Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Trò Chơi

 

 

 

Tôi bị bắt và lôi ra khỏi lòng mẹ từ khi còn thơ dại. Tôi không nhớ rõ lúc đó tôi lên mấy. Chỉ biết một hôm mấy anh em tôi đang đi bắt cá với mẹ bên một bờ suối thì một đám người với nhiều khí giới hung hãn đến tấn công chúng tôi. Mẹ tôi cứu được con nọ thì mất con kia. Tuy còn bé, tôi cũng biết khi người ta cướp được tôi thì mẹ tôi đã mang nhiều thương tích, vì họ đánh mẹ tôi bầm dập mới bắt được tôi đi. Từ đó không bao giờ tôi gặp lại mẹ nữa. Tôi nghĩ chắc mẹ tôi chết rồi, vì nếu mẹ còn sống mẹ phải tìm ra tôi, dù người ta mang tôi đi thật xa nơi chốn tôi sinh ra, nơi tôi đang sống yên vui với gia đình.

Tôi được nuôi biệt lập trong một gian nhà nhỏ, có những song cửa bằng sắt, trong một khu đất khá rộng. Tôi bé quá, tôi không tự mở cửa được để ra, cửa thì khoá bên ngoài bằng một cái xích thật to. Không ai đến gần vỗ về âu yếm tôi, không ai bế ẵm, ôm ấp tôi, kể truyện cổ tích cho tôi nghe. Tôi không có anh chị em hay bạn bè bên cạnh, điều tốt nhất họ làm cho tôi là tôi được ăn uống đầy đủ. Tôi lớn lên như một kẻ bị tù, vì tôi không được ra ngoài gian nhà đó như những đứa trẻ ở tuổi tôi. Họ thường đến thăm tôi mỗi ngày, cho ăn, cho uống và xem tôi có ốm đau gì không. Khi tôi bắt đầu trưởng thành họ càng săn sóc, cho tôi ăn ngon hơn, bữa nào cũng có thịt, cá tươi, nhưng tôi tuyệt đối không được ra khỏi nhà. Ban đêm, tôi không nhìn thấy bầu trời, không biết trăng có sáng không, những vì sao có mọc nhiều hay không. Tôi nhớ lại những buổi tối đi dạo với mẹ, mẹ hay nói:

“Sao đông thì nắng, sao vắng thì mưa. Tối nay trên trời sao mọc chi chít là ngày mai có nắng to con ạ.”

Nắng to hay không nắng thì cũng giống nhau thôi vì tôi đâu có được ra ngoài chơi.

Những người mang thức ăn đến cho tôi, không ai là phụ nữ cả, toàn là những người đàn ông với những khuôn mặt dữ tợn, lúc nào cũng nhìn tôi bằng hai con mắt không một ánh nhân từ. Đôi khi họ kéo đến một nhóm năm sáu người đứng ngoài cửa sổ, chỉ trỏ, quan sát tôi, rồi lại bỏ đi. Hình như thế giới ở đây chỉ có toàn đàn ông hung dữ. Tôi ước gì có một người phụ nữ trong đám người đó, tôi sẽ được hỏi han hay chiều chuộng vì phụ nữ nào mà chẳng thích trẻ con. Tôi nhớ mẹ, nhớ anh em và tôi hay khóc, tôi khóc âm thầm, lau nước mắt bằng hai cánh tay, một mình.

Một hôm, có người đàn ông mặc chiếc áo choàng mầu trắng đến thăm tôi. Tôi mừng quá, nhảy tưng tưng trong buồng, tung cả chân tay lên rất cao, nhưng ông không có mở cửa vào buồng tôi, chỉ đứng thò tay qua cửa sổ vỗ vỗ lên vai tôi một cách rụt rè nhưng thân thiện, rồi bất chợt ông đâm vào vai tôi một mũi kim, tôi chưa kịp đau thì đã từ từ khuỵu hai chân xuống, và lăn quay trên mặt đất. Tôi mê đi không biết là bao lâu, cho đến khi tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm đó, trơ trọi một thân. Người đàn ông mặc áo trắng đã đi mất. Cứ năm ba tháng ông lại chích cho tôi té xuống một lần, ông chẳng nói lý do và tôi cũng không biết hỏi thế nào. Cuối cùng, tôi đoán đó là môn giải trí của người lớn. Bắt trẻ con nuôi cho lớn lên, rồi chích cho lăn quay ra chơi.

Bỗng một buổi chiều, nghe tiếng rên rỉ từ xa đưa tới, tôi khám phá ra không phải tôi duy nhất ở khu này, xa xa phía cuối vườn còn hai gian nhà nhỏ khác nữa, trong đó cũng có hai thiếu niên trạc tuổi tôi. Hai anh cũng cô độc như tôi, đi tới, đi lui trong nhà, cửa bị khoá bằng cái xích to tướng như cái xích họ khoá nhà tôi. Tôi đoán là cả ba chúng tôi cùng bị bắt vào đây trong hoàn cảnh giống nhau. Một là lạc mẹ, hai là mẹ bị bắt nhốt ở đâu hay đã bị giết.

Tôi bắt đầu để ý đến người đàn ông mặc áo choàng trắng khi ông xuất hiện. Vì những người mặc thường phục khi tới đây chỉ cho tôi ăn, uống và không lấy kim đâm vào người tôi làm tôi ngất đi bao giờ.

Hôm nay ông ta lại đến, nhưng ông không ghé nhà tôi. Tôi thấy ông đi về phía hai chàng trai trẻ kia. Tôi đứng sát vào song cửa theo dõi xem ông làm gì hai người đó. Ông ta tiến tới căn phía tây trước, cũng thò tay vào với một mũi kim đâm vào vai anh ta, anh ấy cũng ngã lăn giống hệt như tôi đã ngã. Đâm xong một anh, ông ta lại tiến sang anh ở phía nam và cũng đâm vào đùi anh này. Anh này coi bộ khoẻ hơn vì anh to con, nên vẫn đi qua, đi lại. Ông ta đâm thêm mũi nữa, anh mới ngã xuống. Tôi nghĩ là ông ta sẽ bỏ đi, nhưng không phải. Ông ta quay lại anh ở hướng tây. Anh này đang nằm bất tỉnh trên mặt đất, ông ta lôi trong túi ra một chiếc kim khá dài và một cái chai nhỏ. Ông ta chích vào bụng anh và rút ra một chất nước đặc quánh mầu xanh lè, bơm vào cái chai nhỏ đó. Tôi nhìn mãi mà không đoán ra được ông ta lấy cái gì từ trong bụng anh này. Lấy xong, ông ta đi về anh hướng nam, cũng lại làm y hệt như đã làm ở bụng anh hướng tây. Sau đó ông bỏ sang khu khác và đi mất hút tầm mắt của tôi. Hóa ra cả ba chúng tôi bị bắt, mang về đây, nuôi ăn cho lớn để cùng làm trò chơi cho ông áo trắng. Trò chơi gì mà lạ thế?

Người đàn bà cầm một bó tiền khá to đưa cho người đàn ông mặc áo khoác trắng, nói:

– Có tín nhiệm được không đấy? Bây giờ toàn hàng giả, khó tin lắm.

Người đàn ông cười cười:

– Bảo đảm mà bà chị. Hàng chúng tôi đem về từ gốc, bồi dưỡng ngay trong đất nhà, đợi đúng ngày, đúng giờ chúng tôi mới lấy ra, sáu bẩy tháng chúng tôi mới cho kim vào rút một lần.

– Trời ơi, làm sao mà rút, ông không sợ nó tấn công lại hay sao?

– Việc gì mà sợ, tôi chích cho nó mê đi rồi mới rút chứ.

Người đàn bà chép miệng:

– Như thế thì ác thật đấy, nhưng mà cần đến, phải đành thôi.

Người đàn bà cầm nón đứng lên ra về, ngần ngừ một lúc, nói:

– Ông cho tôi xem chúng một chút được không?

– Được, nhưng xin bà chị kín miệng hộ.

Người đàn bà theo người đàn ông áo trắng đi vòng ra sau nhà đến một bãi đất khá rộng, có hàng rào gỗ thật cao, bên ngoài không nhìn vào được. Bà thấy ba cái chuồng sắt để ba góc vườn, mỗi chuồng có nhốt một con gấu. Bà tiến đến cái chuồng có con gấu bé nhất, khoảng cách xa xa nhưng đủ cho bà thấy cặp mắt đen lánh buồn bã của nó. Bất giác bà nghĩ đến thằng con hai mươi tuổi của bà, nó mới ngã vì đua xe gắn máy hôm qua, bà đi mua mật gấu về thoa cho con. Bà buột miệng nhìn nó, kêu lên:

– Mẹ của em đâu?

 

6/2011

bài đã đăng của Trần Mộng Tú

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)