Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

HANG CHUỘT CHỐN HOANG ĐƯỜNG

Tưởng nhớ Lê Tràng Kiều & Gửi Lê Tùng

 

Thành phố Đà Lạt, năm…
Từ thuở nào không biết, nơi này đã được sắp đặt cho loài chuột mang những bộ lông bằng đủ thứ vải và len, chui vào yên ổn gặm nhấm cà-phê. Tôi chú ý một gã chuột chù ở tận cùng cái hang. Không gặm nhấm cà-phê, gã nốc rượu đế lúc thành phố còn mù sương sớm. Mí mắt gã sưng mọng sụp xuống, gã chỉ cần nhìn ly rượu; và khi không còn chút hy vọng nào, không có ai, từ chủ đến khách, quan tâm cho gã thêm rượu, gã cố nhướng đôi mí mắt, lúc ấy hai con mắt trồi ra đờ đẫn tuyệt vọng. Chủ quán, một lão nhà quê tinh ranh, biết rõ mình chỉ cần bấy nhiêu nghĩa cử là đủ cao thượng: bố thí cho gã chuột chù một hai ly rượu mỗi sáng. Còn ai nấy cứ tiếp tục gặm nhấm nỗi buồn, mặc gã ở xó kẹt kia thưởng thức mùi vị cuộc đời, trong thế giới hôi hám riêng biệt của loài chuột chù.
– Thưa ông, quán này giống cái hang của chuột.
Người khách lạ của Hang Chuột Chốn Hoang Đường lên tiếng. Anh ta ngồi cùng bàn với tôi. Anh ta là khách lạ thật sự, lần đầu tiên chui vào cái hang của chuột. Tôi nói:
– Hang Chuột Chốn Hoang Đường, quán cà-phê này có tên như vậy.
Anh ta cười thân thiện, nói rằng cả thành phố Đà Lạt là Nơi Trú Ẩn Hoang Đường.
– Nhiều đêm, thưa ông, tôi chú tâm nhìn một ngôi nhà sáng đèn, để ngay sáng hôm sau vô phương tìm thấy lại.
– Tôi cũng từng có kinh nghiệm ấy.
Tôi nói, như nhân vật kịch đọc lời thoại; cùng lúc nhớ lại những ngôi nhà lô nhô sáng lên trong đêm, chúng nổi rõ những khung ánh sáng đủ màu, những hình thù mơ hồ kỳ dị. Chúng xuất hiện đột ngột, từ đâu rớt xuống hay từ đâu mọc lên, dính chặt vào hư không. Những khung ánh sáng lần lượt phụt tắt, hoặc mau hoặc chậm. Chúng tan biến trong bóng tối. Tôi hoài nghi, liệu chúng có thật hay ảo ảnh?
Tôi giật mình vì anh ta lên tiếng:
– Kinh nghiệm à? Không, tôi chỉ tìm kiếm điều bí mật. Tôi bị hút vào đấy.
– Bị hút vào, hay chính anh bạn tình nguyện?
– Tôi cũng không biết nữa, thưa ông.
Đặt bàn tay lên bàn tay tôi, anh ta nồng nhiệt:
– Thưa ông, uống một ly rượu chứ? Rượu gì nhỉ? Ở đây có thứ rượu gì chắc ông biết?
Tôi không biết ở đây có thứ rượu gì khác thứ rượu dành cho gã chuột chù, gã giữ ngôi nhà yên tĩnh nhất trong bệnh viện, mang tên Nhà Vĩnh Biệt.
– Tôi có rượu Vodka đấy, hai cậu ạ.
– Rượu Vodka!
Lão chủ quán thính tai, hay lão rình rập ở xó nào?
Anh ta gật đầu với lão chủ quán.
– Cậu gọi hai ly hay cả chai ạ?
Giọng điệu lễ phép khúm núm, lão chủ quán hỏi kỹ lưỡng. Anh ta bảo cả chai. Tôi bối rối vì chai rượu Vodka, sáng sáng tôi chỉ gặm nhấm thứ nước đậm đen cố hữu.
– Tôi sợ không uống được nhiều đến thế.
– Ít nhiều cũng vậy, thưa ông.
Chai rượu đã có trước mặt, rượu Vodka sản xuất tại Ba Lan. Anh ta rót thận trọng, đặt chai rượu giữa hai ly vừa rót đầy.
– Xin cùng cạn nỗi đau khổ Ba Lan.
Tôi cụng ly với anh ta, hỏi tại sao lại là nỗi đau khổ Ba Lan.
– Ông chẳng thấy như vậy sao? Âm nhạc Ba Lan chứa đựng điều đó.
Từ lúc chúng tôi uống rượu, lão chủ quán cho mở máy hát trong quầy gỗ cũ xỉn không thể gọi tên màu sắc gì; tiếng hát eo éo của một gã ái nam ái nữ.
Trước mặt tôi là một chân dung điêu khắc, tác phẩm nghệ thuật ấy được tẩm một thứ nước sẫm màu, anh ta truyền thông nỗi đau khổ trừu tượng bằng câu chuyện âm nhạc, âm nhạc Ba Lan. Quả thật tôi ngắm nhìn anh ta. Đấy là một kẻ tha thiết yêu đời, tinh tế và mơ mộng, anh ta đang nói về âm nhạc Ba Lan mà tôi hiểu rất ít.
– Anh bạn mơ mộng ơi, một biển sương quá mù mịt, tôi chẳng thấy gì.
– Tôi không mơ mộng đâu, thưa ông.
Anh ta ngừng giây lát, nói tiếp vẻ khẩn cầu, thuyết phục:
– Tôi buộc phải nói với ông rằng tôi đang đi tìm người chị họ. Tôi tìm kiếm đã tám năm, ở hàng chục thành phố. Tôi vừa rời Nha Trang, ở đấy lâu nhất mà chẳng mảy may hy vọng.
Thứ nước sẫm màu tẩm vào tẩm vào chân dung điêu khắc là nắng gió thành phố biển, dù tin lời anh ta, nhưng tôi chợt nghĩ anh ta là kẻ mộng du.

*

Anh ta trở lại mỗi sáng, hiển nhiên gia nhập đoàn lũ ẩm khách cô đơn của Hang Chuột Chốn Hoang Đường. Trong một lúc cùng im nghe tiếng gió hú thét trên đồi, anh ta và tôi liên tưởng tới Đỉnh Gió Hú của Emily Bronte, chợt nghĩ quán hang này lộn ngược lại thì hệt vậy: Lõm Gió Hú. Chúng tôi trở nên đôi bạn, gắn bó ở đây có thể vì tiếng gió hú thét trên đồi. Tiếng gió dữ dội, hung bạo như mối cám dỗ đen đúa mù mịt, phủ chụp hết thảy những con chuột và những nỗi buồn, nỗi đau đặc biệt của số phận gã chuột chù, đến lượt anh ta, đích danh là chàng chuột bạch với nỗi sầu quý phái.
Tôi thường tự hỏi có một tạo hóa đã làm nên tất cả, sắp sẵn mọi thứ, và cái hang hốc này có những đại diện lần lượt thả mồi cho lũ chuột chui vào gặm nhấm. Phía trên cuộc tụ hội ấy, trái đồi được vun lên làm cái mái che đậy, những trận gió réo rít bất tận thông điệp khó hiểu của đấng vô hình.
– Chúng như rượt đuổi gì vậy… Cuộc rượt đuổi vô tận!
Tôi nói với anh ta, hẳn là anh ta cũng đang nghe tiếng gió hú thét trên đồi; chúng quấn xiết, buông rời, tiếp tục cuộc rượt đuổi tràn qua đồi thông. Phải chăng chính anh ta đang rượt đuổi hình bóng ảo. La poursuite impitoyable, anh ta lẩm nhẩm trong miệng. Rồi anh ta nhìn tôi, giọng khẩn thiết:
– Ông không tin người chị họ của tôi mất tích là có thật?
– Tôi tin chứ… Tôi tin người ta có những nỗi ám ảnh hoàn toàn bí mật.
Gương mặt sống động, anh ta vỗ nhẹ bàn tay trên vai tôi:
– Không bí mật gì đâu, thưa ông. Thuở nhỏ tôi và chị Nhã, con bác tôi, ở Bà Rịa. Chủ nhật nào chúng tôi cũng được ra biển Vũng Tàu. Chị Nhã cùng tôi đùa giỡn, bắt những con dã tràng, lượm vỏ ốc trên bờ bãi… Sống gần chị Nhã được mười năm, gia đình tôi chuyển lên Đa Thọ – Đơn Dương.
Sau nhiều năm, ghé lại Bà Rịa, gia đình bác tôi vẫn ở đấy, nhưng thiếu chị Nhã. Tôi chỉ còn nghe nói về người chị họ: chị đã là một thiếu nữ xinh đẹp, và đã ra đi vì một chuyện đau buồn, vào năm mười sáu tuổi, bác tôi chỉ nói như vậy. Những người khác trong gia đình còn cho tôi biết ít hơn: họ im lặng! Từ đó những câu hỏi thôi thúc tôi như lửa đốt. Những năm tháng của đời chị ra sao? Ai trả lời cho tôi về điều bí mật?
Chai rượu Courvoisier anh ta mua ở đâu đó mang theo uống đã vơi hết một nửa, hình thù cái chai to bè nặng trĩu như sắp mềm chảy. Anh ta nhấc chai rượu lên rót tiếp, cánh tay gầy guộc có lẽ trước đây trắng xanh và đường gân mờ hiện, bây giờ rám nắng miền biển. Cổ tay anh ta mang chiếc đồng hồ điện tử có báo giờ như chiếc đồng hồ của tôi, chỉ để ở đầu giường báo tôi thức lúc sáu giờ.
Tôi hỏi vớ vẩn chuyện đồng hồ anh ta có để báo giờ không, mong quên cái trĩu nặng hiện tại. Anh ta gật đầu:
– Tôi để báo lúc mười hai giờ đêm, thưa ông.
Đấy là giờ thức dậy làm việc của những ông Balzac, liệu chừng anh ta thức giấc vào giờ ấy để viết văn?
– Anh bạn thức dậy rồi làm gì?
– Ra đường, đi lang thang suốt đêm, có vậy thôi, thưa ông.
Anh ta ra đường để mong gặp gỡ định mệnh, có khi xuất hiện trớ trêu như vậy? Liệu anh ta có tưởng tượng người chị họ của mình đứng đầu đường góc phố lúc nửa đêm? Anh ta cũng chẳng ngủ gì cả sau đó, từ lúc tôi quen anh ta thì sáng nào anh ta cũng có mặt ở cái hang này. Tôi chưa kịp hỏi thì anh ta nói:
– Tôi ngủ rất ít, thưa ông. Có thể tôi ngủ trước đó rồi thức giấc theo đồng hồ báo giờ. Có thể tôi ngủ lúc đứng lúc ngồi, hay vừa đi vừa ngủ trên đường.
Tôi ngạc nhiên về khả năng của anh ta trong việc ngủ. Cuộc tìm kiếm người chị họ của anh ta cũng lạ lùng. Anh ta không biết gì hơn cái hình ảnh của chị lúc mười tuổi. Chị ra đi vì lý do nào? Tôi không khỏi đặt vài giả thuyết, nhưng cho rằng người ta thông minh, hiểu đời tới đâu, cuối cùng rất nhiều giả thuyết đã sai. Cuộc đời có những sự thật vượt ngoài sức tưởng tượng của nhà tiểu thuyết.
– Có cái tiền định thật đấy, thưa ông… Chẳng hạn cái tiền định trong việc ngủ của tôi. Nếu không thể ngủ lúc đứng lúc đi, thì tôi chẳng có lúc nào để ngủ.
Đôi mắt anh ta như ngái ngủ, có thể anh ta vẫn lơ mơ trong lúc uống rượu. Nhưng anh ta đang thức, khẽ kéo tay tôi và hỏi:
– Ông nhìn xem, có phải ngài kia bị bệnh xơ gan không?
Anh ta ngó gã chuột chù đang lầm lũi đi ra cửa hang. Tiếng “ngài” dành cho gã là sự tôn trọng khá mỉa mai, nhưng anh ta gọi gã bằng tiếng ấy lại chỉ giống trẻ con dùng sai từ.
– Có lẽ hắn không còn lá gan để mang bệnh nữa. Hắn uống rượu thay cơm từ ngày làm việc ở nhà xác, chừng bảy, tám năm rồi.
Anh ta chú ý đặc biệt, nhìn hút theo gã, lúc ấy đã đi lên tới mô đất cỏ úa trên đồi. Tiếp chỗ đó là lối mòn dẫn xuống khu vực bệnh viện. Anh ta nói với vẻ khứng chịu:
– Tôi gặp con người khốn khổ ấy ở đây cũng là tiền định.
Sau một đỗi im lặng khó hiểu, anh ta nói:
– Cả người chị họ của tôi, hẳn là tôi sẽ gặp lại cũng ở chỗ này.
Anh ta linh cảm điều gì đấy. Giác-quan-thứ-sáu báo cho anh ta biết nơi chốn định mệnh?

*

Chúng tôi luôn luôn đến đây lúc bảy giờ. Hang Chuột Chốn Hoang Đường ồn ào khác hẳn thường ngày. Ở các bàn, loài chuột rục rịch chuẩn bị một cuộc tấn công mùa màng, ai mà chẳng cố gặt hái cho riêng mình phần lợi lớn nhất. Gã chuột chù vẫn nhìn xuống mặt bàn, trên đấy cái ly trơ trọi đã được rót thêm rượu lần thứ hai; có thể còn được rót thêm lần thứ ba, trong buổi sáng rộn ràng hiếm hoi này.
Tôi nhìn lướt chung quanh một lần nữa, đúng lúc ấy gã chuột chù ngước lên. Khác hẳn mọi khi, hai con mắt gã sáng rực lóe lửa. Hai đốm lửa nhỏ xíu kỳ quặc chiếu về phía chúng tôi.
Anh ta cũng nhìn gã, cùng lúc những lời bàn tán to nhỏ, tiếng cười rộ…
– Chỉ mình chú Nghệt có thẩm quyền về người đẹp đấy nhé.
Bộ mặt đờ đẫn ù lì, Nghệt đúng là cái tên khai sinh của gã chuột chù.
– Đẹp tới đâu thì bây giờ cũng chỉ là cái xác hôi thối không ai nhìn nhận.
– Một xác chết nồng nặc hương tử khí.
Một nỗi căm giận khiến tôi muốn thét lên: “Các vị câm miệng lại!” Nhưng lúc đó một gã còn chút tư cách đã thốt:
– Cứ gì xác chết mới hôi thối, con người sinh ra đã dơ bẩn rồi.
Giống tiếng than, một ý tưởng triết học, có thể vì vậy mà mọi con chuột đều trầm ngâm, thưởng thức tiếp vị đắng của nỗi buồn trong ly cà-phê
Anh ta thì thầm:
– Tôi đã nghe chuyện này. Chiều hôm qua, một cô gái rất đẹp, trạc tuổi tôi, chết vô thừa nhận ở bệnh viện. Chết đột ngột trong cơn đau tim.
Lát sau, không còn là thì thầm với tôi, anh ta lẩm bẩm một mình:
– Chẳng lẽ lại như vậy?
Từ xó kẹt, hai chấm lửa soi về phía chúng tôi một lần nữa. Anh ta đã có linh cảm từ mấy ngày trước, liệu cuộc tìm kiếm của anh ta tới hồi kết thúc? Anh ta sẽ tìm lời giải đáp cái bí mật người chị họ đã mang theo từng ấy năm, qua một tử thi câm nín tuyệt đối?
– Anh bạn tin người ấy là chị Nhã?
Anh ta gật đầu:
– Tất nhiên tôi có thể lầm, cũng hy vọng như vậy. Nhưng nếu không phải là chị, chẳng biết tôi sẽ ra sao nữa. Có lẽ số phận đã định cho tôi chỉ gặp được chị qua cái xác không hồn.
Câu chuyện của chúng tôi may không có gã nào chú ý, vả lại không có gã nào ngồi gần bàn chúng tôi. Những gã ấy chỉ chú ý chiếc bàn ở xó kẹt, một gã phóng tới đó lời giễu cợt:
– Vinh dự cho chú Nghệt, được lau rửa tấm thân ngà ngọc, lau rửa đến nơi đến chốn, từng thứ một.
Những tiếng cười của đồng bọn cùng lúc ùa ra.
Anh ta vừa nói vừa nhìn phía gã chuột chù:
– Tôi sẽ điều đình với ngài kia. Chờ ngài ấy đi ra, tôi theo về nhà xác.
– Làm sao biết được gì ở một cái xác? Có dấu vết đặc điểm nào để anh nhận diện?
– Tất nhiên tôi biết đấy là cái xác… Làm sao hơn được… Còn dấu vết… không phải trên mặt… Một cái bớt màu đỏ thẫm trên bờ vai trái.
– Vậy thì được đấy… Anh nhờ người giữ nhà xác tên là Nghệt xem xét giùm. Anh chàng đó sẽ lau rửa tử thi.
– Tôi muốn vào nhận diện… Tất nhiên tôi sẽ đền ơn ngài ấy.
Vẻ mặt anh ta thật căng thẳng. Gã chuột chù quả nhiên đã cạn ly rượu thứ ba hay thứ tư, trong buổi sáng huy hoàng cũa gã, đứng dậy, và lại một lần nữa ngó về phía chúng tôi. Anh ta hỏi gấp gáp:
– Ông có bao thư không?
Sao lại đúng lúc tôi có một xấp phong bì trong túi xách. Anh ta bỏ vào phong bì nhiều tờ giấy bạc lớn, nói:
– Tôi sẽ tặng số tiền này để ngài ấy uống rượu.
Trước khi anh ta đi theo gã chuột chù tới nhà xác, tôi chỉ còn biết căn dặn anh ta đừng gọi gã là “ngài.”

*

Anh ta xuất hiện trên mô đất cỏ úa, bước lần bậc cấp lát đá thô dẫn xuống quán. Chẳng có gì để vội vã nữa. Tôi hỏi và anh ta lắc đầu thay câu trả lời.
– Ôi, may sao là vậy!
Tôi cười nhẹ nhõm, nhưng anh ta bải hoải hơn lúc nào, ngồi xuống chiếc ghế không màng sửa lại cho ngay ngắn.
– Tôi còn có thể chờ đợi gì? Có phải chị ấy đã chết, như cô gái chết vô thừa nhận?
Tôi không thể nghi ngờ anh ta mong cái kết thúc như vậy cho người chị họ, và hoàn toàn cảm thông trạng thái tinh thần của anh ta: cuộc tìm kiếm nào cũng đến chỗ kết thúc, có thể là kết thúc trong chính mình. Tôi hỏi anh ta, không hẳn là sự tò mò vô nghĩa:
– Cô gái trong nhà xác đẹp chứ?
Anh ta gật đầu:
– Tôi vẫn nghĩ là chị ấy.
Tôi giật mình:
– Nhưng không phải vậy mà?
– Thì hẳn thế, thưa ông.
Dù sao anh ta làm tôi bán tin bán nghi, đến nỗi nảy ý định ngu ngốc gặp gã chuột chù để hỏi lại, có cái bớt màu đỏ thẫm trên bờ vai trái của xác chết ấy không?
Những buổi sáng sau đó không thấy anh ta đến Hang Chuột Chốn Hoang Đường. Tôi để đồng hồ báo giờ lúc nửa đêm, như anh ta, thức dậy và ra đường. Liệu tôi sẽ gặp anh ta đứng trên con dốc, nhìn đăm đăm phía những ngôi nhà sáng đèn bập bềnh trong đêm tối? Có lúc tôi thốt nghĩ: anh ta tự sát rồi chăng?

*

Một buổi sáng tôi nhận được thư gửi đến Hang Chuột Chốn Hoang Đường, anh ta viết khá dài: “…Tôi trở lại những chỗ cũ ở Nha Trang, không còn tìm kiếm gì, cũng không tìm vui. Tôi muốn tự-sát-chậm, bằng rượu và bằng bất cứ gì ở đấy. Tôi đã thất bại trong cuộc tìm kiếm, bây giờ lại thất bại trong mưu toan tự-sát-chậm, nó thật não nề, tôi không đủ sức. Một phụ nữ tôi đã gặp, không quan trọng gì, nhưng chị ta rắp tâm hủy diệt những gì thuộc lĩnh vực tình cảm, gọi tình yêu là con quái vật, và đặt lên bệ thờ cái bản năng tính dục như người hoang dã, nhưng chị ta lại dùng trí tuệ của người văn minh. Chỉ là chị ta thách thức và chà đạp cho thật nhục nhã cái lĩnh vực tình cảm. Cha tôi là một người dớ dẩn, cố giấu tàn tích mối tình thời trẻ trước khi gặp mẹ tôi, bằng cách đặt tên người yêu cho cô con gái đầu lòng. Mẹ tôi hiểu ra chuyện đó vào năm tôi mười sáu tuổi, bắt đầu tấn tuồng tệ hại, bà lồng lên như con thú bị thương, giơ móng vuốt vồ chụp lấy tôi, chỉ vì tôi mang cái tên của đối tượng ghen tuông ấy. Tôi không còn được sống bình thường, đấy là nói nhẹ, tôi không sống được nữa nếu không trốn thoát khỏi con bệnh của cái tình yêu khốn kiếp… Chị ta nói vậy, đấy là tất cả lý do và điều kiện cho cái quyền hủy diệt của chị ta. Thưa ông, cuối những dòng này, tôi phải cho ông biết, chị ta đã hét vào mặt tôi: ‘Này cậu Đăng, cậu đừng bao giờ dớ dẩn như người bác của cậu…’ Thật khủng khiếp, tôi không thể ngờ đấy là chị họ tôi! Trong tám năm tìm kiếm chị, tôi chỉ mang theo mỗi chiếc vỏ ốc chị đã nhặt ở bãi biển Vũng Tàu. ‘Chiếc vỏ ốc đẹp thế này mà chẳng ai biết! Nhã sẽ giữ nó mãi mãi.’ Chị đã tặng tôi báu vật của chị lúc xa nhau, năm lên mười tuổi. Hóa ra tôi chỉ còn có chiếc vỏ ốc mà thôi. Thật dễ sợ, tôi chỉ còn có chiếc vỏ ốc…”

Những buổi sáng của tôi là Hang Chuột Chốn Hoang Đường, là gặm nhấm nỗi buồn. Mỗi khi nhớ tới anh ta, tôi như chợt thức giấc, anh ta đang ở một nơi nào đó, có thể nơi đó ở bên kia cái chết, để tìm gặp điều bí mật thật sự.
Nửa đêm, tôi lại ra đường; có lúc ngắm nhìn một ngôi nhà sáng đèn, biết đâu tôi sẽ tìm ra nó lúc rạng đông. Nhưng có thể cũng không phải là nó, ngôi nhà bí mật đêm qua.
./.

bài đã đăng của Nguyễn Đạt

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)