Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

trung-việt việt-trung (phần 10)

1 bình luận ♦ 6.08.2015

 

(Tiếp theo phần trước)

Cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó giải thích cho bàn dân thiên hạ: với việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Đại Việt, Washington hoàn toàn không nhằm chống Bắc Kinh. Ý là bà con hiểu cho, chúng tui chỉ chống kẻ nào cướp về làm của riêng Biển Đông của thế giới, trong đó Đại Việt và Mỹ có phần nhiều nhất. [Kể ra cũng lạ, cái lãnh thổ siêu cường ở tít mù khơi bên kia Thái Bình Dương, đâu có cục đất nào được sóng nước Biển Đông phủ lên, thế mà lại có quả thực nơi đây? Nhưng kể vào, cũng chẳng có gì lạ. Đời là thế!] Sau đó, các quan chức Mỹ người thì cho biết Đại Việt có thể mua các loại máy bay như P-8 của Boeing và máy bay trực thăng tuần tra hàng hải; kẻ lại đoan quyết: đâu phải các thứ đó, máy bay tuần tra hải quân P-3 Orion của hãng Lockheed Martin và A-29 Super Tucano cơ! Thậm chí cả máy bay trinh sát săn ngầm P-3C là loại trang bị quân sự cao cấp Mỹ chỉ bán cho đồng minh. Vì sao? Vì sau khi sắp sửa trang bị xong xuôi một hạm đội tàu ngầm Kilo ngon lành cành đào, thì loại máy bay do thám loại đó mới là thứ cần thiết nhất của Đại Việt trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội và ưu tiên hải quân. Coi lại thấy: cái giàn khoan của Trung trị giá tỷ đô Mỹ to như con khủng long thăm dò dầu khí ầm ầm cả Biển Đông như thế, nhưng vì không thèm thông báo trước như thường lệ nên đã khiến Đại Việt ngỡ ngàng bởi năng lực do thám còn hạn chế của mình. Tức thì mợ Thư ký Giám đốc điều hành Lockheed te te lên tạp chí IHS nói nhỏ: “Đại Việt có thể đặt hàng từ 6 đến 9 ‘con’ P-3 đấy nha. Đâu như chính phủ ta đã ‘ký tắt’ rồi.” Thế rồi Bộ Ngoại giao Mỹ lại mất công đăng đàn từ chối nói về việc “phía bạn” đã chính thức đâm đơn đặt hàng mua loại máy bay ấy hay chưa. Úi chao! Nghe cứ loạn cả lên, làm người Việt yêu nước từ quan đến dân vừa mừng vừa lo: mừng, có súng Mẽo uýnh Tàu; lo: lấy tiền đâu mà mua? Hoa Kỳ chứ có phải Liên Xô đâu mà cho ký sổ nợ tới tận 10 tỷ rúp!

Bên này Thái Bình Dương, trên tờ Sức Trẻ, Cựu Đại sứ Đại Việt tại Mỹ Lê Công Phùng kết hợp hài hòa thành ngữ Việt-Mỹ để lý giải: Người Việt ta có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, còn dân Mỹ ưa nói “Sẽ không có bữa ăn nào miễn phí”. Không xổ nho chùm, bác Lê vẫn thuộc hàng thâm nho!

Còn tít hút Miệt Dưới địa cầu, một Việt kiều Úc châu, văn sĩ kiêm tranh đấu gia Cù Huy Hà Võ có bài phát biểu trên đài RFB, “Nới lỏng cấm vận vũ khí Mỹ-Việt, phải gắn liền nhân quyền!”

Từ nhiều năm trước khi còn ở quốc nội như là một con nhà nòi của “bên thắng cuộc” đó là người nổi danh với phương châm “Mệnh lệnh của thời đại hãy đồng hành quân sự với Mỹ” qua loạt tiểu luận cổ súy một liên minh quân sự Mỹ Việt trong lộ trình đề nghị Mỹ ơi Mỹ ời quay lại Đông Nam Á về mặt quân sự ngay đi thôi để cùng các nước trong khu vực chúng tôi đang bị Trung dùng vũ lực ăn hiếp chúng ta cùng làm một kỷ nguyên chống Tàu bành trướng tất nhiên cũng phải bằng vũ lực. Có lẽ cú mạnh nhất trong tập tiểu luận là văn bản mà văn sĩ kiêm tranh đấu gia họ Cù từng trực tiếp gửi vị Đại tướng về hưu, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, nguyên Chủ tịch Nước, với tinh thần “quyết liệt yêu cầu Đại Việt phải liên minh quân sự với Mỹ, tại vì chỉ có Mỹ mới có thể giúp Đại Việt chống Trung xâm lăng mà thôi”. Chưa rõ Tổng thống Obama đầu năm 2012 có tư vấn tập tiểu luận ấy không khi ngài đứng giữa nước Nhật nhìn về đất Trung uốn miệng mang hình viên đạn công bố chiến lược lịch sử “Xoay trục quân sự sang Châu Á – Thái Bình Dương” làm nửa trái đất và cả nước Trung rúng động.

Bây giờ, qua bài nói trên RFB bác Cù tỏ thái độ kiên định như từng tỏ: “Mỹ vừa hứa sẽ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương với Đại Việt, vẻ như một cái nhích lại gần nhau về quân sự. Vâng, sẽ có thể làm tiền đề cho liên minh quân sự như tôi từng vạch ra và đeo đuổi. Độc giả có ngạc nhiên chăng khi nghe tiếp các câu sau của tôi… Nhẽ ra ở tư cách của người cổ võ liên minh quân sự Mỹ-Việt tôi hẳn được nghĩ sẽ tán thành vụ này. Ấy thế tôi lại nói ‘Không’ đấy! Không chỉ nói ‘Không’, tôi còn phản đối nữa là đằng khác. Tại vì tôi thấy đây chưa phải là thời điểm. Thời điểm nào mới là thời điểm? Là bước tiên quyết, theo tôi, Đại Việt hãy chấm dứt ngay tức thì các đàn áp nhân quyền; cụ thể: xóa bỏ ngay tức thì điều luật nào phản nhân quyền. Nói một câu cho nó lành: chỉ qua vấn đề nhân quyền Mỹ mới có thể nới lỏng cấm vận vũ khí cho Đại Việt; ấy là tôi chưa nói đến chuyện bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đấy nhé!”

Cũng trên RFB một Việt Kiều khác đến từ Hà Lan – Luật gia Võ Quốc Thúc, Cựu Bộ trưởng Giáo dục thời Đại Việt Cộng Hòa đã đăng đàn với tít dài vô cùng Tổ quốc ta ơi: “Làm gì có chuyện chọn lựa giữa Hoa Kỳ hay Trung, mà chỉ có đại lộ duy nhất là chọn lựa Đại Việt!” Nếu không phải tít do tác giả đưa ra thì quả giật tít này của nhà đài phải nói là đáng giật vô cùng Tổ quốc ta ơi.

Nhà đài hỏi, “Họa Trung xâm lược ngày càng rõ như ban ngày, việc Mỹ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Đại Việt có là điều tốt không, thưa Luật gia?”, Võ Cựu Bộ trưởng sắp tròn bách niên thủng thẳng giả nhời:

“Trông vọng hoàn toàn vào ngoại bang để bảo vệ dân tộc chỉ là sự bất đắc dĩ. Do hoàn cảnh nào đó chưa thể tự vệ thì phải dựa vào một ngoại bang. [Chú ý chữ “một” của Võ Luật gia] Song le, điều tiên quyết là mình phải bồi dưỡng nội lực để có thể tự bảo vệ một khi có thể. Phải tự hỏi: vũ khí để làm gì, để giết ai? Tôi rất lo Đại Việt mình, nếu không cẩn tắc, sẽ lại bị rơi vào tình thế giống thời 1955-1975 với chiến tranh Mỹ-Việt mà cho đến nay tên gọi của nó bị xô đẩy ít nhất giữa 3 cực: ‘Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ‘Chiến tranh ủy nhiệm’ và ‘Nội chiến’. Tức là sẽ có 2 phe trong dân chúng và chính quyền, phe này muốn dựa vào Trung, phe kia thì muốn Hoa Kỳ yểm trợ. Hai phe sẽ có lúc ‘chơi nhau tới số’. Rồi chính Hoa Kỳ sẽ tận dụng hai phe đó để đều cầm vũ khí sát thương made in USA. Chúng ta phải cẩn thận!

Nước ta còn nghèo, mà cái chính là còn yếu. Yếu một phần do nghèo, phần khác bởi 1001 lý do khác. Cho nên nếu dân tình chỉ nhăm nhăm tính chuyện đánh nhau, thì chẳng qua người Việt tự làm thêm một cú ‘xuất khẩu xương máu’. [Bốn chữ rất ‘máu xương’, thưa Võ Cựu Bộ trưởng]. Cứ theo tôi thấy, trước khi buộc phải cầm vũ khí hiện đại, hãy dùng hết vốn liếng vũ khí ngoại giao. Trong thế yếu Đại Việt đang phải chịu, mình chỉ có thể len lỏi [Hai chữ ‘len lỏi’ đắc địa làm sao!] giữa những tranh chấp của các cường quốc. Nước lớn có quyền lợi lớn. Nước càng lớn càng mâu thuẫn với nước lớn khác có quyền lợi lớn khác. Trên các diễn đàn ngoại giao, ta phải bằng mọi cách lèo lái sao cho họ theo hướng có thể ‘bảo vệ’ ta.

Nhà đài lại hỏi, “Tránh một cuộc chiến tranh với Trung có vẻ cũng là đường hướng vững chắc lúc này của giới lãnh đạo Hà Thành, qua vụ việc phải hòa với Trung về khủng hoảng giàn khoan 981. Nhưng song song Đại Việt cũng ráng tranh thủ ủng hộ từ Mỹ. Dám thưa Luật gia, như nhiều người khác, cụ từng gọi là chính sách đu dây giữa các cường quốc. Liệu nó sẽ đưa Đại Việt vào thế kẹt?”

Sắp tròn bách niên Võ Cựu Bộ trưởng vẫn giả nhời thủng thẳng: “Cần phân biệt chiến thuật với chiến lược chứ. Về chiến lược, phải nghĩ tới quyền lợi dân tộc lâu dài. Còn về chiến thuật, có thời ta phải đến một đồng minh này, có kỳ phải đi cùng một đồng minh khác. Với riêng tôi, trong chiến lược lâu dài thì làm gì có chuyện chọn lựa giữa Hoa Kỳ hay Trung, mà chỉ có đại lộ duy nhất là chọn lựa Đại Việt. Phàm là cái gì có lợi cho Đại Việt, tôi làm; phàm là cái gì chống lại quyền lợi trường tồn Đại Việt, tôi chống. Không oong đơ toa cát gì cả! Ờ nhỉ, ta cứ hay dùng chữ ‘chính sách đu dây’. He he he… [Bách niên cũng ‘teen” đáo để!] Không đẹp mắt. Giờ tôi chọn hình ảnh khác, ấy là cái bản lề. [Tuyệt cú mèo! Một bông hồng thắm dành cho Võ Luật gia] Nhà đài chịu chửa? Hình ảnh này không phải ngẫu nhiên đâu. Đã có nhiều biểu tượng cho dáng hình chữ S của đất nước: hình tia chớp, hình quang gánh, hình chiếc đinh… Mỗi lần buồn tình chuyện nước non, ngắm bản đồ Đại Việt thân thương, tôi lại thấy nó chẳng khác gì cái bản lề. Giúp cho cánh cửa khi mở khi đóng, lúc quay về phải, khi quay sang trái. Thế nhưng trong bàn tay chủ nhân Việt, lâu nay bản lề ấy chỉ giữ vai trò thụ động. Hiện đang là thời điểm mà dân ta cần tìm cách điều khiển, làm chủ cái bản lề: Không cho bên này lấn, bên nọ đẩy! Cụ thể nhé: Phải có một chính sách dân tộc mới mẻ và rõ ràng. Và cũng phải có một lực lượng vừa đủ để tự vệ, sau đó mới có thể sử dụng vị trí bản lế theo ý muốn. Các thế lực quốc tế nào định xài xể Đại Việt, dùng bản lề để hướng cánh cửa về phía họ, họ sẽ dè chừng cánh tay Đại Việt.”

Thế đó, cuộc chơi Việt-Mỹ Mỹ-Việt cũng lắm công phu!

Chưa bao giờ kể từ sau chiến tranh 1975, nhịp độ thăm viếng các đoàn quân sự cùng nghị sĩ từ Mỹ tới Đại Việt và ngược lại có cường độ dày và chất lượng cao đến vậy. Kết quả: Nói gì thì nói, hai bên đã đi những bước cuối cùng tiến tới sân chơi bình thường hóa thật sự quan hệ của hai nước đối thủ.

Khi Phó Thủ tướng Đại Việt Phạm Bình Sinh đang khoan khoái ngả giấc bồng bềnh trên tàu bay vượt Đại Tây Dương trở về quê nhà thì CSIS – cơ quan chuyên trị “cầm đèn chạy trước ôtô” cho Tòa Bạch Ốc – đã công bố báo cáo “Kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt 2014”, với các điều gần đúng như khi họ nói ở thời điểm ông Phạm “chưa được đi Mỹ”, trong đó có 3 trọng điểm:

1. Mỹ cam kết Tổng thống Obama sẽ thăm Đại Việt trong năm 2015; tức là về ngoại giao: rồng lại đến nhà tôm;

2. Mỹ dần dần sẽ thừa nhận Đại Việt là nền kinh tế thị trường và từ từ sớm kết thúc đàm phán TPP; tức là về kinh tế cứ từ từ và dần dần;

3. Mỹ còn nới lỏng nữa, lỏng ơi là lỏng, rồi cuối cùng rút phựt một phát: tháo tung hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương; tức là về quân sự: ví dụ, khẩu súng Mỹ vừa trao cho Đại Việt đã có báng súng có cò súng rồi, sẽ có nòng có đạn để… phằng phằng phằng!

Ngày 8 tháng Tám.

Với tiêu đề “Bộ trưởng Phùng Quang Thành sang thăm Trung”, trang mạng của báo Quân Đội của Đại Việt, sau đó BBC (giật tít “13 tướng Đại Việt thăm Trung”) đăng tin Đại tướng Phùng Quang Thành dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao thăm hữu nghị chính thức Trung, theo lời mời của người đồng cấp Trung, Thượng tướng Thường Vạn Toan.

Tham gia đoàn có 12 tướng lĩnh khác: Trung tướng Bế Xuân Trương – Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Lương Cương – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Dương Đức Hoa – Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng Phương Minh Hoa – Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tướng Võ Trọng Viết – Tư lệnh Biên phòng; Trung tướng Phạm Hồng Hường – Tư lệnh Quân khu 2; Trung tướng Vũ Văn Hiến – Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng; Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Bắc – Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân; Thiếu tướng Phan Văn Tường – Phó tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng Vũ Pháp Văn – Tư lệnh Thông tin; Thiếu tướng Vũ Đại Thắng – Cục trưởng Đối ngoại; và Thiếu tướng Ngô Quang Liễn – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng.

Báo Quân Đội: “Chuyến thăm nhằm tăng quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa quân đội Việt-Trung; bàn các phương pháp tăng quan hệ quốc phòng song phương để duy trì không khí hòa bình, ổn định, hữu nghị hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước.”; và “cũng để tạo quan điểm chung về an ninh quốc tế, khu vực và mỗi nước, tiếp tục tham gia vào sự phát triển lành mạnh, ổn định dài lâu của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, cũng như khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những điều quan yếu trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nhà nước.”

Truyền thông nhà nước của Trung hồ hởi phấn khởi ra mặt và đưa tin gần như của báo chí Đại Việt. (Chuyện không dễ thấy ở các sự kiện khác của Trung-Việt Việt-Trung).

“Trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung-Việt tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thường Vạn Toan nói: giữa tình hình quan hệ Trung-Việt thay đổi tốt lành như hiện nay, việc Bộ trưởng Phùng dẫn đoàn đại biểu quân sự cấp cao thăm Trung đã chứng tỏ ý nguyện chính trị tích cực của Đảng và quân đội Đại Việt. Bộ trưởng Phùng Quang Thành nói: Đảng và quân đội Đại Việt chân thành mong tăng cường giao lưu và hợp tác với Trung, mong quân đội hai nước trở thành lực lượng nòng cốt gìn giữ hữu nghị Việt-Trung và giữ gìn hoà bình, ổn định của Đông Nam Á.

Hai bên đã đạt được 3 nhận thức chung nguyên tắc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội. Một, theo phương châm 16 chữ ‘Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần 4 tốt ‘Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’, dần dần phục hồi và tăng quan hệ lành mạnh giữa hai quân đội. Hai, giữ vững đoàn kết giữa hai quân đội, cung cấp bảo đảm vững chắc để củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ba, tuân thủ nhận thức chung quan trọng có được giữa lãnh đạo hai Đảng và hai nước, phát huy vị trí tích cực khi xử lý tốt vấn đề biển đảo, giữ gìn cục diện ổn định, hòa bình.”

Còn bên bờ tây Thái Bình Dương có cuộc hội thảo trong khuôn khổ Câu lạc bộ Biển Đông Cuối Tuần do giới văn nghệ sĩ Việt thành phố Vancouver phát động từ khi đẻ ra cái giàn khoan 981.

Ca sĩ kiêm MC Đỗ Đậu Xanh (dân Hải Phòng, người Việt gốc Hoa, cựu sinh viên thanh nhạc Học viện Âm Nhạc Quảng Đông) đã làm náo hoạt Hội thảo khi khai mạc bài ca “Đại Việt, Canada” 4 thứ tiếng Việt-Trung-Anh-Pháp do chính chị vừa chế tác:

“Đại Việt, Canada

Núi không liền núi

Sông không liền sông

Không chung một Biển Đông

Với tình hữu nghị chưa sáng như rạng đông

Chung Thái Bình Dương

Tắm cùng một đại dương

Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây,

Sớm tối chung nghe tiếng Việt-Canada nói cùng

A… há….

Chung một ý, chung một lòng

Đường ta đi hồng cờ toàn cầu hóa

A… há….

Nhân dân ta ca muôn năm

Đại Việt ta, Canada tây!”

Nội dung mở đầu chương trình Hội thảo bao giờ cũng là màn cập nhật tin tức Canada, cộng đồng hải ngoại, thế giới và tất nhiên là binh tình trong nước, được tổng quan rất tiểu tiết bởi nữ bác sĩ Elizabeth Nguyễn. Nói thành thạo 4 thứ tiếng theo thứ tự Anh-Pháp-Trung-Việt, trước cộng đồng Việt vị bác sĩ trẻ chỉ dùng thuần một tiếng Việt dù cô gái chưa một lần về quê cha đất tổ; khác với tiền bối là MC Đỗ Đậu Xanh, từng sống gần 40 năm Việt-Trung Trung-Việt, gần 30 năm Canada nhưng chỉ nói được tiếng Việt dẫu hát giỏi 4 thứ tiếng như đã nêu). Từ khi cần đối phó với giàn khoan Biển Đông nhà thiện nguyện Elizabeth Nguyễn (có cha người Tiều Châu dân chài Cà Mau hồi 1979 vô tình vượt biên khi sang thuyền hàng xóm nhậu và có mẹ y tá người thổ dân lãnh thổ Nunavut cực Bắc Canada) đã phải tạm ngưng Chương trình Cơm Có Thịt dành cho học sinh tiểu học nhà nghèo dưới mức chuẩn tại các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu ở những nơi từng là chiến trường Biên giới 1979.

Sau phần Hội (còn nhiều chương trình xen kẽ như ẩm thực, mua tranh, rượu đấu giá gây quỹ, karaoke và màn chót không thể nào thiếu là nhảy đầm), đến phần Thảo:

Lão thi sĩ Vân Đồn, cựu thủ thủy Quân đội Đại Việt, nhanh nhẹn bước lên bục, có ý trình diễn bắp tay và vồng ngực để bá cáo cùng văn thi hữu tình trạng sức khỏe của lão đã tốt sau cơn bệnh. Lão thi lớn tiếng khi hướng về Họa sĩ Sông Lớn – khách rất quý đến từ thành phố Seattle biên giới Mỹ-Canada và là cha đẻ trường phái tranh Upsidownism:

“Tôi thấy nước mình cứ hay chơi ngược kiểu với thiên hạ. Trong các nguy cơ vũ lực thì quan võ thường hùng dũng, hiếu chiến; quan văn phải khôn khéo, cầu hòa. Nhưng hai thái độ của Phùng Bộ trưởng Quốc phòng và Phạm Ngoại trưởng lại theo họa phái Đảo ngược của ông Sông Lớn. Thế nên không chỉ thằng Tàu mà cả ông Mẽo cũng chả hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao…”

Cựu đại úy thám báo Quân lực Đại Việt Cộng Hòa, nhà báo Việt Phóng (nickname trên FB là “Tui thấy…”) tiếp lời bằng giọng xự Huệ:

“Tui thấy… Cụ Vân Đồn có lý. Cái lý của một con dân có tổ tiên từng dựng tiền đồn khởi thủy Đại Việt ta kháng Nguyên. Song le, tui thấy chưa hẳn đảo ngược theo kiểu quan văn quan võ mỗi khi các quan ra ngoại quốc đấu khẩu. Tức là, tui thấy các vị đó được phân công, được kiểm duyệt ai nói chi ở mô, ai đi mô làm chi. Vậy thì, tui thấy trong cuộc ‘đấu hót’ này, hè hè cho gọi vui vậy nha, chúng ta hãy cùng coi kỹ phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới rồi của hai ông tướng bốn sao và ba sao.”

Đoạn nhà báo cựu thám báo bảo đứa cháu ngoại (cũng là thông dịch viên tiếng Huế ra tiếng Hải Phòng, Quảng Ninh và ngược lại cho ông ngoại) xòe ra màn hình tablet, rồi ông vừa đọc chậm rãi vừa diễn giải:

“Tui thấy Phùng Bộ trưởng nói bên hành lang với ký giả và các ông bà Đại biểu Quốc hội như sau: ‘Qua làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung, Thượng tướng Thường Vạn Toan, chúng tôi thống nhất với nhau phải giữ nguyên hiện trạng, trên Biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía ta.’ Tui thấy, xin quý vị trong Hội thảo này lưu ý giùm tui: ông Phùng Đại tướng – chứ không phải tui, phóng viên Việt Phóng – dùng chữ ‘bạn’. Riêng tui thấy, không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được! Tiếp tục… Đến lúc các ông bà nghị, à các Đại biểu Quốc hội, théc méc Trung xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma, người đứng đầu quân đội Đại Việt chân thành chia sẻ: ‘Còn hiện nay trên biển, nói thật tình là mọi bên đều có hoạt động xây dựng của mình. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Đại Việt ta cũng có hoạt động xây dựng. Tất cả đều là các hoạt động tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng, cho các lực lượng đóng quân trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn hạn chế nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung. Tôi – tức là ông tướng Phùng chứ không phải tui, phóng viên Việt Phóng – thấy rằng, việc các nhà quan sát phán đoán hướng xây dựng của Trung để thành lập căn cứ quân sự với mục đích tấn công thì đó chỉ nên hiểu là dự báo mà thôi. Chứ đương nhiên bên nào đã xây dựng thì đó cũng thành căn cứ quân sự rồi. Chúng ta tăng cường quốc phòng là để tự vệ, khi nào buộc phải tự vệ thì chúng ta mới tự vệ’. Sau đó, tui thấy Phùng tướng quân còn ‘tâm tư’ thêm câu nữa khiến dư luận càng thêm ‘tâm tư’: ‘Riêng tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào chứ, hiện nay từ người già đến trẻ con đều có xu thế ghét Trung. Ai nói tích cực cho Trung là ngại. Tôi thấy, điều đó là nguy hiểm cho dân tộc Việt.’

Đồng thời, tui thấy vị thuộc cấp của Phùng Đại tướng là Thượng tướng Đỗ Bá Ty, Thứ trưởng Quốc phòng đã phát biểu tại thảo luận tổ như sau: ‘Dù Trung đã rút giàn khoan nhưng mưu đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông vẫn không hề thay đổi. Nên cuộc đấu tranh Việt-Trung sắp tới sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí ác liệt, phức tạp hơn. Các cụ nhà ta cũng đã nói rồi, không muốn chiến tranh vẫn phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh, càng chuẩn bị tốt càng làm người ta cân nhắc khi muốn tiến công mình.’ Tướng ba sao còn dẫn chứng: ‘Như Triều Tiên đó! Dù là nước bé nhưng ai dám bảo là nước yếu? Bởi họ sở hữu một khối lượng vũ khí lớn, hiện đại. Nói vậy để chứng tỏ nhất thiết một quốc gia phải đạt được sức mạnh quốc phòng vừa đủ để răn đe các nước khác’.

Đó, mần chi rứa hè… Nghe hai ông tướng cùng phe ta mà cứ đảo nhau hổng biết mô biết tê. Rứa thì không chỉ thằng Tàu, í lộn, ‘bạn’ Tàu, ông Mẽo mà cả dân ta cũng hổng hiểu xuôi ngược đầu đuôi ra răng. Tui thấy Đại Việt ta đã phát triển trường phái Đảo ngược/ Upsidownism của họa sĩ Sông Lớn thành trường phái Siêu đảo ngược/ Super Upsidownism rồi! Các chí hữu khác thấy sao?”

(Còn tiếp)

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • “Thượng tướng Đỗ Bá Ty, Thứ trưởng Quốc phòng đã phát biểu tại thảo luận tổ như sau: ‘Dù Trung đã rút giàn khoan nhưng mưu đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông vẫn không hề thay đổi. Nên cuộc đấu tranh Việt-Trung sắp tới sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí ác liệt, phức tạp hơn. Các cụ nhà ta cũng đã nói rồi, không muốn chiến tranh vẫn phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh, càng chuẩn bị tốt càng làm người ta cân nhắc khi muốn tiến công mình.” (Bài chủ)

    Lời phát biểu trên của ĐBT có mấy ý chính:

    1- TQ không thay đổi hành động chiếm Biển Đông
    2- Đấu tranh Việt Trung sẽ chuyển sang giai đoạn khác phức tạp hơn
    3- Theo các cụ nhà ta, chuẩn bị tốt nhằm khiến địch phải cân nhắc khi muốn tiến công ta

    Nhận xét:

    1- Xác nhận một việc đã rồi
    2- Giai đoạn phức tạp hơn có thể từ chịu trận súng “nước” sang thoả thuận cùng nhau khai thác 2 bên cùng có lợi
    3- Hứa hẹn nhiều hợp đồng mua bán vũ khí cở tàu ngầm Kilo, máy bay Sukhoi Nga hoặc “vũ khí sát thương” của Mỹ (cái này còn đang vận động)

    Theo tôi, tư cách đương nhiệm 1 thượng tướng TTM quân đội mà nói chuyện ù ơ kiểu đọc truyện Tàu Tam Quốc Chí, xét cho cùng, nhảm. Dường như những người đang mang trọng trách gìn giữ giang san hay từ gian diệt bạo an dân tại VN, họ thích nói chuyện gì khác hơn là chu toàn chính trách nhiệm của mình. Tướng quân thì lại tâm tư quan tâm bức xúc lĩnh vực tình cảm của dân chúng. Sai nha công an chỉ toàn rình rập cái gọi là bọn phản động trong dân chúng đang liên kết với thù địch tận đâu đâu nước ngoài. Tai to mặt lớn giữa nghị trường quốc gia thì mỗi vị lại kè kè bên mình vài hợp đồng kinh tế làm giàu (đất nước ?).Lạ.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)