Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 18, Tham luận Email bài này

Chưa thể gọi là có một thành tựu

 

Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh tích cực tổng quát của nền văn học hải ngoại hôm nay như hầu hết các diễn giả đang trình bầy thì quả thật chúng ta đã và đang có một nền văn học hải ngoại thành tựu và đầy tiềm năng.
Sự tồn tại của những tạp chí văn học trong 30 năm qua; các trang mạng văn học rầm rộ của từng nhóm hay tư nhân; những người cầm bút cũ và mới; thế hệ thứ nhất, thế hệ 1 1/2 vẫn tiếp tục duy trì những gì đang có. Thiết tưởng không cần phải lập lại những ý kiến đã nêu ra.

Là một người làm thơ, tôi luôn luôn lơ mơ với những lãnh vực có tính cách biên khảo, nghiên cứu trong văn chương cũng như đời sống. Nhưng nếu được hỏi về những thành tựu cụ thể của văn học hải ngoại thì tôi xin cho nhân định theo cách nhìn cá nhân mình.
Thứ Nhất:
Hơn 30 năm lưu vong chưa có một tác phẩm TẦM VÓC nào ra đời từ nền văn học hải ngoại. Những kỳ vọng của độc giả về lớp người viết trước, những nhà văn LỚN lưu vong đầy kinh nghiệm sống trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh viết một tác phẩm về hậu chiến tranh hoàn toàn không thấy một dấu hiệu nào.

Thứ Hai:

Một vài hồi ký của các nhân vật cao cấp trong quân đội hay trong chính quyền của cả hai nền Cộng Hòa thì được các độc giả cùng binh chủng, cùng lãnh vực dân sự nhận định là “thiếu trung thực” và “đề cao cá nhân.”

Thứ Ba:

Một số khá nhiều những tác phẩm xuất bản rầm rộ của những người có khả năng in sách, và phân phát sách được bay tự do như bươm bướm, chữ thì nhiều mà ý, nghĩa, văn chương không có bao nhiêu.

Thứ Tư:

Chúng ta cũng chưa có một tác phẩm văn học mới nào trong văn học hải ngoại lôi cuốn đến phải chuyền tay nhau, không đọc không được.

Những nhận định trên cho thấy: Như vậy thì chưa thể gọi là có một thành tựu văn học hải ngoại.
Văn Chương thường đến với đời sống vào lúc bất ngờ. Tôi vẫn hy vọng một tác phẩm TẦM VÓC đang được viết từ một bàn giấy nào đó sẽ cho chúng ta một Thành Tựu văn học hải ngoại giá trị đích thực.
Chúng ta duy trì viết, đọc vì chúng ta yêu tiếng Việt. Chúng ta được tự do trong cả hai lãnh vực viết và phát hành, chúng ta đâu có bất an khi cầm bút. Chúng ta chỉ hoang mang và nghi ngờ không biết nền văn học hải ngoại này sẽ đi đến đâu?
Văn học chỉ là một sở thích, nhưng là một sở thích nghiêm túc. Chúng ta không thể cho văn học đạt đến thành tựu dễ dãi như vậy.
Và cuối cùng chúng ta hy vọng vào lớp trẻ: Thế hệ viết bằng ngoại ngữ ở hải ngoại đang nhóm lên những đốm lửa “tiềm năng.” Hy vọng một ngày nào đó sẽ “thành tựu” thành một đám cháy rừng.

Seattle, Washington

bài đã đăng của Trần Mộng Tú

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)