Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, tức ông Sơn Núi, mấy chục năm sống ở chỗ gọi là Phương Bối trên núi Đại Lào, thuộc cao nguyên B’Lao. Nguyên ủy Phương Bối là tên cái am của thượng tọa Nhất Hạnh. Thượng tọa Nhất Hạnh thường đóng con triện ở những quyển sách của thầy, nhiều lần tôi thấy trong thư viện một ngôi chùa ở đường Trần Văn Văn thuộc quận Mười – Sài Gòn, dĩ nhiên trước ngày quốc hận 30 tháng tư, 1975: “Phương Bối Am Đại Lão Sơn Quân.”
Ông Sơn Núi từng nói đi nói lại về phụ nữ, nhiều ngang với những dòng thơ của ông về việc đái của các nàng, từ khi ông chưa lên sống ở Phương Bối: “Phụ nữ có gì đấy ngàn đời không thể hiểu nổi.” Tất nhiên ông Sơn Núi không nói nguyên văn như vậy, tôi nhớ đại ý như vậy mà thôi.
Có thể đây là câu chuyện của riêng tôi mà thôi, với người phụ nữ tôi đã gặp trong một ngày này, và, rất có thể, tôi lại gặp trong một ngày khác.
Ngày… Nếu có thói quen viết nhật ký, tôi chưa từng có thói quen viết nhật ký, nhưng giả dụ vậy, tôi sẽ ghi ngày này bằng thứ mực khác thứ mực thường ngày, bằng mực đỏ chẳng hạn: Ngày thành hôn của tôi.
Thời gian trước ngày thành hôn, khi chưa có cả ý định thành hôn, tôi cảm nhận rõ rệt mình đang bế tắc, nhưng bế tắc gì tôi hoàn toàn không biết. Một nỗi bế tắc không tên, đã làm tôi mất bình thường, làm tôi muốn điên trở lại (riêng chuyện điên, tôi cần ghi chú: tôi chả điên khùng gì cả, chỉ là vì mấy ông cố vấn Hoa Kỳ trong đơn vị quân đội của tôi, Biệt Đội Kỹ Thuật Đặc Biệt thuộc Phòng 7 – Tổng Tham Mưu, cứ khăng khăng cho rằng tôi điên. Mấy ông cố vấn Hoa Kỳ ấy đã liên hệ với thiếu tá quân y Nguyễn Ngọc Bảy, đề nghị gửi tôi vào Trại Thần Kinh Tâm Lý – Tổng Y Viện Cộng Hòa).
Một nỗi bế tắc làm tôi lúc nào cũng như bị tức ngực hoặc đau bụng.
Thoại, bạn tôi, một người có cả học thức học vị lẫn trải đời, trầm ngâm, giống vị thầy thuốc Đông Y bắt mạch với vẻ cân nhắc lắng đọng, để kê đơn thuốc hiệu nghiệm nhất, buông gọn câu nói:
– Cậu cần lấy vợ. Lập gia đình.
Giật thót cả mình, tôi quá kinh ngạc, hỏi bạn:
– Lấy ai?
– Lấy ai cũng được… ai mà cậu đang quen biết, dù thân hay sơ… miễn là lấy vợ.
Lệ, cô gái tôi đang quen biết, không chỉ như vậy, cô gái tôi thường nhớ tưởng, cô gái mà tôi từng nghĩ, nếu lập gia đình, tôi sẽ gọi tên người hôn phối là Lệ…
Lệ là cô gái có nhan sắc trung bình cộng, nghĩa là trên trung bình chút xíu; nhưng với tôi, nhan sắc không mấy quan trọng, tôi chú ý tới tính cách nhiều hơn. Có thể Lệ hơi nghiêm khắc, nhưng ngay những lúc tôi cảm thấy như vậy, tôi nghĩ: Lệ nghiêm khắc chính đáng, thế thì chẳng phải là nghiêm khắc mà tôi ngần ngại.
Còn tôi, tôi tự thấy mình quen thói sống không kiềm chế, lối sống phóng túng nghệ sĩ như người ta thường nói. Lần tôi say rượu uống cùng bằng hữu, khi trở về nhà tôi nhấc chiếc xe đạp qua bậc cửa, cái bánh xe rơi tuột ra. Lệ đón cái bánh xe đang lăn tới, nói vừa đủ cho tôi nghe, giọng không âm sắc: “Lần sau anh đừng làm xiếc. Ở đây trò xiếc không đúng chỗ.”
Tôi cố gắng để mình khác đi, nhưng càng cố gắng càng biết rõ mình khó thay đổi. Chàng-tuổi-trẻ-gan-dạ-trên-chiếc-đu-bay vẫn thường làm trò xiếc ở bất cứ nơi nào không phải rạp xiếc. Thoại tới thăm tôi lúc Lệ đang dạy học. Lệ là giáo viên tiểu học, dạy ở trường cấp Một tại Khu cư xá công nhân Thủ Thiêm, ngoại ô Sài Gòn, nơi chúng tôi cư ngụ. Thoại nói thì thầm để tôi hiểu đây là chuyện hệ trọng:
– Tôi mới đọc lại giai phẩm mùa xuân của Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức, thấy bài đoản văn của Lệ. Trong bài, Lệ cảm xúc về hai câu thơ: Lá quên thề còn ngoại tình với gió / Đêm hôm rồi nở một đóa phong lan. Cậu ạ, không thể tin người cảm xúc câu thơ phong tình ấy lại là một phụ nữ đứng đắn đoan trang cho được.
Tôi giật mình, ngơ ngác như lần Thoại bảo tôi cần lấy vợ. Tôi nói với Thoại:
– Người như anh mà lại suy nghĩ hẹp hòi vậy sao?
Thoại lắc đầu:
– Cậu lúc nào cũng lơ mơ trong mọi chuyện. Văn là người. Người cảm xúc với câu thơ phong tình ấy hẳn là kẻ đồng lõa phong tình. Tôi nói với ý tốt cho cậu thôi… Cậu hãy cảnh giác, vì hạnh phúc gia đình, nếu cậu muốn giữ nó.
Hóa ra Thoại nói đúng, Lệ dường như từ lâu đã nhìn về hướng khác. Người ta chẳng từng nói, yêu nhau là cùng nhìn về một hướng? Một hôm Lệ nói với tôi: “Hai người quá khác nhau, kết hợp chỉ là gượng ép. Có lẽ chúng ta nên thôi ràng buộc nhau.” “Thôi ràng buộc… nghĩa là chia tay?” Tôi hỏi vậy, nhưng không dám nhìn Lệ có gật đầu xác nhận hay không. Tôi cũng không nghe tiếng Lệ trả lời. Một thời gian ngắn sau đó, tôi biết người Lệ gặp ở cuối hướng nhìn khác. Người ấy chính là Thoại, người bạn, nhà tiên tri của tôi.
Mỗi lần nhớ lại cuộc hôn phối cũ, tôi nhớ lại một lần đi trên xe đò. Chuyến đi dài, tôi ngủ gà ngủ gật. Một bà thanh nhã lịch sự, giống một mệnh phụ phu nhân, ngồi bên cạnh nhắc tôi: “Ông hãy chú ý cái ví đựng tiền của mình, trên xe kẻ trộm móc túi như rươi đấy.” Một lúc ngủ lơ mơ tôi chợt thức: bà thanh nhã lịch sự, giống một mệnh phụ phu nhân, vừa móc túi lấy cái ví tiền của tôi, vội vã chen giữa đám người xuống xe ngang chừng ngay sau đó.
*
Tôi gặp Kim vào một ngày nào đấy, một ngày hứa hẹn những ngày gặp nhau trong quán cà-phê. Có thể gọi tên mối quan hệ của Kim và tôi là Tình Quán.
Tôi không thể nhận xét Kim như đã nhận xét Lệ, dù điều này, nếu muốn, rất dễ dàng: tính cách của họ khác hẳn nhau. Kim và tôi lẫn trong thế giới những người yêu nhau, không phán xét, không ràng buộc, hoàn toàn tự do.
Sau lúc gặp gỡ, mỗi người lại trở về nơi của mình. Nơi của tôi, tôi thừa nhận, là con đường vô định không dẫn tới đâu, là những ngày tháng mở ra trống hoác. Có thể vì vậy tôi luôn tìm gặp Kim, vùi lấp bằng thời gian đằm thắm dịu dàng.
Kim đã đọc trong nhật ký của tôi, cuốn nhật ký rất ngẫu nhiên và khác thường: Lệ, người tôi yêu đầu tiên và cuối cùng đã chết. Hay chính tôi đã chết? Lệ, một thứ độc dược mà cuộc đời đã tặng tôi? Hóa ra cuộc đời có thuốc độc, có cả thuốc giải độc: Kim đem lòng yêu tôi, tự nguyện cùng tôi làm bạn đồng hành…
Kim nhăn mặt nói:
– Anh là đàn ông, phải ở vị thế chủ động, sao lại viết: Kim đem lòng yêu tôi…?
– Vậy theo em, anh phải viết thế nào?
– Dễ thôi… chỉ bỏ bốn chữ đem lòng yêu tôi, rồi viết trong dấu mở ngoặc: hóa ra Lệ không phải là người cuối cùng tôi yêu. Đóng ngoặc lại. Xong.
Đến lúc tôi cần thiết nói ra điều cần thiết:
– Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền rất chí lý khi ông bảo lang thang mãi là một nhà tù… Anh muốn chúng ta chung sống.
Tôi vừa dứt lời, Kim cười rung cả bàn ghế ly tách, rồi nói:
– Thôi đừng đùa cha nội! Nhà tù của em đã có chồng em ở trong đó rồi. Anh lang thang mỏi chân thì vào quán trò chuyện với em, mắc mớ chi đòi lấy người ta.
Mỗi lần nhớ tới Kim, tôi nhớ tới nhà văn bá tước Lev Tolstoy đầy kinh nghiệm về phụ nữ đã nói: Người hiểu rõ phụ nữ, là người biết mình chẳng hiểu được phụ nữ. Từ thuở khai thiên lập địa tới thời đại @ hôm nay, tôi chưa từng nghe Kim nữ sĩ nói hay làm thơ về chồng con bao giờ. Ấy vậy mà Kim dám hù dọa tôi về cái nhà tù gia đình của nàng.
Tôi lại nhớ lời ông Sơn Núi, tiếp theo danh ngôn về phụ nữ nói trên của ông: Sau làn gáy trắng muốt vô cùng cám dỗ của các nàng, là một khối mù đặc, có gì nữa đâu để hiểu!
Có lẽ chỉ đức Phật Thích Ca mới hiểu được khối mù đặc ấy; còn tôi, có lẽ tôi sẽ còn ngơ ngác về một phụ nữ nào đó, vào một ngày này, vào một ngày khác.
=/=