Sáng rồi. Một buổi sáng màu đen.
Cha vẫn còn ngủ. Mây mù ngoài trời dày đặc khiến tôi rất khó thở. Tôi muốn dụi mắt nhưng không có mắt để dụi. Tôi cũng chẳng có một bàn tay cho ra hồn, những ngón tay của tôi như nước, chạm vào là chúng sẽ tan ra. Tôi cảm thấy lạnh vì thế tôi kéo chăn đắp kín mặt. Ngoài vườn, máu lại bắt đầu rịn lên từ những gốc sắn già.
Tranh minh họa của Lê Minh Phong
“Tuyết ơi…” Tiếng gọi ấy lại vang lên. Tiếng gọi ấy đến từ đâu nhỉ? Hôm qua, tôi nghe người nói chúng đã đứng từng đoàn bên kia sông. Súng chất đầy xe và lưỡi lê sáng quắc. Chúng đang ngồi trên những chiếc cột mốc phía bên kia biên giới. Và chúng đang cười. Đang cười. Rồi chúng sẽ chạm vào tôi.
“Tuyết ơi, nhặt chân lên cho tao với.” Cha tôi vẫn ú ớ mê sảng trong chăn.
Còn tôi thì nói: “Đừng chạm vào tôi. Đừng chạm vào tôi.”
Năm 1979 cha tôi bị bắn nát nửa người. Người ta nói rằng người Trung Quốc đã nhặt lấy đôi chân của cha tôi để ngâm rượu. Đôi khi đó cũng chỉ là những lời đồn đại. Nhưng tôi biết rằng người Trung Quốc ăn thịt người không phải là điều bá láp.
Mẹ lại chuẩn bị cho ngày giỗ của cha. Bà đang rót máu vào phích. Tiếng chảy của máu khiến tôi có cảm giác buồn nôn. Rồi tôi nôn xuống bếp. Tôi không biết thức ăn của tôi đã tuôn ra ngoài bằng cách nào. Tôi không có miệng. Tôi không có một cái gì cho ra hồn. Tôi màu đỏ. Thân hình tôi màu đỏ. Tôi nôn vào đống mùn trong bếp. Mẹ tôi lấy đũa bếp gõ lên đầu tôi. Rồi bà rót máu vào hai hốc mắt đen đúa của tôi. Đó là cách tôi làm vệ sinh vào mỗi sáng sớm.
“Nếu con có mắt thì sao nhỉ?” Tôi hỏi mẹ.
Máu mà mẹ rót vào hai hốc mắt của tôi vẫn đang sôi trong đầu tôi. Rồi tiếng gọi ấy lại vang lên. “Tuyết ơi… chạy đi… mìn đấy…” Tôi không biết tiếng gọi ấy đến từ đâu. Chắc nó đến từ bên kia biên giới.
Mẹ lại tất bật trong ngày giỗ của cha. Hàng năm, cứ đến ngày là họ hàng lại kéo đến nhà tôi. Họ thắp hương và cầu cho linh hồn cha tôi siêu thoát sau đó họ sẽ ngồi xuống cạnh cha tôi. Họ sẽ thì thầm vào tai cha tôi một vài điều gì đấy về mùa màng thất bát hoặc về những chuyện không hay đã xảy ra.
“Tuyết ơi, chúng bắn nát chân tao. Nát bét rồi.” Trong chăn cha tôi lại mê sảng. Mẹ tôi không nói. Bà vẫn rót máu vào phích và thỉnh thoảng lại trộm nhìn cha tôi đang mê ngủ. Rồi bà bấm đốt ngón tay để tính hôm nay là ngày giỗ thứ mấy của ông.
Tôi cũng không biết bằng cách nào mà tôi có thể di chuyển. Tôi trườn qua lòng ngực cha tôi vào mỗi buổi sáng. Tôi thích thú quay lại nhìn vào mớ tóc yếu ớt trên trán cha tôi. Trán của một người đàn ông da vàng bạc nhược.
Chạm vào tôi đi.
Chạm vào tôi đi.
Nếu tôi có mắt chắc tôi sẽ phụ giúp mẹ tôi nhiều lắm. Tôi sẽ phụ bà chọc tiết gà và làm sạch nấm trong xô. Tôi sẽ ra vườn hái rau hoặc giúp bà tìm cách ngăn cho máu không chảy ra từ cái vòi nước trong nhà tắm. Còn máu rịn lên từ đất thì cả làng tôi không ai ngăn được.
“Tuyết ơi…chúng đến gần lắm rồi đấy.” Ai đang gọi tôi. Tiếng gọi vang đến từ rất xa. Có lẽ đến từ phía bên kia sông, bên kia biên giới.
Tôi sợ khi tiếng kêu đó vọng về. Tôi co rúm lại. Giờ đây, tôi trông như một con cuốn chiếu. Tôi lần lại giường rồi nằm xuống. Tôi quấn chăn kín mặt. Tôi lấy hai ngón tay nhét kín lỗ tai. Máu vẫn chảy róc rách đâu đó. Tôi không muốn nghe tiếng gọi ấy thêm một lần nào nữa. Nhưng được một lúc sau thì tôi lấy ngón tay ra khỏi lỗ tai. Bởi càng bịt kín tai thì tiếng gọi ấy lại càng vọng tới rõ ràng và ám ảnh hơn.
“Ước gì tao chạm được vào mày. Bao nhiêu năm rồi Tuyết nhỉ?” Mẹ tôi nói dưới bếp. “Gì cơ.” Tôi hỏi. Bà không trả lời tôi. Không bao giờ mẹ trả lời tôi. Bà vẫn rót máu vào phích. Thỉnh thoảng bà dừng lại tìm cách bịt những lỗ máu nhỏ dưới nền đất ẩm ướt. Nhưng máu vẫn không ngớt đùn lên. Máu lại chảy vào mùn bếp. Những con dòi trong mùn bếp bắt đầu đùn ra. Chúng kéo ra mỗi lúc mỗi đông. Chúng bò la liệt trên nồi thịt gà, trên những chiếc lá chanh và trên chén bát. Nếu tôi có tay như những đứa trẻ khác, tôi sẽ giúp mẹ tôi giết đống dòi hôi hám ấy bằng cách dí than hồng lên trên đầu chúng. Và tôi nghĩ bằng cách đó sẽ tạo ra được những tiếng nổ vui tai và không khéo nhà tôi lại có được những bữa ăn ngon lành. Họ hàng sẽ lại nói về sự đảm đang của mẹ tôi. Của người đàn bà ít nói.
“Làm sao để chạm vào mày đây. Hả Tuyết.” Dưới bếp mẹ tôi lại nói như thế. Có ai đó lôi ngược tôi lên bằng cách xâu những sợi kẽm gai qua người tôi. Tôi thấy mình bị xuyên thủng. Nhưng tôi không có máu. Máu tôi không chảy, không chảy. Nếu tôi có máu chắc mẹ tôi sẽ có cách chạm được vào người tôi. Và nếu tôi có máu, chắc máu tôi sẽ chảy xuống mặt cha tôi, bằng cách ấy cha tôi sẽ thức giấc. Chăn bịt kín đầu làm tôi nghẹt thở. Tôi lại ngồi dậy. “Tuyết ơi… chạy đi.” Tiếng nói ấy lại vang lên. Đó là một chuỗi âm thanh trầm đục kéo tới từ một nơi rất xa. Rất xa… Tôi kéo chăn ra khỏi mặt để thở. Tôi ngồi dậy và nhìn vào khuôn mặt mê ngủ của cha tôi. Tôi không có mũi, không có mắt nhưng tôi có thể nhìn và ngửi thấy mọi thứ. Tôi không biết hình dạng của tôi. Mẹ vẫn tiếp tục rót máu dưới bếp. Bà rót máu vào bất cứ vật dụng nào trong nhà.
“Chân tao đang nằm trong một hũ rượu ở Tứ Xuyên. Tuyết ơi, chạy đi…” Cha tôi lại gọi tên tôi trong chăn. Chăn màu bùn và rất hôi thối. Tôi biết ông chưa hề thức giấc, bởi nếu ông thức giấc tôi sẽ không biết một điều gì nữa.
Rồi tôi chạy. Tôi chạy. Tôi chạy theo những tiếng súng trong chăn. Tôi chạy qua nhà bếp và đạp đổ những thùng máu của mẹ tôi. “Đồ ma ám.” Bà chửi bới tôi. Tôi chạy dọc theo bờ cát. Tôi chạy để tránh những chiếc lưỡi lê của chúng đang hòng xuyên qua ngực tôi. Tôi đi xuyên qua những lưỡi lê đầy máu. Tôi chạy từ biên giới rồi tôi chạy trên biển. Ngoài khơi, trên một chiếc tàu màu trắng, bọn Trung Quốc đang giơ đôi chân của cha tôi dứ lên không trung. Tôi không dám nhìn vào đôi chân bê bết máu. Tôi lại chạy về nhà. “Tuyết ơi, chờ tao.” Cha tôi gọi tôi. “Làm sao để tao chạm được vào mày đây, hả Tuyết? Buông tha cho cha mày đi. Bao nhiêu năm rồi…” Mẹ tôi lại nói và tiếp tục rót máu vào phích. Tôi thở hổn hển. Tôi chạy về đứng trước cửa bếp nhìn mẹ tôi. Bà vẫn rót ma1u vào phích. Bầy dòi từ mùn bếp đùng ra ăn máu dưới nền nhà. Tôi lạnh. Sương vẫn bám lấy vai tôi. Tôi bồng bềnh và cố gắng thở. Tôi thở ra những sợi chỉ màu đỏ. À không, đó là những sợi máu. Tôi nghe tiếng ho của cha tôi trong giường. Tôi trườn vào trong chăn.
“Ông ơi. Tỉnh đi. Họ hàng sắp đến rồi đấy.” Mẹ tôi nói.
“Có thể chúng lại tràn qua biên giới.” Mẹ tôi nói. “Máu lại chảy lênh láng mặt sông.” Mẹ tôi nói. “ Máu lại chảy trên biển. Tôi nghe người ta nói chúng đang gặm hai ống chân của ông ngoài biển.” Mẹ tôi nói. “Không biết có thực hay không?” Mẹ tôi nói rồi lại tiếp tục rót màu vào phích.
“Ai còn lạ gì cái trò ấy.” Mẹ tôi nói.
“Có khi phải thay máu thôi. Thay máu thôi, ông à.” Mẹ tôi nói.
Bây giờ thì toàn thân tôi run lên. Cha tôi đang ho. Tôi cố bám vào ngực cha tôi nhưng ngực ông trợn nhậy. Cha tôi lại ho. Ông ho ra máu.
“ Máu nữa.” Mẹ tôi nói.
Rồi tôi tan ra. Tôi tan ra thành một thứ nước trơn nhậy không màu, không trọng lượng. Cha tôi đã thức giấc. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ biến mất. Tôi chỉ là một cơn ác mộng của cha tôi từ khi ông bị bắn nát nửa người trong cuộc chiến tranh biên giới với người Trung Quốc.
“Tôi lại thấy nó. Tuyết ấy. Nó có làn da màu xanh. Chúng tha đôi chân của tôi ra biển rồi. Lấy chiếc bô cho tôi. Cổ họng tôi đặc kín đờm. Tởm lắm…” Trước khi tan biến vào lòng ngực cha, tôi nghe rất rõ lời ông nói. Đó là những lời nói quen thuộc vào mỗi buổi sáng của cha tôi. Rồi cha tôi lồm cồm bò dậy thay quần áo để đón họ hàng. Tôi không biết hôm nay là ngày giỗ lần thứ mấy của ông.
Chạm vào tôi đi.
Chạm vào tôi đi.
Có tiếng chó rủa. Họ hàng đã kéo đến nhà tôi.
“Mời các bác ngồi, xơi nước…” Mẹ tôi nói rồi rót máu vào bát. Những chiếc bát có in chữ Hải Dương màu đỏ trông rất đẹp.
LEMINHPHONG