Tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên
Nhà thơ, trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa ông mang cấp bậc thiếu tá, và tôi lúc đó em chỉ yêu anh binh nhì.
– Cậu không có ý định lấy vợ là đúng… Cậu đích thực là oiseau rare…
Tôi không có ý định gì hết, kể cả ý định tiếp tục đào ngũ. “Anh thuộc carrière tốt, sao anh lại hành động như vậy?” Ông già mang kính cận một ngàn độ bắt gặp tôi lấy cắp một vật quý trong nhà ông. Tôi trả thù thằng cháu khốn kiếp của ông, không dính dáng tới carrière gì hết. Tôi bán vật quý đó, lấy tiền mua rượu uống say mèm, rồi ói mửa.
– Tối nay cậu vào sớm nhé. Uống trà, nói chuyện Phá Tam Giang…
Tôi mong sao thiếu tá của tôi suốt đời binh nghiệp không phải trực sĩ quan gì hết. Ông trực đêm nào, oiseau rare cũng phải hiện diện cùng ông đêm đó. Tôi kể chuyện hồi tốt nghiệp Khóa 2/69 Trường Sĩ Quan Trù Bị Thủ Đức, thay vì trình diện Sư Đoàn 5 Bộ Binh, tôi trình diện rừng thông Đà Lạt. Rồi bị bắt lính trở lại, tôi xung phong đi lính thứ dữ, hết Đại Đội Hắc Báo tới Biệt Đội Đặc Biệt Kỹ Thuật – Phòng 7 Tổng Tham Mưu. Đào ngũ liên tục vì những lý do hoàn toàn hư cấu, những lý do hoàn toàn không có lý do chính đáng nào cả. Ông nhà thơ thiếu tá cười thích thú, ban tặng tôi danh hiệu Loài Chim Lạ.
Tôi đã pha một ngàn ấm trà, uống cùng ông sĩ quan trực, chưa lần nào có ý định điên rồ, đái vào ấm trà. Tôi cần nhắc lại, tôi cùng uống trà với ông. Sau mùa xuân Cách Mạng đại thắng, tôi đã kể chuyện Trà Niệu Liệu Pháp với nhà văn nữ, người vợ độc thân của ông, trong một lần gặp gỡ ngẫu nhiên, nói chuyện phiếm về nhà thơ thiếu tá thời gian chưa đi học tập cải tạo.
Buổi trưa Lộc Ninh, nhìn đôi mắt chàng trai, con nhà văn nữ, tôi muốn nói, Hạo, chú bịa cái vụ Trà Niệu Liệu Pháp cho có chuyện để kể trong cơn hứng bất tử mà thôi. Chú mà hành động như vậy à? Nhưng tôi không nói gì hết, cứ nhìn đôi mắt u ẩn của Hạo mà buốn kinh khủng, và tự hỏi, Hạo nghĩ sao về tôi với ấm trà đó? Chợt Hạo lên tiếng, nhỏ giọng:
– Chú nghĩ sao về người cha của cháu?
Tôi cũng nhỏ giọng, nói ra ý nghĩ về nhà thơ, ông thiếu tá trong quân đội:
– Cha cháu là một nhà thơ, quá đủ cho chú quý mến. Thế nên chú đã từng có rất nhiều đêm thức trắng trò chuyện với ông. Có lần ông hỏi, “Cậu ưa bài thơ nào của tôi?” Chú bảo ưa nhiều bài, nhưng không thuộc bài nào. “Có những dòng thơ của thiếu tá cứ lởn vởn trong đầu óc tôi: Giữ một lòng kiêu con vật đực/Cặp mắt lồi hoen mãi lệ xanh*. Ông cười lớn, nói: “Tôi biết gout của cậu. Đấy cũng là những câu thơ tôi thích. Tôi cũng hiểu vì sao cậu từng chọn mấy thứ lính dữ dằn trong quân đội.”
Tôi nói với Hạo, thời gian tôi ở mấy thứ lính dữ dằn cũng chẳng để làm gì. Cả việc chiến trận, tôi xin thề, chưa nhìn thấy một ông Victor Charlie nào mặt đối mặt để bắn-chậm-thì-chết. Ấy thế nhưng ông nhà thơ thiếu tá, người đã ban tặng tôi danh hiệu cao quý, có thể thất vọng não nề, nếu ông biết tôi lấy vợ ngay trong mùa xuân như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Từ bấy đến nay, tôi hai lần làm ông buồn rầu trước bài thơ Tôi Là Con Chim Đến Từ Núi Lạ. Có thể có chút ít đáng kể: người vợ thứ hai của tôi là cô giáo ở Tân Trụ – Long An. Cô giáo cùng đám bạn đồng nghiệp kinh hồn hoảng vía túa chạy khỏi quán nước. Đấy là lúc tôi cùng đồng đội trong Biệt Đội Đặc Biệt Kỹ Thuật đặt mấy trái lựu đạn lên mặt bàn, sắp sửa rút kíp nổ chơi. Bọn tôi đã trú ở đồng khô cỏ cháy vùng xôi đậu này mấy tháng liền, buồn muốn chết.
Buổi trưa Lộc Ninh, tôi im lìm ngó Hạo. Bạn tôi, Đỗ, nói chuyện chăn nuôi dê bò với nhà văn nữ. Hình như Đỗ từ Hoa Kỳ về quê hương xứ sở để nghiên cứu đề tài chăn nuôi trồng trọt, trình luận án tiến sĩ ở đại học Harvard. Cuộc hành trình nối từ Lộc Ninh tới Bảo Lộc, Đỗ và người bạn đọc thơ dài con đường đi tới Phá Tam Giang. Tôi hình dung khuôn mặt thông minh, nhạy cảm của ông nhà thơ thiếu tá; bàn tay xương xẩu ôm cái ly thủy tinh cao nhòng. Hà tất phải uống trà đúng kiểu, đòi một cái chén bằng gốm bằng sứ như ngài Nguyễn Tuân vang-bóng-một-thời, ông nói, hay tôi đã nói như vậy.
Ông nhà thơ thiếu tá ít ra một phần nào được trả lại công bằng, với cái danh hiệu ông đã ban tặng tôi, vì lúc đó tôi chỉ kể rất ngắn gọn chuyện tôi nhận sự vụ lệnh về Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Tôi đã trình diện Bô Tư Lệnh Sư Đoàn ở Lai Khê – Bình Dương, nhận một trung đội thuộc tiểu đoàn đang luân phiên đưa quân dựng lều trại ở Long Nguyên. Nơi này sát cạnh, hay chính nơi này là mật khu của đối phương, tôi nghe nói vậy. Trong buổi nhậu đầu tiên với các vị chỉ huy tiểu đoàn, tôi được ghi nhận là người quen biết nhiều nữ ca sĩ tại Sài Gòn, đặc biệt tôi là bạn của Mai Lệ Huyền. Sự thật tôi chỉ là bạn của nhạc sĩ Trần Trịnh, lúc đó anh là chồng của cô ca sĩ người-yêu-của-lính. Ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng mê mệt nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền. Dịp này sắp tới Giáng Sinh, ông cho phép tôi về Sài Gòn mời mấy nữ ca sĩ, nhất định có Mai Lệ Huyền, để tổ chức liên hoan văn nghệ mừng Giáng Sinh ở Lai Khê. Tôi đi tuốt luốt lên trình diện rừng thông Đà Lạt đúng vào đêm Giáng Sinh, đầy đủ chi tiết là như vậy. Con chim mà chọn rừng thông, rặt thứ lá kim nhọn hoắt, đúng là loài chim lạ, như nhận xét của nhà thơ thiếu tá của tôi.
Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi gặp nhà văn nữ, người vợ độc thân của nhà thơ, ông thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã định cư ở Mỹ từ tám mươi đời chiều. Mới đây nghe tin ông đã rời bỏ trần gian vĩnh viễn, tôi rất xúc động, vừa buồn vừa mừng cho ông.
Nhà văn nữ có khuôn mặt hiền hậu đặc chất miền đồng bằng sông nước Cửu Long Nam Bộ, ngồi uống nước ngọt ở quán cóc trong hẻm vào một nhà xuất bản. Chị quen biết nhà thơ nữ làm việc tại đây. Nhà văn nữ từ Lộc Ninh về gặp nhà thơ nữ chỉ để nói chuyện phiếm. Gặp tôi ở đây thì càng chuyện phiếm. “Tháng trước cô K. có tới Lộc Ninh, sao anh không đi?” Tôi nói: “K. thuộc thể lỏng.” Nhà thơ nữ ngồi bên nhà văn nữ, nhận định về tôi: “Anh Đăng vốn thuộc loại người không giống ai.” Nhà thơ, thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng nói tôi là loài chim lạ, nhà thơ nữ có cùng ý tưởng ấy, khác cách diễn tả mà thôi. Tôi nói thêm: “K. thuộc thể lỏng, nhưng tôi không nói H. thuộc loại bốc hơi. H. là một kết tinh, có thể lẫn trong bóng tối mềm mại, nhưng H. không loãng tan trong bóng tối ấy. Nhà văn nữ hỏi tôi, H. là ai? “H. là một hợp chất đông đặc, là nhiệt tình đóng băng không sợ hãi mùa xuân**” Tôi trả lời như vậy với nhà văn nữ, thấy chưa đủ để nói về H. Tôi định nói thêm nữa, H. là muối trong những hầm mỏ ở Strasbourg, H., la cristallisation stendhalienne. Nhưng tôi im lặng, cố hình dung khuôn mặt H., chỉ thấy lòa nhòa những dáng nét gì.
Còn lại tôi với tôi, tôi không hiểu tôi là ai mà buồn quá vậy? Tôi nhớ mãi buổi trưa trong quán cà phê, tôi im lìm ngó Hạo. Chàng trai nhìn xa xăm. Xanh khắp vòng đai rừng lũng cao thấp chập chùng bao quanh thị trấn Lộc Ninh quạnh hiu lóa nắng.
————————
* Thơ Tô Thùy Yên, theo trí nhớ.
** Thơ Thanh Tâm Tuyền