Trang chính » Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Trung-Việt Việt-Trung

0 bình luận ♦ 21.05.2015

(Trích tiểu thuyết)

 

 

Có vài dích dắc quanh Thư ngỏ của Chủ tịch Hội Văn sĩ Bắc Kinh gửi Tổng thư ký Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành.

Thư đã phải ký thay bởi Phó Chủ tịch Hội, nhà văn Trương Duy. Lý do: dư luận được biết phút cuối trước khi thư được gửi đi thì Chủ tịch Hội, dịch giả Thiết Ngôn “bị rối loạn tinh thần nên ủy nhiệm cho phó của mình thay mặt”.

Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị Thư ngỏ, họ Trương từng có một phóng bút để Thiết Ngôn gửi Mỵ Châu với lời nhờ người nhận Thư ngỏ chỉ giáo và biên tập phóng bút. Không kể các phần liên quan đến những trích đoạn đã nêu ở Hồi 2, độc giả coi kỹ các đoạn dưới đây sẽ thấy trong đó nhiều mưu đồ ẩn hiện…

“Phóng bút cho một Thư ngỏ dự tính gửi vào đầu tháng Tám

Chủ tịch Hội Văn sĩ Bắc Kinh gửi Tổng thư ký Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành

Thưa nữ sĩ Võ Thị Mỵ Châu,

Thay mặt Hội Văn sĩ Bắc Kinh và nhân danh cá nhân, trước tiên tôi xin gửi tới nữ đồng chí Tổng thư ký (hay là ‘đồng chí nữ Tổng thư ký’ nhỉ, chỗ này tiếng Việt sinh động quá!) và các nam nữ đồng nghiệp Việt tại địa bàn thủ đô Hà Thành những tình cảm nồng hậu nhất, cùng lời cáo lỗi đã chậm hồi âm thư của Quý Hội mà Quý nữ sĩ Tổng thư ký đại diện đã gửi chúng tôi liên quan tới tình trạng Biển Đông, ồ xin lỗi biển Nam Hải, trong các tháng qua.

Tục ngữ Trung có câu ‘Chiếc chổi ngắn không quét được dài’. Cũng như các văn hữu bên đó là những ‘hạt bụi lóng lánh’, chúng tôi ở đây làm phận các ‘chiếc chổi hùng dũng’. Là thứ dân chỉ biết cứu cánh nghệ thuật, tôi tự cho phép mình không đề cập đến nội hàm của đề tài biển Nam Hải (đúng thế Nam Hải, không phải là Biển Đông).

Trong nhãn quan của những nhà hiện thực – trữ tình ở thời hậu hiện đại, chúng tôi cũng mong Quý văn hữu coi cái giàn khoan bạc tỷ (mà tôi không buồn nhắc tên riêng của nó) chỉ là một cánh bèo trên biển cả. Đại dương Nam Hải của chúng tôi trên đã từng và đang là mây trời, dưới đang và sẽ là những cánh-bèo-bạc-tỉ. Từ quê hương của hình tượng bèo dạt mây trôi với làn điệu dân ca thê thiết đệ nhất thiên hạ, nữ sĩ hiểu hơn ai hết?

Có khi lại hóa hay nếu chúng ta mạn đàm về một số trọng điểm văn hóa, văn nghệ Việt-Trung rồi Trung-Việt. Hãy cứ để giàn khoan, rồi Biển Đông của nữ sĩ và Nam Hải của tôi đi chỗ khác chơi!

*

Trước hết là nhân sự, là tổ chức.

Như Lênin của chúng ta từng nói: ‘Trong cách mạng có 3 vấn đề: tổ chức, tổ chức và tổ chức’. Tôi cũng như nữ sĩ, chúng ta làm văn chương. Chúng ta không làm cách mạng – việc đã hoàn thành bởi thế hệ tiền bối – nhưng vẫn theo phương pháp của tiền bối. Không biết tổ chức con người và tổ chức ngôn từ, không có văn chương!

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật: thiệt tình chúng tôi chẳng hề muốn các ‘hiện tượng Nguyên Cơ Thạch’ xảy ra trong văn học tại Quý Hội mà nữ sĩ tài ba, bản lãnh và xinh đẹp đang cầm chịch hai nhiệm kỳ với tín nhiệm cao. Cũng may, không ít những tay bút ‘Nguyên Cơ Thạch’ dưới tầm quản lý của Quý Hội Hà Thành đang trôi dạt như bèo (dù bản chất sinh thể của họ không hề bèo tí nào) sang Văn hội Độc lập của thi lão công thần Nguyên Ngà. Nữ sĩ Tổng thư ký khỏe re như con bò kéo xe nhé! Chuyện nội bộ phương Nam, nhưng ngộ cũng thấy cái Văn hội Độc lập ấy đã làm được khối việc mà bên chính thống của nỉ thật ra muốn làm nhưng bất tiện. Lòng vả như lòng sung, ngộ hiểu.

Chưa hiểu hết; coi bài trên mạng BoVN mà phê bình gia Hoàn Hưng giả nhời phỏng vấn báo Đàng Trước, sẽ hiểu liền. Người hỏi người thưa, nhâm nhi nhấm nháp nhấp nháy hai chữ ‘độc lập’ khi luận về nguyên nhân khiến Văn hội đang bị nhà chức trách gây khó. Kể ra thì cũng hay, có dịp PR chính đáng cho đại sự chính nghĩa của mình. Kể vào thì bỉ nhân thấy không trúng hồng tâm. Ngày mai cụ Nguyên Ngà, bác Hoàn Hưng, cô Ý Nhị cùng tập thể Ban vận động Văn hội các vị thử hè nhau dỡ tạm hai chữ ‘độc lập’ khỏi danh xưng, xếp vào kho mà vỡn ôm chặt chủ trương giữ rịt mục tiêu như tuyên bố ngày 3 tháng 3 năm 2014 và cụ thể hóa hành động như trong bài phỏng vấn nói trên? Ngờ là Vũ Văn Cẩn thôi! Bác phê bình gia Hoàn Hưng nếu làm thơ chắc sẽ mộng mị lắm nhỉ, vì thấy bác cứ đoan quyết ‘chỉ có thể vì hai tiếng ‘độc lập’ nên bị khó dễ’. Đã biết thế, đã vì đại nghĩa ‘góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại; có thể đóng vai trò tiền phong trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi’, sao các cụ các bác các cô không bắt chước truyền thống Việt sá gì xài tên xấu kiểu như cái Hĩm thằng Cún cho dễ nuôi? Này, giới văn bút Trung của ngộ đang mơ có những văn hội tương tự; để các hội đoàn chính tông hết phải lo hành chính sự vụ, chỉ còn lo viết các tác phẩm nhớn tương xứng tầm thời đại. Khi nào Tổ quốc cần và cũng gặp lúc bí chẳng viết được gì thì chúng ta chạy qua các diễn đàn, hội thảo (chẳng hạn như cuộc ‘Thoát Trung’ mà Văn hội Độc lập đang tiến hành). Thảo xong luận xuôi có thoát được hay không cũng mau trở về bàn văn nơi những tác phẩm nhớn tương xứng tầm thời đại đang chờ. Nhé?

Ta hãy chỉ đích danh. Khoanh vùng thời điểm xảy ra vụ giàn khoan, Hội Bắc Kinh chúng tôi thấy 2 trường hợp ‘Nguyên Cơ Thạch’ đang dưới tay Quý Hội Hà Thành: nữ văn sĩ Đỗ Quyên và nam thi sĩ Nguyễn Đinh Tú. Nay tạm chưa bàn về trường ca Hồn Phàm của Cậu Tú, nó chưa ra lò. (Biết đâu mai sách bị thu hồi như tiểu thuyết Rồng Gỗ của văn sĩ Vũ Ngọc Tiên?)

Nữ văn sĩ họ Đỗ có hai truyện Chuyện tổ quốc moving bất thành, Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào, và từ đó – theo tin của cơ quan an ninh Trung – sắp chuyển thành phim Chuyện tình Trung-Việt Việt-Trung được sản xuất bởi một hãng điện ảnh đầu bảng thế giới. Sự phản cảm của chúng đã rõ rành rành như canh nấu hẹ, đặc biệt ở việc trong truyện có lực lượng tinh nhuệ Đặc công Đại Việt với Bom dị bào như một hình thức văn học khủng bố và hủy diệt hàng loạt độc giả.

Chúng tôi rất không hài lòng.

Tôi viết đến đây, BBC loan tin về vụ ‘laptop ngày tận thế’ của một phiến quân IS ở Iraq, Giáo sư Muhammad Alibaba, lưỡng khoa tiến sĩ hóa học và sinh học tại Đại học Chicago (đồng nghiệp của vật lý gia xuất chúng Ngô Bao Châu mà Quý văn hữu thường tự hào với tình đồng bào cao cả, như chúng tôi hơn 50 năm trước từng kiêu hãnh về nhị vị kiệt xuất Nobel Vật lý Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh vậy). Nào, cùng đọc tài liệu bằng tiếng Ả Rập trong laptop để so sánh và thấy Bom dị bào Đại Việt mà nữ văn sĩ họ Đỗ tưởng tượng ác chiến ra sao: ‘Hỡi các thần dân của Chính phủ Hồi giáo! Cách phát triển vũ khí sinh học đang trong lòng bàn tay chúng ta. Vũ khí sinh học không quá tốn kém nhưng gây thiệt hại nhân mạng rất lớn. Ví dụ vi khuẩn dịch hạch là cái chúng ta làm được. Đọc 2-3 trang này sẽ có thể dùng để tấn công khủng bố các đám dân không có Đức tin, dù là người Mỹ hay Anh. Chỉ cần dùng lựu đạn loại nhỏ chứa bột vi khuẩn dịch hạch, ném cật lực vào vị trí đặt điều hòa không khí tại các nơi khép kín như tàu điện ngầm, trung tâm giải trí. Là xong!’

Trong văn chương Việt có nhiều điều huyễn mộng viển vông phi lý ở thời hiện tại mà lắm khi được Trời thương chúng trở thành hiện thực ở tương lai gần. Đó! Nửa thế kỷ trước, Hoa Kỳ từng chống mắt ra để thấy: kể từ lúc có câu thơ ‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chỉ sau vài năm đã hiện ra độc nhất vô nhị trên hành tinh này một con đường mòn từ ‘thời kỳ đồ đá’ trở thành ‘thời kỳ đồ nhôm’ biến quân lực Hoa Kỳ thành ‘thời kỳ đồ bỏ’.

Không rõ các tỉnh thành khác thì sao, riêng văn sĩ Trung tại thủ đô Bắc Kinh chúng tôi phản đối tính phi lý của Đặc công trứng; phản đối tính vô minh của Bom dị bào; phản đối hình thức kỳ thị phân biệt huyết tộc tinh vi và cay độc đến thế. Thà cứ hủy diệt sạch sành sanh như bom hạt nhân, bom hóa học, bom sinh học khiến toàn nhân loại chết chùm thì đã đi một nhẽ. Lụt, lụt cả làng. Là phương ngôn sống tôi được thầy Đinh Gia Khanh dạy dỗ trong những năm làm phó tiến sĩ Việt học ở Hà Thanh đấy!

Cũng thoang thoảng thấy yếu tố nhân bản trong truyện của họ Đỗ (như việc Thúy MC tỉnh ngộ khiến viên đại úy rồi đại tá tình báo trong cô gần như thành kẻ đào ngũ mà trở về bản năng nữ tính Việt), song âm hưởng chủ đạo của truyện là trò tiểu bá trong văn chương.

Chúng tôi rất không hài lòng.

Ngoài hai trường hợp lớn như trên, còn không ít sáng tác nóng hổi về đề tài Trung-Việt Việt-Trung qua các tranh chấp vũ trang xưa nay và sau vụ Nam Hải 981. Chúng tôi sắp có trong tay toàn bộ bản thảo truyện dài đang nằm trong nhà in, mang tên Em Có Còn Gì Sau Cuộc Chiến của nam văn sĩ Hà Khánh Ninh.

Hai chương đã trích đăng trên tuần báo Núi Ngự tháng rồi với những câu huỵch toẹt, chẳng có ẩn dụ ẩn dẹo gì sất (tất nhiên gắn vào môi lưỡi nhân vật). Trích nguyên văn:

‘Từ năm 2012 bọn tà đảng Trung Cộng đã thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên là thành phố Tam Sa gồm đảo Hải Nam của chúng với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của ta! Bọn chúng bảo đó là thành phố cực Nam của Trung! Cái ngụy quyền Tam Sa ấy vừa đã thông cáo cho biết khu trường học trên đảo Phú Lâm sẽ được xây cất trong 18 tháng!’;

‘Đối với Trung phải chăng cứ nện những hèo nặng tay hơn thì mới giúp nó tỉnh ra?’- ‘Theo chị Phương Ánh những hèo nặng tay hơn mà phía Việt cần ‘ra’ trong lúc này là gì?’ – ‘Khỏi suy nghĩ nhiều, Phương Ánh nói luôn: Một là phải đưa hắn ra Tòa án Quốc tế. Hai là đánh cho hắn một trận!’

Còn với việc Ủy viên Dương Khiết Trị đến Hà Thành với ‘4 điều không được làm’ thì:

‘Nữ ký giả Quỳnh Hường la lên: Ôi chao, tập đoàn tà đảng Trung Cộng! Bây chừ là thời đại nào và các người tự coi mình là ai mà hung hăng con bọ xít gởi sứ thần đến nước Nam ta để nói những lời ngang ngược đó?’

Chúng tôi rất không hài lòng.

Nữ sĩ còn nhớ dạo bên chúng tôi có một tẹo cái tập truyện thơ Ma Chiến Trường do thi sĩ Mạc Ngữ viết dở ẹc, thế mà cả dải đất hình chữ S nhảy lên đong đỏng. Kia, ta nhìn nhanh vào blog của văn-họa sĩ Nhật Tuân tuần trước:

‘Dù không nêu thẳng địa danh Việt, cuốn sách viết về ‘cuộc chiến phía Nam nước Trung tháng 2 năm 1979’ do Trần Trung Hảo dịch, nhà xuất bản Văn Chương in năm 2008, tái bản 2009 đã tạo đợt sóng phản đối ầm ầm trên mạng. Ý kiến đầu tiên là từ blog Người Ôm Gió ngày 22 tháng 2 năm 2009 với cái tít rất căng, ‘Sự khốn nạn của nền văn hoá Đại Việt lúc này!’;

Còn em Natasa người Nga gốc Việt viết trong blog với kết án nặng: ‘Nhà xuất bản Văn Chương ra sách ca tụng lính Tàu trong cuộc chiến tranh biên giới 1979!’;

Dịch giả Trần cũng bị cư dân mạng ném đá như thụi, nể tình đồng nghiệp tôi không nỡ trích ra những câu mà năm xưa dân Việt thường dùng khi nói tới Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh… À, tôi nghe đồn họ Mạc của chúng tôi bị xì trét quá phải về quê ở ẩn. Cũng phải thôi, viết như thế mà ẵm trọn giải Nobel thì thi nhân đại lục bắn đi không hết. Đúng như ký giả Tuấn Khánh đã quả quyết mà Nhật Tuân dẫn lại: Nhà văn có quyền ca ngợi dân tộc và quân đội mình, có quyền phủ nhận chủ quyền các đất nước khác. Đó là sứ mệnh công dân của một nhà văn. Song anh ta phải viết trong tinh thần của một công dân thế giới, phải biết văn học hóa sao cho chính xác bản chất của hiện thực chiến tranh.’

Về tham vọng xưng hùng xưng bá trong văn chương, bổ sung chắc chắn cho nhận định của chúng tôi là nhiều cố gắng vượt bậc và cũng phải nói là có khá nhiều thành tựu trong thập niên qua của Liên hội Nhà văn Đại Việt trong việc tô đậm dấu ấn ngàn năm của một ‘dân tộc thơ’ để trở thành đẳng cấp ‘cường quốc thơ’. Theo nhiều nguồn tình báo và phi tình báo, chúng tôi được biết đồng nghiệp phương Nam đang say sưa chuẩn bị một chiến dịch mang tên ‘Đại thắng mùa xuân văn học 2015’, dự tính kéo dài từ lễ Tết Nguyên Tiêu Ất Mùi bằng Ngày thơ Việt lần thứ 13 cho đến ngày 30 tháng Tư kỷ niệm 40 năm thống nhất sơn hà bằng một loạt các hình thức ‘khủng’ ở tầm vóc toàn cầu như Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt lần thứ 3, Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương-Phi-Mỹ Latinh lần thứ 2, và vài ba hội thảo khác đang trong vòng bí mật.

Còn nữa và xa hơn… Qua một tham luận của vị chuyên gia văn học so sánh là Phó giáo sư Nguyễn Quan Thiều, Viện phó Viện Văn học Quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm Truyền bá Văn học Việt ra Ngoại quốc, người ta thấy Đại Việt đang tăng tốc hậu hiện đại hóa nền văn học của mình để cao vọng một cách viển vông đến năm 2030 được thành ‘nhà nước ngôn ngữ’ theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc mà danh sách hiện thời chỉ có dưới 10 quốc gia. (Đến như đất nước Trung với văn hóa và ngôn ngữ già đời và to tướng đến vậy còn chưa được xét nữa là…).

Chúng tôi rất không hài lòng.

*

Nữ sĩ Mỵ Châu quý mến,

Bây giờ, chúng ta cùng nhau nhìn nghiêng theo vài luồng quan niệm đang nóng trong khảo cứu văn hóa dân tộc Việt. Mà xưa nay giữa con mắt bá tánh thì văn hóa Việt lại là… văn hóa Trung!

Công bằng, không phải vậy đâu. Đến như tôi yêu Tổ quốc Trung lắm lắm mà vẫn phải chịu phục Giáo sư Trần Quốc Vương của các bạn từng khu biệt rất đúng về văn hóa Việt trong sự đối sách với văn hóa Trung.

Tiền đề chuẩn nhất của Trần quân: ‘Từ trong cội nguồn, văn hóa Việt khác văn hóa Trung, tuy cả hai nền văn hóa cổ truyền ấy đều thuộc phạm trù văn minh nông nghiệp.’;

Kết luận rành rọt nhất của Trần quân: ‘Dù có giao tiếp và hỗn dung văn hóa Việt-Trung nhưng khuynh hướng giao tiếp và hỗn dung đó vẫn là Việt hóa chứ không phải là Trung hóa; và văn hóa Việt không khi nào là một bản sao chép từ văn hóa Trung.’;

Ví dụ sát dạ dày nhất của Trần quân: ‘Việt: ăn cơm, xôi: dùng đôi đũa; Trung: ăn bánh, cháo.’

Thế nhưng nhiều người Việt ưa xuề xòa mất cảnh giác ‘trái tim nhầm chỗ để trên đầu’ thấy gì na ná Trung-Việt Việt-Trung thì bảo không sao đâu lọt sàng xuống nia. Còn người Trung vốn khắt khe cực đoan luôn lấy mình là trung tâm, coi thiên hạ chạy trời không khỏi nắng Hoa Sơn, không thoát nước Hạ Thủy. Cả hai đều sai! Chỉ Trần quân đúng!

Vậy mà đến nay tôi mới thủng cái vấn đề vì sao mươi năm qua câu chuyện nguồn gốc dân tộc, văn minh của người Việt và người Trung lại sôi sùng sục trong các lò tư tưởng Việt. Đúng ra chỉ ở các lò ngoại biên. Tôi không biết các nhà dân tộc học Việt chính thống tự xử ra sao. Chỉ biết ngẫu nhiên, đúng dịp giàn khoan kéo vào kéo ra biển Nam Hải, tại Hà Thành ngàn năm văn vật của nữ sĩ Hàng Quạt đã bùng lên một cuộc hội thảo bất thành tại Trung tâm Văn hóa Ý, nhưng lại thành công với một chuỗi tranh luận trên mạng. Đó là về cuốn sách vừa ra lò từ nhà xuất bản Trí Thức: sách chuyên khảo mang tên Thủy Tổ Người Việt – Người Mường của học giả độc lập Tạ Đạo. Tất nhiên chúng tôi, bằng trách nhiệm công dân (là chính) và bằng lương tri khoa học (là phụ), phải tán đồng công trình đó chứ. Bên cạnh các phản bác sấm sét về nội dung lẫn phương pháp từ cả phía chính thống lẫn phi chính thống (với các tính từ mạnh như ‘phản dân tộc’, ‘ngụy khoa học’) thì tính độc đáo, chất nghiêm túc và sự kỳ khu trong phong cách học thuật của Tạ quân cũng được nhiều đồng nghiệp đồng bào khác tán thưởng dẫu kết quả của công trình là rất bất lợi cho người Việt lúc này và mai sau. Nể phục giới nghiên cứu Việt biết cách tỏ ra khách quan, tôi thấy mình không nên lạm bàn. Nhưng nữ sĩ cũng nên đọc nhanh hai nhận định gọn từ các gia chủ.

Nội dung cuốn sách: Nguồn gốc của hai nền văn hóa Đá mới Phùng Nguyên và Đồng thau Đông Sơn; sự tạo thành các nước Xích Quỉ, Việt Thường, Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt như là những quốc gia tổ tiên người Việt; qua đó làm sáng rỡ nguồn gốc người Việt-người Mường, hai tộc người vốn khác nhau từ 4.000 năm qua. (Lời nhà xuất bản)

Kết luận: Người Mường là chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên, đến trước; còn người Việt hay Lạc Việt là chủ nhân văn hóa Đông Sơn, đến sau. Và cả hai đều là những di dân từ phương Bắc. (Tạ Đạo)

Sấm sét đã sinh ra từ câu sau cùng!

Càng thấu hiểu dân Việt bao nhiêu khi họ thường nhắc đến cái trường tồn của người Lạc Việt (với cuộc Hán hóa ngàn năm trước) và của người Việt hiện đại (trong sự thực dân hóa trăm năm mới đây) như điều kỳ diệu có một không hai trong lịch sử các tộc người trên thế giới, chúng tôi càng thông cảm bấy nhiêu trước quan điểm ngược lại với khuynh hướng chính thống từng được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận từ đầu thế kỷ 20 khi người Pháp cai trị hoàn toàn đất nước này.

Kết luận nổi tiếng của trường phái Viễn Đông Bác Cổ đã đóng đinh vào trước tác của các sử gia độc lập và quan trọng nhất (như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh…) và xuyên thấu đến nền sử học chính thống hiện đại:

‘Chúng ta đủ chứng cớ quả quyết rằng, người An Nam ngày nay là dòng dõi trực hệ của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã ở tỉnh Triết Giang nước Trung ngày nay; rằng tiếng Việt vay mượn khoảng 70% từ tiếng Trung.’

Thế nhưng, hiện nay, luồng quan niệm ngược chiều đã cho rằng người Việt (có gốc là người tiền sử từ châu Phi qua biển Hồng Hải đến) 40.000 năm trước đã khai phá đất nước Trung rồi lan ra toàn châu Á với những chiếc rìu đá như công cụ ưu việt nhất của loài người thời ấy; rằng một khi người Việt mang đa dạng di truyền cao nhất trong 7 nhóm dân Đông Á thì đất Việt hiện nay từng là cái nôi của các dân tộc châu Á và cũng là nôi văn minh châu Á.

Hiền hữu Võ Thị Mỵ Châu, nàng có nhận ra đó là các luận điểm kỳ dị không? Điển hình và nồng thắm đến mức cực đoan trong mươi năm qua là 2 nhà nghiên cứu độc lập: Cung Đình Thành quá cố và Hà Văn Thúy – người đã, đang và sẽ ‘viết lại’ lịch sử dân tộc và đất nước Trung của chúng tôi.

Chúng tôi rất không hài lòng!

**

À, mới nhất, mấy tháng trước, có thêm vị thứ ba là Tiến sĩ Đỗ Kiên Cương đưa ra một giả thuyết mới nữa về nguồn gốc người Việt, khi sử dụng các chứng cớ nhân chủng học phân tử trong 20 năm qua và phát hiện năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa.

Cứ theo Tiến sĩ Đỗ thì trong làn sóng thiên di thứ nhất, người Việt là hậu duệ của người hiện đại châu Phi với nước da đen nguyên thủy tới đất Việt hiện nay từ 40.000 năm trước; họ góp khoảng 20% vào vốn gien người Việt hiện tại. Người theo làn sóng thiên di thứ nhất chính là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Đông Á. Rồi khoảng 30.000 năm trước, người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo núi Himalaya tới miền bắc đất Việt hiện nay và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như tới Vân Nam, Quảng Tây (để hình thành người hiện đại đầu tiên tại Trung). Người theo làn sóng thiên di thứ hai góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay.

Giả thuyết của Đỗ Tiến sĩ đang tạo bàn tròn cãi cọ giữa tam vị: tác giả cùng nhị vị Hà Văn Thúy (vị này á, bàn nào bất kể tròn méo cứ dính đến nguồn gốc Việt là có mặt) và Lê Nguyên K. (mới xuất hiện).

Đả phá tanh bành luận điểm của học giả Tạ, Tiến sĩ Đỗ có 2 kết luận giống như 2 học giả Cung và Hà: Một, người Việt cổ đã tham gia vào làn sóng Bắc tiến của các cư dân nông nghiệp để tạo nên cộng đồng Đông Á ngày thêm đông đúc. Hai, bằng chứng phân tử và di truyền học chứng tỏ người Việt có tính đa dạng di truyền lớn nhất trong dân cư Đông Nam Á và cả vùng Đông Á; tức là họ nằm trong nhóm cư dân lâu đời nhất trên khu vực rộng lớn này.

Nữ sĩ thấy sao ạ? Cũng oai và oách đấy nhỉ! Còn về sự hòa huyết giữa người phương bắc (tổ tiên chúng tôi) và người Việt (tổ tiên của nữ sĩ), Đỗ Tiến sĩ bảo rằng nó chỉ góp phần nho nhỏ vào vốn gien người Việt hiện đại. Ông tiến sĩ đoán: sự hòa huyết đó chắc là chỉ xảy ra từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất, sau khi An Dương Vương Thục Phán nghe lời cô con gái rượu mê giai xúi dại làm mất nước năm 179 trước Công nguyên?

Chúng tôi rất không hài lòng.

Oái oăm là nền tảng khoa học của nhị vị Cung và Hà đã dựa trên công trình của chính những nghiên cứu gia người Trung là Giáo sư P. Chu cùng cộng sự tại Đại học Thanh Hoa. Được công bố năm 1998 về quan hệ di truyền của dân số Trung, công trình đó phủ nhận quan niệm cũ (người Trung tự sinh thành và tiến triển độc lập trên đất Trung) khi khẳng định: Loài người hiện nay có tổ tiên duy nhất ở Đông Phi, xuất hiện khoảng 170.000 năm trước; Nguồn gốc người Trung là từ Đông Nam Á di cư lên, và người Đông Nam Á đó cũng không hẳn tự phát sinh tại đấy mà lại đến từ châu Phi qua đường Nam Á 70.000 năm trước. Cũng thế: 50.000 năm trước người Đông Á di cư ra các đảo Đông Nam Á và rồi sang Ấn Độ; 30.000 năm trước, họ qua eo Bering chinh phục châu Mỹ.

Nữ sĩ chắc cũng nhớ, thật ra cách đây vài chục năm đã có bằng chứng khảo cổ học và địa chất ủng hộ quan điểm nói trên và làm lung lay nhiều thuyết tiền cổ đứng vững qua nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 về sự tiến hóa các nền văn minh trái đất.

Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia nói rõ: nền văn minh Đông Nam Á thể hiện qua dòng ‘văn hóa Hòa Bình’ đã có rất sớm từ 15.000 năm trước Công nguyên, và không phải là kết quả của các chủng tộc khác từ Trung di cư xuống. Người Đông Nam Á cổ đã biết trồng cây này, làm đồ gốm này, đúc đồng sớm nhất thế giới này; tức là biết làm các vật đó trước mấy ngàn năm so với 3 khu vực văn minh khổng lồ nhất là Trung Đông, Ấn Độ và Trung. Tôi còn nhớ ý tưởng sau đây từng làm nức lòng dân Việt của nữ sĩ: từ 6.500 năm trước Công nguyên văn minh Đông Nam Á đã lan truyền đến các vùng khác trong đó có Trung, tức là văn hóa Long Sơn và văn hóa Ngưỡng Thiều đều là nối dài của văn hóa Hòa Bình. Mà thị xã Hòa Bình chỉ cách Hồ Gươm có 73 cây số! Hai chúng ta đã từng có những ngày đêm ‘thư giãn’ ở đó, nữ sĩ Tổng thư ký còn nhớ hay nữ sĩ Tổng thư ký đã quên?

Trong học vấn, Thiết Ngôn vốn không xỏ nhầm giầy người khác. Giầy dịch thuật và ngôn ngữ đã vừa vặn rồi. Dân tộc học, đây chẳng rành chút nào, nói thẳng là chí ghét. (Mấy lần quên kể: bạn gái đầu đời của Ngôn tôi thời sinh viên đã bỏ tôi theo một giáo sư dân tộc học!). Tôi kể các chuyện tung ra giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt, người Trung chỉ vì chúng xảy ra gần vụ giàn khoan. Thế thôi. Chứ trong khoa học, các giả thuyết sinh ra chết đi, như trong văn học nghệ thuật với các trường phái. Hơi đâu mà để tâm cho nặng tim.

Trước khi xong vụ 3 nhà dân tộc học Việt tận tụy vì lịch sử giống nòi Việt là Tạ Đạo, Hà Văn Thúy (giàn khoan đã rút, Trung-Việt tạm đuề huề, nhưng hai bác này vẫn còn uýnh nhau trên mạng, vui lắm!) và Đỗ Kiên Cương, xin nói lại đôi chút kiến thức phổ cập. Để cho vấn đề nó được rõ rành rành như canh nấu hẹ…

Đến giờ phút này, chưa kịp xem phần tiếng Trung, bên tiếng Việt của Từ điển Wikipedia tôi chưa thấy các khảo cứu của 3 bác đó được bổ sung vào 2 hạng mục “’Người Việt’ và ‘Nguồn gốc các dân tộc Việt’.

Vẫn đang trơ gan cùng tuế nguyệt nơi đây 3 giả thuyết chính về nguồn gốc người Việt, dựa trên 2 quan điểm bản địa và thiên di.

Theo thuyết thiên di, một số học giả Pháp cho rằng người Việt xưa đã phát tích từ giống gốc Mông Cổ ở xứ Tây Tạng dọc theo sông Nhị Hà tràn xuống miền bắc và miền trung của đất Việt ngày nay; (tuy nhiên trong các năm qua nhiều kết quả từ khai tích, khảo cổ và sử sách cho thấy thuyết này sai lầm).

Cũng theo thuyết thiên di, từ sử sách hai nước Trung-Việt, giả thuyết khác được công nhận rộng rãi nhất: người Việt cổ có gốc từ hạ lưu sông Dương Tử tới vùng Bắc Việt gồm nhiều nhóm gọi chung người Bách Việt. Khi người Hoa Hạ tràn xuống chiếm lãnh thổ, các nhóm này bị đồng hóa dần với người Trung. Chỉ duy nhất nhóm Lạc Việt ở miền Bắc Việt tồn tại làm nên tổ tiên của người Việt hiện đại.

Theo thuyết bản địa, trong đó có nhà dân tộc học Pháp L. Finot và nhà khảo cổ học Việt Hà Văn Tấn, thì người từ xứ Ấn chạy tới quần đảo Indonesia rồi vòng lại bán đảo Mã Lai, Thái Lan đến định cư tại đồng bằng Bắc Bộ và hợp với giống Mongolian từ Tây Tạng kéo xuống để sinh hạ ra người Việt cổ.

* *

À nữa, với nghiên cứu gia Hà Văn Thúy, tôi nghe các sếp lớn nói Tổng cục An ninh văn hóa Trung vừa bổ sung một văn bản mới vào hồ sơ mật. Bài này phải nói là thú vị. (Thì cũng từ lấy từ trang mạng xuống, mật mỡ gì đâu nhỉ? Vào vanhoanghean.info.vn gặp liền.) Tiện, dẫn lại cho nữ sĩ tỏ. Tôi rút gọn, lược các chỗ chuyên môn sâu và không kiểm duyệt các chỗ nhạy cảm Trung-Việt Việt-Trung.

‘Tường trình về nẻo đường 14 năm ngậm ngải tìm trầm – Nguồn gốc dân tộc Việt:

Gần 45 năm trước, quyết định bỏ cái nghề vi trùng học được đào tạo đàng hoàng ở nước bạn Liên Xô, bắt đầu cầm bút viết văn tôi nhủ đáy lòng đầu tim: Muốn thành nhà văn chân chính phải tìm hiểu lịch sử dân tộc từ cội nguồn; còn muốn đoạt giải Nobel, bét ra cũng phải thấu tường lịch sử nước nhà 500 năm qua.

Không hài lòng với các tài liệu chính thống cũng như không chính thống mà tất cả đều theo thuyết của Viễn Đông Bác Cổ, tôi cảm thấy xấu hổ và không thể tin tổ tiên của tộc Việt mình không chỉ là dân Tàu lai lại còn phạm tội tổ tông diệt chủng sắc tộc tiền nhiệm là dân bản địa Nguyên Đông Dương.

Thế rồi một ngày đẹp trời của năm 2000 – một thiên niên kỷ mới của nhân loại và biết đâu cũng là một kỷ nguyên khai minh nguồn gốc dân Việt – vô tình tôi coi thấy một đoạn tin nói rằng: loài người chỉ có quê hương duy nhất là Đông Phi và người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới Đại Việt từ 70.000 năm trước.

Khi ấy đang ở Cà Mau, đêm tôi nằm mơ cầm bài báo chạy tuốt ra tận ngoài Hà Thành tới hồ Hoàn Kiếm và reo to: ‘Ơ-rê-ca! Độc lập dân tộc đây rồi! Cơm áo là đây!’ Tâm trí tôi tỏa sáng, dạ bảo bụng: nếu thực vậy thì phát minh này không chỉ làm chao đảo lịch sử phương Đông mà còn biến đổi thân phận dân tộc Việt. Nhờ ông bạn Gu Văn Gồ tốt bụng và thông minh, tôi xác minh thông tin trên là tin cậy.

Rồi sau 15 phút suy nghĩ, tôi vứt thẳng tưng vào ngăn kéo tập bản thảo tiểu thuyết dang dở và kỳ vọng ứng cử viên Nobel, đoạn ra bàn thờ song thân thắp hương nguyện dồn góp hết tâm sức, thời gian, tài sản, thậm chí cả hạnh phúc gia đình nếu cần, vào công cuộc tìm nguồn gốc dân tộc.

Trong 14 năm, như độc giả cũng biết ít nhiều, tôi cho xuất bản 6 đầu sách: Tìm Về Cội Nguồn Văn Hóa Việt (2004), Con Đường Tìm Lại Cội Nguồn (2006), Về Cội Nguồn Bằng Di Truyền Học (2008), Người Việt Là Ai (2009), Viết Lại Lịch Sử Trung (2011), Hành Trình Lịch Sử Văn Hóa Việt (2014). Bốn cuốn đầu đều của nhà xuất bản Văn Học Dân Tộc, đến 2 cuốn sau thì cạn tiền, may có Amazon nó phát hành miễn phí trên liên mạng không thì công toi.

Bản tường trình này là kỷ niệm 14 năm của đêm mơ ‘Ơ-rê-ca!’ từ Cà Mau chạy một mạch về Thủ đô, như một niềm tri ân những đồng nghiệp, độc giả từng cộng tác và ủng hộ cũng như những vị phê phán, bài bác.

Bốn câu hỏi trong 14 năm tôi từng đặt ra: 1. Tộc người đầu tiên hiện diện trên đất Đại Việt là ai? 2. Vào khoảng thời gian nào? 3. Họ từ đâu tới? 4. Việc tiến hóa, di chuyển thế nào để trở thành người Việt chủng Mongoloid phương Nam ngày nay?

Với tôi chỉ câu hỏi đầu là có sẵn lời đáp: Từ cuối thế kỷ 20 chúng ta có kết quả rằng, thoạt kỳ thủy 2 đại chủng Australoid và Mongoloid có mặt trên đất nước ta. Từ khoảng 30.000-4.500 năm trước, duy nhất người Australoid tồn tại. Nhưng từ 4.500 năm trước, người Mongoloid xuất hiện trở lại và chiếm đa số dân cư, trong khi đó, người Australoid dần biến mất. Như vậy, qua khảo cổ và cổ nhân chủng học, hiện nay chúng ta chỉ biết thực trạng dân cư Đại Việt và Đông Nam Á từ khoảng 30.000 năm trước tới hiện nay.

Nhấn mạnh: theo tôi thấy, chính vì chưa trả lời được 3 câu hỏi cốt yếu trên mà từ những năm 1970, nền khoa học nhân văn Đại Việt bị khủng hoảng.

Có 3 nghiên cứu chính được công bố trong 15 năm qua giúp tôi xây dựng giả thuyết của mình. Đó là công trình Quan Hệ Di Truyền Của Dân Cư Trung của nhóm Giáo sư P. Chu; sách Cuộc Hành Trình Của Loài Người của J. Wells.; và công trình Rời Địa Đàng Chiếm Mặt Đất của T. Oppenheimer. Cả 3 nhóm tác giả đều khẳng định con người xuất hiện đầu tiên tại Đông Phi khoảng 160.000-180.000 năm trước.

Kết hợp nhiều nghiên cứu khác, tôi mạnh bạo đề xướng luận điểm mới toanh như sau về nguồn gốc tộc Việt: 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới thềm Biển Đông của Đại Việt. (Nhấn rất mạnh: Biển Đông của Đại Việt!). Tại đó họ giao lưu hòa huyết sinh ra 4 chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, mà người Lạc Việt Indonesian làm đầu đàn về ngôn ngữ, xã hội… Rồi khoảng 50.000 năm trước, người từ Đại Việt di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ, Miến Điện… Đến khoảng 40.000 năm trước, người Việt đi lên chinh phục Trung, và 30.000 năm trước qua eo biển Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Nhấn tương đối mạnh: Giáo sư Chu và các vị khác chỉ nói về ‘người Đông Nam Á’ nói chung, tôi nói về ‘người Việt’ cụ thể.

Thế là 3 câu hỏi đầu đã được trả lời. Hy vọng ít tháng tới tôi sẽ có thể cập nhật về vấn đề đã nêu trong sách: Vì sao một thời gian dài người Mongoloid biến mất; từ đâu và lý do gì khiến người Mongoloid trở lại vào thời Kim khí để thành dân cư Đông Nam Á hiện nay?

Về nguồn gốc người Hoa Hạ. Đây là kết quả thống khoái của tôi. Xưa nay, người Trung cho rằng tổ tiên mình là người Hoa Hạ. Thế nhưng 2 câu hỏi tiên quyết người Hoa Hạ là ai, hình thành sao vẫn còn là câu hỏi.

Giả thuyết của tôi: sau cuộc xâm chiếm phía nam sông Hoàng Hà lập nhà nước hoàng đế, người Mông Cổ hòa huyết với dân bản địa Mongoloid phương Nam, sinh ra nhóm người tự gọi là Hoa Hạ. Do giao lưu được hai nền văn minh, Hoa Hạ trở thành lớp người ưu tú cai trị xã hội và dựng ra thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Trung từ Nghiêu, Thuấn… đến Thương, Chu… Do số lượng ít lại chung sống với người Việt đông đúc, người Hoa Hạ dễ dàng được Việt hóa cả về huyết thống lẫn văn hóa. Trong hơn 2.000 năm, các triều đại Hoa Hạ chỉ chiếm vùng đất nhỏ ở lưu vực Hoàng Hà và bị vây quanh bởi các bộ lạc hay quốc gia Việt: người Tây Nhung, Ba Thục, Đông Di và nhà nước Văn Lang ở nam Dương Tử. Khi nước Văn Lang tan rã, các nước Việt, Ngô, Sở xuất hiện và xung đột với các nước Thương, Chu… Cuối thời Chiến quốc, các bộ lạc Tây Nhung người Việt lập ra nhà Tần, diệt lục quốc và xây dựng vương triều Tần. Từ khi nhà Chu bị diệt, tầng lớp Hoa Hạ hết vị trí lãnh đạo và hòa nhập trong cộng đồng Việt đông đảo của vương triều Tần. Thủ lĩnh người Việt nước Sở là Lưu Bang đã diệt nhà Tần, lập vương triều Hán. Trên thực tế, từ thời Tần-Hán, đại đa số dân Trung là người Việt. Dù không có quan hệ huyết thống với hoàng đế nhưng vì muốn hưởng hào quang của người Hoa Hạ trong quá khứ, nên các vương triều Trung về sau vẫn tự nhận là Hoa Hạ.

Sau cuốn thứ 4, tôi cứ tưởng đã thỏa đáng với 4 câu hỏi lớn và có thể yên tâm quay về với các trang văn ngóng chờ suốt 45 năm. Thế nhưng, cũng vào một buổi chính ngọ, bỗng có cơn gió phương bắc bất ngờ làm tôi chóng mặt, ngất xỉu. Nằm trong giường bệnh, tôi chợt tỉnh ra khi thấy có thể dùng cội gốc lịch sử dân tộc Việt để hé ra bí ẩn của lịch sử Trung và nguồn gốc người Hoa Hạ.

Thế là cuốn Viết Lại Lịch Sử Trung được thai nghén, rồi ra đời. Tên cuốn sách nghe có vẻ ‘hách’. Tôi phải làm việc khốn khổ khốn nạn với các nhà biên tập mới giữ nguyên được. Đúng là phải viết lại. Trả cho César thì tôi không cần biết, nhưng hãy trả cho tộc Việt những gì của tộc Việt. Lạ lùng là ở chỗ dẫu có tới 24 bộ quốc sử, thế nhưng người Trung đương đại cũng cóc thèm biết tổ tiên của họ là ai, tiếng nói, chữ viết, nền văn hóa vĩ đại của họ từ đâu đến. Lần đầu tiên nói với họ những điều như vậy, với cuốn sách này. Thưa vâng, lần đầu tiên và với cuốn sách này.

Cuối cùng, tôi xếp lại hồ sơ sử Trung – sử Việt bằng cuốn thứ 6, với Lời mở:

Cùng Quý độc giả,

Đây đang là sách sử chưa từng thấy của tộc Việt. Không phải 4.000 năm như thường nói trong sách giáo khoa, hay 5.000 năm với các nhà khảo cứu. Mà nó được khởi đầu từ 70.000 năm trước – khoảng thời gian các nhóm người Homo Sapiens từ châu Phi lần ven biển Nam Á đặt chân vào Đại Việt. Rồi từ ‘địa đàng phương Đông’ ấy, người Việt lan tỏa ra Đông Nam Á, tràn ngang sang đất Ấn Độ, và quan trọng nhất là họ đã tiến thẳng lên khai khẩn vùng đất bao la hiện nay có tên là Trung để tạo ra ở đó nền văn hóa nông nghiệp vĩ đại.

Không chỉ tiếng nói Trung hiện nay được sinh ra từ chủ thể là tiếng Việt cổ, mà cả chữ tượng hình Trung cũng từ gốc chữ tượng hình của người Việt cổ. Các kho tàng Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Nhạc, Kinh Lễ tuốt tuồn tuột do người Việt cổ sáng tạo; cả thuyết Âm dương ngũ hành Kinh Dịch cũng made-in-Viet-co luôn. Những gì đẹp đẽ nhất của văn minh Trung đều được sinh thành bởi văn hóa Việt! Đấy là phát kiến vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại vào đầu kỷ nguyên này.

Vậy nên, cuốn sách trong tay Quý bạn không chỉ thay đổi lịch sử phương Đông mà còn dự phần làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt.

Tin rằng đó sẽ là võ khí vô địch giúp dân tộc Việt tự giải phóng khỏi cái bóng Trung không chỉ về văn hóa, lịch sử…

Hà Văn Thúy cẩn bút’

Chúng ta còn nhiều việc khác. Thôi, hẹn hội ngộ Hà Tiên sinh của tộc Việt của nữ sĩ! Thật ra, tôi cũng định khi nào bang giao Trung-Việt Việt-Trung tái hồi hữu hảo, sẽ tìm đường xuống miệt dưới Cà Mau hầu chuyện Tiên sinh. (Sẽ không phiền nữ sĩ tháp tùng đâu. Dạo dịch kịch thơ Cánh Đồng Vô Tận ra tiếng Trung, tôi cũng kịp mang chút thâm tình cùng nữ sĩ Nguyên Ngọc Tư ở đó rồi…). Muốn thưa trước 2 điều cùng nhà ‘dân tộc Việt-Trung học’ Hà Văn Thúy, e khi gặp sẽ bị trễ: a. Viết Lại Lịch Sử Trung chắc sẽ còn tập 2, tập 3. Nếu như Tiên sinh vẫn còn viết bằng ‘đôi mắt hình viên đạn’ thì độc giả sẽ đọc bằng… hai nắm đấm! b. Thật tiếc ngành dân tộc học không có giải Nobel, Tiên sinh nên sớm quay về nghiệp viết văn đang chờ. Với kiến thức và khám phá cội nguồn dân tộc tới những 70.000 năm, gấp 500 năm biết bao nhiêu lần, khôi nguyên giải Nobel văn học không thể thoát khỏi tay Tiên sinh ngay sau tập truyện đầu.

Thế đó! ‘Chung quy chỉ tại Vua Hùng’. Đến mệt cho gốc gác tổ tiên chúng ta, nữ sĩ ạ. Chung quy chỉ tại Vua Tần…

**

À cuối cùng. Hứa là cuối cùng. Sẽ không à uôm gì nữa.

Ngoài 4 nhà dân tộc học Việt độc lập kể trên, trong số hơn một tá sử gia Việt độc lập nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa đã ‘nhập kho’ danh sách cần quan tâm của Tổng cục An ninh văn hóa Trung, tôi còn dành thiện cảm đặc biệt với Thạc sĩ Phạm Hoàn Quân. Ở cách thức tiếp cận vấn đề rất độc lập của nghiên cứu gia rất độc lập ấy.

(Bộc bạch ra đây, dễ bị đồng bào mình coi là ‘phản động’. Song đôi khi yếu nhân như tôi – xin lỗi vì sự tự hào cá nhân – cũng cần ‘phản động’ ở những gì mình không ‘phản’ thì nó đã ‘động’ rồi, nếu sự bộc bạch tạo ra lòng tin nơi đối phương. Nữ sĩ khỏi lo, ‘mấy chú Ba Tàu’ chúng tôi ‘thằng nào cũng như thằng nấy’ có đủ 36 mánh chước xử sự.)

Khác với hầu hết sử gia Việt chỉ tìm hiểu từ lịch sử Đại Việt để chứng tỏ chủ quyền của nước này với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Phạm quân thì lại sục sạo mọi ngõ ngách lịch sử Trung để khẳng định ‘mọi vương triều trong quá khứ của Trung, từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh, chưa hề cai quản và thiết lập chủ quyền trên Hoàng Sa – Trường Sa cũng như trên vùng biển phía Đông Đại Việt hay còn có thể gọi là vùng biển Đông Nam Á’. À, có nhà báo Việt nọ khi tung hê hướng nghiên cứu này lại bảo ‘dùng sách Trung để chống Trung’. Thế là trật ý đồ của Tiên sinh: dùng trung dung để chống Trung. Ngay ở cách định danh, Phạm Thạc sĩ quả là cao minh. Chẳng sợ đồng bào Việt coi mình là ‘phản động’ khi cố tình không gọi Biển Đông, mà nói trại đi thành ‘biển phía Đông Đại Việt’ hay ‘biển Đông Nam Á’. Trung dung!

Cuốn sách mới nhất của họ Phạm mang tên Hoàng Sa – Trường Sa, Điều Nghiên Từ Sử Liệu Trung. Hai chúng tôi đang phải đọc ké hồ sơ của bên tình báo văn hóa. Rách việc lắm! Khi nào đi thực tế Trường Sa về, nữ sĩ tiện tay mua giùm tôi 2 cuốn nha (một cho tôi, một cho phó Trương. Hi hi… Đừng ‘ghen’ mà mất xinh…). Cảm ơn trước!

Nghe nói tác giả đã dành trọn 10 năm kiên trì chí hạnh âm thầm ngậm ngải tìm Hoàng Sa – Trường Sa trên 24 bộ sử chính thống suốt 5.500 năm hình thành đất nước Trung, để dựng nên pho sách của mình: thiết thực và quan trọng; khác thường và can đảm; khách quan và khai phá. Bẩm sinh tôi rất ngán các tư liệu lịch sử rối rít như lông tóc gái châu Phi cùng mớ bản đồ loằng ngoằng như địa đạo Củ Chi. Nhưng bằng hành văn trong trẻo, diễn ngôn minh bạch, luận cứ vững vàng, cuốn sách đã lọt vào cặp mắt xanh của tôi để rồi tiện thể lọt luôn sang cặp mắt thâm (hay là ‘mắt đen’ nhỉ; vì với quần đen của đàn bà thì tôi thấy người Việt gọi là ‘quần thâm’?) của Cục Tình báo Hoa Nam.

Về kết quả, nghiên cứu gia họ Phạm cũng đi tới 2 luận điểm na ná như 1001 nghiên cứu gia Việt và 101 nghiên cứu gia quốc tế cùng dăm ba nghiên cứu gia Trung ‘phản động’:

1. Ranh giới cực nam của Trung trong suốt thời phong kiến kết thúc tại Hải Nam, chứ chẳng thể nào chạy tít hút con mẹ hàng lươn xuống tận Hoàng Sa – Trường Sa trong vùng biển Đông Đại Việt;

2. Các bộ địa phương chí nào đã xác nhận gì đó về biển Đông Đại Việt cũng đều chẳng có cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa trong toàn bộ lịch sử bản đồ, địa đồ hành chính Trung.

Từng có phương pháp khảo cứu tương tự và đi trước Thạc sĩ Phạm Hoàn Quân hàng chục năm, Vương Lang Thị Thánh, nữ Giáo sư hàng đầu chính thống (nghĩa là ‘không phản động’) về lịch sử trung cận đại Trung – từng là đàn em văn nghệ của ông già tôi – phải gọi tôi đến tư gia chỉ để than: ‘Trời đã sinh ra Thánh, sao còn sinh ra Quân?’

*

Đã đến lúc Thư ngỏ vào những lời chót.

Tất nhiên giữa văn nghệ sĩ, chúng ta chỉ muốn nói cho nhau những gì mỹ hảo nhất như một đặc ân của nghệ thuật ngôn từ mà duy nhất giới chúng ta được sở hữu.

Hiền hữu Tổng thư ký rành quá mà, dù dưới gầm trời nào trong thể chế nào, chúng ta nếu không là cái đinh ốc thì cũng là cục… phân (Xin lỗi.) Chúng tôi không hề muốn tái diễn ngôn kiểu như ‘Đứa em hoang đàng Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành sớm quay bút trở về’, hoặc ‘Bốn điều Quý Hội Hà Thành nên làm’. Càng không ‘Tiếp tục cảnh báo văn nghệ sĩ Hà Thành cần kìm bút bên bờ vực thẳm, từ bỏ dã tâm’, hoặc ‘Văn nhân Hà Thành khư khư cố chấp, càng đi càng xa trên trang viết sai lầm’. Không, Thiết Ngôn không phải là Dương Khiết Trị. Văn học không thể thành ngoại giao, không thể làm quân sự! Trường văn trận bút không thể giết hại con người!

Sau hết, xin gửi tới nữ đồng chí Tổng thư ký (hoặc ‘đồng chí nữ Tổng thư ký’ thì cũng thế) lời chào trân trọng cùng lời chúc tập thể nam nữ văn nghệ sĩ Hà Thành hành hiệp trên nhiều tác phẩm nhớn.

Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý…

Thân kính

Thiết Ngôn

Dịch giả, Ngôn ngữ gia

Tái bút: Dẫu thế nào, hỡi toàn thể văn hữu Việt, các bạn hãy đợi đấy!”

Toàn bộ phóng bút trên do bàn tay lông lá của Hoa Nam Tình Báo xọc vào dẫn độ. Thì cũng phải thôi…

Vancouver (động bút 16/5 – hoàn thành 19/11/2014; cập nhật 17/2/2015)

Đỗ Quyên

———–

*) Trích đoạn gửi đăng damau.org là từ Đoạn 3.8, Hồi 3, Truyện 3 (Chuyện “chiến tranh văn học”bất thành) của bản thảo tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung.

bài đã đăng của Đỗ Quyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)