Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 14, Nhận Định Email bài này

Đọc và đọc lại

TIẾNG DỘI

Những ý kiến đóng góp có khả năng tạo phản hồi từ các độc giả khác xin vui lòng gởi đến Ban Biên Tập để được đưa vào mục Tiếng Dội.

BBT damau.org

 

là nơi độc giả và thân hữu bày tỏ thái độ/quan tâm của mình về các vấn đề liên quan đến nội dung và hình thức của tạp chí văn chương online damau.org  


Rượu của Trần Mộng Tú & Tình Yêu Trước Ngày Tận Thế của Đặng Thơ Thơ
Từ khi xuất hiện TRUYỆN CHỚP, qua 3 số báo, cùng với định nghĩa của Damau.org, các tác giả cũng đã góp những định nghĩa của riêng mình, làm cho định nghĩa về truyện chớp càng phong phú. Một cách thật chung chung nhìn về hơn 40 truyện chớp này thì có khá nhiều những truyện hay, có những truyện đủ cả hai tiêu chuẩn truyện và chớp. Nhưng cũng có những cái chớp mà không truyện và những cái truyện mà không chớp. Trưóc khi điểm vài truyện mà tôi rất tâm đắc, tôi xin đưa một hình tượng có thể diễn tả thật rõ nét, thật sống động của truyện chớp. Đó là hình ảnh một con sâu cuốn chiếu. Vâng, truyện chớp là con sâu cuốn chiếu, có thể cuốn tròn lại thành một điểm và cũng có thể kéo ra thành đưòng dài. Trong trạng huống nào nó vẫn là sự sống.
Về truyện Rượu của Trần Mộng Tú:
Đây là một truyện chớp hay, tôi sẵn sàng bầu cho tác giả xứng đáng nhận cùng một lúc năm phiếu con mèo để có chai rượu vang ngay. Và nếu tác giả nhận chai rượu trống không thì cứ việc gọi tôi, tôi sẵn sàng mua một chai rượu chát thật hẳn hoi (tại Trader Joe’s) biếu tặng.
Truyện được hiểu theo hai cách đối nghịch nhau:
Một là tất cả sự việc diễn biến đều có thật, thật sự xảy đến cho “Tôi” và trong một sát na “Tôi” bỗng thấy rằng những phần thưởng, cái tài hoa của “Tôi” và ngay cả sự thèm khát của “tôi” là rượu đều là phù phiếm là hư ảo. Cái tâm “thèm rượu vang” ấy tác giả cho nó xuất hiện sau, nhưng thật ra nó là nguyên nhân tiền sinh cái tâm động “mèo đen”leo trèo, nhảy múa nhanh vun vút khó có thể nhận ra. May mà “ai đó” đã mau lẹ hơn, chụp đầu nó lại, đưa cho “tôi” diện mục. Ánh chớp vụt lên, con mèo đen thoắt biến. Tôi về với “tôi”.
Hai là tất cả sự việc diễn biến đều không có thật, không thật sự xảy đến cho tôi. “Tôi” vưà mới “ Sực tỉnh giấc nồi kê chưa chín”. Nói một cách khác là câu chuyện chỉ xảy ra trong giấc mơ, trong tưởng tượng. Như vậy ta có thể lấy một phần trong câu chót (chính là câu chớp trong truyện chớp này) đưa lên đầu truyện. Không gian, thời gian và diễn tiến câu chuyện theo cách đọc thứ hai này nó lạ lùng và mơ hồ hơn cách thứ nhất. Nó chập chờn, ẩn hiện đôi cánh bướm như có như không của Trang sinh thuở nào. Nhưng dù đọc và hiểu theo cách nào truyện Rượu đều mang màu sắc của một sự đốn ngộ, giải quyết cho một cái tâm luôn luôn vọng động.
Để bạn đọc đi thẳng vào cách đọc thứ hai này tôi xin chép lại như sau:
 

Rượu

 
 
Căn phòng khách im, vắng.

Tôi cộng tác cho một tờ báo trên mạng. Nhóm chủ trương khuyến khích cộng tác viên đóng góp bài hay bằng phần thưởng. Bài nào được nhiều phiếu bầu hay nhất trong tháng sẽ được phát một con tem vẽ hình mèo đen. Cứ có năm con mèo đổi được một chai rượu.

Tôi là tay ghiền rượu vang nên cố gắng viết cho hay. Thế là tôi thu được khá nhiều rượu vang hảo hạng trong một khoảng thời gian rất mơ hồ, tôi cất tất cả dưới nhà hầm.

Một hôm có bạn văn ở xa đến. Cả nhóm mang nhau tới, tụ tập ở nhà tôi để tiếp khách phương xa. Tôi xuống hầm lấy rượu thưởng ra mời.

Tất cả các chai rượu đều trống rỗng, không có một giọt. Tôi cầm những cái chai không chạy lên nhà định hỏi cho ra lẽ. Chưa kịp hỏi thì ai đó nhìn cái vẻ ngơ ngác của tôi, cắt nghĩa.
 

– Làm gì có trang mạng văn học nào, làm gì có tem vẽ con mèo, có rượu thưởng, ngay cả những người viết cũng làm gì có.
 

Ngay lúc đó một con mèo đen, đuôi dài, cong lưng phóng qua mặt tôi tông vào khung cửa kính, mất hút ở bên ngoài. Tiếng thủy tinh vỡ ròn tan, những mảnh sáng chấp choáng tung tóe trong không gian. Tôi quay đầu nhìn lại.
 

Căn phòng khách im, vắng, như chưa từng có ai bước vào.
 

Về Tình Yêu trước ngày Tận Thế của Đặng Thơ Thơ.

Đây là truyện chớp thứ hai của cô tôi đươc đọc. Mỗi truyện đều làm tôi thất kinh đến rởn da gà. Với văn phong chững chạc có lúc đến lạnh lùng, nhà văn nữ này bình thản nói về những bi kịch vô cùng to lớn của những đề tài cũng thật vô cùng to lớn là cuộc đời, tình yêu, chiến tranh, triết học và tôn giáo. Trong truyện “Ở Khoảng Giữa Một Gang Tay”, cái khoảng cách nhỏ nhoi một gang tay đó thật ra là cả một sự phân cách nghìn trùng dành cho những người muốn tìm kiếm sự ngẫu nhiên. Sự chờ đợi một điều gì đó để trám kín cái khoảng cách gang tay chỉ là một sự chờ đợi trong tuyệt vọng.
Đến truyện Tình Yêu Trước Ngày Tận Thế thì Đặng Thơ Thơ đã vung tay ném ra hai vấn đề khủng kiếp. Rất điêu luyện, tác giả đã vận dụng hết khả năng của lối dùng ẩn dụ để người đọc không cảm thấy bị gượng ép khi mổ xẻ, phân tích những chùm sự việc không có thật. Chỉ cần xử lý vấn đề “sự bất tử này thuộc về đâu, về chúng ta, hay thuộc về lịch sử ?” cũng đủ làm cho người đọc điếng hồn suy vía, nhắm mắt mà chìm vào trùng trùng gai góc. Thế giới này sẽ không bao giờ có hòa bình nếu hai thế lực to lớn mãnh liệt nhưng đối chọi, lại cùng hiện hữu. Nên, Barbara và Omar phải chết! Bị giết hay tự sát ở đây có cùng một ý nghĩa, vì: “Với những người đi nhà thờ, đó là cuộc tấn công vào thành trì tôn giáo. Với những người cuồng tín, đó là châm ngòi nổ thế chiến thứ 3. Với những người nhân bản, đó là khởi đầu của hòa bình. Với những người lãng mạn, đó là một tình yêu bất tử.”
Nhưng, tác giả đã chưa vừa lòng với những chùm sự kiện sấm sét ấy, còn dùng những sợi lòi tói sắt, đúng hơn là cái thiết lung, chụp kín ngưòi đọc (tôi nói chụp kín vì người đọc đến đây bị tê liệt) để lôi họ đến, đối mặt với một vấn đề lớn khủng khiếp như một big bang: “Nguyện rằng bằng cái chết của Con, cả nhân loại sẽ tha thứ cho Cha, là Đức Chúa Trời và những sáng tạo của Người. Amen.”
Nếu lời nguyện sẽ thành thì thế giới này chắc chắn phải thay đổi, mọi sự sẽ bắt đầu trở lại sau khi “Thanh gươm Yết Lam này sẽ cắt lìa chúng ta khỏi quá khứ, sẽ tàn phá mọi gốc rễ, sẽ lột sạch những màu da, để sự bất tử này chỉ thuộc về chính chúng ta là những kẻ đã sẵn sàng trả giá.”
Hai vấn đề tác giả đưa ra đều cực kỳ nghiêm trọng, cấu trúc chặt chẽ và rất cô đọng, mọi diễn tiến không thể tách rời. Nhưng, như trên tôi đã đưa ra hình ảnh con sâu cuốn chiếu, nên tôi muốn kéo cái cuộn- tròn- tình-yêu -trước-ngày-tận-thế thành hai lần đưòng dài, để cho tôi chiêm nghiệm theo cách của tôi về tình yêu và hận thù, sự phá sản của niềm tin mà tác giả khẩn thiết đưa ra. Mời bạn đọc và chính tác giả (Đặng Thơ Thơ) thưỏng lãm.


1- Tình Yêu trước ngày Tận Thế 

Họ bất chấp mọi sự để yêu nhau. Mối tình giữa Barbara Bush và Omar Bin Laden là tình yêu oan trái nhất trong lịch sử, huy hoàng hơn hẳn thời đại Shakespeare. Mối đại thù giữa hai dòng họ đã vượt quá màn đấu kiếm thời trung cổ, tình yêu của họ được chiêm ngưỡng từ góc độ toàn cầu và được chiếu rọi bằng hào quang nguyên tử.

 

Trước khi tự sát, Barbara hỏi Omar:

“Omar, hãy nói cho em biết, điều chúng ta đang làm thật sự có ý nghĩa gì?”
 

Omar với quầng mắt sâu bí ẩn và nụ cười nửa miệng trầm mặc của cha, sửa lại tấm khăn che đầu trên tóc Barbara:
 

“Với những người đi nhà thờ, đó là cuộc tấn công vào thành trì tôn giáo. Với những người cuồng tín, đó là châm ngòi nổ thế chiến thứ 3. Với những người nhân bản, đó là khởi đầu của hòa bình. Với những người lãng mạn, đó là một tình yêu bất tử.”
 

Barbara quỳ xuống để nói lời xưng tội cuối cùng, lời xưng tội làm toàn bằng dấu hỏi:
 

“Nhưng sự bất tử này là của chúng ta – Barbara và Omar, hay của con gái Bush và con trai Bin Laden, hay của thánh Ala và Giêhôva, hay là của những điều gì khác? Và chúng ta chỉ thêm thắt vào sự bất tử của người khác bằng cái chết của mình, thì điều này có nghĩa lý gì? Và sự bất tử này thuộc về đâu, về chúng ta, hay thuộc về lịch sử?


2-Tình Yêu trước ngày Tận Thế 

Họ bất chấp mọi sự để yêu nhau. Mối tình giữa Barbara Bush và Omar Bin Laden là tình yêu oan trái nhất trong lịch sử, huy hoàng hơn hẳn thời đại Shakespeare. Mối đại thù giữa hai dòng họ đã vượt quá màn đấu kiếm thời trung cổ, tình yêu của họ được chiêm ngưỡng từ góc độ toàn cầu và được chiếu rọi bằng hào quang nguyên tử.
 

Trước khi tự sát, Barbara hỏi Omar:

“Omar, hãy nói cho em biết, điều chúng ta đang làm thật sự có ý nghĩa gì?”
 

Omar vung tay lên, lần đầu tiên trong suốt 21 thế kỷ dài người ta mới thấy lại một thanh gươm sáng lòa như ánh chớp, mỏng tang như ranh giới giữa sống và chết, tồn tại uy nghi ngoài ngôi lời:
 

“Thanh gươm Yết Lam này sẽ cắt lìa chúng ta khỏi quá khứ, sẽ tàn phá mọi gốc rễ, sẽ lột sạch những màu da, để sự bất tử này chỉ thuộc về chính chúng ta là những kẻ đã sẵn sàng trả giá.”
 

Họ yêu nhau lần cuối, dữ dội và điên loạn, trước sự chứng kiến của những linh hồn chết oan. Họ khóa chặt môi nhau và ném số mệnh mình vào nhau như đút gọn chiếc chìa vào ổ khóa. Trong tư thế đó họ cùng cầu nguyện và đọc Kinh Tình Yêu, là chương cuối cùng của kinh thánh và kinh Kô-ran nhập một. Họ không cầu xin được tha thứ và cả nhân loại được tha thứ. Họ chỉ cầu xin cho cha họ, như Giê-su đã cầu xin cho cha mình: “Nguyện rằng bằng cái chết của Con, cả nhân loại sẽ tha thứ cho Cha, là Đức Chúa Trời và những sáng tạo của Người. Amen.”
 

DPP

bài đã đăng của Đặng Phú Phong

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)