Trang chính » Bàn Tròn: Chiến Tranh Việt nam, Biên Khảo, Nghiên Cứu, Nhận Định, Tư Liệu Email bài này

Từ một góc California-Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Trận Chiến Mậu Thân (kỳ 8)

statue-of-ARVN-soldier_thumb.jpg

 

statue of ARVN soldier

Tiến sĩ Sean Fear — Giảng viên môn Lịch Sử Quốc Tế 1 tại University of Leeds, Anh Quốc, như được giới thiệu ở cuối bài của ông — đã có mấy nhận xét về Quân đội Miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trong một bài đăng trên Mục “Opinion/Góp Ý”, Phần “VIETNAM ‘67/Những năm 70 tại Việt Nam”, nhật báo The New York Times, ngày 23, tháng 2.2018. Đây là một trong vài nhận xét đó:

-[…]Hue residents (…) They reserved special contempt for the South Vietnamese military, which had fled at the first sign of trouble only to pillage the city’s remains once the dust settled. In this regard, Hue’s experience was not atypical.../…Dân Huế (…) Họ dành sự khinh miệt đặc biệt cho quân đội Miền Nam, những kẻ đã đào tẩu khi mới có dấu hiệu rối loạn đầu tiên, chỉ để cướp bóc những gì còn sót lại trong thành phố khi đã tàn trận chiến…” [Sean Fear, “How South Vietnam Defeated Itself/Nam Việt Nam đã tự chuốc nỗi thảm bại bằng cách nào”, The New York Times- https://www.nytimes.com/2018/02/23/opinion/how-south-vietnam-defeated-itself.html /Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ]

Trong bài, ông rất công bằng khi phân tích nỗ lực chống Cộng Sản của dân chúng Miền Nam nhắm đưa ra giả thuyết rằng, bên cạnh sự lãnh đạo độc tài của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tình trạng phân rẽ lúc đó, Hoa Kỳ vẫn không thể khuynh loát Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã cố đọc bài này vài lần để tìm hiểu xem ông có đưa bằng chứng giải thích cho nhận xét thượng dẫn về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vẫn không thấy. Bởi thế, tôi muốn nhân dịp này, mở rộng và góp thêm tài liệu vào một nghi vấn liên quan đến danh dự của một quân đội đã lui vào lịch sử nên không thể tự vệ. Sau nữa, một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đúng mức vì liên quan đến lịch sử Việt Nam. Đó là trách nhiệm của Cộng Sản trong cuộc thảm sát Mậu Thân:

– “[…] Nha Ca’s “Mourning Headband for Hue” controversially tasked the entire nation with responsibility for ending the bloodshed…/ Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca gây tranh luận khi bà giao trách nhiệm chấm dứt cuộc đổ máu cho toàn dân tộc …” [Sean Fear, sđd]

Trách nhiệm chấm dứt cuộc đổ máu không thể quan trọng bằng thủ phạm gây ra cuộc đổ máu. Tài liệu và nhân chứng—nhất là nhân chứng của Miền Nam cùng các thế hệ người dân Việt Nam—sẽ quyết định ai là thủ phạm.

6. Sean Fear, 2018 -…Flight followed by looting was a recurring pattern for the South Vietnamese military, which repeated its Hue performance in Soc Trang, Da Lat and Vinh Long, among other provincial towns…/ Đào tẩu trước rồi cướp bóc theo sau là thứ hình mẫu của quân đội Miền Nam, thứ thành tích từng xẩy ra tại Huế đoạn tái diễn tại Sóc Trăng, Đà Lạt và Vĩnh Long trong cùng nhiều tỉnh lỵ khác…

Tôi kèm đoạn bằng Anh ngữ của Sean Fear có liên quan đến tình hình một số thành phố Miền Nam, thành phố Huế, Quân Lực VNCH, Trịnh Công Sơn và Nhã Ca trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của quân chính quy và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hầu rộng đường dư luận:

-“[…] Within Ky’s characteristically glib remarks, however, lay an uncomfortable truth for Saigon’s ruling generals: Waves of anti-Communist anger after Tet were no assurance of loyalty to the much-reviled military regime. Consider, for instance, events in the city of Hue, where the gradual revelation of a brutal Communist massacre enraged and galvanized informed Southerners. But while the city’s plight remains a symbol of Communist ruthlessness, reactions at the time were often nuanced, and multifaceted. Penned in the wake of the massacre, Trinh Cong Son’s “Song for Human Corpses” emphasized collective sorrow rather than assigning blame, while the novelist Nha Ca’s “Mourning Headband for Hue” controversially tasked the entire nation with responsibility for ending the bloodshed. Hue residents, meanwhile, were incensed by Communist kidnappings and executions — but also by indiscriminate American firepower. They reserved special contempt for the South Vietnamese military, which had fled at the first sign of trouble only to pillage the city’s remains once the dust settled. In this regard, Hue’s experience was not atypical. Flight followed by looting was a recurring pattern for the South Vietnamese military, which repeated its Hue performance in Soc Trang, Da Lat and Vinh Long, among other provincial towns. The garrison at Tuy Hoa, the capital of Phu Yen province, vanished before a shot was fired. Reinforcements eventually arrived, but only after the Communists left of their own accord. The troops, nonetheless, staged an elaborate victory procession followed by a comprehensive sacking of the town. “The army didn’t defeat the Communists, it defeated us,” a local civilian lamented. American responses were likewise roundly condemned. Hoping to dislodge Communist resistance, American air and artillery strikes leveled the city of Nha Trang, while over 3,000 houses were destroyed in Saigon’s District 8 alone. Nearby Gia Dinh province, meanwhile, saw an estimated 20,000 residents left homeless during the first few weeks of the campaign(…) In the cities, the initial shock inspired renewed determination, but the offensive was a severe psychological blow in much of the countryside. Having witnessed the military’s cowardice, exploitation of civilian misery and inability to resist the initial attacks, rural constituents lost faith in the state’s ability or desire to protect them.” [Sear Fear, “How South Vietnam Defeated Itself”, Mục “Opinion/Ý kiến”-Loạt “Vietnam’67”, The New York Times, ngày 23.2.2018, https://www.nytimes.com/2018/02/23/opinion/how-south-vietnam-defeated-itself.html]

Những chữ trong ngoặc đơn thêm vào trong phần dịch này là của tôi:

-[…] Tuy thế, trong những nhận xét bốc đồng tiêu biểu của (Tướng) Kỳ, một sự thật hiện hữu gây khó chịu cho giới tướng lãnh cầm quyền tại Sài Gòn: Làn sóng giận dữ chống Cộng Sản sau Tết không bảo đảm được lòng trung thành với một chính thể quân sự đã bị chê trách quá nhiều. Hãy xét xem diễn biến tại thành phố Huế–nơi cuộc thảm sát tàn bạo của Cộng sản dần dần bị phát giác–đã từng khiến người dân miền Nam am hiểu tin tức phẫn nộ khiến họ phấn khởi để chống lại. Nhưng, trong khi tình cảnh của thành phố này vẫn là một biểu hiệu cho sự tàn ác của Cộng Sản, phản ứng (của người ta) tại thời điểm đó thường mang nhiều sắc thái khác nhau và đa diện. Được sáng tác vào khi bừng tỉnh từ cuộc thảm sát, Bài ca dành cho những xác người của Trịnh Công Sơn nhấn mạnh đến nỗi đau chung hơn là quy lỗi, trong lúc Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca gây tranh luận khi bà giao trách nhiệm chấm dứt cuộc đổ máu cho toàn thể dân tộc.

Dân Huế, trong lúc đó, không những thịnh nộ vì các cuộc bắt cóc và hành quyết của Cộng Sản, mà còn vì hỏa lực bừa bãi của Hoa Kỳ. Họ dành sự khinh miệt đặc biệt cho quân đội Miền Nam, những kẻ đã đào tẩu khi mới có dấu hiệu rối loạn đầu tiên, chỉ để cướp bóc những gì còn sót lại trong thành phố khi đã tàn trận chiến (once the dust settled/bụi đã lắng xuống). Về phương diện này, kinh nghiệm tại Huế không phải là một kinh nghiệm bất thường. Đào tẩu trước rồi cướp bóc theo sau là thứ hình mẫu của quân đội Miền Nam, thứ thành tích từng xẩy ra tại Huế đoạn tái diễn tại Sóc Trăng, Đà Lạt và Vĩnh Long trong cùng nhiều tỉnh lỵ khác. Quân đồn trú ở Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên, biến mất ngay trước khi một phát súng nổ. Lực lượng tiếp viện, cuối cùng, cũng đã đến, nhưng chỉ đến sau khi quân Cộng Sản tự ý bỏ đi. Tuy nhiên, quân lính (vẫn) tổ chức một buổi lễ diễn hành chiến thắng long trọng theo sau bằng một cuộc cướp bóc toàn diện trong thị trấn. Một người dân địa phương than van: “Quân đội không đánh bại Cộng sản, họ đánh bại chúng tôi”.

Đáp ứng (quân sự) của Hoa Kỳ cũng bị lên án gay gắt. Hy vọng đánh bật sự kháng cự của Cộng sản, các cuộc không kích và pháo kích của Hoa Kỳ đã san thành bình địa thành phố Nha Trang, trong khi hơn 3.000 ngôi nhà tại chỉ riêng quận 8 của Sài Gòn đã bị phá hủy. Trong khi đó, tỉnh Gia Định kế cận chứng kiến ​​khoảng 20.000 cư dân mất nhà cửa trong vài tuần đầu tiên của chiến cuộc (…) Tại nhiều thành phố, chấn động khởi đầu đã truyền một hứng khởi mới cho lòng quyết tâm (chiến đấu), nhưng cuộc tấn công (của Cộng Sản) giáng một đòn tâm lý trầm trọng vào dân cư hầu hết tại các vùng nông thôn. Chứng kiến ​​sự hèn nhát của một quân đội đã trục lợi trên nỗi khốn cùng của thường dân mà lại bất lực không chống nổi các đợt tấn công ngay lúc khởi đầu, người dân tại nông thôn mất niềm tin vào khả năng hoặc mong muốn bảo vệ họ của chính phủ …” [Sean Fear, sđd, 2018/ Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ.]

Nếu đúng, những nhận xét thượng dẫn quả là một thứ đòn chí tử/a death blow cho tử sĩ của Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là cho những người đã tử trận cách đây nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, tôi cũng phân vân về sự “khinh miệt đặc biệt” của người dân Huế dành cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa do Sean Fear quả quyết nhưng không thấy chứng minh:

“[…]Hue residents, meanwhile, were incensed by Communist kidnappings and executions (…) They reserved special contempt for the South Vietnamese military…/ Dân Huế, trong lúc đó, thịnh nộ vì các cuộc bắt cóc và hành quyết của Cộng Sản, (…) Họ dành riêng sự khinh miệt đặc biệt cho quân đội Miền Nam…” [Sean Fear, sđd]

Tuy tôi hiểu phần góp ý/Opinion không đòi hỏi người góp ý phải trình bày chi tiết hoặc chứng cớ, nhưng nhiều lối phán đoán khái quát này lại cho tôi một cơ hội tốt đẹp để tìm hiểu về một vấn đề, mà tránh được lỗi giản dị hóa, thậm chí phản bác hay đả phá người phát biểu một cách vội vàng là loại sảo am thế vụ. Ông không phải người đầu tiên và có lẽ sẽ không phải sau chót có những phát biểu tương tự. Tôi hoàn toàn tôn trọng quyền phát biểu của mọi người, kể cả Sean Fear.

Nhiều người lính Miền Nam đã nằm xuống vĩnh viễn, kể cả tại vài địa danh mà Sean Fear nhắc đến. Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến VNCH Nguyễn Xuân Phúc trở thành một trong hàng ngàn quân nhân VNCH “mất tích trong lúc chiến đấu”/M(issing) I(n) A(ction) vào cuối tháng 3.1975. Ông xuất thân Á Khoa, Khóa 16-Ấp Chiến Lược (tháng 11.1959-tháng chạp. 1962), Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt cùng Thủ Khoa Bùi Quyền. Cuối năm 1979-đầu năm 1980, tôi nhận được mẩu thư nhỏ bằng nửa bàn tay chứa vài giòng ngắn ngủi của Linh Mục Thanh Lãng. Linh Mục báo cho biết đã cố gắng hết sức, nhưng không sao tìm được manh mối về giây phút kết liễu cuộc sống chưa đầy 40 năm của người bạn chung, nói chi tới chút xương lạc. Nguyễn Xuân Phúc đã sống và đã chết cùng nhiều đồng đội hệt như những chiến binh vô danh:

…Khi thất thế tên rơi đạn lạc,
Bãi sa trường thịt nát máu rơi,
Bơ vơ góc bể chân trời,
Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?…
[Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh]

Giữ lá thư ấy không lâu–chỉ đủ dài để tưởng niệm cả hai, một đã qua đời và một sống cũng bằng thừa vì Cộng Sản không dung thứ nổi một nhà nghiên cứu không chịu khuất phục, tôi đã chôn vào lòng đất, tẩm liệm một phần quãng đời xuân xanh của chính tôi. Bản thân tôi không nghĩ quãng đời xuân xanh ấy đáng bầy ra cùng thế gian với những chi tiết chỉ của hai người, trong một bữa cỗ hoài vọng linh đình có hương trầm và nến đốt gieo những hạt sáp ngậm ngùi, nhưng nay chỉ có mỗi tôi tham dự. Ngọn lửa sẽ nồng nàn nếu bùng trong tâm tưởng, cần chi rơi giọt nước mắt thừa vào cuối mùa hư ảo? Có thể tôi quá khắc nghiệt với chính mình, nhưng đã có linh cảm, ngay từ khi rời Miền Nam: hãy giấu kỹ lưỡng nỗi buồn đau riêng tư rồi ngày nào cũng sẽ sớm thành cát bụi trong một trời đất lung linh nhưng lạnh lẽo: Đừng quay gót lại vấp cơn sầu … (Nguyễn Tà Cúc). Thay vào đó bằng những giòng chữ đắm đuối mà chân thành khi sáng tác. Hãy kết tinh vào sự công bằng đời đời cho chiến binh Miền Nam để nhiều nắm xương, kể cả nắm xương của người bạn tôi, không còn vô chủ nữa, để nơi an nghỉ của họ từ nay sẽ tại những đài kỷ niệm và trong những trang sử mới.

6.1 Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tham chiến trong Tết Mậu Thân

Tôi cũng sẽ bàn đến một số thành phố mà Sean Fear nhắc đến đặng công bằng cho ông, nhưng sẽ chú trọng đặc biệt về thành phố Huế để, sau này, bàn tới cuộc thảm sát Mậu Thân 1968.

Ø Kinh Thành Huế

Đại Úy Lê Đình Thọ và ký giả Nguyễn Tú, hai nhân chứng mà tôi sử dụng trong đoạn này, đều chứng kiến và tham dự trận chiến ngay trong khu vực Thành Nội, thuộc tả ngạn Sông Hương, nơi xẩy ra cuộc giao tranh ác liệt nhất.

§ Huế và Đại úy Lê Đình Thọ, Cục Quân Nhu

Đại úy Lê Đình Thọ, sinh quán tại Huế, phục vụ dưới quyền Trung Tướng Ngô Quang Trưởng suốt 6 năm 1966-1970 tại Huế, kể cả trong biến cố Mậu Thân. Ông vốn là giáo sư trường Trung học Kỹ Thuật Huế, động viên vào quân đội, thuộc binh chủng Quân Nhu. Năm 1970, ông giữ chức Đại úy Đại đội trưởng, Đại đội Tiếp liệu, Sư Đoàn I Bộ Binh. Năm 1973, Đại úy Lê Đình Thọ được thuyên chuyển vào làm Chỉ Huy Trưởng Kho Nhiên Liệu Chu Lai, Tiểu đoàn 1 Nhiên Liệu. Ông có mặt tại Huế khi xẩy ra trận Mậu Thân nên có thể thuật lại cặn kẽ về thời gian khói lửa đó qua chân dung Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một người mà ông đã có dịp tiếp xúc nhiều năm vì quân vụ:

-“[…]Chiều 30 Tết năm 1967, tôi đi với đoàn xe tiếp tế thực phẩm cho điểm tiếp liệu loại 1 của đơn vị ở trong thành Quảng Trị về, khi đi ngang qua cầu An Hòa, thấy Đại Đội Công binh của Mỹ thường ngày đóng ở đây để làm đường và làm cầu bỗng dưng rút đi đâu mất, trong lúc mới sáng hôm đó khi đi qua đây chúng tôi vẫn còn thấy họ. Sau nầy khi kiểm chứng lại tôi mới biết, không những chỉ toán nầy mà tất cả những toán khác ở nhiều nơi khác nữa, cũng đều được lệnh rút về Phú Bài như vậy. Hình như về phía Mỹ họ biết trước cuộc Tổng tấn công đêm nay của Việt Cọng. Còn phía quân đội VNCH chúng ta thì chỉ có lệnh cấm trại 100% như thường lệ mà thôi. Thành thử không ai quá quan tâm, vì hầu như trước mọi ngày lễ lớn, kể cả những ngày lễ của ngoài Bắc, chúng tôi vẫn đều phải cắm trại, để đề phòng VC tấn công để mừng lễ lớn của họ. Đúng thời điểm Giao Thừa thì tiếng súng bắt đầu nổ, tiếng súng lẫn với tiếng pháo mừng Xuân của bà con. Khoảng nửa giờ sau thì nghe những tiếng nổ lớn hơn của trọng pháo, cũng không phân biệt được đâu là pháo của địch, đâu là phản pháo của ta. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh nằm trong thành Mang Cá Lớn cùng với một số đơn vị kỹ thuật gồm Tiểu đoàn 1 Truyền Tin, Tiểu đoàn 1 Quân Y, Đại đội 1 Quân Nhu, Đại đội Tổng Hành Dinh và Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Vòng thành chuông vuông mỗi bề vào khoảng gần một cây số. Bờ thành xây cao và có hồ nước bao bọc hai phía, do đó VC chỉ tấn công hai mặt không có hồ nước là Tiểu đoàn 1 Quân Y và Đại đội 1 Quân Nhu mà thôi. Phía Đại đội Quân Nhu bị nhẹ hơn vì ở bên ngoài tiếp giáp với nhà dân, VC khó triển khai đội hình tấn công hơn. Chúng tôi đã đẩy lui được VC nhờ khẩu đại liên ở trên lô cốt ở góc thành, còn lính Quân Nhu thì có người hình như chưa hề biết ném lựu đạn, mấy hôm sau khi cho một trung đội ra đóng chốt ở ngòai, chúng tôi phát hiện có một số lựu đạn anh em ném ra đêm hôm đó chưa được rút chốt! Mỗi buổi tối đến giờ giới nghiêm các cửa đi vào Thành Nội đều được đóng lại bằng những con ngựa sắt và kéo kẽm gai Concertina. Và ở mỗi cửa thành đều có một tiểu đội canh gác. Đại đội 1 Quân Nhu được phân công gác cửa An Hòa. Tối đó Việt Cọng đã dùng giây thừng leo thành vào và tấn công toán lính gác bằng lựu đạn. Còn ở cửa Hữu thì họ dùng một người đàn bà ngồi trên xích lô, độn bụng cho to lên và rên la như sắp sinh, xin được mở cửa để vào nhà hộ sinh Thành Nội, có mấy người nhà là đàn ông cầm đuốc đi theo. Động lòng, lính gác kéo cổng cho vào thì họ tung lựu đạn. Bị tấn công bất ngờ toán lính bị thương và bỏ chạy, lực lượng của họ tràn vào Thành Mang Cá phía Tiểu đoàn 1 Quân Y là bị tấn công mạnh nhất, ở đây lại ngay phía trước mặt của Bộ Tư Lệnh. Việt Cọng đã chọc thủng vách tường và tràn vào một góc của Tiểu Đoàn Quân Y. Thấy lính Quân Y khó có thể đẩy lui được VC, Tướng Trưởng mới gọi Đại đội 1 Hắc Báo ở phi trường Thành Nội qua tiếp ứng. Đại Úy PVD đã chỉ huy Đại đội với đội hình hàng dọc, vừa chạy vừa đánh, đã vào được thành Mang cá Lớn, tiếp tay với Tiểu đoàn 1 Quân Y đẩy lùi VC ra khỏi vòng đai Bộ Tư Lệnh. Những ngày sau đó Tướng Trưởng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, phối hợp với các đơn vị Tổng trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với các đơn vị Đồng minh, đẩy lui hoàn toàn các đơn vị địch ra khỏi thành phố Huế, làm cho địch quân tổn thất rất nặng nề. Thời gian nầy cũng có được sự yểm trợ của Hải pháo của Hoa Kỳ từ các chiến hạm ở ngoài khơi bắn vào nhưng về yểm trợ của máy bay thì rất ít vì bầu trời lúc nào cũng đầy mây. Việt Cọng đã nghiên cứu kỹ về thời tiết, từ Lập Xuân đến Vũ Thủy bầu trời chỉ mây, mưa và không có nắng! Thành phố Huế bị tấn công và chiếm đóng một phần trong thời gian 28 ngày đó…”[ Lê Đình Thọ, “Trung Tướng Ngô Quang Trưởng”, https://dongsongcu.wordpress.com/2019/09/16/le-dinh-tho-tuong-ngo-quang-truong/]

Thú thật, tôi không hiểu tại sao Sean Fear lại chọn ngay thành phố Huế vào Tết Mậu Thân với toàn những người không biết sợ/fearless! Ngoài Lê Đình Thọ, còn có ít nhất một người không biết sợ nữa là ký giả Nguyễn Tú, nhật báo Chính Luận. Ông tình nguyện theo một đoàn quân thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, VNCH, tiến chiếm lại thành phố Huế. Loạt bài của ông, không những đăng trên nhật báo Chính Luận, mà còn in lại hầu như đầy đủ trong cuốn Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 do “Khối Quân Sử, Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu-KBC 40.02” ấn hành vào cuối năm 1968.

Khối Quân Sử VNCH gồm “Chủ biên: Trung Tá Phạm Văn Sơn, Soạn Thảo: Thiếu Tá Lê Văn Dương, Hình ảnh: Thiếu Tá /Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh và do Trung Tâm Ấn Loát Ấn Phẩm thực hiện”. Họ “Viết xong: Tháng 8. 1968”. Tin tức và tài liệu (không phải loại “quân ta toàn thắng, quân địch toàn thua”) trong cuốn quân sử ấy có thể tin được vì có phần nhận định về nhược điểm của cấp lãnh đạo địa phương từ hành chính đến quân đội.

§ Huế và Đặc phái viên Nguyễn Tú, nhật báo Chính Luận

Ngoài tường thuật của Nguyễn Tú, chúng ta còn có bản đồ rất chi tiết do chính ông vẽ kèm theo. Dĩ nhiên bài của Nguyễn Tú không được lên nhựt trình như trên The New York Times vì Nguyễn Tú viết… tiếng Việt cho báo Miền Nam. Tôi hết sức tri ân Võ Phi Hùng và Chủ nhân Quán Ven Đường vì, nhờ họ, tôi mới có thể kết hợp tin tức một cách xác thực, tránh được tội loan tin thất thiệt (!) Nguyễn Tú tháp tùng đoàn quân “Chiến đoàn A TQLC/VN” tham dự cuộc hành quân Sóng Thần 739/68 tiến vào Huế bắt đầu từ ngày 14.2.1968. Hai bài tường thuật của Nguyễn Tú đã được đăng trên Chính Luận vào ngày 19.2.1968 và vào ngày 20.2.1968.

Trong bài 1, Trận đánh ‘lạ lùng và khó hiểu nhất’ tiếp diễn trong thành nội: Từ cảnh hoang tàn còn đang nghi ngút khói-1 vận hội mới ló dạng trên bầu trời Huế— trang 1 và trang 4 số 1.166, đăng ngày 19.2.1968 tức là ngày 21 tháng 1 Mậu Thân– Nguyễn Tú cho biết về tình hình chiến cuộc cùng vị trí của các đoàn quân trong Thành Nội. Cuối phần đăng tải, trang 4, Chính Luận thông báo cho độc giả: “Đón đọc số tới. Bài, hình và sơ đồ cuộc chiến tại Thành Nội.”

[Tài liệu của Võ Phi Hùng (Cựu HS Pétrus Ký 1967-1974) & Huỳnh Chiếu Đẳng, Quán ven đường– http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Nhat%20Bao%20Chinh%20Luan/ChinhLuan_1166%2019FEB1968.pdf]

Bài hai, Ký sự chiến trường: Theo chân Chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam-Nhập thành nội giải phóng từng tấc đất kèm sơ đồ Thành Nội được đăng tiếp theo trên Chính Luận, số 1,167– ngày thứ ba, 20 tháng 2. 1968/ ngày 22 tháng giêng Mậu Thân– cũng xuất hiện trên trang 1 và trang 4.

clip_image002

“Theo chân Chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam-Nhập thành nội giải phóng từng tấc đất”
Chính Luận, số 1,167, trang nhất, ngày 20.2.1968
Tài liệu của Võ Phi Hùng & Huỳnh Chiếu Đẳng, Quán ven đường

Một phần bài tường thuật của Nguyễn Tú kèm đây sẽ cho thấy việc giải phóng Huế diễn tiến ra sao cùng cái chết của Chuẩn Úy Nhựt, người đội chiếc mũ sắt có câu Sống bên em, chết bên bạn:

-“[…] Thành nội 13,14,15,16- (ngày) 02 – 1968

Chiến đoàn Dù mới rời khỏi Thành Nội để về thủ đô nhận lãnh nhiệm vụ khác thì chiến đoàn A TQLCVN bắt đầu tiến vào Thành Nội qua bến Đò Doi thường được gọi là bến chợ Bao Vinh. Chiến đoàn này đã đại thắng Cộng quân ở Cai Lậy và vừa dự trận càn quét Cộng quân tại Gò vấp khi địch mở cuộc tấn công vào thủ đô Saigon đầu năm Mậu thân. Giờ đây chiến đoàn này lại lâm trận tại Cố Đô Huế. Chiến đoàn trưởng là thiếu tá H. Thành, chiến đoàn phó là Thiếu tá Nguyễn thế Lương. Sau một ngày nghiên cứu tình hình chiến sự và kế hoạch tấn công, một ngày điều động quân sĩ và để không lực “chuẩn bị” chiến trường, sáng sớm ngày 14.02.68, chiến đoàn khởi sự phản công địch. Cuộc hành quân của chiến đoàn được mệnh danh là Sóng Thần 739/69. Khu vực hành quân là khu F (Xem bản đồ) nằm ở góc Tây nam Thành Nội, giới hạn bởi đường Triệu quang Phục ở phía bắc đường Lê Huân, ở phía Đông chạy song song với bờ thành phía Tây của Đại Nội, phường Tôn thất Thuyết ở tại phía Tây và đường Trần bình Trọng ở phía Nam. Xuất phát từ khu A (xem bản đồ) tức là Bộ tư lệnh Sư đoàn 1. Chiến đoàn A TQLC chia làm 2 cánh quân.

Cánh thứ nhất là Tiểu đoàn 1 do Thiếu-tá Phan-Văn-Thắng chỉ-huy. Cánh thứ hai là Tiểu- đoàn 5 do Thiếu-tá Phạm Văn-Nhã chỉ huy. Mục tiêu đầu tiên là tiến tới trại Cao-Thắng của Đại-đội 1 Quân-cụ làm căn-cứ tiền tuyến. Trại này đã được hơn 80 quân nhân cố thủ từ 15 ngày nay dưới quyền chỉ huy của Đại-úy Trần-kim-Huê và Trung-úy Nguyễn-Văn-Cáp. Tuy không phải là chuyên môn tác chiến, anh em Quân Cụ đã chống trả mãnh liệt, đánh bại được nhiều đợt xung phong của địch quân, tịch thu được 2 Thượng Liên và nhiều bánh chất nổ. Thiếu Tá Thông, chỉ huy trưởng Chiến đoàn A TQLC VN đã phải thốt: “Họ thật đáng phục. Cố thủ trong 15 ngày và bảo vệ căn cứ, bảo toàn được kho vũ khí, đạn được, quân dụng mà chỉ bị thương chưa tới 20 người thế là giỏi lắm!” Sau này, đại úy Trần Kim Huê mới tiết lộ cho nhà báo biết kho Quân Cụ này rất quan trọng vì tồn kho rất nhiều vũ khí, đạn dược, đủ loại kể cả gần 1.400 súng M.16 là súng tối tân nhất của Mỹ hiện nay. Trung-úy Cáp thêm rằng nếu địch mà chiếm được kho súng đạn này thì thật là “một đại họa”. Bây giờ thì Đại úy Huê và Trung-úy Cáp vững dạ hơn: Số vũ khí, đạn dược tồn kho đã được di tản đi nơi khác. Hai ông còn tỏ vẻ hết sức vui mừng khi đón tiếp Chiến đoàn A TQLC/VN: “Từ 15 hôm nay chúng tôi bị cô lập với hậu tuyến. Anh em đến chúng tôi hết sức hoan nghênh.” Gia đình của hai ông đều thất tán, tới nay chưa có tin tức gì. Sau khi hỏi thăm Đại-đội 1 Quân-cụ, Thiếu-tá Thông ra lệnh phản công. Tiểu-đoàn 5 của Thiếu-tá Phạm-Văn-Nhã tiến sang phía Tây rồi đánh dọc theo đường Tôn-Thất-Thiệp xuống phía Nam, giải tỏa cửa Hữu ở phía Tây-Nam thành và cửa Sập ở phía Nam thành. Tiểu-đoàn 1 của Thiếu-tá Phan-Văn-Thắng thì tiến ở phía Đông khu F đánh dọc theo đường Lê-Huân xuống phía Nam thành. Hai cánh quân sẽ gặp nhau ở cửa Sập rồi từ đó sẽ bắt tay với Tiểu đoàn 1/5 TQLC Hoa-kỳ đang hành-quân trong Khu D. Nhà báo chọn Tiểu-đoàn 1 bằng cách tự ý rút thăm vụ xin đi với Đại-đội tiền thám. Thiếu tá Thông ngần ngừ “Tôi không muốn có nhà báo nào chết khi theo Chiến đoàn tôi.” Rồi ông thêm, hóm hỉnh, cợt đùa: “Nhà báo chết là nhà báo vô ích! Lấy ai thuật lại cuộc giao tranh của anh em chiến đoàn?” Nhưng rồi ông cũng chiều ý tôi. Ông gọi trong máy truyền tin: “Bốn đây phải không? Cho một thằng con về đón một … thằng con lên 1.” “Thằng con lên” là tôi. Trong ngữ vựng của các đơn vị đang lâm chiến, danh từ “thằng con” không có chi là khinh-thị, trái lại nó rất nặng tình chiến hữu. Mười lăm phút sau tôi theo chân một anh lính TQLC lên tiền tuyến. Dọc đường, dưới mương, bên gốc cây, sau những bức tường nhà đổ sập, trong vườn, dưới hố, các binh sĩ TQLC ẩn nấp nhan nhản, súng sẵn sàng nhả đạn. Đại-đội 4 do Trung-úy Nguyễn-Xuân Tòng chỉ huy là Đại đội tiền thám của Tiểu đoàn 1. Tôi gặp Trung úy Tòng đang ngồi sau một bờ tường nhìn bản đồ. Ông chỉ cho tôi biết hướng tiến quân: “Địch đang ẩn trong chiếc chùa cách trước mặt ta 30 thước và trong nhà trường bên trái ta cách đó 60 thước.” Ông vừa dứt lời thì một loạt “tắc tắc tắc” bay xẹt ngang đầu làm chúng tôi phải khom lưng xuống. Liền lúc đó một tiếng nổ ẩm sau chỗ chúng tôi đứng cách chúng tôi chưa đầy 10 thước. Bùn, đất, gạch, có miếng gang như được ai vốc lên rồi hất rào rào xuống đầu chúng tôi. Lúc đó tôi mới chịu cái công hiệu của chiếc mũ sắt mà tôi vẫn chê là “gông đeo cổ”. Mặt mũi lem luốc, Trung úy Tòng hỏi mấy anh binh vác máy truyền tin ngồi kế bên: “Thằng nào gọi yểm-trợ đấy?” Ba anh truyền-tin kia lắc đầu cùng trả lời: “Không, Trung-úy!” Ông Tòng chộp lấy ống nghe hỏi Bộ chỉ huy. Bộ chỉ huy cũng trả lời “Không”. Ông quay sang tôi “Chính tui nó ‘nã’ mình đấy, ông ạ”. Rồi ông nói thêm vào máy truyền-tin: “Cho mượn vài “con cua” được không? Tui nó “nã” rốc két vào tụi tôi!” ” Có!” Có tiếng trả lời trong máy: “Rồi! Ba cua đủ chưa? “Ba thì tốt quá”. Đại đội 4 bây giờ nằm yên không ai bắn một phát, độ 3 phút sau, không biết ẩn từ đâu, ba xe tăng cỡ đại chia làm 3 ngã rầm rộ tiến lên. Đại-bác của 3 xe tăng cũng một loạt khai hỏa làm inh tai, nhức óc. Rồi hàng loạt băng đạn đại liên 50 nổ đùng đùng. Cành cây gẫy răng rắc, lá cây rơi tơi tả. Súng thôi bắn mà tiếng dội còn vang lên trong buổi mai ủ rũ sương mù lạnh lẽo. Trung úy Tòng ra lệnh trong máy truyền-tin cho 1 toán tiến chiếm ngôi chùa. Ba “con cua” được lệnh rút lui. Toán TQLC do Chuẩn-úy Nhựt chỉ huy vừa tiến về phía chùa, vừa bắn. Súng M.16 của ta “tắc tắc” nổ, súng AK 50 của địch “tắc tắc” đáp lại. Ba mươi thước chạy ngoài bãi trống dưới họng súng địch dài bằng 3 cây số. Toán TQLC, do Chuẩn úy Nhựt dẫn đầu, dàn hàng ngang cũng thoăn thoắt chạy. Bỗng có người xô mạnh tôi, quá mạnh làm tôi ngã lăn chiêng xuống đất, chiếc mũ sắt bị hất khỏi đầu, lăn long lóc cách tôi vài thước. Cỏ ướt đẫm sương mai làm mát vừng trán nóng hổi. Tôi xây lưng nằm nghiêng, nhìn về phía bên trái. Một anh lính TQLC đang nằm sấp trên bãi cỏ, quay đầu lại toét hàm răng trắng nhởn cười tình, dơ ngón tay trỏ co vào, duỗi ra vài lần rồi chỉ về một phía. Lúc đó tôi mới hiểu rõ là anh đã nhanh mắt nhìn thấy một họng súng địch hướng về phía chúng tôi đang chạy và anh đã xô cho tôi ngã trước khi chính anh bổ nhào xuống đất để tránh làn đạn địch. Tôi dơ bàn tay chào ra hiệu cám ơn. Anh lính nháy tôi một cái rồi lấy tay vỗ vào nón sắt của anh ta. Tôi chợt hiểu vội lết tới chỗ mũ sắt của tôi với lấy, rồi chụp lên đầu. Tôi nhìn quanh tìm chỗ núp. Chỉ có một cây đu đủ nhỏ, thân cây không to quá bắp chân của tôi. Nhưng trước mối nguy của làn đạn địch, có lẽ thân cây sậy cũng được coi to hơn thân cây cổ thụ nữa là thân cây đu đủ. Ôm gọn chiếc máy hình trong long, tôi cố gắng chuyển mình bò tới cây đu đủ. Từ bao nhiều năm chưa có lần nào tôi tập thể dục một cách nhanh nhẹn và đúng phương pháp đến thế! Gốc cây đu đủ thật chẳng khác nào cây sao đối với tên đang chết đuối “trên cạn” là tôi. Và rồi tôi cũng tới được “bến”. Chưa kịp thở để “ăn mừng” thì anh lính gần tôi đã hét “Tiến”. Trông thấy anh chồm dậy, tôi cũng bắt chước. Thấy anh chạy, tôi cũng bắt chước chạy. Thấy anh chạy nhanh tôi cũng bắt chước cố chạy nhanh. Anh giơ súng lia một làn đạn. Tôi đưa máy hình lên bấm. Bị vướng mũ sắt, mắt không nhìn được vào cửa ngắm, tôi cũng bấm đại. Tiếng tắc tắc của súng địch không nổ nữa.

Toán quân chưa tới 10 anh TQLC tản rộng hơn, bọc lấy 2 bên chùa. Các anh cũng thôi bắn, nhưng vẫn chạy. Bức tường của chùa đâm sầm vào chúng tôi. Thế là thêm một mục-tiêu đã chiếm được. Trong chùa, đồ thờ tự ngổn ngang dưới đất. Vỏ đạn của địch quân rải rác những nơi chúng nấp bắn vào TQLC. Anh lính truyền tin báo cáo về cho Trung-úy Tòng. Mục-tiêu sau là một ngôi trường. Giữa ngôi trường này với chùa lại có một căn nhà. Số địch quân vừa rút lui khỏi chùa chạy về căn nhà, thủ thế. Bây giờ thì lại phải thanh toán cùng một lúc cả căn nhà lẫn ngôi trường. Tôi đang dùng khăn lau ống kính thì bỗng tiếng phản lực cơ rú xẹt trên đầu, liền đó là một tiếng nổ ầm kinh thiên động địa. Bụi và ngói trên mái chùa thi nhau rơi lả tả, rào rào xuống. Thì ra phản lực cơ đang oanh tạc vào những vị-trí địch cách chúng tôi chắc chỉ vào khoảng 100 hay 150 thước. Một vài mảnh bom đã văng tới tận trong chùa đen xì và nóng bỏng như mới lấy ở trong lò đúc ra.

Trong năm phút chúng tôi ngồi co ro nép mình trong các xó chùa. Máy truyền- tin lại hoạt-động mạnh, liên-lạc với Bộ chỉ huy để Bộ chỉ huy lại liên-lạc với bạn Không- trợ báo cho phản-lực-cơ biết các mục-tiêu bên ta đã chiếm được để khỏi oanh tạc nhầm. Đối với phản-lực-cơ mà tốc độ quá mau, chỉ một ly là đi không biết bao nhiêu dậm. Được cái là anh chàng phi-công nào lái chiếc phản lực-cơ đó “thiện chiến” quá. Anh không oanh-tạc nhầm lần nào cả. Và mỗi lần dội bom là “vừa khít”. Liền khi phản-lực-cơ rù xẹt trên đầu, toán TQLC lại chuẩn bị chờ lệnh tiến chiếm mục-tiêu sau là cái nhà và ngôi trường. Qua máy truyền-tin, tôi được nghe cọp là 1 toán TQLC khác đã dùng lưu đạn làm sập 1 căn hầm trong đó có chừng 15 tên địch bị giết chết. Tôi muốn chạy sang chỗ đó để chụp hình. Một anh lính TQLC của Đại đội 4 bảo tôi: “Đừng đi như vậy nguy! Muốn tới chỗ đó ông phải chạy qua mặt chúng tôi và địch. Dễ ăn “kẹo” AK 50 lắm đấy! Đợi chúng tôi “dọn sạch” cái nhà và ngôi trường, rồi ông qua bên đó cũng không muộn. Vả lại tụi nó bị chết dưới hầm sập thì ông chẳng chụp được gì đâu. Phải đợi xúc đất hầm lên mới thấy xác địch chứ!” Thấy anh lính nói có lý, tôi chịu liền.

Bỗng một anh kêu lớn: “Chết cha! Chuẩn-úy Nhựt chạy tiến trước kìa. Nguy quá! Đã có lệnh đâu mà tiến?… “Anh chưa kịp nói thêm thì một tràng “tắc tắc” của địch quân nổ dòn. Một bóng người ngã quỵ trên bãi đất trống cách chùa chừng 15 thước. Chuẩn-úy Nhựt đã gục ngã trước đạn địch. Một vài anh lính định chạy ra đem xác Chuẩn-úy Nhựt về mà không sao băng qua được lằn đạn ác nghiệt của địch. Qua máy truyền-tin tôi nghe thấy Trung-úy Tòng la lớn: “Trời ơi! Tôi đã bảo chiếm được chùa rồi, thì đợi đó. Sao lại tiến trước như vậy? Khổ quá!” Rồi vẫn qua máy truyền tin tôi nghe thấy Trung-úy Tòng báo-cáo về Bộ chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Tôi vừa mất một đứa con lớn. Chưa đem được về. Tôi sẽ cử toán khác đánh chiếm cái nhà và ngôi trường để anh em ở chùa đem đứa con về.” Trên bệ gạch cao, đôi mắt “sắc sắc, không không” của Đức Phật hiền từ và bình thản chứng kiến sự đời. Bây giờ tiếng “tặc tặc” của hàng chục khẩu M 16 lại nổ ran. Mười lăm phút sau, thi hài của Chuẩn úy Nhựt được đem về trên chiếc “băng ca” có 4 binh-sĩ khiêng. Nếu lằn đạn bắn từ phía trước tới có lẽ ông chỉ bị thương vì nhờ mặc áo giáp. Nhưng địch lại bắn từ bên hông nên lằn đạn trúng nách phía phải và đâm vào tim nên ông đã từ trần. Ông trông còn trẻ măng. Lúc chết nét mặt ông bình thản, đôi mắt ông nhắm nghiền, tay chân buông xuôi một cách tự nhiên không co quắp.

Có ai đã lấy 1 “pông sô” phủ lên người ông. Một anh lính bảo tôi: “Chuẩn úy Nhựt hăng lắm. Bao giờ cũng tiến trước mọi người nhiều khi không kể gì đến tiêu lệnh. Ông có biết không, Đại đội 4 của chúng tôi trong trận Cai-Lậy đã diệt được nhiều địch nhất, tịch thu được nhiều súng nhất: 95 khẩu đủ loại!” Vô tình anh đã đọc một bài điếu văn rất giản dị, rất đơn-sơ, rất mộc mạc, mà biết bao giá-trị và ý nghĩa. Tôi thẫn thờ bước theo chiếc băng ca cùng với một binh-sĩ khác khoác thêm trên vai khẩu súng M.16 của Chuẩn úy Nhật. Gần chỗ cỏ xanh loang máu đỏ lẫn với bùn, nơi Chuẩn-úy Nhựt vừa gục ngã cho công cuộc giải phóng Thành nội, một chiếc mũ sắt nằm trơ, mở một mắt độc nhất thao láo nhìn bầu trời vẩn mây xám, mưa phùn và gió bão.

Tôi không biết có phải là mũ của Chuẩn-úy Nhựt không. Tôi cúi xuống nhặt. Trên nền vải bọc ngoài đã bạc mầu có vẽ hình vài cây lá, mấy chữ ký trông rất phóng túng ngang tàng. Đặc biệt hai bên phía thái dương mũ sắt, 2 giòng viết nguệch ngoạc từ lâu: “sống bên em, chết bên bạn”. Vô tình, giòng chữ viết chơi kia đối với tôi, lúc đó đã trở nên một khẩu hiệu nặng nghĩa hy sinh âm thầm lặng lẽ nhất của Đại đội 4 của Tiểu đoàn 1, của cả Chiến đoàn A TQLC/VN. Một chiến sĩ đã ngã gục. Một chiến sĩ khác tiến lên thay thế. Cuộc giao tranh lại tiếp diễn, ác liệt, từng khu phố, từng khu vườn, từng khúc đường, từng bãi trống.”

[Nguyễn Tú, bài đã dẫn]

Chúng ta cũng có thể đọc hầu như toàn bài tường thuật này–trừ đoạn đầu–trong Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, trang 202-205 kèm theo hình “Sơ đồ cuộc chiến tại Thành Nội” với chú thích được đánh máy lại nên rõ ràng hơn (trang 201):

clip_image004

“SƠ ĐỒ HÀNH QUÂN GIẢI TỎA GIAI ĐOẠN 2 (của ký giả Nguyễn Tú)”
đăng lại trong Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968

Chân dung trận chiến tại Huế như thế tưởng cũng đã đủ hầu hình dung nỗ lực chiến đấu của Quân Lực Miền Nam (VNCH). Tiếp đây sẽ là một số thành phố mà Sean Fear nhắc tới. Nha Trang, thành phố bị “các cuộc không kích và pháo kích của Hoa Kỳ san bằng bình địa”, theo Sean Fear, sẽ được trình bày trước hết. Có thể tôi lầm, nhưng chưa bao giờ được đọc thấy ở đâu là thành phố nổi tiếng này đã bị như vậy, hoặc bị như vậy vào giai đoạn nào của cuộc chiến. Thế nên, tôi sẽ đưa tài liệu về Nha Trang trong giai đoạn Mậu Thân, cũng theo Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968.

Ø Thành phố Nha Trang

Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 cung cấp 14 trang ghi lại diễn tiến trận đánh và 3 trang hình ảnh (trang 285-301) về thành phố này. Nha Trang bị tấn công vào 12 giờ 35 đêm giao thừa. Quân Cộng sản chia làm 2 cánh với quân số khoảng 800 người. Bị tấn công bất ngờ, Nha Trang đã được cứu một phần nhờ Tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù tình cờ về đó dưỡng quân kết hợp cùng sự chiến đấu của quân lính các cấp tại mọi nơi:

clip_image006

Tòa Hành Chánh Nha Trang và Ban Thường Vụ Hội Đồng Xây Dựng Nông Thôn sau cuộc biến động Tết Mậu Thân 68” , trang 291, sđd

-“[…]Nha Trang (…) nếu tính luôn ngoại ô dân số gần 200.000 người. Tết Mậu Thân cũng chung số phận với các thành thị trên toàn quốc cũng bị thiệt hại, nhưng tương đối bị thiệt hại ít hơn, về phía dân sự có 32 thường dân chết, 137 bị thương kể cả nặng nhẹ và có 3.192 người dân bị mất nhà cửa với 600 nhà cửa bị hư hại hoàn toàn (…) Tiểu đoàn cứu vãn cho Nha Trang là Tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù. Tiểu đoàn này mãi ngày 28 Tết mới về đến Nha Trang để nghỉ trừ bị tại đây sau một thời gian công tác mệt nhọc tại Pleiku. Tiểu đoàn này bất chợt đã phải tham chiến với 60 % quân số. Các cấp chỉ huy phải đi đầu nêu gương cho thuộc cấp để giải tỏa thành phố. Điều không may là cấp chỉ huy bị thương và bị sát hại đến 80%. Thiếu tá Lê Như Tú, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này bị thương sáng 1 tết; sau 23 ngày thời quá cố […] Toàn thể Tiểu đoàn bị hại 18 chết và 32 bị thương, nhờ giá hy sinh của các chiến sĩ này, Nha Trang được giải tỏa nhanh chóng. Nhược bằng để địch trong lòng thành phố thêm vài ngày thời Nha Trang đã tan tành như nhiều thành phố khác (…) quân sĩ ta chiến đấu rất dũng cảm như trường hợp chiến đấu tại đài phát thanh; quân sĩ ta với một nhóm người đã chống địch trong hai ngày liên tiếp-như các đơn vị phản công của lực lượng. Đặc biệt mà các cấp chỉ huy phần lớn đi đầu hướng dẫn cuộc phản công…” [sđd, trang 285, 290-301 * Một tiểu đoàn thường có quân số từ 300-350-Chú thích của Nguyễn Tà Cúc]

Căn cứ vào những tin tức thượng dẫn– kèm thêm bức ảnh của Tòa Hành Chánh Nha Trang và Ban Thường Vụ Hội Đồng Xây Dựng Nông Thôn vẫn còn đứng vững– thì tin tức thành phố Nha Trang bị ‘san bằng bình địa’ có lẽ là một tin…thất thiệt.

Ø Thành phố Đà Lạt

Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam hiện diện tại Đà Lạt với ít nhất mấy trăm tay súng của các sinh viên sĩ quan ngoài thành phần quân sự. Trong vòng 8 ngày, thành phố Đà Lạt được giải tỏa và bảo vệ bằng sự kết hợp của một đại đội sinh viên, các đại đội 302, 304, 406 và 308 Địa Phương Quân, tiểu đoàn 23 và 11 Biệt Động Quân, Liên đoàn 2 Biệt Động Quân, một đại đội Dân sự Chiến đấu cùng đoàn cơ giới với xe thiết giáp V 100 và Pháo Binh của trường Võ Bị Quốc gia. [Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, trang 335-338]

Ø Thành phố Vĩnh Long

Thành phố này bị tấn công 2 đợt, đều bằng lực lượng Cộng sản gồm tiểu đoàn 306, 308-Chủ lực Miền và 857-Cơ Động. Trong khi đó, quân số về phía VNCH:

-“Còn về phía ta, vào những ngày cuối năm, chỉ độ 30% quân số tại trại (…) Thường trực ứng chiến tại Tiểu khu chỉ có 1 trung đội và 2 xe Commando Car…” [Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, trang 347]

Cuối cùng, sau tổng cộng 8 ngày, quân lính VNCH với sự tiếp sức của Không Quân đã kết thúc được cuộc chiến (sđd, trang 347-349). Cộng Sản sử dụng tới 3 tiểu đoàn mà không thắng nổi cũng vì dân chúng không hợp tác:

-[…] Nhưng chính sự ủng hộ nhiệt thành của dân chúng có thái độ dứt khoát không theo địch mới là những lợi khí giúp quân phòng ngự không nao núng chiến thắng địch quân vừa đông lại vừa được trang bị vũ khí tối tân nữa.” [sđd, trang 347]

Ø Tuy Hòa và Các thành phố khác

Về Tuy Hòa, theo Sean Fear: “The garrison at Tuy Hoa, the capital of Phu Yen province, vanished before a shot was fired. Reinforcements eventually arrived, but only after the Communists left of their own accord. The troops, nonetheless, staged an elaborate victory procession followed by a comprehensive sacking of the town/ Quân đồn trú ở Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên, biến mất ngay trước khi một phát súng nổ. Lực lượng tiếp viện, cuối cùng, cũng đã đến, nhưng chỉ đến sau khi quân Cộng sản tự ý bỏ đi. Tuy nhiên, quân lính (vẫn) tổ chức một buổi lễ diễn hành chiến thắng long trọng theo sau bằng một cuộc cướp bóc toàn diện trong thị trấn…” [Sean Fear, sđd]

Tôi chưa tìm được tài liệu nào xác nhận hay phủ nhận về trường hợp Tuy Hòa nên không thể có ý kiến về lời khắng định của ông. Tuy nhiên, trước hết, một vài tin tức trong Cuộc Tổng công kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 cho chúng ta biết về sự tham dự của quân lực VNCH tại Tuy Hòa và Phú Yên:

-” […] Phú Yên: thành phố yên tĩnh, địch tấn công một vài đồn bót quanh tỉnh”[sđd, trang 18],

Và:

-“[…] Cũng trong ngày mùng 4 tết, Tiểu đoàn 41 Biệt động Quân được trực thăng từ Tuy Hòa về để tăng cường cho mặt trận này…”[Thủ đô Sài gòn, Chợ Lớn và các vùng phụ cận”, sđd, trang 77]

Quân Lực Hoa Kỳ cho thêm nhiều chi tiết hơn về số quân Bắc Việt và Việt Cộng tham dự cuộc tấn công Phú Yên:

-[…]In Phu Yen Province, the province capital, Tuy Hoa, and one district capital were attacked by the VC 30th MF Battalion, the VC 85th Battalion, and at least one battalion of the NVA 95th Regiment on 30 January. One day later, the 5th Battalion, NVA 95th Regiment made an unsuccessful attempt to take over Tuy Hoa Airfield, resulting in over 200 North Vietnamese casualties…/Thủ phủ Tuy Hòa, và một huyện lỵ thuộc tỉnh Phú Yên bị Tiểu đoàn chủ yếu Việt Cộng, Tiểu đoàn 85 Việt Cộng và ít nhất một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 95- Quân đội Bắc Việt tấn công vào ngày 30 tháng Giêng. Một ngày sau, Tiểu đoàn 5 và Trung đoàn 95-Quân đội Bắc Việt cố gắng nhưng thất bại khi muốn chiếm sân bay Tuy Hòa, kết quả là hơn 200 quân lính Bắc Việt thương vong…”

[The 1968 Tet Offensive (Draft), March 24, 1970- Declassified and Approved for Release by NSA on 12 – 18 – 2018 pursuant to E. O. 13526/ Cuộc Tấn công Tết Mậu Thân 1968 (Dự thảo), ngày 24.3.1970, trang 6- Được Cơ quan NSA (National Security Agency) giải mật và cho phép lưu hành vào ngày 18. 12. 2018, theo sắc luật E. O. 13526- https://www.intelligence.gov/assets/documents/tet-documents/nsa/DocId_6631050.pdf -Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt Ngữ]

*Theo tôi biết, mỗi batallion/tiểu đoàn của quân đội Bắc Việt thường có từ 300 tới 350 quân. Mỗi regiment/trung đoàn thường có từ 1.1000 tới 1.300 quân. Một tiểu đoàn chủ yếu Việt Cộng/MF/ Main Force như trong trường hợp này, thường được trang bị võ khí và được trợ giúp bằng nhiều thành phần chuyên môn cộng thêm quân số hùng hậu nên có khả năng đối đầu với các đơn vị chủ lực của quân lực VNCH hay Hoa Kỳ tại mỗi tỉnh lỵ.]

Và rõ ràng hơn nữa:

-[…] In Phu Yen Province, the 404th Radio Research Detachment predicted that an assault on the city of Tuy Hoa would be conducted by at least three battalions of the NVA 25th Regiment. This prediction was made three days before the actual attack on 30 January. Because of this intelligence, the detachment’s supported tactical command, the 173rd Airborne Brigade, was fully prepared to meet the expected attack. The results of the ensuing battle were devastating. The attacking force failed to capture its objective while suffering heavy casualties. North Vietnamese losses totalled 590 killed... (sđd, trang 39)/ Tại tỉnh Phú Yên, “Ban Nghiên cứu bằng Làn sóng Vô tuyến mang danh số 404” tiên đoán rằng một cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Tuy Hòa sẽ được tiến hành bởi ít nhất ba tiểu đoàn của Trung đoàn 25-Quân đội Bắc Việt. Sự tiên đoán này được đưa ra ba ngày trước cuộc tấn công thực sự xẩy ra vào ngày 30 tháng giêng. Nhờ tin tình báo đó, ban Chỉ huy Đoàn Hỗ trợ Chiến thuật, Lữ đoàn Dù 173 đã chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng cuộc tấn công dự định. Kết quả của trận chiến sau đó rất tàn khốc. Lực lượng tấn công không chiếm nổi mục tiêu trong khi phải hứng chịu mức thương vong nặng nề. Tổng cộng 590 quân lính Bắc Việt bị thiệt mạng…”[sđd, trang 39-Nguyễn Tà Cúc dịch ra Việt Ngữ]

Sau nữa, ngoài các tin tức về các trận đánh đã được nêu trên, tôi muốn trích dẫn kinh nghiệm của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng để cho thấy các khía cạnh phức tạp của một cuộc chiến từ nhân sự cho tới võ khí, chưa bàn tới chiến thuật. So sánh với Cộng quân, VNCH mới chỉ bắt đầu trang bị vũ khí tối tân hơn cho các lực lượng địa phương như Địa Phương Quân, Dân Vệ và Nghĩa Quân sau kinh nghiệm Tết Mậu Thân:

“[…]During the 1968 Tet Offensive, the RF and PR were clearly outgunned and overwhelmed by the fierce firepower of enemy local units, all equipped with AK-47’s and B-40’s. As many as 477 outpost were forced to evacuate under enemy pressure during the first month of the offensive. To overcome this weaknes in firepower, beginning in 1969 the RF and PF gradually received, under the RVNAF improvement and modernization program, such modern U.S. weapons as the M-16 rifle , the M-60 machine gun, the M-79 grenade launcher, and the LAW rocket luncher, in replacement of all obsolescent World War II items…/Trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, Địa Phương Quân (RF=Regional Forces) và Dân Vệ/Nghĩa Quân (PR=Popular Forces) rõ ràng đã kém súng đạn hơn nên bị hỏa lực dữ dội của các đơn vị địch quân địa phương áp đảo. Tất cả các đơn vị địch quân địa phương này đều được trang bị súng trường AK-47 và hỏa tiễn phóng lựu chống xe tăng B-40. (Bởi thế,) có tới 477 đồn bót buộc phải di tản dưới áp lực của địch quân trong tháng đầu tiên của cuộc tấn công. Từ năm 1969, nhắm khắc phục nhược điểm về hỏa lực, Địa Phương Quân và Dân Vệ/Nghĩa Quân đã được tuần tự tiếp nhận–theo chương trình cải tiến và hiện đại hóa Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (RVNAF=Republic of Vietnam Forces) các loại vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ như súng trường M-16, súng máy M-60, súng phóng lựu M-79, và súng hỏa tiễn cá nhân chống xe tăng LAW nhắm thay thế cho tất cả các quân dụng đã lỗi thời từ Thế Chiến Thứ I…” [Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Territorial forces, trang 97, U.S. Army Center of Military History xuất bản, Washington, D.C., 1980/ Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ]

Tôi có kinh nghiệm rằng, những cuộc tranh luận có liên quan đến chiến tranh thường bất phân thắng bại—nhất là giữa những tác giả không hề xuất thân là cựu quân nhân– nếu không thêm hình ảnh và bản đồ sẽ giúp chúng ta hình dung được dù chỉ phần nào, như thí dụ của Huế hay Nha Trang. Bởi thế, tôi kèm thêm 2 tấm ảnh về loại đồn bót/vọng canh/trạm gác thường thấy tại Miền Nam. Outpost là những vọng gác/trạm gác/đồn bót chỉ có một toán quân địa phương hay Nhân Dân Tự Vệ thay nhau canh gác, thường xa các cơ quan chính phủ và các đồn trú tiểu khu với sĩ số quân lính nhiều hơn. Vũ khí của họ trước 1968 có khi từ Thế Chiến Thứ I thì không cách nào so sánh được với AK-47 và các thứ súng phóng lựu của Cộng Sản. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã vạch ra một chi tiết xác thực, chứ không nhắm bào chữa cho sự di tản của các đồn bót thượng dẫn. Cho rõ ràng hơn, tôi mạn phép mượn hai bức ảnh thuộc Bộ Binh Hoa Kỳ cho thấy loại outpost/trạm gác đã được in lại trong cuốn Lost in Translation-VIETNAM, A Combat Advisor’s Story/Thất lạc khi chuyển ngữ-VIỆT NAM/ Câu chuyện của một Cố vấn tác chiến.

Thiếu Úy Martin J. Dockery, tác giả cuốn này, tới phục vụ tại Miền Nam vào tháng 9.1962. Bức ảnh thứ nhất cho thấy một trạm gác của Nhân Dân Tự Vệ/civil guard outpost:

-“Civil guard outposts were ramshackle and primitive with weak defense. As many as ten soldiers and their families would be crammed inside at night. They were easy prey for the Viet Cong/ Sự tồi tàn và sơ sài của các trạm gác khiến sự phòng thủ của người dân yếu đi. Khoảng 10 người lính và gia đình chen chúc với nhau tại đó hằng đêm. Họ là miếng mồi ngon cho Việt Cộng…”[Martin J. Dockery, Lost in Translation-VIETNAM, A Combat Advisor’s Story, phần Hình Ảnh/Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ]

clip_image008

Trạm gác sơ sài của người dân Miền Nam
Tài liệu của Bộ Binh Hoa Kỳ (U.S. Army)

 

Bức ảnh thứ hai, bên dưới cùng trang, tiêu biểu cho loại đồn lính và trạm gác tại vùng thôn quê:

-“Tiny forts and outposts were at the skirt of every town and dotted the rural landscape. In district towns the forts were generally more substantial and reinforced with defensive systems including moats barbed wire and mines. / Những đồn bót nhỏ xíu và các trạm gác thường được dựng theo ven thị trấn và rải rác khắp vùng thôn quê. Tại các tiểu khu, các đồn lính này, nói chung, thường vững chắc và kiên cố hơn với một hệ thống phòng thủ gồm cả hào nước, vòng rào kẽm gai và bãi mìn.” [Martin J. Dockery, Lost in Translation-VIETNAM, A Combat Advisor’s Story, phần Hình Ảnh/Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ]

clip_image010

Đồn lính có phòng thủ bằng hào nước, vòng rào kẽm gai và bãi mìn
Tài liệu của Bộ Binh Hoa Kỳ (U.S. Army)

Vào Tết Mậu Thân, ngược lại, chính vì Cộng sản mưu toan và tập trung tấn công vào các thành phố Miền Nam (urban warfare/urban combat) nhắm tiêu diệt lính gác các cơ quan hành chánh và quân đội để có thể xách động dân chúng cướp chính quyền hòng làm áp lực với quốc tế. Cộng sản không tiên đoán được, cho dù bị bất ngờ, quân lực VNCH với các binh chủng trừ bị và lưu động như Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách Dù và Biệt Động Quân với các đoàn quân Bộ Binh và địa phương như Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vẫn phản ứng hữu hiệu, nhất là khi được yểm trợ bằng quân lính Hoa Kỳ, Không pháo hay Hải pháo. Quân lính chính quy Bắc Việt lại không thông thạo đường lối trong thành phố nên bị bỏ rơi đúng nghĩa khi dân chúng không hề “vùng lên” như Cộng Sản tưởng lầm mà còn bỏ chạy. Đó là thêm một yếu tố giúp cho quân lính VNCH thanh toán các thành phần nằm vùng và đặc công càng dễ dàng hơn. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên trong Chiến Tranh Việt Nam đã xẩy ra lối “cận chiến trong thành phố/urban combat” khiến phải sử dụng tới hỏa lực Không Quân để bứng Cộng quân ra khỏi các chỗ trú ẩn nên gây thiệt hại cho nhà cửa của dân chúng. Đó là điều chẳng đặng đừng.

Nói chung, lý do thất trận của Việt Nam Cộng Hòa sẽ là một đề tài tranh luận tới muôn thuở. Ai cũng có toàn quyền nhận xét, phán đoán và đặt giả thuyết. Tuy vậy, tuy mỗi người có quyền trình bày giả thuyết về sự thất trận ấy, nhưng có một điều rất khó từ chối: VNCH không thể tồn tại nếu không có một quân đội bên cạnh suốt 20 năm mà nếu quân đội ấy không những hèn nhát lại còn có thứ tác phong của bọn thổ phỉ. Quân đội này còn được lãnh đạo bởi những sĩ quan tốt nghiệp từ hệ thống Đại học Miền Nam, được giáo dục bằng những giáo sư học giả dầy công học hỏi. Thiếu tá Lê Đình Thọ giải thích:

-“[…] Tất cả các Sư đoàn Bộ Binh đều có đủ các Binh chủng như Quân Nhu, Quân Cụ, Công Binh, Truyền Tin, Pháo Binh, Thiết Giáp… Mỗi binh chủng yểm trợ một loại quân dụng hay một phương tiện chiến đấu cho Sư đoàn. Cũng là Binh chủng Quân Nhu, Quân Cụ, Công Binh, Truyền Tin vv. nhưng nếu ở những đơn vị trung ương hay Đơn vị kho bãi thì ít vất vả và nguy hiểm hơn những đơn vị trực tiếp yểm trợ ở các Sư đoàn. Quân số các Đại đội Kỹ thuật ở các Sư Đoàn thường bằng quân số một Tiểu đoàn Bộ Binh. Các đơn vị yểm trợ như Quân Nhu, Quân Cụ vv. trực thuộc các Binh chủng gốc về chuyên môn nhưng thuộc chỉ huy trực tiếp của các Tư lệnh Sư đoàn. Năm 73 khi tôi vào làm Chỉ Huy Trưởng Kho Nhiên Liệu Chu Lai thì không trực thuộc chỉ huy của Sư đoàn hay Quân đoàn nào nữa, mà thuộc Tiểu đoàn Nhiên Liệu, Cục Quân Nhu…” [Lê Đình Thọ trả lời Nguyễn Tà Cúc, tháng chạp. 2019]

Khả năng chuyên môn ấy kết hợp với sự hy sinh và chiến đấu của dân quân Miền Nam cùng gia đình đã giữ được VNCH suốt 20 năm cho đến khi không còn tiếp tục được nữa. Tuy thế, sự hy sinh của tập thể này không phải là vô ích. Một cuộc thử thách gian lao không kém chờ đợi họ và gia đình sau 1975 khi họ bị bắt giam trong lúc gia đình và cả Miền Nam bị kỳ thị cùng bóc lột bởi chế độ Cộng Sản. Nhưng họ vẫn tiếp tục làm những gì có thể, tiếp tục sống sót và xây dựng để góp phần phục hưng một Miền Nam và một Việt Nam ngày nay.

Tôi sẽ trình bày bằng 2 thí dụ cụ thể nữa sau Thiếu Tá Lê Đình Thọ. Hai thí dụ này liên quan đến tác phong chiến đấu và lãnh đạo của Quân Lực VNCH: Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Trung Úy Đỗ Lệnh (Lịnh) Dũng, Trung Úy chỉ huy đoàn quân Nhân Dân Tự Vệ tại quận Bố Đức, Phước Long. Hai quân nhân, cùng là lính nhưng một phục vụ trong binh chủng thiện chiến, được trang bị võ khí tối tân nhất lúc bấy giờ; một kia chỉ huy đoàn quân Nhân Dân Tự Vệ, cấp thấp nhất và cũng thiếu thốn vũ khí nhất của hệ thống quân lực VNCH.

6.2 Đại tá Phan Văn Huấn: Quân đội của chúng tôi không phải là những đạo quân không biết chiến đấu (…) đêm đêm tôi nghe đài phát thanh BBC và VOA. Những người phát ngôn viên của hai đài này mô tả chúng tôi với giọng lạnh lùng, đôi khi hàm chứa những điều miệt thị...

Phan Văn Huấn sinh quán tại Huế (lại thêm một nhân chứng fearless từ Huế nữa!), phục vụ trong quân đội VNCH từ ngày 1. tháng 10. 1953. Ông chỉ huy Liên Đoàn từ khi thành lập tháng 8. 1970 tới ngày 30, tháng 4.1975. Ông bị tù 13 năm, rồi cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. vào ngày 18.3. 1993. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, theo ông, có “quân số lên đến 3000 gồm có một Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn, 1 Ðại Ðội Chỉ Huy Yểm Trợ và 3 Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật (BCH/CT), mỗi BCH/CT có 4 Biệt Ðội (BÐ), mỗi BÐ có 200 quân….” [Phan Văn Huấn, “Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh”, https://hon-viet.co.uk/PhanVanHuan_CauChuyenChiecMuXanh.htm – Ngày 18/3/93].

Tôi đã may mắn được gặp ông, dù ngắn ngủi, đủ để có cảm tưởng nên càng tự tin về câu chuyện của ông sẽ được Hoàng Khởi Phong ghi lại. Vào tháng 8. 2002, tôi có nhắc đến Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù qua bài “Lên non xuống bể”, Khởi Hành. Ông tới Tòa Soạn đặng cảm ơn nhưng tôi không có mặt. Nếu nhớ không lầm, nhà thơ Viên Linh vừa chuyển lời nhắn vừa cười vì Đại tá Phan Văn Huấn tưởng tác giả là “Ông Nguyễn Tà Cúc”. (Tôi vẫn hay bị nhầm là đàn ông vì tên có chữ lót khác thường.) Sau đó, tôi có dịp tình cờ gặp ông, vài câu chào ở một tiệm ăn đông người. Hoàng Khởi Phong kết thúc câu chuyện của Đại tá Phan Văn Huấn bằng câu: “Ông có dáng của một cây tùng chẳng cong lưng khi gặp bão” [sđd, trang 32]. Với tôi thì không ai có thể lột quá khứ của người khác ra khỏi hiện tại dù giam hãm họ bao nhiêu năm giam cầm. Quá khứ ấy sẽ hiển hiện đúng 20 năm sau ngày viên Đại Tá thành một tù binh. Đại tá Phan Văn Huấn có một câu chuyện kể, qua nhà văn/Đại úy Quân Cảnh Hoàng Khởi Phong trong chương “Cây tùng trước bão” mở đầu tác phẩm cùng tên. Cây tùng trước bão ghi lại 8 câu chuyện của người lính và nhân viên Miền Nam. Nhà văn Ngô Thế Vinh, Y sĩ Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù/bị tù ba năm qua các trại tù cải tạo, viết lời giới thiệu:

-“[…] Tại sao chỉ có những hình ảnh xấu xí về những người lính Việt Nam khi người Mỹ nói về đồng minh của họ, và tệ hại hơn nữa là chính ngay trong chúng ta không ít những người Việt và báo chí Việt ở hải ngoại khi đề cập tới quân lực Việt nam lại thường trưng ra những hình ảnh tiêu cực của những cấp chỉ huy tướng lãnh tham nhũng, hèn nhát bỏ sau lưng những thuộc cấp để trốn chạy và rồi coi đó như giải thích chính đáng cho nguyên do thất trận của miền Nam …” [Ngô Thế Vinh, “Thay lời tựa”, Cây tùng trước bão, trang 10-11, Nhà Xuất bản Người Việt, 1994]

Đại Tá Phan Văn Huấn chứng minh đã không “chỉ có những hình ảnh xấu xí về những người lính Việt Nam” bằng chính tiểu sử quân nhân của đời ông:

clip_image012

Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù
Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trang 544 (Ban Biên Soạn: Trần Ngọc Thống & Hồ Đắc Huân & Lê Đình Thụy)

-“[…] Tôi nhìn suốt đoàn quân, hơn hai ngàn con người. Có đầy đủ vũ khí trong tay mà bị du vào tình trạng thúc thủ. Chúng tôi từng chống đỡ cho mảnh đất miền Nam này suốt hai chục năm. Chúng tôi đã từng trải qua thập tử nhất sinh. Chúng tôi từng đứng trước những hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt. Năm Mậu Thân với cuộc tổng công kích trên toàn lãnh thổ, hơn bốn chục tỉnh của miền Nam bị tấn công, hàng trăm quận lỵ bị xâm nhập và hàng ngàn đồn bót bị tràn ngập. Đó là chưa kể Huế hoàn toàn mất vào tay Cộng sản. Cả thế giới rúng động, cả thế giới chờ đợi miền Nam đổ xuống. Thế nhưng chúng tôi, những người con của tổ quốc đã lặng lẽ tiến lên. Chúng tôi tái chiếm từng phần đất chết, từng ngôi nhà bỏ hoang. Chúng tôi lấy lại những tiền đồn đã mất, những quận lỵ đã nằm trong tay giặc. Chúng tôi đuổi địch quân ra khỏi những thành phố của chúng tôi. Chúng tôi đây có nghĩa là cả những người nông dân hiền hòa, trong bộ áo bà ba dân vệ, đến những người nghĩa quân, những người lính của mỗi địa phương, đã sát cánh với những người lính chủ lực. Tất cả đã tận sức mình để bảo vệ phần đất trách nhiệm của mỗi đơn vị. Di chuyển khắp mọi nơi, khắp những chiến trường lớn là những người lính Tổng Trừ Bị cho toàn quốc, mà trong đó Liên Đoàn chúng tôi góp mặt như là một mũi nhọn để tấn công vào những nơi cần thiết. Ở đây tôi muốn nhắc tới những trận đánh khốc liệt vòng đai Sài Gòn Chợ Lớn. Liên đoàn chúng tôi đã cho toàn thể dân chúng thấy thế nào là chiến thuật đánh đêm trong thành phố. Tôi muốn nhắc tới địa danh Cây Quéo, Cây Thị, nơi mà địch quân đã nằm sẵn trong những ngôi nhà của dân chúng và đã bám trụ ở đây trong nhiều ngày. Để tránh cho những ngôi nhà này không bị oanh tạc bằng bom, đơn vị chúng tôi tiến lên trong đêm tối giành lại từng căn nhà, từng ngõ hẻm. Chỉ trong vòng hai đêm ngắn ngủi, chúng tôi bứng hết được những chốt của Cộng sản đã đặt tại khu phố này và kiểm soát hoàn toàn một khu phố mà Cộng sản đã kiểm soát nhiều ngày. Từ năm 68 đó tới nay, đã bao nhiêu lần tổ quốc đứng trên bờ vực thẳm. Năm 72, trong mùa hè chiến trận đã đi vào chỗ tàn khốc nhất. Thế nhưng miền Nam vẫn đứng vững vàng, cho dù người bạn đồng minh chính là Hoa Kỳ đã quay lưng lại. Tất nhiên đất đai của mình thì không thể trông cậy ở sức người. Không một người khôn ngoan nào lại ỷ lại vào hàng xóm để giữ gìn ngôi nhà của mình.

Kể từ hôm Ban Mê Thuột thất thủ tới nay, không đầy hai tháng trời ngắn ngủi đất đai miền Nam cứ mỗi ngày mỗi nhỏ lại, làm như đất đã trôi ra biển. Tôi nhìn lại những người anh em tôi, đang đứng nghẹt một góc rừng. Đã có lúc tôi muốn làm một cái gì đó, một cái gì gỡ thể diện cho Quân Đội Miền Nam. Suốt một tháng nay, đêm đêm tôi nghe đài phát thanh BBC và VOA. Những người phát ngôn viên của hai đài này mô tả chúng tôi với giọng lạnh lùng, đôi khi hàm chứa những điều miệt thị. Mới cách đây một tuần lễ, nơi một cánh rừng trong tỉnh lỵ Long Khánh, tướng Lê Minh Đảo đã chặn đứng đà tiến của Bắc Quân. Những người lính bộ binh của Sư Đoàn 18 đã cho thế giới biết một điều: Quân đội của chúng tôi không phải là những đạo quân không biết chiến đấu. Những người lính bộ binh ở đây trong lúc bị xô đẩy tới đường cùng đã tựa lưng vào nhau, tựa thân mình vào những cây cao su để một chống năm, đôi khi chống mười những địch quân đang đà thắng ùa tới. Địch quân mỗi lúc một ùa tới đông hơn, còn Sư Đoàn 18 thì mỗi ngày mỗi hao đi, súng thì mỗi ngày mỗi nhiều, do những người đã chết để lại, nhưng đạn thì mỗi lúc mỗi vơi đi mà không hề có tiếp tế.

Bây giờ lệnh đầu hàng đã tới. Hai ngàn binh sĩ của Liên Đoàn chúng tôi có thể đánh một trận để đời, đánh để không một ai còn sống. Nhưng đánh để mà làm gì? Tính mạng hơn hai ngàn con người không thể để bị chết đi, chỉ để đổi lấy một tiếng thơm hão huyền trong những trang sử sau này. Tôi vẫn đứng trên nóc của ngôi mộ cổ. Đám đông chung quanh tôi mỗi lúc mỗi nhòe đi. Phải, không còn chối cãi gì được, chúng tôi đã thua rồi. Chúng tôi phải tuân lệnh của thượng cấp tối cao. Ngưng chiến đấu để khỏi đổ thêm máu một cách vô ích. Chúng tôi không có gì để thẹn với chính chúng tôi, vì chúng tôi đã làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm trong khi tuân lệnh cấp trên. Giờ đây chúng tôi phải trở về doanh trại, chờ những người chiến thắng đến bàn giao địa điểm. Không còn xe để di chuyển, chúng tôi tập họp đơn vị để di chuyển bộ trên đường. Di chuyển lần cuối trong bộ quân phục của chúng tôi. Tôi cố gắng giữ binh sĩ kỷ luật, cho dù chúng tôi thất trận chúng tôi vẫn là những người lính có chỉ huy, có trật tự và có trên có dưới, có anh có em. Tôi sẽ dẫn đầu, vạn nhất nếu họ nổ súng thì tôi sẽ chết trước anh em.

Tôi nghe giọng tôi có lúc như nghẹn lại. Làm sao mà có thể dõng dạc nói những lời chót cho binh nghiệp của hơn hai ngàn con người. Tôi nhìn lại những binh sĩ của tôi, những người anh em thật sự của tôi trong tám năm cuối cùng của chiến trận. Đã nhiều người vĩnh viễn ra đi, đã nhiều người chẩy máu, tất cả anh em chúng tôi đã từng đổ mồ hôi. Nhưng anh em chúng tôi hầu như chưa bao giờ đổ lệ, nhất là những giọt lệ uất ức. Có những người đầm đìa nước mắt, có những người tuy không có một hạt ngọc nào trên khuôn mặt đen đủi, nhưng cặp mắt đỏ ngầu trợn trừng như muốn rách cả khóe mắt. Chính tôi, tôi cũng cảm nhận được có một chút gì mằn mặn ở trên môi. Trong vòng một tiếng đồng hồ toàn thể Liên Đoàn tập họp xong. Hơn hai ngàn người lính súng ống, đạn dược đầy đủ từ trong rừng tiến ra xa lộ. Cơ nào đội nấy, tuyệt không có lộn xộn, ồn ào. Dẫu cho có thua nhưng đó là một đơn vị tinh nhuệ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một đơn vị được tuyển chọn kỹ càng, huấn luyện gian lao nhất và trang bị dồi dào nhất. Đoàn quân xếp hàng tư. Chỉ Huy Trưởng dẫn đầu. Các sĩ quan tham mưu đi kế tiếp. Các đơn vị trực thuộc theo sau. Đơn vị trưởng đi trước đơn vị của mình. Súng đeo vai, nòng chĩa xuống đất. Đoàn quân hơn hai ngàn người xếp hàng bốn thành từng khối, mỗi khối là một đơn vị. Chỉ thiếu những sĩ quan đi ngoài hàng đếm nhịp thì thật đúng là tập diễn binh trong ngày Quốc Khánh. Liên Đoàn di chuyển thành một đạo quân dài hơn một cây số trên xa lộ Đại Hàn lúc đó vắng xe nhưng thật nhiều người (…)

Tôi nhớ tới An Lộc. Giữa hoang tàn và đổ nát cái cột cờ vẫn đứng vững, tuy lá cờ đã rách nát tả tơi bởi các mảnh đạn đại bác. Làm sao mà không rách được khi mà mỗi ngày trung bình một ngàn quả đạn nổ chụp từ trên xuống. Chu vi phòng thủ của chúng tôi còn có bốn cây số vuông. Ta và địch cách nhau có chỗ không đầy hai mươi thước. Khi Liên Đoàn 81 được ném vào trong An Lộc thì vòng vây đã xiết chặt tới độ kinh hoàng. Mức độ pháo của địch tôi cho là chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, cũng như trên bất cứ một chiến trường nào trước đó. Tới độ khi một người lính phải ra khỏi hầm cá nhân có nghĩa là anh ta đánh bạc sấp ngửa với cái chết. Tôi nghĩ là phải đi thăm các binh sĩ dưới quyền của mình, hễ cứ rảnh việc chỉ huy một chút là tôi lại bò đi thăm các tuyến phòng thủ. Tôi đã nhìn thấy trong bóng đêm, những giọt nước mắt ứa ra của các binh sĩ dưới quyền khi thấy tôi không nề nguy hiểm đến tận chỗ, dù chỉ là một cái vỗ vai, một cái xoa đầu, một cái lắc nhẹ vào chân người lính trong khi đang nằm dõi mắt qua bên kia phòng tuyến. Xác người ở khắp mọi nơi, của Ta và của Địch, cả của thường dân không ở một phe nào. Hơi người chết xông lên nồng nặc. Tôi có bò đi thăm các đơn vị bạn, thăm Thiếu tướng Lê Văn Hưng Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Đại tá Lê Quang Lưỡng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Đại tá Trần Văn Nhựt Tiểu Khu Bình Long, Đại tá Mạch Văn Trường Trung Đoàn 8, Đại tá Biết bên Biệt Động Quân, Trung tá Quán Trung Đoàn 7. Ở An Lộc mà tôi không chết thì trong những ngày nằm tù đó tôi nghĩ là tôi chưa thể chết. Ít nhất là tôi còn sống, còn suy nghĩ, còn ăn, còn thở, còn vận động. Ở cảnh ngộ nào tôi cũng vẫn sống như một con người, tôi không nói như là một… anh hùng. Nói thật với anh làm anh hùng cũng… dễ thôi. Làm Người mới khó (…)

Sau này chúng ta hay cười bộ đội miền Bắc ngu dốt, hay chê Cộng sản tàn bạo. Họ không đáng cho chúng ta cười họ, họ chỉ được dậy dỗ như thế, như một cái máy thì phản ứng đồng bộ với nhau muôn người như một. Có đáng trách là những con người cấp cao đã tạo nên hoàn cảnh và điều kiện sống đến độ mọi con người trong cái xã hội đó bị thui chột đi. Nếu chúng ta mà sinh sống ở miền Bắc thì chúng ta cũng sẽ y như họ. Nếu họ sinh sống ở miền Nam thì họ lại y như chúng ta. Đó chẳng qua chỉ là một thời khoảng nghiệt ngã của lịch sử dân tộc. Bây giờ dường như sự nghiệt ngã của lịch sử đã dịu đi. Nhưng con người thì dù là ở bên này hay bên kia đều vẫn còn gay gắt, với mình và với người khác về mình. Đã có lần tôi suýt chết vì bị bệnh, nhưng một bác sĩ trong đơn vị cũ đã chạy vạy đủ mọi cách để giữ cho được cái mạng của tôi. Khi tôi biết là tôi còn sống thì thể xác tôi chỉ còn da bọc với xương, đôi khi tôi không bước nổi qua một viên đá trên đường, mà viên đá thì chỉ cao không bằng một gang tay. Tôi lê đôi chân trên mặt đất, nhưng nói thật anh nghe thần trí tôi vẫn là thần trí của chính tôi trong những lúc mạnh khỏe nhất. Khi ở tù anh mới biết người ta sống được phần lớn là nhờ ở tinh thần có được vững vàng hay không.

Giam giữ mãi thì cũng phải thả thôi. Tôi vào lính năm hai mươi tuổi, ở lính hơn hai mươi năm, ở nhà tù nhỏ mười bốn năm, nhà tù lớn năm năm. Tính sổ cuộc đời thì mới đó mà bây giờ đã là một ông già trên dưới lục tuần. Tôi kiểm điểm lại đời mình thấy cũng có nhiều điều ân hận. Ai mà chẳng có những lúc anh hùng và những khi không anh hùng. Đã là con Người thì có đúng có sai. Duy có một điều làm tôi hãnh diện là lúc nào tôi cũng hướng cho tôi lên cao hơn. Đời cũng đã đập tôi xuống nhiều lần, nhưng tôi thì không phải là con người chịu đầu hàng số phận. Lấy ví dụ như thời gian ở tù bây giờ nghĩ lại thì tôi rất… thích. Nó cho tôi cơ hội soi lại đời mình như đứng trước một tấm gương. Tôi nhìn lại những bạn tù của tôi, nghe họ nói về họ. Tôi nhìn những người đang giam giữ tôi, nghĩ đến sự hụt hẫng của những người… chiến thắng. Tất nhiên chẳng có ai muốn… đi tù. Muốn hay không đôi lúc đâu có ở mình, dù sao chăng nữa thì đã ở tù thì cũng phải có cách để dàn trải cuộc đời mình trong những ngày lê thê, u ám đó… ” [Hoàng Khởi Phong, “Cây tùng trước bão”, Cây tùng trước bão, trang 19-22, 25-26, 27, 29, Nhà xuất bản Người Việt, 1994, Hoa Kỳ]

Tôi nghĩ, khi người ngoại cuộc (không, tôi không viết nhầm thay vì “ngoại quốc”) thiếu cơ hội gặp gỡ người lính hay cấp chỉ huy của họ như Đại Tá Phan Văn Huấn thì rất khó thay đổi nhiều thứ thành kiến đã đóng băng qua quá nhiều năm tháng. Tôi đã tới Quảng Trị, chứng kiến Cổ Thành tan nát. Tôi cũng đã tới Huế vài lần sau 1971 để cảm nhiều tan tác vẫn còn vương lại trên Cố Đô. Tôi đã ở lại một khu đồn lính vài đêm, chứng kiến cả quan lẫn lính sửa soạn tuần tiễu trong những cơn mưa mù mịt xối xả và đã tự hỏi rất nhiều lần: Làm cách nào để giữ dân và giữ đất trong hoàn cảnh bị xâm nhập, bị tấn công mà vẫn phải đối phó với địch thủ võ trang bằng vũ khí tối tân hơn, lại sẵn sàng sử dụng mọi phương cách, kể cả thảm sát, kể cả đánh thí hàng ngàn quân, miễn thành công? Càng nhìn hình ảnh những đồn bót của Miền Nam tại những nơi hẻo lành như đã dẫn, tôi càng bất nhẫn. Tưởng tượng chúng ta là chính những người lính hay thường dân và gia đình họ phải tự vệ trong tình cảnh đó? Chúng ta sẽ không phải tưởng tượng lâu qua câu chuyện của Trung Úy Đỗ Lệnh (Lịnh) Dũng, sinh quán tại Miền Bắc, nhưng trưởng thành trong một gia đình thượng lưu tại Miền Nam.

6.3 Trung Úy Đỗ Lệnh (Lịnh) Dũng

Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng có 6 năm quân ngũ VNCH –bị động viên vào năm 1968 khi theo học Đại Học Luật Khoa, Sài gòn–và 7 năm tù Cộng sản. Ông bị bắt vào cuối năm 1974 khi quận lỵ Đôn Luân (Đồng Xoài), tỉnh Phước Long bị Cộng Sản tràn ngập, đoạn bị giải cùng nhiều đồng đội khác theo đường Trường Sơn tới trại tù Yên Báy. Được thả, ông lập gia đình và sang Hoa Kỳ đoàn tụ vào năm 1991 với gia đình phụ mẫu vì thân phụ ông đã sang Hoa Kỳ làm việc từ 1964. Tiểu sử chiến binh Đỗ Lệnh Dũng được nhà báo Lê Thiệp viết theo lời kể qua cuốn sách cùng tên. Tôi đã đọc rất nhiều hồi ký, nhưng lần này, tôi muốn chọn đoạn Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng phục vụ tại Ấp Mới, tên một ấp của người dân Thượng Stieng tại quận lỵ Bố Đức, tỉnh Phước Long. Đoạn này sẽ cho thấy tình trạng an ninh và phòng thủ tại một ấp như rất nhiều ấp trên Miền Nam trước 1975 mà chúng ta đã có dịp xem hình ảnh. Vũ khí của họ chỉ là súng carbine và vài trăm viên đạn mỗi người. “Người” ở đây là trai tráng sống tại đó, ban ngày vẫn sinh hoạt bình thường nhưng ban đêm chia nhau canh gác làng ấp. Họ hợp thành đoàn quân Nhân Dân Tự Vệ, nghĩa là từ vũ khí tới khả năng tác chiến đều rất thấp hơn những đoàn Nghĩa Quân, Dân Vệ và Địa Phương Quân. Sau 1968, theo tôi biết, chỉ có Nghĩa Quân, Dân Vệ và Địa Phương Quân là được trang bị thêm với thêm M16 và súng phóng lựu cá nhân diệt tăng. Do đó, chúng ta sẽ càng được mục kích sự khó khăn của chính phủ và quân đội VNCH với thành phần xem ra rất trọng yếu như Nhân Dân Tự Vệ lại phải đương đầu với các đoàn quân Cộng Sản thừa vũ khí tối tân. Các đoàn quân Cộng sản này lại không có đường nào khác hơn là tử trận hay tiến vào Sài Gòn nên sẵn sàng tiêu diệt chướng ngại vật đầu tiên là các trạm gác của Nhân Dân Tự Vệ. Trung úy Đỗ Lệnh Dũng tới Ấp Mới một cách đột ngột–trong một phút bốc đồng vì đã “đụng độ” với ông Quận Trưởng thượng cấp trước đó–vào một buổi chiều chập choạng tối, đơn thân độc mã với một khẩu M16:

clip_image014

Trung úy Đỗ Lệnh Dũng, Quận Bố Đức, tỉnh Phước Long, 1974

“[…] Cuộc đời có những đẩy đưa bất ngờ. Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ gặp lại ông trung tá Minh ở Bố Đức. Chính ông trung tá này đã ký giấy báo cáo tôi đào ngũ. Bởi vậy khi cầm sự vụ lệnh đi nhậm chức Đặc Trách Nhân Dân Tự Vệ quận Bố Đức, tôi không có một ý niệm gì, coi như mọi sự muốn ra sao thì ra và bật ngửa khi thấy ông quận trưởng lại là người hai tháng trước đây ký giấy báo cáo tôi bỏ nhiệm sở, đào ngũ. Ông Minh nhìn tôi cười khẩy:

– A, trung úy Đỗ Lệnh Dũng. Mình lại gặp nhau. Thôi được, ông liên lạc với thiếu úy Tám lo chỗ ăn chỗ ở rồi tính sau.

Không hiểu sao tôi nổi cơn khùng:

– Tôi hiểu là chức vụ của tôi sẽ phải ở dưới ấp nhiều hơn. Trung tá có thể cho tôi đi thẳng xuống ấp ngay được không.

Trung tá Minh ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn tôi khá lâu như muốn đánh giá và rồi chậm rãi:

– À, nếu trung úy Đỗ Lệnh Dũng muốn bắt tay vào việc ngay thì được chứ. Để tôi sai tài xế chở trung uý xuống ấp liền.

Lúc đó cũng đã khoảng hơn bốn giờ chiều và khi người tài xế bỏ tôi xuống ngã tư đường đất đỏ, trời cũng bắt đầu sập tối. Tôi hỏi người tài xế: – Trụ sở ấp ở đâu?

– Làm gì có trụ sở ấp, trung úy.

Lại thêm một bất ngờ. Quả thật tôi chỉ muốn nhảy lên chiếc xe jeep quay trở lại quận đường. Ít ra thì ở đó còn có chút đỉnh văn minh. Nhưng nghĩ đến cái giọng khinh khỉnh của ông quận, tôi vẫy tay bảo: – Thôi chú cứ về đi, mặc tôi.

Trung úy Đỗ Lệnh Dũng vai đeo ba lô, tay thủ khẩu M16 đứng chơ vơ giữa ngã tư Ấp Mới với tấm sự vụ lệnh Đặc Trách Nhân Dân Tự Vệ, không biết phải đi đâu tìm ai trong cái ấp toàn là người Thượng Stieng này. Trót đâm lao thì phải theo lao, tôi lững thững đi về phía căn nhà có vẻ khang trang nhất. Té ra là một cửa hàng chạp phô bày lỉnh kỉnh đủ thứ tạp nhạp. Mùi cá khô xực lên. Dăm ba gói thuốc Quân Tiếp Vụ xếp bên một thúng thuốc rê. Vài hũ kẹo, và nhiều thứ tôi không biết là gì nữa. Quán vắng tanh y như cảnh ngoài đường vậy. Tôi lên tiếng:

– A lô, có ai không?

Từ phía sau bếp tối om, một người đàn bà trung niên ló ra. Người thiếu phụ có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi áo giáp mũ sắt ba-lô nặng chĩu, một hình ảnh lạ lẫm trong cái bối cảnh này. Phải định thần một lúc bà ta mới hỏi: – Trung uý tìm ai?

Bà ta không hỏi tôi cần mua bán gì. Tôi chậm rãi:

– Bà biết ông trưởng ấp hay mấy ông hội đồng ở đâu không? Ấp này có lính tráng hay nhân dân tự vệ gì không?

– Biết chứ, nhưng giờ này làm sao tìm được họ. Còn nhân dân tự vệ hả? Lúc nào họ mua rượu thì mới thấy.

Bỗng nhiên, bà hỏi tôi một câu bất ngờ: – Trung úy đói không? Trung úy ngủ ở đâu tối nay?

(…) Tôi quay nhìn ra phía cửa. Trời gần như tối hẳn. Tôi thấy bụng cồn lên vì đói:

– Bà có biết có quán nào bán cái gì ăn không?

Bà ta cười:

– Xó rừng này toàn là người Stieng, làm gì có quán xá. Chỉ có vài gia đình Việt Nam ở hẳn đây. Thôi, trung úy đói để tôi nấu mì gói vậy.

– Nếu có mì gói thì hay quá.

Bà ta chỉ cái bàn khập khiễng ra hiệu và đi khuất vào phía sau bếp. Tôi ngồi đó chỏng chơ, cây M16 gác ngang đùi, đầu óc trống rỗng. Người đàn bà–sau này tôi thân với bà Hoa lắm–bưng ra một tô mì nóng đặt trước mặt tôi và nhỏ nhẹ:

– Tôi ở một mình, trung úy ở đây không tiện. Để tôi qua nhà thím Sáu tính toán xem sao (…) Phía bên ngoài có tiếng lè nhè:

– Có tiền mà. Không mua chịu đâu. Mở cửa đi.

Tôi cố định thần. Giọng nói lơ lớ rõ là của một người Stieng. Khi tiếng đập cửa ầm ĩ hơn thì có tiếng bà Hoa quát: – Làm gì giờ này còn đòi rượu.

– Có tiền mà. Có tiền mà.

Cửa mở, bà Hoa đi vào cùng với một người Stieng (…)

– Thím Sáu nói nếu cần trung úy có thể ở bên đó nhưng không được rộng rãi lắm.

Người đàn ông đi mua rượu vai khoác khẩu carbine khiến tôi ngạc nhiên hỏi:

– Người này sao có súng?

Ông ta từ lúc thấy một ông trung úy mũ sắt áo giáp xuất hiện thì im hẳn, đứng nép vào một bên.

– Tui là nhân dân tự vệ.

Tự đẩu tự đâu, phong thái của tôi trở về, nói như quát:

– Nhân dân tự vệ đang giờ gác, sao đi mua rượu?

– Ông Hai, lạnh quá mà, ông Hai.

Đầu tôi tính toán rất nhanh. Thế này là được, là có phe ta, là có canh gác. Tôi hỏi:

– Trưởng ấp ở đâu?

– Tui không biết. Nó ngủ ở đâu có ai biết. Phải tìm ông Hai ơi.

(…) Tôi bảo người lính nhân dân tự vệ: – Anh dẫn tôi đi kiếm trưởng ấp. Trời tối như thui (sic) khá lạnh và hình như sương đã xuống (…) Anh ta dẫn tôi đi từ căn nhà sàn này đến căn nhà sàn khác, hỏi lung tung nhưng vẫn mịt mù tông tích ông trưởng ấp. Cuối cùng, tôi hỏi anh ta:

– Tối nay anh gác ở đâu?

– Ông Hai, gác cho vui, gác ở đâu cũng vậy!

– Có ai gác chung không?

– Có chứ. Có chứ. Gác một mình buồn lắm.

(…) Tôi phải nói rất chậm, và rành mạch lập đi lập lại nhiều lần họ mới hiểu. Tôi cũng biết rõ không thể tin tưởng ở họ nhưng yên bụng hơn vì dù sao tôi cũng có thêm hai cây carbine và nhất là với yếu tố bất ngờ, có du kích chắc tụi nó cũng không thể ngờ tôi đang có mặt ở bìa rừng như thế này để đối phó (…) Tôi ngồi đó bó gối nhìn vào bóng đêm để nhớ những ngày xưa (…) Suốt đời tôi, tôi không bao giờ nghĩ người Mỹ là một bọn “xâm lược” hay thực dân, đế quốc như đế quốc Pháp lo chiếm thuộc địa. Thế giới bây giờ không chấp nhận thuộc địa nữa. Nhưng tôi vẫn thấy cái gì không ổn trong việc người Mỹ săn tay áo đảm đương cuộc chiến và nhất là buộc miền Nam Việt Nam phải đối phó với cuộc chiến theo quan điểm Hoa Kỳ. Những suy nghĩ cá nhân này vẫn không có cách gì cản trở được guồng máy đang quay. Khi tin tức về hoà đàm Paris, về Quân Sự Bốn Bên, về Trao Đổi Tù Binh tới tấp tràn ngập trên mặt báo chí thì những người lính như tôi vẫn phải hành quân, vẫn phải cầm súng canh gác. Khi người Mỹ đổ quân vào Việt Nam, báo chí có chữ mới “Leo Thang “. Khi người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam thì có chữ “Việt Nam Hoá Chiến Tranh “. Đang tham dự những cuộc hành quân với vũ khí hiện đại nhất, nay tôi lại bó gối trong một bìa rừng với hai ông lính nhân dân tự vệ và hai khẩu carbine cà tàng (…)

Trước hết là cái tên Ấp Mới. Có lẽ trên toàn lãnh thổ Việt Nam có hàng trăm ấp có tên là Ấp Mới! Khái niệm quy dân lập ấp có từ lâu trong lịch sử Nam Tiến của người Việt và đến thời ông Nhu ông Diệm nó trở thành quốc sách Ấp Chiến Lược. Mục tiêu lớn nhất của quốc sách này là chính sách đãi đậu, lọc du kích và nằm vùng khỏi dân chúng, quy dân sống thành làng, thành ấp để dễ kiểm soát. Tôi không đủ trình độ để phán xét đúng sai và cũng không có dữ kiện tài liệu thống kê để biết kết quả của quốc sách Ấp Chiến Lược. Hình ảnh sâu đậm nhất nơi tôi là cảnh Tổng Thống Diệm đứng bên một hàng rào ấp được dựng bằng tre vót nhọn trong một cuốn phim thời sự. Thời tôi còn nhỏ mỗi lần đi xem chiếu bóng còn phải đứng lên chào cờ và suy tôn Tổng Thống, sau đó rạp còn chiếu một cuốn phim thời sự đen trắng của Bộ Thông Tin trước khi chiếu tuồng chính. Tôi đã nhìn thấy cái hàng rào Ấp Chiến Lược trong hoàn cảnh đó. Danh xưng Ấp Chiến Lược sau này không được dùng nữa có lẽ vì nó gợi nhớ đến thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đến ông Nhu ông Diệm. Nhưng trên thực tế rất nhiều vùng, nhất là những vùng dân cư quá tản mát, chính quyền vẫn tìm cách qui tụ họ lại. Ấp Mới của quận Bố Đức hẻo lánh là một thí dụ điển hình. 90% cư dân trong ấp là người Thượng Stieng. Họ nói tiếng Việt không sõi và sau này tôi còn khám phá ngôn ngữ Stieng khá gần với tiếng Miên, có thể vì vùng này sát với biên giới Campuchia chăng. Dân Stieng vẫn sống theo tập tục và bản năng cố cựu. Họ ở trong những căn nhà sàn, và khi chui vào đó mùi khói nồng nặc. Họ vẫn ủ giữa nhà một đống lửa âm ỉ khói bốc dầy đặc để xua muỗi và sưởi (…) Quả tình nếu tôi sống ở đó lâu hơn nữa có khi tôi trở thành người Stieng thật cũng nên. Tôi yêu cái hồn nhiên mộc mạc của họ. Tôi yêu đầu óc giản dị, bản tính hiền hoà của họ. Trong suốt hơn bốn tháng sống ở đó tôi chưa bao giờ chứng kiến họ đánh nhau, cãi nhau. Mọi tranh chấp đều được giải quyết rất nhanh và hoà thuận. Khoảng một tuần sau khi trấn nhậm, tôi đã gom lại đầy đủ các ông chức sắc trong ấp. Họ ngơ ngác khi tôi giao công việc cho họ vì từ trước tới nay ông trưởng ấp hoàn toàn là một chức vụ hão, chẳng ăn nhậu quái gì đến đời sống của ông ta. Khi tôi tập họp đám nhân dân tự vệ để kiểm kê thì đa số có súng nhưng đạn dược thì coi như không. Trên nguyên tắc mỗi ông nhân dân tự vệ được trang bị một khẩu carbine, thứ vũ khí phế thải của quân đội và khoảng gần 200 viên đạn. Những người lính bất đắc dĩ này thấy rằng săn bắn bằng cung tên cổ lổ quá không kiến hiệu bằng súng carbine. Do đó súng đạn là để đi săn nai, đi bắn chim, không phải để tự vệ, để chống cộng. Một phần vì buồn quá chẳng có gì để làm, phần vì tôi cũng rét, lỡ ấp bị tấn công mà các ông nhân dân tự vệ không có đạn, hoặc tệ hại hơn, trốn mất tiêu thì bản mạng của tôi cũng khó giữ nên tôi ra công huấn luyện cho họ. Tôi liên lạc với đồn nghĩa quân và với quận xin được một số đạn. Tôi cũng bỏ tiền túi ra mua thêm một số. Trong cái chợ lèo tèo họp hai ngày một lần ở ngã tư ấp, trong số hàng hoá trao đổi có đạn carbine. Có thể là của các ông lính nghĩa quân đem bán chăng, tôi không rõ nhưng quả là mua bao nhiêu cũng có! Tôi kiểm tra súng đạn tối đa và bắt họ học một số các thế bắn, tập đi đều bước, chỉ cho họ cách canh gác, đổi phiên. Làm được những việc này không phải dễ. Họ như cóc bỏ dĩa, và lập luận rất ngây thơ, cho rằng cần gì phải tập nữa, họ biết bắn rồi mà. (…) Tôi nhớ rõ mức suy sụp nơi tôi khi được trả về cho tiểu khu Phước Long vào giai đoạn cuối cuộc rút quân của Hoa Kỳ. Sự suy sụp nơi tôi chỉ là phản ảnh sự suy sụp toàn diện của một xã hội đã quá mệt mỏi vì chiến tranh. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xem ra không đủ khả năng để đương đầu với áp lực từ mọi phía. Các phong trào đòi tự do dân chủ, các cuộc biểu tình phản chiến núp dưới những danh xưng kỳ quặc như Phong Trào Cải Thiện Chế Độ Lao Tù, các tiếng nói gào thét đòi diệt trừ tham nhũng, tất cả ào ào tấn công chính quyền. Phía người Mỹ thì tìm đủ mọi cách để ra đi êm thấm, ép cho bằng được các phe Việt Nam ngồi lại ở Paris. Dư luận ở Hoa Kỳ mỗi ngày một gay gắt hơn và cả thế giới có vẻ như bị chế độ Hà Nội che mắt, ủng hộ họ ra mặt (…) Tôi cố sống như một người Stieng chính hiệu vì biết chắc nếu có cớ sự nào, tôi chỉ còn trông nhờ vào họ (…) Một hôm tôi nghe xì xào trong đám dân Stieng. Điều tra mãi rồi tôi cũng tìm ra sự việc. Một người Stieng khi đi săn đã thấy Việt Cộng chôn súng đạn. Tôi hỏi kỹ chỉ được biết đạn to lắm và nhiều lắm. Suy nghĩ kỹ, tôi liên lạc với quận xin mở cuộc hành quân nhưng không được vì tình hình không thích hợp. Đó là cách nói văn vẻ, sự thực thì quân số của quận bị kẹt cứng tứ phía. Tôi điều đình mãi cuối cùng mới xin được một trung đội nghĩa quân để yểm trợ. Lâu lắm kể từ ngày rời đại đội Quyết Tử nay tôi mới lại lui cui soạn thảo dự trù và điều khiển một cuộc “hành quân” Tôi gom được gần ba chục ông nhân dân tự vệ, kiểm tra súng ống tử tế. Tôi có được một trung đội nghĩa quân do một ông trung sĩ cầm đầu, quân số 21 người. Tôi có được một máy PRC25, một xa xỉ phẩm đối với tôi. Cứ theo lời nói của người dàn ông thì Việt Cộng chôn súng đạn cách ấp sáu cây số về phía Đông Bắc. Tôi xuất quân từ tờ mờ sáng. Nhìn cung cách của các ông Stieng và trông bộ dạng lếch thếch của đám nghĩa quân tôi rùng mình thấy liều lĩnh quá đáng. Nếu đụng thì chắc chắn là lãnh đủ, nhất là qua lời khai của người đàn ông thì hầm chôn vũ khí này phải quan trọng, vì có nhiều súng đạn lớn. Trót thì phải trét, tôi cũng chia lực lượng thành ba toán và yêu cầu ông trung sĩ đi đoạn hậu. Sau khoảng ba tiếng lội rừng, người đàn ông bảo hầm ở quanh đây. Ông ta nhớ là có nhìn thấy cái cây–và ông ta chỉ một cây rừng có trái như trái măng cụt. Loanh quanh một hồi không biết hầm với hố ở đâu, tôi nghĩ là người đàn ông này nhớ lộn chỗ. Tôi cho dừng quân nghỉ ngơi. Và bỗng đâu từ rừng các bà vợ của các ông nhân dân tự vệ túa ra. Họ lễ mễ đem thức ăn trưa cho chồng! Tôi phát hoảng. Làm sao họ đi theo mà tôi không biết! Họ tíu tít cười nó chỉ trỏ y như một cuộc đi cắm trại ngoài trời. Tôi không biết nói năng gì và cũng đành ngồi dựa gốc cây nhâm nhi mớ cơm bọc theo. Đúng lúc đó có tiếng ý ới! Vô tình một người vợ đã đạp trúng một mảng cỏ trượt chân và lộ ra nắp hầm. Tôi không bao giờ ngờ mọi sự lại diễn ra như vậy. Chiến lợi phẩm mới là điều đáng nói. Tụi tôi lôi lên được gần một trăm quả đạn súng cối 81 và 82 ly. Đây có thể là hầm đạn được tồn trữ để pháo vào Quận Bố Đức. Tôi biết ngay phải làm gì, lên máy PRC báo về quận về “thành quả rực rỡ” của cuộc hành quân không tiền khoáng hậu này. Điều ngạc nhiên hơn nữa là chỉ mười phút sau chính trung tá quận trưởng Trần Đình Minh lên máy nói chuyện với tôi. Chúng tôi lễ mễ khuân vác chiến lợi phẩm về ấp và khi về đến nơi đã thấy trung tá Minh đứng đợi sẵn. Hai hôm sau một buổi lễ ăn mừng chiến thắng được tổ chức tại ấp với sự chủ toạ của đích thân ông quận. Tất cả nhân dân tự vệ đều được tuyên dương công trạng và gắn huy chương hẳn hòi…”

[Đỗ Lệnh Dũng, Lê Thiệp, trang 163-178, Nhà Xuất bản Tiếng Quê Hương, 2006 * “Ban Ba” là Ban lo về kế hoạch Hành Quân. Một Trung Đoàn thường có thêm 6 Ban hay cũng được gọi là “Phòng”: Ban Một-lo về Quân Số, Ban Hai-Tình Báo, Ban Ba-Hành Quân, Ban Bốn-Tiếp Vận & Tiếp Liệu, Ban Năm-Tâm Lý Chiến và Ban Sáu-Xã Hội. — Một số Ban này-như Ban Tâm Lý Chiến còn trực thuộc Tổng Cục và Cục như Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và Cục Tâm Lý Chiến. – Chú thích của Nguyễn Tà Cúc]

Trước hết, tôi cười thầm khi đọc đoạn một anh nguyên Trung Úy kiêm cựu sinh viên Luật tại kinh thành hoa lệ Sài gòn, ngơ ngác rơi xuống nơi đồng không mông quạnh. Anh tài xế hẳn dư biết Ấp Mới không có một …hệ thống quân giai đại diện bằng một trụ sở huy hoàng, nhưng được yêu cầu, anh ta không thể làm gì khác hơn là tuân lệnh, có lẽ vừa tuân lệnh vừa cũng cười thầm như tôi. Tôi chú ý ngay tới cách phòng thủ sơ sài của các “buôn”/làng ấp. Bởi thế, khỏi cần là một ông Tướng, ai cũng có thể đoán thêm, rằng binh sĩ Miền Nam, dân chúng Miền Nam trong các ấp buôn phải chiến đấu với gia đình mang ngay trên lưng họ; thì, trái lại, binh lính chính quy Miền Bắc và cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không có gánh nặng đó. Tôi muốn trích thêm một đoạn nữa để cho thấy tội ác bịa đặt “Lính Ngụy ăn thịt người” và “Lính Ngụy hãm hiếp phụ nữ” đã lan tràn như thế nào trong binh lính Miền Bắc qua lời thuật của Đỗ Lệnh Dũng. Không phải là một sự tình cờ mà các tội ác bịa đặt này lại cũng xuất hiện trong tác phẩm của tác giả Miền Bắc như đã dẫn chứng qua trường hợp Tạ Duy Anh. Sau nữa, quan trọng không kém, là sự tham dự của Trung Quốc vào Chiến Tranh Việt Nam bị những người tù vô tình bắt gặp:

-[…]Thông thường, tù được tập trung biệt lập cách chỗ đóng quân của lính Bắc Việt một quãng và lúc nào chúng tôi cũng ở những bãi trống chắc để dễ bề kiểm soát. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều khi trời còn sáng, tù nằm ngồi la liệt trên bãi đất, bãi cỏ thì bộ đội Bắc Việt ngồi chồm hổm phía xa chung quanh chỉ trỏ. Ông Quyền bảo tôi:

-Ha, tụi mình giống như khỉ trong sở thú đang làm trò cho bọn ngợm xem.

Và những lúc đó, Quyền lại gân cổ lên hát vọng cổ: “Em Hai ôi, anh có tội tình chi mà phải đọa… đày…” Không ngờ một sĩ quan trẻ tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt mà lại thuộc và hát vọng cổ hay như vậy. Những người lính ngồi chồm hổm phía ngoài đôi khi nổi hứng quăng thuốc lá cho tụi tôi và có lần một người xông xáo vào giữa đám tù vừa đi vừa chìa bao thuốc quăn queo mời. Anh ta nghênh ngang vừa đi vừa nói: -Sợ đéo gì. Kỷ luật thì kỷ luật, ông đéo sợ.

Tại sao anh ta dám đưa thuốc lá cho từng người và nghênh ngang thách đố là chuyện khó hiểu. (…) Tôi nghiệm ra rằng chỉ những người lính Bắc trẻ tuổi mới tìm cách “gần gụi” với tù và hỏi những câu hỏi đôi khi rất ngây thơ. Một tháng Mỹ nó phát bao nhiêu lương? Nghe nói Sài Gòn toàn là đĩ điếm phải không? Lính Ngụy thích ăn gan người, hễ bắt được Việt Cộng là mổ ăn gan tươi phải không? Lính Ngụy đi hành quân toàn lùng gái để hiếp? (…)

Thiên nhiên không phân biệt đâu là tù, đâu là cán bộ. Ngụy hay bộ đội thì cũng ướt, cũng lạnh như nhau. Trên con đường thiên lý đó chúng tôi đã gặp nhiều đơn vị Cộng Sản đi ngược đường. Trông họ cũng thảm thương chẳng khác gì tù, chỉ thiếu cái xích. Trông những toán quân Cộng Sản lũ lượt và ngang nhiên di chuyển không lén lút, không sợ sệt đó, tôi nhớ đến lời của giao liên Bằng: “Bây giờ an ninh hơn nhiều” (…) Lê từng bước gập ghềnh trên con đường khét tiếng này, ký ức khiến tôi càng tò mò quan sát. Ít nhất là hai lần trên đường tôi thấy rừng bị sạt, đen thui cả một khoảng lớn. Có thể vì lâu ngày nên cái cảnh cây cối ngả nghiêng không còn nữa mà chỉ còn một vạt rừng lớn đen thui. B52 trải thảm chăng? Bộ đội Bắc Việt luôn mồm cảnh cáo chúng tôi phải đi trong hàng, trên đường đã chỉ định vì loạng quạng là có thể chết vì bom mìn của đế quốc Mỹ bỏ lại. Một lần khác tôi thấy một chiếc võng đan bằng sợi dây dù đứt nát chỉ còn toòng teng một khúc phất phơ trước gió. Khi chú ý kỹ thì thấy có một chiếc xương xọ và vài cái xương khác trắng hếu ở dưới đất gần đó. Tôi “bá (sic) cáo” với người áp tải thì một người bảo:

-Các anh thấy chưa, vì ngụy quyền Sài gòn ngoan cố, vì đế quốc Mỹ ương ngạnh biết bao nhiêu xương máu đã bị phí phạm.

Mấy hôm sau một anh lính Bắc tỉ tê cho hay chuyện bị bỏ rơi, bị lạc trên đường xâm nhập là chuyện thường. Bị bỏ rơi vì ốm, vì bị thương kể như sẽ chết dập chết vùi ở giữa rừng núi. Bị lạc hoặc đôi khi mệt quá ngủ quên cũng chỉ có nước chết. Anh lính này nói là ngay khi vừa đặt chân trên đường mòn, họ đã bị cảnh giác về chuyện này vì “không ai có thể lo cho ai được”. Đói rét bệnh tật, yếu đuối, lo cho mình chưa xong, còn lo cho ai? (…) Lần đó chúng tôi nghỉ ở trạm lớn. Ba đứa tụi tôi được lệnh đi theo một người lính độ khoảng một trăm thước thì họ bịt mắt chúng tôi lại rồi mới dẫn đi tiếp. Mò mẫm leo dốc một khoảng thì chúng tôi được dắt đi xuống một cầu thang. Khi được mở khăn bịt mắt ra, tụi tôi thấy đang ở trong một căn hầm tranh tối tranh sáng tù mù. Hầm có nhiều ngách hàng ngang dãy dọc là kệ gỗ lớn chất những bao gạo. Tụi tôi hiểu ngay đây là hầm chứa lương thực nhưng không ngờ nó lại lớn đến như vậy. Cái bất ngờ nữa là thịt. Thịt heo muối từng nửa con khá lớn được bọc trong một lớp vải thưa treo toòng teng cả một gian hầm lớn. Khi khiêng vác được nửa con heo ra khỏi hầm, tôi thấy một lô chữ Tàu mầu phẩm xanh hẳn nhiên là thịt heo muối Trung Quốc. Chỉ đến giai đoạn này của cuộc chiến, khi mà người Mỹ đã rút hẳn chân ra và con đường mòn chuyển quân an toàn hơn, quân đội Bắc Việt mới có thể thiết lập những trạm với hầm lương thực đồ sộ cỡ này hay những nơi như thế đã có từ lâu? Tôi thì thầm với hai ông bạn tù. Đại Úy Bình bảo vẫn cứ theo kiểu xây cất thì có lẽ hầm đã được xây cất từ lâu và được tu bổ nhiều lần. Tôi nhớ là đã vất vả lắm ba đứa tôi mới khênh được bốn bao gạo và hai thớt thịt heo muối lên đến mặt đất vì hầm khá sâu. Điều tức cười là đến thì bịt mắt nhưng khi lúc lên khỏi hầm vì phải khuân vác nên họ đành để chúng tôi thành “người trần mắt thịt”. Tôi nhìn thấy phía trước có mấy căn nhà thì hiểu bộ phận áp giải tù binh sinh hoạt ở đó. Mãi cho đến về sau khi đã trải mùi tù tôi mới thấm hai chữ sinh hoạt nhưng lúc đó ngay giữa Trường Sơn ngút ngàn, mỗi khi dừng lại, bộ đội Bắc đều phải sinh hoạt. Những lúc đó số lính canh ít hẳn đi và đôi khi từ chỗ ngồi, chúng tôi có thể thấy lính Bắc ngồi thành từng cụm, thành từng nhóm họp hành. Ông Bình bảo tôi: “Tụi nó kiểm thảo rút ưu khuyết điểm liên miên, chẳng bù với quân đội mình…” Ông bỏ dở câu nói và chúng tôi hiểu rất rõ ông muốn nói gì…” [Đỗ Lệnh Dũng, trang 230-235]

Vâng, bây giờ thì chúng ta đã thấy chế độ Miền Bắc “kiểm thảo rút ưu khuyết điểm liên miên…” từ binh sỹ tới văn nghệ sỹ nhưng có toàn thắng đâu nên tương truyền, sau 1975, nhân gian bèn có câu Tiến lên. Không biết. đi đâu/Đi đâu. không biết/Hàng đầu. ta cứ. Tiến lên. Trọng tâm ở đây vẫn là, lợi dụng lòng mỏi mệt của dân chúng Hoa Kỳ và cả dân Miền Nam nữa như Đỗ Lệnh Dũng bầy tỏ, Cộng Sản tiến hành kế hoạch tiến chiếm một cách vững vàng. Họ đã đồng thời che giấu kỹ lưỡng kho vũ khí cùng nhân sự từ Trung Quốc và Liên Xô ngay trước con mắt khuynh tả Thế giới, khuynh tả thân Cộng Miền Nam, và cũng ngay trước con mắt khi mờ khi tỏ của một số anh chị báo chí Miền Nam cả tin hay đúng hơn, có khi nằm vùng. Số anh chị ít ỏi này không lo hưởng thái bình tại hậu phương và lo canh gác làng xóm như Nhân Dân Tự Vệ, nhưng rất rảnh rang, rất hưởn (“qưởn”, nói theo kiểu Nam Kỳ chúng tôi) khá dư thì giờ tụ tập …đi ăn mày lòng thương của bá tánh. Sau này, những ông bà nghe đâu đã vác bị đi ăn mày thời còn VNCH để lên nhựt trìnhlên truyền hình thế giới vẫn bị trêu bằng câu thơ của Bùi Giáng: Còn hai con mắt (chống Cộng) khóc người một con (mắt nên mới bị cho vào xiếc Cộng Sản).

Ngày 17 tháng 5. 1989, khoảng 15 năm sau khi Đỗ Lệnh Dũng và 2 người bạn tù nhìn thấy kho lương thực chứa đựng thực phẩm từ Trung Quốc, nhật báo The Washington Post đăng bản tin sau đây:

– “HONG KONG, MAY 16 — China admitted today that it sent 320,000 combat troops to Vietnam to fight against U.S. forces and their South Vietnamese allies. In a report monitored in Hong Kong, the semi-official China News Service said China sent the soldiers to Vietnam during the 1960s and spent over $20 billion to support Hanoi’s regular North Vietnamese Army and Viet Cong guerrilla units. The disclosure was made a month after military officials in the Soviet Union admitted that a contingent of Soviet advisers in Vietnam took part in combat against U.S. forces and helped shoot down American planes. Moscow had previously denied its troops played a combat role in the war. The agency report cited “The History of the People’s Republic of China,” published by the official State Archives Publishing House, as saying more than 4,000 Chinese soldiers were killed during the war. Fighting finally ended when victorious North Vietnamese tanks battered their way into the grounds of Doc Lap Palace in Saigon on April 30, 1975. During the war, U.S. intelligence reports said U.S. combat units had found soldiers dressed in Chinese combat gear and wearing Chinese insignia, but Beijing at the time repeatedly denied U.S. allegations that its soldiers were operating in Vietnam. During the 10 years of direct U.S. involvement, American troop levels reached over 500,000. Estimates of North Vietnamese Army units varied, but Hanoi maintained throughout the war that its soldiers went only as volunteers to help the southern Viet Cong guerrilla movement. / HONG KONG, NGÀY 16 THÁNG 5-Hôm nay, Trung Quốc thừa nhận đã gửi 320.000 quân lính đến Việt Nam hầu giao chiến chống lại lực lượng Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh của Nam Việt Nam. Theo bản tường thuật được theo dõi ở Hồng Kông, hãng tin bán chính thức China News Service cho biết Trung Quốc đã gửi binh lính đến Việt Nam trong những năm 1960 và xuất ra hơn 20 tỷ mỹ kim dành hỗ trợ Quân Đội chính quy Bắc Việt (Hà Nội) cũng như quân du kích Việt Cộng. Tiết lộ này được đưa ra một tháng sau khi viên chức quân sự Liên Xô xác nhận rằng một đoàn cố vấn Liên Xô tại Việt Nam đã góp phần tham chiến chống lại lực lượng quân đội Hoa Kỳ cùng giúp bắn hạ phi cơ Hoa Kỳ. (Chính phủ) Moscow trước đây phủ nhận quân đội của họ giữ vai trò tham chiến trong cuộc chiến (Việt Nam). Bản tường thuật của China News Service–trích dẫn từ “Lịch sử quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc” do Nhà xuất bản Lưu trữ Quốc Gia chính thức xuất bản—(còn) cho biết hơn 4.000 binh sĩ Trung Quốc đã tử trận trong cuộc chiến. Cuối cùng, cuộc giao tranh kết thúc khi Bắc Việt chiến thắng với xe tăng tấn công tiến vào khuôn viên Dinh Độc Lập, Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Suốt cuộc chiến, báo cáo của tình báo Hoa Kỳ cho biết rằng các đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ đã chứng kiến nhiều người lính mặc quân phục với phù hiệu Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh, vào thời điểm đó, liên tục phủ nhận tố cáo của Hoa Kỳ, rằng binh lính của Trung Quốc đang giao chiến tại Việt Nam. Quân số của Hoa Kỳ (tại Miền Nam) đã lên tới hơn 500.000 khi Hoa Kỳ trực tiếp tham dự trong 10 năm. Số lượng của các đơn vị Quân đội Bắc Việt được ước tính khác nhau, nhưng Hà Nội khẳng định trong suốt cuộc chiến rằng binh lính của họ chỉ tình nguyện hiện diện hầu giúp đỡ phong trào du kích Việt Cộng tại Miền Nam” [The Washington Post, “CHINA ADMITS COMBAT IN VIETNAM WAR”, ngày 17.5.1989/ Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt ngữ – https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1989/05/17/china-admits-combat-in-vietnam-war/6b9cb8a4-4d18-48bf-80d2-bea80f64057c/ ]

Nhân đây, tôi muốn được thêm một nhận xét về người dân tộc thiểu số trong khía cạnh chiến tranh dù chính tôi không nghiên cứu đủ. Lịch sử chiến đấu của họ trong cuộc chiến với sự huấn luyện và tài trợ nhiều phần trực tiếp từ Hoa Kỳ cần được chú ý nhiều hơn, nhưng chắc chắn họ không phải một thứ “lính đánh thuê” cho Hoa Kỳ như vẫn bị hiểu lầm hay bị sỉ mạ. Ngoài lý do sinh tồn, đôi khi còn thêm một lý do rất giản dị nữa: một thiểu số theo Cơ Đốc giáo (Tin Lành), một tôn giáo bị Cộng Sản coi là từ “đế quốc Mỹ”, và họ chiến đấu để giữ đức tin đó. Trong vài cuốn sách tôi được đọc, một vài đoạn lẻ tẻ về tình trạng của họ lóe lên những chi tiết cần được công bố rộng rãi hơn về sự chọn lựa của họ giữa Tự Do hay Cộng Sản và cái giá đã phải trả và tiếp tục phải trả cho đến nay. Một trong những người viết về cái giá quá sức tưởng tượng đó là Alje Vennema– một bác sĩ gốc Hòa Lan/Dutch-Canada, đã làm việc tại Miền Nam—diễn tả trong cuốn The Viet Cong Massacre at Hue (Nhà Xuất bản Vintage Press, ngày mồng 1, tháng giêng 1976). Cuốn này nay đã tuyệt bản nên tôi kèm bản scan của trang sách hầu làm chứng:

clip_image016

“…Sau đó, võ trang bằng súng phun lửa, họ biến các buôn ấp này thành Hỏa ngục…” Alje Vennema

 

-“[…] Nỗi kinh hoàng giáng lên người dân tộc thiểu số (dân tộc Thượng) không có gì mới. Hết lần này tới lần khác, buôn ấp của họ đã trở thành quang cảnh tàn sát gây ra bởi một kẻ thù độc ác quyết tâm giằng lấy họ. Nếu kẻ thù này không thành công, sự trả đũa sẽ sớm xảy ra. Bất cứ ai làm việc với người dân tộc thiểu số đều nhớ đến những vụ trả thù mà vụ kinh hoàng nhất xẩy ra chỉ một tháng trước tại Đak Son, tỉnh Phước Long. Ngày 7, tháng chạp, 1967, một toán quân Việt Cộng, tiến vào các buôn ấp tụ tập quanh khu này, kêu gọi dân làng đầu hàng và ra khỏi nhà. Khi không ai bước ra, họ vừa bỏ đi vừa thét lớn: “Bọn con trai của Mỹ”. Số 2000 cư dân tại đây– gồm cả 800 người đã rời khỏi khu vực do Việt Cộng kiểm soát một năm trước—muốn sống tự do và không bị quấy rối, đã định cư tại Đak Son. Tại Đak Son, họ sống một đời tằn tiện bằng cách tự xây chòi làm nhà, trồng lúa trên sườn đồi, chăn nuôi lợn, gà và săn bắt thú hoang. Họ là những người giản dị, đàn ông đóng khố và phụ nữ để ngực trần. Nửa đêm, Việt Cộng trở lại, bắn súng máy, súng cối và hỏa tiễn vào các buôn ấp. Sau đó, võ trang bằng súng phun lửa, họ biến các buôn ấp này thành hỏa ngục, tàn sát một dân số có lực lượng tự vệ ít ỏi chỉ bằng 1 phần 6 đoàn quân tấn công. Nạn nhân bị thiêu đốt trong chòi và nơi trú ẩn của họ. Khi Việt Cộng hết nhiên liệu, họ hạ sát những người chạy chậm bằng súng và lựu đạn. Hơn một trăm người bị bắt làm tù binh. Khi bình minh lên, những người sống sót cố gắng kiểm kê cuộc tàn sát. 250 thi thể tô điểm cho mặt đất, hơn 50 người bị bỏng gần hết người; một số khác đã trốn thoát được…/The terror being inflicted upon the tribal people was nothing new. Time and again their hamlets had become the scene of carnage dealt out by a cruel enemy determined to win them over. If success was not forthcoming, retaliation soon occurred. Anyone who worked with the mountain people remembered the incidents, the worst of which had been perpetrated only a month before at Dak Son in the Province of Phuoc Long. On December 7, 1967, a squad of Viet Cong approached the cluster of hamlets and called to the people to surrender and come out of their huts. When no one came out, they left shouting at the tribal people “Sons of Americans.” The 2000 inhabitants 800 of whom had left a Viet Cong-controlled area a year ago preferring to live on their own and not to be harassed, had settled at Dak San. In Dak Son they eked out a living building their own huts, growing rice on the hillsides, farming pigs and chickens, and hunting wildlife. They were a simple people, their men covered with a loin cloth and their women going bare-breasted. At midnight the Viet Cong returned shooting machine guns, mortars, and rockets into the hamlets. Then, armed with flamethrowers, they changed the hamlets into an inferno, massacring the population whose small self-defense force was outnumbered six to one. The victims were incinerated in their huts and shelters. When the Viet Cong ran out of fuel, they killed stragglers with guns and grenades. Over one hundred persons were taken into captivity. At dawn the survivors attempted to assess the holocaust. 250 corpses adorned the ground, over 50 others had suffered third degree burns; others had managed to flee…” [Alje Vennema, sđd, trang 156-157/Nguyễn Tà Cúc dịch sang Việt Ngữ]

Bởi thế, vào tháng chín, năm 2014 khi Mourning Headband for Hue xuất bản, Nhã Ca đã bị chỉ trích vì “Tựa nhỏ: Viết để chịu tội”. Không những thế, lần này, một vấn đề được đặt ra nữa là bà đã thêm tội “tàn sát” khi tái bản vào năm 2008:

-“[…] Dù do đâu đi nữa, thì cái tội tàn phá và tàn sát. (sic) ấy đã diễn ra trong thời đại chúng ta và chính thế hệ chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm…” [Nhã Ca, sđd, trang 28, Việt Báo xuất bản, 2008]

Ai sẽ “phải lãnh phần trách nhiệm” (mượn lời Nhã Ca) cho cuộc “tàn sát” (cũng mượn lời Nhã Ca) hơn 3.000 người dân và một số giáo sĩ, giáo sư người ngoại quốc tại Huế, Tết Mậu Thân 1968?

(Còn tiếp)

Chú Thích:

1) Sean Fear cũng là Đồng-Chủ biên với giáo sư Tường Vũ (University of Oregon) cho tuyển tập The Republic of Vietnam, 1955–1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building (Cornell University Press, 2019).

bài đã đăng của Nguyễn Tà Cúc

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)