nhưng đặc biệt là cho những thị dân. Trái lại, cho những người đã từng trải qua đói khát và thèm muốn ở trong rừng khi còn chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn như thế vẫn dễ chịu hơn những gì họ đã từng trải qua." [11]

Một lần nữa, sự mập mờ được sử dụng như là một chất liệu dẻo quẹo có khả năng bành trướng vô tận để bịt kín những lỗ hổng, lớn bao nhiêu đi nữa, của lý luận. Tuy nhiên, lổ hổng vẫn nằm ở đó. "Những người đã từng trải qua đói khát và thèm muốn ở trong rừng khi còn chiến tranh" là những ai và gồm có bao nhiêu? Lại là con số mầu nhiệm 80% dân số Nam Việt Nam ở nông thôn? Nếu không phải như vậy thì bao nhiêu phần trăm dân số đã cảm thấy dễ chịu trong ít nhất mười năm đầu tiên sau chiến tranh? Những người này là ai, thuộc thành phần nào của xã hội Việt Nam trong thời điểm khó quên đó bên cạnh giới công an và hải quan? Dù sao thì câu hỏi này hoặc là không bao giờ được NBC đặt ra cho chính mình, hoặc nếu có lần đặt ra, đã không mang một cân lượng nào hết. NBC chỉ muốn đưa vấn đề đến cái đích vạch sẵn, ngay cả nếu phải dựa dẫm vào sự mập mờ.

"Sự xung đột do vậy không chỉ đơn thuần là ý thức hệ, nhưng còn là giữa hai thế giới khác biệt nhau trong đó ngay cả ý nghĩa của ngôn ngữ cũng ở trong vòng tranh chấp. Ở một thế giới, chỉ để được sống trong hòa bình, có cơm ăn (bất kể đơn sơ hoặc không ngon miệng), có áo mặc, không phải nằm trong hầm hố đã là những thành tựu và thuộc về niềm tự do ngọt ngào cho những kẻ sống sót. Ở một thế giới khác, những người sống trong tiện nghi bây giờ bị bận tâm với sự thất trận và những mất mát của tự do cá nhân mà họ đã có được trong đời sống của một xã hội đô thị tân tiến [trước đây]." [12]

Nói một cách khác, không phải, hoặc không chỉ, ý thức hệ nhưng chính là sự khác biệt giữa hai thế giới hiện hữu song song nhưng hoàn toàn khác nhau về địa lý và lề lối sinh hoạt là yếu tố quyết định sự xung đột giữa thành thị và nông thôn trong suốt chiều dài của chiến tranh VN. Lằn ranh phân định hai thế giới này không thể lầm lẫn được: thành thị, theo Mỹ chống cộng. Nông thôn, chống Mỹ theo cộng. Sau 1975, thành thị bất mãn , nông thôn phấn khởi. Bất mãn vì những điều vị kỷ, thí dụ như sự mất mát của tự do cá nhân. Phấn khởi vì tìm được niềm tự do ngọt ngào trong thiếu thốn. Thành thị tìm đường vượt biên. Nông thôn ở lại xây dựng đất nước. Chúng ta có thể hình dung đến vô tận những cụm từ đối xứng tương tự theo chiều hướng này. Và cũng dài vô tận cái khoảng cách NBC sẽ hăng hái dấn bước để thuyết phục người đọc rằng những mảnh đời tan tác, những cuộc vượt biên hàng loạt và bi thảm trong những năm sau cột mốc 1975 là kết quả của một điều vô cùng đơn giản: những người đã từng sống ở thành phố chỉ muốn tiếp tục lối sống [ích kỷ] mà họ có được trước cột mốc này. Tất cả những điều khác phủ chụp lên đời sống của họ, tiếng chân công an khu vực, ánh mắt của người hàng xóm, tiếng chó sủa trong đêm khuya, hộ khẩu, khai báo, kinh tế mới, những hạt bo bo, miếng cá ươn tanh tưởi ở sau tấm lưới chắn vo ve ruồi nhặng của cửa hàng mậu dịch và phía trước của hàng người dài dằng dặc, nỗi sợ hãi như cái xác chết trôi ngày mỗi trương phình ra, … tất cả đều đã không xảy ra. Không thể trách được ông Nguyễn Bá Chung. Ông đã không có mặt ở đó vào thời điểm đó.

"Với tâm trạng lừng khừng, các tác giả miền Nam còn lại trong nước sau 1975 bị xem là những kẻ bất tuân và do đó có khả năng trở thành mối đe dọa cho viễn cảnh mới của xã hội chủ nghĩa, vốn xem sự tuân thủ là một trong những dấu ấn đặc thù của chế độ. Nhiều tác giả đã không chạy trốn khi Sài Gòn thất thủ, tin rằng thống nhất đất nước sẽ mang lại hòa bình, tha thứ, và ước vọng cùng chung sức xây dựng lại một đất nước rách nát. Hy vọng đó nhanh chóng tan vỡ. Những kinh nghiệm trong trại cải tạo, nơi họ bị đối xử không phải như là những cá nhân bị vướng bẫy thời cuộc mà là bọn phản bội hợp tác với đế quốc, đã để lại một vết thương đau đớn khó phai trong họ.Từ cái giếng sâu của ký ức đắng cay trào lên nền văn chương của người Việt hải ngoại hôm nay, vốn, trong nhiều phương diện, là sự tiếp tục và nối dài của văn học Nam Việt Nam trước 1975." [13]

Lừng khừng -> bất tuân -> mối đe dọa -> đi tù. Không lừng khừng -> không bất tuân -> không phải mối đe dọa -> không đi tù. Hy vọng ông NBC không nghĩ rằng không phải do chính sách của phe thắng trận mà chính là cái tâm trạng lừng khừng (hoặc lừng khừng hiện sinh) của quý vị nhà văn nhà thơ miền Nam đã đưa họ vào trại cải tạo! Riêng câu đóng lại tiểu đoạn Xung Đột của các Thế Giới và Thế Giới Quan, "Từ cái giếng sâu của ký ức đắng cay trào lên nền văn chương của người Việt hải ngoại hôm nay, vốn, trong nhiều phương diện, là sự tiếp tục và nối dài của văn học Nam Việt Nam trước 1975," nếu tôi không lầm, sẽ được sử dụng như là một tiền đề cho việc "giải thích" sự chia rẽ trong cộng đồng văn học lưu vong ở những phần kế tiếp. Tuy nhiên, bởi vì trọng tâm của bài viết này đặt vào văn học miền Nam Việt Nam, những vấn đề khác nảy sinh ra từ bài tiểu luận của học giả Nguyễn Bá Chung nên được thăm viếng trong những hoàn cảnh và điều kiện thuận tiện hơn.

*

Trong suốt quá trình đọc và phân tích bài viết của học giả NBC, điều tôi muốn tìm biết là cái động lực đã khiến học giả Nguyễn Bá Chung viết những gì ông đã viết về người dân thành thị miền Nam, về tác giả miền Nam, hoặc về nền văn học miền Nam. Tôi cho rằng ông đã chọn chấp nhận một số "kiến thức" phổ thông kiểu "Chiến Tranh Việt Nam 101" hay "Chiến Tranh Việt Nam cho những Gã Khờ" như là nền tảng duy nhất để suy luận về tất cả những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Ông, cùng với nhiều người khác, nhất định phải cảm thấy yên tâm với lựa chọn của mình bởi vì một số những "thực tế" được công nhận rộng rãi về chiến tranh VN quả có mang một phần … sự thực. Người miền Nam, kể cả Trịnh Công Sơn mà tác giả NBC xem ra rất ngưỡng mộ, xem đây là một cuộc nội chiến. Đối với một số khác, cuộc chiến mang tính ý thức hệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với người miền Nam. Sự hiện diện của quân đội Mỹ, có lúc hơn nửa triệu người, đã thực sự cho phép dư luận thế giới nhìn và đánh giá cuộc chiến tranh như là cuộc chiến đấu sống còn của một dân tộc nhỏ bé chống lại sự xâm lăng của một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Ngoài ra, sự khuynh loát lộ liễu, bá quyền của chính quyền Mỹ trong việc thực hiện ý đồ chống cộng không giúp gì cho hình ảnh của chính quyền Nam VN, vốn được xem như là bù nhìn bởi đa số. Miền Nam trước đây quả có tham nhũng, ở mức độ có thể tranh chấp với Việt Nam trong những năm 2000. Thêm nữa, nếu bạn có lần tỏ vẻ hoài nghi về sự tàn ác của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, người ta sẽ dán vào mũi bạn hình tướng Nguyễn Ngọc Loan đang hành quyết một tù binh cộng sản. Tuy vậy, trong phim ảnh, trong văn chương, trong cả lịch sử chiến tranh VN, những người lính miền Nam hiếm khi xuất hiện bên cạnh những "người bạn" đồng minh Hoa Kỳ "can trường" cho dù lượng máu họ đổ xuống nhiều hơn của người Mỹ gấp bội. Nếu họ xuất hiện, đến phiên bạn mong họ biến mất vì những tính cách xấu xa được gán ghép cho họ trong những sách vở, phim ảnh tây phương. Hãy tìm xem một phim tiêu biểu, The Iron Triangle chẳng hạn, để rút ra kết luận cho chính mình. Và cái huyền thoại "người nông dân tay súng tay cày" mà NBC cứ lập đi lập lại lấy từ đâu ra nếu không từ những câu chuyện của cựu chiến binh Mỹ về những người nông dân dấu AK47 dưới luống cày? Khi bạn bắt đầu với một phần sự thực, phần còn lại nhất định sẽ dễ được xem là … sự thực hơn. Đầu xuôi đuôi lọt, không phải ông bà chúng ta đã nói vậy hay sao?

Những "thực tế" như thế về chiến tranh Việt Nam, trong khi quá phiến diện để dẫn đến những kết luận trung thực cho những sự việc cá biệt, đã giúp nặn ra những hình tượng, những khuôn mẫu về tập thể nhân dân miền Nam "không chống Mỹ" và tất cả những gì liên quan đến họ. Ông NBC không nặn ra những khuôn mẫu này. Ông chỉ dùng chúng để nhồi nhét giới viết lách miền Nam trước 75, và có thể cả sau 75, vào cái khuôn đúc sẵn này. Cho nên, những nhà văn, nhà thơ miền Nam của giai đoạn này đã được mô tả như những người sập bẫy thời cuộc, hoang mang, và lãnh đạm với tình huống của đất nước. Cho nên văn học Nam Việt Nam được khoác lên chiếc áo choàng ghetto của phồn vinh giả tạo, và chỉ được phép phục vụ cho những thị hiếu vị kỷ, xa lạ với đại đa số quần chúng. Cho nên, để đưa độc giả đến nơi ông muốn họ đến, NBC, trong những dẫn chứng ở trên, đã không ngần ngại nhảy những cú nhảy liều lĩnh về phương diện lý luận. Ông không hề vấp ngã bởi vì đã có những "thực tế lịch sử," những điều đã trở nên gần như một tín điều, như một vị thần hộ mạng thân thiết với đôi cánh rộng và mượt như nhung, luôn chờ sẳn bên dưới. Đã không hề có một hiểm nghèo nào cho những cú nhảy như thế.

Liệu những nhận xét, những gán ghép đến từ những "thực tế" được đơn giản hóa đến tận cùng có thể gây tổn thương cho một ai đó? Có nhiều phần là thế. Cái ý niệm người thành thị miền Nam, trong đó gồm có đa số tác giả miền Nam, đã có thể quay lưng lại với với chiến cuộc chỉ vì họ may mắn sinh sống trong những "tô giới thượng lưu" là một điều rất gần với sự phi lý! Trước hết, nếu quả thực đã có những "first-world enclave" bao vây bởi những lớp rào kẽm gai, không phải chính sự hiện hữu của chúng là những nhắc nhở rõ ràng nhất, ồn ào nhất về một hay nhiều điều không bình thường ở phía bên ngoài hay sao? Hơn nữa, làm thế nào để quay lưng lại với những đau thương, những mất mát gây ra bởi chiến tranh khi chính mình ở vị trí phải hứng chịu những điều này? Bao nhiêu trong số những người dân thành thị miền Nam đã "khăn tang trên đầu vội vã" trong hơn mười ngàn ngày khói lửa? Bao nhiêu thanh niên thành phố đã bước vào cái "biển lửa" mà NBC nhắc đến trong bài viết của ông và đã bị nó nuốt chửng? Ở đâu ra cái lãnh đạm phi thường và ngay cả phi nhân bản mà người thành thị miền Nam được gán cho? Và có quả thực 80% dân số Nam Việt Nam luôn luôn là nông dân và hoàn toàn ủng hộ cộng sản? Liệu những người bỏ ruộng vườn để về thành phố lánh nạn có còn tiếp tục nằm trong con số 80% này? Liệu họ, có nhiều phần sẽ cùng với những người dân lao động thành phố chia sẻ những căn nhà tạm bợ, rách nát dọc những bờ "kinh nước đen," sẽ trở thành những thị dân đầy đặc quyền của những tô giới thượng đẳng? Còn nhiều, rất nhiều những kết luận vội vã như thế mà chúng ta đã và sẽ tiếp tục bắt gặp, bất hạnh thay, không chỉ trong bài viết của NBC mà đầy dẫy ở những nơi chốn khác.

*

Làm thế nào để chúng ta có thể dễ dãi đến độ cẩu thả với chính mình như thế và trong cùng một lúc lại có cái nhìn vô cùng nghiệt ngả đối với người khác? Tôi cho rằng sự lười biếng có phần đóng góp không nhỏ trong đó. Chúng ta tránh, càng nhiều càng tốt, kiểm tra những "thực tế" đã được công nhận bởi đa số. Tệ hơn nữa, sự lười biếng cho phép chúng ta không chỉ chấp nhận mà còn áp dụng những "thực tế" này cho những điều tương tự hoặc có vẻ tương tự. Chúng ta lười biếng đến độ không thèm tự hỏi mình nếu mọi bánh xe có hình tròn, liệu mọi hình tròn có phải là bánh xe hay không? Liệu trung úy William Calley, người chịu trách nhiệm tối hậu cho cuộc tàn sát Mỹ Lai năm 1968, có biến tất cả quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở thành những kẻ giết người hàng loạt? Liệu những kẻ chủ sử trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế có biến tất cả đảng viên cộng sản Việt Nam thành tội phạm chiến tranh? Liệu Jeffrey Dahmer[14] có biến dân tộc Mỹ thành bọn mọi ăn thịt người? Hoặc giả chỉ có người Mỹ tư bản và người Việt cộng sản mới được hưởng quyền đặc miễn tài phán?

Một yếu tố khác trong việc ôm ấp, chấp nhận những "cookie cutter," những khuôn mẫu có sẵn là cái "hội chứng người công chính" và tất cả những tưởng thưởng tâm lý như là một hệ quả của hội chứng này. Chiến tranh buộc người ta phải chọn lựa, ông Nguyễn Bá Chung có nói như thế, và tôi có phần đồng ý. Chính NBC, trong khi không nhất thiết phải chọn phe như những người đã có mặt ở những nơi chốn và thời điểm buộc họ phải chọn phe, đã chọn phe, dựa trên điều mà ông tin vào: sự công chính, đến từ lương tâm và đạo đức của ông. Xin nói lại cho rõ, sự công chính đến từ thang giá trị đạo đức được đa số, trong đó có NBC, chấp nhận. Người ta không thể không cảm thấy hài lòng về mình khi đứng cùng phe với người cùng khổ, bị đàn áp, bị bách hại. Và càng tuyệt diệu hơn nữa nếu trong cùng một lúc, mình không phải chịu đựng tất cả những điều đó. Bởi vì, ở phía đó chính nghĩa luôn tỏa sáng, làm bóng ngời lên sự công chính của chúng ta!

Không có gì sai khi chọn ở cùng với lẽ phải để phê phán sự vật nếu chúng ta có thể thực sự hành xử một cách "công chính," không chỉ riêng với một thành phần hoặc phe nhóm nào, mà với tất cả. Không phải đó chính là ý nghĩa thực sự của "công chính" hay sao? Tuy vậy, "công chính" không phải là một đức tính ai cũng có thể "quản lý" thành công. Một khi đã đứng về phía "lẽ phải," phía còn lại không thể nào không "sai trái" được. "Hoặc ở với ta, hoặc với kẻ thù ta," George Bush, "kẻ thù" của trí thức cấp tiến Mỹ, đã phán như thế![15] Cho nên, không chỉ riêng ông tướng cộng sản của NBC mà tất cả các ông tướng cộng sản đều có cùng những đức tính gần gũi với siêu nhân hơn là với ông hàng xóm của chúng ta. Cho nên toàn bộ nông dân "được" ngả về phe cách mạng bất kể hơn một nửa trong số họ bỏ chạy về phía những thành phố. Cho nên, lính miền Nam đồng nghĩa với sự tàn ác cho dù trong suốt cuộc xung đột, tập thể này đã không hề chịu trách nhiệm cho bất cứ cuộc tàn sát nào gần với mức độ tàn khốc đã xảy ra ở Mỹ Lai và Huế vào năm 1968. Cho nên "Người Chết Dưới Chân Chúa" của Phan Nhật Nam[16] không nói lên được nỗi oan khiên của một lớp người bất hạnh. Cho nên, không có một khối lượng lý lẽ nào đủ để lung lạc những "thực tế" luôn được củng cố bởi sự lười biếng và ảo tưởng về sự công chính của chính chúng ta. "Hoặc ở với ta, hoặc với kẻ thù ta," George Bush, "kẻ thù" của trí thức cấp tiến Mỹ và … thế giới, đã phán như thế!
Dù vậy, trong mọi trường hợp, tôi ủng hộ quyền phát biểu của học giả Nguyễn Bá Chung hoặc của bất cứ ai có cùng quan điểm với ông. Trong khi không chia sẻ cách nhìn đơn giản, thiển cận của ông về chiến tranh Việt Nam và những sự việc liên hệ, tôi tin rằng NBC đã diễn đạt một cách trung thành những điều ông thực sự tin vào, như là hệ quả của sự chọn lựa của ông. Trong suy nghĩ này, tôi xin gởi đến ông sự cảm thông và đồng thời, xin chúc mừng. Bởi vì đó là một hạnh phúc, được tự do diễn đạt những suy tư của mình. Và tôi thì luôn luôn muốn giữ cho mình niềm hạnh phúc này.

*

Mỗi cá nhân được/bị xem là thị dân của miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh hoặc thuộc về cộng đồng Việt Nam lưu vong, trong đó có giới sáng tác, đã từ lâu ở vào vị trí nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của những đánh giá hoặc ứng xử bất công, bất kể họ có cảm nhận được điều này hay không. Liệu chúng ta, những người quan tâm đến hoặc bị ảnh hưởng bởi hiện tượng bất công này, có thể làm được gì để giảm thiểu những cái nhìn sai lạc về người và việc có liên quan đến một giai đoạn lịch sử của miền Nam, hoặc ở một bình diện cô đọng hơn, văn học miền Nam? Tôi nghĩ là có, nhưng nhất định không phải là công việc của một người hoặc của một ngày. Tôi cho rằng điều mấu chốt ở đây không phải là tìm cách thay thế những "thực tế" đã được kinh viện hóa như đã trình bày ở trên bằng những "thực tế" mà chúng ta muốn được người khác nhìn nhận mà là tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội rút ra kết luận cho chính mình mà không phải dựa dẫm vào những khuôn mẫu có sẵn. Trong trường hợp Văn Học Nam Việt Nam 1954-1975, điều kiện này chính là những tác phẩm thành hình trong giai đoạn nói trên, phát hành trong những dạng phổ cập nhất, dễ truy cập và dễ phát tán nhất. Như vậy, những người thực lòng muốn tìm hiểu những tác phẩm này sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những tư liệu trung thực nhất mà nền văn học này có thể cung cấp.

Đã có những nỗ lực đáng biểu dương của một số cơ sở hoặc cá nhân trong việc bảo toàn và sưu tập những tác phẩm của giai đoạn này ở hải ngoại, và những gì họ đang có trong tay rất quí giá. Ngoài ra, ở trong nước đã có một số tác phẩm của văn học Nam Việt Nam được cho phép có mặt trở lại, bất kể những chống đối và bất kể vẫn còn rất ít về mặt số lượng. Đây là một dấu hiệu rất đáng khích lệ. Tuy vậy, nhịp độ sưu tập, phục hồi, bảo trì, và phân phối vẫn còn rất chậm so với số lượng lớn lao các tác phẩm xuất hiện trong giai đoạn văn học này của miền Nam. Một hay nhiều website áp dụng những kỹ thuật tân tiến nhất của Internet cần được xây dựng để đảm nhiệm công việc sưu tầm, lưu trữ, kiểm chứng, và phân phối. Trong mọi trường hợp, hợp tác giữa những người cộng tác là điều kiện không thể thiếu để một dự án có tầm vóc và ý nghĩa như thế này có cơ may trở thành hiện thực.

Liệu công trình này, nếu được thực hiện, có thực sự mang lại kết quả nào không? Tôi nghĩ câu trả lời sẽ tùy thuộc vào kỳ vọng của mỗi người. Để thay đổi những "thực tế" đã trở thành gần như một thứ kiến thức phổ thông, đúng là chuyện lội giòng nước ngược. Để hy vọng rằng sẽ có một người nào đó, một người bạn cùng sở nhưng không cùng xứ sở hoặc ngay cả một người hoàn toàn xa lạ, có lần khắc phục được sự lười biếng cố hữu và ghé thăm một trong những nơi chốn có lưu trữ tác phẩm của một nền văn học kém may mắn, tôi nghĩ không phải là một ảo tưởng. Cần phải có bao nhiêu người để bắt đầu sự cảm thông?

*

Trở lại với tiểu luận The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction của học giả Nguyễn Bá Chung. Tôi có phần đồng ý với phát biểu của ông về chuyện văn chương quan yếu chỉ có thể mọc ra từ những tâm hồn đã loại bỏ được hận thù và ảo tưởng về quá khứ hay tương lai[16]. Và thiên kiến, nếu tôi được phép!

PN
12 tháng Năm, 2007

Ghi Chú:

1. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, pp. 34-44
2. Đối với tôi, tình yêu tổ quốc và lòng thương cảm những tai ương lớn nhất của nước nhà sẽ luôn luôn là ngọn đuốc huy hoàng dẫn đường sáng cho các hoạt động văn nghệ. Và không có kim chỉ nam nào thay thế được chúng (Tuyên bố của Mai Thảo – BBT damau.org dịch theo bản tiếng Anh của Nguyễn Bá Chung, sđd, trang 35. Sẽ cập nhật với nguyên văn tiếng Việt khi có thể).

3. Trang wiki văn học Việt Nam bằng Anh ngữ do Dan Duffy phụ trách.
Địa chỉ: http://www.vietnamlit.org/wiki
4. Võ Phiến, Văn Học Miền Nam: Tổng Quan. Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1986.

Để độc giả tiện bề theo dõi và đối chiếu, đoạn "Nông Thôn và Thành Thị" trong mục "Các Yếu Tố Sinh Hoạt Văn Học: Độc Giả" có liên hệ đến bài viết của ông Nguyễn Bá Chung được trích lại ở đây. Toàn tập Văn Học Miền Nam: Tổng Quan có thể tìm thấy ở phần lưu trữ tác phẩm của nhà văn Võ Phiến trên website tienve.org:
http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=77

Nông thôn và thành thị

Thế những độc giả ấy, họ sống trong khung cảnh nào? họ là dân quê ở nông thôn chăng? là dân thành thị chăng?

Về giới bình dân đọc truyện nhật trình, như vừa nói, đa số là thị dân trong Nam. Tuy vậy nông dân khắp nước ở ngoài Trung, ở Cao nguyên không hẳn là không đọc báo. Do hệ thống Thông tin, báo được phổ biến rộng rãi, được đưa sâu vào thôn quê. Thường thường tại các quận lỵ đều có phòng đọc báo, tại các ban Thông tin xã có báo gửi về, những báo ấy có thể chia ra luân phiên phân phối đến các thôn. Loại ấn phẩm do Thông tin phổ biến là những thứ báo chí hoặc của chính quyền, hoặc thân chính quyền, hoặc có hiệu năng chống cộng mạnh, hoặc có giá trị, như các báo Cách Mạng Quốc Gia, Tự Do, Ngôn Luận, các tạp chí Sinh Lực, Quê Hương, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam…, là những tác phẩm hoặc có nội dung chống cộng, hoặc có giá trị cao, như những cuốn Bí danh (dịch của Lâm Ngữ Đường), Đêm hay ngày (dịch của Arthur Koestler), Đất Hồ của Lưu Kiếm, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc v.v… Sách chỉ được mua một ít với số lượng cũng ít luôn, nên không xuống đến xã, mà chỉ được bày xa nhất là đến phòng Thông tin các quận; tạp chí thường cũng vậy; chỉ có nhật trình được đi xa hơn. Nhưng càng về sau tình hình an ninh càng tồi tệ, cho nên dường như đường xuống nông thôn bị tắc nghẽn.

Dù sao, trên thực tế, trước sau cũng chỉ có một số nhật báo mang tin tức thời sự đi vào thôn quê, còn sách văn nghệ thì không hay vượt quá giới hạn các tỉnh lỵ. Người độc giả chính yếu của văn học nghệ thuật Miền Nam trong thời kỳ 1954-75 là người dân thành phố, bất kỳ là thành phố Trung phần, hay Nam phần.

Tại sao có sự rút lui của nông dân ra ngoài sinh hoạt văn nghệ? Ông Phạm Văn Sĩ nói về giai đoạn 1954-59 ở Miền Nam: “Để gìn giữ tinh thần yêu nước, lối sống lành mạnh, đồng bào tìm đọc những truyện dân gian cũ như Phạm Công Cúc Hoa, Dương Ngọc, Trần Minh khố chuối…” Chữ “đồng bào” đây chắc chắn là chỉ về dân quê, thành phần xưa nay vẫn gắn bó với kho văn học dân gian, văn học truyền khẩu, với các truyện thơ v.v…, bởi tôi không nhận thấy có nam nữ sinh viên các đô thị tìm đọc Trần Minh khố chuối “để gìn giữ tinh thần yêu nước”. Vậy có sự tẩy chay của nông dân tại Miền Nam đối với văn nghệ sau 54?

E không có đâu. Không phải trong mọi sự mọi việc xảy ra đều có một ý nghĩa chính trị. Nông dân và thị dân dần dần xa nhau, họ có những thói quen những sở thích khác nhau: sở thích văn chương cũng như sở thích ăn uống, ăn mặc v.v… Nông dân khoái thuốc lá, rượu đế, họ không nhậu la-de, không hút thuốc thơm, không nhai bò khô, không ghiền cà-phê, không xài khăn mùi-xoa v.v…, cũng như họ đọc Phạm Công Cúc Hoa trong khi giới trẻ Sài Gòn đọc truyện Nhã Ca, Chu Tử, Duyên Anh, đọc thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Họ khác nhau vậy thôi, không hẳn vì bên nào “gìn giữ tinh thần yêu nước” trong khi bên kia thiếu gìn giữ.

Ở thôn quê người nông dân không đọc truyện Chu Tử, nhưng con cái của họ qua khỏi bậc tiểu học, lên tỉnh học trung học, đi Sài Gòn, Cần Thơ, Huế v.v… học đại học thì lại đọc Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn và không còn nhớ tới Trần Minh khố chuối nữa đâu. Đồng bào ở nông thôn yêu nước, còn những tử đệ ưu tú của họ lại hết yêu nước rồi chăng? Lẽ nào?

Tôi nghĩ nông dân bị trụt lại với nền văn học thời trước là vì sau này các hoạt động văn học nghệ thuật đã dồn về đô thị cả khiến nông thôn bị bỏ rơi, bị xa lìa.

Ngày xưa, thời Trần Minh khố chuối, thời Phạm Công Cúc Hoa, nho sĩ sống ngay tại thôn quê, lẫn lộn với nông dân. Nguyễn Du, con quan quận công, dòng dõi trâm anh thế phiệt đời đời khanh tướng, ông Nguyễn Du vang danh văn hay chữ tốt từ thuở thiếu thời ấy, đêm đêm cũng đi hát với trai làng, cũng mê những cô lái ở bến đò làng, những cô gái phường vải phường nón, tranh giành nhau với những chàng nông phu chăn bò, cắt cỏ, và bị họ hạ sát ván như đã than vãn trong bài ‘Sinh tế Trường Lưu nhị nữ’. Những nho sĩ lỗi lạc mà lận đận, những vị khoa bảng không thích bon chen, những vị đại thần chán công danh xin về quê trí sĩ, mở trường dạy học, vừa nghỉ ngơi vừa truyền đạo thánh hiền: đó là tiểu học mà cũng là đại học. Đám anh tài trẻ tuổi được đào tạo ở những trường ấy gặp khoa thi có kẻ đậu thi hương, người đậu thi hội, rồi lại có kẻ dự đình thí luôn. Họ đi thẳng từ làng mạc đồng ruộng đến chốn triều đình. Nông thôn là chỗ họ sinh sống, trưởng thành, học hành, vui chơi, tình tự, là nơi họ ngâm vịnh, sáng tác, đọc sách, xem thơ v.v… Những câu ca dao gọi là của bình dân có sự góp phần của nho sĩ; những bài thơ câu đối của nho sĩ được truyền ngay xuống dân gian, có ngay sự bình phẩm của đám bình dân v.v… Những câu thơ Hồ Xuân Hương, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… thành hình trong khung cảnh như thế. Dù có ý định gìn giữ lòng yêu nước dù không, bà con nông dân sống xung quanh Hồ nữ sĩ cũng cứ truyền nhau những câu như “Cá giếc le te lách giữa dòng”, “Hòn đá xanh rì lún phún rêu” v.v… để cười rúc rích chơi. Sau này Tú Kếu chẳng hạn cũng có những câu đáo để, giá nông dân nghe được chắc họ cũng vui lòng góp một tiếng cười mà không sợ sút giảm lòng yêu nước, chỉ tiếc Tú Kếu ở xa quá, quá tầm với của nông dân, trong một khung cảnh cơ hồ không có đường giao tiếp với nông dân. Thôi thì nông dân đành tiếp tục đọc Trần Minh khố chuối vậy, mặc cho đám thị dân múa men thế nào tùy ý. Họ đâu cố tình tẩy chay? Văn học cộng sản, “văn học giải phóng” thì không thế. Trong xã hội của họ không có sự phân hóa thành thị – thôn quê. Cán bộ của họ ¾ cán bộ chính trị cũng như văn nghệ ¾ phân tán lẫn lộn vào nông dân. Và nhất là ở Miền Nam trong thời kỳ 54-75, chỗ hoạt động ẩn náu của họ chính là thôn quê và rừng núi. Cho nên, dân quê rất có thể vừa đọc Trần Minh khố chuối vừa nghe mấy câu vè câu ca dao chống ngụy mà một cán bộ mới giả vờ bắt được trong quần chúng, hay vừa nghe Phạm Công Cúc Hoa vừa nghe truyện anh hùng Nguyễn Văn Bé mà cán bộ cố thổi vào tai.

Người văn nghệ sĩ, giới sinh viên, giới trí thức Miền Nam quốc gia sống dồn cả ở thành thị, sinh hoạt văn nghệ của Miền Nam diễn ra ở thành thị, văn nghệ phẩm không được phổ biến đến nông thôn: đó là một lẽ khiến không có độc giả nông dân trong thời kỳ 54-75. Lẽ khác nữa là trong cái hoàn cảnh của xã hội Miền Nam bấy giờ người nông dân có vai trò nhỏ bé, họ không được quan tâm đến, hình ảnh của họ mờ nhạt hẳn trong văn nghệ phẩm: không thấy có mình trong ấy, tự nhiên họ không thiết tha đến nền văn nghệ này.

Bảo rằng nông dân không được quan tâm, e dễ gây thắc mắc. Ai không quan tâm? Chính quyền ư? Thì chính quyền vẫn có bộ Xây dựng Nông thôn, vẫn có chính sách cải cách điền địa, chương trình Người Cày Có Ruộng, vẫn ra sức lập ấp chiến lược, lập khu trù mật v.v… Văn nghệ ư? Thì văn nghệ vẫn có truyện Hương rừng Cà Mau, Vợ thầy Hương, Chú Tư Cầu…

Vâng, có thế thật. Nông thôn là chiến trường sống mái giữa đôi bên, chính quyền không thể quên nông thôn. Trên chính sách thì thế, nhưng trên chính trường không mấy khi thấy vấn đề nông dân hay nông thôn gây ra xáo động nào. Cái làm đảo điên các chính phủ là những vụ xuống đường của dân thành phố, những đêm không ngủ, những vụ tăng giá xăng giá gạo ở đô thị, là những vụ đòi quyền sống diễn ra ở chợ Bến Thành, chợ Tân Định, những vụ ký giả đi ăn mày trên đường Lê Lợi, đường Trần Hưng Đạo v.v… Nông dân không phải họ không có ý kiến, họ không biết biểu tình; thế nhưng bất quá là thỉnh thoảng một nhóm người từ làng kéo về quận biểu tình chống pháo kích bừa bãi: những cuộc biểu tình bị giải tán dễ ợt, không gây nên khó khăn cho một chính quyền nào, dù là chính quyền cấp quận.

Cũng đã lâu không mấy ai trông thấy đại diện của nông dân loáng thoáng trên chính trường. Ngày trước có các ông Hàn nọ, ông Bá kia, ông Nghị viên, ông Cai tổng v.v…; sau này Bá hộ với Cai tổng mất tích hẳn. Đại diện (hay tự xưng là đại diện) cho dân nghèo bây giờ là những ông nghị nhà lá, ông nghị ka-ki, ông nghị còi ô-tô v.v…, tức những nhân vật của đô thị, với các đề tài tranh cử gồm toàn những giá gạo, giá xăng, sửa chữa đường ổ gà, dựng thêm cột điện v.v… mà thôi.

Còn sách còn truyện viết về thôn quê và dân quê trong thời kỳ này của những Sơn Nam, Lê Xuyên, thì như thể kể chuyện lạ… bốn phương, chuyện xưa tích cũ cho bà con thành thị nghe chơi, trầm trồ kinh ngạc chơi. Nghe chơi vì xa vời, vì không mấy quan thiết đến mình. Những nam nữ thanh niên trong tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng v.v…, có những cặp loáng thoáng bên các ngôi chùa ở thôn quê, quang gánh bán buôn kiếm sống ở những gian lều chợ nơi làng quê v.v…, họ yêu nhau thơ mộng, họ làm thổn thức lòng người độc giả thành thị. Còn lão Chòi Mui của Sơn Nam, chú Tư Cầu, vợ thầy Hương của Lê Xuyên xuất hiện là để kích thích óc tò mò hay kích thích dục tình vậy thôi. Người thành thị sau này không thổn thức mà cũng không buồn cười cợt vì nhân vật thôn quê nữa: trên báo chí không còn hình ảnh Xã Xệ, Lý Toét. Trẻ con thành thị lớp sau này lớn lên không còn biết Xã Xệ, Lý Toét là ai. Người đọc báo chỉ cười giỡn với những cô Ký Điệu, cô Oanh Rinh, anh Tám Xạc-ne, với gia đình Ly Ly, Mai Bê Bi v.v…, toàn thị là dân thành phố.

Người độc giả Miền Nam thời 54-75 chuyển từ quê ra tỉnh không phải vì lý do yêu nước nào cả, chẳng qua là thuận theo chiều hướng thay đổi chung chung xảy ra ở các nước kỹ nghệ thời nay. Ở Âu Mỹ từ lâu thành phố đã là những trung tâm hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… đã thu hút thanh niên nam nữ như ánh sáng thu hút đám thiêu thân, từ lâu các mối tình trong văn chương đã thôi diễn ra bên những bờ “ao ma” của George Sand mà là trong những nhà máy, phòng giấy, những góc phố, công viên, trong các chúng cư v.v… Ở Miền Nam chiến tranh xua người về đô thị gấp hơn, ngăn trở lối về thôn quê ngặt nghèo hơn, cho nên có lẽ nông dân bị bỏ rơi có phần đột ngột. Nông dân xa rời sinh hoạt văn học nghệ thuật vì thế.

5. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 37

Vo Phien, one of the most eminent South Vietnamese writers in exile, observed in his Twenty Years of South Viet Nam Literature, 1954-1975: An Overview that the figure of the peasant is noticeably missing in South Vietnamese literature in those decades.

Except for a few cases, the peasant, if he exists as a character at all, is a stick figure, devoid of any substance and relevance. This is a startling observation considering the fact that over eighty percent of South Vietnamese were peasants at the time.

How can we explain this remarkable state of affairs? How could the literature of South VietNam reflect the thoughts and concerns of a mere twenty percent of the population-those who lived securely in the city, beyond the storm of shellings and bombings and the ever-present threat of bullets whizzing by?

6. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 37

Saigon and many other cities in South Viet Nam at that time existed like islands of peace and comfort in a sea of fires, from which they turned their eyes. Protected by u.s. military power and supported by generous US aid, these cities had the appearance of wealthy first-world enclaves in a land of third-world poverty and suffering.

7. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 37

For the most part, urban writers concerned themselves with problems more appropriate to a country not at war, or at least not fighting for its survival. Unlike their compatriots in the countryside, these writers never had their lives threatened.

8. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 37

In many ways, the urban writers were trapped by a history not of their own choosing: they could neither wholeheartedly support those who claimed to fight in their names, nor could they completely disassociate themselves. They could not leave the security of the city to join the guerrilla forces in the jungle, nor could they categorically reject and condemn those who did, for no one could deny the zeal, dedication, and self-sacrifice of the other side or the corruption within their own.

9. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 34

The war demanded that people take sides. In the South, Trinh Cong Son and a few others always skirted the edges; most writers in the South, however-whether willingly or pushed by the exigencies of circumstances – felt compelled to choose sides.

10. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, pp. 37-38

Against this first-world luxury of Hamlet-like irresolution, self-questioning, and existential self-doubt stood the self-affirming determination of those who toiled in the back-breaking rice fields, lived in underground tunnels, and faced capture or annihilation every day-with no foreign air power or allied troops ready to spring to their rescue. A South Vietnamese politician or general could live in opulence in a French-built villa and enjoy all the conveniences of the first world, including several servants to run errands for him. In contrast, a general or political commissar of the liberation forces lived deep in the forest, in a hut or underground tunnel, and could, along with his troops, go hungry for months. He had no firstworld trappings: no TV, no cars, no news about life in the first world. His heart was burning with a single desire: to keep his troops alive, or at least slow their decimation for as long as possible. He experienced over and over the pain of seeing his units face annihilation by B-52 carpet bombings, napalm attacks, offshore naval bombardments, and firebase artillery barrages.

He believed the source of all his suffering, and the suffering of his fellow villagers, lay at the doorstep of the South Vietnamese and their American "masters," who lived comfortably behind the security zones ringing the cities. Becausethe liberation forces had agents in the highest reaches of the South Vietnamese government, generals living in the jungles knew about South Viet Nam’s subordinate relationship in a way that most of its citizens could not. Those who did would never publicly admit it-an ironic example of Lao Tse’s saying "Those who know do not speak; those who speak do not know."

11. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 38

After the war, in the period from 1975 to 1986, when the country went into steep economic decline, it was a hellish fall for most people in the South, but particularly for those who lived in the city. In contrast, for those who had survived constant hunger and want in the jungle during the war, such subsistence living was preferable to what they had endured.

12. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 38

The resulting clash was therefore not simply of ideologies, but of two altogether different worlds in which the very meaning of language was in dispute. In one world, to be able to live in peace, to have food to eat (regardless of how simple or meager) and clothes to wear, and to rest one’s head in an aboveground shelter were achievements and were among the sweet freedoms enjoyed by those who had survived. In the other world, those who had lived in relative comfort were now preoccupied with defeat and the loss of those individual freedoms that had come with life in a modern urban society.

13. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 38

With all their existential ambivalence, South Vietnamese writers who remained in the country after 1975 were treated as nonconformists and therefore potential threats to the new socialist vision, which had conformity as one of its distinguishing marks. Many writers didn’t flee when Saigon collapsed, believing that unification would bring peace, forgiveness, and a willingness to have everyone join efforts to rebuild a shattered country. That hope was quickly dashed. Their experiences in the reeducation camps-where they were treated not as individuals trapped by circumstances, but as willing collaborators and traitorous agents of the imperialists- left a wounding and indelible mark on them. From the well of that bitter memory springs forth the literature of overseas Vietnamese today, which is, in many aspects, a continuation and extension of the literature of South VietNam before 1975.

14. Jeffrey Dahmer, giết người hàntg loạt và ăn thịt nạn nhân. Đoạn dưới đây trích từ trang http://en.wikipedia.org/wiki/Jeffrey_Dahmer:

The story of Dahmer’s arrest and the gruesome inventory in his apartment quickly gained notoriety: several corpses were stored in acid-filled vats, severed heads were found in his refrigerator, and implements for the construction of an altar of candles and human skulls were found in his closet. Accusations soon surfaced that Dahmer had practiced necrophilia, cannibalism and possibly a form of trepanation in order to create so-called "zombies". Dahmer admitted to eating the biceps of his eighth victim, Ernest Miller, whose skeleton he also kept, noting that human flesh "tasted like beef" to him.

15. George Bush: Address to a Joint Session of Congress and the American People (09/21/2001)
… Every nation, in every region, now has a decision to make. Either you are with us, or you are with the terrorists.

16. Phan Nhật Nam. Dấu Binh Lửa, Ký, Nhà xuất bản Đại ngã, Sài Gòn, Việt Nam, 1969.

17. Nguyen, Ba Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction, Manoa – Volume 14, Number 1, 2002, p. 44
Only in a centered mind free of hatred and illusion-about either past or future-can a genuinely critical and passionate literature come forth.

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)