Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

đẻ sách – chương 3: diễn đàn tóc (kỳ 2)

0 bình luận ♦ 11.10.2018

[Trích tiểu thuyết châm biếm Đẻ sách, Người Việt Books 2018]

Trang giấy của Nhà thơ Tự-ăn-tóc trở mình, bắt đầu lại muốn cong cong. Chúng nói với nhau lần thứ 101, tất nhiên bằng ngôn ngữ của giấy (đừng nhầm với ngôn ngữ trên giấy!): “Thiệt không gì ngán bằng việc phục vụ các tay chủ đã hiền lành lại chậm lụt.” Ngón tay út nhà thơ bèn buông các sợi tóc và khỏa thân trong không trung, vừa lúc đó Nhà thơ Tự-ăn-tóc mới mở được miệng:

– Ồ, thời gian diễn đàn chắc còn nhiều? Không phản đối kịch tác gia điều gì, chỉ muốn nhắc tôi còn phải nói về những hai đề tài lận. Một mang tựa đề “Ăn lại ‘Tóc Chị Hoài’ của Nguyễn Tuân theo hình thức mới”. Hai, “Thạch Lam với ‘Sợi Tóc’ không dễ vượt qua”. Nếu như sau đó vẫn còn thời gian thì là…

– “Beckett: Một dòng kịch nghệ rối mù”. Tôi muốn nghe xong bài này mới biết đóng góp thân thể mình cho văn học nghệ thuật ra răng. – Người Bị-ăn-tóc bắt đầu vui vui…

– May mà mỗi ngày đêm (với nhà văn tự do), mỗi ngày tám tiếng (với nhà văn công chức) câu cú của các văn sĩ cứ từ trần khuất núi băng hà tịch ngỏm chính ngay trong tim của văn sĩ hàng trăm cái, sau đến trong đầu cũng phải hàng chục cái, rồi tới các ngón tay quằn quại cả chục câu cú nữa! Để thân thể các nhà văn không là những cái bao biết đi đựng câu chữ. Để chúng ta mang danh cao đẹp Nhà Văn. (Văn đây tức là Đẹp đấy ạ, thưa Diễn đàn); Chứ không phải Nhà Chữ (hoặc Nhà Con Chữ, nếu nói sướng cái miệng; còn nói khổ cái miệng là Nhà Phu Chữ). Để các trang bản thảo không phải cái chợ chữ. Và cuối cùng, để các trang truyện, hàng thơ, hồi kịch khi đến độc giả không phải là bãi chiến trường cho các câu cú giành vẻ đẹp cuối cùng khi vươn tới tầm thẩm mỹ nơi độc giả. Nhờ các câu văn tự chết, nói giọng nhà nghề là nhà văn tự kiểm duyệt, mà văn chương tồn tại. Không có hàng sư đoàn câu cú tự tử, không có chiến thắng cuối cùng của thi ca, của kịch nghệ! Ôi, “những mùa tóc rụng ngang đầu!”. Kìa, “đừng động vào đầu mùa tóc rụng!”. Những sợi tóc rơi rụng muôn năm! Những câu chữ tự hủy diệt cũng muôn năm!

Tất nhiên Nhà viết kịch Ăn-tóc không đi đi lại lại nữa. Tất nhiên. Đến cả Kama Sutra cũng chẳng có thuật “moving sex”!

– Mắc cái chứng gì mà bỗng nói năng hay ho thế? À há, đ’. đã đời với mấy cái ngón tay quái quỷ của nhà thơ, thế là kịch tác gia nhà ta mần thơ luôn. Thiệt tình! – Người Bị-ăn-tóc nhủ thầm, cười tủm…

Bạn đọc thân mến! Người Bị-ăn-tóc chỉ nhủ thầm, cười tủm vì lịch sự không nói thẳng ra. Cũng có thể vì sự tìm tòi nhân-quả mà thôi. Chúng ta chớ hiểu nhầm có sự ghen tương gì đó ở đây. Như một người bình thường một cách rất bình thường, Người Bị-ăn-tóc không thể nào có được các trò ghen chéo theo kiểu văn nghệ văn giềng; giản đơn vì người không giao hợp theo trò bỏ túi nhảy dù, không chim chuột theo lối cặp mắt ngón tay, mà màn sex vừa được mục kích là hy hữu trong con mắt phi văn học của người.

Như một thi nhân chân chính và hiền từ, và như bao lần khác với nhiều phần thân thể khác, Nhà thơ Tự-ăn-tóc bất lực trước các ngón tay mình đang ngoại tình với Nhà viết kịch Ăn-tóc. Mà thi ca của người vốn hiển hiện nỗi bất lực trước bản thân và trước tha nhân. Nếu nhà thơ hữu lực và vô tâm, tất sẽ đi bổ củi kiếm cơm độ nhật, đi đánh ghen cuộc đời để xả xú báp, đi nhậu rượu thịt chó rồi đẻ con sinh cái thay vì tự nhai tóc mình đẻ sách, và đi làm nhiều vụ việc khác với cái sự làm thơ. Nhà thơ – người không thể làm gì khác hơn làm thơ.

Thật ra và nói chung, kịch tác gia qua mặt nhà thơ là chuyện thường ngày ở huyện văn chương; nó xảy ra với giới văn sĩ đủ các loại: văn sĩ ăn tiền, văn sĩ ăn tình, văn sĩ ăn gạo chân quê, văn sĩ ăn bơ (thừa) sữa (cặn), văn sĩ ăn đô Nobel, văn sĩ ăn bạc cắc của vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông”, văn sĩ ăn khí trời, văn sĩ ăn nghị quyết, văn sĩ ăn order, văn sĩ ăn cơm Chùa, văn sĩ ăn hố xí hai ngăn, văn sĩ ăn thuốc phiện, v.v… (Nói gọn, ấy là danh sách một số văn sĩ không ăn thịt người. Nếu đã không ăn thịt người để hành văn thì văn sĩ tất phải ăn một cái gì, một điều gì trên đời chứ!)

Nhà thơ Tự-ăn-tóc bị kịch tác gia cắm sừng là phải! Kịch là thứ thơ thăng hoa; nó thăng lên quá mái tóc bồng bềnh của những “chàng thi sĩ khi xưa hay sầu lắm”, để còn chạm với thử thách của Thượng đế – các khán giả bỏ tiền cất công tới rạp ngồi coi ăn quà vặt. Kịch luôn luôn có đĩ (chữ này trong ngôn ngữ kịch nghệ mang cả giống đực lẫn cái) tính là xung đột. Viết gọn cho bạn đọc dễ đọc và cho dịch giả dễ dịch: Kịch luôn có đĩ tính là xung đột. Không đĩ tính xung đột, không thành kịch; người ta quen nói là kịch tính. Mà thuật ngữ sinh tử này của ngành kịch nghệ được dùng trong xã hội, cuộc sống phổ biến tới mức người đời coi phép so sánh “Thiên địa đại hí trường, hí trường tiểu thiên địa” như định luật tương hỗ đời và kịch. À, thuật ngữ kịch tính nghe vẻ đao to búa lớn, như Việt tính chẳng hạn. Kỳ thực không là cách nói đao to búa lớn. Bởi, kịch không đủ thời gian để đao to búa lớn (thường sau ba, bốn tiếng đồng hồ màn được treo kiểu gì cũng hết chịu nổi sự treo, phải hạ xuống) và càng thiếu không gian để búa lớn đao to (sân khấu khác sân vận động, dù đôi khi sân vận động bị lạm dụng thành sân khấu). Có lẽ để tránh cho đám cập kê bọn teen khỏi bị sốc và cũng ngại đối diện các nữ quyền gia, người ta bèn gọi đĩ tính của kịch là kịch tính. Khỏe!

Trong khi đó, thơ thủy chung với cái tứ. Nhân vật trong thơ, thật ra chỉ như Nhật hoàng Nhật Bản, Nữ hoàng Anh quốc thời nay. Thôi thì nói cho thơ mộng: nhân vật của thơ – kể cả của trường ca là thứ có lớp lang chương hồi – cũng không hơn gì Hòn Vọng Phu. Bên cạnh các tình tiết, những nhân vật trong thi ca đứng khơi khơi thi gan cùng tuế nguyệt vậy thôi, chớ đọ sao nổi lòng dạ đàn bà con gái thời a-còng. Cho dù tuần trước lấy luật vần làm tấm lòng son sắt, hôm qua thủ tiết tu từ; bữa nay vụt vắt dòng, phá cách chút đỉnh ngó nghiêng ông hàng xóm văn xuôi, hay í ới hú gọi tranh ảnh, nhưng kể cả đến ngày mai và ngày mốt, thi ca vẫn ngồi đó với cái tứ của mình mà gom hết thiên địa. Thơ chẳng cần cái gì, chẳng cần ai ngoài chính nó. Nhà thơ tự yêu mình. Thi ca hạng một là cho thi ca, rồi đến cho thi sĩ. Thi ca hạng hai là cho thi sĩ, rồi cho thi ca. Thi ca hạng ba, các thứ thi ca còn lại.

Đại để thế, nên khái niệm ngoại tình không quá nặng nề với thi ca. Bạn khỏi cần thương thay Nhà thơ Tự-ăn-tóc, nhân vật của chúng ta, và những nhà thơ ăn các thứ khác của thịt người cùng biết bao nhà thơ không ăn thịt người mà ăn các thứ khác. Nhà thơ, họ tự yêu mình còn chưa hết. Bạn cũng khỏi phải giận Kịch tác gia Ăn-tóc. Chỉ là ví dụ con. Ví dụ cái phải kể tới nhà thơ kiêm nhà viết kịch, tên là Hiếp Thống, đến từ một quốc gia thành viên trong khối APEC. Ông từng làm những vở kịch thơ khét tiếng. Nhà viết kịch kiêm nhà thơ, tức là nam tính lồng ngoài nữ tính. Cương nhu có cả, âm dương khôn lường. Vì thế với ông, chuyện trai gái trò yêu đương thuận tiện bội phần. Hiếp thi nhân, khi đã ngoại thất thập vẫn còn được thanh nữ nhan sắc nọ mộ tài dụ lên đồi trọc, đè ngửa ra. Chậc, rồi đã đến cái việc phải đến. Chuyện được chính người đàn ông trong cuộc kể lại, chớ hổng phải chuyện đàn bà đồn đại. Ta có quyền khẳng định: Kịch thơ là tiếng thét cuối cùng của ngôn ngữ; như khúc kêu thống khoái của người nữ kia đồi trọc nọ.

… Nhà viết kịch Ăn-tóc ngấm mệt. Hết còn đi đi lại lại đã đành. Đứng ngay để nhằm thẳng diễn đàn mà đăng đàn – như liệt sĩ Nguyễn Bút Xuân – cũng không nổi. Đành chứng tỏ ta vẫn còn đây theo kiểu chiến hữu Trần Vẻ Bá xuống tàu phục quốc: lom khom. Bị một đàn ngón tay tồng ngồng như vậy bề hội đồng hỏi có ăn gan giời cũng không lại. Ba cái sợi tóc đã là gì! Rồi, bây giờ chúng ta đang có một Nhà viết kịch Ăn-tóc ở tư thế khác, “Tôi lom khom, vậy thì tôi diễn thuyết”.

– Văn hóa nước Nam trong cả ngàn năm phải lồng ghép ba lưỡi dao Nho, Phật và Đạo vào một cái cán Việt để chẻ sợi tóc làm năm làm bảy, qua các dòng điệu ca dao tục ngữ với những ngón tâm lý sặc mùi lý trưởng nồng giọng mẹ chồng. Mãi ít trăm năm nay, các nhà cơ thể học đã ung dung vừa xỉa răng vừa dùng kính hiển vi săm soi sợi tóc. Nhưng, kể cả đến giai đoạn kính hiển vi điện tử, tới hồi cuối thế kỷ trước là siêu điện tử, rồi laser mà các kết quả cũng không khác phương pháp truyền thống Tam Giáo Đồng Cán là bao. Tất nhiên, nó điện khí hóa và long trọng hóa hơn, hiện đại hóa và rắc rối hóa hơn và thậm chí, đến lúc Diễn Đàn Tóc được diễn ra, nó còn hậu hiện đại hóa và tóc hóa hơn. Nhưng – vẫn chữ Nhưng to đùng – nó không văn hóa hơn. Tức là không dân tộc hơn cùng chẳng đại chúng hơn. Hiển nhiên, nếu như đưa được xảo thuật Tam Giáo Đồng Cán vào công nghệ kính hiển vi siêu điện tử thì sự nghiệp săm soi các sợi tóc đã có ngày 30 tháng Tư của mình rồi. Vậy mà ngày ấy vẫn chưa tới. Hélas!

– Phải công nhận có sex xong nói năng đâu ra đấy, đúng một diễn thuyết viên đầy chất kịch sĩ! Chắc tóc tai của ta cũng có công, ít nhất ở cái chữ “Hélas”. – Người Bị-ăn-tóc gật gật. Các cộng tóc sắp sửa rời chủ nhân một đi không trở về vụt trở nên tự hào. Đầu Người Bị-ăn-tóc lại một lần hóa thành sân ga Hàng Cỏ đưa tiễn những chàng tóc trai Nam tiến.

– Vở Những Nhà Vật Lý của Friedrich Duerrenmatt chắc chắn đã làm nhà hàng Nobel Văn chương đảo lộn bữa tiệc thường niên nào đó từ những năm 1962 đến 1990. Vâng, có những thời kỳ loài người bị ngu muội bởi trí khôn khoa học của mình. Giữa thế kỷ 20 vừa rồi là vậy. Làm chủ trái đất chưa xong (thì làm chủ bản thân và cả làm chủ tập thể nữa đã xong đâu cơ chứ!) vừa có công cụ mới là Thuyết tương đối – mà không một vật lý gia nào dám tự nhận hiểu hết được – loài người chúng ta đã nặn ra bom nguyên tử, rồi bom hạt nhân để làm chủ nhau, khiến bộ mặt nhân loại đương đại mang các vết sẹo tật nguyền vĩnh viễn không nền mỹ học nào làm đẹp lên cho nổi. Đã thế lại đòi chinh phạt mặt trăng, chiếm lãnh sao Hỏa. Chỉ bằng con mắt nhân văn ở người viết kịch, chúng tôi cũng thấy các chương trình đó nói như hỏa tiễn Nga leo lên giời còn thành tựu chỉ là mèo Trung Hoa mửa. Một khi con mắt mình chưa nhìn hết sợi tóc, cái lòng mình chưa qua nổi sợi tóc; đừng mong gì chinh phục thiên hà. Hừm, “Một bước chân của con người, một bước chân của lịch sử!”. Lịch sử cái l`. bà Tèo treo trên vũ trụ ấy! Ối ối, thôi chết, tôi nói lộn đấy! Xin lỗi, nói lại: Lịch sử cái… âm đạo bà Tèo treo trên vũ trụ ấy! Ối hỏng! Mất toi 100 đô Mẽo rồi!

Miệng lưỡi kịch tác gia kiêm diễn viên thượng thặng liến láu vậy cũng không lọt nổi hệ thống báo động. Loa trên bốn bức tường của diễn đàn rú lên inh oang. Chẳng là có vị trợ lý kỹ thuật cho các kỳ họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì tình văn nghệ mà biếu tặng Diễn Đàn Tóc một chương trình báo động các chữ tục tĩu của gần 200 ngôn ngữ, thổ ngữ. Đẻ Sách không như thể các diễn đàn Ai Là Ta, Tiến Về và gần đây là Đá Mau viết thẳng tưng chữ “lờ ôn lôn huyền…” như Kịch tác gia Ăn-tóc vừa phát âm. Đâu phải con nhà lành hơn Ai Là Ta, thanh lịch hơn Tiến Về, hay kiềm chế hơn Đá Mau; đơn giản Đẻ Sách chỉ muốn đẻ vuông tròn trên mạng. Vẫn còn đó nóng bỏng cái vụ cuốn tiểu thuyết ăn khách toàn cầu của một tác giả lá đa người Mexico mà vẫn bị một trang nhà lá cải tự động khước từ bán sách vì vài chữ dơ tục. Thôi, tránh lồ. chả xấu mặt nào!

Nhà viết kịch lom khom, lom khom chạy vội tới Thùng đóng phạt. Nộp càng trễ, còi ụ càng lâu, tục tĩu phí tăng theo cấp lũy thừa. Tập giấy trên tay Nhà thơ Tự-ăn-tóc rung động. Từng trang len nhau cong ra, nhìn. Cả các con chữ thấp kém nhất cũng đứng hết lên. Tất cả cười thích chí. Tiếng cười đồng thanh đồng khí của giấy mực tạo âm vực lạ thường mà không giấy mực nào tả nổi. Chỉ các đại mỹ nhân dám cười như thế! Chả trách các câu chữ đã chọn giấy làm quê hương. Chả trách giấy đã cho chữ nghĩa làm con dân. Còn các ngón tay, kể cả ngón út, đúng là những vật tình lý tưởng. Khi bạn tình lâm sự, chúng rũ cả xuống. Yếu sức nhất, ngón cái đã nấc lên nhìn nhà viết kịch lom khom tất tưởi. Vì (các) nàng chàng phải lom khom…

Khi đó Nhà thơ Tự-ăn-tóc dẫu là văn nhân cao đạo cũng phải láu lên một chút, cướp mic đi chứ! Sắm vai kẻ ăn cướp, các thi sĩ thường vẫn nhã nhặn và khiêm nhường. Kìa, Nhà thơ Tự-ăn-tóc của chúng ta đang giơ giấy lên, chân phương đọc. Đâu cần là giọng kịch sĩ bạn vẫn xúc động, phải không? Ủa, sao không xúc động? Tai bạn có vấn đề? Vứt cái chữ a ở giữa tai đi, thêm chữ m vào cuối từ xem nào! Giờ bạn nghe thấu lời thi nhân chứ?

Nhà thơ Tự-ăn-tóc của bạn đã nhận ra điều cố văn sĩ có văn chương mềm mại nhất (nên sẽ sống lâu nhất) trong lò văn Tự Lực Văn Đoàn từng nhìn ra. Đó là cái bạn chưa nhận ra: Khoảng nối giữa các đoạn đời. Giới vật lý gọi là tính gián đoạn của vật chất. Với các sử gia, lát cắt của sự kiện.

– Tôi muốn chia sẻ thật nhanh với đồng nghiệp kịch tác gia ở ý “cái lòng mình chưa qua nổi sợi tóc”. Minh họa này từ tập truyện ngắn Sợi Tóc của Thạch Lam.

“‘Tôi nhớ rõ lúc đó không có một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết… Có lẽ chỉ một lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên… Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ…’

Chúng tôi đều yên lặng. Anh Thành nói xong, với cái điếu hút một hơi thuốc lào rất kêu. Rồi anh thở ra thong thả, mắt lờ mờ nhìn dõi theo làn khói đi.” (1)

– Cái của nợ đó nó là âm hộ đấy chớ! Sao nhà viết kịch nói nhịu là âm đạo? Hay lắt léo gì trong ngoài cái đồ “âm” đó? Vô duyên! Đang bàn chuyện săm soi sợi tóc lại đi săm soi cái… lờ! – Chắc ăn, Người Bị-ăn-tóc dằn từng câu chữ một. Phát xong âm cuối cùng, người mới dám buông tay khỏi miệng ví tiền đang thở phập phồng trong túi.

Từ đây, Nhà viết kịch Ăn-tóc bắt đầu hạ đài từ của mình xuống cung thấp. Giữ sức, giữ của. Trong kịch bản đang viết nhờ ăn tóc của các bà hồi xuân, của đám baby cái từ các sắc dân tóc đen, nâu và hung đỏ, nhà viết kịch chọn nhân vật đều là loại thấp bé nhẹ cân kiểu Saplin mà thanh lượng thì vô biên.

Thực ra, về sau người ta mới biết, việc Nhà viết kịch Ăn-tóc có mặt trong Diễn Đàn Tóc là một hình thức tránh mặt để phản đối sự ra mắt quá trễ của đồng nghiệp Thụy Sĩ Duerrenmatt tại Việt Nam qua vở kịch Chuyến Về Thăm. (2)

Xin nhớ điều này, với ngành sân khấu kịch nói người ta không quen an ủi nhau bằng câu tục ngữ vuốt đuôi “Muộn còn hơn không”. Tại đất nước của Vương Thúy Kiều (Thế giới này đã bắt tôi phải làm điếm, vậy bây giờ tôi biến nó thành cái ổ điếm.”) và của Tú Bà (“Ai không có tiền để vung ra mà lại muốn được chia chác, thì ít nhất cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm của mình chứ. Mà quý vị người nào cũng muốn được chia chác cả. Đúng ra ai chi tiền người đó mới là kẻ ngay thẳng đàng hoàng nhất, và kẻ chịu bỏ tiền ra chính là tôi.”) thì Claire Zachanassian đáng nhẽ phải góp mặt ở xứ này từ lâu mới phải. Duerrenmatt chắc chắn thuộc loài ăn tóc đẻ kịch rồi, đọc cái hơi thoại và cách nâng cao trào thì biết, ít nhất cũng ở vở Chuyến Về Thăm. Có thể ngờ ngợ đạo diễn-nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và nhà văn Phạm Thị Hoài không thuộc loài này. Văn sĩ đã ăn tóc đa phần rất khó nết với thiên hạ và khó tính với bản thân. Ai lại đi phỏng dịch hoặc phóng tác một nụ cười, dù cười ruồi hay cười khỉ? Mà đây những là cười đẳng cấp tỉ phú. Phỏng và phóng một tiếng cười không thể nào cho ra một mẩu hay một mảnh cười. Coi chừng chuyển thành tiếng khóc! Thì vẫn… Khóc và cười có ranh giới sợi tóc. Dịch giả Lê Chu Cầu ăn tóc hay không, Nhà viết kịch Ăn-tóc cũng không quan tâm. Bản dịch Bà Tỉ Phú Về Thăm Quê của Lê tiên sanh có công lớn thì đó là công của Lê tiên sanh, nó cũng không làm nhà viết kịch của chúng ta tha tội đến muộn của bà. “Nguyễn Du ơi, lệ chảy quanh thân Bà Tỉ Phú!”. Những đêm công diễn hài kịch Duerrenmatt ở Việt Nam ắt có thơ thẩn nhuốm màu nước mắt. Các thi sĩ Tố Hữu, Dương Tường lại có dịp kết nạp thêm vào phe nước mắt của mình nhiều chí hữu.

– Bây giờ tới lúc tôi nói về vấn nạn săm soi câu chữ. Có thể khẳng định, sự săm soi này động đến khái niệm gốc: Tự do, tài nguyên quý nhất của nhân loại. Thế nên thời nào, ở đâu, với ai nó cũng bị coi như loại tai họa do người gây ra cho người, tôi muốn gọi tắt là nhân tai. Hồi nhỏ, chúng ta có miệng mẹ nhắc nhở từ tiếng bấc tục ngữ ca dao đến tiếng chì tổ hợp các kiểu chửi mắng. Nhờ đó tiếng nói, câu cú của chúng ta được hình thành và hoàn thiện. Chúng ta yêu tiếng nói đến mức gọi là tiếng mẹ, hay tiếng mẹ đẻ. Ta còn có bàn tay cha rèn rập khi sử dụng ngón cái và ngón trỏ cấu véo, khi mở ra đầy đủ năm ngón và cả lòng bàn tay làm cái tát. Chúng ta được nên người nhờ tiếng nói và chữ nghĩa mẹ cha dạy rèn. Công ơn đó đã nêu trong câu ca dao về núi và về nước. Chả thế mà tiếng nói, ngôn ngữ phụ thuộc vào sơn thủy của xứ sở chúng ta sinh thành. Chỉ khi ta trở thành cha thành mẹ (hoặc tương đương) sẽ không còn coi sự săm soi, dạy rèn từ song thân, tức là thoát nhân tai theo suốt tuổi thơ. Tới trường học, ta có thầy cô giáo rèn dạy săm soi qua việc hệ thống hóa, cập nhật hóa, thế giới hóa, làng xóm hóa, khu vực hóa và nhiều thứ hóa khác những gì phụ huynh dạy rèn săm soi ít ỏi và cơ bản ở nhà. Và ngay cả khi ai đó trong chúng ta thành thầy cô giáo thì hiếm ai hết còn coi sự dạy bảo của trường học là nhân tai. Một đứa học trò hết phải chùi đũng quần trên ghế nhà trường, nó hạnh phúc vì về pháp lý và đạo lý hết còn bị săm soi câu chữ. Về từ vựng học và cú pháp học mà nói, một học trò học lực trung bình hoàn toàn đủ tư cách văn nhân trên văn đàn của cuộc đời, dù văn đàn đó diễn ra trong sân Văn Miếu, vườn Tao Đàn hay nền xi-măng Hỏa Lò, Chí Hòa. Bao nhiêu dòng văn, hàng thơ đã tả sự hân hoan tột đỉnh từ những cô cậu học trò buổi cuối cùng ngoảng lại nhìn lớp học. Nhưng – vẫn cái chữ Nhưng củ chuối của tư tưởng cây sậy – những cô cậu học sinh đó chỉ được hết nhân tai săm soi câu chữ, nếu – lại chữ Nếu oái oăm khiến Paris không bỏ vào lọ được – làm nghề gì thì làm miễn đừng dính đến văn chương câu chữ. Là tác giả, mỗi chúng ta vừa tự nguyện vừa bị buộc trở lại nhà tù ngôn ngữ mà suốt tuổi thơ những ai biết nói và biết chữ từng trải.

– Bởi vậy cánh văn sĩ hễ mở mồm miệng mở bút giấy là thấy hai chữ Tự do bốc lên. – Người Bị-ăn-tóc thông cảm…

(Còn tiếp 1 kỳ)

————–

(1) Nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội 1942; theo dactrung.net

(2) Xem Lê Kim N.; talawas.org 20/11/2006 và Tiền Phong online 7/11/2006

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)