- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Da Màu, Một Chặng Đường

LTS: Bài thuyết trình dưới đây do Phùng Nguyễn soạn và đọc trong buổi hội thảo “Thực trạng và xu hướng của văn học Việt nam hiện nay” ở tòa soạn Việt Báo ngày thứ bảy 11.12.2010. Buổi hội thảo gồm có phần thuyết trình của nhà phê bình lý luận Nguyễn Hưng Quốc về đề tài mạng hóa và toàn cầu hóa văn học Việt Nam và phần giới thiệu các sinh hoạt của hai tạp chí mạng Da Màu Tiền Vệ do Phùng Nguyễn và Hoàng Ngọc-Tuấn lần lượt trình bày. Người điều khiển buổi hội thảo là các nhà văn Phạm Phú Minh và Trịnh Thanh Thủy.

 

MCD-hinhDMLogo

Giai đoạn hình thành

Tạp chí Da màu chính thức ra mắt bạn đọc cách đây hơn 4 năm, vào ngày 10 tháng 8 năm 2006, và sinh nhật lần thứ tư của tạp chí này đến và đi một cách “âm thầm” vài tháng trước đây. Điều này theo tôi, có nghĩa là sự hiện diện của Da Màu đã trở thành một thứ fixture, một nơi chốn, một không gian văn học được kỳ vọng sẽ luôn luôn hiện hữu khi người đọc muốn ghé vào.

 

Java City Caféclip_image004

Sự ra đời của tạp chí mạng Da Màu bắt đầu vào khoảng tháng sáu năm 2006 ở quán “Java City Café” thuộc thành phố Huntington Beach,. Ở đó, Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anhdao, và tôi thảo luận và quyết định về chủ trương, nội dung, và hướng đi tương lai của Da Màu. Vài tháng sau, số ra mắt của Da Màu được gởi đến bạn đọc từ một góc khiêm nhường trên siêu không gian.

 

image

Bước đầu

Tôi gặp Thơ Thơ lần đầu ở tư gia của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, và chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân. Sau đó, trong năm 2002, chúng tôi có có cơ hội làm việc chung trong Ban biên tập tạp chí Hợp Lưu một thời gian cùng với Đặng Hiền, Thường Quán và Trần Vũ. Cũng trong thời gian này, tôi có cái hân hạnh quen biết Đỗ Lê Anhdao, một cộng tác viên khá thường xuyên của Hợp Lưu.

Về thành phần BBT đầu tiên, nhà thơ Thường Quán là người tham gia sớm nhất. Không bao lâu, Lưu Diệu Vân ở Boston, Lê Đình Nhất Lang ở Bolsa lần lượt tham gia cộng tác. Nói chung, có một sự cân bằng về khuynh hướng văn chương, thế hệ, và ngay cả phái tính trong cái tập thể BBT đầu tiên.

Nhờ vào sự hăng say của Ban biên tập, chỉ trong một thời gian ngắn, tạp chí Da Màu đã trở thành một trong những địa chỉ văn chương quen thuộc của bạn đọc trong và ngoài nước.

Người đứng mũi chịu sào trong thời gian đầu tiên là nhà văn Đặng Thơ Thơ. Thơ Thơ rất ngần ngại khi Anhdao và tôi đề nghị cô làm chủ biên trong giai đoạn dọ dẫm/ khai phá của tờ tạp chí non trẻ này, lý do rất chi là … ngây thơ: “Thơ Thơ chưa làm chủ biên bao giờ!”  Phải ghi nhận rằng Thơ Thơ đã vượt lên trên tầm kỳ vọng của tôi về cô ở cương vị một chủ biên. Thơ Thơ đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc chọn chủ đề, kêu gọi đóng góp, và biên tập bài vở nhận được. Ở đây cô đóng cả hai vai trò biên tập viên và chủ biên một cách tận tình và trọn vẹn. Và một cách mềm dẽo nhưng đầy thuyết phục.

Chủ trương

Chủ trương của Da Màu (trích đoạn)clip_image008

Một cách ngắn gọn, chủ trương của Da Màu là kiến tạo một sân chơi văn chương không bị giới hạn bởi những biên giới của định kiến. Một sân chơi như thế cần được quản lý bởi một tập thể bao gồm những cá nhân trong khi có thể khác biệt nhau về một số quan niệm văn chương nhưng một cách cần thiết, có khả năng chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, tín ngưỡng…

Nghệ thuật lên tiếng

Là một tạp chí mạng, Da màu không tự giới hạn mình trong các biên giới địa lý. Tuy vậy điều này không có nghĩa là Da Màu chọn tách rời khỏi cái tập thể Cộng đồng người việt Hải ngoại, ở cái nghĩa rộng nhất của nó. Trái lại, Da Màu sẵn sàng tham dự vào những chuyển động của cộng đồng này khi cần thiết, cung cấp một diễn đàn công bằng và vô tư cho những thảo luận quan trọng và thường là nóng bỏng. Những diễn biến chung quanh các bức ảnh của Brian Đoàn trong triển lãm FOB II: Nghệ Thuật Lên Tiếng do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức trong tháng giêng 2009 là một thí dụ điển hình.

Nghệ thuật lên tiếngclip_image010

Trong chuỗi thảo luận này, những ý kiến, quan điểm hoàn toàn đối nghịch nhau đều có cơ hội xuất hiện trên trang mạng Da Màu. Tôi hy vọng rằng sau sự kiện này, chủ nhân của những tiếng nói độc lập , cho dù lẻ loi, sẽ không còn lo lắng về việc tiếng nói của mình sẽ bị vùi dập. Bởi vì sẽ có ít nhất một địa chỉ dành cho những tiếng nói độc lập này.

Các chuyên mục

Trong thời gian đầu, Da Màu đã cho ấn hành đều đặn các số chuyên đề nhằm đào sâu các chủ đề khác nhau. Dưới đây là danh sách các chuyên đề đã thực hiện theo thứ tự ABC:

Chuyên Đềclip_image012

Bởi vì tạp chí Da Màu được sáng lập và bảo trì bởi những người bằng cách này hay cách khác chịu ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh này là một đề tài lớn mà Da Màu thường xuyên thăm viếng. Một đề tài ưa thích khác, Văn học miền Nam Việt Nam 1954-1975, cũng có một vị trí quan trọng không kém trong phần nội dung của tạp chí này.

Bên cạnh các sáng tác thơ văn và biên khảo văn học, phần nội dung của Da Màu còn có mục Bàn Tròn và Học Thuật. Bàn Tròn là nơi các vấn đề ít nhiều có tính thời sự được đưa ra thảo luận. Phần Học Thuật chủ yếu nhằm giới thiệu các văn kiện/tác phẩm biên khảo mang giá trị sử liệu cao. Bạn đọc có thể tìm thấy các tác phẩm quan trọng về lịch sử của sử gia Tạ Chí Đại Trường và Keith Taylor và các bài viết liên quan đến những con đập trên sông MeKong của nhà văn Ngô Thế Vinh trong chuyên mục này.

Dịch thuật

Một trong những mặt “mạnh” của Da Màu là phần dịch thuật. Ở phần này, Da Màu không chỉ có tham vọng giới thiệu văn học thế giới đến độc giả Việt mà còn nỗ lực dịch một số tác phẩm tiếng VIệt sang Anh ngữ. Ở thời kỳ đầu, chủ trương này được thực hiện đều đặn bởi vì chúng tôi có được sự đóng góp tích cực từ nội bộ BBT và từ nhiều dịch giả thân hữu.

Các công trình dịch thuật có phần chậm lại trong hai năm gần đây vì nhiều lý do, và BBT Da Màu cảm thấy cần thiết phải phục hồi ưu thế này, bắt đầu với dự định cho ra mắt một tuyển tập văn xuôi để giới thiệu các tác phẩm chọn lọc đã xuất hiện trên Da Màu với độc giả Anh ngữ.

Danh sách Dịch giả đã cộng tác với Da Màu

clip_image014

Hình thức ấn hành

Da Màu bắt đầu với hình thức báo định kỳ, cập nhật hàng tuần. Xen kẽ giữa các số định kỳ là các số chuyên đề. Trong năm đầu tiên, Da Màu thực hiện được 30 số định kỳ. Tháng 8/2007, đúng một năm sau số ra mắt, ban biên tập quyết định chuyển qua hình thức nhật báo với phần nội dung được cập nhật mỗi ngày.

 

Ban Biên Tập

Ban biên tậpclip_image016

Ban biên tập Da Màu được chia làm bốn tiểu ban, thơ, văn xuôi, biên khảo, và nghệ thuật/tạo hình. Ban thơ hiện nay do Lê Đình Nhất Lang và Nguyễn Hoàng Nam chịu trách nhiệm. Biên khảo do đương kim chủ biên Đinh Từ Bích Thúy phụ trách, và phần văn xuôi thuộc về Thơ Thơ. Phần nghệ thuật tạo hình và minh họa do họa sĩ Nguyễn Việt Hùng phụ trách. Tôi chịu trách nhiệm phần kỹ thuật của tạp chí.

Tính lại, số người thực sự sinh hoạt trong hiện tại là 6 thay vì 12 như được liệt kê trong danh sách BBT Da Màu mà bạn đọc có thể tìm thấy trong mạng damau.org. Các biên tập viên khác đang… nghỉ phép hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn, và Da Màu luôn hy vọng là họ sẽ trở lại cộng tác khi điều kiện/hoàn cảnh cá nhân cho phép. Cũng cần phải nói thêm là lẽ ra có thêm ít nhất một người nữa hiện sinh sống trong nước nhưng không tiện công khai vì lý do an ninh cá nhân.

Ngay cả với danh sách rút ngắn này, số thì giờ các biên tập viên có thể dành cho Da Màu rất hạn chế bởi vì tất cả đều có công ăn việc làm toàn phần cùng với các hệ lụy khác của đời sống.

Cơ chế sinh hoạt của Da Màu: một thử nghiệm

Ngay từ lúc khởi đầu, sinh hoạt của tạp chí Da Màu được dựa trên một nguyên tắc căn bản của cơ chế dân chủ: luật đa số. Tất cả thành viên của Ban biên tập, mới hay cũ, đều có quyền tham dự vào quyết định lớn nhỏ của việc điều hành bằng cách sử dụng lá phiếu của mình khi cần thiết.

Một trong những lợi điểm của phương thức sinh hoạt này là tờ tạp chí sẽ có nhiều cơ hội tiếp tục hoạt động bình thường ngay cả khi một hay nhiều thành viên quan trọng không còn tiếp tục sinh hoạt nữa. Lý do: quyết định không tùy thuộc vào bất cứ cá nhân đơn lẻ nào! Trong thời gian qua, đã có nhiều thay đổi trong thành phần ban biên tập, đôi khi gây ảnh hưởng đến hiệu năng cũng như chất lượng của tờ báo, nhưng nói chung, luật “đa số” đã giúp Da Màu tiếp tục duy trì sự nhất quán trong chủ trương cũng như trong việc tiếp tục các chức năng chính yếu của tạp chí này.

Trong cùng một lúc, theo đuổi các nguyên tắc dân chủ, cho dù ở một qui mô rất nhỏ như của Da Màu, cũng mang đến nhiều khó khăn trong việc điều hành, đặc biệt trong vấn đề lựa chọn bài vở và sắp xếp lịch trình ấn hành. Đôi khi tranh luận nội bộ về việc nên chọn hay không chọn một bài viết trở nên lê thê, tốn kém thì giờ và năng lực hơn là cần thiết. Khi cần phải bỏ phiếu theo luật đa số, đôi khi phải chờ đợi hết người này đến người khác lên tiếng bởi vì khó có được một cơ hội trong đó mọi người đều đọc email và trả lời cùng một lúc. (Biếm họa dưới đây cho thấy đôi khi hoàn toàn đồng ý với nhau cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề!).

 

clip_image018

Cho đến nay, có lẽ Da Màu là tạp chí văn học duy nhất mà công việc quản lý/điều hành được dựa trên các nguyên tắc dân chủ. Tất nhiên là còn có rất nhiều điều Da Màu cần phải học hỏi để cải tiến và kiện toàn các mặt tổ chức và điều hành, nhưng tôi hy vọng rằng sinh hoạt của BBT Da Màu dựa trên các nguyên tắc dân chủ sẽ được tiếp tục trong những năm tháng sắp tới.

*

Xin cám ơn quý vị đã cho tôi cơ hội giới thiệu một số nét căn bản về các sinh hoạt trong thời gian qua của tạp chí mạng Da Màu . Xin được phép dùng phương châm của trang Da Màu để kết thúc bài nói chuyện này:

image

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Da Màu, Một Chặng Đường"

#1 Pingback By Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới » Thơ ca của sự phủ định và sự phủ định thơ[1] On 22/10/2012 @ 12:05 am

[…] http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=33FA0F54398ABA0097EE5F6EB878E572?action=viewArtwork&artworkId=8544, bản dịch tiếng Việt của bài tham luận “TIEN VE and Freedom of Thought & Expression for Contemporary Vietnamese Arts” do Hoàng Ngọc-Tuấn, một trong những người sáng lập tạp chí Tiền Vệ, đọc tại hội nghị quốc tế “Echoes of a War” trong cuộc triển lãm NAM BANG!, tại Casula Powerhouse Arts Centre, ngày 17/04/2009. Bản dịch này đã được đọc trong cuộc toạ đàm “Thơ và Nhạc thời chiến ở Việt Nam”, tại Casula Powerhouse Arts Centre, chiều ngày 19/04/2009. Sự hình thành và chủ trương của Damau được Phùng Nguyễn, một thành viên ban biên tập thuyết trình trong buổi hội thảo “Thực trạng và xu hướng của văn học Việt nam hiện nay” ở tòa soạn Việt Báo (US) ngày thứ bảy 11.12.2010, văn bản bài viết “Damau, Một chặng đường” online tại http://damau.org/archives/17410 […]