Trang chính » Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

đẻ sách – chương 3: diễn đàn tóc (kỳ 1)

0 bình luận ♦ 2.10.2018

[Trích tiểu thuyết châm biếm Đẻ sách, Người Việt Books 2018; Giới thiệu trên Da Màu 14.06.2018]*)


Nhà viết kịch Ăn-tóc mở đầu buổi luận đàm tay ba:

– Nói đến ăn tóc, nhiều người nghĩ về một hình phạt nhà tù. Trộn tóc cắt vụn vào đồ ăn, phạm nhân xoắn ruột lại, chết. Theo tôi, đó là ví dụ thậm sai về tính nhân văn (nhân đạo trong văn chương) của sự ăn tóc. Đành rằng tóc rắc rối tơ, lại là thành phần chết không còn chất dinh dưỡng. Nào hứng thú gì, ngay cả về màu sắc và hình thể. Không bật ra các dòng máu đỏ gợi lại thú hoang sơ loài người, như ăn tim. Không sần sật rần rật tiết dịch vị cho hiện tại và bồi bổ cho tương lai, như khi nhai dương vật…

– Có cần phải… tách riêng… vấn đề ăn tóc và tự ăn tóc… ra không ạ? – Người Bị-ăn-tóc ngập ngừng ngắt lời. Ngắt lời kẻ khác với phong độ ngập ngừng, một nét đẹp mảnh mai trong văn hóa đối thoại, dù đối thoại về tóc hay không về tóc.

Khẽ vuốt mái tóc hung đen như trời đất ban tặng chứ không phải máu thịt cha mẹ dành cho, Nhà thơ Tự-ăn-tóc nhìn vào trang giấy mở sẵn. Người không có thói quen ứng khẩu.

– Tôi nghĩ không cần. Thoạt tiên, khi mới có thói quen tự ăn tóc để chuyển cách làm thơ vần theo phương pháp hiện thực trào phúng sang thể thơ tự do với khuynh hướng mông lung, tôi cứ nghĩ một cách rất Freud rằng, mọi hành vi thực hiện trên phần nào đó của cơ thể mình tạo ra khoái cảm đều có nguồn gốc thủ dâm. Sau, qua hai ca tự ăn tóc điển hình của y học hiện đại – sẽ được dẫn trình dưới đây – tôi hiểu khác đi.

– Vậy chuyện ăn tóc và tự ăn tóc của dân viết lách được phân biệt bằng điều gì nhỉ? – Người Bị-ăn-tóc sốt ruột. – Và chúng tôi là chủ động hay là đầy tớ động trong công việc của các vị?

Nhà viết kịch Ăn-tóc chậm rãi, chỉ vào tập sách nằm thao láo trên bàn:

– Tôi mang bộ tuyển tập kịch đến đây cũng để phóng viên họ quay phim chụp hình làm phóng sự thôi. Không nghĩ nếu mình bỗng trở thành kịch tác gia tự ăn tóc thì hàng vạn con chữ trong pho sách rùng rùng chuyển mình đổi hàng lối thay quan điểm, khiến chúng hóa thành các trang thơ hoặc những truyện ngắn.

– Cứ theo các truyện tình báo, trinh thám thì tóc ẩn mật nhiều thông tin ở nhân vật cần theo dõi. Văn sĩ mà dám ăn tóc, của mình hay của người khác, không hẳn là những kẻ ngại bị tầm tra? – Miệng Người Bị-ăn-tóc chủng chẳng nói. Cặp mắt và trí tưởng tượng ở người thì đang làm phép so sánh giữa mái tóc trời ban đất tặng của kẻ kia với những gì còn lại trên đầu mình.

Nhà thơ Tự-ăn-tóc cầm hẳn tập giấy lên, nói gần như đọc. Có những sợi tóc trườn trườn, muốn bứt khỏi khuôn trán nhà thơ để nhập vào các dòng chữ trên trang giấy. Kỳ thật, trên vầng da căng hồng mịn, tự các sợi tóc đã là những hàng thơ đẹp! Chúng muốn bỏ đi đâu nữa? Nhưng cũng đúng. Thơ thời đại di dân là phải động chuyển. Tĩnh yên, thơ sống mà như chết. Tính sinh tử ở thơ đi tới đi lui giữa vần điệu và không vần điệu.

“Thơ tự do chỉ thực sự tự do nếu nó được thoát từ một cái gì đó

Với các thế hệ gần đây, văn vần đã mục kích những tiến triển đáng chú ý về hư cấu, tu từ và chủ đề. Nhưng thi pháp, "khoa học của niêm luật thi phú mà khía cạnh ngôn ngữ của nó dùng để ứng phó các thể thức sáng tác niêm luật” thì đã phần lớn không còn hiện diện trong thơ Anh ngữ. (…)

Qua lịch sử, niêm luật liên lụy đến sự hỗn hợp giữa đo vận (meter) và nhịp điệu. Sự đo vận dẫn đến qui tắc cố định và cô đọng dòng thơ. Nhịp điệu liên lụy đến những chuyển âm linh động của diễn ngôn. Sự đo vận thì khách quan và bất biến trong khi nhịp điệu thì chủ quan và đổi thay. Trong thi ca thế kỷ 20, đo vận và nhịp điệu không những chỉ kinh qua "quan hệ gượng ép" mà còn tiềm tàng cuộc ly hôn đầy tổn thất.

Thơ tự do, thi ca có nhịp điệu mà không có độ vận, xuất hiện thật rộng và nhanh, vào năm 1977 Stanley Kunitz đã nhận xét: "Thơ không vận đã chiếm lĩnh cánh đồng nên không còn bất cứ đối thủ thực sự nào từ phía hữu vận nữa. Khía cạnh được định nghĩa của thi ca không còn hữu vận cũng chẳng không vận… Thi ca đúng ra được định nghĩa bởi một chuyển biến nào đó của âm giọng hơn là bởi giới hạn của thực tiễn niêm luật cá biệt". Với xu thế ấy, thơ tự do tự nó sẽ tàn úa. Thơ tự do chỉ thực sự tự do nếu nó được thoát từ một cái gì đó.

Nếu thi nhân chúng ta có thể phục hồi thi pháp, cũng sẽ có thể phục hồi quan niệm là nhịp điệu và đo vận không cần thiết phải đối nghịch, trái lại có thể được bổ sung thêm để khai phá thi ca. Phép làm thơ hưởng lợi từ cả nhịp điệu lẫn độ vận. Không nhịp điệu, thơ sẽ vô sinh (lifeless). Không độ vận, thơ có nguy cơ thiệt thòi về tính dễ nhớ, huyền ảo, sức mạnh và sự tập chú. Nếu thế kỷ 20 đã tách biệt nhịp điệu và độ vận, thách đố ở thế kỷ 21 có thể sẽ là nối chúng lại sinh động và hiệu quả, để thi nhân lại giữ được cả Luật lẫn Năng Lực trong tầm mắt, như T. Gunn đã viết trong "To Yvor Winters 1955": Một thứ chỉ mạnh hơn, nhưng có cả hai thứ cân đối sẽ mạnh nhất. (Hợp đoàn gây sức mạnh!) (1)

– Hai trường hợp thích ăn tóc từ chính cơ thể mình được y giới nhắc đến đều thuộc về phái nữ. Một ở tuổi mười sáu, kiểu như gì nhỉ? À, “Em mười sáu tuổi trăng mười sáu”…

Người Bị-ăn-tóc xen vào:

– Bọn con gái chim chíp ấy chúng nó dám xơi tái cả cuộc đời mình chớ vài ba cộng tóc nhằm nhò gì!

Xin bạn đọc lưu ý: Ngắt lời kẻ khác và không ngập ngừng! Sự thạo đời mà diện mạo cơ thể đang là một bằng chứng ở người Bị-ăn-tóc bật ra qua mỗi sợi tóc nham nham nhở nhở phía trên gáy. Người Bị-ăn-tóc toan kéo dài ý vừa nêu, nhưng biết đám tóc của mình có thói phản chủ nên ngưng. Phải rồi! Tóc đã nổi cơn lanh chanh thì không biết đằng nào mà lường, trời đất nổi cơn gió bụi cũng phải gọi bằng cụ.

Các bác sĩ tỉnh Dharamphur (Ấn Độ) đã giải phẫu lấy ra cuộn tóc rối nùi như quả bóng nặng 1,2 kg từ bao tử của một thiếu nữ 16 tuổi. Suốt năm cô thường than phiền bị đau thốn bụng. Được biết từ thơ ấu, cô có chứng tật lạ đời: thường bứt tóc, bỏ vào mồm nhai nuốt. Cha cô nói: “Càng lớn lên nó mê ăn tóc nhiều hơn. Bây giờ, bác sĩ đã giúp nó hết đau, hy vọng nó bỏ cái thói kỳ quặc đó, kẻo người ta lại bảo vợ chồng tui bỏ đói con cái thì khổ lắm!”. Chứng bệnh thích giật tóc có tên khoa học là trichotillomania, còn bệnh mê ăn tóc là trichophagia. (2)

– Tôi sẽ gởi tới các Diễn đàn viên bản sao tư liệu trên trong ít phút…

– Chắc người mang bệnh ăn tóc mình dễ trở thành nhà văn ăn thịt người?

Nhà viết kịch Ăn-tóc rời bàn tròn, đi lại đi lại về phía cánh cửa sổ mở ra bầu trời lộng gió tràn nắng.

– Có thể đó chỉ là điều kiện cần. Có thể cũng không là điều kiện cần; và khi ấy tôi gọi là điều kiện không-cần. Văn bút thế giới PEN, theo tôn chỉ, chỉ bảo vệ quyền tự do truyền thông tư tưởng và sáng tạo của nhà văn khắp các quốc gia, nhất là các vị không may cầm tinh chữ tù đày hoặc có số bị đàn áp, cho dù họ có ăn thịt người khi viết lách hay không. PEN không đủ nhân tài vật lực tìm hiểu vấn đề vừa được nêu thành câu hỏi trên. Nói ngoài lề: Chính thế, bản thân tôi thấy không cần thêm danh xưng “PEN Ăn-thịt-người” song song với “PEN Không-Ăn-thịt-người”.

– Nhưng riêng với vụ thủ dâm, tôi cá một ăn ba tất cả các ông bà văn sĩ đều thủ dâm dưới mọi hình thức khi hành nghề. Chúng tôi còn hay tin đồn thổi thậm chí có trường phái cho rằng bản thân việc viết đã là hành động thủ dâm suy tư, ý tưởng bằng ngôn ngữ, chữ viết. – Người Bị-ăn-tóc lên giọng âm vực cao tót. Cao tót. Cái trò dễ gặp ở các giọng lùn về thẩm quyền. Đám tóc nham nhở hết còn vẻ lanh chanh. Chúng hiền và thực như những người dân lành bên luống cày của mình. – Nếu tin này còn đồn còn thổi, thì Viện Ngôn ngữ ở mỗi quốc gia té ra là các… nhà sản xuất dụng cụ thủ dâm! Hi hi hi…

Một trang trong tập giấy của Nhà thơ Tự-ăn-tóc cong dần lên. Nó lườm về phía Người Bị-ăn-tóc. Bàn tay với những ngón tay phẳng lặng vẫn rụt rè chưa mở đến trang đó. Trước những phẳng lặng ấy, ít ai đoán được bão tố thi ca của cả một quốc gia từng từ đó sinh ra.

– Còn trường hợp này xảy ra ở một vầng trăng nửa mười sáu…

Theo tờ China Daily, hiện tại đầu bé Ping không còn một sợi tóc. Cách đây 2 năm, đang chơi với bạn, Xiao Ping, 8 tuổi, tự nhiên giựt một nắm tóc trên đầu, nhét vào mồm và nuốt chửng. Vài tiếng sau, em thấy buồn ngủ và ngủ cả ngày hôm đó. Tỉnh dậy, Ping ăn hết 4 tô cơm. Thường bé chỉ ăn 2 chén nhỏ. Từ đó, Ping thường thấy đói và cứ thể giựt tóc để ăn đến khi đầu trọc lóc không còn sợi tóc nào! Đáng ngạc nhiên là da đầu bé không có gì lạ thường. Cô giáo của Ping bảo: “Nhỏ Ping rất đáng yêu, nhưng không theo kịp các bạn học vì em không thể tập trung.” Theo chuyên gia nhi khoa, Xiao Ping có thể đang bị bệnh thèm thức ăn kỳ lạ. Bệnh này gây ra do thay đổi tâm lý. (3)

– Thế thì các tác giả ưa ăn tóc khi hành văn rất nên tìm người có chứng giựt tóc mà ăn tranh với họ. – Người Bị-ăn-tóc bật cười khanh khách. – Cái này có phải là… cướp cơm chim không nhỉ?

Trang giấy cong cớn đã thẳng thớm trở lại sau khi các câu chữ trên nó được thoát ra. Nhà thơ Tự-ăn-tóc rời ngón tay khỏi trang giấy, cho ngược trở lại mái tóc mình. Các ngón tay thi sĩ, khi về bên lớp tóc, chúng không còn lặng lẽ nữa. Những ngón tay đang múa trên bề mặt tóc. Như sóng như biển…

Nhà viết kịch Ăn-tóc vẫn đi đi lại lại. Chắc chắn người đang phải chia trí khi tham dự diễn đàn tay ba. Diễn đàn cứ diễn cứ đàn, các nhân vật trong vở kịch dang dở của người cứ đi cứ lại trong đầu người. Họ chưa diễn, vì chưa ra sân khấu. Họ ở trong đầu tác giả. Có khi kéo nhau tụ xuống các đầu ngón tay của nhà viết kịch, đòi xông ra trang kịch bản. Rồi nghe nghe ngóng ngóng sao đó, các nhân vật, chính cũng như phụ mà – tất nhiên – chủ yếu là chính, lại âm thầm bảo nhau trở ngược lên đầu chủ nhân. Chắc họ cũng biết Nhà viết kịch Ăn-tóc đang gặp khó trong diễn đàn. Ai từng bảo văn sĩ thương yêu nhân vật lắm thì cần nói tiếp vế sau: nhân vật cũng kính cảm cha đẻ của họ lắm lắm. Chứ không à? Nếu Nhà viết kịch Ăn-tóc là chủ nhân những vở như Miss Saigon, hay một vài opéra Pháp, hay bất kỳ ca kịch Trung Quốc nào, thì các đầu ngón tay đã nổ tung. Cũng may. Nói cho ngay, người viết theo lối Samuel Beckett nên nào có mấy nhân! Vật cũng lưa thưa vài cái ghế đẩu, cánh cửa… Thứ kịch bản khi trình diễn chỉ tốn ánh sáng (chuyển các cái có lý ra thành phi lý) và nước miếng (cho các thoại). Đài từ của diễn viên không cần công suất cao như Đào Mộng Rồng đâu, chỉ lào thào mấp máy môi và nếu cà lăm bẩm sinh thì tuyệt! Cái phi lý luôn có tính không trôi chảy. Kìa, kịch tác gia của chúng ta vẫn cứ đi vòng đi vèo quanh cái bàn tròn. Như thể người đang tuyên ngôn, rằng “Tôi viết kịch; vậy thì tôi đi đi lại lại!”. Tới lúc tuyên ngôn đã rành mạch tương đương Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx – Engels, nhà viết kịch Ăn-tóc dừng chân:

– Nếu trên đầu mỗi chúng ta trung bình có khoảng 100.000 tới 150.000 sợi tóc thì trong đầu cũng của chúng ta bình quân – đổ đồng nhà văn và không nhà văn – có thể sản sinh khoảng 100.000 tới 150.000 câu cú. Nhà-văn hơn nhà-không-văn ở chỗ trong số lượng câu cú bẩm sinh có bao nhiêu là chục ngàn câu cú tạo nên hình tượng văn học. Tức là cú thành văn. Còn nữa, có bao nhiêu ngàn (câu) cú là bản quyền của riêng mình trong tư cách văn sĩ. Rồi có mấy trăm (câu) cú được người đương thời nhắc tới, mấy chục (câu) cú được lưu trên nền văn học, trong sách giáo khoa. Cuối cùng, được mấy cái câu con cú truyền hậu thế. Sau khi nhà văn – hói cũng như không hói, nam cũng như nữ – nằm xuống lòng đất trong quan tài buồn hoặc tung bay lên trời theo ống khói nhà hỏa táng, lông tóc là một trong các thành tố đầu tiên của thi thể nhập vào cát bụi gió mây. Và văn chương của họ ở lại với người đời hay là cũng cuốn theo chiều lông tóc, phụ thuộc vào việc họ có câu cú nào ra hồn câu cú hay không. Vậy thôi.

– Thế vụ phân biệt màu da sắc tóc thì sao? – Người Bị-ăn-tóc càu nhàu. – Tôi là tôi không thể tin không có chuyện đó, chừng nào nhìn lên bầu trời trước nhà sau cơn mưa cầu vồng còn năm tia bảy tía…

Thật ra, với hai chữ “Vậy thôi” của Nhà viết kịch Ăn-tóc, không một diễn đàn viên nào hiểu hết ý nghĩa. Người nghe, tùy tri thức chung và khả năng thẩm văn, có thể thấy nó mang chức năng vớ va vớ vẩn gì đó trong cả câu hoặc cú ở một diễn đàn viên Diễn Đàn Tóc. Đành là vậy. Song, hơn thế nữa. Đó còn là lời thở hắt của một kịch tác gia, khi người vừa để nhân vật cuối cùng (trong hai nhân vật ở vở kịch của mình) chết. Nghe nói Dostoevsky, hay ai đó vĩ đại cỡ vậy, không thể ngờ khi một nhân vật đã bị chết. Nhà viết kịch Ăn-tóc chưa vĩ đại, nên người ngờ được. Bằng hai chữ “Vậy thôi” trong một lần đăng đàn, tức là ngoài lề trang văn, người đã khóc thầm cho nhân tử – nhân vật tử vong trong quá trình sáng tác văn học. (Tiện, đề nghị bổ sung vào tự điển văn học vì hình như chưa cuốn nào có chữ “nhân tử”, cùng lắm tới “nhân tử lưu danh”). Lau mồ hôi trán – nước mắt của trí tuệ – nhà viết kịch Ăn-tóc bắt đầu quan sát các ngón tay từng làm nên vũ bão thi ca cho cả quốc gia. Hừm! Đang chịu tang văn của mình, cũng khá nhiều văn sĩ vẫn có thói quen đú đởn với văn kẻ khác.

– Tất nhiên, tùy theo chủng tộc… Y giới nhận thấy dân mang màu tóc vàng thì có nhiều tóc hơn.

– Thế có nghĩa càng nhiều tóc, càng ngốc nghếch! – Người Bị-ăn-tóc buột miệng! – Á xin lỗi, ý tôi nói các cô gái mà thôi.

Một nhân viên thuộc hãng hàng không quốc gia Úc Qantas phải tù, vì chuyên lấy trộm tóc trong đồ đạc hành khách nữ để thỏa mãn sở thích quái đản. Rodney Peterson, 30 tuổi, nhận trước tòa Victoria, 50 cáo trạng ăn trộm. Anh Peterson chuyên lục hành lý thất lạc hoặc bị chuyển chậm, rồi thu thập tóc, lược và ghi lại thông tin cá nhân của các nữ chủ nhân. Cảnh sát nói anh ta từng thu thập tóc vào trong hơn 80 túi đồ. Được biết nhân vật này bị những chứng bệnh tâm lý tình dục. (4)

Kịch tác gia Ăn-tóc bỗng giật mình (đã đành vừa đi đi lại lại con người ta dễ giật mình), nhớ đến số tóc từng được ăn cho vở bi hài kịch đang soạn. Không hề có cộng tóc vàng nào, dù nhuộm. Không hề có khổ chủ là thiếu nữ, đều là các bà hồi xuân hoặc đám baby. Một sự sắp đặt của Chúa: Ơn huệ hay trừng phạt?

– Ngoại suy với giới văn bút, nhà văn mang tóc đồng màu với Anna Akhmatova và Wislawa Szymborska có khoảng 140.000 câu cú; Còn ở văn sĩ màu tóc như Salman Rushdie sở hữu độ 105.000 câu cú; Nếu giống màu tóc Octavio Paz hoặc Gabriel García Márquez: chừng 90.000 câu cú; Giống Nguyễn Bính, Bắc Đảo thì cỡ 80.000 thôi! – Bàn tay Chúa không cản trở miệng lưỡi kịch tác gia. Tất nhiên càng không ăn nhằm gì tới bàn chân của người! Đi đến vòng thứ ba, vừa đi đi lại lại vừa liếc tình các ngón tay làm nên giông tố thi ca cho cả quốc gia, kịch tác gia tiếp tục nói. – Mỗi tháng, theo độ tuổi, một câu cú nào đó của một người sáng tác có thể tăng thêm vài ba ngữ nghĩa; trong khi tóc tăng thêm khoảng một xăng ti mét hàng tháng. Và còn theo thời tiết. Bên cơ thể học, nếu như tóc mọc nhanh khi khí hậu ấm và mọc chậm lại khi khí hậu lạnh, thì bên văn học, ý nghĩa của ngôn từ vào mùa hè sẽ phì nhiêu hơn vào mùa đông. Cái đấy làm nên tiêu chí về thời vụ để các Trại sáng tác của Hội Nhà văn ở các nước có nền văn học bao cấp theo đó mà làm việc.

– Hèn chi, về mùa hạ phía trên tôi hoang vu hơn… – Người Bị-ăn-tóc gật gù.

Nhà thơ Tự-ăn-tóc vẫn cười vu vơ. Mặc dù cười vu vơ đâu có nghĩa nhà thơ tồn tại. Khỏi tranh cãi: Nhà thơ tồn tại bằng thơ. Thôi bỏ vụ tồn tại đấy! Nhìn kìa… Các ngón tay. Chúng phi, lồng lên. Chúng đĩ ngựa với cặp mắt Nhà viết kịch Ăn-tóc. Của đáng tội, ngón út vừa vờ khẽ gãi gãi, kỳ thực nó đang giấu các sợi tóc lục bát và thơ vần vào sâu bên trong. Điều đó không cần thiết. Không là dân chơi thơ, người Bị-ăn-tóc như bao người bình thường không cần biết thơ ở thể tạng nào, miễn thơ là được. Nên chuyện lừa thơ, đánh đĩ thơ trước mặt Người Bị-ăn-tóc dễ hơn cả vác thuốc phiện vào nước Úc. Còn Kịch tác gia Ăn-tóc chỉ để mắt vào các ngón tay của nhà thơ; nói thẳng tưng ra là cặp mắt của người làm tình với các ngón tay nhà thơ. Chơi tuốt! Ngón tay ngọt đánh cả cụm. Từ ngón cái già khú sồ sề, ngón giữa sồn sồn còn ham, qua ngón nhẫn một con mòn con mắt, ngón trỏ trần truồng ngọ nguậy, tới ngón út còn trinh. (Nay mở ngoặc nói luôn vì chúng ta sẽ không trở lại xì căng đan này, dẫu có cả chương ăn các bộ phận sinh dục: Sau hội thảo, Kịch tác gia Ăn-tóc bị khởi tố vì tội xâm phạm trẻ vị thành niên là ngón út. Đáng đời già dơ! Nhưng, tức cười và phản đạo đức văn nghệ sĩ ở chỗ, đó lại là đòn bôi bẩn giành phiếu trước kỳ bầu cử Phân Hội Nhà Văn Ăn-Tóc. Đóng ngoặc.) Các sợi tóc thuộc về dòng thơ tự do và thơ tân hình thức đứng dựng cả lên. Những liền anh liền chị lục bát và thơ vần từng không được ngón út kịp giấu đi thì xẹp lép như đàn tép. Thật ra, không phải Nhà thơ Tự-ăn-tóc không biết điều đó. Biết tuốt, mà người tự nhủ: “Thây kệ! Trong ngón tay và trong sợi tóc có những trái tim của chúng mà trái tim nhà thơ không thể nào thấu nổi.” Thế nên ngón út ở nhà thơ và những sợi tóc cổ điển vờn nhau hoài, vờn nhau mãi. Đẹp hơn cả cảnh chú cá voi đang đùa sóng biển. Như lời thơ “Một ngón út đủ làm nên mê hoặc”. Hèn chi Nhà viết kịch Ăn-tóc không kiềm chế nổi! Tội nghiệp, nếu là người viết ăn (ngón) tay lại là một lẽ. Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nhưng trong khi đi tìm mục đích nhân văn may ra được tòa châm chước, nếu như ở xứ sở trọng văn chương quốc gia hơn nhân phẩm con nít. Đằng này, ăn tóc để hành văn, xơi tái các ngón tay chỉ để thỏa mãn dục vọng. Kể cũng tội cái nghiệp văn ăn thịt đồng loại ở Nhà viết kịch Ăn-tóc của chúng ta.

– Mỗi ngày nếu ở một người không rụng đi khoảng 50 tới 100 sợi tóc thì loài người đã mang tên là… loài tóc! Như một loài cỏ, loài lau sậy của đời. Nếu Chúa cho sinh ra toàn tóc với tóc thì trái đất chỉ là một xó góc chứ không được làm cái rốn vũ trụ như đã và đang làm. May thay, tóc đã phải rơi xuống rụng đi, để con người còn làm người. Để không có một trái đất toàn tóc là tóc: Trái đất không bị biến thành trái tóc! Thay cho viễn tưởng đó, mặt trái đất luôn tự hào với sự nhấp nhô những người là người với các mái đầu mà những sợi tóc nhỏ chụm lại làm đại diện ở nơi cao nhất của tầm vóc con người.

– Đích thị Pascal cũng là một tác giả Ăn-tóc, thì mới sinh ra lối ví von con người ta như cái cây sậy tư tưởng gì gì đó! – Người Bị-ăn-tóc bắt đầu quờ tay lên mớ tư tưởng lơ thơ của mình, vẻ tiêng tiếc…

(Còn tiếp)

————

*) Bản này có sửa chữa rất nhỏ ở nhiều chữ trên đa số các trang, so với bản Người Việt Books đã phát hành lần đầu 1/5/2018.

(1) Biên tập từ Timothy Steele; Linh Vũ dịch, “Thi pháp cho thi sĩ của thế kỷ 21”, thotanhinhthuc.org 26/3/2007

(2) Theo vnexpress.net

(3) Như trên

(4) Tin Reuters, dantri.com.vn 6/3/2007

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)