Trang chính » Chuyên Đề, Nhã Thuyên, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Người Bệnh Nằm Đó

0 bình luận ♦ 13.10.2008

Người bệnh nằm đó chắc đã 20 năm rồi, hoặc lâu hơn thế, hay là chưa đến thế, chắc khoảng 10 năm. Thời gian sống ai mà còn tính được nữa, họa may nhớ được thời gian chết mà thôi. Ngày sinh của mình cũng đâu chính xác, họa may là chính xác ngày giỗ. 20 năm mà chưa phát điên ư?

Người không bệnh trong nhà gồm bố, một giáo sư tiến sĩ đầu ngành chuyên nghiên cứu văn học nước ngoài, tất nhiên làm việc tại một trường đại học lớn và nghe nói giàu tính nhân văn, một đứa con gái gầy gầy, chừng 14 tuổi. Vị giáo sư năm nay chừng 50, vậy 14 năm trước ông 36 tuổi, ông lập gia đình rất muộn.

Như thế là mâu thuẫn với con số 20. 20 năm. Ông không biết đến nhà hàng, quán xá, gần như không tham dự các tiệc tùng của khoa sau mỗi đợt hội họp hay kỉ niệm ngày lễ. Ông vùi mình vào khoa học. Tự bản thân ông biết việc đó tuyệt đối vô nghĩa. Ông ám ảnh bởi triết học hiện sinh. Ông lăn lăn lên lên xuống xuống tảng đá tư tưởng và cuộc sống của mình trong nỗi mệt nhọc và cam chịu và kiên nhẫn hoặc như là vô cảm nhưng hoàn toàn không hư vô.

Ông cũng cười chứ? Hiếm lắm nhưng cũng có. Người bệnh vẫn nằm đấy mà, thỉnh thoảng lên cơn co giật rất sợ, và nhiều đêm mộng du, đi ngơ ngẩn trong nhà, tóc bà ông cắt ngắn đi rồi, đỡ sợ hơn.

Thế mà chịu được 20 năm ư? Ừ cũng không dám chắc là 20 năm. Nhưng có lẽ là nhờ im lặng đấy. Không ai nói gì cả, thật đấy. À, không, thỉnh thoảng đứa con cũng nói. Hai bố con nói. Rồi người bệnh cũng biết nói chứ. Nhưng ít lắm. Rất ít. Họ nhìn và nghĩ nhiều hơn. Hoặc họ chẳng nhìn gì cả. Như thế dễ sống hơn chứ? Giả sử bị mù thì có dễ sống hơn không? Còn tai. Tai thì chẳng dám tin đâu. Mắt còn chẳng dám tin nữa là….

Bao giờ ông cũng vào lớp đúng hồi chuông báo vào và nói tiếng cuối cùng khi chuông báo hết giờ, không chệch đi đâu được. Ông không bao giờ ghi bảng, không nhìn học trò khi giảng bài bao giờ cả, sinh viên thì cũng là người, người thì có gì đáng nhìn, ông yêu cây nên ông nhìn ra ngoài cửa sổ, đi đường cũng chỉ nhìn cây thôi không nhìn người, ông không đi một phương tiện nào ngoài đôi chân (đi xa hơn thì có xe buýt hoặc bây giờ thì các sinh viên sẽ thuê taxi mà), nhìn cây chắc là dễ chịu hơn.

và hạnh phúc.

Là khi lượm được

một giọt phượng đỏ tươi

mùa hè đi chơi bỏ lại.

Dè sẻn giọt mực thiên nhiên

như một người kĩ tính

Chấm

Chấm

Vẽ.

Giờ học của ông với người này là cả một nỗi khiếp sợ, sợ vì nặng nề, vì không có một câu chuyện riêng tư nào hay một câu nói ngoài lề nào cả, tất cả trọn vẹn là bài học. Cả lớp cũng im phăng phắc, chứ không rào rào nói chuyện, đòi nghỉ sớm, đòi hát giải lao tặng thầy, không ai ném thư cho ai, không dán giấy đằng sau áo bạn, không trân trân nhìn như trong giờ thầy giáo trẻ để trêu ngươi thách thức, không ngủ gục xuống bàn… Mà như thế thì khiếp lắm, chẳng có đến, thậm chí câu của tất cả các giảng viên bước vào lớp: Lớp này không có một anh chàng nào sao? Vào muộn thì được, đi cửa sau, nghỉ học cũng chẳng sao, không điểm danh bao giờ cả, không có chuyện nghỉ học mà bị cấm thi đâu, thế thật là tốt, giá thầy cô nào cũng thế, nhưng chẳng có chuyện ra sớm, tiết 6 cũng thế thôi, đừng mở lời xin, ông chẳng trả lời đâu, cứ giảng thôi. Với nhiều người khác thì lại là chờ đợi, hình như ông giảng rất sâu sắc, chẳng biết nữa. Ví dụ chuyện ông lão Xantiago của Heminway 84 tuổi mà còn đi đánh cá, chứ tuổi này ở Việt Nam nếu còn là họa may có ở bờ biển thôi. Thế là nói chuyện ngoài lề đấy chứ? Không, là bài giảng đấy. Ông không biết nói chuyện ngoài lề đâu, câu nào cũng là bài giảng đấy chứ. Đôi mắt ông khi ấy có hóm hỉnh lên một chút, một chút thôi, như mảnh thủy tinh bị vỡ trên đường ngày trời râm ấy, sẽ thấy sáng hơn một chút, chứ ngày nắng to thì lại khác. Họa hoằn lắm đôi khi ông cười, hàm răng có lẽ đã hút thuốc lào rất nhiều nên đen lam ram. À còn một vài người khác, như ai nhỉ, thì, mặc dù chúa hay nghỉ học nhưng bao giờ cũng đi học rất đầy đủ giờ của ông, ngồi bàn đầu, mà nơm nớp nhỡ ông hỏi, yên tâm đi, ông chỉ đặt câu hỏi nhưng không gọi ai trả lời đâu, các câu trả lời thì có gì hay, chúng lại phô phang một mớ kiến thức hỗn độn bát nháo ấy mà, đứa khá thì tỏ vẻ thông minh độc đáo hoặc đứa nào khá hơn thì chán chường không phát biểu bao giờ hết, ông thả các câu hỏi đấy ai thích và cần thì nhớ thôi. Ngồi bàn đầu rồi có học ngoan không, chả biết, nhưng lén quan sát ông, nhìn ông, thương à? Không, với người như ông có thương cũng chẳng đủ thẩm quyền thương, có phải ai mình cũng có quyền thương đâu, mà thương thì tầm phào lắm. Cảm động thì đúng hơn. Ông ăn mặc tồi tàn, trông thảm thảm mà ai cũng nhận ra là giáo sư đại học. Giáo sư đại học thì thường có 2 form ăn mặc mà, hoặc là chỉn chu bệ vệ lắm hoặc chả để ý đến ăn mặc, mà rồi ai để ý cho? Cảm động vì những cái vô hình. Vì một ý niệm mơ hồ nào về sự sống vừa mới thức dậy, vì vẻ đẹp của hi sinh mà bình tâm hi sinh, vì sự chịu đựng mà như không quan tâm đến đó có phải là chịu đựng, vì sự tự kỉ luật để tự do…

Người bệnh nằm đó. Không ai bàn tán gì hết về người bệnh, cũng không ai coi người bệnh là người đã bỏ đi, đã chết. Căn phòng tập thể chật chội, nhưng có một cửa sổ tự trổ ở phía sau, nếu có tiếng gõ cửa đột ngột, các khách, như sinh viên thường điện thoại hoặc gặp trên khoa, họa hoằn lắm mới được tiếp ở nhà mà đã hẹn gặp trước là chính xác đến từng phút, nếu có khách đột ngột thì có thể ngó qua cửa sổ đó xem có tiếp hay không, và cũng cần chờ 10 phút để chuyển người bệnh vào góc trong đã. Một cái giường di động được, hoặc những khi tỉnh, chỉ cần làm hiệu, làm hiệu thôi, nói thì vỡ ra mất, một cái gì đó, một nơi nào đó, chỉ im lặng mới có khả năng vãn hồi và sống sót, làm hiệu, người bệnh biết tự đứng lên, nụ cười xanh xám ngây dại, da tái bợt như giấy ngâm nước, người bệnh đi vào góc trong phòng, đằng sau giá sách cao, dài, nhiều sách tiếng Nga, tiếng Pháp, một ít sách tiếng Hungary, một vài cuốn tiếng Rumani nữa, người bệnh lại nằm ở một chiếc giường di động, hoặc ngồi đó, ngồi im thôi, không đi đâu cả, không ai phát hiện ra cả, chỉ trừ Im lặng. Của cây. Của một cánh lá ngoài cửa sổ. Một cái gì đó như là mây vừa ngang qua.

Nhà ngoài sách còn một cái tủ lạnh được trường tặng, một cái máy giặt khoa tặng, tất nhiên, các đồ đạc khác như giường tủ bàn uống nước góc học tập của con chỗ nấu nướng góc làm việc của bố, một cái bàn nhỏ, ở dưới lớp kính là máy vi tính, hình như mới sắp xếp lại, như thế gọn và đỡ bụi, ngày trước là để trên bàn… Ông làm khoa học ở đó, nghĩ ở đó, viết và biết mình vô nghĩa.

Sau những giờ lên lớp, trưa rất muộn thì về, đứa con gái gầy gầy đã cắm cơm, có hôm ông từ trường đi chợ luôn, chủ yếu mua thịt lợn, có hôm đi cùng đứa con, hai bố con có nhìn cây và cười, trông cảm động, mà không nên nói ra những cảm xúc này. Thường có một số sinh viên gặp không chào, không tránh được nữa thì mới chào. Kính trọng nhưng run, chào cũng run, nhỡ vỡ ra cái gì đó thì sao…

Người bệnh nằm đó. Cứ thế không biết bao nhiêu năm rồi. 20 năm, ít hơn, hay nhiều hơn. Ông chẳng có ý nghĩ nào về việc làm tình chắc đã chừng ấy năm. Hôn càng không. Hôn xa xỉ lắm. Nước bọt được trao đổi qua đó. Kundera đã viết đoạn nào đó về nước bọt. Tất nhiên ở tuổi ông chủ yếu nghiên cứu cổ đại, Phục Hưng, cổ điển và đến hết thế kỉ 19 thôi. Không, ẩn ức gì? Người ta có thể hiến thân cho cái gì đó chứ, cho sự cam chịu, chẳng hạn. Chứ không phải cho một cái gì mãi mãi thanh khiết như Chí tôn ca nói đâu. Điều ấy không thực và cũng vô nghĩa.

Hai hôm qua, ông chính thức có nhà mới. Sau 30 năm công tác, và đến, chắc tuổi 50, ông đã chuyển cơ bản và tính cả lần nhà này, ông chỉ tính là lần thứ 3: lần một, hồi ấy ai cũng khổ, một cái nhà tập thể cấp 4 tồi tàn, luôn đọng nước, những ngày bình yên nhất là ở đó, đằng trước nhà có một cây trứng cá, ông nhớ thế, đứa con đã được thụ thai ở đó. Lần hai là cái nhà tập thể sẽ chuyển này, cái nhà này hẹp nhưng rất tươm. Chỉ khổ người bệnh chuyển đi chuyển lại, mà ở tầng 3 nên sợ người bệnh không nằm mà đêm lại ra ngoài thì không an tâm, cho người bệnh và cho người khác nữa. Cây hoàng lan cao, chạm đến cửa sổ đằng sau, chứ thường các cửa kín mít.

Nhà mới có 5 phòng, theo mô hình nhà chung cư, bố trí 5 phòng, phòng bếp – phòng ăn, phòng của hai người, phòng làm việc thuộc một dãy ngang, phòng đứa con và kề là phòng khách nằm trên một dãy ngang song song, thứ tự các phòng này kể từ trong ra ngoài. Ngoài phòng khách hôm qua một sinh viên mang đến một bình hoa, đẹp lắm.

Nhà mới cũng chưa có gì nhiều để bày biện. Nhưng lần đầu tiên ông không ngần ngại khi mấy sinh viên ông hướng dẫn luận văn tốt nghiệp xin được đến thăm. Họ sẽ mang theo hoa quả, hoặc một món quà nào đó, ông biết thế, dù không hề quan tâm, những món quà của họ cũng nhiều khi cần thiết, chẳng hạn có lần ông được tặng một cái áo sơ mi. Quan trọng là bây giờ có thể mời họ vào nhà, ngồi ở phòng khách, có bình hoa, hình như tủ lạnh có một ít bánh kẹo. Ông cười phô hàm răng đen lam ram. Hiền hậu, thâm trầm, khắc khổ. Ông rất tự hào. Đó là kết quả hơn 30 năm cống hiến của ông, cho một thứ khoa học vô đích mà ông nghiêm khắc và cần mẫn và nhẫn nại làm việc, chưa bao giờ kêu than.

Người bệnh không phải chuyển đi đâu cả. Người bệnh đã có sẵn một phòng. Nhưng khóa cửa bên ngoài, chờ khách về mới mở ra. Căn phòng đó ông không giới thiệu với sinh viên đến thăm nhà. Chỉ có Im Lặng biết. Khóa cửa sợ người bệnh chẳng may co giật hoặc mộng du đi ra ngoài thì không an tâm cho người bệnh và cho những người khác.

Đứa con gái không bao giờ chào người lạ cả, nó chỉ mỉm cười với bố và cây. Mọi thứ với nó không quan trọng.

Ông vẫn hàng ngày lên lớp, nghiêm trang, cần mẫn, lạnh lùng, về nhà đi chợ, nấu cơm, mua chủ yếu là thịt lợn. Nhưng thỉnh thoảng ông có mỉm cười, hiền hậu, hay tự hào hay thâm thúy, hay giễu cợt khi nhìn căn nhà còn sơ sài đồ đạc. Người bệnh không phải nằm trên một cái giường di động nữa, không phải quay mặt vào giá sách hay ngồi một góc đóng rễ nhìn ra cửa đằng sau. Hình như là có một cái gì như mây vừa ngang qua. Cánh lá biết. Cây biết. Im lặng biết.

Ông đã ngoài năm mươi, có thể là sắp 60. Ông đã cần mẫn và nhẫn nại và im lặng đẩy phiến đá của tư tưởng mông lung và cuộc đời nặng nhọc không một lần kêu ca. Nó sắp đầu hàng ông chưa? Ông không biết nữa nhưng người ta vừa trao cho ông một cái giải thưởng là ngôi nhà khang trang này. Biết đâu lại có một cái giải thưởng nào khác nữa, nhưng mà việc của ông là cứ đẩy thôi.

18.06.07
Nhã Thuyên

bài đã đăng của Nhã Thuyên

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)