Bừng mắt dậy trời ong ong sáng
cái sáng mơ màng như câu hỏi bâng quơ
nắng hôm nay nắng già hay trẻ
trời hôm nay mây trắng hay vàng
mây có màu xanh hay mầu tím
đặt bàn chân nghe đất thở nồng nàn
một ngày ngoài cửa nghe lạ lắm
tiếng động nghe như tiếng trẻ thơ
cây lá xôn xao như bàn tay chạm
những chiếc xe mang lên dốc nỗi mong chờ
những chiếc xe lại quay xuống dốc
để lại trên đồi một câu thơ
một ngày không biết ai gõ cửa
có lá thư nào đến từ bên kia sông
có chút tình nào quàng trên vai núi
cho con chim đứng hót mãi trong lồng
tiếng chim trưa sao nghe rất lạ
tiếng ngân rơi vào trong mặt trời hồng
một ngày nắng vừa đi vừa rơi từng vốc
gẫy nhánh thời gian trên những thân cây
ai thả vó xuống hồ vớt mặt trời bềnh bồng trên nước
hứng đời từng mảng chảy qua tay.
3/2011
.
Tôi là một độc giả mới của Da màu , mới chưa tới 100 ngày.Thấy Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường viết PH ” Đọc thử chơi thi phẩm mới” Một ngày” của Nữ sĩ Trần Mộng Tú nên tôi theo vào đọc thử chơi.
Thơ của Nữ sĩ hay thiệt , rất là thơ mộng . Nữ sĩ đã là thư kí của AP Associated Press từ 68-75, nghĩa là tuổi đời giỏi lắm chỉ kém nhà thơ NĐT độ 10 tuổi, thế mà “Bừng mắt dậy” nữ sĩ đã có “cái sáng mơ màng như câu hỏi bâng quơ” “sáng nay nắng già hay nắng trẻ”
Trời ơi nữ sĩ sống thơ mộng thiệt , hơn sáu mươi năm cuộc đời rồi mà vẫn còn hỏi “nắng già hay trẻ” và không thèm biết mặt trời này đã có cả triệu năm .
Rồi cuối bài lại còn thơ mộng hơn nữa:
Một ngày nắng vừa đi vừa rơi từng vốc
Và đọc hai câu cuối:
Ai thả vó xuống hồ vớt mặt trời bềnh bồng trên nước
Hứng đời từng mảng chảy qua tay
tôi lại nhớ cái hình trên internet mới đây , nói cả triệu con cá sardine chết dọc theo bờ biển California , vì chúng thiếu oxygen để thở và chúng không thiếu oxygen là vì các loại tảo đã lan tràn dọc theo bờ biển , không có ai vớt tảo , nên cá sardine phải chết.
Thơ của nữ sĩ thuộc trường phái ” nghệ thuật vị tác giả” và thuộc chi phái ” Cô gái hái mơ già”.
Nhà thơ NĐT sống ở Luân Đôn , Anh quốc mùa đông nhiều tuyết vừa qua , lo lắng ra đường nếu té một cái là tiêu tùng luôn.
Quan điểm văn học của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường thì thuộc trường phái” văn học vị nhân sinh” và thuộc chi phái ” bể đổi dâu thay , ngày biến chuyển/ trời kinh đất nghĩa một cương thường” .
Đây là một bài thơ của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, Vị Chưởng Môn của chi phái nói trên, viết trước khi bị giết( ám sát bằng súng tại Hà Nội năm 1948):
Ông Ích Khiêm ngâm:
Cơ trời vận nước biết đâu lường
Nhìn đến dân tình đứt ruột thương
Gái dệt hở vai, manh áo bạc
Trai cày lép bụng, bát cơm vàng
Phá nhà, người sợ quân đầu núi
Lả chết, ai chôn xác dọc đường
Nghĩa nặng ơn sâu , chưa báo đáp
Đèn xanh một ngọn , lệ muôn hàng
Bài thơ này trong vở ca kịch chèo cổ . Tận Trung Báo Quốc. Sự tích Hoàng Diệu tử tiết theo thành.
Phá nhà, người sợ quân đầu núi , là quân Pắc Bó. Ngôn ngữ hiện đại là giải phóng mặt bằng , người sợ đội dân phòng ( Công an hạng hai).
một ngày nắng vừa đi vừa rơi từng vốc
gẫy nhánh thời gian trên những thân cây
(tmt)
Bài thơ hay quá !
Đọc thử chơi thi phẩm mới “Một ngày” của nữ sĩ Trần Mộng Tú tôi thấy nό… tuyệt vời quá! Tuyệt vời quá… sức tưởng tượng của một kẻ không quá… nghèo tưởng tượng. Nào là “trời ong ong sáng… cái sáng mơ màng như câu hỏi bâng quơ…” Nào là “một ngày ngoài cửa nghe lạ lắm / tiếng động nghe như tiếng trẻ thơ …” Và “tiếng chim trưa sao nghe rất lạ / tiếng ngân rơi vào trong mặt trời hồng…” Rồi bài thơ kết thúc với “câu hỏi bâng quơ”: “ai thả vó xuống hồ vớt mặt trời bềnh bồng trên nước / hứng đời từng mảng chảy qua tay”
Chắc đây là cái Xứ Thần Tiên của cô bé Trần Mộng Tú? Bởi lẽ cái Xứ Thần Tiên của cô bé Alice nό… kinh khủng nhiều hơn!
Thiển nghĩ: Một ngày của của đại đa số nhân loại bây giờ, hôm qua, hôm nay, hay hôm sau hầu như thảy đều hệt nhau và đều một “màu tro xám xịt”, nên bọn phàm phu khi thức dậy là phải lo làm vệ sinh, ăn sáng hay nhịn đόi, rồi tất tả ra đi kiếm sống, chẳng cό thì giờ để mà… bâng quơ các chuyện nọ kia vớ vẩn. Thử hỏi: Trên trái đất nhiễu nhương này, trái đất như một nấm đất/nấm mồ đang cό những người hy sinh để cό được tí tự do, tranh đấu chịu đựng chịu khổ từng phút từng giờ cho con cái họ được no cơm ấm áo, và nhứt là sau thiên tai ở nước Nhựt Bổn, thì tìm đâu ra “những chiếc xe lại quay xuống dốc / để lại trên đồi một câu thơ…” nhỉ? Nếu như xe cό để lại thơ thì… thơ gì? Chắc phải là… thơ Trần Mộng Tú?
Đό là chưa kể thi nhân đời xưa sáng suốt hơn Trần nữ sĩ vì họ đã “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”!
Thi sĩ ta vẫn còn… lãng mạng, vẫn còn… sống trong tháp ngà hay sau nhỉ?
Thơ thẩn cái kiểu này… nếu không để cho xe thì để cho ai nhỉ?