Trang chính » Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

đẻ sách – chương 3: diễn đàn tóc (kỳ 3)

0 bình luận ♦ 19.10.2018

[Trích tiểu thuyết châm biếm Đẻ sách, Người Việt Books 2018]

Như những kẻ sau một cuộc làm tình đắc ý, các ngón tay Nhà thơ Tự-ăn-tóc đã ngủ yên. Mặt trời có lúc ngủ yên cơ mà! Các trang giấy không hiểu sao cũng lây theo, thẳng đuỗn ra cả. Nhà thơ Tự-ăn-tóc bắt đầu đọc với sự hỗ trợ nhiệt thành của lưỡi.

Như thường lệ, lưỡi luôn tận tụy với bất kỳ những gì không là nó. (Lưỡi chỉ phản bội lưỡi mà thôi!). Không sao. Hiện tượng tận tụy nào đó của kẻ bản chất không trung thành rất cần cho các thi sĩ. Lưỡi là gì? Lưỡi, thực ra, là cái bút của thân thể lên trang đời. Bút và các phương tiện tương tự trước và sau nó – từ cây que, lông ngỗng đến mouse – xét cho cùng là các biến thể lưỡi. Có thể Ezov xưa cũng muốn nói vậy, nhưng tiên sanh dành lời hay cho hậu thế. Nhưng chắc chắn Albert Camus chưa thủng điều này, nên đã khóc hoài khóc hủy cho thời đại của mình rằng diễn ngôn bị phản bội, rằng con người trở thành Người thông qua ngôn từ thế mà ngôn từ cũng chẳng nhân đạo gì, chưa nói tới thánh thiện, khi chúng cũng tha hóa đến mức đồ vật hóa rồi thú vật hóa, đến mức kiệt quệ ý tưởng để rồi cuối cùng phản bội lại và cầm tù chính con người bằng sự trung gian mờ đục. Ha ha ha, thưa nhà ông văn hào, nếu không với “sự đánh đĩ ngôn từ” thì trên đời này chỉ có văn xuôi dành cho các chính khách và các nhà giảng đạo! Nếu ngôn từ cũng đá hóa trong khoản thủy chung như Hòn Vọng Phu thì văn xuôi, tiểu thuyết chỉ có ở nhà xác, còn văn vần hoàn toàn không có chứ đừng nói tới thi ca. Kịch mang thân thể văn xuôi đấy, nhưng với con tim thi ca. Thoạt kỳ thủy, thơ ra đời rất lâu trước khi có các câu chuyện kể, ấy là nhờ cái trung chuyển mờ ảo của ngôn từ qua đó con người nhìn nhận và cảm giác thế giới, cũng như thay đổi thế giới. Của đáng tội, ngôn từ do người tạo ra và làm cho con người khác con vật tới mức ngôn từ được coi là một trong các nhân tính.

Kể cũng tức thật! Thà cứ như loài vật, không có Chùa Một Cột Hà Nội nên cũng khỏi bị vụ Tòa nhà tháp đôi New York; yếm đào không trễ xuống thì hỏa tiễn liên lục địa đã chẳng thể bay lên. Loài vật không tình yêu và thù hận, loài vật khỏi cần khủng bố và chống khủng bố. Nào đâu có luật pháp nhà tù, chúng cần dân chủ tự do làm gì nhỉ? Nhưng, loài vật có cần thi ca không ạ?

Đó là các điều Nhà thơ Tự-ăn-tóc của chúng ta muốn chia sẻ lắm, nhưng người đang bị cái lưỡi của mình hối giục như đe dọa: Nếu phát biểu các điều sau đây chậm trễ, các ngón tay thức dậy và sẽ ghen với hai ngón tay tháp bút của Chị Hoài.

– Muộn hay là không! Đã đến lúc mời Diễn Đàn Tóc theo Nguyễn Tuân săm soi lại Tóc Chị Hoài:

“Thể đến cái lòng yêu đẹp, muốn gần gũi cái đẹp, hiểu đến cái tình lành của tôi và luôn thể muốn cho tôi được thỏa thê ở cặp mắt đang cầu khẩn – Chị Hoài vốn là người tinh ý lắm, – chị giả vờ kêu mỏi, ngả lưng xuống chiếc giường rủ buông nửa lá màn the màu trứng sáo. Chị Hoài nằm xuống để cho tôi được thấy rõ mớ tóc. Chị vốn tự biết rằng tất cả cái đẹp ở người chị đều kết tụ vào một mớ tóc mây. Chị Hoài có một lối nằm nghiêng mặc cả áo dài mà tôi tin rằng không thiếu phụ nào ở cái thời này bắt chước được. Nằm rất nũng nịu mà không hớ hênh, cũng như đã nhiều lần, chị làm dáng, làm đỏm mà vẫn không ra ngoài nét đoan trang, buồn mà không tẻ, vui mà không ồn, và lúc phải thô thì không tục. Có cái tài nhất là Chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuôi xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Rồi mớ tóc mây dài như một sải rưỡi ôm lấy gáy, ấp lấy bả vai. Cái người nào trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì làm định.

Trong phòng, không một tiếng động. Tôi giở sách ra đọc. Cứ hết mỗi trang, ngước lên, tầm mắt tôi lại hạ đúng vào cái mớ tóc soai soải. Hai ngón tay tháp bút Chị Hoài đang vuốt xuôi những sợi tóc và giả vờ tuốt trứng chấy, lúc thưa, lúc mau. Tôi không nói gì. Người chị đẹp đang xoay mặt vào phía trong ấy cũng không nói gì. Chỉ có tôi đang nói chuyện với một mớ tóc mây. Chỉ có hai ngón tay Chị Hoài đang nói chuyện với những sợi chỉ tơ thâm một mớ tóc xõa. Gian nhà có hai người, lặng mà không vắng.” (1)

– Tôi phản đối! Phản đối! – Người Bị-ăn-tóc nức nở, muốn chồm ra khỏi chỗ ngồi trước bàn tròn. (Số là vì một lý do riêng, người bị vít chặt vào ghế.)

Kịch tác gia Ăn-tóc vẫn tỉnh khô. Đúng là lưỡi gọi lưỡi. Theo gương Nhà thơ Tự-ăn-tóc, lưỡi kịch tác gia làm việc mê mải. Cũng để chuộc tội thay cặp mắt tội lỗi chăng, cái cặp mắt đang vô hồn trong khi các cựu nhân tình già trẻ của nó còn yên giấc?

– Sự kiểm soát về mặt ngôn từ giữa con người với con người nói chung, nhất là ở các trường hợp tuổi vị thành niên hay trong quan hệ phu thê, cho đến nay vẫn được văn giới chấp nhận. Văn học không hẳn là loài ích kỷ khổng lồ. Văn học chỉ thực sự khó chịu khi những cơ chế tôn giáo, cộng đồng, chính quyền và đảng phái áp dụng các phép soi mói lông tóc vào lời chữ văn sĩ. Cái lưỡi, cây bút và “con chuột” nơi nhà văn chịu đựng được hai sự săm soi, của độc giả và của thời gian. Mượn diễn đàn hôm nay, tôi bộc bạch: Thiệt tình, nền kịch nghệ phi lý của tôi không có độc giả; tức là kịch phi lý không có Thượng đế hữu hình. Với tôi – chắc cũng vậy với các nhà phi lý khác – linh hồn sự phi lý là tự nguyện không chia sẻ, là sự tự báng bổ và tự khước từ bảng giá trị con người. Gần giống như con sông Đuống của Hoàng quân “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, cái nhân tính của nghệ thuật phi lý nằm cong cong trong ý nghĩa “tự” của nó. Nếu những tuyệt vọng, vô phương, bi quan mà bị bắt buộc thì nó hết còn phi lý! Khi ấy ta có sân chơi của giới văn sĩ “có lý”, dù văn sĩ “có lý” ăn thịt đồng loại hay không ăn thịt đồng loại. Tức có nghĩa, nghệ thuật phi lý là nghệ thuật của sự được thất bại; còn nghệ thuật không phi lý thuộc về sự bị thất bại.

(Mở ngoặc #1: Hỡi các đồng nghiệp không phi lý, tôi không hề có ý khen chê sân chơi nào có lý hơn sân chơi nào. Nghệ thuật nào cũng có lý của nó, miễn là nghệ thuật của chân lý. Tất nhiên, tôi biết sẽ có những người muốn ví von theo cách tức cười và dễ dãi rằng, chủ nghĩa có lý là chân phải của chân lý, còn chân trái của chân lý thuộc về chủ nghĩa phi lý. Thì đấy là việc tức cười và dễ dãi của những người dễ dãi và tức cười. Nói thêm: Như ở chương 2, ăn chân những người tỵ nạn, chúng ta đã biết về chủ nghĩa Mút bàn tay Này bàn tay Kia, ở đây vấn đề phải hay trái chỉ có giá trị đạo đức và chính trị; về mặt hình học và triết học, trái hay phải đều mang tính tương đối và chúng thường đổi chỗ cho nhau những khi loài người lơ đãng. Chúng tôi – những chiến binh ở mặt trận phi lý – không khi nào làm những kẻ ở không để tranh giành chân trái chân phải của chân lý; và chúng tôi vững tin các đồng nghiệp có lý cũng vậy, nếu như họ còn muốn xung trận trên chiến trường có lý của mình. Chốt lại: Động tác tôi đang làm chỉ là biệt khu các sân chơi cho rành mạch, đỡ lóa mắt khán giả các loại và các cầu thủ hạng thấp. Đóng ngoặc #1).

Tóm lại, nhờ phi độc giả, văn hóa phi lý chúng tôi đã được giảm thiểu một sự săm soi. Còn nữa, trên sâu khấu phi lý của tôi và các tác giả khác, từ Beckett qua Rózewicz tới Pinter, luôn có sẵn đồng hồ riêng của mình. Vì, tự bản chất, phi lý là phi thời gian và phi lịch sử, chúng tôi mà lại ăn theo tiếng chuông nhà thờ, ngủ trong hệ thống đổi giờ Microsoft thì thành ra có lý mất rồi! Nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hữu Liêm từng có trước tác, hình như Lý Của Thời (hay Thời Của Lý, với tôi cũng rứa!) chắc sẽ ủng hộ chúng tôi thôi. Thế là tối giản luôn sự săm soi cuối cùng! Thời gian – Thượng đế vô hình – cũng không còn tồn tại trong dòng văn minh phi lý.

(Mở ngoặc #2: Triết lý Thượng Đế Đã Chết trên hí trường phi lý chỉ tinh giản và thế tục như vậy. Không hiểu nó đồng tâm, đồng trục hay đồng mặt phẳng với tư tưởng ở vị triết gia đồng ngôn với kịch tác gia Duerrenmatt ra sao? Tôi không rành. Hay chỉ là sự đồng danh (từ) ở các chữ “Thượng đế”, và đồng động (từ) ở các chữ “đã chết”? Độc lập với triết học và các loại học khác, bi hài kịch học có hệ thống lý luận và phi lý luận riêng. Chẳng phải bi hài kịch Hy Lạp tài cán gì mà chỉ vì bình minh của nó cũng là khi mặt trời triết học Tây phương đang còn đỏ hon hỏn. Việc tôi không nêu đích danh vị triết gia khai tử Thượng đế của ông ấy mà xuyên qua danh của vị đồng ngôn kịch tác gia Duerrenmatt, không phải vì dân kịch nghệ chúng tôi ba que (chữ nghĩa) xỏ lá (tư tưởng). Danh của người lừng nức hơn thế kỷ nay, triết lý của người bò lổn ngổn khắp các triết đàn, văn đàn. Khỏi cần lũ kịch phi lý chúng tôi tôn vinh, hạ nhục. Cho tôi một lần ẩn danh người nơi đây như một lần biểu tình ngồi của chữ nghĩa trước việc người đời ngót trăm năm rồi hễ bật miệng các chữ “Thượng đế” lại buộc miệng nhắc tên của người và rồi buột miệng với các chữ “đã chết”. Nhân tiện, xin định danh để tránh lộn xộn đồ của triết lý phi lý chúng tôi: Cả hai Thượng đế đều đã chết. Đóng ngoặc #2).

Bởi rằng, không gì phi lý hơn sự săm soi thời gian của thời gian. Cũng như càng không có loại thời gian nào dành cho sự săm soi phi lý của phi lý. Giải phóng mọi săm soi, người nghệ sĩ phi lý chúng tôi được tự do hơn bất kỳ ai khác trong văn giới. Tự do, là cái giá được trả cho tính phi lý. Chỉ khi tự nguyện phủ nhận chính mình, nhân loại mới được tự do. Nhưng, chúng tôi luôn là thiểu số cỏn con, là những kẻ bất hạnh hơn ai hết. Đại đa số con người không muốn sống trong phi lý; đại đa số con người không muốn trả giá cho tự do. (Đại đa số con người không bất hạnh.) Có lẽ bởi thế Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến đã than “Tự do, với số đông là một bi kịch”?

Kịch tác gia Ăn-tóc ngừng lưỡi và đưa cặp mắt đã hoàn hồn về các ngón tay Nhà thơ Tự-ăn-tóc vẫn nằm yên, đang hồng trở lại. Nhà thơ Tự-ăn-tóc vẫn cầm trên tay những trang giấy căng các câu chữ; và bỗng nhiên người thèm tóc mình. Kẹt nỗi nhà thơ ấy chỉ có thể tự ăn tóc qua các búp tay hồng.

– Tôi vẫn phản đối! Tiếp tục phản đối… – Người Bị-ăn-tóc nức nở, vò tay lên đầu. Lạ thay, sau động tác đó từ chỗ ngồi người vù bay, thoát ra khỏi phòng họp theo lối cửa sổ bên trái, nơi gió và nắng đang chờ.

Cái bàn tròn khi đã thiếu người thì không còn tròn nữa. Nó mếu mó, thoạt tiên về hình học. Sau, về vật lý, và cuối cùng dẫn đến sự méo mó thảm hại về tâm lý. Tốc độ bay quá nhanh của Người Bị-ăn-tóc đã thổi tung mái tóc giả mà Nhà thơ Tự-ăn-tóc vẫn đội trong suốt thời gian hội thảo. Cái giả sau khi bị lật tẩy bèn rơi xuống mặt bàn tròn. Bàn tròn ấy thì đúng là thật rồi, bạn đọc có thể tin được, cho dù nó đang bị méo. Qua lối cửa chính, Nhà thơ Tự-ăn-tóc lẳng lặng (và vẫn hiền từ) lìa bỏ Diễn Đàn Tóc với cái đầu không. Bạn đọc có thể hình dung vậy.

Thế là Diễn Đàn Tóc, theo quy chế của mình, phải ngưng hoạt động.

Bởi vậy, cho tới nay, người ta vẫn chưa hiểu được vì sao ngôn ngữ ở một số cộng đồng, sắc dân cứ bị phai bạc. Cũng như người ta chưa biết cách điều hành một thẩm mỹ viện cho các sáng tác văn chương. Ngay với những câu hỏi ABC nhất, tất cả các nền văn học, dù ở nước chậm tiến hay quốc gia cường tiến, đang còn ú ớ nữa là: Làm thế nào để có mái tóc ngữ nghĩa khỏe và đẹp? Vì sao nhà thơ nam bị hói tính từ? Nữ văn sĩ nên nhuộm văn phong bằng nước mắt hay nước miếng? Và còn nhiều nữa…

Chừng nào diễn đàn này chưa tái họp, chừng đó chúng ta chưa thể phân biệt nổi thơ râu ria, truyện ngắn tóc mai, kịch lông mũi, tiểu thuyết lông nách, tiểu luận lông mi giữa những thứ còn lại của chữ nghĩa cuộc đời và của lông tóc văn chương.

Phụ lục của Chương 3

Rõ ràng là, trước và sau Diễn Đàn Tóc, nhiều xu thế văn học đã nảy nở cùng không ít khuynh hướng rơi rụng. Phụ lục này đề cập đến một nhánh nảy gần phần tư thế kỷ nay và nở theo kiểu vừa được vinh danh vừa bị nguyền rủa.

Ở đây sẽ ngắt một nguồn lạch có trong dòng văn chương đó làm tựa đề cho chính nó:

Thực tại tóc rối vô cùng!

“Viết có phải là khả năng uốn mình theo thực tại, nép mình vào? Hẳn ai chẳng muốn nép mình, nhưng rồi cái gì xảy đến cho tôi? Cái gì xảy đến cho những ai không thực sự biết thực tại? Thực tại tóc rối vô cùng. Chẳng lược nào chải cho mướt được.

Các nhà thơ đi xuyên qua và khốn khổ gom tóc mình thành kiểu, kiểu tóc rất mau ám ảnh họ ban đêm. Nó không hợp với diện mạo. Vén khéo, tóc vẫn có thể đuổi khỏi ngôi nhà những giấc mơ của nó, nhưng nó không thuần thục nữa. Hay lại sụp xuống và bây giờ bám vào mặt như cái mạng, khó khăn lắm mới làm chủ được. Hay là dựng đứng trên đầu, khiếp hãi trước những gì không ngớt diễn ra. Không phải nó chỉ không để ta chải. Nó không muốn. Dẫu ta có chải hoài với cái lược đã gẫy vài cái răng — nó nhất thiết không muốn. Bây giờ lại còn tệ hơn. Lời viết, khi nói về những gì diễn ra, chạy trốn dưới bàn tay như thì giờ, và không phải chỉ thì giờ, trong ấy nó đã được viết, trong ấy nó đã không được sống. Chưa ai vuột mất cái gì, khi cái đó đã không được sống. Người sống, cũng như thì giờ đã giết, và người chết lại càng không. Thì giờ, khi ta còn đang viết, đã thẩm thấu tác phẩm những nhà thơ khác. Bởi là thì giờ, nó có thể đồng thời làm đủ hết: thẩm thấu công việc của chính mình và công việc của người khác, những kiểu tóc rối bù của người khác, nó qua như ngọn gió mát, dù là gió độc, đã nổi lên, bất chợt và bất ngờ, từ thực tại. Một khi nổi lên rồi, có lẽ nó không lặng mau lắm đâu. Ngọn gió điên giận thổi và bứng hết theo nó. Và nó bứng hết, đến đâu cũng thế thôi, nhưng không bao giờ trở lại nữa với cái thực tại phải miêu tả. Khắp nơi, trừ nơi đó. Thực tại là những gì vào dưới tóc, dưới váy và đúng thế: bứng đến một cái gì khác.

Làm sao nhà thơ biết được thực tại, nếu chính thực tại qua nơi mình và bứng mình đi, luôn luôn tách riêng. Từ đó, nhà thơ một mặt thấy rõ hơn, mặt khác chính nhà thơ không thể đứng lại trên con đường của thực tại. Ở đó, nhà thơ không có chỗ đứng của mình. Chỗ đứng của nhà thơ bao giờ cũng ở bên ngoài. Chỉ những gì nhà thơ nói từ bên ngoài mới có thể được nhận, và như thế, bởi nhà thơ nói những lời nước đôi. Và rồi nổi lên ngay hai sự thích đáng, hai sự thực nữa, nhắc nhở rằng không có gì diễn ra cả, hai đằng hiểu nó theo những hướng khác nhau, giày vò nó cho đến nền chông chênh của nó, nền từ lâu nó thiếu vắng chẳng khác lược mất mấy răng. Trong hai phải chọn một. Đúng hay sai.” (2)

Lời bình của các cựu Diễn đàn viên:

Nhà thơ Tự-ăn-tóc:

“Sự cài răng lược giữa tóc và thực tại của dòng văn học nói trên tỏ ra ngoạn mục với nhân vật trung tâm chịu trận là nhà thơ. Rằng hay thì thật là hay, nhưng xem ra còn chưa phân biệt thực tại đó thiệt hay giả, tóc đó thật hay rởm, sự rối đó rối thực hay rối dối. Cuối cùng, và tương tự, là vấn đề thật-giả với thơ.”

Người Bị-ăn-tóc:

“Tôi vẫn phản đối! Phản đối! Bằng cái đầu của kẻ thiệt thòi. Còn trong đôi mắt người đọc – người được hưởng – tôi thấy đọc xong một diễn từ rồi ẵm về cả triệu đô Mỹ tiền thưởng thì thật ‘mỉa mai’, ‘nhạo báng’, ‘ghê tởm’, ‘tuyệt vọng’, ‘kỳ cục’ và cuối cùng là ‘khiêu khích’. Nhưng cũng phải thôi, diễn từ chỉ là cái đuôi ở con khỉ sáng tạo. Bạc triệu là của cái mặt, cái thân, cái chân tay và nhất là của cái lông tóc khỉ: ‘tranh đấu nữ quyền’, ‘lòng yêu thích thử nghiệm ngôn từ’, ‘vượt cấm kỵ tình dục’, ‘điển hình nghệ thuật bút chiến, châm biếm’; và cuối cùng là ‘vạch trần giả đạo đức, nghi lễ và truyền thống phụ hệ.’” (3)

Kịch tác gia Ăn-tóc:

“Các kịch tác gia mà đi nói về sáng tác của nhau cũng bạc bẽo như dân ca sĩ ‘tám’ về thanh sắc của bạn diễn. Đã bạc rồi, cho nó bạc luôn: Trích đoạn trên còn có một địa chỉ xanh nữa – ngoài Hội đồng giải thưởng Nobel – đó là thẩm mỹ viện chuyên làm tóc nào đó ở cấp quốc gia. Sân khấu kịch của bà chủ các dòng chữ này coi tóc là phương tiện lẫn mục đích. Tôi không rành bà chủ có ăn tóc khi hành nghề hay không; nếu có vậy cũng không đến nỗi phí tóc. Được là Diễn đàn viên của Diễn Đàn Nobel thật ra không hẳn đã thuyết phục dân trong nghề bằng sự hiện diện của bà, nếu có trong tương lai, ở một nơi chuyên nghiệp như Diễn Đàn Tóc. Cũng như văn hóa các dân tộc khác nhau, không nền văn hóa nào “thuyết phục” hơn nền văn hóa nào. Các diễn đàn – như các quốc gia – trên nguyên tắc là bình đẳng. Tôi chúc phúc cho bà và chúc lành cho những ai phản đối bà.

Thôi, bạc vậy với đồng nghiệp là đủ độ lịch sự và chất nghệ sĩ cho phép với nghệ sĩ lịch sự như tôi. Bây giờ, tôi muốn tận dụng dịp may ở Phụ lục nói nhanh vài ý dở lúc diễn đàn tan rã đột ngột.

Một, các màu tóc tuổi trẻ có khác nhau: đen, vàng, nâu, hung… Và tóc già chỉ có một: bạc trắng. Giá trị thực sự của nền văn chương ở các dân tộc sẽ gặp nhau nơi màu trắng của ngôn ngữ khi các ngôn ngữ không khác nhau nữa. Và nấc cuối cùng là vô ngôn – thứ ngôn ngữ không còn sắc màu dân tộc. Đó, đỉnh điểm nghệ thuật.

Hai, nếu đúng như ai đó cho rằng nhà văn lớn là nhà văn phải vượt trên số phận của dân tộc mình, thì nhà văn bé chỉ cần vượt lên mái tóc của mình là đủ. Còn với hệ nhà văn ăn-tóc thì rối rít hơn một chút: Nhà văn lớn-ăn tóc không chỉ phải vượt trên số phận dân tộc – như nhà văn lớn không ăn tóc – mà còn phải vượt qua cả sự bất định rắm rối ở ngôn ngữ dân tộc mình; Trong khi đó nhà văn bé ăn-tóc chỉ cần vượt khỏi mái tóc của mình (tất nhiên là điều kiện cần, và chưa đủ), sau đó vượt tiếp lên mái tóc của những người khác mà mình cần ăn tóc là đủ. (Không lẽ cứ nằm ngủ trên bàn văn, chờ tóc rụng?)

“Thực tại tóc rối vô cùng!” đã được Nhóm điều hành chọn làm bài đề dẫn cho Diễn Đàn Tóc một khi nó tái họp.

————–

(1) Xem vnthuquan.org – 2004

(2) Elfriede Jelinek; Nguyễn Khánh Long dịch, “Diễn từ Nobel”, damau.org 2/3/2007

(3) Theo các bài về E. Jelinek, eVan.com.vn 6/1/2007, damau.org 2/12/2006

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)