Muốn gọi là gì thì cứ gọi. Sợi, tia, ngọn, ánh, làn, màu, mùi, hoa, hạt, phiến, cơn, chùm, hơi….thì nắng vẫn cứ là nắng. Nó đến với ta hàng ngày. Đều đặn, mênh mông. Năm nay, xứ tuyết tôi mừng theo nắng. Khác với mọi năm, nắng đổ xuống đầm đìa, hào phóng. Không chỉ một, hai ngày, mà liên tục. Từ giữa tháng Sáu đến nguyên cả tháng Chín, nắng ngập trời ngập đất. Mưa trốn kỹ, thật kỹ. Đến nỗi thành phố phải ra thông báo hạn hán.
Từ trong nhà nhìn ra, là một dốc nắng. Xa hơn là những đồi nắng. Nhìn xuống phố, những cao ốc thách đố với nắng. Mê nắng, đâm ra mê luôn cái nóng. Nóng và nồng. Những thảm cỏ xanh rờn biến thành vàng cháy.
Đâm ra nhớ cái nắng cái nóng quê hương. Mùa hè, có khi hai tháng ròng Huế tội nghiệp của tôi chẳng hề có lấy một giọt mưa. Giếng khô, hồ cạn. Sông Hương, có đoạn, người ta có thể dẫn xe đạp qua sông. Khiếp. Nhớ nắng quê nhà, tôi chào nắng Mỹ. Ngây ngất nắng. Rực rỡ vuờn, chói chang đường và nung đỏ nỗi hân hoan.
Tôi nhớ Thạch Lam: nắng trong vườn, “Sáng sớm hôm sau, tiếng chim kêu ríu rít trong vườn đã đánh thức tôi dậy. Mặt trời còn khuất sau quả đồi, ánh một vùng hồn lên nền trời xanh biếc. Bên kia sông, rừng cây từng lớp nhiều mầu còn mờ lẩn trong màn sương trắng. Dưới chân đồi, những mảnh ruộng mạ non như những thửa ruộng nước sáng lên như tấm gưong. Con đường đất đỏ ngòng nghoèo qua cánh đồng, người đi chợ trông nhỏ bé như một đàn kiến. Tất cả trời đất trên cao nhìn xuống như cùng cả một bài ca vui vẻ và ham sống, khiến tôi thấy náo nức trong lòng. Tôi trèo lên đỉnh đồi, ngồi trên những tảng đá quay nhìn khắp bốn phương. Khi nắng bắt đầu gay gắt, và cỏ đã mềm nóng dưới gót chân, tôi thong thả xuống, đi len lỏi vào các vườn trè, sầu, rồi đến bờ sông Cống, tìm một chổ bóng mát nghỉ ngơi. Tôi ngả người trên cỏ nằm mơ mộng, đếm tiếng kêu của chim gáy ở tận đâu xa xa. Tất cả buổi, tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài đồi, trông và nghe không biết mỏi.”
Nắng Thạch Lam trong sáng, dịu dàng và ấm áp hy vọng.
Tôi nhớ Lê Trọng Nguyễn: nắng chiều, “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều, lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa (…) Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi.”
Nắng Lê Trọng Nguyễn quen thuộc, bâng khuâng, êm đềm, hồn nhiên đến lạ! Trách gì, nó lảng vảng đi theo tôi suốt cả cuộc đời.
Tôi nhớ Phạm Duy: nắng trưa, “Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé/Nắng trưa im lìm trong lá/Những con trâu lành trên đồi …”
Nắng trưa im lìm. Tuyệt! Những trưa hè đứng bóng, mắc võng nằm ngoài vườn dưới những tàn cây, nhìn lên, tôi thấy nắng nằm trong lá, chen trong lá, ngủ trong lá và trốn trong lá để…tránh nắng. Một cái nắng quê nhà đến lạ!
Cũng nắng trưa, Tô Thùy Yên cầu kỳ hơn: “Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh.” Một vô cùng trưa và vô cùng nắng.
Tôi nhớ Lưu Trọng Lư: nắng mới, “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/Xao xác gà trưa gáy não nùng.” Nắng và gà và tiếng gáy thì thân thuộc đến lạ. Nhưng sao lại “nắng mới” và “gà trưa”, sao tiếng gáy lại “xao xác” và “não nùng”? Tôi phân vân. Thích mà vẫn cứ phân vân. Văn chương dường như là thế. Phân vân. Một chênh vênh giữa chữ và nghĩa, giữa ảo và thực.
Cũng lạ! Nắng là nắng, sao lại có nắng mới với nắng cũ, nắng trong vườn với nắng ngoài vườn, nắng trưa với nắng chiều?
Thì ra nắng có rất nhiều loại.
Theo mùa thì ta có nắng xuân, nắng hè (hay nắng hạ), nắng thu và dường như không hề có…nắng đông.
Theo tháng thì ta có nắng tháng giêng, nắng tháng năm, nắng tháng bảy, nắng tháng tám. Không thấy ai nói nắng tháng hai hay nắng tháng chạp.
Theo địa phương, ta có nắng Sài Gòn (em đi mà chợt mát). Có người bảo nắng Sài Gòn rất vàng, rất chín. Lại có nắng Đà Lạt. Có mưa (dầm xứ) Huế, nhưng không nghe nói đến nắng Huế. Nhưng lại có nắng trịnh công sơn: nắng thủy tinh, là nắng trắng (Hạ trắng). Đó là thứ nắng mà ta có thể gọi, có thể vẫy, có thể chào, và có thể lùa. Chưa nghe nắng Hà Nội hay nắng Đà Nẳng. Ở Hoa Kỳ, liệu đã có nắng San José, nắng Bolsa hay nắng Boston?
Theo ngày thì ta có nắng mai, nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều, nắng hoàng hôn, nắng tà, nắng quái chiều hôm, nắng tàn, nắng xế và cả…nắng khuya (TCS).
nắng có màu: nắng vàng, nắng hồng, nắng phai, nắng úa, nắng ửng
nắng có mùi: nắng nồng, nắng thơm
nắng có tình: nắng buồn, nắng tương tư, nắng rộn ràng, nắng hiu hắt. Một cái nắng khá lạ: nắng xiên vào nỗi nhớ, theo cách diễn tả của một cô gái miền Tây.[1]
nắng có sức: nắng yếu ớt, nắng nồng, nắng cháy da người, nắng ấm (không có nắng mát), nắng mềm (không có nắng cứng), nắng hư hao, nắng chang chang, nắng lóa, nắng chói chang, nắng gay gắt.
nắng chuyển động: nắng lao xao, nắng lung linh, nắng nhảy múa, nắng nhấp nhô, nắng rớt, nắng rụng, nắng soi, nắng lên (không có nắng xuống), nắng chiếu, nắng len lỏi, nắng xiên khoai
nắng có nhan sắc: nắng đẹp (không có nắng xấu)
nắng có hình thể: sợi nắng, tia nắng, làn nắng, vạt nắng, ánh nắng, hạt nắng, phiến nắng, vệt nắng, bóng nắng, lụa nắng.
nắng là nước: tắm nắng, đổ nắng, vọc nắng, lọc nắng, hứng nắng, tưới nắng, nắng trong, nắng đục.
nắng là mầm: ươm nắng
nắng là trái me, trái cốc: thèm nắng
nắng có vị ngọt: nắng mật ong
nắng là người yêu: nhớ nắng, đợi nắng
nắng là kẻ thù: trốn nắng
nắng là hoa: chùm nắng, khóm nắng, hoa nắng
nắng là một loại dầu: ăn nắng, rám nắng
nắng là một …cơn: cơn nắng
nắng có hơi: hơi nắng
nắng là một loại hạt: lùa nắng (cho buồn vào mắt em), chia nắng
nắng là một …chàng: nắng đưa (em về…)
nắng có khi là một…nàng: nắng e ấp
nắng là rượu: say nắng
nắng còn có thể cõng: cõng nắng (chuồn chuồn cõng nắng qua sông)
Nắng xiên vào nỗi nhớ (nguồn: Internet)
Nắng Sài Gòn (nguồn: Internet)
Nắng đến từ đâu? Mặt trời. Đó là một cục lửa đỏ hỏn. Cực nóng! Theo các nhà khoa học, cái nguồn này đang yếu dần. Họ ước tính rằng chỉ trong vòng một TỶ năm nữa thôi, mặt trời sẽ không còn đủ sức nóng để duy trì sự sống trên trái đất này. Lúc đó, thế giới này chỉ còn nắng hiu hắt, nắng úa, nắng tàn. Và…nắng chết!
Một tỷ năm, sá gì! Vẫn còn đủ thời gian để nhà văn nhà thơ sáng tạo ra thêm hàng triệu thứ nắng khác nhau nữa để làm vui cuộc đời. Này nhé: nắng trào, nắng tưới, nắng xanh, bẻ nắng, chôm nắng, bửa nắng, bắt nắng, trồng nắng, gặt nắng, hái nắng, gọt nắng và thậm chí…liếm nắng. Đã có sân nắng, vườn nắng, rừng nắng thì chắc cũng phải có: ao nắng, hồ nắng, phố nắng và vũng nắng, hố nắng. Đã có “nắng xiên vào nỗi nhớ” thì cũng sẽ có: nắng đâm, nắng chọc, nắng cắt hay nắng cứa….vào nỗi buồn. Đã có hạt nắng, vệt nắng sao lại không: viên nắng, hòn nắng, miếng nắng và …cục nắng.
Ấy, nắng vẫn còn để ngõ cho biết bao ẩn dụ văn chương!
Riêng tôi, tôi mong có ngày được ôm nắng thật chặt và đặt lên môi nắng một nụ hôn thật nồng nàn!
Trước khi mặt trời vĩnh viễn nguội lạnh.
Trần Doãn Nho
.
[1] Xem ở http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/20100324/nang-xien-vao-noi-nho/369707.html
Đây trời bao la ánh nắng mai
hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh.
Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia
cho người người vui hòa.
Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới
ôi duyên dáng đồng ơi!
Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi
mình ngắm nhau cười.
(Ca khúc Nắng Đẹp Miền Nam, Lam Phương)
Văn nghệ sĩ người miền Nam ít thi vị hóa nắng qua tình tự con người. Nhưng mà nói đến nắng mặc nhiên người miền Nam chú ý tới cây trái, hoa quả, lúa, cá, mắm thay vì thi vị trực tiếp nắng như “màu mắt em” hay “ánh chói lóa” rực rỡ theo vó ngựa phi đường xa.
Họa sĩ Nguyễn Trung có rất nhiều tranh thiếu nữ miền Nam tay cầm hoa sen, trái cây như măng cụt, vú sữa, xoài, mía vàng, lúa vàng… Tôi thấy tuy là không miêu tả nắng nhưng trong tranh ông, nắng thơm lừng, nắng chói long lanh.
Nhớ cách nay khoảng mười mấy năm, tôi có làm gan viết mấy chữ “Một chút nắng Sài Gòn”.., nay nghe anh Trần Doãn Nho nhắc đến nắng, tôi lại nhớ nắng Sài Gòn.
HT
Nắng không có hình thể mà có người đòi Bắt Nắng (Vũ Hoàng Thư ).
Có người đi giữa Nắng chang chang, ngửa mặt lên trời mà than Cực quá. . .
HXS
Với Black Raccoon:
– Nắng Thanh Tâm Tuyền là nắng ấm, nắng bình yên
– Nắng Tô Thùy Yên là nắng đảo, nắng Trường Sa, nắng lính, thứ nắng “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề/Lính thú mươi người lạ sóng nước.”
Cám ơn BR đã nhắc đến TTY.
Với Thấm Vân:
– Nắng có màu: Màu nắng ban mai rỡ ràng, vàng óng tuôn chẩy như mật (Xứ nắng)
– Nắng là con rắn: Nắng đang quấn chặt người tôi (Xứ nắng)
Nhé, TV!
TDN
tôi đã chọn nhan đề cho một cuốn tiểu thuyết là xứ nắng. và câu được lặp đi lặp lại xuyên suốt cuốn tiểu thuyết xứ nắng là: “… nắng chan hoà. Xứ sở không bao giờ thiếu nắng.”
nắng còn có thể gọi: gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng Nam, Trung, Bắc
Tôi sống thời bé thơ và thanh thiếu niên ở miền Nam VN. 6 tháng nắng 6 tháng mưa. Nắng nhằm giữa trưa Hè rất dữ, nó kéo dài hơi nóng đến tận nữa đêm. Có khi không khí oI nồng ngủ không được. Thời đó nhà nghèo thì tay cầm quạt xành xạch suối đêm. Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh để lại bức ảnh nghệ thuật trác tuyệt, người mẹ bới tóc mặc yếm quạt nồng cho con ngủ.
Dường như người miền Nam không thi vị hóa nắng bằng người Bắc hay người Trung. Có lẽ một phần thời tiết nắng nóng và ấm hơn cái lạnh ở ngoài Bắc hay Trung. Tôi có kinh nghiệm này khi sống tại TB miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Suốt mùa Thu, Đông, lạnh lẽo mưa dầm. Chờ cho đến tháng 4,5 mùa Xuân trở đi tháng 6,7,8 sẽ thấy thiên hạ tưng bừng với ánh nắng rõ rệt.
Mặt Trời
ngó đầu ra ngoài thở hơi mưa
cảm giác ngủ một vùng yên tĩnh
bao giờ ánh sáng cũng nhói thẳng con ngươi
tâm hồn rực rỡ bàn tay vẫy
tôi trở lại cùng những người thân yêu
không giam tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn
thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên
câu chuyện mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân
tôi hôn
bỗng tin lần mi khép
(Thanh Tâm Tuyền)
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên
(Tô Thùy Yên, Trích Trường Sa Hành)
So sánh, cũng làm thơ về nắng mà ông người Bắc TTT thi vị nắng thật đẹp. Ông miền Nam TTY ngay câu đầu đã cảm thấy ê ẩm. Nắng mà diễn tả như mũi giũa kim loại chói sáng lừng.
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2015/06/11/nho-nguyen-cao-dam-tran-cao-linh/