- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Vấn Nạn Đến Từ “Thơ Đến Từ Đâu”

 

Chủ nhật 18.09.2011, những tiệm sách cuối cùng của Borders đã đóng cửa và sẽ không bao giờ mở ra trở lại. Tin về sự phá sản của nhà sách lớn nhất nhì thế giới này đã được đề cập trong tiểu luận “Cách mạng eBook” của người viết đăng trên tạp chí Da Màu cách đây không lâu. Mẩu tin này giúp cho thấy vị trí hàng đầu của sách in cùng với các phương tiện phát tán cổ điển ngày càng bị đe dọa trầm trọng bởi cuộc cách mạng ebook.

Cũng trong tiểu luận “Cách mạng Ebook,” tác phẩm Thơ Đến Từ Đâu (TĐTĐ) của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng trong dạng bản in do nhà xuất bản Lao Động ấn/phát hành đã được người viết đề cập cùng với một số luận điểm quan trọng, đặc biệt là khả năng sửa sai các tác phẩm đã bị làm thành dị dạng bởi lưỡi kéo kiểm duyệt trước đây bằng cách cho ấn hành nguyên bản trong dạng ebook. Bởi vì bản in Thơ Đến Từ Đâu của nhà xuất bản Lao Động (phát hành tháng 10/2009), ngay cả ở cách đánh giá rộng rãi và công bằng nhất, nằm trong số “các tác phẩm đã bị làm thành dị dạng bởi lưỡi kéo kiểm duyệt,” việc in lại tác phẩm này trong dạng ebook là điều cần thiết để bạn đọc có cơ hội so sánh và tự rút ra những kết luận về tác hại của kiểm duyệt lên đời sống văn hóa của chính họ và của đất nước.

Thật ra, hầu hết các bài phỏng vấn trong Thơ Đến Từ Đâu đã được mạng talawas phổ biến khá lâu, đăng rải rác trong quãng thời gian bắt đầu từ tháng sáu 2006 cho đến tháng giêng 2008. Tuy nhiên, ngoại trừ tác giả Nguyễn Đức Tùng, các nhà thơ được phỏng vấn, và những người liên quan đến việc biên tập, in ấn, và phát hành sách, không có mấy ai biết một cách rõ ràng cái khoảng cách tệ hại giữa điều các nhà thơ muốn trình bày và điều được phép in ra trên giấy (nghĩa là những điều người đọc trong nước được phép đọc) hai năm sau đó. Một trong những phương pháp để đo lường cái khoảng cách này giúp bạn đọc là so sánh bản in của nhà xuất bản Lao Động với bản đã đăng tải trên talawas trước đây để phát hiện những câu, những chữ, những đoạn văn bị thay đổi hoặc loại bỏ. Đây là một công việc tỉ mỉ và tốn nhiều thì giờ, nhưng cần thiết cho việc phát hiện những tác hại sâu xa của hệ thống kiểm duyệt hiện hành.

Bảng liệt kê dưới đây trong khi có thể chứa đựng một tỷ lệ sai sót nhất định nào đó (± 2% chẳng hạn) về tổng số chữ của bài và số chữ bị cắt bỏ, những sai sót nhỏ này không đủ cân lượng làm thay đổi những nhận định mà bạn đọc có thể tự rút ra cho chính mình.

 

 

Tác giả

Tổng số chữ

Số chữ bị cắt

Tỷ lệ tổn thất

Nguyễn Thị Hoàng Bắc

9389

2407

25.6%

Hoàng Cầm

9494

0

0%

Nam Dao

12528

1577

12.6%

Trần Hữu Dũng

3909

0

0%

Lê Đạt

7314

1727

23.6%

Lý Đợi

12184

12184

100%

Luân Hoán

2718

125

4.5%

Trần Nghi Hoàng

13703

207

1.5%

Inrasara

3520

0

0%

Đỗ Kh.

5641

49

0.1%

Ngô Tự Lập

4633

0

0%

Nguyễn Thế Hoàng Linh

5708

0

0%

Khải Minh

15536

125

0.8%

Thận Nhiên

4579

410

8.9%

Đỗ Quyên

13799

360

2.6%

Lê Vĩnh Tài

8100

0

0%

Nguyễn Trọng Tạo

12615

231

1.8%

Thanh Thảo

4009

0

0%

Nguyễn Đăng Thường

10599

4212

39.7%

Dương Tường

7911

1166

14.7%

Nguyễn Viện

3679

345

9.3%

Thanh Thảo, Nguyễn Thuỵ Kha, Trần Mạnh Hảo, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng

19388

1486

7.6%

* Xin xem phần phụ lục ở cuối bài về chi tiết một số bài bị kiểm duyệt

 

Xuyên qua việc… đếm chữ này, người viết nhận ra một vài điều lý thú và nghĩ rằng bạn đọc cần lưu ý khi diễn dịch các dữ kiện ở trên:

Với phần trình bày ở trên, người viết sẽ cố gắng không lập lại những điều đã nói đến khá tường tận trong “Cách mạng Ebook” liên quan đến ước muốn chia sẻ tâm huyết của tác giả hải ngoại đến bạn đọc trong nước và cái giá mà họ phải trả để có được khả năng này. Ở đây, người viết chỉ muốn sử dụng những phát hiện và đối chiếu những dữ kiện có thể kiểm chứng được chung quanh bản in Thơ Đến Từ Đâu của nhà xuất bản Lao Động để đưa ra một vấn nạn quan trọng dựa trên quan sát của mình.

*

Điều mà bạn đọc dễ dàng nhận ra trong bản liệt kê những số liệu về sự khác biệt giữa văn kiện nguyên thủy (ấn hành bởi talawas) và bản in của nhà xuất bản Lao Động là tất cả bài của tác giả hải ngoại đều bị cắt xén không nhiều thì ít trong khi của tác giả trong nước thì hầu như được giữ trọn vẹn. Nguyên nhân chính của hiện tượng khá đồng bộ kể trên đến từ đâu? Đã có không ít người đề cập đến hiện tượng này trước đây, và trong số đó, tôi thích nhất quan sát của sử gia Tạ Chí Đại Trường khi ông nói về mình và người trong “Đôi lời phân trần của tác giả nhân lần xuất bản thứ hai của ‘Thần, Người, và Đất Việt’.”

Chẳng ai viết một quyển sách mà có can đảm tự nhận mình đã làm một công việc hoàn hảo. Và khi nói ra những thiếu sót thì cũng không thể bị coi là để phân trần, bào chữa. Công việc của chúng tôi ở đây cũng vậy. Ai cũng biết, và bây giờ vẫn có thể hình dung lại được tình hình ở Miền Nam sau 1975 về cuộc sống vật vờ cơm áo, hoảng loạn tinh thần của một lớp người giữa tiếng ồn ào la hét, mắng mỏ chửi bới của một lớp người khác. Trong tình trạng đó thì thường tình là im lặng né tránh nếu có thể được, đừng nói đến chuyện mầy mò nghiên cứu! Tuy nhiên im lặng né tránh lại làm phát hiện một chốn riêng tư không quyền lực nào có thể chen vào xoi mói được, nhất là đối với những người may mắn không phải đắm chìm lâu năm trong sự khủng bố của quyền lực để biến cái sợ trở thành tự giác, sợ hãi cả vào lúc không còn cái gì để mà sợ – không phải, không dám phát sinh ra hung dữ phản kháng mà êm êm lịm dần, lịm dần, hành xử theo phản ứng chính trị đã được khuôn nắn tận trong tì vết tâm hồn.(Phần chữ nghiêng do người viết thêm vào).

Hành xử theo phản ứng chính trị đã được khuôn nắn tận trong tì vết tâm hồn theo tôi hoàn toàn đáng tin!

Sẽ có người phản đối nhận xét này, một vài người bạn trẻ của tôi trong giới sáng tác văn học trong nước chẳng hạn. “Văn Học Dấn Thân Hôm Nay” của Nhã Thuyên trên Da Màu gần đây chứng tỏ giới cầm bút trong nước, đặc biệt là giới trẻ, có khả năng suy nghĩ và hành động độc lập với ước muốn của nhà cầm quyền. Hoặc chí ít, có vẻ là như thế. Tôi cho rằng hầu hết trong số họ (giới làm văn nghệ trong nước) tin rằng mình có “khả năng suy nghĩ và hành động độc lập” cách này hay cách khác, tuy nhiên khó có thể nói là tất cả các hành động có vẻ độc lập này đến từ ý thức về quyền hiến định của một công dân và đặc biệt, cái dũng khí cần phải có để minh định và hành xử quyền hạn công dân này. Có nhiều khả năng là một số những hành xử mang dáng dấp độc lập thật ra đến từ ý thức về những giới hạn áp đặt, đặc biệt về mặt chính trị, lên môi trường sinh hoạt và những hiểm nghèo chờ chực bên ngoài ranh giới những giới hạn này. Nếu người viết có thể lùa những đề tài “taboo” chính trị vào một góc tối và không đếm xỉa đến, họ vẫn còn một khoảng không gian khá rộng để tư duy, để phát biểu, và để viết xuống một cách thoải mái, và độc lập. Như Tạ Chí Đại Trường đã phát biểu, im lặng né tránh lại làm phát hiện một chốn riêng tư không quyền lực nào có thể chen vào xoi mói được!

Tôi muốn nêu ra một điều có thể kiểm chứng được: Trong cao trào chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt nam vừa qua, số lượng những người thuộc giới cầm bút công khai “hành xử một cách độc lập với ước muốn của nhà cầm quyền” vô cùng nhỏ so với những người giữ im lặng, và phần lớn những người dám lên tiếng thuộc về giới làm văn học ngoài luồng. Tất nhiên sẽ bị xem là ấu trĩ sử dụng chỉ mỗi một sự kiện này để gợi ý là đa số người thuộc giới cầm bút trong nước tránh né việc phải đi ngược lại với ước muốn của nhà cầm quyền. Hơn nữa, sẽ bị xem là một xúc phạm nếu có ai đó cho rằng đa số thuộc giới cầm bút đã không có khả năng hành xử một cách độc lập. Trong cùng một lúc, điều gì đã khiến đại đa số người cầm bút vắng mặt ở những cuộc biểu tình (trên đường phố, trên các tụ điểm xã hội liên mạng, hoặc trên giấy trắng mực đen) bày tỏ lòng yêu nước này? Vì họ không tin Trung quốc thực sự xâm lăng biển đảo Việt nam? Hoặc vì họ không yêu nước? Tôi tin rằng lý do về sự khiếm diện của họ hoàn toàn không phải là hai điều nêu trên!

Điều Tạ Chí Đại Trường đề cập, phản ứng chính trị đã được khuôn nắn tận trong tì vết tâm hồn, thường khi xuất hiện/được phát hiện dưới một hình thức “ngụy trang” mang tính văn chương/văn hóa thâm thúy nào đó. Một cách đáng chú ý, những “ngụy trang” này, hậu quả của những phản ứng chính trị được khuôn nắn, về lâu về dài sẽ trở thành vô cùng quen thuộc, vô cùng tự nhiên đến độ được tự thân tác giả chấp nhận như là một phần của tư duy độc lập của cá nhân họ. Cái vấn nạn đến từ Thơ Đến Từ Đâu chính là câu hỏi: Tự kiểm duyệt có phải là một phần không thể tách rời của sinh hoạt văn học trong nước?

*

Trở lại với Thơ Đến Từ Đâu, tôi e rằng, một cách ý thức hay không, các nhà thơ trong nước đã tự động thực hiện chức năng kiểm duyệt chính trị lên chính phần trả lời phỏng vấn của mình. Điều này cũng đúng với những người chịu trách nhiệm các khâu xuất bản, đặc biệt khâu biên tập của nhà xuất bản Lao Động, mà hai nhân vật chính là Đà Linh và Tạ Duy Anh. Để có được giấy phép xuất bản Thơ Đến Từ Đâu, khâu biên tập của nhà xuất bản Lao Động đã phải thay mặt một số các nhà thơ Hải ngoại và ngoài luồng thực hiện công việc “tự kiểm duyệt” bài trả lời phỏng vấn của họ, một cách xuất sắc. Sử dụng kinh nghiệm từ những lần thực hiện phần vụ “biên tập” lên chính tác phẩm của mình trong quá khứ, ban biên tập có thể dễ dàng xác định/phát hiện được những gọt dũa cần thiết để bài viết của các nhà thơ góp mặt trong tập Thơ Đến Từ Đâu có thể lọt qua hàng rào kiểm duyệt của nhà nước. Tuy vậy, những nỗ lực của họ đã không thay đổi được số phận của ít nhất một tác phẩm, bài trả lời phỏng vấn của Lý Đợi. Đây là một điều chua chát nhưng không làm ai ngạc nhiên bởi vì mọi nỗ lực tự kiểm duyệt đều không đủ để thỏa mãn/làm hài lòng nhà cầm quyền.

Quan sát trên đây của tôi hoàn toàn không mang tính chỉ trich, đặc biệt với cá nhân quý vị Đà Linh và Tạ Duy Anh. Trái lại, tôi cho rằng họ đã có những nỗ lực không thể chối cãi trong quá trình đưa tập phỏng vấn Thơ Đến Từ Đâu đến với độc giả trong nước. Tôi tin họ, cùng với tác giả Nguyễn Đức Tùng, mong muốn cho ra đời một tác phẩm trong đó những người góp mặt không chỉ đến từ một phía của biên giới, văn học hay/và chính kiến. Tôi tin họ đã phải đối diện và đã vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện ước muốn này nhờ vào nhiệt tâm của mình. Tôi cũng tin rằng họ đã xem Thơ Đến Từ Đâu như là viên gạch đầu tiên cho một lối đi quang đãng hơn của tương lai văn học nước nhà. Và tôi xin ngả nón trước họ vì tất cả những điều trên.

Trong cùng một lúc, với nỗi muộn phiền, tôi cho rằng nỗ lực của họ và những nỗ lực tương tự sẽ không mang đến những hiệu quả tích cực trong mục tiêu mang tiếng nói trung thực của người viết đến với bạn đọc trong ngoài nước, ít nhất trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Tất cả những nỗ lực trong việc đưa Thơ Đến Từ Đâu đến với bạn đọc đều bắt đầu với không chỉ việc nhìn nhận có một hệ thống kiểm duyệt tư tưởng mà còn cả việc chấp nhận tính hợp hiến và tuân thủ những quy định thành văn và bất thành văn của hệ thống kiểm duyệt này! Đây chính là bi kịch của Thơ Đến Từ Đâu trong dạng bản in do nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Và bi kịch này dẫn đến một bi kịch khác: Cho người đọc lý do để hoài nghi mục tiêu thuần văn học của Thơ Đến Từ Đâu và cơ sở để chỉ trích sự “hợp tác” của các nhà thơ Hải ngoại có mặt trong tập phỏng vấn này.

Không thể đến gần với nhau nếu không bắt đầu với nỗ lực phá bỏ những rào cản. Và hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền trong nước là rào cản lớn nhất!

*

Có cách nào khác hơn là phải luồn lách và chấp nhận những trầy trụa phẩm cách trong quá trình “thông qua” hệ thống kiểm duyệt để đứa con tinh thần của mình có thể đến với bạn đọc trong nước (và một cách lý tưởng, với diện mạo trung thực của nó)? Điều này tất nhiên là không dễ dàng bởi vì chính sách kiểm duyệt văn hóa tiếp tục tồn tại và được củng cố bởi một thế lực võ trang tận răng với súng ống và với công an, văn hóa hay không. Trong một tình thế như vậy, “phá bỏ rào cản” theo nghĩa phải triệt tiêu chế độ kiểm duyệt là điều nằm ngoài tầm tay của giới làm văn học trong nước, và sẽ không công bằng để gán cho họ sứ mạng này. Cũng may mà câu hỏi ở trên có thể được đặt ra một cách khác đi: Có cách nào để vô hiệu hóa hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền hay không? Tôi cho rằng có, và xin đề nghị một vài giải pháp trong dạng giản lược nhất của chúng như dưới đây:

1. Tự xuất bản trong dạng sách in, như nhóm Giấy Vụn đã và đang thực hiện.

Ưu điểm:

Khuyết điểm:

Điều kiện ắt có và đủ cho việc ấn hành:

2. Tự xuất bản trong dạng ebook, như nhóm Kệ Sách eBook đã và đang thực hiện.

Ưu điểm:

Khuyết điểm:

Điều kiện ắt có và đủ cho việc ấn hành:

3. Kết hợp giải pháp 1 và 2 nêu trên.

Các đề nghị ở trên đòi hỏi dũng khí của các tác giả trong nước bởi vì cái khả năng bị quấy rầy (hoặc tệ hại hơn quấy rầy) bởi các cơ quan quyền lực của nhà nước là điều có thật. Một người ở Hải ngoại, không trực tiếp nằm trong tầm ảnh hưởng của quyền lực nhà nước mà đòi hỏi điều này ở người khác thì không khỏi có chỗ lố bịch. Cũng may đã có Giấy Vụn và các cơ sở xuất bản tương tự làm điểm qui chiếu cho yêu cầu này.

*

Trong “Cách mạng Ebook,” tôi cho rằng khả năng “sửa sai các tác phẩm đã bị làm thành dị dạng bởi lưỡi kéo kiểm duyệt” là một trong những ưu thế quan trọng nhất của ebook, đặc biệt đối với nạn nhân của bất kỳ hệ thống kiểm duyệt tư tưởng nào. Bản in Thơ Đến Từ Đâu của nhà xuất bản Lao Động nằm trong danh sách các nạn nhân này. Bằng cách cho ra đời ấn bản đặc biệt (không bị kiểm duyệt) của Thơ Đến Từ Đâu với nội dung các bài viết đến thẳng từ tư duy và ngôn ngữ của các nhà thơ góp mặt trong tập phỏng vấn, tác giả Nguyễn Đức Tùng và ban điều hành Kệ Sách eBook đã đi những bước đầu tiên trong việc hồi phục diện mạo chân thực của những tác phẩm bị làm biến dạng bởi hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền trong nước.

Cùng với bài viết này, ấn bản đặc biệt Thơ Đến Từ Đâu trong những định dạng ebook phổ cập nhất, kể cả dạng PDF, đã được ấn hành bởi mạng Kệ Sách eBook và phát hành bởi Trung tâm phát hành ebook quốc tế Smashwords.com. Xin hãy tìm đọc và rút ra nhận xét cho chính mình về những tác hại của kiểm duyệt lên đời sống văn hóa của đất nước và của chính mình.

PN
12.2011

 

Phụ Lục: Một vài hình ảnh về khuynh hướng “biên tập” Thơ Đến Từ Đâu để thông qua mạng lưới kiểm duyệt nhà nước. Những đoạn bôi vàng bị lấy ra khỏi bản in do nhà xuất bản Lao Động ấn hành.

 

 

 

 

 

 

 

 

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Vấn Nạn Đến Từ “Thơ Đến Từ Đâu”"

#1 Comment By Nguyễn Hoàng On 27/12/2011 @ 4:47 pm

Trong câu sau đây:

“Điều này tất nhiên là không dễ dàng bởi vì chính sách kiểm duyệt văn hóa tiếp tục tồn tại và được củng cố bởi một thế lực võ trang tận răng với súng ống và với công an, văn hóa hay không.”

Một chỗ chưa tỏ :

“văn hóa hay không” trong nghĩa

“có văn hóa hay không có văn hóa”, hay

“áp dụng cho văn hóa hay không áp dụng cho văn hóa”, hay

“công an văn hóa hay công an các phạm trù khác(ví dụ : công an khu vực)?

Giả định dấu phẩy giữa công an và văn hóa là đúng ý tác giả và biên tập

Một bài viết cân phân cho sự vụ (còn dài ngày)

Nguyễn Hoàng