- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Hoài niệm trên cao

 

 

Tặng một người chị: nhà thơ Ý Nhi

 

Chị làm việc ở một thư viện, mà có người nói, chỉ để giết thì giờ. Nhưng tôi cho rằng chị làm việc ở đấy lại hay, chị không phải loại người cần giết thì giờ. Đầu của chị không rỗng như rất nhiều cái đầu xinh đẹp khác.

Đấy là một thư viện không lớn, nhưng nơi làm việc của chị rộng mênh mông, trên lầu hai của tòa nhà; một cái bàn dài rộng và rất nhiều cái ghế có tựa lưng xếp chung quanh, đủ chỗ cho cả cơ quan làm việc. Nhưng mình chị làm việc ở đây, một công việc thư nhàn, nói chính xác, thu gọn có hai, ba ngày trong tháng. Công việc của chị, theo tôi biết, là ghi nhan đề, thể loại, số hiệu của những quyển sách trên những tấm “fiche”, để trong các hộc nhỏ của cái tủ thư mục.

Tôi tới thư viện tìm cuốn báo cũ, gặp chị ở chân cầu thang; một gương mặt quen, tôi đã gặp vài lần ở đâu đó, lần này tôi ngạc nhiên nhận ra chị rất giống nữ danh ca X, vừa hát hay vừa đẹp nổi tiếng một thời.

Tôi làm quen:

– Chị là em ruột nữ danh ca X?

Chị không cười, nhưng không tỏ vẻ khó chịu.

– Không phải mình anh đã nhận lầm như vậy.

Giọng nói êm nhẹ, bình thản, của một người độ lượng đáp lại lời xin lỗi của kẻ vô ý xúc phạm mình.

– Chị và nữ danh ca X giống nhau như đúc… mà lại khác nhau lắm.

Vừa đi, song song trên những bậc cấp rộng rãi, chị quay sang nhìn tôi, chờ xem tôi muốn nói gì.

– Đại để là… hai người rất giống nhau… nhưng nữ danh ca X thì rộn ràng… chị ở đối cực… ở độ trầm… như tiếng đàn violoncelle.

Chị không nhìn tôi nữa, tiếp tục đi lên. Tôi vẫn bước song song với chị, không dừng lại ở lầu một để tìm cuốn báo cũ.

– Chị làm việc ở đây?

Chị gật đầu.

– Trên lầu hai?

Chị gật đầu lần nữa, và mỉm cười:

– Anh tiếp tục đi lên, có biến tôi thành tiếng đàn gì nữa không?

Tôi tự cho rằng đã quen chị.

Tôi thường tới thăm chị, đi một mình, thảng hoặc cùng Đăng, người đồng hành với tôi trên những nẻo đường quạnh hiu của văn nghệ. Chúng tôi đi trên những bậc cấp, lên mãi lên mãi tới lầu một; rồi lại đi tiếp những bậc cấp lên mãi lên mãi như vậy để tới lầu hai, gặp người phụ nữ tuyệt vời ở trên cao.

Thường ngày hiếm khi chị được ở đây một mình, như cơ quan đã dành cho chị vô số thì giờ để đọc sách, thêu thùa trên một cái áo, chơi giỡn với đứa cháu gái thỉnh thoảng chị dẫn theo. Cô bé kháu khỉnh chừng ba, bốn tuổi, nói chưa sõi. Lúc nào tôi tới cũng gặp bạn bè gì đó của chị, ngồi ở đây hằng giờ, chắc vì chị giống-như-đúc-nữ-danh-ca-X, vì chị trí thức vui vẻ tốt bụng, và vì những gì nữa thì chỉ chính họ mới hiểu.

Có lần tôi gặp ông Toản mà chị mới quen, từng làm việc chung với tôi ở Trung tâm Viễn thông Sài Gòn, được mọi người trọng vọng vì ông Toản là người buôn bán tranh có thanh thế; dĩ nhiên người ta gọi ông là nhà sưu tập tranh, như một Théo, người em của danh họa Vincent Van Gogh. Hồi làm chung, tôi cũng không có dịp nào để thân thiết với ông Toản, ông vốn lãnh đạm với các đồng sự. Tôi không hiểu sao ông chịu giam mình, ít nhất là vài giờ mỗi ngày, trong công việc mà ông chẳng hề yêu thích ở Trung tâm Viễn thông, cho tới ngày nghỉ hưu. Chẳng lẽ chỉ vì các cô gái đồng sự xinh xắn, thường trao gửi những bó hoa tươi đẹp cho nhà sưu tập tranh, như thể trao gửi những bức tranh tĩnh vật sống động.

Về sau, tôi chọn những buổi chiều tới thăm chị. Buổi chiều chỉ có mình chị trong căn phòng rộng mênh mông và đầy gió, thỉnh thoảng thêm đứa cháu gái, cô bé thì chỉ thích những trò chơi một mình. Tôi mặc sức nói hoặc im lặng, và chị thường lắng nghe hoặc nói gì đó, tuyệt nhiên không phải là những lời trao đổi xã giao ước lệ nhạt nhẽo.

Tôi có thể ngồi xếp chân trên mặt ghế như tôi thường ngồi, có lần chị bảo: anh giống hệt một fakir Ấn Độ, với đầy đủ râu tóc. Còn tôi tưởng tượng mình là một thuật sĩ tu luyện theo huyền thuật, đã nâng được thân thể lên cao trên những cành lá của hàng cổ thụ dưới phố, mà thỉnh thoảng những luồng gió mạnh vẫn thổi quét ngang khung cửa sổ của căn phòng.

Tôi có thể đi tới đi lui trong căn phòng để thỉnh thoảng dừng lại ở cửa sổ, ngó xuống đường phố, chẳng còn hoảng sợ các thứ xe cộ vô tâm và hung hãn, chúng chỉ giống như đồ chơi của trẻ nít. Tôi thấy những người ngồi như những đụn nến nguội tắt hay những gò mối ngoài đồng, những người di chuyển thì giống những gì kỳ cục nhập nhằng, hay giống những gì khác hẳn những con người mà tôi vẫn e dè ái ngại hoặc kính nể. Khi tôi nói về sở thích ở trên cao này, chị bảo đấy là trạng thái tâm lý của người điên, họ thích leo lên mái nhà… “Nhưng anh không phải là người điên, cũng không cao ngạo rởm, ưa đứng trên cao để ngó xuống đồng loại. Chỉ là vì anh thích cảm giác thanh thản.”

Tôi thầm nghĩ: mình từng là người điên chính hiệu mà chị không hề biết; tôi đã được điều trị hai năm trong Trại thần kinh tâm lý – Tổng Y Viện Cộng Hòa của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thuở trước.

*

Buổi chiều mưa, tôi rũ nước trên áo mưa ra phía ngoài cửa sổ, nói với chị rằng tôi vừa thấy ông Toản đi dọc hè phố, ông Toản có lên thăm chị không?

Chị lắc đầu:

– Nghe nói anh Toản có album chụp số tranh mới sưu tập đẹp lắm, anh xem chưa?

Tôi bảo chưa được xem, và nhận xét:

– Hẳn là phải đẹp mới thuyết phục được người mua tranh giá cao.

Chị ngó tôi, vẻ mặt hơi sững:

– Sao anh khinh bạc vậy? Giới họa sĩ ở Sài Gòn sống được là nhờ công sức của anh Toản đấy.

Im lặng một đỗi, chị lại nói:

– Anh cứ đứng trên cao mà ngó xuống, chẳng thấy rõ được gì.

– Tôi không đứng trên cao để nhìn việc này. Đứng ở đâu cũng thấy ông Toản với album ảnh chụp tranh thật đẹp.

Chị im lặng. Mưa ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng gió thổi tạt nước mưa đọng trên cành lá, rơi xuống nền gạch trong căn phòng. Cô bé đang nhảy lò cò.

– Coi chừng té đấy Mai!

Chẳng lẽ vì sợ cô bé trợt ngã mà chị lạnh lùng, một cơn giận đột ngột làm gương mặt chị sẫm xuống. Tôi hỏi chuyện này nọ vài câu. Chị miễn cưỡng trả lời. Tôi đành lấy một quyển sách có sẵn trên bàn mở ra. Trang chữ, những đám kiến bất động.

Cô bé tới bên hỏi tôi đọc gì. Tôi nói:

– Chú đọc lời Phật.

Nắm bàn tay nhỏ bé đấm vào lưng tôi, cô bé lại hỏi:

– Lời Hậc hả? Lời Hậc gì?

Bàn tay tôi hững hờ xoa đầu cô bé:

– Lời Phật dạy… đời là bể khổ.

Cô bé vừa chạy đi, vừa tiếp tục hỏi:

– Đời là bể cổ hả?

Cứ thế nhắc hoài đời là bể cổ, cô bé chạy vòng quanh cái bàn, đập tay vào từng cái ghế, như thể đánh thức chúng ra khỏi giấc im lìm đặc cứng. Đầu óc tôi tê dại, trôi trong cõi mịt mùng. Giống cơn say.

Chị ngồi bất động trong tư thế cúi đầu. Chợt chị nhìn lên tôi. Rồi chị nhìn về phía cửa sổ.

– Mưa tạnh rồi.

Tôi nghe chị lên tiếng, khô khan mà thúc giục như tiếng gõ cửa. Vừa vuột khỏi sức hút của cái ghế, tôi cất tiếng chào chị. Chị gật đầu ơ hờ, ánh mắt mờ nhạt. Tôi ngỡ đang chào từ giã một nữ tu, cánh cổng đan viện nhỏ hẹp và nặng nề vừa khép kín lại ngay trước mắt tôi.

Những buổi chiều của tôi chỉ còn là vẻ đẹp của hoài niệm xa xôi, tôi không tới gặp chị nữa, ở căn phòng trên lầu hai rất cao.

Thay vào những buổi chiều ấy, tôi trở lại một cao lâu trước đây tôi thường tới, của người Hoa trong Chợ Lớn, tức quận Năm – Sài Gòn, vào những buổi chiều, uống vài ly rượu, và ngắm nhìn đường phố phía dưới. Định mệnh đã sắp đặt cho tôi được nhìn thấy lại chị. Chị ngồi bên ông Toản, ở một cái bàn dưới tầng trệt.

Tôi bước lên lầu, gọi một ly rượu mạnh, nghe lại bản nhạc cũ. Nhưng nghe chưa hết bản nhạc, đầu óc tôi tê dại trôi trong cõi mịt mùng, hệt như buổi chiều mưa tôi tới thăm chị, trên căn phòng ở lầu hai rất cao.

bài đã đăng của Nguyễn Đạt