Câu hỏi dành cho tác giả:
Trả lời phỏng vấn:
Tôi bắt đầu truyện ngắn này từ một ám ảnh thời thơ ấu, hay có lẽ, mọi cái viết với tôi đều khởi đi từ kí ức. Tôi muốn đi trở lại vào đêm trăng hoang tưởng kì dị đó của mình, cùng với nó là nỗi day dứt về một không gian sống ngột ngạt, não trạng bệnh tật và tình trạng xuống cấp về tinh thần của đời sống cá nhân và đời sống chung, dẫn đến những trạng thái sống mệt mỏi, hoang tưởng, dằn vặt. Tôi muốn viết tác phẩm này như một sự phiêu dạt của cảm giác, muốn đẩy mình cao độ trong một chìm đắm.
Nhưng rất khó để nói rõ ràng, cụ thể và chính xác việc một tác phẩm ra đời và hoàn tất như thế nào. Tôi đã không thể viết một mạch, một lần, đeo ý tưởng và cảm xúc trong mình một cách nặng nhọc để theo đuổi một tưởng tượng, hư cấu một kí ức. Mọi nỗ lực lên ý tưởng ban đầu, phác họa không gian, nhân vật, tìm một cấu trúc, dẫn dắt tác phẩm, không gian, thời gian, sử dụng ngôi kể chuyện… đều dễ dàng biến thái và bị phá vỡ trong quá trình viết. Một cấu trúc sáng tạo không đến được với tôi và cuối cùng, tôi viết như một thúc đẩy: câu gọi câu, từ gọi từ. Có lúc tôi thất bại, muốn vứt bỏ, và chỉ cảm thấy được giải thoát phần nào khỏi bế tắc khi nhân vật Tôi phát hiện trong cuốn sách cũ dòng chữ của người cha: “Điều nói ra sẽ giết chết tất cả” và tôi quyết định lấy đó làm nhan đề truyện.
Dầu vậy, tôi không tạo dựng lại được linh hồn của đêm trăng ấy. Truyện ngắn này chỉ còn là một trút bỏ, hay một bài tập, cũng như một cách khơi lại kí ức mà đời sống hàng ngày đang phủ lấp nó để sau đó, may ra, có thể tìm được cho mình một cái nhìn riêng về hiện thực, một bút pháp mà mình theo đuổi chăng?
Trạng thái viết lý tưởng nhất với tôi là được rơi hoàn toàn vào một nơi xa lạ, một không gian tinh thần căng thẳng của cả cảm xúc và lý trí (chứ không nhất thiết là một địa điểm vật lý: tôi có thể viết ngay cả khi xung quanh ồn ào) để có thể hoàn thành từ đầu đến cuối một tác phẩm. Sau đó, tôi sẽ bỏ đó chừng một vài tuần sau, hay lâu hơn, tùy cảm hứng, đọc lại và sửa chữa. Giai đoạn sửa chữa này với tôi vừa hưng phấn vừa mệt nhọc, không có sự dào dạt ban đầu, nhưng có sự hưng phấn của lý tính tỉnh táo và nghiêm khắc, cái hưng phấn được gạch bỏ mình, được “giết” mình: tôi cố gắng cắt bỏ mọi thứ thừa thãi, dễ dãi, kể lể… để khi đọc lại, mình có cảm giác “đúng” nhất, “thực” nhất. Nhiều khi, tác phẩm có một diện mạo hoàn toàn khác hẳn. Nhưng cũng có khi sau khi sửa đi sửa lại, tôi lại chọn một hình dạng ban đầu (như truyện ngắn này).
Làm thế nào một truyện ngắn níu giữ được người đọc từ đầu đến cuối và ghim lại điều gì đó trong tâm trí với một thứ ngôn từ chính xác, mạnh mẽ, đầy tưởng tượng, không tạo dáng, vặn vẹo mà không đi vào lối mòn của sự kể lể dài dòng? Tôi vốn không có thói quen đọc truyện ngắn, càng khó để đọc một mạch một truyện vài nghìn từ trên mạng (với tôi) nên tôi cũng hoang mang với thể loại này: nó đang ở đâu, đâu là đường đi của nó, nó đi đến đâu trong sự khám phá hiện thực… Tôi nghĩ truyện ngắn là sự sáng tạo khó nhọc và không thể lặp lại. Có thể tôi sẽ tìm thấy một lối đi sau khi trải nghiệm những cảm giác về sự thất bại, bất toàn và bế tắc. Tôi mong truyện ngắn này của tôi cũng để lại một ấn tượng nào đó.
03.04.2010
.