Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Phê Bình, Tư Liệu, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Một Bức Ảnh, Bảy Nhân Vật: Nhà Xuất Bản Kim Anh trong Tình Cảnh Xuất Bản tại Miền Nam (Kỳ 3)

clip_image022_thumb.jpg

 

5. Họa sĩ Phan Ngọc Diên

5.1 Một họa sĩ độc lập

Tôi quen rất tình cờ với họa sĩ Phan Ngọc Diên từ cuối năm 1996, khi Viên Linh và tôi vừa bắt đầu làm tạp chí Khởi Hành. Một buổi chiều muộn, tôi sửa soạn khoảng 700 tờ báo, chứa trong những bao plastic màu đen, trở về thành phố cư ngụ cách Tòa soạn tạm thời độ nửa giờ đồng hồ. Hồi đó, báo đều được gửi hạng nhất. Phan Ngọc Diên có mặt trước khi tôi đến. Ông đứng ngay dậy, niềm nở giúp tôi khệ nệ mang báo ra xe.

Dần dần, tôi sẽ có lý do gặp thường xuyên vì ông thành nhiếp ảnh gia không chính thức, phụ trách chụp ảnh cho những buổi sinh hoạt Khởi Hành. Không những gia công chụp, ông còn rửa thành ảnh tặng chúng tôi. Tôi còn giữ được hình ảnh nào của Khởi Hành, nhất là trong giai đoạn đầu tiên, phần lớn nhờ ông. Gặp đã tình cờ, trở thành thân hữu đã tình cờ mà khám phá được ông chính là người họa sĩ đã vẽ logo cho Nhà Xuất bản Kim Anh và Nhà xuất bản Đại Ngã còn quá sức tình cờ nhưng không kém phần kinh ngạc.

Tôi thường tâm sự với nhóm bạn thân về các chủ đề dự định. Khi nói về bức ảnh kết hôn giữa Thanh Nam và Túy Hồng, rồi Nhà xuất bản Kim Anh, tôi không ngờ người bạn suốt một phần tư thế kỷ lại chính là họa sĩ giúp lưu lại chứng tích tại một thời Văn Học Miền Nam qua nhà xuất bản đó.

Phan Ngọc Diên quê quán tại Nam Hải, Quảng Đông, nhưng sinh quán tại Phố Hàng Buồm, Hà Nội. Di cư vào Nam, ông theo học trường Lasan Taberd, ra trường sau khi đỗ Tú Tài vào năm 1963. Tôi cứ đùa ông là một người Trung Hoa trong lòng Chợ Lớn (T’ai Ngon– Gontran de Poncins) trong suốt thời Việt Nam tưởng như còn hòa bình, như nội dung cuốn sách D’ une ville chinoise/From a Chinese City/ Từ một thành phố Trung Hoa của Gontran de Poncins. Tác giả cũng nói được tiếng Trung Hoa như Phan Ngọc Diên, và đặc biệt tự vẽ hình ảnh cho những cuộc lữ ghi lại trong nhiều tác phẩm mà D’une ville Chinoise (1955) là một.

Chắc chắn ông cũng như tôi đã có nhiều lần vào Chợ Lớn, thành phố mà de Poncins đã miêu tả như một thứ hải đảo văn hóa, dù bao thay đổi vây quanh, vẫn giữ được truyền thống. Cũng theo de Poncins, khi Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã biến hình theo cuộc cách mạng “long trời lở đất”, những thành phố như Chợ Lớn vẫn giữ được tinh thần và truyền thống của một Trung Hoa cổ kính (4). Tôi đoán nền văn hóa Trung Hoa không bao giờ tàn lụi ấy chắc chắn ảnh hưởng đến sự nghiệp vẽ của ông sau này.

Ông gửi một bài thuật lại phần nào tiểu sử khi tôi hỏi ông về hành trình trở thành một họa sĩ:

-[…] Nỗi đam mê về thơ và vẽ đã đeo đuổi, nhưng tôi vẫn không có cách gì để được học hỏi nhất là môn Hội hoạ. Bởi bà Mẹ không thích tôi theo nghề vẽ. Thập niên 1960, hầu như tháng nào cũng có những cuộc triển lãm tranh ở Phòng Thông Tin Saigon, xế ngang với Quốc Hội và đối diện với nhà hàng Continental. Tôi không bỏ sót những kỳ treo tranh triển lãm này. Ngoài ra còn hai nơi nữa thường triển lãm tranh của các họa sĩ là Alliance Francaise và Trung Tâm Văn Hoá Pháp. Sau này năm 1968 tôi đã trưng bày tranh triển lãm riêng một mình tại đây với Chủ đề là Tinh Thần Đông Phương. Mỗi khi đi coi tranh như thế tôi vẫn tự hỏi đến bao giờ tôi mới vẽ và được triển lãm như những hoạ sĩ này? […]

Cho đến năm 1960, trường tiểu học Nguyễn Thái Học–bên cạnh rạp ciné Đại Nam, đường Trần Hưng Đạo–có mở những lớp cho người lớn tuổi là Bách Khoa Bình Dân. Tôi thấy có lớp Vẽ Quảng Cáo lại do Giáo Sư Nguyễn Sao, người đang dậy ở Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon phụ trách. Tôi thích thú tin rằng mình đã gặp được người dạy vẽ chính thống và là một họa sư thứ thiệt. Lúc đó tôi chưa đủ 18 tuổi, mà những lớp Bách Khoa Bình Dân này đòi hỏi học viên phải 18 tuổi trở lên mới được nhận theo học. Tôi bèn về cạo sửa tờ khai sinh để tăng thêm hai tuổi cho đủ tiêu chuẩn học lớp Vẽ Quảng cáo […] Trong thời gian đó có cuộc triển lãm lớn gồm nhiều họa sĩ tham gia cũng ở tại Phòng Thông Tin Saigon đường Tự Do. Tôi đặc biệt thích thú tấm tranh của Lê Chánh vẽ cậu bé âu yếm ôm con trâu vào lòng rất đặc sắc với màu xanh dịu dàng bằng nét vẽ quá sức độc đáo. Tôi vào lớp nói chuyện với mấy anh bạn về cuộc triển lãm thì một tối kia đang giờ học, một anh bạn qua bàn tôi đang vẽ cho biết là người đang nói chuyện với Thày Nguyễn Sao là họa sĩ Lê Chánh đó. Tôi chờ cho câu chuyện xong và chạy đến làm quen với Lê Chánh ngay.

Từ đó tôi thường đạp xe đạp đến nhà Lê Chánh ở cuối đường Bàn Cờ gần giáp với đường Phan Thanh Giản để học vẽ với anh. Thời gian này Lê Chánh đã bỏ ngang xương không học tiếp ở Cao Đẳng Mỹ Thuật nữa mà lo chạy kiếm tiền và vẽ tranh. Lê Chánh đã chỉ dẫn rất tận tình cho tôi về căn bản của Hội Hoạ cũng như về bố cục, đường nét, màu sắc trong một tấm tranh sáng tác. Rồi lại thực tập vẽ phác thảo trong tập vẽ dày với đủ mọi thứ như đồ vật thấy trước mắt hoặc động tác của con người trong mọi cử động: đi, đứng và ngồi vv. Lại còn thực tập bằng cách đi vẽ cảnh ở ngoài trời như tại Sở Thú hoặc một góc chợ bên con sông Thị Nghè để vẽ cảnh thuyền bè sông nước vv. […] Tôi cũng chỉ được học với Lê Chánh một thời gian ngắn vì lúc đó chuẩn bị thi Tú tài, còn Lê Chánh thì bận rộn khi được hợp đồng vẽ tranh in sách cho học sinh Tiểu và Trung học do Trung Tâm Học Liệu phát hành. Cùng lúc Lê Chánh rục rịch bị động viên vào quân đội.… [Phan Ngọc Diên, Họa sĩ Lê Chánh]

Năm 1968, 24 tuổi, Phan Ngọc Diên trở thành họa sĩ trẻ, rất trẻ, được Trung Tâm Văn Hoá Pháp không những tổ chức mà còn bảo trợ cho buổi triển lãm riêng với tiệc trà, một danh dự mà chỉ có những họa sĩ thành danh mới có. Ông hoàn toàn không ngờ vì không hề quen biết ai từ giới vẽ tranh đến giới tổ chức triển lãm. Thành đạt đầu tiên này sẽ đưa ông vào thế giới hội họa hằng mong ước và tiếp tục cho tới nay.

clip_image002

Phan Ngọc Diên, Triển lãm tranh
Tinh thần Đông Phương/ L’esprit d’Orient
Từ trái sang phải: anh Nguyễn Thanh Phong, Phan Ngọc Diên, anh Thiếu úy Hầu
Trung Tâm Văn hóa Pháp, Sài Gòn, 1968

clip_image004

Bên trong phòng triển lãm

Sau đó, trong một cuộc triển lãm chung với 60 họa sĩ khác vào khoảng năm 1973-1974, bức Thành phố trong trí tưởng được Bộ Trưởng Ngô Khắc Tỉnh mua với giá 80 ngàn đồng. Ông cười, cho biết bị đánh thuế kiệm ước 10 ngàn đồng! Ông giao du không nhiều nhưng không phải ít với giới văn nghệ thời đó, từ Du Tử Lê tới Nguyên Vũ…vv. Thường qua lại mua sách báo tại quán sách Kim Anh, ông đủ quen biết để thay thế Lê Phương Chi. Đó là lúc Nhà Xuất bản Kim Anh chính thức có logo.

5.1.1 Hợp tác với Nhà Xuất Bản Kim Anh

Phan Ngọc Diên, sau khi thay thế Lê Phương Chi, vẽ logo, bìa và trình bày sách cho Nhà Xuất bản Kim Anh thí dụ như Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng hoặc Vết thương dậy thì, Túy Hồng:

clip_image006

Túy Hồng, Vết thương dậy thì, 1967
Bìa & logo & Trình bày Phan Ngọc Diên
Tài liệu của Diễn đàn Việt Messenger

Trong khi đó, ông cũng vẽ tranh bìa và trình bày cho bạn hữu như Nguyên Vũ với Nhà Xuất bản Đại Ngã.

5.1.2 Hợp tác với Nhà Xuất bản Đại Ngã

Tôi có cảm tưởng Vòng tay lửa IV (Nguyên Vũ, Nhà Xuất bản Đại Ngã) có giấy phép xuất bản vào ngày 6 tháng 11. 1969 là cuốn cuối cùng của giai đoạn không có logo của Phan Ngọc Diên. Logo này chỉ xuất hiện bắt đầu từ cuốn Uyên buồn, có giấy phép xuất bản vào ngày 20 tháng 11. 1969. Tôi xin trân trọng cảm ơn quý bạn điều hành Diễn đàn Việt Messenger không những đã cho phép sử dụng mà còn cung cấp cho tôi tài liệu của quý Diễn đàn:

clip_image008

Nhà Xuất bản Đại Ngã
Logo của Phan Ngọc Diên, ngày 20, tháng 11.1969
Tài liệu của Diễn Đàn Việt Messenger

 

clip_image010

Nguyên Vũ, Uyên buồn
Bìa & Trình bày Phan Ngọc Diên, Nhà Xuất bản Đại Ngã
Tài liệu của Diễn Đàn Việt Messenger

Sau đây là 2 tác phẩm khác do Phan Ngọc Diên trình bày:

clip_image012

Nguyên Vũ, Tiếng hát nhân ngư
Nhà Xuất bản Đại Ngã, Tháng 1.1970
Bìa Nghiêu Đề-Phan Ngọc Diên trình bày
Tài liệu của Diễn Đàn Việt Messenger

clip_image014

Nguyên Vũ, Sau bảy năm ở lính
Nhà Xuất bản Đại Ngã, Tháng 3.1970
Bìa Nghiêu Đề-Phan Ngọc Diên trình bày
Tài liệu của Diễn Đàn Việt Messenger

Phan Ngọc Diên vượt biển sang Hoa Kỳ năm 1978 cùng gia đình, cùng người vợ đã và sẽ chia sẻ cuộc đời của một họa sĩ từ và đã ra khỏi Miền Nam.

5.2 Phan Ngọc Diên sau 1975

5.2.1 Phan Ngọc Diên và chân dung bạn hữu

Ông không còn vẽ tranh sơn dầu thường xuyên như trước, nhưng vẫn tiếp tục như thí dụ dưới đây:

clip_image016

Phan Ngọc Diên, Những ai còn bóng (mực Tàu, 1996)

Ông vẽ Những ai còn bóng vào khoảng 1996. Tôi có cảm tưởng chứng kiến một tập thể đang di động, có người vững chãi tự tin, có người chuệnh choạng khuỵu thấp, có người ngẩng mặt chăm chú, có người ngoái lại, nhưng tất cả vẫn tiến về phía trước. Bức tranh toàn vẹn từ hình tại bìa trái qua tới hình không toàn vẹn tại bìa phải cho thấy tập thể này đang chuyển bước. Một mặt trời nhập nhoạng với mấy đám mây ảm đạm ngáng trên đầu. Trong tập thể đó, ai còn giữ được, ai đã đánh mất cái bóng của mình? Ai giữ được nên có thể đứng thẳng, ai vẫn loay hoay cúi xuống kiếm tìm cái bóng đã thất lạc? Ai cũng cúi xuống, nhưng không để cho mình mà giúp người khác tìm lại chiếc bóng thất tung của họ?

Sau lần trở về Việt Nam thăm họa sĩ Lê Chánh, ông bắt đầu vẽ chân dung, bắt đầu với chính Lê Chánh bằng họa danh mới “Phan Diên”:

-[…] Trở về Mỹ sau chuyến đi năm 1998, tôi đã vẽ chân dung Lê Chánh qua tấm hình chụp, tôi đã tìm được vài nét phá phách trên chân dung của anh mà tôi rất thích thú, vẫn giữ nét vẽ này cho đến bây giờ. Khi tôi chuyển tấm chân dung đến tay Lê Chánh lại là lúc anh đang nằm nhà thương ở Saigon. Lê Chánh đã thật sự thích thú với tấm chân dung tôi vẽ tặng anh và tuyên bố: ‘Khi nào tôi chết, lấy cái chân dung này để thờ, vì Phan Diên vẽ tấm này đã lột được hết cái thần của tôi.’ [Phan Ngọc Diên, sđd]

clip_image018

Lê Chánh, Phan (Ngọc) Diên vẽ, 1998

Ông vẽ nhiều chân dung khác, như bức Tạ Tỵ:

clip_image020

Tạ Tỵ, Phan (Ngọc) Diên vẽ, 1998

Tôi cũng được nhìn thấy bức Hoàng Khởi Phong tại một quán ăn tại Little Sài gòn. Lối vẽ chân dung đã có nhiều họa sĩ đàn anh đi trước như Tạ Tỵ, như Duy Thanh vv. Tạo được một nét vẽ riêng không dễ, nhưng Phan Ngọc Diên đã làm được.

Ông sử dụng nét và khoảng đen uyển chuyển thay cho nét thẳng và khoảng cứng, nhắm tạo một sức mạnh có chiều thẳm qua chi tiết đậm đặc. Nếu không đủ bản lãnh, bức họa sẽ thành rườm rà. Dưới nét vẽ Phan (Ngọc) Diên, chúng níu tôi vào thế giới của đối tượng. Bức Tạ Tỵ là một thí dụ: đó là một Trung tá Tâm lý chiến của Đáy Địa ngục (hồi ký về mươi năm tù cải tạo), đồng thời cũng của một họa sĩ nhìn thấu và hãnh diện với sự nghiệp mình. Tôi biết Tạ Tỵ rất hài lòng khi hỏi tôi cũng có biết “Phan Diên” là ai không.

Tôi không hề ngạc nhiên khi được biết ông đã vẽ chân dung Thi, Họa sĩ PHAN DIÊN từ năm 1997:

clip_image022

Tạ Tỵ vẽ Phan (Ngọc) Diên, 1997

Phan Ngọc Diên làm thơ hồi rất trẻ. Đôi lúc tôi tự hỏi, Phải chăng vì chiến tranh mà thế hệ của ông hay trước đó đã trưởng thành rất nhanh, từ văn học đến quân đội? Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh vv đều có thơ đăng rất sớm, khoảng 16, 17 tuổi. Những người bạn lính cấp Tá của tôi khi bị bắt hay tử trận vào năm 1975 đều chưa đầy bốn mươi để có thể tự thán Tuổi bốn mươi rồi, thương lắm thay! (Thanh Nam). Phan Ngọc Diên làm bài thơ này lúc chớm 18 tuổi:

Cúi đầu

Cây cúi đầu thương lưng chừng giấc ngủ
Nắng xua về chưa đủ ấm trong hồn
Thể xác điên cuồng-nhạc khúc truy hoan
Rồi mệt mỏi cố quên mình lận đận.

Đem ảo ảnh dấu thân hình mỏng phận
Đã xa rồi-thôi ngước mắt đăm chiêu
Đã qua rồi-sao dĩ vãng còn theo
Ôi mặc cảm quãng đời vừa khâm liệm.

Tương lai còn quá tầm tay bịn rịn
Sao dửng dưng đeo đuổi mộng công danh
Đời lênh đênh từ ước mộng viễn trình
Sao chẳng nhận lại quay mình chối bỏ.

Thân du mục bám dấu giầy chân nhỏ
Chiều trên vai quá khứ lạnh trong hồn
Người bỏ đi tôi khoác áo cô đơn
Về xứ lạ cố quên đời tủi nhục.

Thuở còn yêu nhau-lòng khô củi mục
Đường một chiều lá rụng lại mưa bay
Đi hai chiều mà tay lại cầm tay
Có ai ngỡ mình gặp nhau lần cuối.

Thôi nước mắt lưng chừng về dự hội
Thương trong hồn song chẳng thốt trên môi
Người bỏ đi kỷ niệm cũng xa rồi
Tôi trở lại con đường xanh bóng lá.

Cây cúi đầu khơi lưng chừng giấc ngủ
Nắng xua về mà lạnh giá lưng hồn
Nhỡ mai này tao ngộ nhớ nhau không
Hay chỉ thoáng những tia nhìn xa lạ.

Phan Ngọc Diên, 1962

5.2.2 Phan Ngọc Diên và tạp chí Khởi Hành-Hoa Kỳ

Phan Ngọc Diên đã đọc và biết đến Khởi Hành trước 1975–có một quảng cáo…hụt ngay trên Khởi Hành số 53 vì ông không vẽ bìa cho Qua hình bóng khác— nên khi Khởi Hành tái xuất hiện tại Hoa Kỳ, ông giữ mối giao tình bằng cách có mặt và tham dự cũng như đã tham gia cùng nhiều tổ chức văn nghệ khác.

clip_image024

Khởi Hành số 53, trang 12, ngày 14.5.1970
Quảng cáo hụt cho Phan Ngọc Diên
Tài liệu của Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc

Sở dĩ có quảng cáo hụt này vì ông quen nhà thơ Du Tử Lê ngay từ những ngày đầu thời Du Tử Lê xuất bản sách:

-[…] Khi ra đến tập thơ Tay gõ cửa đời anh viết tặng tôi: “Tay gõ cửa đời Phan Diên”. Cũng thời gian này, tôi cộng tác với Nhà Xuất bản Đại Ngã của Nguyên Vũ, phụ trách trình bày bìa, Du Tử Lê thành lập Nhà Xuất bản Khai Phóng và in truyện đầu tay của anh Qua hình bóng khác. Tôi cũng chỉ một vài mánh lới cho anh về in ấn để nhà in không thể in thêm được khi sách bán chạy. Khi tặng sách cho tôi, anh viết: “Của mày đó Phan Diên.” Sau này nữa, bao giờ anh cũng trang trọng viết: “của bạn tôi Phan Diên.” [Phan Diên, “Du Tử Lê: Một thời nhớ lại,”ngày 24.10.2002]

Như vậy, Khởi Hành-Hoa Kỳ không phải nơi chốn duy nhất mà Phan Ngọc Diên đã tới với bản tính hào phóng, lòng thân hữu và dĩ nhiên, bị nhờ chụp ảnh. Ảnh của ông có chất nghệ thuật hơn hẳn người thường … như tôi. Cũng chính vì thế nên ông thường không có mặt trong ảnh. Đây là bức có ông và, hiếm hơn nữa, lại có cả Hồ Trường An, một thành viên khác của Nhà Xuất bản Kim Anh:

clip_image026

Từ trái sang phải, California, 2012
Hàng trước: Thái Thủy, Nguyễn Đình Toàn, Thành Tôn,Hồ Trường An, Viên Linh, Nguyễn Tà Cúc
Hàng sau: Bà Nguyễn Đình Toàn, Phan Ngọc Diên, nhạc sĩ Trọng Nghĩa

Mỗi lần gặp lại Phan Ngọc Diên hay chứng kiến nhiều văn nghệ sĩ xuất thân từ Văn nghệ Miền Nam như Mặc Đỗ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Cao Tiêu, Mai Thảo, Hà Huyền Chi, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Phan Nhật Nam vv viết, vẽ, làm báo vv., tôi lại có cảm tưởng bất di bất dịch là cộng đồng văn nghệ Miền Nam tạo thành tại đây, tại ngoài nước, đã giữ được bản sắc hầu như bất biến của Miền Nam trước 1975, chỉ tiếp tục xa hơn. Điều đó không nhờ phép lạ, chỉ nhờ vào nghệ thuật và những giá trị truyền thống mà họ mang theo từ quê hương, như Gontran de Poncins đã nhận xét về Chợ Lớn (5):

-[…] Một trong những hiện tượng hiếu kỳ của thế giới hiện đại là, trên thực tế, bản sắc địa phương và phong tục cũ, tuy đang bắt đầu biến mất tại một số quốc gia, nhưng vẫn tồn tại nguyên vẹn trong một “thuộc địa”, thường thường tại một vùng xa xôi. Tại đây, bởi nỗi hoài cổ hoặc bởi nguồn gốc trung thành sâu xa với đất nước mẹ, “thuộc địa” đó đã duy trì biệt sắc địa phương và phong tục cũ một cách bướng bỉnh… (sđd, trang 7)

Phan Ngọc Diên đã vẽ và làm thơ trước 1975 và tiếp tục vẽ và làm thơ sau 1975 với sự bướng bỉnh mang theo từ phần đất ông sinh trưởng cùng những giá trị thụ hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa và Miền Nam.

(Còn tiếp)

___________________________________

Chú thích:

4.&5. “Though Cholon–or T’ai Ngon, as the Chinese call it–is at present part of Vietnam, it is nonetheless Chinese. While the China of Mao Tse-tung is being radically transformed, Cholon has retained the spirit and traditional forms of ancient China. One of the curious phenomena of the modern world is the fact that local color and old customs are beginning to disappear in certain countries, though they survive intact in a “colony,” often a remote one, which, whether out of nostalgia or deep rooted fidelity to the mother country, has stubbornly conserved them…”[Gontran de Poncins, From a Chinese City (Bernard Frechtman dịch sang Anh ngữ từ bản Pháp ngữ), tr. 7, nhà xuất bản Doubleday, New York, 1957]

bài đã đăng của Nguyễn Tà Cúc

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)