Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Quan Điểm, Thơ & Thời Đại Email bài này

kí ức và người sáng tạo trẻ

0 bình luận ♦ 15.10.2011
nha-thuyen_thumb.jpg

 nha-thuyen

 
“Bài viết này tôi đã hoàn thành từ năm 2009, tự thấy mình nhiều bốc đồng, ít tri thức nên cứ để nằm đó và rồi bây giờ, tôi mang ra ‘nhai lại mình’. Những từ ‘kí ức’ ‘sáng tạo’ ‘trẻ’ cũng trở nên mơ hồ, bị đơn giản hóa theo nghĩa nào đó, nhưng tôi cũng mong là sẽ dọn dẹp được dần dần những thứ gạch vữa ngổn ngang trong con người mình. Và có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, cũng là một phần suy tư của tôi về cái gọi là sự tự ý thức của người viết trong thời đại mà mình sống. Bài viết này đăng lần đầu trên tạp chí Tia sáng, số 18, ra ngày 20/9/2011, tôi mong muốn được chia sẻ lại cùng bạn đọc Damau.” NT

 

Những cơn mưa xóa dấu chân đi, nhưng những giọt nước đọng, sự giãn nở và xô đẩy vô tận, sự biến dạng im lìm của cát hình thành những vết chân mới. Tôi nghĩ tới một hình dung cũ mòn, rằng văn học của một dân tộc, một quốc gia như một con đường, trên đó, các thế hệ văn chương như những kẻ du mục. Không ai muốn làm cây đứt rễ, vậy mà cái cảm giác tha hương trong cuộc hành trình thường cứ đeo bám người viết. Ngay khi đặt bàn chân non nớt lên mặt đường, người viết dường đã đi vào mù mịt: mình đang ở không gian nào, mình đang/sẽ thuộc về đâu, con đường này dẫn tới đâu, một ngõ cụt hay một mênh mông mời gọi. Kẻ liều lĩnh hay lạc quan lao đi trong hoang mang, kẻ nghi ngại suy tính bước bước lại dừng ngẫm nghĩ. Tôi tự hỏi, khi nghĩ về “truyền thống” và sự sáng tạo: các thể hệ nối tiếp nhau, người đã chết và người đang sống, có mối liên hệ bí mật nào, nếu không phải là mối liên hệ từ những linh hồn sống và thở qua từng trang sách còn lại? Cuộc đời của những trang sách thậm chí có thể giàu có hơn, bí ẩn hơn cuộc đời của những con người hữu thực.

Sẽ đơn giản biết bao nếu lịch sử là những lớp cắt gọn gàng, cái hết vai trò tự hủy và được thay mới hoàn toàn chứ không phải là những lớp đá trầm tích, là tình trạng cái mới luôn gối lên cái cũ, cái mới nhập nhoạng cái cũ. Mỗi con người – cá nhân, ở bất cứ xứ sở nào, đều có thể là một lát cắt u ẩn của thời đại, theo nghĩa nào đó, mỗi người sở hữu một gánh nặng kí ức. Người trẻ nào dám tự tin mình khỏe hơn, tiến bộ hơn? Tôi muốn hình dung người trẻ như những kẻ luôn cảm nhận được sức sống của mình khi tự lãnh nhận vị trí đi đầu, luôn thử thách với cái mới, và người ta già khi cố ăn bám quá khứ, cố trang hoàng cho cái đã chết. Trên tổng thể, già – trẻ xung đột từ a đến z, nhưng thật khó tính bằng tuổi tác trong nghệ thuật. Một người trẻ tuổi có thể chín sớm, hoặc sớm lão hóa, cũng vậy, một bậc cao niên vẫn cho trái xanh, hoặc lại rất trẻ. Thế hệ trẻ chúng tôi thường nhận nghe nỗi buồn chân thật của người đi trước về sự thiếu lý tưởng sống, khát vọng sống, cả trong đời sống lẫn trang viết, nỗi lo lắng về sự đứt rễ, không thông hiểu lịch sử, không giữ gìn bản sắc. Những người trẻ dường luôn sẵn sàng bắn ra các từ mạnh mẽ. Chôn quá khứ. Chối bỏ. Ra đi. Nổi loạn. Không quá khứ. Không ăn bóng thời qua. (Ý thơ Appolinare). Họ cần khẳng định bồng bột tiếng nói của mình. Họ ngao ngán những cái xoa đầu, những phán bảo. Họ lại đang ở tuổi cuồng nhiệt nhất. Họ muốn ích kỉ khư khư giữ lịch-sử-tôi, phủ nhận những thứ lịch sử đã lão hóa qua các bài học giáo khoa, các phán xét đạo đức đã hết sạch bí mật.

* * *

Trong văn chương sẵn sàng phóng túng cái tôi của một thế hệ mới, thế hệ sinh ra vào khoảng khởi điểm của Đổi mới, không có kí ức chiến tranh để suy tư, không hoàn toàn là kẻ chịu hậu quả, tôi vẫn thấy, cả trong tác phẩm của bản thân mình những ấm ách mặc cảm khó dứt của một xứ sở tổn thương sâu, ì trệ và nhiều ràng buộc, như thể không thể không (tự) mang trên vai khối kí ức nặng nhọc chung. Có một kí ức chung về dân tộc không, và đó là gì? Lịch sử không phải chỉ nằm ở những sự kiện lớn. Lịch sử chìm khuất trong từng câu nói, từng cái ngước nhìn, từng cuộc trò chuyện thường ngày. Lịch sử trong các pho sách ghi chép có đáng tin không hay chỉ là những huyền thoại đang vỡ dần mộng tưởng? Cái lịch sử-gần ám ảnh cả dân tộc là chiến tranh vẫn nhức nhối di chứng những mảng màu đen trắng, giao tranh ánh sáng và bóng tối. Nó vỡ ra thành trăm ngàn đầu đạn, kẻ bị đạn găm trúng tim, kẻ hút chặt vào tủy, kẻ xước da, kẻ chỉ biết tí ti chút hoảng sợ bởi gió bị xé tát qua mặt ran rát, hay những kẻ đi sau, chỉ còn nhặt được cái đầu đạn, cái vỏ rỗng, đôi khi buồn hay vô tình, sẵn hứng đem – nghịch – chơi. Câu hỏi “Viết về chiến tranh như thế nào” đã được đặt ra nhiều lần trong văn học Việt Nam ngay từ khi chiến tranh kết thúc với thế hệ những nhà văn – người lính như Nguyễn Minh Châu, rồi sau này với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Bảo Ninh, với thế hệ trẻ hơn nữa như Nguyễn Bình Phương. Và cái hình ảnh kẻ nghịch – chơi những vỏ lựu đạn làm tôi nghĩ tới loạt tranh sơn dầu vẽ những hài nhi trùm trong sắc đỏ với những motif huyền thoại của họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông gần đây hay những nhà văn, chẳng hạn Trần Vũ, đã đem lịch sử hay huyền thoại về lịch sử “viết lại”.

Lịch sử đã không chỉ là cảm hứng mà biến thành vật liệu cho những kiến giải mới, và nỗ lực giải thiêng, giải huyền thoại về lịch sử, bất chấp giới hạn và sẵn sàng thách thức những định chế trong diễn giải dường như là “quyền” của nghệ thuật, dù các nhà làm sử nào đó phải hô hoán về sự xuyên tạc. Diễn giải và liên tục phản tư các diễn giải về lịch sử là một tra vấn quan trọng của văn chương nghệ thuật đương đại và nó thiết yếu với từng cá nhân. Lịch sử không thể chơi mãi trò bịt mắt với người trẻ. Nghĩ rằng thế hệ đi trước độc quyền sở hữu quá khứ hay thế hệ hiện tại độc quyền sở hữu các bí mật mới chỉ là ảo tưởng. Ai lấy được lời từ các huyệt mộ vô danh?

* * *

Không chỉ kí ức sống, câu hỏi về kí ức sáng tạo, hay truyền thống nghệ thuật của dân tộc cũng trở nên thiết yếu khi xung đột các thế hệ vượt qua giai đoạn chối bỏ và phủ nhận cảm tính. Nó đẩy người viết tới hoài nghi, nỗi hoài nghi về chính sự tồn tại của cái gọi là truyền thống. Mối quan hoài về truyền thống, do đó không phải nằm ở nỗi lo lắng về việc đứt rễ mà nằm ở câu hỏi về chính sự tồn tại của nó, một câu hỏi khó khăn: cái gì là “truyền thống” văn chương Việt, là bản sắc để nhận diện văn chương Việt? Thật khó phủ nhận hay chối bỏ sức hấp dẫn rộng lớn và ý nghĩa của Truyện Kiều trong đời sống và văn học Việt Nam, trong sự rèn giũa thể loại lục bát từ ca dao tới Huy Cận, Bùi Giáng…, ngay cả khi lục bát đã mất vẻ thời thượng [hay là nó có bao giờ thời thượng?]. Nhưng, Truyện Kiều và lục bát có phải là “bản sắc văn học Việt”? Chỉ cần tính đến phát hiện của nhà phê bình Inrasara gần đây: lục bát không phải sản phẩm đặc thù của tiếng Việt mà còn có ở một số nước Đông Nam Á khác – dù đó chỉ là một cái “vỏ” hình thức.

Thật không dễ dàng có “tiếp xúc chung” với một truyền thống văn học nào đó, hay quan trọng hơn những nền tảng nhận thức chung về truyền thống là sự tiếp xúc một – mình với thế giới của các bậc tiền sinh. Ở góc nhìn cá nhân của một người viết, tôi muốn chống lại “truyền thống” văn chương phục vụ đạo, văn chương làm quan, văn chương diêm dúa trang trí cho một cái gì ngoài nó, văn chương tự tấn phong sứ mệnh…, tôi hiểu như là sản phẩm của sự biến thái quan niệm Nho gia còn để lại sức áp chế dai dẳng trong cách đọc, cách viết tới tận thiên niên kỉ mới, ví dụ không khó thấy là những tranh luận văn chương xuất phát từ sự bảo vệ “đạo đức” ồn ào và cao ngạo. Cái còn lại của thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm không phải là thứ văn chương “tải đạo” cứng nhắc phục vụ quân vương, mà là cái “đạo sống” rộng rãi hơn, u mặc hơn, dù theo truyền thống, nhà thơ cũng đồng thời là người làm quan: thơ thơm mát vườn Thiền Lý Trần, thơ thênh thênh gió trăng Nguyễn Trãi, thơ u hoài Thanh Quan, thơ ngạo ngược Xuân Hương, thơ bi phẫn Nguyễn Du, thơ nhạo cợt Tú Xương, thơ trầm u Nguyễn Khuyến, thơ ngông nghênh Tản Đà, thơ dan díu thiên hà tình ái, hành lạc Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ…

Một mùa Thơ Mới bội thu là cú va chạm dữ dội với một nền văn minh khác, để thơ lột xác trong tiếng nói dân tộc. Rồi đêm tối tăm Dạ Đài, Xuân Thu, thơ Sài Gòn dưới chế độ Cộng Hòa, thơ “sổ bụi” xã hội chủ nghĩa, thơ cuốc thuổng kháng Pháp, thơ xe tăng Trường Sơn chống Mĩ, thơ rộn rạo thân thể nữ giới sau Đổi Mới, thơ bùng khát cách tân người trẻ Bắc – Nam, thơ lăn lóc vỉa hè cống rãnh Sài Gòn đầu thiên niên kỉ… là bao nhiêu giai đoạn thơ khác nhau, kết quả đôi lần các thế hệ sau đòi chôn thế hệ trước hay là hệ quả của những cơn biến động lịch sử, những tiếp xúc văn hóa. Sau thời kì Đổi mới đầy háo hức và kì vọng về những cánh cửa mở ra với những tranh luận sống động về thơ kháng chiến, thơ cách tân, thơ trẻ lại đến những thất vọng “hậu đổi mới” với sự chia cách các luồng, các xu hướng và dường như không đối thoại. Ở ngoài Bắc, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm xuất hiện lại trong ánh sáng, nhưng cái dồi dào của một nguồn thơ Sáng Tạo, và bao nhà thơ khác chịu hệ lụy thời thế chưa được đối xử công bằng. Đó là món nợ của lịch sử văn học và người hôm nay với quá khứ, một món nợ dai dẳng và [vẫn] im tiếng. Tôi nhớ đến cái hăng hái của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền [thời tuổi trẻ], muốn xóa sạch cái quá khứ [nghệ thuật] không – quá – khứ khi đó để được “sáng tạo” lại. Có lẽ phải thêm: loại bỏ cái quá khứ không thật, cái quá khứ nhìn bởi những con mắt bị băng đen, cái quá khứ phiến diện của lịch sử và nghệ thuật và xây dựng lại, diễn giải lại về một quá khứ khác của văn chương Việt Nam, trọn vẹn hơn, sòng phẳng hơn. Liệu có nên lạc quan mãi rằng trong sự phân tách những dòng sống và sáng tạo quá khứ – hiện tại, chính thống, phi chính thống ở Việt Nam hiện nay, vẫn có hi vọng về một dòng chảy ngầm mạnh mẽ, có thể tìm một kích thích hướng thượng, một khát vọng nhập dòng, một lối khai thông? Những cái chìm dưới muốn lên. Những cái chưa mở lời muốn cất tiếng. Người ta thất vọng vì không có một cuộc cách mạng thơ/văn chương Việt của thời đại mới. Có lẽ, trong khi chờ một sự lột xác mới, cần công bằng với những giá trị/phi giá trị đã qua, để lần hồi tìm kiếm cái “căn tính” Việt?

“Kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu” (thơ Trần Dần) là một nhu cầu của những người muốn đi tiếp. Kiểm thảo kí ức. Của ngôn ngữ. Của văn hóa. Của lịch sử. Đó có thể là những đề tài quan trọng của văn chương, nghệ thuật hôm nay. Người trẻ không độc quyền tư hữu hiện tại. Người già không thủ hữu quá khứ. Nếu có một xã hội xã hội chủ nghĩa (cả đời sống và văn chương), thì đó chính là sự công hữu cả quá khứ – hiện tại theo nghĩa không ai bưng bít cái gì thuộc về đời sống chung chăng? Rút cục, không phải phủ nhận kí ức và cắt đứt truyền thống mới mong ngóc đầu sáng tạo, mà là nối tiếp cái gốc truyền thống nào và kí ức nào?

* * *

Thế rồi rốt cuộc, bao giờ cũng phải đối diện với ngày hôm nay. Cái ngày hôm nay không hoài niệm quá khứ, mà đi tiếp quá khứ, không cao vọng nói về vĩnh viễn, dù có thể đi tìm vĩnh viễn. Tôi không tin có đề tài vĩnh cửu của thơ ca, dù là tình yêu, sự sống, cái chết. Không có cái vĩnh cửu nào không thời đại. Tôi không thích ngắm vuốt những bi kịch sáng tạo âm thầm. Tôi thích sống bằng cái hôm nay. Cái hôm nay không phải chỉ có các chuyện của “chiến tranh” mà còn có các chuyện của hòa bình.

Sự cộng hưởng hôm nay khó hơn. Nhưng nỗ lực hi vọng bao giờ cũng hơn là tuyệt vọng.

Khi tham vọng sáng tạo cái mới chỉ dẫn đến tuyệt vọng, người ta có những cách làm mới “dễ” hơn: hoặc cấu trúc lại cái cũ, tìm cách diễn đạt mới về cái cũ, hoặc chống phá cái cũ, cái người đi trước/thế hệ trước đã làm. Bởi nhu cầu hay tham vọng xác lập sự khác biệt của mỗi thế hệ nên sự đứt-nối với truyền thống trở thành câu chuyện vượt ra ngoài cá nhân. Cách phủ nhận người trước của kẻ sau, tôi nghĩ, nên được xem là một ứng xử hợp quy luật, bởi lịch sử luôn luôn là cái đang – bị – đi – qua. Những di sản đỉnh cao cũng phải nhường chỗ cho những tìm tòi mới. Xung đột giữa các thế hệ sẽ kích thích sáng tạo nếu có một môi trường đủ dung nhận và dân chủ. Cuộc xung đột nảy lửa của Thơ Mới – Thơ Cũ không dẫn đến hủy diệt, mà cuối cùng, có lẽ, cao hơn sự hòa giải, lại là sự trở về với tinh thần phương Đông, mà khát vọng trở về với Đạo, với sự thuần khiết tuyệt đối của Xuân Thu Nhã Tập chính là một ý hướng táo bạo, mãnh liệt vượt qua giới hạn của Thơ Mới – dù nó phải nhận bi kịch đứt gánh giữa đường do các biến cố lịch sử cùng các ý hướng thay đổi khác.

Tôi nghĩ với người sáng tạo trẻ, kí ức không thể là con số không, cả kí ức đời sống và kí ức nghệ thuật của dân tộc đã mỗi lúc một dầy lên – nhưng quan trọng hơn là đào xới lại để tìm cái thật. Tôi muốn hiểu kí ức, nhưng không thành nô lệ của nó. Tôi muốn thấy rõ những chỗ mục ruỗng, nhưng không để nó ăn loang cả những vùng cơ múi khoẻ khoắn. Tôi muốn hình dung lại một đường đi của phương Đông – không phải Phương Đông chỉ của Hán phú, Đường thi, Tống từ, Minh Thanh tiểu thuyết… – mà là phương Đông của thì hiện tại, và cụ thể hơn, Việt Nam trong phương Đông của thì hiện tại, dù cái Việt Nam của phương Đông thì hiện tại ấy thật mơ hồ về bản sắc. Con đường đó ắt phải ôm nhận những thành quả nhân loại, nhưng cũng phải chống ôm chân cái thời thượng. Bởi, người trẻ hiện nay muốn sáng tạo, ngoài việc tìm để hiểu lại gia tài – kí ức Việt, không thể bịt tai quay mặt trước ngàn tiếng nói, vạn nẻo đường của thơ ca nghệ thuật nhân loại. Cuộc chạy đua với cái – bây – giờ ấy cũng khốc liệt không kém dò dẫm trầm tư về quá khứ.

 

Tháng 12.2009 – tháng 9/2011

 

 

 

.

bài đã đăng của Nhã Thuyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)