Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Nhận Định, Phê Bình, Tư Liệu, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Một Bức Ảnh, Bảy Nhân Vật: Nhà Xuất Bản Kim Anh trong Tình Cảnh Xuất Bản tại Miền Nam (Kỳ 1)

clip_image002.jpg

 

Một bức ảnh kỷ niệm buổi kết hôn của nhà văn Thanh Nam và nhà văn Túy Hồng được kèm vào bài Túy Hồng giữa chúng tôi của nhà văn Mai Thảo. Bức ảnh này xuất hiện tại nhiều chỗ trên nhiều bài báo về Túy Hồng trước và sau khi bà qua đời (1)

Như đã thấy, bức ảnh với vài giòng chú thích có hai chi tiết thiếu sót đã được nhà thơ Viên Linh và tạp chí Khởi Hành, xuất xứ của bức ảnh, cải chính trong một số báo khác. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ bị chú thích nhầm thành nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Bà Nguyễn Thị Nhiên, Giám đốc Nhà Xuất bản Kim Anh, không được có tên. Bà và Nguyễn Thị Thụy Vũ đã xuất bản tác phẩm của Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ ngay sau khi họ rời nhà xuất bản Thời Mới thuộc nhà văn Võ Phiến. Đó là chưa kể Kim Anh đã xuất bản Vòng tay học trò cho nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Tuy xuất hiện rất ngắn ngủi, Nhà Xuất bản Kim Anh liên quan đến 3 nhà văn nữ, 3 nhà xuất bản khác và 2 tác phẩm đặc biệt: Vết hằn rướm máu (Đỗ Quế Lâm & Nguyễn thị Xuân Dung) và Vòng tay học trò (Nguyễn Thị Hoàng).

Bức ảnh thượng dẫn xuất hiện lần đầu trên tạp chí Khởi Hành-Hoa Kỳ số 8, Tháng 6.1997. Hai tháng sau, tháng 8. 1997, họa sĩ Phan Ngọc Diên, họa sĩ vẽ logo, bìa cùng trình bày một số sách cho Kim Anh, gửi thư tới cho biết về lời chú thích sai. Tôi cho đăng lại với lời chú thích đã được cải chính:

clip_image002

Lễ Đính hôn của nhà văn Thanh Nam và nhà văn Túy Hồng, tháng chạp 1966, Sàigòn
Hàng ngồi, từ trái qua: nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Nhiên-Giám đốc Nhà Xuất bản Kim Anh, 2 cô em của nhà văn Túy Hồng
Hàng đứng, từ trái qua: Luật sư Phạm Thụy Hùng, nhà văn Mặc Thu, nhà văn Thanh Nam & nhà văn Túy Hồng và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
[Tài liệu của nhà văn Mặc Thu với thêm phần chú thích của họa sĩ Phan Ngọc Diên]

Hàng chữ đậm viết tay “Thanh Nam kết hôn với Túy Hồng (Ph. Thụy Hùng trái-Thanh Tâm Tuyền mặt” trên ảnh là bút tích của nhà văn Mặc Thu. Ông cho phép Khởi Hành sử dụng bức ảnh này khi chúng tôi làm Chủ đề Nhà văn Thanh Nam.

Một Bức Ảnh, Bảy Nhân Vật: Nhà Xuất Bản Kim Anh trong Tình Cảnh Xuất Bản tại Miền Nam sẽ đề cập đến bảy nhân vật. Đó là bà Giám đốc Nguyễn Thị Nhiên, nhà văn đồng sáng lập Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn Hồ Trường An, ký giả Lê Phương Chi, họa sĩ Phan Ngọc Diên, nhà văn Túy Hồng và sau chót, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng.

1. Bà Nguyễn Thị Nhiên-Giám đốc & Đồng sáng lập Nhà Xuất bản Kim Anh

clip_image004Nguyễn Thị Nhiên, Giám đốc Nhà Xuất bản Kim Anh

Bà Giám đốc Nguyễn Thị Nhiên và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đồng sáng lập Nhà xuất bản Kim Anh vào năm 1966 theo lời chứng của nhà văn Hồ Trường An, em trai Nguyễn Thị Thụy Vũ:

-[…] Khi cuốn Mèo Đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ trình làng, thì bà Nguyễn Thị Nhiên chủ nhân một cái kiosque bán sách ở đường Lê Lợi đến thăm, ngỏ ý muốn tái bản cuốn đó.Và tuy có tiền nhưng chưa thạo nghề xuất bản nên rủ chị tôi cùng hùn hạp. Suốt đêm, hai chị em cứ bàn bạc tới lui xuôi ngược. Sáng hôm sau, chị tôi đi vay bà hàng xóm và bán một số nữ trang. Còn tôi và nghệ sĩ diễn ngâm Đoàn Yên Linh lên cư xá Lữ Gia kiếm Lê Phương Chi. Tôi muốn nhờ anh giữ phần trình bày sách và giao thiệp với văn nghệ sĩ để mua tác quyền…Hôm đó anh không có nhà, tôi đành để lại vài chữ cho cô em anh rồi từ giã ra về […] Hai hôm sau, Lê Phương Chi ra quán sách gặp bà Nhiên và Thụy Vũ để thành lập nhà xuất bản Kim Anh… [Hồ Trường An, Cõi ký ức trong xanh, trang 113, 1991]

Nhà xuất bản Kim Anh được liệt kê trong “Danh sách các nhà xuất bản” đăng trong Tân Văn, số 16&17, tháng 8&9, 1969: “KIM ANH, 1049 Trần Hưng Đạo, Sg” (trang 85, sđd). Đó chính là địa chỉ quán sách/kiosque Kim Anh, nơi bà lập nghiệp sau khi cùng gia đình di cư vào Nam. Kim Anh hiện diện từ năm 1966 tới năm 1969, nhưng có lẽ thật ra chỉ được hơn 2 năm. Bản danh sách sau đây có thể sẽ thiếu sót, nhưng cho chúng ta cảm tưởng khái quát về hoạt động của nhà xuất bản này:

§ Năm 1966

Ba miền mười khuôn mặt-tuyển tập truyện ngắn gồm 10 tác giả. Bìa và trình bày: Lê Phương Chi. 250 trang, giá 80 đồng

Vết hằn rướm máu, Đỗ Quế Lâm & Ngô thị Xuân Dung, tuyển tập truyện ngắn. Bìa và trình bày: Lê Phương Chi.

Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng, truyện dài, 407 trang. Trình bày: Lê Phương Chi

Đất Mẹ, Phương Đài, thơ, 84 trang, 34 bài. Vũ Hạnh viết Tựa. Tranh bìa và phụ bản: Bé Ký.

§ Năm 1967

-Vết thương dậy thì, Túy Hồng, 181 trang, 75 đồng.

Lao vào lửa, Nguyễn Thị Thụy Vũ, 124 trang, 60 đồng.

Người tình ngoài mặt trận, Nhã Ca, 188 trang.

Tuổi Sài gòn, Nguyễn Thị Hoàng, 300 trang, giá 130 đồng.

Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng. Tái bản lần thứ nhất. Bìa Nghiêu Đề. Phan Ngọc Diên trình bày kèm vẽ logo cho nhà xuất bản.

-Tiếng nói học trò, Mai Tiến Thành, truyện dài, 157 trang. Nguyễn Thị Thụy Vũ viết Bạt.

Thở Dài, Túy Hồng, 198 trang, tái bản, giá 90 đồng.

Khởi Hành, Lê Tất Điều

Mèo Đêm, Nguyễn Thị Thụy Vũ, 160 trang.

§ Năm 1968

Chiều mênh mông, Nguyễn Thị Thụy Vũ, bìa Cù Nguyễn, 176 trang, giá 100 đồng.

§ Năm 1969

Bóng hoàng hôn, Phan Kim Huệ, 220 trang.

Về trong sương mù (Nguyễn Thị Hoàng) và Năm sắc cầu vòng được quảng cáo vào năm 1966, nhưng hầu như chắc chắn Về trong sương mù không được Kim Anh xuất bản. Tôi không tìm thấy dấu vết nào của Năm sắc cầu vòng.

Với tôi, Kim Anh giữ một chỗ quan trọng trong Văn Học Miền Nam vì đã xuất bản mấy tác phẩm hoặc quan trọng hoặc đi trước thời đại, nhất là cho vài tác giả nữ, từ đó, họ có thể tiến mạnh trên con đường phát triển sự nghiệp. Kim Anh đã mở đầu sự nghiệp xuất bản của Nguyễn Thị Thụy Vũ và Lê Phương Chi, đưa cơ hội cho sự trở lại của Nguyễn Thị Hoàng và giúp Túy Hồng rời khỏi Nhà xuất bản Thời Mới (Võ Phiến).

Tuy không nổi danh bằng và không sống lâu như các nhà xuất bản đồng thời, Kim Anh tạo được một vị trí đặc biệt qua 2 tác phẩm Vết hằn rướm máuVòng tay học trò lại do 2 phụ nữ sáng lập trong một lãnh vực mà đàn ông chiếm đại đa số và ưu thế.

1.1 Vết hằn rướm máu, Đỗ Quế Lâm và Ngô Thị Xuân Dung

Đỗ Quế Lâm chắc chắn can dự nhiều vào Kim Anh, ngoài sự góp mặt như một tác giả. Theo một quảng cáo trên tuần báo Nghệ Thuật, ông là một trong 3 người trong “Ban tuyển chọn” 10 tác giả góp mặt vào Ba miền, mười khuôn mặt-tác phẩm mở đầu của Kim Anh. Hai người kia là bà Nguyễn Thị Nhiên và Nguyễn Thị Thụy Vũ.

clip_image006

Nghệ Thuật Số 50, trang 32-Tuần lễ từ 1.10.1966 tới 7.10.1966
Tài liệu của Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Theo một quảng cáo khác, cũng trên Nghệ Thuật, ông là 1 trong 4 người (Đỗ Quế Lâm, Kim Anh, Lê Phương Chi và Thụy Vũ) “giới thiệu” sự xuất hiện của 5 tác phẩm đầu tiên do Kim Anh xuất bản:

clip_image008

Nghệ Thuật Số 53, trang 22-Tuần lễ từ 22.10.1966 tới 28.10.1966
Tài liệu của Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Ông sẽ còn can dự nhiều hơn nếu không tử trận vào ngày 17 tháng 3, năm 1968, tức là năm Mậu Thân khi Đảng Cộng sản dốc toàn lực vào cuộc tấn công bất ngờ vào Miền Nam:

-[…] Người thứ nhất ra đi là PHẠM ĐÌNH BÁCH, giáo sư và cũng là một nhà thơ […] Trong cuộc biến động đầu xuân Mậu Thân, nhà thơ Phạm Đình Bách bị trúng đạn tại Huế và đã qua đời tại Đà Nẵng[…] Người thứ hai, còn trẻ, anh ĐỖ QUẾ LÂM, mới ra đi ngày 17 tháng 3 năm 1968. Anh là tác giả tập truyện Vết hằn rướm máu (in chung cùng Ngô-thị Xuân-Dung, do Kim Anh xuất bản, Sài-gòn, 1967). ĐỖ QUẾ LÂM đã hy sinh cho quê hương khi phục vụ tại một đơn vị Công-binh… [Văn, “Tin văn… vắn”, Số 103, 1.4. 1968, trang 112]

Sau nữa, Vết hằn rướm máu được ghi nhớ trong giai đoạn đó vì một phần nội dung Đồng luyến ái:

“ĐÃ PHÁT HÀNH VẾT HẰN RƯỚM MÁU

tập truyên sôi bỏng táo bạo của 2 bạn trẻ:

Ngô thị Xuân Dung, Đỗ Quế Lâm” [Bách Khoa Thời Đại, Số 241-242, trang 40, Tháng giêng, 1967]

Tuần báo Nghệ Thuật đăng quảng cáo nửa trang:

clip_image010

“ĐỒNG LUYẾN ÁI: CÁI THẾ GIỚI ĐÓ DỮ DỘI HAY ẾM ÁI? VÀ Ờ SAIGON CÓ KHÔNG? NGƯỜI CON TRAI MANG GIÒNG MÁU LẠ LÙNG ĐÓ ĐÁNG LÊN ÁN HAY KHOAN HỒNG…” –Nghệ Thuật, Số 55, trang 22, Tuần lễ từ ngày 5.11.1966-11.11.1966
Tài liệu của Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Trong những năm cuối 60, Vết hằn rướm máu không những được quảng cáo công khai mà còn được trình bày rất đặc biệt. Tác phẩm này ngoài phần bạt của Nguyễn Thị Thụy Vũ và Đỗ Ngọc Trung Thu, còn được quảng cáo có phụ bản của Trùng Dương, Hồ Ngọc Thu, Đức Lợi, Nghiêu Đề và Động Đình Hồ.

1.2 Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng

Kim Anh đưa Vòng tay học trò ra mắt độc giả vào cuối năm 1966:

clip_image012

Quảng cáo cho Nhà Xuất bản Kim Anh
Nghệ Thuật Số 54, trang 27-Tuần lễ từ 29.10.1966 tới 4.11.1966
Tài liệu của Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Mục “Sách báo Mới-Bách Khoa vừa nhận được” có nhắc tới xuất xứ đăng từng kỳ trên Bách Khoa:

Vòng tay học trò, truyện dài của Nguyễn thị Hoàng do Kim Anh xuất bản và gửi tặng. Truyện dài đầu tay của tác giả với bút hiệu Hoàng Đông Phương đã đăng trên tạp chí Bách Khoa. Sách dầy 407 trang, giá 120 đ… [Bách Khoa Thời đại Số 239, ngày 15 tháng 12.1966].

Vòng tay học trò được xuất bản rồi tái bản tổng cộng 5 lần theo tài liệu hiện có. Hình ảnh (bìa trước, bìa sau và trang “căn cước” có in ngày tháng kiểm duyệt, xuất bản, số sách xuất bản) do anh Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn, cung cấp. Trân trọng cảm ơn anh.

Ø Lần thứ nhất, Kim Anh xuất bản

Vòng tay học trò in xong vào tháng 11 tại nhà in Văn Đàn và xuất bản lần đầu vào khoảng tháng chạp, năm 1966. 407 trang, giá 120 đồng. Lê Phương Chi trình bày và bìa.

clip_image014

Vòng tay học trò, Bìa Lê Phương Chi
Kim Anh in lần thứ nhất
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn

 

clip_image016

Vòng tay học trò-Bìa sau, in lần thứ nhất
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn

Bìa sau in lại một một phần lá thư cho phép của tác giả và thông báo quyết định bỏ bút hiệu Hoàng Đông Phương:

-[…] Theo lời yêu cầu của nhà Kim Anh, tôi thỏa thuận cho xuất bản Vòng Tay Học Trò (truyện dài đã in trong Tạp chí Bách Khoa với bút hiệu Hoàng Đông Phương) […] Trong ý niệm đó, nhân dịp xuất bản Vòng Tay Học Trò, tôi muốn từ đây không dùng bút hiệu, bắt đầu lại tất cả bằng tên thực, bằng chiều hướng trong tương quan giữa cuộc đời với tôi, giữa tôi với những tác phẩm sau Vòng Tay Học Trò… [Nguyễn Thị Hoàng, bìa sau Vòng Tay Học Trò, 1966]

Ø Lần thứ hai-Nhà Xuất bản Kim Anh tái bản

Kim Anh tái bản 3,000 cuốn vào tháng 5. 1967. Giá 150 đồng. 410 trang với logo của nhà xuất bản do họa sĩ Phan Ngọc Diên vẽ. Trang cuối có ghi tin tức liên quan đến lần tái bản này:

Vòng Tay Học Trò truyện dài đầu tay
của Nguyễn Thị Hoàng do nhà xuất bản
Kim Anh tái bản lần thứ nhất 3.000 cuốn
bìa và trình bày của Phan Ngọc Diên
[Nhà xuất bản in đậm]

Họa sĩ Phan Ngọc Diên xác nhận với tôi, tuy ông vẽ logo, nhưng bìa lại của họa sĩ Nghiêu Đề:

clip_image018

Vòng tay học trò, Kim Anh tái bản lần thứ nhất, in lần thứ hai
Bìa Nghiêu Đề- Logo & Trình bày Phan Ngọc Diên
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn

Ông cho biết thêm, thật ra đây không phải lần tái bản lần thứ nhất mà phải là lần thứ hai. Trước đó, Kim Anh đã cho tái bản lần thứ nhất với bìa và trình bày cũng của Nghiêu Đề. Bức tranh Nghiêu Đề rất nhỏ, chỉ khoảng 1/16 diện tích bìa. Tôi chưa tìm được hình ảnh nào của lần này nên chưa trưng ra được tại đây, xin để tồn nghi.

Ø Lần thứ ba-Nhà Xuất bản Hoàng Đông Phương.

clip_image020

Vòng tay học trò, in lần thứ ba
Bìa Trịnh Cung-Hoàng Đông Phương tái bản. 7. 1968
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn

Nhà Xuất bản Hoàng Đông Phương tái bản 5.000 cuốn vào tháng 7. 1968, bìa Trịnh Cung

Ø Lần thứ tư- Nhà Xuất bản Thái Phương (Lê Phương Chi)

Vòng tay học trò do Thái Phương tái bản với bìa của Hạ Quốc Huy và do Lê Phương Chi trình bày, được kiểm duyệt vào ngày 1.4. 1969. Một quảng cáo trên tạp chí Bách Khoa, tháng 3.1970 cho biết chi tiết:

-Các bạn chưa đọc, các bạn đã đọc, đều nên tìm đọc VÒNG TAY HỌC TRÒ của Nguyễn-Thị-Hoàng tái bản lần thứ 4, có sửa chữa của tác giả. Các bạn sẽ thích thú về những chi tiết vừa được thêm vào và sửa lại mà 3 ấn bản trước chưa có. THÁI-PHƯƠNG xuất bản, sách dầy trên 400 trang với giá cũ: 180 đồng. Đã có bán tại Nhà sách Khai-Trí Saigon và các hiệu sách khắp nơi. [Bách Khoa số 317, trang 55, “Quảng cáo”, ngày 15.3.1970]

clip_image022

Vòng tay học trò, in lần thứ tư
Bìa Hạ Quốc Huy-Thái Phương tái bản, khoảng 1969-1970
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy, Sài gòn

Ø Lần thứ năm-Nhà Xuất bản Mây Hồng

clip_image024

Vòng tay học trò, in lần thứ năm
Mây Hồng tái bản, 1970

Mây Hồng được phép xuất bản vào cuối năm 1969 rồi phát hành vào năm 1970. Như vậy, tác phẩm này được xuất bản rồi tái bản và phát hành tổng cộng 5 (hay 6) lần trong khoảng hơn 3 năm từ năm 1967 tới năm 1970.

Sau 1975, Vòng tay học trò được Hội Nhà Văn Việt Nam cấp giấy phép và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phụ trách in ấn và phát hành vào năm 2021. Số sách in là 4.666 bản gồm 4.333 bản thường, 222 bản “đặc biệt” và 111 bản “siêu đặc biệt”.

clip_image026

Vòng tay học trò, in lần thứ sáu
Bản thường, tái bản, Việt Nam, 2021
Bán tại nhà sách Tự Lực, Little Sài gòn, California, Hoa Kỳ

Sách trình bày trang nhã với lời giới thiệu trịnh trọng cần thiết, nhưng có một điểm sai cho một tác phẩm đầu tay và quan trọng như Vòng tay học trò:

-[…] Năm 1966, Vòng tay học trò được xuất bản thành sách, in lần thứ nhất đã 5.000 cuốn và chỉ trong vòng mấy tháng đã tái bản bốn lần… [Sđd, trang 5]

Như đã chứng minh, tác phẩm này xuất bản rồi tái bản tổng cộng 5 lần trong vòng hơn 3 năm. Nếu tính riêng Nhà Xuất bản Kim Anh thì Vòng tay học trò được tái bản trong khoảng nửa năm (tháng chạp. 1966-Tháng 5. 1967), tổng cộng 2 lần in trong vòng 5 tháng.

Bản do Mây Hồng xuất bản có lẽ tạo ngạc nhiên cho nhiều độc giả; riêng tôi, là một thắc mắc chỉ có thể giải đáp sau khi được nhìn thấy bìa trước, bìa sau và trang cuối. Trước đó, tôi chỉ được biết qua Thư mục Quốc Gia (VNCH) với số trang và năm xuất bản (1970).

Vòng tay học trò là thí dụ điển hình của một tác phẩm hầu như định đoạt sự nghiệp một tác giả qua xét đoán thuộc độc giả. Nhà Xuất bản Kim Anh khởi đi đã thành công nhờ biết được ý muốn của độc giả, trong trường hợp này, với Vòng tay học trò. Không thuộc giới văn nghệ cũng không quen thuộc ngành xuất bản, nhưng nhờ làm chủ một quán sách và ước lượng được số sách phát hành, bà Nguyễn Thị Nhiên xác định được tác giả nào “ăn khách” rồi áp dụng tiêu chuẩn ấy vào một cơ sở thương mại khác. Sau đó, may mắn hơn, bà được người trong giới như Nguyễn Thị Thụy Vũ và Hồ Trường An tiếp sức dẫn đến việc Kim Anh tìm được Nguyễn Thị Hoàng. Họ cũng xuất bản Tiếng nói học trò cho Mai Tiến Thành, người thứ hai trong cuộc tình đã gây cảm hứng cho Vòng tay học trò. Cuốn này chìm vào quên lãng có lẽ vì không đủ quyến rũ người đọc với một phong cách văn chương khả dĩ có thể đối đầu Vòng tay học trò. Mai Tiến Thành xuất hiện lần chót với tập thơ Bi ca nhục cảm gồm 30 bài (Nhà Xuất bản Nhân Chứng, 1967, 63 trang, giá 80 đồng).

Nguyễn Thị Hoàng, chính thức bước vào làng văn nghệ với tên thật, trở thành một trong những nhà văn thành công đến nỗi tự lập được nhà xuất bản. Đó là Nhà Xuất bản Hoàng Đông Phương.

2. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: Đồng sáng lập Nhà Xuất bản Kim Anh, Đồng sáng lập Nhà Xuất bản Hồng Đức & Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ

clip_image028

Chân dung Nguyễn Thị Thụy Vũ
Lấy trên bìa cuốn
Mười hoa trổ sắc
Nhà Xuất bản Ngọc Minh, 1967

2.1 Nhà Xuất bản Hồng Đức và Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ

Nguyễn Thị Thụy Vũ rời Kim Anh khoảng hơn một năm sau hầu lập Nhà xuất bản Hồng Đức rồi Kẻ Sĩ với nhà thơ Tô Thùy Yên. Thời gian với Kim Anh chắc chắn cho bà một số kinh nghiệm cần thiết. Bà cũng có ý xuất bản nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ, nhưng thời gian ngắn ngủi tại Kim Anh chỉ giới hạn vào vài tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng và Nhã Ca.

Bà gặp Tô Thùy Yên (đã lập gia đình với bà Diệu Bích) tại buổi đính hôn của Túy Hồng:

-[…] Tôi là cô giáo tỉnh lẻ, thích thơ của anh ấy, mới viết thơ qua lại. Tới chừng bữa bà Túy Hồng lấy ông Thanh Nam, tôi ngồi với bà Túy Hồng một bàn. Tôi với ông Yên thơ từ qua lại nhưng không biết mặt nhau. Ông Tô Kiều Ngân thì biết tôi là Nguyễn Băng Lĩnh, nên chạy tới hỏi Tô Thùy Yên: Mày biết Nguyễn Băng Lĩnh không? Ông Yên mới nói: Nó là độc giả của tao đó. Tô Kiều Ngân bèn dắt ông ta đến giới thiệu tôi: Ðó, Nguyễn Băng Lĩnh đó… [Đỗ Tăng Bí, “Thụy Vũ chăn dê”, Rong chơi cuối ngày blog, Ngày 17. giêng. 2009, https://rongchoicuoingay.wordpress.com/2018/11/23/thuy-vu-chan-de/]

Cuộc gặp gỡ này dẫn đến mối tình duyên của họ và, song song với những đứa con, khai sinh ra Nhà Xuất bản Hồng Đức rồi Kẻ Sĩ. Truyện dài Thú Hoang, xuất bản vào tháng 11.1968, có lẽ mở đầu nhà xuất bản Hồng Đức. Trong năm 1969, sau Thú Hoang, Hồng Đức còn xuất bản Phía ngoài (Huỳnh Phan Anh&Nguyễn Đình Toàn), Ngược Sóng (Bùi Kim Đĩnh), Dạ Khúc (Nguyễn Nghiệp Nhượng) và Cũng đủ lãng quên đời (Mai Thảo).

clip_image030

Một bản quảng cáo của Nhà Xuất bản Hồng Đức trên Khởi Hành
Tài liệu của Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Theo những tài liệu thu thập được tới nay, Cũng đủ lãng quên đời có lẽ là tác phẩm cuối hay gần cuối của Hồng Đức vì được kiểm duyệt vào ngày 30 tháng 4.1969 và xuất bản vào tháng 6.1969. Bởi thế có lẽ Người chồng muôn thuở –giấy phép xuất bản vào ngày 18.10.1969 và xuất bản vào tháng 11 cùng năm–là tác phẩm đầu tiên hay rất gần với thời đầu tiên của Kẻ Sĩ. Họ xuất bản các tác phẩm sau đây từ khoảng cuối năm 1969 đến 2018. Danh sách này chắc chắn còn thiếu hay không chính xác nhưng ít nhất cho chúng ta biết hoạt động của Kẻ Sĩ:

-Tháng 11. 1969: Người chồng Muôn thuở, Đỗ Kim Bảng dịch (Tô Thùy Yên viết bạt)

-1969: Khung rêu (truyện dài), Nguyễn Thị Thụy Vũ

-1970: Mù khơi (truyện dài), Thanh Tâm Tuyền

-1970: Âm nhạc lớp sáu (Đệ thất), Hoàng Lang, Nhạc Tiền chiến (Đỗ Kim Bảng),), Thềm sương mù (truyện dài) Thanh Tâm Tuyền. Riêng Thềm sương mù, tôi chỉ thấy quảng cáo, mà không tìm thấy chứng tích của nó.

-1971: Thành phố (truyện dài) Nguyễn Đình Toàn, Mơ Hương cảng (tùy bút), Vũ Khắc Khoan,

-1972: Đường chúng ta đi (tập nhạc), Anh Việt Thu, Như thiên đường lạnh (truyện dài), Nguyễn Thị Thụy Vũ.

-1973: Những kẻ sát nhân (Elia Kazan, Nguyễn Hữu Đông dịch), Trở lại thiên đường (Elia Kazan, Nguyễn Hữu Đông dịch), Bếp lửa (Thanh Tâm Tuyền, Kẻ Sĩ tái bản).

-2018: Tuyển tập thơ, Tô Thùy Yên (Hoa Kỳ)

Vài cuộc phỏng vấn và tạp bút của Nguyễn Thị Thụy Vũ phác họa thời xuất bản, sáng tác ẩn chứa thấp thoáng một chút tâm sự ngang trái:

-[…] Hiện nay tôi ngưng viết. Tôi đang lo chuyện nhà xuất bản “Hồng Đức” do tôi và anh Tô Thùy Yên chủ trương […] Tôi đang phải chạy ba chân bốn cẳng để lo kiếm nhà in, lo việc kiểm duyệt cho công việc xuất bản. Đó có lẽ là mối bận tâm lớn nhất của tôi lúc này… [Nguyễn Thị Thụy Vũ trả lời Lê Phương Chi, “Thời cuộc và Đời sống đối với công việc sáng tác”[Bách Khoa Thời đại số 292, trang 21, Ngày 1.3.1969]

Và:

-[…] Nét mặt mệt mỏi, chàng đi nằm. Tôi làm bếp cố gắng không gây tiếng động. Nhưng chàng làm sao có thể ngủ được? Con nít ở ngoài hẻm chạy giỡn rần rần, buổi chiếu nhộn nhịp hẳn lên. Chàng ngồi dậy sửa morasse. Từ khi bày chuyện xuất bản sách, chúng tôi chỉ mắc vào những việc rối rắm. Mỗi ngày tôi phải đi lại bộ thông tin, gặp những bộ mặt quen thuộc ở phòng kiểm duyệt. Rồi đó, tôi đi giao thiêp với các báo chí để lo việc quảng cáo. Còn phải dỗ ngọt cậu em chuyên việc phát hành sách do mình xuất bản. Cậu em lâu lâu trái chứng cũng làm tôi bực mình… [Nguyễn Thị Thụy Vũ, “Ngày tháng”, Tuần báo Khởi Hành, Số 33, trang 6, Thứ năm 11.12.1969]

-[…] Tôi lại nhóm bếp. Trời đã xế chiều. Tiếng xe nổ rầm rầm bên hè. Chàng đã về, mang theo một xấp bản vỗ. Vẻ mặt chàng hôm nay tươi tỉnh. Chắc là trong sở có việc gì đây. Tuy vậy mà tôi không hỏi chàng. Chàng thay quần áo. Bộ quân phục và chiếc nón lưỡi trai mắc lên trên mắc áo. Rồi đó, chàng chăm chú sửa bản vỗ cho tới khi tối mịt ngoài trời […] Noel năm nào, chàng tới nhà tôi mang theo chai Johny Walker và đêm đó chúng tôi đi chơi dưới màn trời đêm lạnh buốt, trước khi về nhà uống rượu. Lật bật mà đã bốn năm rồi. Thời gian trôi qua, lòng bình thản khác hẳn lúc tôi gặp chàng. Chàng cho là tác phẩm đầu tiên của tôi chứa chan tình cảm, còn những tác phẩm về sau khô khan. Chàng đâu có hiểu hiện giờ tôi đang ở trong cái hạnh phúc trầm lặng, cái hạnh phúc tôi cam tâm giành của kẻ khác, dù lòng tôi thỉnh thoàng xót xa, áy này…Tác phẩm thứ sáu đánh dấu một năm làm việc túi bụi của tôi […] Phải tiếp tục đeo đuổi ngành xuất bản mọc ra như nấm và sách vở tràn ngập thị trường. Với chiếc Mini Lambretta tôi tự phát hành lấy những sách của mình đã xuất bản. Tôi len lỏi vào các nhà sách trong Chợ Lớn, ngoài Sài gòn, mệt mỏi, rã rời […] Một buổi sáng bắt đầu. Tôi lại phải vùi đầu vào những công việc bận rộn. Trong đầu tôi hiện rõ những bậc thang của phòng Thông tin, tiếng máy rầm rộ ở nhà in, những chữ in trên trang giấy…[Nguyễn Thị Thụy Vũ, “Xuôi Giòng”, Tuần báo Khởi Hành, Số 59, trang 8, Thứ năm 30.4.1970]

Sự nghiệp xuất bản của Nguyễn Thị Thụy Vũ mở đầu với Nguyễn Thị Nhiên cùng Kim Anh và kết thúc với Tô Thùy Yên cùng Kẻ Sĩ.

2.2 Nguyễn Thị Thụy Vũ và Tô Thùy Yên sau 1975

Sự hợp tác giữa 2 người có chung cuộc tình duyên dở dang và hoạt động trong cùng một giới nay còn lưu lại trên các tác phẩm đã xuất bản. Sau 1975, tác phẩm và tạp chí mà họ cộng tác hay xuất bản bị cấm lưu hành hoặc tiêu hủy cho tới gần đây.

2.2.1 Nguyễn Thị Thụy Vũ

Sau 1975, bà ở lại, làm nhiều nghề: lơ xe đò, thầy bói, chăn dê vv. nuôi các con. Có lẽ Đỗ Tăng Bí (Đỗ Việt Anh-(Cựu) Giám đốc Nhật báo Người Việt) tường thuật chính xác nhất với “Thụy Vũ Chăn Dê-Một chuyến đi Lộc Ninh”. Bà thổ lộ nhiều chi tiết phản ảnh những năm tháng cơ cực nuôi con trước khi Tô Thùy Yên được thả về. Sau mươi năm tù, ông không nhìn ra cậu con đầu của hai người-một trường hợp không hiếm với nhiều người tù Miền Nam khác. Bà tự thiêu hủy bản thảo chưa kịp xuất bản. Khi Tô Thùy Yên nhập cư Hoa Kỳ với gia đình người vợ Diệu Bích, Nguyễn Thị Thụy Vũ chính thức đứt lìa một phần với quá khứ.

clip_image032

Chuồng nuôi dê của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, 2004
Nhật báo Người Việt, ngày 12.2.2004
https://rongchoicuoingay.wordpress.com/2018/11/23/thuy-vu-chan-de/

Năm 2014, khi tôi phỏng vấn, bà vẫn chưa sáng tác lại. Tôi vẫn nghĩ chưa hẳn hoàn cảnh kinh tế mà điều kiện ngặt nghèo dưới chế độ Cộng Sản mới là lý do chính đã cắt ngắn hay suy giảm cuộc đời sáng tác của nhiều nhà văn Miền Nam trong đó có Nguyễn Thị Thụy Vũ.

clip_image034

Nguyễn Thị Thụy Vũ trả lời phỏng vấn Nguyễn Tà Cúc
Tháng 2.2014
Tư gia nhà văn Văn Quang, Sài gòn

Hai năm sau, năm 2016, 4 tác phẩm của bà được Hội Nhà Văn tái bản như Nhang tàn thắp khuya:

clip_image036

Và mấy cuốn sau đây:

clip_image038

Năm 2017, 6 tác phẩm khác của bà được phép tái bản, tổng cộng 10 tác phẩm, gồm 3 tập truyện ngắn Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều mênh mông và 7 truyện dài: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên. Tôi cho thấy các hình bìa do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty TNHH Sách Phương Nam tái bản hầu đề nghị một điều: Khi tái bản, ngoài những bản thường, hãy cho in thêm trăm số hay vài chục số đặc biệt với bìa nguyên thủy của nó đã xuất hiện tại Miền Nam cùng lời giải thích đầy đủ về ngày tháng, người vẽ bìa, bao nhiêu số, giá bán…lúc đó hầu dẫn đến một tiểu sử đầy đủ hơn. Bởi thế, tôi cho thấy ảnh chụp lại từ 2 trang sách tặng để cho thấy tiểu sử của Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn còn quá thiếu. Sách báo Văn học Miền Nam càng ngày càng trở nên khan hiếm. Vòng tay học trò xuất bản sau 1975 xuất hiện với loạt trình bày cùng màu, cùng kiểu với các tác phẩm khác. Trong khi đó, 5 lần tái bản tại Miền Nam trước 1975 là 5 lần với bìa và trình bày khác nhau từ các họa sĩ hợp tác Phan Ngọc Diên, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Hạ Quốc Huy.

Theo tôi, đó là một trong nhiều cách phục hưng văn học và văn hóa Miền Nam hiệu quả nhất. Một sinh hoạt văn học không chỉ và dừng lại với tác giả. Sinh hoạt Văn học Miền Nam được phản ảnh với nội dung của tác giả nhưng phần khác, cũng phản ảnh khía cạnh nghệ thuật qua phần hình thức với bìa của các họa sĩ đương thời như sẽ đề cập đến qua phần họa sĩ Phan Ngọc Diên, hay phản ảnh tình trạng kinh tế và tiêu thụ sách qua giá bán.

2.2.2 Tô Thùy Yên

Một nửa của Nhà xuất bản Kẻ Sĩ, Tô Thùy Yên sáng tác một cách kín giấu tại Sài gòn trong và sau hơn mươi năm tù cộng thêm một lần tự tử hụt bằng cách cắt vào cườm tay. Tôi đã nhìn thấy vết sẹo ấy tại Tòa soạn Khởi Hành nhân lần ông ghé thăm Viên Linh. Sau này, ông giải thích về lần tự tử bất thành ấy:

-Tôi muốn chết vì đã bị hạ nhục tới nỗi không còn muốn sống nữa. Đã qua chuỗi ngày tưởng không còn thứ địa ngục nào sánh kịp, vậy mà vẫn còn một tầng đợi tôi.…

clip_image040

Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh chụp

Một trong những điều tôi hỏi ngày hôm đó là về Nhà Xuất bản Hồng Đức và Kẻ Sĩ vì, tuy có phương tiện sẵn sàng, ông không có tập thơ nào xuất bản tại Miền Nam. Ông trả lời vì chưa hài lòng đủ.

Tô Thùy Yên không trau chuốt lời nói, không trang sức dáng điệu khi đối mặt với thân hữu hay độc giả. Khía cạnh đó giải thích tại sao rất nhiều người quen ông từ rất nhiều hoàn cảnh– bạn tù, bạn văn, độc giả– đã bầy tỏ cảm xúc thưởng thức thơ ông. Thơ tù của ông chạm được vào nỗi đau như một người đồng cảnh ngộ, không chỉ như từ một tác giả danh tiếng.

Bề ngoài dung dị, đôi khi có vẻ lớt phớt của ông, ẩn bên trong một tình cảm hết sức chân thành với vài người quen trẻ hơn cùng giới văn nghệ, nhất là giới phê bình Miền Nam vì ông đã thử đóng cùng vai trước 1975. Từng viết tiểu luận rất sát phạt, từng “đụng độ” đến nỗi “sanh nghề tử nghiệp” vì một bài điểm sách, ông hiểu nỗi “đoạn trường” (chữ Tô Thùy Yên) của một người cần nêu ý kiến công khai về những điều suy luận từ một tác phẩm dù người đó là bạn hữu. Ông mong tôi viết về ông, nhưng nếu không viết như đã từng nhiều lần tranh luận thì thà thôi. Ông có bài thơ rất dài, chưa phổ biến, mở đầu bằng Em ơi đừng đành đoạn, đừng lặng thinh miết/Hãy nói dùm anh một đời thất sắc… không chỉ dành cho tôi mà có lẽ cho tất cả anh chị em trong ngành phê bình. Ông quan niệm người cần biết về một tác giả là độc giả “chớ chẳng phải hắn ta hay bạn hữu hoặc kẻ thù của hắn”. Sau nữa, hậu quả nghiêm trọng dành cho chính ông qua một bài điểm sách trước 1975 buộc ông chấp nhận mọi sự bất đồng ý kiến, miễn có lý do chính đáng.

Quen nhau nhiều năm, khi mặn khi lạt, cư ngụ cách xa, tôi suýt làm thất lạc tập thơ cuối, một tập gồm tất cả những tập đã xuất bản trước. Ông đề tặng người vợ Huỳnh Diệu Bích. Tôi rất mừng khi thấy tên Nhà Xuất Bản Kẻ Sĩ trên bìa dù, rất đáng tiếc, không kèm logo. Cuối cùng tôi đã có thể ghi lại các cuộc tranh luận lẫn đàm luận giữa hai chúng tôi “cho độc giả của hắn biết” như ông mong muốn.

clip_image042

Tô Thùy Yên, Tuyển tập thơ, Kẻ Sĩ xuất bản, 2018
Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh chụp
Tặng Huỳnh Diệu Bích
Từ trái sang phải:
bìa gập, bìa sau & một phần gáy sách
Tại ngũ từ 1964 đến 1975. Tù Cộng Sản 13 năm…”

 

clip_image043

Tài liệu của ký giả Đinh Quang Anh Thái, (cựu) Phụ tá Chủ nhiệm Nhật Báo Người Việt
phụ trách xuất bản Tuyển tập thơ

Thời gian “tù cộng sản” của nhà thơ/Thiếu tá Tâm lý chiến Tô Thùy Yên dài hơn thời gian “tại ngũ” 2 năm. Sau khi nhập cư Hoa Kỳ vào năm 1993, ông trở về thăm Việt Nam vài lần, cất công ra tới Hà Nội, nhưng thơ ông không được tái xuất như mong muốn, nói chi tới giấc mơ tái sinh Kẻ Sĩ. Cho tới nay, một nửa Nhà Xuất Bản Kẻ Sĩ xuống mộ cùng Tô Thùy Yên tại Hoa Kỳ.

3. Nhà văn Hồ Trường An

 

clip_image045

Hồ Trường An, chân dung, bìa sau Giai thoại hồng, 1989

Theo Hồ Trường An, ông là người giúp Kim Anh tìm được Nguyễn Thị Hoàng dẫn tới Vòng tay học trò:

-Vào năm 1966, …Bà Nguyễn Thị Nhiên, chủ nhân quán sách Kim Anh hỏi tôi: ‘Em có biết bà Hoàng Đông Phương là ai không? Bà ta ở đâu vậy? Truyện Vòng tay học trò của bà ta được độc giả đọc kỹ lắm. Nếu bà ta bằng lòng, chị sẽ mua bản quyền và cho in ra sách.’ […] Tôi có người bạn cũng là bạn của Kiệt Tấn, làm việc ở một hãng nhuộm miệt An Nhơn, thường bảo tôi bằng giọng thần phục say sưa: ‘Ở hãng tôi có một cô Nguyễn Thị Hoàng, ưa làm thơ đăng báo…'[…] Sực nhớ lời kể của tên bạn, tôi hỏi Nghiêu Đề rằng từ khi lấy chồng, chị Nguyễn Thị Hoàng làm gì? Anh bảo ‘Nghe nói chị ấy làm việc ở một hãng nhuộm trên An Nhơn, hãng Sincovina gì đó.’ […] Tôi xúi Lê Phương Chi và bà Nguyễn Thị Nhiên đi An Nhơn. Họ đã gặp nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng và chị bằng lòng bán tác quyền cho nhà xuất bản Kim Anh… [Hồ Trường An, Giai thoại hồng, trang 272-273, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 1989 (2)]

Hổ Trường An, em trai nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, tốt nghiệp Khóa 26, năm 1968. Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Ra trường, ông giữ phần vụ Trưởng ban Chiến tranh Chính trị tại hai chi khu Trị Tâm và Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương từ năm 1969 đến 1971. Sau đó, ông phục vụ tại Ban Thông tin Báo chí Quân Đoàn III và Quân Khu III cho tới cuối cuộc chiến. Trước 1975, ông đã xuất hiện trên Bách Khoa, Tin Văn, Tin Sách, Tiền Tuyến…và một số chương trình phát thanh trên Đài Phát thanh Quân Đội hay Quốc gia. Nhờ đó, ông có dịp quen biết và phỏng vấn nhiều nghệ sĩ.

Sau khi rời Miền Nam, tỵ nạn Cộng sản tại Pháp, ông được biết đến không chỉ như một nhà văn mà còn là một ký sự gia về văn học nghệ thuật Miền Nam.

clip_image047

Một vài hồi ký văn học, ký sự nghệ thuật và thơ của Hồ Trường An

clip_image049

Hồ Trường An, Hiền như nắng mới, truyện dài
Văn Khoa xuất bản, 2001

Cho tới nay, ông đã xuất bản khoảng 30 truyện dài, hơn 10 tập truyện ngắn và một tập thơ. Ngoài ra, ông đã xuất bản khoảng 20 cuốn hồi ức về văn học, về hàng trăm nghệ sĩ trình diễn gồm cả tân nhạc lẫn cổ nhạc và về điện ảnh. Nói chung, khi tác giả đã nhận tác phẩm chỉ là “ký sự” hay “ký ức”– như Ảnh trường Kịch giới-Ký ức về Điện ảnh Việt Nam (Tổ hợp Miền Đông xuất bản, Hoa Kỳ, 2012)–thì nỗ lực của ông hầu lưu lại một phần lịch sử văn học nghệ thuật Miền Nam mới nổi bật trong khi các nhầm lẫn không quan trọng dễ xẩy ra. Ông cũng không chuyên nghề phê bình nên những cuốn về thế giới cầm bút Miền Nam trước hay sau 1975, đúng như ông có lần phát biểu một cách khiêm nhượng trước đám đông hay nói riêng với tôi, chỉ nên xem như nhận xét của một người yêu văn chương từng có cơ hội gặp nhiều thần tượng.

Riêng Cõi ký ức trăng xanhGiai thoại hồng (hồi ký văn học) thì khác hẳn. Chúng chứa đựng nhiều tin tức hiếm có xẩy ra trong những buổi “tuyên giáo” và “học tập” sau 1975 dành cho văn nghệ sĩ Miền Nam của người trong cuộc. Chúng cho thấy họ không đầu hàng, thậm chí chống đối công khai.

Bởi thế, từng chứng kiến cảnh anh em bị hà hiếp, Văn học Miền Nam bị khinh rẻ, tác giả bị đòi hỏi đấu tố văn nghiệp chính mình và bạn hữu, ông trở thành một trong những nhà văn hoạt động hữu hiệu trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại qua các buổi tổ chức hội họp hoặc nhiệt thành giữ mối liên lạc giữa hội viên bằng thư từ thường xuyên. Ông chuyển thư của Nguyễn Thị Thụy Vũ cho Mai Thảo đặng phổ biến rộng rãi trên tạp chí Văn (California). Bà thuật lại sự giúp đỡ bằng hiện kim nhận được từ Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù Trần Tam Tiệp (Pháp) cho bản thân và anh chị em khác.

Ông không ngại di chuyển nhiều nơi miễn được tái ngộ bạn văn, nghệ sĩ cũng như gặp gỡ độc giả. Đúng theo một phần bản tính “Nam kỳ quấc” và văn phong “bà già trầu”, ông đặt cho mỗi bạn văn một biệt hiệu. Ông thân ái tặng tôi bí danh “Phàn Lê Huê”, người “đồng chí” trong Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Mỗi biệt hiệu phản ảnh kiến thức đa dạng của ông từ truyện đời xưa, tuồng tích Tàu Ta cho tới văn chương nghệ thuật đời nay.

(Còn tiếp)

________________________________

CHÚ THÍCH

1– “Túy Hồng giữa chúng tôi”, Mai Thảo, https://damau.org/65266/ty-hong-giua-chng-ti

2- Hồ Trường An viết nhầm hay đánh máy nhầm chữ “Sincovina” (thêm chữ “n”)– thay vì “Sicovina” hay “SICOVINA” (Société d’Industrie Cotonnière du Vietnam/ Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam–khiến có người chép nhầm theo. Vài dẫn chứng sau đây sẽ giúp chúng ta biết thêm về SICOVINA, một trong 3 công ty dệt lớn nhất Việt Nam Cộng Hòa, cung cấp vải vóc cùng dịch vụ nhuộm cho người tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sicovina còn góp phần vào việc sản xuất quân trang quân dụng. SICOVINA có 4 chi nhánh. Trong số này, các nhà máy nhuộm đặt tại chi nhánh Thủ Đức và chi nhánh An Nhơn, Gò Vấp:

clip_image002[12]

CÔNG-TY KỸ-NGHỆ BÔNG VẢI VIỆT-NAM (SICOVINA)

Nhà máy sợi-KHÁNH-HỘI/Nhà máy Nhuộm AN-NHƠN/Nhà máy Sợi Dệt HÒA-THỌ/Nhà máy Sợi Dệt Nhuộm PHONG-PHÚ

Bách Khoa, Số Xuân Giáp Dần (1974), trang 100

2.1 Công ty SICOVINA

Tiểu sử SICOVINA còn được lưu lại qua nhiều tài liệu trước 1975 như trong Textile Industry in Vietnam/ Nền Kỹ nghệ Dệt tại Việt Nam [Trần Đức Thanh Phong, khoảng tháng 4.1970]. Một phần tài liệu đó cũng được phổ biến tại Hoa Kỳ qua nguyệt san Vietnam Bulletin-A Weekly Publication of the Embassy of Viet-Nam thuộc Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ.

Sau 1975, SICOVINA vẫn tồn tại:

-[…] Kỹ sư Lâm Tô Bông là kỹ sư Việt (gốc Hoa) đầu tiên về ngành dệt, ông đã đứng lắp ráp lại các máy móc mua lại từ miền Bắc sau 1954 cho Sicovina Khánh Hội, nhà máy kéo sợi bông vải đầu tiên tại miền Nam của người Việt Nam. Ngày khánh thành (1959) tổng thống Ngô Đình Diệm có đến khen. Tiến sĩ Phạm Văn Hai là người Việt Nam đầu tiên đậu bằng kỹ sư về hóa học công nghiệp, trong đó có ngành nhuộm, đã đứng ra lắp ráp máy móc ngành hồ sợi, nhuộm do Pháp tặng, cho Sicovina An Nhơn. Sicovina An Nhơn là nhà máy đầu tiên nhuộm vải theo phương pháp khoa học […] Riêng về loại vải màu đen, Sicovina tỏ ra hơn hẳn (không bị phai màu khi ngâm trong nước). Sicovina còn tổ chức bán chịu cho các nhà tiểu thủ công nghệ tại Gò Vấp, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, nhất là những thợ đến từ Đà Nẵng, để khuyến khích sản xuất. Ngả Tư Bảy Hiền lúc đó là một bãi sình lầy, nhưng nhờ làm ăn khấm khá, gia công cho Sicovina An Nhơn, khu sình lầy đã biến thành một khu vực sầm uất. Đến năm 1975, có hơn 5.000 máy dệt với hơn 10.000 tư nhân gia công cho Sicovina. Kỹ sư Lâm Tô Bông và tiến sĩ Phạm Văn Hai hợp tác thành lập thêm nhà máy Sicovina Phong Phú, từ mua đất, đến thiết kế, lắp ráp máy móc, huấn luyện nhân viên, sản xuất thử v.v… Tiến sĩ Phạm Văn Hai là giám đốc Sicovina An Nhơn (Gò Vấp)… [https://www.thongluan-rdp.org/t-li-u/item/3314-ng-i-hoa-t-i-vi-t-nam-ph-l-c]

Một chi tiết đặc biệt liên quan đến Chiến tranh Việt Nam với SICOVINA là vải may quân trang quân phục càng phải hội đủ những điều kiện đã quảng cáo như “không co rút, không nhăn, đốt không cháy, không thấm nước, không thúi”…[Bách Khoa, số 241-242]

2.2 Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng làm việc tại Chi nhánh nhuộm An Nhơn, Gò Vấp

Trước đây, khi viết về công ty này, tôi đã được độc giả hỏi về vị trí địa lý của thị xã An Nhơn vì Bình Định cũng có thị xã An Nhơn. Hồ Trường An chỉ viết “hãng nhuộm trên An Nhơn, hãng Sincovina gì đó”. Theo tôi, “hãng nhuộm An Nhơn” này chỉ có thể là An Nhơn thuộc Gò Vấp theo một trong nhiều tin tức sau đây.

SICOVINA đặt “văn phòng liên lạc tạm thời” tại Nhà Máy Nhuộm SICOVINA An Nhơn, Gò Vấp khi thông báo nhận hàng vào ngày 1 tháng 5. 1967 theo quảng cáo đăng trên Bách Khoa, số 241-242, tháng giêng, 1967. Thời đó, công ty sợi-dệt-nhuộm này có khoảng 4 chi nhánh nhưng không chi nhánh nào tại Bình Định, theo như tôi biết, với các tài liệu tổng hợp thượng dẫn: Đà Nẵng (Sợi), Phong Phú/Thủ Đức (dệt và nhuộm), An Nhơn (nhuộm) và Khánh Hội (sợi). Về mặt chiến thuật, một chi nhánh của công ty dệt nhuộm vào hàng lớn nhất Miền Nam, cung cấp một phần vải vóc cho cả nước và một phần quân trang cho quân đội VNCH thì rất khó được đặt ở một vùng chiến tuyến vẫn bị coi là một trong những vùng “xôi đậu” như Bình Định. Chứng cớ là những con số do Trần Đức Thanh Phong đưa ra qua 3 năm gồm 1967, 1968 (năm Mậu Thân, các nhà máy bị tàn phá hoặc bị ảnh hưởng nặng) và 1969. Nhà máy nhuộm An Nhơn hoàn thành 11 triệu mét vải vào 2 năm 1967 và 1969, nhưng chỉ nhuộm được 6 triệu mét vải vào năm 1968 (Trần Đức Thanh Phong, “Table 2-“Major Textile Firms in the Republic of Vietnam/Annual Production: 1967-1969 (yarns in kilos, fabrics in meters)”, sđd)

bài đã đăng của Nguyễn Tà Cúc

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

  • Nguyễn Tà Cúc says:

    Trước hết, về Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ, cảm tưởng của độc giả quả không oan lắm. Tôi không dám nói hết nhưng cuốn Khung Rêu (Nguyễn Thị Thụy Vũ) có mắc lỗi chính tả, một loại lỗi lập đi lập lại nhiều lần chỉ vì sai dấu ngã thay vì dấu hỏi. Ngược lại, nếu nhớ không lầm, các cuốn của Nguyễn Đình Toàn và Đỗ Kim Bảng lại khá hơn. “Các nhà xuất bản khác”, rất chính xác như Hồ Thanh Nhàn nhận xét, (thí dụ như, theo ý tôi, Lá Bối, Cảo Thơm, An Tiêm, Nguyễn Đình Vượng vv.) đã rất hoàn hảo trong việc trình bày và in ấn.
    Nhân thể, tôi cũng xin đính chính một lỗi trong phần địa chỉ của Nhà Xuất bản Kim Anh. Họa sĩ Phan Ngọc Diên báo cho biết “1049 Trần Hưng Đạo, Sg” không phải địa chỉ của nhà xuất bản mà là tư gia của bà Giám đốc. Quán sách Kim Anh–và nhiều quán sách khác–nằm trên một quãng đường ngắn sau lưng bức tường Bộ Công Chánh thời xưa.
    Ngoài ra, xin bổ túc vào phần xuất bản của Hồng Đức:
    Ánh lửa đêm tù [Duyên Anh, 200 trang, 110 đồng, tháng 4.1969]
    Trân trọng cảm ơn độc giả Hồ Thanh Nhàn và anh Phan Ngọc Diên đã góp ý.-

  • Hồ Thanh Nhàn says:

    Sách do nhà xuất bản Kẻ Sĩ mắc nhiều lỗi chính tả so với những nhà xuất bản đương thời!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)