Trang chính » Dịch Thuật, Quan Điểm, Sang Việt ngữ, Tham luận Email bài này

Trao Đổi Văn Học: Trước Mặt Và Sau Lưng Bài Thơ Con Dê Là Ẩn Dụ

0 bình luận ♦ 1.11.2018
chagall_the_painter_and_the_goat__thumb.jpg

 

chagall_the_painter_and_the_goat_
Marc Chagall, Họa sĩ và dê (The Painter and the Goat)

 

Trao đổi văn học thuần túy là trao đổi luận lý và quan điểm về chủ đề, giá trị, hoặc văn bản. Trình bày những hiểu biết khác biệt từ cơ sở khả năng nhận thức và sở học cá nhân. Mục tiêu là nỗ lực làm sáng tỏ, giải thích, tiếp cận ý nghĩa cũng như nghệ thuật của văn bản. Cùng một lúc chia sẻ kiến thức và những thú vị tinh thần với độc giả.

Nếu văn học mang thích thú cho trí tuệ, thì trao đổi văn học mang lại một lần nữa thích thú gấp đôi trên cùng một văn bản. “Đó là lý do tại sao văn học rất hấp dẫn. Nó luôn luôn diễn giải, và có thể thành hàng trăm điều khác biệt cho hàng trăm người khác nhau. Nó không bao giờ giống nhau.” (Snow Like Ashes. Sara Reaasch.) Trao đổi văn học thuần túy là việc cần thiết trong một nền văn chương trưởng thành.

Trao đổi văn học thơ và dịch thơ bài “Whether the Goat Is A Metaphor?” của Jane Miller còn đòi hỏi phải giải quyết về khả năng dịch và môn phái dịch giữa ngôn ngữ/văn hóa bản gốc và ngôn ngữ/văn hóa bản dịch. Dịch là một văn học già nua, có mặt từ trước Công Nguyên, nhưng lại rất trẻ vì nó chỉ mới phát triển từ thập niên 1950. Bùng nổ với nhiều môn phái dịch sau 1980. Nôm na, có ba khuynh hướng chính: 1- Dịch văn bản gốc theo ý nghĩa và ý muốn của tác giả. 2- Dịch văn bản gốc theo khả năng diễn giải của dịch giả. 3- Dịch văn bản gốc theo văn hóa và thói quen sử dụng ngôn ngữ của độc giả.

Bài Cách Nhận Diện ‘Kẻ Thù Vô Hình Mặc Áo Giáp’,” của Đinh Từ Bích Thúy đọc thơ Jane Miller là một trao đổi văn học với bài Phải Chăng Con Dê Là Ẩn Dụ?” của Ngu Yên. Mỗi bài có mỗi cách nhìn, mỗi tư duy, và có một số giải thích khác biệt trên cùng một bài thơ. Thông thường, sự mâu thuẫn được đánh giá trên tiêu chuẩn: Ai đúng và Ai sai?

Trước khi có được câu trả lời thích đáng, một số luận lý, khái niệm, và quan điểm sẽ được trình bày theo thứ tự: 1- Tài liệu văn bản. Tức là bài thơ gốc và thơ dịch. 2- Những điểm thỏa thuận và những điểm mâu thuẫn. 3- Nhận định và câu trả lời. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết mạng, những trao đổi sẽ được trình bày tóm lược và tổng quát.

I- Tài liệu văn bản:

Cơ sở của chủ đề đặt trên bài thơ gốc của Jane Miller (ghi số 1) lời dịch của Đinh Từ Bích Thúy (ghi số 2) lời dịch của Ngu Yên (ghi số 3) và lời dịch của Nguyễn Huy Hoàng (ghi số 4). Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng được sử dụng như một tầm nhìn, một cách dịch khác, hỗ trợ cho ý nghĩa muôn màu muôn sắc của nhiều bản dịch từ một bản gốc (1). Ông không liên can đến bài trao đổi này. Xin giới thiệu Nguyễn Huy Hoàng là nhà văn, dịch giả, nhà phê bình với nhiều tác phẩm trên mạng lưới: https://hoanghannom.com/.

Bản dịch của Đinh Từ Bích Thúy theo phương pháp truyền thống, tiếp cận sự chính xác của văn bản gốc và ý nghĩa của tác giả. Chọn hình thức bài thơ dịch theo hình thức bài thơ gốc. Nội dung bao gồm việc giải thích ngôn ngữ, văn phạm, và ý nghĩa bề mặt cũng như bề sâu của văn bản. Lời Tòa Soạn Da Màu giới thiệu khuynh hướng phê bình của cô như sau:“Đinh Từ Bích Thúy quan tâm về từ vựng, cú pháp, trong khuôn khổ tác phẩm, cùng những so sánh và liên kết tư tưởng giữa các văn bản Anh, Việt, bối cảnh văn hóa, v.v., nhiều hơn là lý thuyết.”

Trong khi bản dịch của Ngu Yên chọn môn phái cách tân. Đặt trọng tâm vào văn hóa bản dịch và sự quen thuộc đối với người đọc. Chọn hình thức thơ tự do và văn phạm ngôn ngữ dịch để trình bày, với nỗ lực tiếp cận quan niệm: người Việt đọc thơ dịch tiếng Việt gần gũi như đọc bài thơ tự do tiếng Việt.

Cả hai đều có thể hiểu như lý thuyết gia Kimmissarov nhận xét: “Lý thuyết dịch thuật không phải để cung cấp cho dịch giả những giải pháp định sẵn dùng giải quyết những vấn đề trở ngại. Lý thuyết không thể thay thế cho tư duy đúng đắn hoặc thực hiện quyết định. Lý thuyết chỉ giúp thu hẹp sự chọn lựa hoặc điềm chỉ một nơi bắt đầu cho dịch giả suy xét. Sẽ không có bảo đảm kết quả thành công cho quá trình dịch. Những đề nghị về mặt lý thuyết luôn luôn mang tính tổng quát; được tạo ra để hỗ trợ các dịch giả trong công việc dịch thuật. Sự thành đạt phụ thuộc vào việc dịch giả áp dụng có thích hợp và hữu hiệu trong từng trường hợp cụ thể.” (Theories of Translation, 1991, Muhammad Shaeen trang 11.) Phải chăng ngày nay có nhiều môn phái, nhiều phương pháp dịch khác nhau, nên tùy người dịch chọn lựa và tùy người đọc thưởng ngoạn?

Bài thơ và thơ dịch:

1- Whether the Goat is a Metaphor (Jane Miller)

2- Có Phải Con Dê Là Ẩn Dụ (Đinh Từ Bích Thúy)

3- Con Dê Phải Chăng Là Ẩn Dụ? (Ngu Yên)

4- Dù Có Hay Không Con Dê Là Ẩn Dụ (Nguyễn Huy Hoàng)

1- We go on talking and digging a pit in the earth

2- Chúng ta tiếp tục trò chuyện và đào hố

3- Người ta mãi mãi kể như đào lỗ quay nướng trẻ em,

4- Chúng tôi tiếp tục nói và đào một cái hố dưới đất

1- to spit-roast kid,

2- để nướng dê quay trục

4- để nướng xiên đứa trẻ,

1- since anyone working in a lively rhythm is not attached

2- vì bất cứ ai hòa mình vào nhịp điệu thì không vướng bận

3- Từ xưa đến nay ai đang chìm trong nhịp sống, không liên can câu chuyện.

4- bởi vì bất cứ ai làm việc theo một nhịp sống động đều không gắn

1- to the story.

2- bởi sự tình

4- với câu chuyện này.

1- In saving her, he saves himself.

2- Thằng bé tự cứu mình khi cứu sống con chị.

3- Nhờ cứu cô chị, cậu ta tự cứu mình.

4- Cứu cô bé, cậu bé tự cứu mình.

1- It’s getting late.

2- Sắp muộn rồi.

3- Sắp muộn rồi, hãy kể về cậu trẻ,

4- Trời sắp muộn.

1- The story of the boy is that

2- Truyện kể về thằng bé là như vầy

4- Câu chuyện của cậu bé là

1- by drinking water from a hoof he’s turned into a goat.

2- Vì uống nước từ móng dê nó đã hóa thành dê

3- Vì uống nước dưới móng cậu hóa thành con dê.

4- uống nước từ một cái móng, cậu đã biến thành một con dê.

1- If we separate magic from life,

2- Nếu chúng ta tách lọc nhiệm mầu từ đời sống,

3- Nếu tách rời ảo thuật khỏi đời sống, sẽ bắt gặp nghệ thuật

4- Nếu chúng ta tách ma thuật khỏi đời,

1- we get art. His sister, long story short,

2- chúng ta đạt đến nghệ thuật. Chị thằng bé, tóm tắt là

3- Tóm lại, chị cậu bị cột đá vào cổ thả trôi sông.

4- chúng ta có nghệ thuật. Em gái cậu, nói tóm lại,

1- gets thrown into a river with a stone around her neck.

2- bị cột đá vào cổ rồi quẳng xuống sông.

4- bị ném xuống dòng sông với một tảng đá buộc quanh cổ.

1- His weeping stirs the neighbors with a silken net

2- Tiếng dê khóc động lòng hàng xóm thả lưới tơ

3- Dê em khóc động lòng hàng xóm quăng lưới tơ cứu cô chị.

4- Tiếng khóc của cậu khuấy động láng giềng với một cái lưới lụa

1- to scoop her out. He turns three somersaults

2- vớt con chị lên bờ. Nó nhào lộn ba vòng

3- Dê sung sướng nhảy lộn ba vòng rồi đứng trên hai chân hóa lại cậu trai.

4- để vớt cô bé lên. Cậu nhảy ba vòng lộn

1- of joy and lands on two feet as a boy again.

2- sung sướng rồi đứng trên hai chân hoàn thân là thằng bé.

4- đầy vui sướng và hạ đất trên hai chân lại như một cậu bé.

1- How, in heaven’s name, will dinner be served, and when?

2- Trời ơi, làm sao, đến chừng nào, mới có bữa cơm tối?

3- Trời đất quỉ thần, biết khi nào làm sao hậu tạ?

4- Bữa tối, trời ơi, sẽ được phục vụ như thế nào, và bao giờ?
1- Separate art from life, we get nothing.

2- Tách lọc nghệ thuật từ đời sống, chúng ta đạt đến vô thường.

3- Lấy nghệ thuật khỏi đời sống, con người chẳng còn gì.

4- Tách nghệ thuật khỏi cuộc đời, chúng ta chẳng có gì.

1- We go on talking and digging.

2- Chúng ta tiếp tục trò chuyện và đào hố

3- Người ta vẫn tiếp tục kể và đào lỗ.

4- Chúng tôi tiếp tục nói và đào.

1- I’ve got a million and ten things to do.

2- Ta có một triệu lẻ mười việc phải làm.

3- Tôi còn một triệu lẻ mười chuyện khác phải làm.

4- Tôi có một triệu linh mười điều cần làm.

1- Of the multitude of things, it is emptiness

2- Trong đa sự, tính-không

3- Giữa rối nùi là trống rỗng

4- Trong vô số thứ, sự trống rỗng là cái

1- that’s necessary now, now that you’ve had time

2- là điều cốt yếu, hiện giờ bạn đã có đủ thì giờ

3- cần thiết cho hôm nay vì ít ra có thời giờ tắm rửa thay áo quần.

4- đang cần đến lúc này, khi bạn đã có đủ thời gian

1- to wash and dress. As a form

2- tắm rửa và thay quần áo. Như hiện thể

4- để tắm rửa và ăn mặc. Như một hình thức

1- of enlightenment, the most unsuspecting guest

2- của giác ngộ, vị khách không ai ngờ

3- Sẽ thức tỉnh khi người khách khó ngờ

4- của giác ngộ, vị khách ít ngờ vực nhất

1- is your enemy in armor, or invisible,

2- chính là kẻ thù của bạn mặc áo giáp, hoặc vô hình,

3- là kẻ thù mặc áo giáp, ẩn thân,

4- là kẻ thù của bạn trong áo giáp, hoặc vô hình,
1- who will clap you on the back

2- người sẽ vỗ mạnh vào lưng bạn

3- đến vỗ mạnh sau lưng

4- người sẽ vỗ lưng bạn

1- when you choke on a bone at the banquet.

2- khi bạn bị nghẹn cổ vì mẩu xương ở bàn tiệc.

3- cứu ta đang mắc xương nghẹt thở giữa buổi đại tiệc.

4- khi bạn nghẹn xương trong bữa tiệc.

Cấu trúc bài thơ chia làm ba đoạn:

1- Từ We go on…. cho đến he saves himself. Giới thiệu bài thơ và gợi ý chính trong câu: “In saving her, he saves himself.”

2- Từ It’s getting late….cho đến will dionner be served, and when? Kể mẩu truyện ngắn về cậu bé hóa dê con. Nhờ cứu được cô chị, trở lại thành người. Câu nhấn: “He turns three somersaults of joy and lands on two feet as a boy again.”

3- Từ Separate art… cho đến at the banquet. Phần ý tưởng và thông điệp mà tác giả muốn chia sẻ với người đọc. Tứ thơ chính là “As a formof enlightenment, the most unsuspecting guest 
is your enemy in armor, or invisible, who will clap you on the back when you choke on a bone at the banquet.”

II- Những Điểm Thỏa Thuận và những điểm mâu thuẫn:

Trong bất kỳ cuộc trao đổi nào, giữa hai bên đều có những điều thỏa thuận và những điều mâu thuẫn. Thỏa thuận bao gồm hoàn toàn đồng ý, hoặc đồng ý một phần nào, hoặc không hoàn toàn đồng ý nhưng có thể chấp nhận. Mâu thuẫn bao gồm hoàn toàn khác biệt hoặc khác ý nhau trong chi tiết nào đó.

1. Một trong vài điểm nhấn trong bài viết của Đinh Từ Bích Thúy là từ vựng kid. Cô sử dụng nghĩa “dê con” trong mạch văn: “Chúng ta tiếp tục trò chuyện và đào hố để nướng dê quay trục.” Tất cả dê con dưới sáu tháng tuổi gọi là kid, từ chính thống. Dê cái nhỏ dưới sáu tháng hoặc chưa có thể rập giống, còn gọi là doeling. Về sau danh từ kid có nghĩa trẻ con mới được sử dụng như tiếng lóng, nhưng đã nhanh chóng trở thành thông dụng. Ngu Yên dịch kid theo nghĩa “trẻ con”, “Người ta mãi mãi kể như quay nướng trẻ em.” Phải chăng là một sai lầm?

Vì thiếu kiến thức về văn hóa/ngôn ngữ bản gốc, khi gặp phải những ý tứ văn hóa đặc thù, tục ngữ, ca dao, tiếng địa phương, hoặc trò chơi chữ, người dịch dễ rơi vào trường hợp dịch lầm. Đôi khi lầm lẫn vì thiếu cẩn thận. Nếu lỗi lầm này rơi vào ý chính hoặc tứ lớn cột trụ cho toàn bài, bản dịch sẽ sai hẳn bản gốc.

Trong luận văn: On Linguistic Aspects of Translation (2), Roman Jakobson đề nghị ba hình thức dịch: 1- Intralingual translation: Dịch nội bộ ngôn ngữ trong bản gốc. Tìm hiểu thấu đáo và chuyển dịch ý nghĩa ngữ pháp, cú pháp và kỹ thuật diễn đạt. 2- Interlingual translation: Dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. 3- Intersemiotic translation: Dịch từ hệ thống ngôn ngữ này sang hệ thống ngôn ngữ khác, hoặc diễn giải lại thông điệp bằng mã hiệu của ngôn ngữ dịch. Nói một cách khác, dịch nội bộ văn bản gốc đóng vai trò quan trọng trước khi dịch sang ngôn ngữ khác. Phải chăng chúng ta cần “intralingual translation” bài thơ của Jane Miller?

Bài thơ này gồm 14 câu. Hầu hết là gợi ý và điềm chỉ qua những ẩn dụ và tượng trưng. Khi nhìn bài thơ qua từng câu mở ra theo thời gian và vị trí những từ vựng, cụm từ, hình ảnh, hoặc tứ thơ xây dựng trong không gian, chúng ta có thể thấy sự liên hệ, giải nghĩa và bổ túc cho nhau giữa các thành phần cấu trúc này, (Cấu Trúc Luận). Ví dụ, Từ vựng “story” trong câu 1, được lập lại ở câu 4, câu 6, cho thấy từ “story” này là câu truyện về cậu bé hóa dê. Vì vậy câu dịch: “vì bất cứ ai hòa mình vào nhịp điệu thì không vướng bận bởi sự tình” không ăn ý với bài thơ.

clip_image001(1)- We go on talking and digging a pit in the earth to spit-roast kid, since anyone working in a lively rhythm is not attached to the story.

(2)- In saving her, he saves himself.

clip_image002(3)- It’s getting late.

(4)- The story of the boy is that by drinking water from a hoof he’s turned into a goat.

clip_image003(5)- If we separate magic from life, we get art.

(6)- His sister, long story short, gets thrown into a river with a stone around her neck.

(7)- His weeping stirs the neighbors with a silken net to scoop her out.

(8)- He turns three somersaults of joy and lands on two feet as a boy again.

(9)- How, in heaven’s name, will dinner be served, and when?

(10)- Separate art from life, we get nothing.

(11)- We go on talking and digging.

(12)- I’ve got a million and ten things to do.

(13)- Of the multitude of things, it is emptiness that’s necessary now, now that you’ve had time to wash and dress.

(14)- As a form of enlightenment, the most unsuspecting guest is your enemy in armor, or invisible,

who will clap you on the back when you choke on a bone at the banquet.

Trong khi cụm từ spit-roast kid nghĩa “quay nướng dê” rất hợp lý. Ý nghĩa câu 1, câu 3, câu 11, câu 14, cho thấy hình ảnh một nhóm người tụ tập trò chuyện, đốt lửa nướng dê, ăn uống, kể truyện về dê và giữa buổi ăn nhậu có người bị mắc xương. Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy hoàn toàn có lý. Trong khi Ngu Yên dịch nghĩa “quay nướng trẻ em” như một tượng trưng cho việc dạy dỗ con trẻ. Không ăn ý với toàn bài.

Phải chăng tác giả có ý định chơi chữ, sử dụng từ kid trong hai nghĩa, để tạo ý tứ thơ nhiều lớp và đa dạng?

Thông thường một bài thơ được giới thưởng ngoạn có trình độ thưởng thức, có chiều sâu cưu mang nhiều lớp nghĩa và nhiều cách hiểu. Phân tích theo Ký Hiệu Học (Semiotics), mặt ngoài của ngôn ngữ mô tả một buổi họp mặt ăn dê nướng. Họ bàn luận kể lể nhiều chuyện khác nhau. Có người bàn về nghệ thuật. Có người kể cổ tích. Có người nói về đời sống bận rộn. Có người đói bụng, chờ không nổi, lớn tiếng hỏi chừng nào mới ăn tối? Đó là bài thơ đại diện ( signified). Còn bài thơ được đại diện (signifier) như thế nào?

Phân tích tứ đại diện trong bài thơ, cậu bé là nhân vật chính, sự kiện cậu hóa dê rồi trở lại thành người chuyên chở một ngụ ý răn đời. Biểu trưng thái độ nhân ái và hành vi đối xử với người khác. Nếu việc “quay nướng trẻ em” là một “signified” về giáo huấn con nít qua những ngụ ngôn, cổ tích, để khi lớn khôn, một hôm nào đó, thức tỉnh, hiểu thấu ý nghĩa muốn tự cứu mình phải cứu lấy người. Phải chăng đây là cách diễn giải khác, một “signifier” trong ngụ ý chơi chữ kid của tác giả? Có điều, đối với người Việt, hình ảnh quay nướng trẻ con không phù hợp với tâm lý và văn hóa.

2- Đặc biệt, tôi yêu thích câu dịch đầy sáng tạo, ý nghĩa, và thú vị của Đinh Từ Bích Thúy: “Chúng ta tiếp tục trò chuyện và đào hố / rồi nhổ nước bọt (spit), chế diễu (roast – động từ lóng), và nói phét (kid – động từ lóng– nói giỡn, nói phét). Ý tưởng dịch này đưa người dịch ra khỏi môn phái dịch truyền thống, bước vào lãnh vực dịch chú trọng khả năng diễn giải của dịch giả, không nhất thiết phải bám chặt bản gốc. Khuynh hướng dịch này xuất hiện như một phản đối khuynh hướng dịch sát nghĩa, sát ý, để bày tỏ, giải thích một cách sống động và thích thú. Câu dịch này khiến cuộc ăn nhậu vui đùa linh động hơn.

3- Bản dịch và bài viết của Đinh Từ Bích Thúy cho hiểu biết thêm một số khía cạnh của ngôn ngữ gốc, văn hóa Anh ngữ, nguồn sáng tác, với luận lý sắc bén và sở học vững vàng. Qua đó, tôi biết thêm nhà văn Nguyễn Huy Hoàng và cuộc triển lãm Yuliya Lanina tại CAMIBAart Gallery, Austin, Texas. (19 tháng Tám đến 10 tháng Mười, 2016.) Trình bày một số truyện cổ tích ngắn, chuyện dân gian qua những đồ vật nhỏ có máy móc, trong chủ đề Tales We Tell (Những Truyện Chúng Ta Kể Lại.) Bài thơ Whether the Goat is a Metaphor được sáng tác liên quan đến cuộc triển lãm. Tôi hoàn toàn không biết bối cảnh nguồn gốc này. Phải chăng là một thiếu sót?

Bài “Đằng Vương Các Tự”mà Vương Bột (649-676) sáng tác khi đến viếng thăm Đằng Vương Các, trở thành bài thơ bất hủ cho dù người đời sau không biết gì về Đằng Vương Cát. Bài “Hịch Tướng Sĩ” (Dụ chư tỳ tướng hịch văn) của Trần Hưng Đạo, không nhất thiết phải biết bối cảnh lịch sử, vẫn là một văn bản truyền tụng mãi đến nay. Theo quan điểm của Thuyết Cấu Trúc và Thuyết Giải Cấu Trúc, một văn bản văn chương tự nó đã hoàn tất ý nghĩa. “Không có gì ngoài văn bản,” là tuyên ngôn của Jacques Derrida. Phải chăng họ thiếu sót?

4- Con dê là ẩn dụ, nhưng ẩn dụ điều gì?

Con dê không thể là ẩn dụ cho đứa bé vì cả hai có chung một đại diện. Từ kid đại diện cho goat hoặc boy. Con dê có thể là ẩn dụ cho câu truyện cổ tích trong đó cậu bé là nhân vật chính. Nhưng nếu chỉ như vậy, bài thơ này tầm thường và có một tựa đề không chính xác. Chỉ có phần 1 và phần 2 thuộc về ẩn dụ truyện con dê. Phải chăng phần ba, phần chủ lực mang thông điệp của tác giả, lọt ra ngoài ẩn dụ?

Theo tôi, ẩn dụ này vượt qua ý nghĩa chung của truyện cổ tích nước Nga. Bản thân của truyện cổ tích là một ngụ ngôn (ẩn dụ). Sử dụng ngụ ý của truyện, tác giả xây dựng một ý nghĩa riêng cho bài thơ khi viết câu: “Nhờ cứu cô chị, cậu bé tự cứu mình.” Ẩn dụ này bao trùm con dê và cậu bé. Vượt qua lối chơi chữ kid, vượt qua ngụ ngôn con dê, vượt qua điển tích Shakespeare … để đáp xuống tứ thơ ẩn dụ cuối: người khách khó ngờ chính là kẻ thù mặc giáp sắt, ẩn thân vô hình, cứu ta đang bị hóc xương cổ giữa bàn tiệc. Một sự tình bất ngờ đưa đến kết thúc lạc quan. Sự tỉnh thức hoặc giác ngộ của một người giữa ranh giới thù và bạn để tốt đẹp hóa bản thân như cứu cô chị, cậu bé tự cứu mình. Tất cả con dê, cậu bé, diễn tiến câu truyện là ẩn dụ. Phải chăng con dê là ẩn dụ cho điều tác giả muốn truyền tải? Sự tỉnh thức, giác ngộ, hân hoan nhảy lộn nhào ba vòng con thú trở lại thành người? Hoặc đặt câu hỏi một cách khác: Phải chăng con dê là ẩn dụ cho bài thơ? Đinh Từ Bích Thúy trích dẫn lời của Ovid trong Metamorphoses:”tôi chủ ý diễn tả những hình thể được biến dạng thành những hiện thực mới.” Phải chăng “chủ ý diễn tả con dê được biến dạng thành bài thơ ngụ ý”?

5- Bản sắc của thơ là súc tích, ngắn gọn. Những bài thơ thành danh đều hoàn tất ý nghĩa trong văn bản và những gợi ý, điềm chỉ những ý nghĩa liên văn bản. Từ giữa thế kỷ 20, thơ bị xen lấn, pha trộn nhiều kỹ thuật, nhiều phương pháp ngoài nghệ thuật thơ truyền thống. Nếu sáng tác có phẩm chất cao, được xem là nghệ thuật thơ mới (xuất hiện nhiều trong thời Hậu Hiện Đại và phong trào thơ trong tinh thần Thời Đại Điện Tử.) Nếu không đạt hoặc dưới mắt nhìn của các nhà thơ truyền thống, các nhà thơ trung dung, thì nghệ thuật đó chỉ là thủ thuật, được gọi lóng là ảo thuật, ma thuật. Điển hình là phong trào thơ thế giới Stuckism do Billy Childish và Charles Thompson thành lập năm 1999 với tuyên ngôn phản đối những xảo thuật, ma ảo thuật, không thuộc về thi ca. Hiện nay họ mở rộng thành viên trong 240 nhóm và hiện diện trên 52 quốc gia.

Đối với quan điểm thực tế, ma ảo thuật trong thi ca bao gồm nhiều mánh lới, xảo kỹ khác nữa. Vì vậy, người thưởng ngoạn bình thường không thể biết đâu là nghệ thuật, đâu là ma ảo thuật. Mệnh đề hoàn tất: Separate art from life, we got nothing, rất đúng đắn. Tách lọc, tách rời, lấy ra nghệ thuật từ đời sống, con người không còn gì. Chỉ còn những vật chất bình thường, những tư tưởng khô khốc. Con người đạt đến vô thường thì ít, nhưng chắc chắn đa số không còn gì giải trí, không còn gì xoa dịu những vết thương tâm trí, không còn gì thăng hoa, tâm tư trống rỗng. Phải chăng nghệ thuật đóng một trong số vai trò chủ yếu, không thể thiếu trong đời sống? Và như vậy, nếu tách lọc, thanh lọc, tách rời ảo thuật khỏi đời sống, có thể nào gặp được nghệ thuật thật chăng? If we separate magic from life, / we get art, phải chăng đây là câu thơ kết tinh từ tư duy của tác giả về nghệ thuật giả tạo trong đời sống hôm nay?

Có lẽ Đinh Từ Bích Thúy có một suy nghĩ cao kỳ hơn khi dịch câu này: “Nếu chúng ta tách lọc nhiệm mầu từ đời sống / chúng ta đạt đến nghệ thuật.” Nếu là nhiệm mầu, thì cần thiết cho đời sống, sao lại tách lọc ra? Đạt đến nghệ thuật là cấp độ vô cùng khó. Người đạt đến nghệ thuật tương tựa như thầy tu đạt đến thiền. Không dễ mấy ai?

Nếu lấy hai câu thơ:

If we separate magic from life, we get art

Separate art from life, we get nothing.

Phải chăng đây là một trong vài ý nghĩa mà tác giả muốn chia sẻ? Phải chăng đây là bài thơ ngắn mang ý nghĩa sâu sắc trong bài “Có Phải Con Dê Là Ẩn Dụ”?

III- Nhận định và câu trả lời.

Nội dung bài viết của Đinh Từ Bích Thúy dường như nỗ lực giải mã những chi tiết trong bài thơ liên quan đến nghệ thuật và sáng tác, trong khi Ngu Yên nỗ lực diễn giải về ý nghĩa đời sống. Những câu giải thích của Đinh Từ Bích Thúy như: “vì bất cứ ai là nhà thơ thì chẳng cần gắn bó với câu chuyện”, hoặc “Trời ơi, làm sao, đến chừng nào, ta mới nuốt (hiểu) được bài thơ này?” Gợi ý tác giả chia sẻ ý nghĩ về thi ca. Đinh Từ Bích Thúy viết: “Cũng theo Jane Miller, “bất cứ ai mài miệt với nhịp điệu thì chẳng màng đến một câu chuyện/một ẩn dụ nhất định nào” (“since anyone working in a lively rhythm is not attached/to the story”). Mỗi một thử nghiệm nghệ thuật là một cách đặt lại câu hỏi để thay đổi tiền đề. Do đó, mọi vũ trụ, mọi câu chuyện, mọi ngữ cảnh, sẽ được biến đổi qua từng quá trình sáng tạo. […] Câu hỏi “Có phải con dê là ẩn dụ“ cũng là cách khảo sát từng từ vựng, cú pháp, trong quá trình sáng tạo, và trong cách đọc và diễn dịch một văn bản […[“ Con dê là ẩn dụ. Ẩn dụ là khảo sát từ vựng, cú pháp, trong quá trình sáng tạo và diễn dịch văn bản? Phải chăng liên tưởng từ ẩn dụ con dê đến cấu trúc sáng tác và phương pháp diễn giải văn bản có phần quá xa xôi, thiếu nối kết?

Trong nghệ thuật dịch thuật ngày nay, cá tính, quan niệm sống, mục đích dịch của dịch giả sẽ ảnh hưởng đến sự chọn lựa ngữ pháp, cú pháp, tứ ảnh, và ngôn từ khi dịch. Hoặc ý thức hoặc vô thức, sự ảnh hưởng tự nhiên sẽ dẫn đưa tư duy “kiến thị” những điều “không nói” trong văn bản, nhất là bài thơ chủ yếu là gợi ý và điềm chỉ. Kiến thức, kinh nghiệm, sở học sẽ gia tăng giá trị bản dịch. Sự việc mỗi dịch giả có thể nhìn thấy khác nhau, nhất là những ý nghĩa sau lưng ngôn ngữ, ý tứ tàng ẩn sau ẩn dụ và tượng trưng, là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Đinh Từ Bích Thúy giải mã bài thơ như một người quan tâm về văn học. Ngu Yên, như một người hướng về tư tưởng. Khác biệt chính là chỗ thú vị trong văn chương, tạo nên kết luận: Bản dịch, nhất là bản dịch thơ, của mỗi người dịch sẽ khác nhau, nếu phải diễn giải chiều sâu (signifier) của thơ. Đây là một trong vài trọng điểm của Thuyết Nhận Thức (Cognitivism) đang phát triển đầu thế kỷ 21 với khái niệm Siêu Nhận Thức (metacognition). (3)

Đối thoại văn học thuần túy đi từ trao đổi đến tranh cãi. Tuy nhiên, vẫn nằm trong phạm vi trung thực với văn học và tử tế với người văn chương. Những trao đổi mang lại nhiều hướng nhìn, nhiều mục diện, nhiều ý nghĩa khác nhau trong cùng một vấn đề. Mang đến lợi ích như cổ nhân đã nói, hai cái đầu hơn một cái đầu.

Đi vào kết luận, câu hỏi: Ai đúng ai sai? Cần được trả lời.

Ai đúng ai sai, chưa rõ, nhưng ai viết ai đọc đều phải dùng kiến thức. Kiến thức vừa là nền tảng vừa là gạch tường xây dựng cấu trúc sáng tác. Kiến thức tạo ra văn bản. Tuy vậy, kiến thức được tạo ra từ kinh nghiệm cá nhân và những điều này không bảo đảm gần gũi “sự thật”, nhưng một lúc nào đó, con người có thể biết được những sai lầm. Khi chia sẻ những kiến thức thông qua văn bản, Graham Badley đề nghị, “Chúng ta không thể diễn tả thực tế, thế giới, một cách chính xác. Chúng ta chỉ có thể trình bày những mô tả tự tạo và hy vọng những mô tả này xác thực và hữu ích.” (Badley, G. 2009. Academic Writing as Shaping and Re-shaping. Teaching in Higher Education, 14(2). Trang 210.) Về phần người đọc, Edward W. Taylor lập luận rằng, “Tất cả mọi người, trong bản năng, ai cũng có một động lực để tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày [mặc dù] bởi không có sự thật vĩnh viễn và sự thay đổi vẫn tiếp tục, chúng ta không thể luôn luôn bảo đảm những gì chúng ta đã biết hoặc tin tưởng.” (Transformational learning theory. New Directions for Adult and Continuing Education. Wiley Periodicals. Trang 5.) Nôm na, nghĩa là mỗi người đọc có thể hiểu khác nhau dù đọc cùng văn bản. Sự hiểu biết ngày nay có thể thay đổi trong nay mai.Tóm lại, kiến thức không hoàn toàn chính xác dẫn đến tri thức không chắc chắn, luôn luôn trong tình trạng khả thể sai lầm. Đáng tiếc, cho đến nay, con người chưa có thứ gì khác để thay thế kiến thức.

Phải dùng kiến thức trong bản sắc không chuẩn định, làm sao có thể xác quyết điều tư duy, viết xuống văn bản là hoàn toàn đúng? Làm sao dám khẳng định những điều thu nhận từ đọc văn bản gốc là không sai lầm? Trước khi dịch, người viết là người đọc.

Robert Frost: “Poetry is what gets lost in translation.” Nếu phẩm chất thơ bị thất lạc trong dịch thuật, thì làm sao dịch giả thơ dám tự tin “sự thực” trong lời dịch dù tận lực trung thành với tác giả và văn bản?

Lập luận trên đưa đến câu trả lời: Không có ai đúng ai sai, chỉ có sự đóng góp khai phá sẽ gia tăng những “bất ngờ”, “mới lạ”, “kỳ thú” cho tâm trí hưởng dụng một bài thơ. Chỉ một đôi mắt, dù có chiếu đèn pha, cũng chỉ thấy giới hạn trong bóng tối mịt mù của văn chương. Phải chăng chúng ta còn rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau?

Ngu Yên, Texas, 27 tháng 10 năm 2018.

_______________________________
Ghi:

(1)- https://hoanghannom.com/2018/08/20/whether-the-goat-is-a-metaphor/

(2) On Linguistic Aspects Of Translation. https://web.stanford.edu/~eckert/PDF/jakobson.pdf

(3) Cognitive Models of Writing: Writing Proficiency as a Complex Intergrated Skill. ETS, Deane, Paul, Nora Odendahl, Thomas Quinlan, Mary Fowles, Cyndi Welsh, Jennifer Bivens – Tatum. 2008. Princeton, NJ.

 

bài đã đăng của Ngu Yên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)