- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Hoàng Đạo – tiểu sử và sự nghiệp văn hóa


Tiểu Sử
Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long. Ông sinh ngày 11/10 năm Đinh Mùi tức 16/11/1907, tại làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên quán làng Cẩm Phô, xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bút hiệu khác: Tứ Ly, Tường Vân. Trong họat động cách mạng đôi khi ký tên Phúc Vân… Dòng họ Nguyễn Tường gốc ở Bình Định: Nguyễn Tường Vân, người Bình Định, làm Binh bộ Thượng thư, có hai con trai nhập tịch Cẩm Phô, Hội An, là Nguyễn Tường Vĩnh, phó bảng, tuần vũ Vĩnh Long và Nguyễn Tường Phổ, tiến sĩ, dạy học và nhà thơ. Nguyễn Tường Phổ sinh ra Nguyễn Tường Tiếp, tri huyện Cẩm Giàng, nổi tiếng hay chữ, và là ông nội của Hoàng Đạo.

Hoàng Đạo là con thứ tư trong một gia đình bẩy anh chị em: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), và Nguyễn Tường Bách. Cha là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), một nhà nho không thành đạt (mất ngày 23/10/ năm Mậu Ngọ), mẹ là bà Lê Thị Sâm, tần tảo buôn bán nuôi bảy người con. Khi các con đã trưởng thành, bà đi tu và mất năm 1963 tại Sài Gòn.

Thuở nhỏ học trường huyện, tên là Nguyễn Tường Tư (chính ra là Tứ, nhưng vì trùng tên một người bạn của cha, nên đổi là Tư), sau không đủ tuổi để đi thi, gia đình khai thêm bốn tuổi đổi tên thành Nguyễn Tường Long, và đổi ngày sinh (trên giấy khai sinh) thành 3/4/1903.

Sau bậc tiểu học, Tường Long bị ốm nên tự học tại nhà. Năm 1924, đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, và liền đó đỗ vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1927, ông vào làm tham tá Ngân khố Hà Nội. Tiếp tục học thêm, đậu tú tài Pháp và chuyển sang ngạch Tư pháp, làm tham tá lục sự từ năm 1929, trong các toà "Tây án" ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc. Trong thời gian này, có lần đã được bổ tri huyện, nhưng ông từ chối.

Năm 1932, Nguyễn Tường Long đang làm việc ở Sài Gòn, được đổi về Hà Nội, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hoá của Phạm Hữu Ninh và ngày 22/9/1932 báo Phong Hoá tái bản với nội dung và ê-kíp mới. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn, cùng năm ấy, Nguyễn Tường Long lập gia đình với cô Marie Nguyễn Bình (1913-1975), được bốn người con: ba gái, một trai.

Trên Phong Hoá, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly (giờ xấu nhất trong ngày), viết những bài đả kích châm biếm toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và Triều đình Huế, bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, Phong Hoá bị đóng cửa. Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hoá, trong 18 số đầu, chuyên về hình ảnh- từ số 19 trở đi chuyển sang văn nghệ. Trên tuần báo Ngày Nay, từ 1937 đến 1939, Hoàng Đạo hoàn tất những hồ sơ lớn về Vấn đề thuộc địa, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục, và phụ trách những mục: Người và Việc (cùng với những cây bút khác của Tự Lực Văn Đoàn), Trước vành móng ngựa (ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước toà tiểu hình Hà Nội).

Năm 1939, Nhất Linh thành lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Vì đảng chủ trương công khai chống Pháp và lật đổ triều đình Huế, cuối năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đi an trí tại Vụ Bản thuộc Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, mãi đến năm 1943 mới được giải về quản thúc tại Hà Nội. Trong thời gian đó, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay đến cuối năm 1941, mới bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội. Hoàng Đạo và Nguyễn Tường Bách tiếp tục lãnh đạo phong trào. Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay tục bản ngày 5/3/1945, với Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí.

19/8/1945. Việt Minh nắm chính quyền. 25/8/1945 Bảo Đại thoái vị. 2/9/1945 Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập. Trong khi ba thành phần Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách đang điều đình để thành lập chính phủ liên hiệp, ngày 13/1/1946, Vệ Quốc Quân tấn công bộ đội Việt Quốc tại Việt Trì.

2/3/1946 Chính phủ liên hiệp ra đời, nhưng các lực lượng quốc gia và cộng sản chia rẽ trầm trọng. Chủ trương của chính quyền thực dân không thay đổi: Hội nghị Đà Lạt thất bại. Sự đổ vỡ và chiến cuộc xẩy ra giữa hai phe quốc gia và cộng sản.

Cuối tháng 7 năm 1946, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách và 6 bạn đồng hành đến Hà Khẩu, lên Côn Minh rồi sang Quảng Châu. Ngày 19/12/1946, Khái Hưng bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu năm 1947.

Hoàng Đạo mất đột ngột ngày 22/7/1948 (16/6 năm Mậu Tý), trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, thi hài ông được an táng tại thị trấn Thạch Long.

Tác phẩm đã in:
Trước vành móng ngựa (phóng sự, Đời Nay, Hà Nội, 1938), Bùn lầy nước đọng (Đời Nay, 1938, vừa xuất bản đã bị chính quyền thưộc địa cấm lưu hành), Mười điều tâm niệm (tiểu luận, Đời Nay, 1939), Con đường sáng (tiểu thuyết, Đời Nay, 1940) và Tiếng đàn (truyện ngắn, Đời Nay, 1941).

Sự Nghiệp Văn Hóa

Năm 1932, sau khi đã hoàn toàn dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, thống trị Pháp mở một cuộc thuyên chuyển lớn trong hàng ngũ viên chức bổn xứ nhằm gián đoạn liên lạc giữa những người trí thức Việt Nam yêu nước. Nhưng đối với Nguyễn Tường Long, việc đổi từ Sàigòn ra Hà Nội lại là một dịp may để ông cùng với anh em hoạt động. Nghiên cứu những kinh nghiệm mang lại do cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học và tổ chức V.N.Q.D.Đ, ông cùng với anh ruột là ông Nguyễn Tường Tam và một người bạn là ông Trần Khánh Giư tức Khái Hưng tự vạch ra một con đường chiến đấu trường kỳ đi tới giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Đó là con đường huấn luyện quần chúng bằng báo chí. Năm 1933 bộ ba này nhận lại một tờ báo sắp chết là tờ Phong Hóa của một người bạn là ông Phạm Hữu Ninh. Bằng một kỹ thuật học được của báo chí tiến bộ Âu Châu, bằng một lối hành văn mới và nhất là bằng giọng hài hước, họ đã làm cho tờ Phong Hóa sống lại và truyền bá rất mau. Chủ trương của bộ ba này lúc đầu là dùng nghệ thuật, văn chương để thu hút quần chúng, dùng cái cười làm khí giới để chen vào cuộc xung đột giữa hai khuynh hướng “theo mới” và “tồn cổ” mà họ đứng hẳn vào khuynh hướng triệt để theo mới. Khi đã thu hút được quần chúng rồi, họ bắt đầu chuyển sang việc truyền bá những tư tưởng cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội nhịp theo trào lưu tiến hóa của thế giới. Thanh thế của tờ báo càng lớn thì những người có tâm huyết có tài năng tìm đến hợp tác mỗi ngày một đông, và nổi bật nhất là Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ tức Nguyễn Thứ Lễ…

Trong báo Phong Hóa, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly. Sở dĩ ông chọn bút hiệu này là vì muốn đả phá thói mê tín bốc phệ, ông đã chọn giờ xấu nhất trong ngày là giờ Tứ Ly làm tên hiệu. Thời kỳ này Tứ Ly rất ít khi viết những bài nghị luận chính trị, kinh tế hoặc xã hội mà chỉ chuyên về mặt đả kích. Bằng một lối văn hài hước khi thì nhẹ nhàng thâm thúy kiểu nhà nho, khi thì sâu cay độc địa kiểu những cây bút đả kích Tây phương, Tứ Ly đả kích tất cả những người và những việc mà ông cho là tiêu cực, là hủ bại, là cản đường tiến của xã hội. Bất cứ một chuyện nhỏ hay một chuyện lớn, ảnh hưởng quan trọng hay thoảng qua, tất cả đều có thể là những đầu đề cho Tứ Ly đả kích để đưa chủ trương “theo mới” những tư tưởng tiến bộ của mình ra: một vụ kiện tranh ngôi thứ, một biện pháp hành chính mới của thống trị Pháp, một thay đổi chức vị trong triều đình Huế, một viên quan bị tố cáo ăn hối lộ, một câu văn viết không rõ ý của một tờ báo khác, một tư tưởng nhai lại, thậm chí một nét mặt, một kiểu phục sức như cái mũi đỏ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cái búi tóc củ hành của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố… tất cả đều bị Tứ Ly đưa lên mặt báo, bóc trần, mổ xẻ để đả kích bằng cả lý luận lẫn giọng cười.

Báo Phong Hóa càng ngày càng có ảnh hưởng càng lớn, Mật thám Pháp dò biết Tứ Ly là linh hồn của cơ quan này nên đã ra lịnh đổi viên tham tá lục sự Nguyễn Tường Long từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhằm tách rời ông khỏi bộ tham mưu. Nhưng trở lại miền Trung là Tứ Ly lại có thêm một dịp để đả kích chế độ cai trị cực kỳ khắc nghiệt của thực dân với những tay sai đắc lực của chúng trong hàng ngũ quan lại Nam Triều. Vì thế, thực dân Pháp không còn cách nào khác là hạ lệnh đóng cửa tuần báo Phong Hóa. Lúc đó vào năm 1937.

Nhưng báo Phong Hóa chết, nhóm của ông có sẵn nhà Xuất Bản Đời Nay để làm cầu liên lạc với người đọc qua những tác phẩm văn nghệ đã đăng trong báo đó. Thời kỳ này Tứ Ly không có một văn phẩm nào để xuất bản. Ít lâu sau người anh thứ hai của ông là Nguyễn Tường Cẩm xin được ra một tờ báo khác là tuần báo Ngày Nay. Trong 18 số đầu, tờ Ngày Nay chuyên về hình ảnh và phóng sự với mục đích tránh sự rình rập của thực dân Pháp. Từ số 19, tờ Ngày Nay bắt đầu đổi thể tài, chuyên về văn nghệ và Tứ Ly đổi tên là Hoàng Đạo để thỉnh thoảng viết một vài bài đả kích nhẹ nhàng. Ngược lại với bút hiệu chọn lần trước, với tờ Ngày Nay, Nguyễn Tường Long lấy giờ Hoàng Đạo là giờ tốt nhất trong ngày để thay tên Tứ Ly. Chính trong thời gian bắt đầu xây dựng tờ Ngày Nay, tác giả đã ghi chép một số những vụ xử án điển hình tại tòa Tiểu hình Hà Nội trong khi ông ngồi ghế lục sự tại tòa này và đăng trong mục “TRƯỚC VÀNH MÓNG NGỰA”. Dụng ý của ông khi viết mục này là vẽ lại cảnh sống cơ cực, trình độ thấp kém của người dân Việt Nam dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp qua sự xét định của tòa án của Pháp, theo luật lệ của Pháp, thứ luật lệ mà người Pháp vẫn tự hào là nhất thế giới.

Qua nhiều lần thay đổi thể tài, phần nghị luận chính trị /kinh tế/ xã hội được tăng cường tùy theo tình hình chính trị và sự canh chừng của thực dân lúc đó; phần văn nghệ dần dần được giới hạn và đưa từ trang đầu vào trang giữa rồi chuyển về những trang cuối của tờ báo. Cây bút nghị luận Hoàng Đạo càng ngày viết càng nhiều và không ngừng đưa ra những tư tưởng tiến bộ, giới thiệu những khuynh hướng chính trị và cách mạng trên thế giới, khảo cứu thực trạng của xã hội Việt-Nam để dẫn dắt người đọc đi tới con đường cách mạng. Ông đã viết từng loạt bài nối tiếp từ Mười Điều Tâm Niệm mà ông coi như kim chỉ nam cho thanh niên thời ấy, đến Công Dân Giáo Dục để giới thiệu các chế độ chính trị, khuynh hướng dân chủ ở nước ngoài, cùng các chủ nghĩa chính trị, các đảng phái, từ chủ nghĩa vô chính phủ, đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng-sản. Các vấn đề xã hội trong nước được ông khảo xét một cách minh bạch từ đời sống nông dân sau lũy tre xanh đến những cảnh vật lộn cực khổ của lao động thợ thuyền ở thành thị với những loạt bài “Bùn Lầy Nước Đọng”“Vấn Đề Cần Lao”. Trong thời kỳ Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, ông đã có hoàn cảnh lên án cực kỳ nghiêm khắc chủ nghĩa thực dân xâm chiếm thuộc địa với loạt bài khảo sát nhan đề “Vấn Đề Thuộc Địa”.

Trong báo Ngày Nay ông cũng có viết một truyện dài nhan đề Con Đường Sáng và một số truyện ngắn, nhưng ông chưa tìm ra được một lối viết truyện thích hợp. Sau này ông có để riêng một thời gian để nghiên cứu kỹ thuật về tiểu thuyết và ông đã xây dựng một số tác phẩm nhưng đều phải bỏ dở vì những hoạt động cách mạng.

Có thể nói rằng sự nghiệp văn chương của Hoàng Đạo ngừng lại cùng với tuần báo Ngày Nay bị đóng cửa năm 1940 sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Và từ đó ông chuyên về các hoạt động cách mạng. Cuối năm 1940 vì tổ chức đảng Đại Việt Dân Chính chủ trương xây dựng lực lượng, lợi dụng các biến cố quốc tế để đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ triều đình Huế xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ; nên ông cùng các đồng chí bị Pháp bắt giam và đưa đi đày tại trại an trí Vụ Bản thuộc châu Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Năm 1943 thực dân Pháp giải ông về quản thúc tại Hà Nội. Tháng 6 năm 1946 sau khi lực lượng cách mạng dân tộc bị kiệt quệ trong một cuộc nội chiến chống Việt Minh cộng sản, ông cùng các chiến sĩ Quốc Dân rút sang Trung Quốc. Trú ở Côn Minh rồi sang Quảng Châu, thời gian này ông tập trung nghiên cứu tìm một chính thể và mô hình xã hội thích hợp để áp dụng tại Việt Nam. Ông qua đời đột ngột trên chuyến xe lửa Hương Cảng – Quảng Châu ngày 22 /7/1948, thi hài an táng tại trấn Thạch Long. Sau này dưới thời kỳ cải cách ruộng đất Trung Quốc giải tỏa nghĩa trang làm khu dân sinh và mộ phần của ông bị san bằng không còn dấu vết.

(do gia đình soạn thảo, với phần bổ sung của nhà phê bình Thụy Khuê)

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ