Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Văn Học Nghệ Thuật, Biên Khảo, Giới thiệu tác phẩm Email bài này

Những tiếng nói ngầm: Lời ngỏ

9 bình luận ♦ 18.10.2012

 

LTS: Lời Ngỏ của Nhã Thuyên xuất hiện trong tuyển tập Những tiếng nói ngầm (Underground Voices), bao gồm năm tiểu luận phê bình và video (tư liệu phỏng vấn). Da Màu sẽ lần lượt đăng những bài tiểu luận trong Những Tiếng Nói Ngầm trong tuần này và tuần sắp tới, kết thúc vào thứ Sáu, ngày 26 tháng 10, 2012)

 

Những tiểu luận phê bình trong tập sách này phản chiếu một phần quan sát của tôi vào một phiến cảnh thơ ca còn chưa sáng rõ, có thể xem là những tiếng nói ngầm trong bối cảnh văn chương Việt Nam Hậu Đổi Mới, chủ yếu dựa trên sự tiếp cận các chủ đề chính trị nổi bật và giá trị văn chương của các tác giả mà tôi đã quan tâm. Những hiện tượng văn chương chịu áp lực này đã gây nhiều tranh luận, đồng thời hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật và giới trí thức trong/ngoài nước, như biểu hiện của nỗ lực trên cả hai phương diện đổi mới nghệ thuật và đòi hỏi tự do ngôn luận, nhưng đến nay vẫn là khoảng trống của nghiên cứu. Từ sự tham dự của một người sáng tác, tôi muốn nhìn những hiện tượng này như một hướng vận động đáng kể của thơ – và rộng ra là văn chương, nghệ thuật − ở Việt Nam nhiều năm qua, tương tác với một bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị đang có nhiều biến động.

Như mọi nghiên cứu, tác giả của nó liên tục phải đặt ra những câu hỏi, đòi hỏi mình đưa ra được những khám phá, những gợi mở. Điều này thật thách thức và dường như quá tham vọng với tôi, vì sự phức tạp của chủ đề, của bối cảnh, vì sự mênh mông của văn chương, vì những kì vọng và thất vọng liên tục biến đổi của chính bản thân mình. Điều trước hết tôi hi vọng đã làm được, không phải là đưa ra một thống kê xã hội học về thơ ca trong danh sách các tác giả, tác phẩm, những phán đoán về giá trị văn bản, mà là một thái độ tham dự với đời sống văn chương bằng cách quan tâm tới những hiện diện vắng mặt. Sự tiếp xúc này với tôi thật sự có ý nghĩa: không chỉ với các vật liệu thực tế bằng việc đọc, tìm tư liệu, viết lách, làm phim, phỏng vấn, mà còn là những tiếp xúc vô hình trong thế giới tinh thần của những người cùng thời, những người có thể rất xa nhau và lại rất gần nhau.

Khả năng nối tiếp và gợi mở những trao đổi về thơ ca Việt Nam hẳn nhiên là điều tôi trông đợi. Sẽ là bất công với một nền văn học nếu những tác giả của mỗi giai đoạn văn chương không nỗ lực, cùng với những người đọc, ủng hộ những tiếng nói mới, những thái độ mới, và dường như là vô lý nếu các tác giả lại ngồi im lặng trong một ngôi nhà trùm kín bằng vải đen. Tôi muốn làm nổi lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế. Tôi đã nhìn đâu đó những nền văn học bé nhỏ đang cất tiếng nói, và tôi muốn nghe thấy tiếng nói của văn chương Việt Nam. Vậy thì điều nhỏ bé tôi có thể làm không phải chỉ là đưa ra một cái nhìn chủ quan về những tiếng nói khác biệt với những gì bạn đọc tiếng Việt quen nghe, quen biết, mà quá trình này không nằm ngoài nỗ lực trao đổi về sự tồn tại của những tiếng nói khác nhau trong văn chương.

Một câu hỏi lớn mà nhiều người viết, người đọc ở Việt Nam đã đặt ra: vì sao văn chương Việt Nam chậm phát triển và thiếu những tiếng nói đặc sắc? Tôi muốn nhìn một cách bình tĩnh hơn: có phải thật sự văn chương Việt Nam đang đóng cặn và thiếu những tiếng nói độc đáo, những vấn đề đáng quan tâm? Quả thật, những gì đang diễn ra dường như đem lại cảm giác bi quan nhiều hơn: những khoảng trống của nghiên cứu, dịch thuật lý thuyết và thực hành phê bình, những thành kiến văn chương thấy ở mọi nơi, những nghi ngờ và sự xa lạ của bạn đọc trước một số thể nghiệm bị dán nhãn “đồ lạ” “dè chừng có độc”, “cần kiểm nghiệm”, thiếu vắng các diễn đàn văn học, sức lấn át của thương mại, và có thể cả những bế tắc của người sáng tác, v.v. Người ta đã từng dự báo về một cuộc khủng hoảng để thay đổi, nhưng dường như điều đó diễn ra thật chậm, hoặc bị ách lại giữa chừng. Nhưng giữa những thất vọng, phải chăng sự bất an, hỗn loạn và dường như thiếu khuynh hướng của thơ Việt Nam hôm nay có thể lại là một mảnh đất sống động giàu tiềm năng?

Cái đang diễn ra không phải là một xác chết hóa thạch, và tôi hiểu, cần nhiều tỉnh táo và cẩn trọng để hiểu được những cơ thể sống. Ngập trong cái văn bản khổng lồ, bề bộn, phi lý thuyết và dường không tương thích thực sự với bất kì lý thuyết nào là không gian văn chương Việt Nam đương đại, một thứ văn bản đan dệt các văn bản thơ ca, xã hội, chính trị, văn hóa cùng những diễn ngôn siêu văn bản, tôi có thể sập bẫy vì sự hàm hồ, bồng bột của chính mình. Tuy nhiên, tôi ý thức rằng lựa chọn viết cũng là một lựa chọn thái độ sống. Để không ì trệ trong cái cỗi già, không bị cuốn dễ dàng theo cái thời thượng, tôi đang chọn lửng lơ ở giữa, cố gắng không đóng khuôn mình trong những khung diễn giải, những khung khổ quyền lực đã được thiết lập. Tôi đang ở giữa cái bên lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa những đứt gãy và kết nối, giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không đứng về phía sự trấn áp.

Một người viết tiếng Việt hẳn nhiên phải gắng gỏi rất nhiều để hiểu lại văn chương đất nước mình, hiểu mạch chảy nào đó nằm bên dưới sự trôi chảy của thời gian và các thế hệ thơ ca từ quá khứ tới hiện tại, và hi vọng đóng góp vào sự sáng tạo chung từ kinh nghiệm riêng biệt của mình. Điều tôi hi vọng phần nào là sẽ xóa đi một ít câu hỏi của bản thân đồng thời thêm vào một ít câu hỏi mới.

bài đã đăng của Nhã Thuyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

9 Bình luận

9 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)