Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

trung-việt việt-trung (phần 21)

0 bình luận ♦ 22.10.2015

 

4.4

4 giờ chiều ngày 17 tháng Tám.

Liên quân quốc tế mang tên “BĐ-2014” chính thức tuyên bố thành lập, sau 48 tiếng đồng hồ theo đề nghị khẩn thiết từ phía Đại Việt,

Với phương án đã định, các thành viên của Liên quân lần lượt có mặt trên Biển Đông tại các vị trí và thời điểm theo yêu cầu của Đồng Tổng chỉ huy Liên quân.

Thiên địa nín thở chờ một trận Xích Bích thời hậu hiện đại!

Thời nào cũng thế thôi, phi tướng bất thành chiến. Vậy bạn đọc nén hồi hộp lại mà coi trích ngang của các anh tài trong trận chiến đang chờ…

*

Đồng Tổng chỉ huy Liên quân quốc tế BĐ-2014 là hai hải tướng quân:

Đô đốc – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội và Tư lệnh Hải quân Đại Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hai khóa X, XI, Đại biểu Quốc hội Đại Việt hai khóa XII, XIII, hai lần Anh hùng Đại Việt;

Đô đốc John Willard, Phó Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ.

Tướng Willard bốn sao được mệnh danh “Báo biển” với các chiến thuật mạnh, gọn, dũng mãnh trấn giữ Châu Á – Thái Bình Dương; từng đến Đại Việt bốn lần, lần đầu trước bốn tháng “sập tiệm” 30 tháng Tư 1975 và lần chót vào năm kia khi tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thị sát quân cảng Cam Ranh.

Tướng Hiền ba sao, ba năm nay nổi danh trong các lực lượng vũ trang như là người Việt thứ hai – sau 12 năm so với Đô đốc Giáp Vân Cương huyền thoại – trong lịch sử Hải quân Đại Việt được phong cấp Đô đốc hải quân.

Ngay khi nhận lãnh cương vị Đồng Tổng chỉ huy Liên quân quốc tế BĐ-2014, ngoài chức tước danh hiệu đã có, Đô đốc Hiền được kiêm nhiệm thêm chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội và vinh dự được tấn phong Anh hùng Đại Việt lần hai như một “phần thưởng nóng” cho kế hoạch tuyệt mật mang tên “Basa Barbecue 60” (viết tắt BB-60) vừa kết thúc mỹ mãn với Liên quân BĐ-2014.

Nhắc lại thật nhanh:

Đô đốc Hiền chính là người thực hiện cụ thể ý tưởng có từ năm 1984 của Đô đốc Cương, rằng “trong tương lai gần, vùng biển Trường Sa sẽ rất bất an và chắc chắn sẽ thành chiến trường chủ yếu của hải quân Đại Việt.” Người nói kẻ làm, hai ông Đô đốc và Chuẩn đô đốc đã hoàn thiện phương án phòng thủ Trường Sa cũng như bảo vệ chủ quyền Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Tức là gấp rút dốc toàn lực lượng, nhất là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân đội và người dân Việt đang đồn trú, sinh sống bao đời. Với những đảo chìm thuộc chủ quyền Đại Việt nhưng chưa có quân đồn trú, ông đô đốc thúc dục ông chuẩn đô đốc, ông chuẩn đô đốc đốc thúc sĩ quan và binh lính bằng mọi giá quyết đóng quân nhanh, đóng đồng loạt, đóng tất cả các đảo, nếu cần dùng mọi loại tàu để ủi bãi mà đóng quân.

Thế rồi, ngay sau đó đã diễn ra cuộc Hải chiến Trường Sa tháng Ba năm 1988 với Hải quân Trung. Hình ảnh tàu HQ55 (sau được phong Anh hùng Đại Việt) lao vun vút giữa các làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô Lin vốn thuộc chủ quyền Đại Việt trước khi quân Trung định đổ bộ chiếm đảo đã trở thành một phong cách giữ chủ quyền trước kẻ ngoại xâm cướp biển. Con tàu bị hỏng nặng và bốc cháy nhưng đã biến thành “cột mốc” chủ quyền trên đảo Cô Lin thân thương cho đến tận hôm nay. Trong vị thế của người đứng đầu Hải quân Đại Việt vào thời điểm xung đột, Đô đốc Cương từng kể lại cho thuộc cấp: “Nó chỉ có thể lấy được Gạc Ma thôi. Còn các đảo khác, nếu muốn lấy thì vấn đề đã không phải như thế. Không còn là câu chuyện của 64 chiến sĩ hy sinh và 3 tàu của chúng ta phải chìm dưới biển như vậy!” Qua đó, các sử gia quân sự có thể tìm hiểu vì sao khi ấy Trung chỉ tập trung đánh chiếm Gạc Ma. Nhưng thôi, tạm cho qua vụ đớn đau này…

Năm 1988 cũng là lúc quân đội Đại Việt lần đầu tiên dùng cấp bậc Đô đốc hải quân tướng ba sao giống quy định của quân đội và Hải quân Liên Xô. Ba năm sau đó Đô đốc Cương qua đời vì bệnh hiểm nghèo, rồi ba tháng kế tiếp được truy phong danh hiệu Anh hùng Đại Việt (cùng đợt với thuộc cấp kế cận của mình là Chuẩn đô đốc Hiền) và 3 chữ Giáp Vân Cương được đặt tên tại 3 địa điểm: hai xa lộ sát biển thành phố Đà Nẵng và Cam Ranh, một đảo đá ủi bãi thuộc quần đảo Trường Sa.

Lại nói về Đô đốc Hiền…

Hồi nhỏ cậu bé Hiền không có tài trèo sấu như đám bạn trong phố nhà binh Lý Nam Đế, nhưng cực giỏi trong món trời mưa thả thuyền giấy chạy ven hè phố. Hà Thành từ khai thiên lập đại vốn là đô thị thấp hơn mặt nước sông Hồng, thành thử cứ mưa thì “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”. Bây giờ Sài Thành hễ cứ dính tí triều cường là báo Sức Trẻ la om cả lên. Chứ với thế hệ cậu Hiền, đấy là chuyện nhỏ của Thủ đô và cũng là hạnh phúc lớn của tuổi thơ. Cậu gấp thuyền rất giỏi, dùng toàn những thứ các chú các cô vứt đi trong hai thùng rác của báo Quân Đội và tạp chí Văn Nghệ Quân Sự; lại biết làm bánh lái điều khiển bằng xà phòng (khi tan ra tạo bọt thành lực đẩy Archimedes – cậu giải thích cho đám bạn), có thể vượt ống cống và dừng theo ý muốn (chẳng hạn dừng trước hiên nhà cô bạn gái họ Trần tên Mây tóc đuôi sam cán sự Văn hay cho Hiền cóp bài). Sau, khi sang Học viện Hải quân Leningrad, chàng thiếu úy Hiền cứ bị các thày dục phải chuyển sang Viện Hàn lâm Khoa học Hàng hải để thành một “tổng công trình sư xuất chúng trong tương lai”.

Nay nói rõ hơn về kế hoạch Basa Barbecue 60 (BB-60):

Ngay từ khi thiên hạ um sùm với cái giàn khoan HD-981, một kế hoạch quốc phòng tuyệt mật tầm quốc tế đã được xúc tiến do Đô đốc Hiền là tác giả, nhằm phối hợp như một “liên minh đột xuất” với Mỹ và các quốc gia biển trong vùng để đối phó với Trung trong mưu đồ chiếm trọn Biển Đông.

Basa: rõ quá rồi còn gì! Là loài cá bản địa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn xuất khẩu nổi tiếng sang Bắc Mỹ, châu Âu từ những năm cuối thế kỷ với vụ kiện tụng ầm vang nước Mỹ. Vấn đề là ở chỗ Đô đốc phu nhân vốn người Châu Đốc, nơi có tượng đài cá basa.

Barbecue: cũng rất quen thuộc; tiếng Anh, còn gọi là barbeque, BBQ hay barby/barbies. Là món thịt nướng bằng lò ngoài trời mà thứ nữ của Đô đốc đang làm thạc sĩ ở Mỹ rất khoái khẩu; cô hay chụp hình ảnh gửi về cho ba của mình mỗi khi làm món này. Hiện trong sân vườn nhà Đô đốc thứ nữ có những 3 cái lò nướng BBQ.

Còn 60: tuổi của “chàng trai phố cổ”, đúng bằng năm tiếp quản Thủ đô ngày 10 tháng Mười năm 2014 đang được dân tình và chính quyền chuẩn bị kỷ niệm cực to.

*

Cũng có thể gọi BĐ-2014 là Liên quân quốc tế Đông Thái Bình Dương gồm 6 nước Mỹ, Nhật, Úc, Philippines, Singapore, Indonesia; và Đại Việt tuy không là đồng minh quân sự của Mỹ nhưng là quốc gia bị đe dọa. Phía đối phương là Liên quân Trung và Khơ Me Đỏ; hai mống!

Liên quân BĐ-2014 liệu có là bào thai cho một “NATO châu Á” trong tương lai?

Thật ra dự án BB-60 của Hà Thành không quá khó để chuyển thành hiện thực BĐ-2014 như đang có, miễn là Washington chịu vào cuộc chơi do Đại Việt khởi xướng như là nơi chịu trận. Ngay như nhà đài BBC trước đó cả tháng, khi vụ giàn khoan đang “nóng”, từng rò rỉ tin Hoa Kỳ “đã diễn tập rất âm thầm” cho tình huống chiến tranh ngắn với Trung một khi leo thang tới cực điểm. Tất nhiên, là người cầm chịch, quân đội Mỹ từ 1-2 năm qua được dư luận coi như đã hoàn tất kế hoạch dự phòng để can thiệp quân sự nếu như Trung tấn công Philippines hoặc Nhật, hai bồ ruột của Mỹ trong khu vực. Úc cũng là bồ ruột, thậm chí ruột già, song chắc sang thế kỷ sau mới bị lọt vào vòng cung lửa của Trung. Vả, khiêu chiến với dân da trắng không phải là tính toán khôn ngoan mà các chú Ba Tàu da vàng rành hơn ai hết.

Nếu không có vụ giàn khoan khỉ gió HD-981 rung chuông trước, thì chưa hẳn đã có được Liên quân BĐ-2014 dễ dàng và khá nhanh gọn đến vậy. Thì có lẽ Hải quân Đại Việt sẽ ăn đủ “trận chiến đại dương Nam Hải để dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học thứ hai”. Chưa biết chừng trường hợp ấy Mỹ còn chống mắt lên coi “ngư ông hưởng lợi” cũng nên. Ai mà biết?

Thật ra người Trung tính toán kinh khủng lắm! Tất cả 36 chước được đưa lên bàn cân tiểu ly tại “nhà hàng Trung Nam Hải”. Ra quân cú này, một trong 36 chước là mạo hiểm đi tìm sức mạnh thật của Mỹ và đám đồng minh châu Á của Mỹ.

Có thật Mỹ suy yếu về quốc phòng, cho dù không bị dấn sâu vào việc tìm diệt chính phủ Hồi Giáo IS Syria và Thổ Nhĩ Kỳ?

Có thật Nhật và Ấn không thể nào kết hợp chiến lược với nhau?

Đó là hai câu hỏi phải có lời đáp nếu Trung muốn rảnh tay chiếm lĩnh ảnh hưởng toàn bộ Biển Đông về lâu dài.

Một chiến lược gia người Trung, Tướng Lý Quang Toan từng nói không che giấu rằng 3 mục tiêu cụ thể của Trung là:

Đánh bại Đại Việt và Philippines (ai trước ai sau tùy cơ ứng biến); tiếp đó, đánh bại sự thống trị của Mỹ ở bờ Tây Thái Bình Dương. Sau khi 2 mục tiêu đầu tiên Đại Việt và Philippines – tức là “tuyến quần đảo thứ nhất” trong Biển Đông được quy về một mối, dự tính đến năm 2020 Trung sẽ tung ra một hạm đội Y có khả năng kiểm soát và khống chế trải đến “tuyến quần đảo thứ hai” có ranh giới kéo dài ít nhất 1.500 km về phía đông Đài Loan. Và năm 2050 là thời điểm Trung làm chủ một hạm đội viễn dương Z có tầm hoạt động vươn tới tận lãnh hải của Mỹ tại đảo Guam, đó là “tuyến quần đảo thứ ba”.

Thôi bỏ đó chuyện tương lai viển vông! Lúc này hai loại hạm đội Y và Z còn trên bản thiết kế, Hải quân Trung đang chỉ là chủ nhân ông của loại hạm đội X (mà nhiều thứ đồ cũ mua của Nga về mông má lại).

Hải quân Nhật được Liên quân quốc tế BĐ-2014 giao hai nhiệm vụ: một, khi có chiến sự thì chặn đường tiếp viện cho Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh hiện đang nằm sâu 3 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Đại Việt; hai, lập một vành đai không để Hải quân Trung mở rộng hải chiến sang phía đông và Viễn Đông.

Tới Biển Đông từ vài tháng trước trong một động thái của Washington nhằm cân bằng ảnh hưởng khu vực, 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ đã được Đồng Tổng chỉ huy Liên quân BĐ-2014 khẩn cấp điều động tiếp cận Hạm đội Liêu Ninh của Trung trong cự ly an toàn. Tàu USS Michigan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Đại Việt, còn tàu USS Carolina thì trấn ngoài thềm lục địa. Để phản ứng nhanh trước biến cố bất ngờ.

Trong khi đó, kế hoạch di chuyển bộ phận chủ công của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ tới khu vực đang leo thang cũng đã được xúc tiến theo sát tình hình chiến sự.

Dân Việt mình ở lứa tuổi 5X trở lên, bất kể Bắc hay Nam, thời trước mà nghe đến mấy chữ “Hạm đội 7” hay “Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ” là thấy thần Chết lù lù trước mắt. Ta hay địch gì cũng chết với nó. Dù là chết thắng hay chết thua. Một phần tư thế kỷ qua, đa số dân Việt hết còn yêu ghét Hạm đội 7 một cách rõ ràng như thời chiến tranh Mỹ-Việt.

Lực lượng chiến đấu của Hạm đội 7 Mỹ có tên là Lực lượng Đặc nhiệm 72, gồm 2 thành phần độc lập: Lực lượng lâm chiến nổi, gồm các tuần dương hạm và khu trục hạm; Lực lượng công kích hàng không mẫu hạm, gồm ít nhất một hàng không mẫu hạm và không đoàn trên mẫu hạm. Lần này, trong Hải chiến Trung-Việt, Lực lượng tham chiến nổi của Lực lượng Đặc nhiệm 72 được chuẩn bị để “ra tay”; còn Lực lượng công kích thì tạm thời trong vai quan sát viên. Gọi là quan sát thế thôi, đồng bào ta khỏi lo. Vì trong bất cứ một ngày nào trong năm, tính cả lễ lạt, phải có 50% lực lượng của Hạm đội 7 Mỹ được triển khai trên khắp vùng biển trách nhiệm. Thế mà Hải chiến Trung-Việt có tiềm năng của một chiến tranh khu vực tầm lớn nhất thế giới kể từ sau Đệ nhị thế chiến. Quan sát sao đành!

USS Michigan và USS Carolina cùng thuộc loại tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Ohio tối tân vào loại nhất của Mỹ; cũng tức là vào loại nhất thế giới rồi còn gì! Trước khi đến vị trí tập kết theo nhiệm vụ của Liên quân BĐ-2014, tàu Michigan đang neo đậu ở một quân cảng của Singapore. Còn tàu Carolina thì tạm trú tại một căn cứ bí mật của Philippines để chuẩn bị thực thi sứ mệnh bí mật nào đó tại ngoài khơi, bên cạnh các nhiệm vụ bình thường như do thám, huấn luyện… Trước khi cập cảng Singapore, tàu Michigan đã lặn ngầm dưới nước ba tháng ròng. Cả hai tàu được trang bị 156 trái tên lửa tấn công Tomahawk kèm một đội đặc nhiệm hải quân tinh nhuệ. Độc giả yên tâm: chỉ trong vòng 7 phút thôi, tàu Carolina có thể phóng tất cả 156 tên lửa Tomahawk đó.

Ngoài Singapore, hai tàu ngầm này còn có thể ra vào thoải mái tại các cảng ở Úc, Nhật, Hàn Quốc và Philippines là các nước có hiệp ước quân sự với Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng vinh dự vào “ao nhà” của Đại Việt.

Bà con chớ vội trách là nước (biển Đông) đến chân mới nhảy! Trước tăng trưởng vòn vọt của Hải quân Trung, ngay khi chưa có vụ giàn khoan 981 và cuộc hải chiến bất thành này, các ông chủ Ngũ Giác Đài đã dự trù tới năm 2020 sẽ tái triển khai từ 60-70% lực lượng hải quân ở Viễn Đông và Biển Đông. Việc bổ sung 2 tàu ngầm hạt nhân loại chiến lược tối tân nhất Michigan và Carolina đến Biển Đông chỉ là bước nho nhỏ đầu tiên.

Lại nói về tàu ngầm thế giới. Theo một nguồn tin mật (không biết “mật” này to cỡ nào và lại là “mật” từ hơn mươi năm trước không biết nay còn “mật” không, số liệu cập nhật ra sao) về số lượng nhiều nhất thế giới không phải là Mỹ đâu, mà là Triều Tiên cơ với 78 tàu ngầm loại thường, nhỏ, cũ và chất lượng kém. Đó quả đấm tay trái của “cậu Khùng”, sau quả đấm phải là bom hạt nhân. Mỹ với 72 tàu ngầm có tầm bắn trung bình lên tới 250 km (tức là gần bằng 3/4 chiều rộng của Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý/ 370 km). Trung đứng thứ ba: 69 tàu. Tiếp là Nga: 63 tàu. Iran 31. Nhật và Nam Hàn, 16 và 14.

Lại nói về tàu ngầm Đại Việt.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Từ giữa năm nay Đại Việt ta đã có 2 chiếc loại Kilo 636MV và sẽ thành 6 chiếc tương tự trong 2 năm tới. Ngày 3 tháng Tư năm 2014, tại lễ thượng cờ cấp quốc gia 2 tàu ngầm tấn công đầu tiên lớp Kilo được xem là loại tàu ngầm tân tiến nhất hiện thời, Thủ tướng Đại Việt thắm thiết ôm hôn từng thủy thủ – các chủ nhân ông đầu tiên của người Việt với loại vũ khí tàng hình xuất thần như các “lỗ đen trong lòng đại dương”.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Kanwa – tạp chí nghiên cứu quân sự bằng tiếng Hoa xuất bản tại Canada – chắc hẳn không phải “khen đểu” khi nói về ưu việt của tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm Kilo của Đại Việt dư sức phang thẳng cánh tới đại bản doanh của Hạm đội Nam Hải tại Trạm Giang. Từ quân cảng huyền thoại Cam Ranh, trong tầm hoạt động 280 km tên lửa đạn đạo 3M-14E Klub-S trên tàu ngầm Đại Việt có thể chiên ròn các tỉnh duyên hải phía Nam của Trung là Hải Nam, Quảng Đông… Khoái tỉ ở chỗ với loại tên lửa 3M-14E, 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Đại Việt oách hơn hẳn loại tàu Kilo của Trung cũng mua của cùng ông chủ thầu Nga; tàu bán cho Trung chỉ với tên lửa 3M-54E có tầm bắn 220 km. Con gà hơn nhau tiếng gáy! Nga chỉ dành loại tên lửa 3M-14E cho 3 nước là Đại Việt, Algeria và Ấn Độ. Là lá la…

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Tàu Kilo Đại Việt thuộc thế hệ thứ ba, lượng choán nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý mỗi giờ với thủy thủ đoàn 52 người, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm, thủy lôi cùng với tổ hợp tên lửa tấn công Klub.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Đến nay 2 tàu Kilo Đại Việt đã có tổng cộng 10 chuyến đi biển, trong đó 4 chuyến đi độc lập, 6 chuyến có chuyên gia; và lập kỷ lục ở độ sâu 285 m – độ sâu giới hạn của tàu ngầm hiện nay. Thế mới biết quân ta rất “máu”, vũ khí mới vừa đến tay là tập “chơi” tới số.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Chuyên trị huấn luyện thủy thủ vận hành tàu ngầm, Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại quân cảng Cam Ranh là trung tâm lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhân dân và Thủ tướng yên tâm! Chẳng mấy chốc thuộc hết bài của các “thầy” Nga “thầy” Ấn, với sự nhanh trí và sáng tạo, Hải quân Đại Việt ta sẽ thành “thầy tàu ngầm” trong khối ASEAN cũng nên?

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Chế độ cho sĩ quan tàu ngầm Đại Việt cũng rất bảnh. Mỗi thuyền trưởng có hẳn một bác sĩ và một y sĩ riêng. (Hơn cả bộ trưởng trên đất liền rồi còn gì!). Nhưng cái sự ăn ở lại như bộ trưởng… đi tù: Mọi quân sĩ tàu ngầm phải tắm bằng nước biển, rồi mới được tráng lại bằng nước ngọt có giới hạn. Đồ ăn toàn là đồ hộp và đồ sấy. Cơm sấy, canh cũng sấy. Khi ăn thì cho nước sôi vào, thịt sấy và rau sấy sẽ nở thành canh, cơm sấy thành cơm. Nhiều bông hồng xin dành tặng cho các ông chủ “lỗ đen đại dương” Đại Việt!

*

Nói thiệt tình, khóc cho ta nhưng cũng nên bằng lệ người. Suốt 2 năm qua, vụ giàn khoan đầu tháng Năm chỉ là màn áp chót trong chuỗi đe dọa vũ trang của Trung được tăng tốc hơn bao giờ hết với các nước chung biên giới biển, qua các sự kiện chính là:

Giữa năm 2013, Trung dùng mọi cách tung ra yêu sách chủ quyền ở vành đai phía đông. Đến tháng Bảy, một đội tàu chiến Trung từ cảng phía nam lần đầu tiên đã làm một chuyến “dạo quanh” Nhật.

Cuối tháng Mười Một năm 2013, Trung ra thông báo rất giật gân về Vùng nhận diện phòng không ADIZ, đòi kiểm soát không phận phía trên vùng biển Trung-Nhật không chỉ gồm khu vực Nhật tuyên bố chủ quyền mà cả vùng thuộc chủ quyền Nam Hàn nữa. Tức cười há! Ai cười mặc ai, chú Sam đáp trả ngay chú Ba Tàu bằng cú điều động máy bay giám sát qua khu vực này thường xuyên để tỏ với Trung trước bá tánh, “tớ đách thèm để tâm tới cái ADIZ của cậu”.

Chỉ vài ngày sau khi biển Hoa Đông bị nung nóng, tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên được ào ra “tắm” Biển Đông, diễn tập trong cả tháng như hành trình huấn luyện vượt biển đầu tiên của mình. Cũ người mới ta. Bài “ngoại giao pháo hạm” các thầy phương Tây giở trò ở thế kỷ trước, nay trò Trung soạn lại.

Truyền thông Trung khoe nhặng củ kiệu đấy là “nhằm thử thách khả năng kỹ thuật và năng lực thủy thủ đoàn của con tàu sân bay vĩ đại do Trung tự tái hiện đại hóa từ mẫu tàu cổ lỗ của ngoại quốc” (Nhân Dân Nhật Báo), rằng “bước quan trọng tăng năng lực chiến đấu như niềm hãnh diện của Hải quân Quân giải phóng đã hiện đại ở tầm quốc tế.” (Hoàn Cầu). Lần đó tàu Liêu Ninh được 2 tàu khu trục tên lửa và 2 tàu hộ vệ tên lửa hộ tống. Tức là trong lần trận Hải chiến hụt đang diễn tiến, lực lượng hộ tống của tàu Liêu Ninh có phần mạnh hơn.

Đến đầu tháng 12, đi đêm tất có ngày gặp ma, một tàu hộ tống Liêu Ninh đã đối đầu mạo hiểm với tàu tuần dương Mỹ Cowpens. Tàu Mỹ (được Chúa giao trọng trách) theo dõi tàu Liêu Ninh ở vùng biển quốc tế; bỗng tàu Liêu Ninh bất ngờ xuất hiện lù lù như con voi ngay phía trước, buộc tàu Cowpens chuyển hướng theo đúng sách “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Sém một vụ xung đột không định trước trong gang tấc!

Tháng Giêng 2014, một đội tàu khác của hải quân Trung dung dăng dung dẻ tới tận James Shoal, nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền. Chưa hết, trong lễ (chào mặt trời đọc Tập tuyển, chắc vậy?) trên boong tàu, thủy thủ đoàn đã khẳng quyết “bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung” (tại lãnh hải Malaysia!)

Sang tháng Hai, 4 tàu chiến Trung làm một cú tuần tra Ấn Độ Dương, lần đầu tiên Hải quân Trung đi xéo Eo Sunda nằm giữa Java và Sumatra của Indonesia, rồi tập kết tại đảo Christmas thuộc lãnh thổ Australia mà không hề alô aleo gì cho chủ nhà biết. Mỹ-Úc tức điên lên!

Đầu tháng Năm cho đến giữa tháng Sáu, là lá la úm ba la ra cái giàn khoan 1 tỷ đôla với gần 100 tàu, phi cơ hộ tống tính cả tàu chiến được Bắc Kinh ào ào đùn ra khu vực cách bờ biển chỉ 120 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Đại Việt. Sự kiện vô tiền khoáng hậu từng khiến cả hình chữ S phát cuồng lên cùng một nửa trái đất rúm động. Và cũng là nguyên cớ khiến quý độc giả phải đọc cái loại truyện không giống bố con nhà nào này.

Cho đến đầu tháng Tám, bất chấp các cao trào ngoại giao, thăm viếng từ A đến Y (chỉ còn thiếu Z) của Trung-Việt-Mỹ, tình hình Biển Đông bình lặng một cách cực nguy hiểm. Số là sau rất nhiều tháng âm thầm, lẳng lặng bỏ công sức xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Gạc Ma hòng biến bãi đá ăn cướp được này thành cứ điểm quân sự, Trung thừa thắng xông lên cho xây tiếp sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập (bị mang tên là Vĩnh Thử theo cách gọi của kẻ ăn cướp).

(Còn tiếp)

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)