Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

BỐN KÝ SỰ NGẮN


I
Đào Duy Thi & đàn vịt chạy đồng
Tìm anh không khó. Ở thị trấn Liên Nghĩa thuộc tỉnh Lâm Đồng, anh là thầy giáo dạy môn tiếng Anh duy nhất tại nhà. Hóa ra, Đào Duy Thi, cháu chắt tiếp nối dòng đích tôn của nhà văn học & nhà kịch nghệ & nhà chiến lược Đào Duy Từ ở thế kỷ XVII, bây giờ đã đổi nghề và chỗ trú vô định, tới định cư nơi này.
Từ B’Lao, nhận cuộc điện thoại của anh, tôi hào hứng lên đường.
“Bạn lên đây ở chơi với tôi bao lâu tùy ý. Chuyện trò thâu đêm suốt sáng không nề. Nói cạn cùng về đàn vịt chạy đồng một thời bát ngát…”
Anh biết số điện thoại của tôi qua một người quen ở thị trấn. Anh gọi tôi lên chơi mà như thể đọc thơ. Bây giờ Đào Duy Thi là thầy giáo Anh ngữ kiêm nhà thơ không chừng. Nếu từng biết anh ở đây, tôi đã lên thăm không chờ mời gọi.
Tôi từng nghe nói, một thời gian dài anh chăn vịt chạy đồng. Lùa hàng trăm con vịt băng qua vô số cánh đồng sau mùa gặt, trải từ Bình Định quê anh, xuôi xuống Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đàn vịt ăn lúa sót, để Đào Duy Thi trở thành người thường trực trú ngụ và dời chuyển trên những cánh đồng.
Từ B’Lao, thành phố mà nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự ưa gọi là Thị Trấn Sương Mù, tôi chạy xe hai bánh chừng một phần tư lộ trình tới Liên Nghĩa thì bổ nhào vào vườn ngô bên kia đường. Vừa chạy xe vừa ngủ gật, không tử nạn cũng uổng, tôi tự rủa mình như vậy. Lưu lại hơn một ngày tôi mới hồi sức, tại nhà trọ ngẫu nhiên gặp ở gần chỗ té xe.
Chỉ còn có thể trở lại B’Lao, để trong giấc ngủ mê hằng đêm, tôi gặp đàn vịt của Đào Duy Thi sục sạo trên những cánh đồng. Tiếng kêu của một con vịt thảng thốt giữa khuya, vang động những đêm Thị Trấn Sương Mù. Tôi bật dậy, ngó sững màn sương trắng đục giăng khắp B’Lao-cố -quận.
Hơn một tuần lễ sau tôi mới lên được thị trấn Liên Nghĩa thăm Đào Duy Thi. Căn nhà của vị gia sư cửa khóa kỹ càng. Anh Bảo, người quen chúng tôi tại thị trấn cho biết: Đào Duy Thi đã trở lại một nơi anh từng chăn vịt chạy đồng.
“Tưởng Đào Duy Thi giã từ cái nghề chăn vịt chạy đồng, nhưng không phải vậy. Anh ấy không thể sống thiếu đàn vịt. Lần cuối cùng, anh ấy dừng chân tại Tutr’a – Đơn Dương, cho đàn vịt ăn lúa sót ở đấy. Đàn vịt của anh ấy chưa từng thất lạc con nào. Vậy mà một sáng thức dậy, cả đàn vịt mấy trăm con biến mất. Sau đó Đào Duy Thi về đây mở lớp dạy học tại nhà.”
“Anh có chắc Đào Duy Thi lại chăn vịt chạy đồng?”
Anh Bảo cười như tiếng khà sau hớp rượu, nói chậm và rõ:
“Trước khi rời Liên Nghĩa, Đào Duy Thi và tôi có một bữa rượu. Anh ấy bảo phải gặp lại đàn vịt. Đêm nào anh ấy cũng mơ thấy chúng trở về, không thiếu con nào, kêu đòi sum họp.”

   
II
Người vợ ông Sơn Núi
Căn phòng có cửa kính, nhìn ra núi đồi trong mưa bụi và mù sương. Chúng tôi nhâm nhi ly rượu vang đỏ, sản phẩm của Đà Lạt, thật thích hợp với những câu chuyện tâm sự, hoài niệm một thời trai trẻ.
Tôi nói với bạn: “Thật đáng ngại những bài do thân hữu viết về tôi. Một trong những bài đó, thật ra không nhiều gì, hình dung tôi là một kẻ tâm thần.”
“Nhưng chắc cũng có bài anh ưa chứ?”
“Cũng có, như bài của… Bạn ấy bảo cứ nhớ tới tôi là thấy hiện ra hình ảnh chàng lãng tử chân đi ủng, bước lừng lững giữa những bụi dã quỳ trên đồi thông Dran… Tôi hay lang thang trên những đồi thông thật đấy, nhưng không đi ủng bao giờ. Cũng không có những bước lừng lững, tôi tự thấy mình luôn bước đi liêu xiêu muốn ngã đổ. Ấy tuy nhiên viết về tôi như vậy, tôi ưa lắm. Dẫu tôi làm gì có dáng uy nghi lừng lững, kể cả thời trẻ, trong bộ quân phục chiến binh Hắc Báo. Mà hồi đó tôi cùng đồng đội chui rúc trong rừng A Sao A Lưới ở Thừa Thiên – Huế, đâu có những buổi lang thang trên đồi thông Dran như thời còn là sinh viên…”
“Thế họ hình dung anh là một kẻ tâm thần, có đúng phần nào không?”
Tôi bảo bạn: “Nói chuyện khác vui hơn. Để tôi kể bạn nghe câu chuyện thú vị về người đàn bà miền Thượng tôi mới gặp tuần lễ trước, trên một đồi trà ở B’Lao.”
*
Chị ấy có một vẻ đẹp thô sơ mà ấm áp, một vẻ man dại của người thiểu số, chẳng biết là dân tộc K’ho hay Kôhô. Chị ấy như có luồng từ trường hút tôi đi theo khắp đồi trà. Chị ấy thong thả đi như vậy, thỉnh thoảng dừng giây lát, xốc cái gùi sau lưng cho thăng bằng; trong gùi là bó củi. Tôi đi theo chị ấy, đi theo sức hút của từ trường. Tôi hoàn toàn tỉnh táo, biết mình đi theo một người đàn bà Thượng lạ lùng và đẹp man dại. Cũng có phần tò mò: chị ấy đi quanh đồi trà tìm kiếm gì? Chị ấy không hái lá trà nào, cái gùi sau lưng chỉ chứa bó củi.
Chợt chị ấy dừng lại tháo gùi rồi ngồi xuống, nhìn tôi, nói tiếng Kinh rất sõi:
“Anh thất thểu quá! Về nhà tôi pha ly cà-phê quậy với trái bơ cho anh uống.”
Nhà chị ấy trên đồi thông, tôi ngờ đã tới đây nhiều lần, từng ngủ lại nữa.
“Chị Phượng đấy, hiền thê của ông Sơn Núi tức nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, anh hoang tưởng à?”
Tôi bảo bạn, gần như gằn từng tiếng:
“Lại thêm anh nghĩ tôi là kẻ tâm thần. Hoang tưởng chẳng là một chứng bệnh của tâm thần thì là gì? Bệnh hoang tưởng là paranoia chứ gì nữa! Chị Phượng vợ ông Sơn Núi tôi biết chứ. Chị Phượng có hai dòng máu Việt – Pháp, còn người đàn bà miền Thượng tôi gặp trên đồi trà là người K’ho hay Kôhô gì đấy, tôi không hoang tưởng.”    

III
Nay Sương

Nhiều năm trôi qua, có một ngày tôi đi sâu vào vùng đồi núi cách thị trấn Di Linh chừng mười cây số. Một căn nhà gỗ ván thông, dựng theo kiểu nhà sàn của người Thượng, chơ vơ hiu quạnh giữa núi đồi. Lui tới mấy bận trong ngày cũng chẳng thấy ai, nghĩ căn nhà vô chủ, tôi có ý định tới ở đây lâu dài.
Dù sao tôi cũng hy vọng một người biết rõ lai lịch căn nhà: nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, đang sống ở Phương Bối Am trên núi Đại Lào của thầy Nhất Hạnh ngày trước. Nguyễn Đức Sơn từng làm bài thơ dị kỳ độc đáo: Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ Ở Di Linh. Một thai phụ cùng chồng cư ngụ trong Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân / Những ván thông dày đặc gỗ quan tài…
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không nói bất cứ điều gì về căn nhà gỗ ván thông. Tôi cho rằng sự im lặng của nhà thơ có nghĩa là nhà thơ không hề biết căn nhà gỗ ván thông này. Căn-nhà-gỗ-phần-mộ-thanh-xuân hẳn là một căn nhà gỗ ván thông khác, nay còn hay mất không ai biết.
*
Ngày đầu tôi tới ngụ trong căn nhà gỗ ván thông, bí mật về sở hữu chủ căn nhà hé mở. Một album ảnh trên giá sách, quyển niên giám do Bộ Phát Triển Sắc Tộc xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn, vài cuốn tiểu thuyết hiện sinh Pháp của Christiane Rochefort, Francoise Sagan…
Chủ sở hữu căn nhà này đích thực là Nay Sương, cô gái người dân tộc K’ho tôi từng nghe nói, và thấy cả hình ảnh Nay Sương nữa. Bức ảnh Nay Sương chụp chung với một người tôi quen thân ở thị trấn Dran, nhà thơ Vương Kiều. Nay Sương, nữ sinh hoa khôi một thuở của Lycée Yersin – Đà Lạt. Người cha của Nay Sương từng là quan chức cao cấp của Bộ Phát Triển Sắc Tộc, thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi liền đi gặp nhà thơ Vương Kiều ở thị trấn Dran để hỏi tin tức về Nay Sương. Nay Sương lập gia đình không lâu sau ngày quốc hận 30 tháng tư, 1975. Cả gia đình Nay Sương đã rời khỏi Dran, định cư tại Hoa Kỳ từ nhiều năm rồi.
Một e-mail của Nay Sương tới tôi mau chóng: Nếu anh không yếu bóng vía, sống ở căn nhà gỗ ván thông ấy cũng thú vị. Hồi đó tôi tới ở mới được mấy ngày đã thấy hết hồn: đêm khuya, một người đàn bà xổ tóc rũ rượi, máu me đầy mình, đứng trước mặt tôi gào thét khóc lóc năn nỉ trả lại căn nhà…
Hóa ra tại chính căn nhà gỗ ván thông này, người vợ của bạn nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã thổ huyết. Chị chết cùng cái thai trong bụng.
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống

(Đi thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh – Nguyễn Đức Sơn) 

   
IV
Hoàng Trúc Ly & những tử thi
Buổi chiều cuối năm 2017, sao tôi không thể quên những hoàng hôn cách đây bốn mươi năm trước. Những tháng ngày ủ ê sau biến cố đau thương, ngày quốc hận 30 tháng tư, 1975. Những hoàng hôn mưa lê thê níu chân người ê ẩm, nơi một quán cóc ở trung tâm Sài Gòn. Hoàng thi sĩ và tôi chẳng biết tới lúc nào là lúc đứng dậy ra về.
Càng bắt nhớ khi Hoàng thi sĩ liêu xiêu vất vưởng, đã hanh thông trên con đường sự nghiệp giữ đồ đạc áo quần ở hồ bơi trong Nhà văn hóa thể dục thể thao thành phố. Một hôm kia, từ nơi ấy đi ra, bị ai đó chạy xe gắn máy đụng vào, anh té ngã. Rồi anh đứng dậy, ngỡ không sao, lần bước ra một quán cóc, tương tự Quán Cóc Ông Già lúc này không còn nữa. Vài ba ngày sau, Hoàng thi sĩ tắt thở vì chấn thương sọ não, do chiếc xe gắn máy đụng vào anh té ngã từ mấy bữa trước.
Lúc nào nỗi nhớ bằng hữu dấy lên, tôi lại tức thì nhớ tới những cái chết, những tử thi: Nh. Tay Ngàn – Y Uyên – Nguyễn Nho Nhượn – Nguyễn Nho Sa Mạc – Hoàng Trúc Ly – Joseph Huỳnh Văn – Đinh Ngọc Mô – Phan Nhự Thức – Nguyễn Phan Thịnh – Nguyễn Tôn Nhan…
Mười mấy năm trước khi trở thành một tử thi, Hoàng thi sĩ đã tưởng nghĩ, đã sâu đậm với tử thi. Và Hoàng thi sĩ phỏng dịch tài tình bài thơ Cái Chết Của Người Lính Kèn của Ngải Thanh, một thi sĩ hiện đại Trung Quốc.

CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI LÍNH KÈN

Thấy không?
Hắn chết rồi
Chết ngay trên đất
Mến thương ngàn đời
Bàn tay cứng ngắc
Không rời… không rời
Kèn đồng hừng hực
Máu người căng hơi.
Màu da xám tô đời khắc khổ
Dưới bóng cờ buổi ấy tiếng quân ca
Là mãi mãi súng không ngừng nổ
Trong hôm nay đã xám một màu da
Và bàn tay cứng ngắc
Không rời… không rời
Và kèn đồng hừng hực
Sáng ngời!
(NGẢI THANH. Hoàng Trúc Ly phỏng dịch)
./.

bài đã đăng của Nguyễn Đạt

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)