Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Người bạn Úc

 
 

Ông Harry nói:

– Tôi không uống cà-phê, không hút thuốc, không uống rượu… Tôi chỉ uống trà nóng.

Ông nhắc lại mấy lần: hot tea (trà nóng). Ông Harry người Úc, bạn đồng nghiệp của vợ tôi, cùng dạy môn tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Sài Gòn. Ông đề nghị vợ tôi cho ông tới thăm căn hộ chật hẹp của chúng tôi, mãi tận một quận vùng ven thành phố, khá xa trung tâm ngoại ngữ.

Ông Harry tới lúc chín giờ tối, chúng tôi đang sửa soạn bữa ăn muộn màng. Việc sửa soạn bữa ăn ngừng lại, chúng tôi đón tiếp khách, mời ông Harry cao lớn ngồi vào một trong bốn chiếc ghế được kéo ra khỏi gầm bàn. Bộ bàn ghế ở giữa những đồ vật lỉnh kỉnh khác, chúng được sắp đặt khít rịt bên nhau. Vài thứ, như chiếc xe đạp nhỏ xíu, bàn học cũng nhỏ xíu của con gái chúng tôi, phải xê dịch, chừa chỗ chiếc ghế mời khách ngồi. Và một chiếc ghế, sát cạnh chiếc ghế mời ông Harry ngồi, được kéo ra nữa, để nữ chủ nhân an tọa tiếp khách. Còn tôi, đã yên vị trên chiếc ghế bên kia bàn, đối diện với khách. Sau lưng tôi, kệ sách chật cứng những quyển sách lớn nhỏ, bìa cứng bìa mềm.

Ông Harry không thể ngồi thoải mái để đối diện tôi, nhưng đâu đã chắc ông ta muốn đối diện tôi để nói chuyện này chuyện nọ. Xoay ngang người, ông Harry gần như chỉ nói chuyện với vợ tôi, bằng thứ tiếng Anh của người Úc. Hẳn vẫn không đủ chỗ để vừa nói chuyện vừa cử động chân tay, ông Harry nhấc bổng chiếc bàn học của con gái chúng tôi, đặt xuống ở một chỗ chỉ cách chỗ cũ chừng gang tấc. Trong lúc vợ tôi đi pha trà tiếp khách, tôi cho rằng mình phải nói chuyện gì đấy với ông Harry. Mặc dù thuở đi học tôi học tiếng Anh cũng nhiều, nhưng do quá ít giao tiếp với người nước ngoài nên nói ấp úng, mà ông Harry lại sử dụng thứ tiếng Anh của người Úc nên tôi nghe thật khó khăn.

Dù sao tôi cũng cố gắng nói chuyện, chuyện gì mà tôi có khả năng nói được hơn cả. Tôi hỏi ông Harry có đọc tiểu thuyết The Razor’s Edge của Somerset Maugham không; câu hỏi chẳng ý nghĩa đặc biệt gì, chỉ là liên tưởng của tôi, từ cái tên Harry của ông ta, với cái tên Larry nhân vật tiểu thuyết The Razor’s Edge. Ông Harry lắc đầu, ông ta nói không biết quyển tiểu thuyết ấy. Tôi lại hỏi ông có biết tác giả Somerset Maugham, tôi nghĩ chắc chắn ông Harry phải biết tác giả này dù ông ta chưa đọc quyển tiểu thuyết tôi nói. Somerset Maugham, nhà văn nổi tiếng khắp thế giới, lại là người Anh, dòng giống của những người Úc như ông Harry. Ông Harry cũng vẫn lắc đầu.

Lúc này tôi nhớ ra nhà văn người Úc được giải thưởng Nobel, dù sao ông Harry cũng phải biết tới vinh dự của nền văn học hiện đại nước ông, Patrick White? Ông ta lại lắc đầu thêm lần nữa. Đã tới lúc tôi nghĩ rằng ông Harry không muốn nói chuyện với tôi. Vợ tôi mang trà tới, phích trà có dung tích một lít nước, pha đầy. Tôi định nói sao pha trà như vậy, bắt gặp cái gật đầu hài lòng của ông Harry, và nét cười tươi của nữ chủ nhân tiếp khách. Cử chỉ thận trọng, nàng rót trà từ cái phích ấy ra ba cái ly thủy tinh. Ly trà bớt nóng, ba người mời nhau, ông Harry uống một ngụm lớn như uống bia.

Tôi hiểu thể trạng mình, với ly trà này, trà Đỗ Hữu chính cống truyền thống của xứ trà B’Lao, hệ thần kinh lạng quạng của tôi sẽ nhiễu loạn không chỉ một đêm. Tôi uống thật chậm, nhâm nhi để tiếp khách mà thôi. Ấy vậy mà tôi cũng phải nhăn mặt khổ sở, cứ như thuở bé tôi uống thuốc trị bệnh giun sán.

Vợ tôi, vẻ mặt tươi cười, uống từng ngụm nhỏ trịnh trọng duyên dáng. Ly trà của nàng vơi đi non nửa khi ông Harry uống tới ly thứ ba. Chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi uống trà, nàng cầm phích nước lớn như vậy một cách nhẹ nhàng, rót trà ra ly thật khéo léo. Còn ông Harry, đúng như lời ông ta nói, chỉ uống trà nóng, xem ly trà nóng chẳng khác ly bia mát lạnh.

Ông Harry vừa uống trà như vậy, vừa ngắm nghía chỉ trỏ các vật dụng trong căn hộ. Vợ tôi nghe ông Harry nói, nhìn theo ngón tay ông ta chỉ trỏ, nàng gật đầu kèm theo nét vẻ tươi cười. Thỉnh thoảng nàng đặt bàn tay lên cánh tay ông Harry, hoặc nàng vỗ vỗ trên bờ vai rộng của ông ta. Một lúc nào đấy, hai đầu gối chân ông Harry kề sát hai đầu gối chân của nữ chủ nhân. Nàng để yên hai chân, dĩ nhiên thấp phía dưới hai đầu gối chân của người khách cao to như vậy.

Lúc ấy tôi đã đứng dậy, nói với nàng tôi đi gọi con gái về ngủ, vì đã mười giờ đêm rồi. Con bé đang ở nhà lối xóm coi phim vidéo. Có lẽ nàng cho rằng đấy là việc tự nhiên, dù đã mười giờ đêm, dù chưa ăn cơm, nàng bằng lòng, vui vẻ bằng lòng để ông Harry đo thời gian qua dung tích nước trà trong phích, hình như còn gìa nửa, hẳn vẫn nóng hổi như lúc mới pha.

Con bé đã buồn ngủ, về nhà nó lên gác xép ngay. Còn tôi, chán chường buồn giận, cũng lên gác xép cùng đứa con. Nàng chỉ tay theo con bé đang bước lên thang gác, nói với ông Harry, hình như là: nó hay ăn sò ăn ốc, cứ còm nhom mãi. Ông Harry nói: ở vùng quê ông ta, miền duyên hải Victoria, những đứa trẻ hay ăn sò ăn ốc hoặc các thứ hải sản khác, thường mắc chứng bệnh đặc biệt gì đấy.

Con bé nằm chèo queo trên sàn gác xép cùng tôi, tiếng nhạc vọng the thé từ chiếc máy có khuếch âm của một nhà lối xóm. Dưới sàn gác, tiếng rì rầm đứt quãng, có những khoảng im lặng mà tôi không thể hiểu được.
Tôi chán chường buồn giận ông Harry một phần, tại sao ông uống trà như vậy được, uống như ngưu ẩm, ông nội tôi từng chê trách những ai uống trà như vậy; uống như lạc đà sau ngàn vạn dặm trên sa mạc, uống như một tay muốn phá bĩnh cái triết lý và tôn giáo của Trà Đạo xứ Phù Tang. Ấy vậy mà nữ chủ nhân, cái hưng phấn kỳ lạ trong lúc tiếp khách, đầu gối chân kề sát, còn những gì khác nữa phía dưới sàn gác tôi và và đứa con nằm chèo queo, bụng đói, không buông màn để ngủ?

Tôi vuốt mái tóc loe hoe nhợt nhạt của con bé, tay chân nó phô những mấu xương nhọn và mảnh như xương gà. Sao con bé gầy guộc vậy? Vợ tôi có lẽ tin chắc rằng nó hay ăn sò ăn ốc, nên cũng mắc chứng bệnh đặc biệt gì đấy mà ông Harry đã nói.

*

Chúng tôi không thể đi tiếp, mặt trời đã khuất lúc chúng tôi đến bìa rừng. Ngay lúc đó, đêm ùa tới nhanh như đợt sóng, đêm mở ra một nỗi sợ hãi mỗi lúc lại sâu thêm vào những hiểm họa. Con gái tôi kêu đau mỏi chân, đòi nằm nghỉ. Dĩ nhiên tôi biết không thể đi tiếp. Tôi không có ý định vượt đại ngàn trùng trùng bất tận.

Tôi dắt con bé vào rừng, cây lá rậm rịt sẽ che bớt sương đêm, tìm một chỗ bằng phẳng, khuất gió để ngủ. Tôi bảo nó:

– Con nằm xuống đây. Con ngủ đi. Ngày mai cha con mình sẽ tới vườn cà-phê Dăklăk.

Tôi đã nói cho con bé nghe về đời sống của chúng tôi những ngày tới, đời sống giữa vườn đồi cà-phê đậm xanh, màu hoa cà-phê nở trắng như tuyết phủ. Chúng tôi sẽ dựng ngôi nhà gỗ đơn giản, kiểu nhà như những trà thất của Nhật Bản.

Tôi cởi áo choàng đắp cho con bé, xê dịch cho nó gối đầu lên chỗ đất hơi cao, yên tâm nghe nhịp thở đều đặn của nó. Hóa ra, trên mặt đất phủ lá khô trong rừng, con gái tôi ngủ dễ chịu hơn trên gác xép ở nhà. Tôi ngồi canh chừng giấc ngủ của con bé, những đe dọa nào không thể biết giữa rừng rú. Tiếng chim gì thốt lên, giọng êm ái hiền hòa. Cây lớn cây nhỏ có thân cao thẳng lẫn cong vòng, dây leo chằng chịt, những bụi gai, chúng im lặng chìm khuất trong bóng tối, dần hiện ra cũng trong cái im lặng ấy. Có lẽ, tôi tự nhủ, chúng tôi sẽ qua đêm bình yên như thiện ý của chúng tôi. Rạng sáng tôi sẽ tìm ra lối đi qua rừng.

Trong lúc chưa nằm xuống ngủ, tôi vẫn cảnh giác những gì ẩn chứa trong bóng đen của đêm rừng. Không có dấu hiệu gì để sợ hãi lúc này, tôi dự phòng cho cuộc vượt đại ngàn vào ngày mai. Ngay cả điều ấy tôi cũng an tâm. Dù sao tôi từng một thời chiến trận, băng rừng lội suối, tránh né đạn bom, cùng đồng đội nhiều phen mở đường máu thoát thân.

Có cảm tưởng mình đang mỉm cười khi thấy con bé ngủ ngon lành, chân tay duỗi thả thoải mái trong chiếc áo choàng, tôi bỗng nhìn trân trối hai chấm sáng xanh phút chốc lớn rộng. Cũng trong phút chốc, tôi nhận ra đấy là hai luồng sáng phát xuất từ sâu thẳm trong rừng. Hai chấm sáng xanh lớn hơn hòn bi của con gái tôi thường chơi ở nhà, lớn bằng -hai chấm sáng ấy- trọn vẹn đôi mắt cọp.

Quê tôi ở Thổ Tang.

Xưa, không rõ xưa bao nhiêu năm, Thổ Tang, còn gọi là Vĩnh Tường, đã nổi tiếng có nhiều người buôn bán giỏi. Một người đi buôn xa cùng đoàn người ở những nơi khác, lạc trong rừng, giữa mùa đông lạnh giá. Đêm không ai ngủ được vì quá rét, có người chết rét. Riêng người quê Thổ Tang ngủ ngon lành trọn đêm, không biết lá ở đâu được gom tới đắp kín cho người này ngủ. Xung quanh chỗ người này nằm đầy dấu chân cọp. Từ đấy Thổ Tang lập miếu thờ Cụ. Gọi cọp là cụ, nên từ đấy gọi các cụ già là Mọ.

Không còn hồ nghi, tôi nghe cả tiếng thở, hơi thở hôi hám mùi thịt sống phả tới song song hai luồng sáng của đôi mắt cọp. Tôi lầm thầm trong miệng như đọc thần chú: cha con tôi người làng Thổ Tang tức huyện Vĩnh Tường tỉnh Phúc Yên…

Chẳng lâu hơn thời gian tôi lầm thầm trong miệng lời cầu khấn hồn thiêng quê nhà, cọp xuất hiện, lướt bổng tới, từ sâu thẳm trong rừng. Chân tay rụng rời, tuy nhiên tôi còn định thần, nhìn rõ cọp lướt bổng tầng đen dưới vòm cây. Tôi tiếp tục lầm thầm, nghĩ chắc không còn đủ thời gian cầu khấn, nhưng sao cọp cứ lướt bổng mà không thấy gần thêm nơi chúng tôi. Giống đoạn phim quay lại thật chậm, tôi nhìn rõ bộ lông vằn đen, khoảng trắng ở ngực và bụng, hai chân ở tư thế chồm tới, có những móng vuốt sắc nhọn đang chậm rãi giương ra.

Tận cùng của luồng sáng, hai chấm tròn lóe rực trên chiếc áo choàng tôi phủ cho đứa con. Chưa giây phút nào tôi thống khổ như lúc này, hối hận làm rung từng tế bào trong thân thể. Chính tôi, mối ngờ vực của tôi đối với người vợ, đã biến tôi thành kẻ sát nhân, đồng thời chấm dứt sự sống của mình. Trong khoảng thời gian căng thẳng tột cùng, gương mặt rạng rỡ hồn nhiên của vợ tôi hiện ra, không lời trách móc, chỉ có đau xót mà thôi. Đôi mắt nàng đăm đăm nhìn đứa con đang ngủ. Lúc này tôi cũng nhìn rõ tâm địa mình: vị kỷ, từ lâu muốn có cuộc sống không ràng buộc. Chính điều ấy dẫn tới thảm cảnh này đây.

Luồng sáng chợt rẽ ngoặt. Hai chấm tròn sững trên ngực tôi. Những móng vuốt giương rộng vừa chạm nhẹ ở vai ở cổ tôi. Tôi hét lớn tiếng kêu tuyệt vọng.

– Anh mê hoảng gì vậy?

Đấy không phải móng vuốt cọp. Đấy là bàn tay vợ tôi vừa đặt lên vai lên cổ tôi, mềm dịu và ấm. Nàng nói, trong lúc tôi sờ tay vào đứa con đang ngủ:

– Anh không hạp uống trà, căng thẳng thần kinh thành ra mơ dữ… Ông Harry sắp lấy vợ người Việt, chủ nhật làm tiệc cưới, định hỏi cho tổ chức ở nhà mình. Ông ấy khen nhà mình xinh xắn, cũng không chật chội gì, ông ấy chỉ đặt một bàn, đâu quen biết ai nhiều… Ông Harry tội lắm, vợ ở bên Úc ly dị rồi. Bà vợ tự cao rằng mình trí thức, coi thường ông Harry là ngư dân… Ông ấy thật thà chất phác, ưa uống trà thì uống tới no bụng.

bài đã đăng của Nguyễn Đạt

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)