Trang chính » Sáng Tác, Thơ Email bài này

Bọn tao

 

 

 

Bọn tao là một khối đặc
Bọn tao già đi nhưng không lệ thuộc vào một niên đại
Bọn tao không chấp nhận sự thông suốt
Bởi sự thông suốt đe dọa tính đặc của bọn tao

Bọn tao ngăn cản mọi sự túa ra
Bọn tao bưng bít
Bởi sự túa ra làm cho bọn tao hở

Bọn tao chống mọi lực đẩy
Bọn tao trì kéo
Bọn tao kết chùm
Bọn tao vinh danh quán tính và thần thoại quá trình quánh

Bọn tao hút hết mọi điều hiển nhiên vào chất ruột đen kịt
Từ lớp bụi mỏng phập phù của chứng cứ
Cho tới những hạt sạn gân gổ của phản biện
Trộn chúng vào làm ruột bọn tao đen thêm

Bọn tao xử thế bằng cách lăn tròn
Đó là truyền thống của bọn tao
Lăn tròn làm tất cả nhỏ đi
Nhưng tất cả sẽ không phát hiện ra sự nhỏ đi
Cho nên làm gì có sự nhỏ đi

Bọn tao biết trước sau rồi cũng bị toát hơi
Hoặc nhão ra dưới sức vặn khổng lồ của những viễn kiến nhân loại
Bọn tao nghĩ tới chuyện phơi khô
Để dành và không bao giờ rửa
Không bao giờ được rửa

4/2011

 

 

 

.

bài đã đăng của Lê Đình Nhất Lang

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

18 Bình luận

  • levinhtai says:

    Bài thơ hay. Không chỉ vì “Bọn tao là một khối đặc” mà còn ở khẩu khí của Lê Đình Nhất Lang. Lâu nay nhiều bài thơ cứ loay hoay cách tân ẩn dụ mà ít sử dụng được giọng điệu này. Thi sĩ Nguyễn Đăng Thường thích quá bật ra luôn mấy ý kiến. Cũng vui.

    Huỳnh Lê Nhật Tấn có câu vậy mà vui: “Thơ là cung trời tự do mỗi người tự sướng trong suy tưởng…”

  • Huỳnh Lê Nhật Tấn says:

    Tôi đọc bài thơ ” Bọn tao” cảm thấy rơi trong sự nghẹt thở và ở nơi đó ngôn ngữ ám chỉ về ranh giới ở trạng thái so đo đáy lòng với hình ảnh dung dị đời thường, bảo thủ trong chính cái đối thoại đời sống tàn sụp như bức tường rêu phong
    nức còn màu viên gạch đỏ nâu.

    Cái gì đó lăn lốc tròn nhỏ đi – to dần và nổ tung toạt hơi như xã hội là một bông bóng nổ vỡ.Chúng làm tôi hả dạ & xoa diệu bởi cái tôi đang muốn đối thoại là bọn chúng khô héo và không rửa.

    Những mệnh đề chạy nhảy trong tâm tưởng tác giả điều phối nhịp chữ.Mỗi khi ai đó đọc có cái gì bám víu, phe cánh và đối lập.

    Thơ là cung trời tự do mỗi người tự sướng trong suy tưởng
    Bài LĐNL đọc thấy hay mở ra lòng người đúng là bầy đàn.

  • chu thụy nguyên says:

    Tôi đọc bài thơ Bọn Tao vài lần, đoc ý kiến của Ông Nguyễn Đăng Thường ngay sau đó 3 lần và thấy những tâm đắc và cái nhìn của tôi cũng giống với những gì Ông Nguyễn
    Đăng Thường đã viết. Quả là bài thơ hay ! Có thế thôi ! Chúng ta có thể làm năm sáu chục bài, thậm chí cả trăm bài, nhưng để có một bài tuyệt tác mà đa số mọi người đều công nhận chẳng phải là dễ. Bài đó trước hết nó phải tích tụ bởi tràn đầy cảm xúc và trào dâng ra
    ngòi bút một lèo thì mới có hồn và hay như vậy.
    Tôi lại đọc ý kiến của Ngài ký tên là ” Đọc Giả ” phê bình Ông Nguyễn Đăng Thường,
    đọc đi đọc lại 4 lần.Thú thật tôi chả hiểu Ngài ” Đọc Giả ” có ngụ ý gì khi phê phán như vậy. Riêng cá nhân Ngài có quyền không ưa ” Bọn Tao ” nhưng không thể phê phán người khác
    thích và ngợi khen tác phẩm đó. Và rất vô lý khi ở mục thứ 3 trong ý kiến của Ngài, Ngài đã viết : ….” có điều họ không nhất thiết phải bộp chộp như NDT “. Sao lại là bộp chộp ?
    Tôi thật sự chẳng hiểu ý Ngài chút nào. Chẳng hạn như sáng sớm tôi ra vườn, thật bất ngờ trong khóm hoa Tulip nở ra cho tôi một đóa thật hàm tiếu, đẹp tuyệt vời. Sướng quá ! và chẳng cần suy nghỉ, tôi hét to lên : – Đẹp quá !… như vậy tôi bộp chộp hay sao ??!!
    Kính chào Ngài,
    Chu Thụy Nguyên

  • PHỤC AN says:

    Cám ơn Lê Đình Nhất Lang đã cho đọc một bài thơ hay và rất hạp ý.

  • thuy says:

    Bài thơ hay, có người nhìn thấy như một tuyệt tác đó là ý kiến riêng của ông ấy , có người nhìn thấy nó hay nhưng không đủ là tuyệt tác cũng là 1 ý kiến, có người không thấy hay vì chắc là họ làm hay hơn. Tại sai lại phải cho ý kiến mình mới đúng trong khi đó chỉ là ý kiến cá nhân?
    Riêng tôi, tôi thấy bài thơ cô đọng, gói ghém nhưng đầy đủ , trọn vẹn , và lạ.

  • một độc giả says:

    NĐT:

    1. motdocgia hay Nguyen Tam Bao hay xyz thì cũng không khác gì nhau, quan trọng là điều đang thảo luận, không việc gì phải ầm ĩ, viện dẫn lung tung

    2. NĐT đã xúc phạm LĐNL và bài thơ “bọn tao” khi dùng trò tiếp thị rẻ tiền để gây sốc, cho dù hậu ý của trò tiếp thị này là để promote bài thơ . Một tác phẩm, bất kể thuộc hình thái nghệ thuật nào, tư nó phải có khả năng gây sốc nếu là một tuyệt tác. Hành đông thiéu suy nghĩ của NĐT là một xúc phạm cho tác gia? và tác phẩm, biên luân lòng vong theo kiểu “không có tuyệt tác” như NĐT sẽ chẳng đi đến đâu . Nếu không có tác phẩm nào là tuyệt tác thì tại sao laị la toáng lên ? Hoặc chỉ có kẻ khác mới được quyền đân độn ?

    3. Không có NĐT thì cũng có nhiều ngưỡi khác nhìn ra giá trị của bài thơ, có điều họ không nhất thiết phải bộp chộp như NĐT

    4. motdocgia cho rang NĐT không biết cóc gì về những điều Nguyen Tam Bao muốn nhắm vào, vội vã “đồng ý với anh hoàn toàn” Đồng ý hoàn toàn thì con đóng góp làm gì cho phí đất Da Màu ? Chủ ý của motdocgia là muốn “thảo luận” với NTB chứ không hề với NĐT, nhưng chuyện “gây sôc” bậy bạ này thì không thể bỏ qua được . Tuy nhiên, không có pháo kích ai đâu, làm vậy thì người ta lại “suong” thôi chứ ích gì mình

    5. Nói xong rồi thôi, chúng ta chưa hề biết nhau, nước sông nước giếng không đụng nhau, vụ chạm kiếm này coi như ngoài ý muốn .

    6. Thôi nhé . Muón nói gì thì hãy nói một mình, từ đây

    So long

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    @một độc giả

    1. Trước tiên, xin thưa “một độc giả” (một tiểu thư?) nổi giận đùng đùng như Hoạn Thư (hay Hoạn Quan?) trông ngoạn mục chẳng giống Tác Dăng nổi giận (da trắng) mà giống như Trương Phi phùng mang (da đỏ).

    Kế đến kẻ hèn này xin phép cό đôi dòng tâm sự:

    1. Xin hỏi: “một độc giả” này là ai, tại sao phải dấu tên, dấu mặt? Nếu không phải là mặt chuột, mặt chồn, mặt khỉ hay mặt phụ nữ Ả-rập thì cớ chi mà phải trùm kín burka từ đầu tới đuôi?

    2. Tại sao “pháo kích” kẻ hèn này? Lối viết úp mở của “một độc giả” chắc không phải là “để gây sốc, để phục vụ cho khuynh hướng/sở thích của mình”? Phản hồi của “một độc giả” ngoài việc “tấn công” tôi thì cũng chỉ cόp pi lại các luận cứ (áp lực bên ngoài) của tôi trong phản hồi tác giả Nguyen Tam Bao, một em mèo giấu vàng ròng khác.

    3. Xin bác chú/ cô dì/ ông bà/ anh chị/ lão ấu, ký “một độc giả” vui lòng cho tôi biết “khuynh hướng/sở thích” của tôi là gì, vì chính tôi cũng chưa rõ. Nếu “khuynh hướng/sở thích” của tôi là “gái bia ôm” thì sử dụng “công trình sáng tạo của LĐNL” nghĩa là thi phẩm “Bọn tao” như là một “công cụ” thì hơi bị “xìu” đό nhe.

    4. Tôi là người đầu tiên khen/ gọi “Bọn tao” là “tuyệt tác”. Nhà thơ Chân Phương và họa sĩ Trịnh Cung sau đό cũng đồng ý, cớ chi “một độc giả” lại úp mở vu khống tôi nọ kia kia nọ như “tòa án nhân dân” vừa rồi?

    5. Xin thưa: Tôi muốn “gây sốc” (một cách nόi) gây sự “chú ý” về một thi phẩm “hay”, nên tôi gọi nό là “tuyệt tác” chứ không cό “chủ tâm” nào khác, và đã giải thích rõ ràng rằng chẳng cό tác phẩm dù lớn thế mấy cũng không thể là “tuyệt tác” trăm phần trăm.

    6. Cuối cùng, chόt nhưng không chét, chỉ cό những Tên Đần Độn như Chí Tèo mới không biết rằng “một bài thơ cό thể là một “tuyệt tác” trên phương diện văn chương nhưng vẫn không “đúng hẳn” ở các khía cạnh khác, như thuyết “hồng nhan mệnh bạc” trong Truyện Kiều chẳng hạn. Etc, etc…

  • Hoàng Đại Dương says:

    xin hỏi một độc giả, trước ý kiến của ông Nguyen Tam Bao, ông Nguyễn Đăng Thường viết câu gì mà ông/bà bảo là lạm dụng? Ông/bà đọc thơ hay đọc ý kiến?

  • Cung Tích Biền says:

    Tuyệt trù nhơn gian. Cảm ơn Lê Đình Nhất Lang.
    CTB.

  • một độc giả says:

    Nguyễn Đăng Thường sử dụng công trình sáng tạo của LĐNL như là một công cụ để gây sốc, để phục vụ cho khuynh hướng/sở thích của mình. Đây là một lạm dụng không thể chấp nhận được, nhất là khi sự lạm dụng này đến từ một người cũng làm thơ. Trong trường hợp này, lời bình của Chân Phương đáng trân trọng hơn, và “Bọn tao” của LĐNL tiếp tục là một tuyệt tác bất kể những lạm dụng hoặc phỉ báng.

    Nguyen Tam Bao: Nung nóng nội tại chỉ có thể xảy ra với các chất liệu phóng xạ. Lập luận của NTB chỉ có thể chấp nhận được khi NTB thừa nhận VCP là một thứ chất liệu như thế, đã và đang nhiễm độc cả nước hàng mấy chục năm nay. Vấn đề còn lại là thời gian để chất liệu này hoàn tất tiến trình tự hủy.

    Nếu NTB không thích lối suy luận này, khối đặc là chọn lựa duy nhất còn lại. Và bởi vì không thể tự làm tan chảy, khối đạc cần được nung bởi/từ bên ngoài.

    một độc giả

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    @Nguyen Tam Bao

    Rất đồng ý với anh (?) Nguyen Tam Bao.

    Thế nhưng, cái nhìn khoa học và phân tính chính xác Lịch Sữ như vậy thiển nghĩ e bị nặng phần bi quan quá chăng? Lịch sử, nếu không luôn luôn, thì cũng thường xuyên cό những cái/những cú bất ngờ không thể tiên đoán được. Do vậy, những anh chàng Don Quixote khẳng khiu như lý tưởng, độc thân độc mã hay cό thêm một anh tớ Sancho Panza mập mạp như hòn xôi Bờm, chơi dại đâm cối xay giό mãi thì cánh giό biết đâu cũng sẽ lung lay?

    Nếu không cό chiến tranh lạnh ròng rã bao nhiêu năm trời và cuối cùng là sự hiệp lực của Ronald Reagan với Margaret Thatcher thì chưa chắc đế quốc đỏ sẽ tự nό giải thể. Thế chiến thứ hai – áp lực bên ngoài – là một cái “bất ngờ” đã giúp cho Việt Minh lên nắm chính quyền. Áp lực từ ngoài của các phong trào phản chiến Mỹ-Việt-Thế Giới, các nhà sư tự thiêu đã làm suy yếu thế lực của đồng minh trong chiến tranh VN. Các chế độ độc tài Trung Đông hiện nay đang bị sức ép bên ngoài của các cuộc cách mạng Hoa Lài. Bọn độc tài rất sợ áp lực từ ngoải nên chúng luôn luôn trấn áp, kiểm duyệt. Vân vân.

    Ngoài ra, gọi thi phẩm “Bọn tao” của Lê Đình Nhất Lang là “tuyệt tác” chỉ là một cách gọi để gây sốc, gây chú ý – tất nhiên khác với ca tụng, tâng bốc. Bởi lẽ rất giản dị là chẳng cό tác phẩm nào thực sự là “tuyệt tác” cả, dù là “Truyện Kiều”, hay “Ulyssus”, hay “Đi tìm thời gian đã mất”. Kafka không hài lòng với các cuốn truyện của mình nên đã dặn dò bạn thân phải đốt bỏ hết. Nếu gọi một cách “khiêm tốn” một thi phẩm hiếm hoi như “Bọn tao” là một bài “thơ hay”, một bài thơ “rất hay” thì hơi bị dè sẽn, tiết kiệm lời nόi không đúng chỗ chăng, vì một bài thơ tình lãng mạn của bất cứ ai xuất hiện nhan nhản khắp nơi, cό những ẩn dụ, hình ảnh đẹp mắt, mỹ từ êm tai cũng cό thể là một bài “thơ hay”, “rất hay” được chứ.

    Thân ái.

  • Nguyen Tam Bao says:

    Một bài thơ hay, nhưng chưa phải là tuyệt tác

    Ấn dụ của khối đặc còn thô sơ, vì nghĩ tới nghĩ lui thì cái đám “bọn tao” thật khó mà coi là một “khối đặc”. Đúng hơn đó là một khối tinh thể lỏng, tức là chẳng phải lỏng mà cũng chẳng phải đặc, mang đầy đủ đặc tính đàn hồi co giãn của cái lũ “ở bầu thì tròn mà ở ống thì dài”.

    Cái khối tinh thể lỏng này cũng có đầy đủ đặc tính mô tả trong bài thơ như căm ghét sự thông suốt, chống trì kéo, duy trì quán tính và thần thánh hoá quá trình kết tinh, v.v.

    Cái đáng sợ hơn là nhờ cái tính co giãn đàn hồi mà nó có khả năng chịu đựng được áp xuất cao, và chỉ có thể bị tan chảy bởi sự nung nóng nội tại chứ chẳng phải vì viễn kiến nhân loại gì sất.

    Thế nên đừng mơ mộng là nhờ ngoại lực tác dụng hay những thứ nhảm nhí như “viễn kiến nhân loại” để làm tan chảy cái khối này. Chỉ có thể làm nó tan chảy khi nhiệt độ trong lòng nó nóng lên đến điểm tới hạn mà thôi. Lúc đó thì sự chuyển pha sẽ diễn ra không thể đảo ngược.

  • chân phương says:

    NĐT khen bài thơ này “tuyệt tác” là không quá lời! Đây là kết quả của trầm tư dài hơi
    về một ám ảnh, hóa thành cái tứ “KHỐI ĐẶC” được triển khai thành các câu thơ hàm súc đan dệt quanh một ý tượng chủ chốt ( dùng từ chuyên môn thi học là extended metaphor).
    LĐNL đã chứng minh qua bài thơ masterpiece ngắn này một điều căn bản về sáng tạo thi ca, một điều mà các người thích lý lẽ hoặc ngôn thuyết ồn ào về cách tân và thử nghiệm thường bỏ quên là công phu thâm hậu của một thi sĩ sẽ được minh chứng bằng một bài thơ nhất dĩ quán hạ trong đó tư tưởng , hình tượng, cảm xúc được kết tinh một cách tuyệt diệu khiến các độc giả có trình độ phải tấm tắc đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc đều có khám
    phá mới về thi phẩm.
    Có ý kiến cho rằng bài thơ này ám chỉ một tập đoàn đảng trị nào đó – điều này không sai
    nhưng có thiếu sót. Loại thơ ẩn dụ vốn đa nghĩa với nội hàm mở tùy theo kinh nghiệm và
    cách diễn giải của từng người đọc.
    CHÂN PHƯƠNG

  • trịnh cung says:

    Bài thơ này hay quá,bravo LDNL.

  • phương nguyễn says:

    Bài thơ hay! Ẩn dụ rất thông minh. Tuyệt! Tks. “bọn tao” chắc sắp tiêu rồi!

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    Một tuyệt tác. Cám ơn thi sĩ Lê Đình Nhất Lang.

  • Bắc Phong says:

    bọn nào mà đặc thế
    con cháu chúng thì sao
    có đứa nào chưa quánh
    còn thể lỏng đứa nào
    có ai nghĩ bọn đặc
    chỉ cứng như thạch cao
    nếu chịu cầm búa đập
    chúng sẽ vỡ rào rào

    Cảm ơn Lê Đình Nhất Lang đã cho đọc một bài thơ thật là tâm đắc. BP

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)