Trang chính » Sáng Tác, Thơ Email bài này

Thơ Ba câu

 

 

 

Mùa lũ

 

Nước ngập tràn đồng
Giật mình bông điên điển
Tròn xoe mắt nhìn.

 

 

Bài thơ

 

Bài thơ viết xuống
Con chữ cựa mình
Thở hơi thở quen thuộc!

 

 

Chiếc lông tơ

 

Vàm sông vắng
Cúm núm bay vội
Bỏ rơi chiếc lông tơ.

 

 

Vạt sành

 

Đẫm trong ánh trăng
Vạt sành kêu sương
Trắng đêm cô tịch.

 

 

Bông dại

 

Bông dại ven đường
Hát bài ca lãng du
Khách lữ dừng chân.

 

 

Bài học vỡ lòng

 

Vang bên kia sông
Ê a tiếng trẻ
Bài học vỡ lòng.

 

 

Quán vỉa hè

 

Quán nhậu vỉa hè
Ruồi bu & Chó ngủ
Mặt trời soi tỏ mặt người.

 

 

 

.

bài đã đăng của Trần Hữu Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

7 Bình luận

  • Vương Trung Hiếu says:

    Trong văn chương, chuyện khen chê là điều không tránh khỏi. Quan trọng là khen thế nào, chê ra sao để người đọc thấy lời lẽ có tính thuyết phục. Chê theo kiểu Trịnh Sơn là một cách chê thiếu thuyết phục, vì chỉ cho thấy cảm tính, chứ không trình bày được lý tính (tức cho thấy dở chỗ nào, “tệ hại” ra sao). Riêng tôi, tôi thấy thơ ba câu của Trần Hữu Dũng (THD) có nét độc đáo, mang hơi thở của miền quê Nam bộ. Trước hết, xét về hình thức, thơ ba câu của THD có thể gọi là thơ haiku được không? Tôi cho là có thể và cũng không thể. Vì chúng giống và khác haiku ở chỗ: 1. Tuy bài thơ chỉ có ba câu và không vượt quá 17 âm tiết, nhưng cấu trúc âm tiết trong haiku thường là 5-7-5, trong khi đó thơ ba câu của Trần Hữu Dũng thường có 12 âm tiết (phần lớn là câu 4 chữ, câu ít nhất 3 âm tiết, nhiều nhất 6 âm tiết); 2. Cả hai đều không miêu tả cảm xúc, chủ yếu chỉ ghi nhận hiện tượng và sự vật đang diễn ra ở thì hiện tại, nhằm gợi sự tưởng tượng của người đọc; 3. Trong haiku, câu thứ nhất thường phải có kigo (季語, quý ngữ), nhằm chỉ mùa trong năm hoặc gợi tả về thời gian; còn câu đầu trong thơ ba câu của THD chủ yếu là không gian, đôi khi là thời gian. Câu hai và ba trong haiku thường miêu tả hai ý khác nhau; còn trong thơ ba câu của THD, câu ba luôn là ý chuyển tiếp, bổ sung cho câu hai.
    Thơ ba câu của Trần Hữu Dũng độc đáo ở chỗ: rất Việt Nam, rất làng quê, có nét chấm phá nhẹ nhàng trong cách gợi tả, không nặng chất thiền như thơ Haiku (bài Mùa lũ, Chiếc lông tơ, Vạt sành, Bông dại). Riêng về từ “vạt sành”, không có nghĩa là con chim vạc , mà là từ chỉ chung cho khoảng 6.400 loài côn trùng thuộc họ Vạt sành (Tettigoniidae), bộ Cánh Thẳng (Orthoptera). Bộ này gồm có gián, cào cào, que củi, bọ ngựa, dế, châu chấu. Còn nếu nói riêng về một loài vạt sành, thì có thể đó là loài vạt sành hại bắp Mecapoda elongata (Linnaeus), một loài côn trùng thuộc họ Tettigoniidae. Xét về chính tả, tôi thấy nhiều người còn viết là “vạc sành” và cũng mang hàm ý là loài côn trùng chứ không phải loài chim.
    Trở lại thơ ba câu của Trần Hữu Dũng, có thể xem đây là sự thể nghiệm khá hợp với nhà thơ này. Dĩ nhiên, nếu tâm trạng hơn, linh cảm hơn, chợp đúng thời cơ và đậm chất nhân sinh hơn…tất cả sẽ giúp Trần Hữu Dũng sáng tạo những bài thơ ba câu hay hơn nữa.
    Cuối cùng, nhà thơ ơi, nếu một mai “đời lên hương”, xin đừng quên chất miền Tây của mình nhé! Đó là thế mạnh…

  • Đặng thanh Tùng says:

    Cùng trịnh sơn,
    Thật sự mấy bài thơ trên cũng không phải tất cả đều tồi,có điều tác gỉa làm có ba câu cho một bài thơ,mất đi một câu cho cái đề,thành ra nó tệ.Tác giả muốn làm một thứ haiku Việt Nam mà không nắm được tinh thần haiku Nhật mới có hiện tượng nầy.Tôi hy vọng lần sau sơn sẽ đọc được những bài thơ “cùng thể” khá hơn từ trần hữu dũng.

  • Nguyễn Hoàng says:

    tôi thích thơ hai kâu (Lê Đạt), ba câu (Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan, và bây giờ Trần Hữu Dũng).
    ‘Bài học vỡ lòng’ không biết vì sao mà rất bắt với tôi – nó đụng tới cái gì ngoài bài thơ? Mà nếu là ngoài, là ngoại vi, thì tôi không dám bàn, kẻo lại thêm một auto writing.

    Vạt sành: Có cố ý vạt, thay vì vạc(hay vì nam bộ c như t mà t như c?)

    Quán nhậu vỉa hè
    Ruồi bu & Chó ngủ
    Mặt trời soi tỏ mặt người

    xứng đáng treo ở tất cả mọi quán nhậu trên quan lộ hay trong hẻm phường. Đáng treo nữa ở mọi cửa quan, công sở nhà nước, hay trụ sở đảng đoàn. Nó thi vị và hữu ích hơn mọi lời dạy dỗ.

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    Ðêm qua tôi đọc lướt qua các bài thơ hài cú Việt 3 câu này thấy thích thích (chí ít là vì tôi lười không thích đọc các bài thơ lượm thượm), thấy chúng rất dễ thương dù có hơi bị… ngọt ngào. Thích nhứt là hai bài cuối: “Bài học vỡ lòng” và “Quán vỉa hè”. Ðịnh sáng dậy sẽ viết lời cám ơn thì thấy đã có phản hồi tranh cãi nhau… dữ dội quá 🙂

    Cám ơn nhà thơ Trần Hữu Dũng và mong anh sẽ tiếp làm mấy cái “croquis” bằng thơ 3 câu kiểu này về đời sống hàng ngày ở quốc nội.

    Và hoan hô & thanks anh Huỳnh Lê Nhật Tấn đã lên tiếng.

  • Liêu Thái says:

    Cám ơn anh Trần Hữu Dũng thật là nhiều!

    Một chùm Haiku tiếng Việt mang đậm hơi thở đương đại và được viết lên bởi một giọng thơ rất ‘Miền Tây’ – phóng khoáng, trữ tình và sâu lắng…

    Tôi nghĩ rằng Trịnh Sơn rất hâm mộ và quí mến anh nên cố gắng comment kiểu tào lao để độc giả rơi vào cái bẫy của hắn mà comment tùm lum tà la cho anh thêm hot đó thôi!

    Nhưng dẫu là ở tâm thế nào thì cách dùng chữ nghĩa của Trịnh Sơn cũng có vấn đề.

    Thứ nhất: Nếu mượn comment để làm anh hot thì lại vô hình trung hỗn xược với anh, vì anh chả cần cái comment này thì độc giả hâm mộ anh cũng không thiếu.

    Thứ đến, nếu hắn thật tâm chê chùm thơ trên đây, thì hắn là đứa hũ nút, chữ nghĩa bá vơ, không biết gì về thơ nhưng ưa nói càn nói quấy.

    Vì không ai nghiêm túc, có lòng tự trọng và có tư cách lại dám chê chùm thơm này là tệ hoặc không hay. Vì chùm Haiku Việt này rất hay (xin mở ngoặc chỗ này, nếu tác giả không gọi đó là Haiku thì tôi sẽ viết một bài phân tích Haiku cho chùm thơ này để chứng minh điều tôi vừa nói).

    Một lần nữa xin chúc anh Trần Hữu Dũng sức khỏe, an lạc! Và chắc anh cũng thừa biết, văn nghệ dạo này bế tắc, chuyện một vài người đang dễ thương bỗng dưng nói năng điền cuồng, ngông nghênh là chuyện rất bình thường, nó không ảnh hưởng hay phương hại gì đến thơ! Hi!

  • Tôi đọc về những nhận xét của anh cái gì đó bất ổn vì ý nghĩ vờ vệt và u mê về suy nghĩ trong thơ. Với tự bạch là văn chương (tiếng) Việt Nam có ngày hôm nay nghe trái pháo và ngông. Một điều cái ngông đó màu mè liếm lác từ miền đất lạ vô cuống họng Trịnh Sơn.

    Thơ là gì? là con chuột bạch cho nhiều bộ môn khoa học nhân văn hiện đại và đương đại. Đó là cách nói của Nhà phê bình Đặng Tiến. Với tôi đọc bài thơ này của Trần Hữu Dũng nằm trong toàn vẹn ý tưởng. Có thể anh đi trong nhiều chức năng thi pháp, hình thức diễn ngôn rất ngắn.

    Lần cuối cùng tôi nghĩ anh nhìn lại chính anh. Vì thơ là ngôn ngữ bất định theo thời gian chuyển tiếp ý nghĩ, không mấy ai phê phán so với truyện ngắn. Anh là ai đứng ở vị trí nào để để phát ngôn một cách nhạt và thiếu vắng bản năng chính mình chỉ là kẻ khác dạy dỗ anh. Anh viết : ” Hôm nay đọc mấy câu này tệ hại quá..”.

    Một kẻ luôn trịnh trọng cải lương thì chỉ là vết sơn màu mè.

  • trịnh sơn says:

    ráng đọc xong mấy câu vớ vẩn này, mới biết tại sao văn chương (tiếng) việt nam có ngày hôm nay! ôi hỡi nhà thơ vỹ đại ơi! anh có bao giờ tự đọc lại những lời anh vứt ra thế giới? có bao giờ anh đủ can đảm đọc cho thằng cu tí con anh nghe những bong bóng nhiêu lộc vỡ trên đời anh? tôi yêu anh từ lúc tôi còn nhỏ, từ những câu thơ mẹ tôi chị tôi chép trong sổ tay, thế mà hôm nay đọc mấy câu này tệ hại quá… thất vọng quá… cảm ơn DAMAU cho tôi diễn đạt cảm nhận của 1 người đọc! vĩnh biệt trần hữu dũng!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)