Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Nhận Định, Tư Liệu Email bài này

ông đại sứ và ông tổng thống: nhìn lại cuộc đảo chánh 1-11-1963 tại sàigòn 60 năm trước (kỳ 3)

 

image

Tổng Thống Kennedy (phải) thảo luận với Henry Cabot Lodge – Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam mới được chỉ định, tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 15 tháng 8, 1963, trước khi ông Lodge lên đường tới Sàigòn
(Hình: Abbie Rowe—Thư Viện Tổng Thống John F. Kennedy, Boston, Massachusetts)

 

Kennedy khó xử về Diệm

Lời dẫn của Đinh Từ Thức: 

Cuối bài kỳ 2, bạn đọc đã thấy quan điểm cùa một nhà ngoại giao chuyên nghiệp Mỹ, Đại Sứ Frederick Nolting, đó là Mỹ không can thiệp vào VN, và Tổng Thống Kennedy đã hai lần xác nhận với Tổng Thống Diệm như vậy. Nhưng chỉ có nhà ngoại giao chuyên nghiệp, không bao giờ có tổng thống chuyên nghiệp. Tổng thống là chức vụ chính trị, muốn thành công, phải biết xoay trở, tiến thoái theo tình thế.

Theo thể chế Mỹ, quan tâm chính của một ứng cử viên tổng thống, là làm thế nào để đắc cử. Và đắc cử rồi, làm thế nào để được tái cử. Người đắc cử với tỉ lệ cao, có thể yên tâm về chuyện tái cử. Người đắc cử với tỉ lệ khít khao, mối lo tái cử đe dọa thường trực; làm gì hay không làm, cũng phải đắn đo, sẽ được hay mất phiếu. Chỉ vì lo cho cái nhiệm kỳ thứ nhì, một ông tổng thống đã phải từ chức, mang tiếng xấu xuống mồ, và cũng vì cái nhiệm kỳ nhì, một ông tổng thống khác đạt kỷ lục lịch sử với hai lần bị luận tội trước Quốc Hội, và gần trăm khoản bị truy tố trước toà.

Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 1960, cả Kennedy và Nixon, mỗi người đều được trên 34 triệu phiếu, Kennedy chỉ hơn Nixon cái số lẻ khoảng vài trăm ngàn. Đắc cử mong manh, rồi bắt đầu nhiệm kỳ với những khó khăn liên tiếp, cả từ quốc nội đến quốc tế. Quốc nội với nạn kỳ thị, chia rẽ, giầu nghèo chênh lệch, giáo dục thiếu sót… Quốc tế thì từ Cuba đến Bá Linh, Congo, rồi Lào, toàn những vụ khó nuốt, và rồi đến Việt Nam.

Năm 1951, Dân Biểu trẻ 34 tuổi, đẹp trai, con nhà giàu, John Kennedy đã tới Đông Nam Á quan sát tình hình. Tại Sàigòn, Kennedy đã gặp một viên chức ngoại giao trẻ, đứng đầu một sở tại Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ ở đây. Hỏi thăm về ông Diệm, người mà Kennedy đã biết ở Mỹ, nhà ngoại giao này nói ông ta không nghĩ rằng một người Công Giáo có thể thành công trong một nước có trên 90 phần trăm người theo Phật Giáo.

Thế rồi, một thập niên sau, cả ông Diệm và Kennedy đều là tổng thống Công Giáo đầu tiên của nước mình, và Tin Lành cũng đông hơn Công Giáo ở Mỹ, giống Phật Giáo so với Công Giáo ở Việt Nam. Vụ Phật Giáo chống Diệm nổ ra ở Huế ngày 8 tháng 5, 1963, tiếp theo là những vụ tự thiêu, rúng động dư luận thế giới, khiến Kennedy giật mình. Chuyện của Diệm mà cũng là chuyện của mình. Có lẽ Diệm không cảm thấy bấp bênh về chuyện tái cử, vì ông đã thắng trên 90 phần trăm hai năm trước. Nhưng Kennedy sẽ trả lời thế nào trước các câu hỏi hóc búa vào kỳ tranh cử năm 1964, đại loại như: cùng là tổng thống Công Giáo đầu tiên của nước mình, ông nghĩ gì về vụ Phật Giáo chống Diệm ở VN, ông đứng về phe nào? Giữa Diệm và các nhà sư, ai phải ai trái? Hoặc, ông nghĩ thế nào về lời tuyên bố của Bà Nhu, người có vai trò như Jackie ở Sàigòn, rằng bà ấy sẽ vỗ tay reo mừng nếu có thêm những vụ “nướng sư”?

Kennedy chẳng có thù oán gì với Diệm, công nhận Diệm là người hiếm có, với thành tích tốt, vẫn vững vàng sau mười năm chống Pháp, chống Cộng. “Dù sao, có thể đến lúc chúng ta phải có giải pháp về Diệm, và tôi nghĩ điều đó sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng”. Kennedy đã nói với Lodge như vậy, tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, vào sáng 15 tháng 8, 1963, trước khi ông này lên đường nhậm chức Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn. “Phải có giải pháp về Diệm” là thế nào? Kennedy không nói rõ, và đã trao cho Lodge toàn quyền xem xét và quyết định.

Ngoài điểm chính là phải có giải pháp về Diệm, hai ông Kennedy và Lodge còn thảo luận về mấy chuyện liên quan, như kế hoạch đối phó với đám ký giả Mỹ ở Sàigòn. Kennedy hỏi Lodge có đọc bản ghi nhớ (memorandum) của Roger Hilsman không, về cuộc nói chuyện giữa ba người tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, gồm: Roger Hilsman, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông; Robert Manning, Phụ tá Ngoại Trưởng về Công Vụ; và có cả Henry Cabot Lodge nữa. Manning mới về từ Sàigòn, nêu ra nhận xét về tình hình báo chí ờ đó, và thảo luận để tìm cách giúp Lodge đối phó với họ,

Kennedy và Lodge cũng đề cập về tình trạng có thể nguy hiểm tới tính mạng cho anh em ông Diệm, dựa vào lời tiên đoán báo động của Bà Trần Văn Chương. Ông Lodge là Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong suốt nhiệm kỳ Tổng Thống Eisenhower. Bà Chương là Quan Sát viên thường trực của VNCH tại LHQ, nên bà Chương quen biết ông Lodge ở đó. Trước khi đi VN nhậm chức, ông Lodge đã muốn gặp Ông Bà Chương để tìm hiểu về tình hình VN, và đã được mời ăn tại Toà Đại Sứ VNCH vào 8 giờ tối 14 tháng 8. Hồi còn làm việc ở LHQ, cả Bà Chương và Ông Lodge đều biết rõ những gì đã xảy ra trong cuộc đảo chánh tại Iraq năm 1958. Trong biến cố này, ông Nuri al-Said, một người từng làm thủ tướng 14 lần qua nhiều chế độ, đã bị thảm sát. Bị giết, xác chôn rồi còn bị đào lên, vất ra đường cho xe cán nát bấy. Do đấy, Bà Chương mới cả quyết với Ông Lodge là anh em ông Diệm sẽ bị giết nếu không ra đi. Hôm sau, Ông Kennedy nghe kể lại chuyện này, cũng cho là Bà Chương có lý, nhưng không có chỉ thị rõ ràng nào cho ông Lodge.

Cuộc đối thoại này giữa Tổng Thống Kennedy và Đại Sứ Lodge có giá trị đặc biệt. Nó không phải là những gì được ghi lại sau nhiều năm về điều đã xảy ra, mà là những gì do người trong cuộc tự nói ra về các suy nghĩ và dự tính mà họ sẽ/muốn thực hiện ngay trong thời điểm của biến cố. Từ trước, nhiều người vẫn nghĩ rằng cho đến thời Nixon mới có hệ thống ghi âm tại Phòng Bầu Dục. Mãi đến năm 1982, qua tiết lộ với báo Newsweek của Bà Evelyn Lincoln, thư ký riêng của Tổng Thống Kennedy, dư luận mới biết đã có hệ thống thu âm từ thời Kennedy. Các băng ghi âm tại đây đã được trao cho Thư Viện TT Kennedy từ năm 1976. Băng ghi âm cho cuộc đối thoại này được cho công chúng biết từ năm 2009 (nhưng vẫn còn 38 giây giữ bí mật, và không có phần khởi đầu). Bản ký tự (transcript) từ băng ghi âm về cuộc đối thoại này đã được thực hiện bởi sử gia Luke A. Nichter. Ông này cho Thư Viện Kennedy biết vào tháng 12 năm 2016 là cho đến lúc ấy, cuộc đối thoại này chưa bao giờ được công bố và chuyển sang ký tự.

Vì giá trị đặc biệt của tài liệu, người viết đã dịch toàn thể cuộc đối thoại từ nguyên văn bản ký tự. Phần chú thích trong ngoặc [vuông góc] là của sử gia Nichter, người làm ký tự, trong ngoặc (bầu dục) là của người dịch (Đinh Từ Thức).

***


Đối thoại giữa John F. Kennedy và Henry Cabot Lodge về Ngô Đình Diệm

JFK Tape A40
August 15, 1963, 11:00 a.m – Oval Office
President Kennedy and Henry Cabot Lodge Jr.

[00:4.144]


Lodge
: … tất cả sẽ bị ám sát: con gái bà ta [Bà Nhu]. Con rể Nhu, và Tổng thống – Diệm. Và bà ấy nói “[không rõ], tất cả họ sẽ bị ám sát. Tôi không có thắc mắc nào về chuyện đó”. Chỉ còn một hy vọng là họ phải ra đi. Và bà ấy nói, “Tôi hy vọng ông” –Lodge, “sẽ khuyên họ ra đi”.

Kennedy: Bà ấy không nghĩ chuyện này có thể cứu vãn được – phải vậy không?

Lodge: Không. Không thể cứu vãn. Và bà ấy nói, “Nếu ông khuyên họ ra đi, và họ không theo lời khuyên của ông, hãy cho tôi biết và tôi sẽ về để cố gắng khuyên con gái tôi. Bây giờ người con gái này, Bà Nhu, lúc nào cũng hung hăng và không thể, và — không kh – không ngu đần, nhưng –

Kennedy: Vậy à.

Lodge: — nhưng khùng.

Kennedy: [Không rõ]

Lodge: Đúng thế. Dữ tợn, và cứng đầu.

Kennedy: Ừ.

Lodge: — và giận dữ. Khi bà ấy ở đây tại Washington vài năm về trước, bà ấy đã uống quá liều thuốc ngủ và người ta đã phải rửa ruột cho bà. Bà ấy luôn là một thử thách khủng khiếp cho (Ông Bà Chương – bố mẹ bà). Bà [Chương] nói rằng bà (Nhu) thường ăn nói như vậy và cả bọn họ đều ăn nói như vậy – vì Diệm và Nhu, đây chính là điều họ thực sự nghĩ trong đầu, và họ thích được nghe bà ấy nói ra như vậy.—

Kennedy: Ừ.

Lodge: –cho nên đây là một tiết lộ khá thú vị.

Kennedy: Bà này [Bà Chương, nhũ danh Thân thị Nam Trân] có phải là người theo đạo Phật không?

Lodge: Ồ, vâng. Bà ấy là một Phật tử, và là người rất sùng đạo. Và bà Nhu sinh ra là một Phật tử và rồi—

Kennedy: Trở thành người Công Giáo.

Lodge: — một người cải đạo. Tôi chẳng biết bà ấy có phải là một giáo dân tốt không.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Xin ghi nhận như thế.

Kennedy: Bà ấy có vẻ chính trị. Bà ấy từng nói nhiều về giáo hội [không rõ] [cười]

Lodge: [cười] Đúng thế, Đúng thế. Và đây là chuyện tối quan trọng, nên tôi nghĩ ông muốn biết.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Đó là chuyện xảy ra với tôi tối hôm qua. Bây giờ là chuyện tôi sẽ phải có một cuộc họp báo khi tôi tới Sàigòn, và tôi chỉ muốn trình trước với ông vài câu trả lời – ông thấy, bà Nhu, bà ấy đã công kích tôi rồi đấy.

Kennedy: Ừ. Tôi có nghe nói.

Lodge: Và tôi nghĩ, nếu tôi bị hỏi về chuyện này, tôi sẽ chỉ nói là miễn bình luận.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Quan điểm của tôi là bà ấy là một thường dân. Bà ấy không có vai trò chính trị hay chức vụ. Nếu tôi gặp bà ấy, thì cũng chỉ là gặp một công dân. Và rồi, nếu tôi gặp một câu hỏi về Hoa Kỳ, như chính sách của Hoa Kỳ là gì, phải chăng đã có thay đổi chính sách? Tôi nghĩ tôi có thể nói chính sách của Hoa Kỳ là giúp Việt Nam Cộng Hoà thắng và bảo tồn nền độc lập và lãnh thổ của mình khỏi sự xâm lấn của cộng sản.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Chúng tôi sẽ giúp những gì cần giúp, chúng tôi sẽ chống những gì cần chống.

Kennedy: Ừ. Tốt.

Lodge: Nói như vậy –

Kennedy: Ừ.

Lodge: Để không gây cảm tưởng là đã có một sự thay đổi.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Và một câu hỏi nữa tôi nghĩ họ sẽ hỏi tôi là ông có nghĩ chúng ta có thể thắng với Diệm, đó sẽ là câu hỏi hóc búa nhất mà tôi có thể đón nhận.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Người ta phải biết lường trước những câu hỏi khó–.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Tôi nghĩ ông có kinh nghiệm về điều này. Lập trường của tôi là chúng ta sẽ thắng với Việt Nam Cộng Hoà.—

Kennedy: Đúng.

Lodge: Cùng với tất cả mọi người dân trong đó. Chỉ có vậy –

Kennedy: Đúng.

Lodge: — điều tôi muốn trình ông. Và rồi khi tôi gặp ông ta [Diệm], Tôi muốn đối diện ông ta – khi tôi có dịp nói với ông ta – điều này có thể xảy ra qua nhiều cuộc gặp gỡ. Tôi không thể làm tất cả một lúc – sẽ là “Tôi mong ông sẽ thành công. Chúng tôi mong ông thắng – giúp ông mọi cách mà tôi có thể. Chúng tôi hiểu rằng ông không muốn là bù nhìn của Hoa Kỳ”. Dean Rusk còn mong được nghe tôi nói rằng tôi không muốn là bù nhìn của Việt Nam—

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Có nghĩa là chúng tôi không muốn bị làm cái đuôi của cánh diều Bà Nhu.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Bởi vì nhiều người Mỹ nghĩ rằng bà ấy là vị nguyên thủ của Việt Nam.

Kennedy: Đúng.

Lodge: Một hôm tôi đã bị một gã chặn tôi lại ở Beverly, và – ngay trên đường phố — hắn nói “Bà Nhu là ai, có phải là người đứng đầu Việt Nam?” Hắn ta đã nhìn thấy hình bà này trên bìa báo TIME, ông biết không, và – và rồi tôi đã cố tìm cách cho hắn ta biết là dù hắn tưởng chúng ta bị xỏ mũi, nhưng không ai có thể xỏ mũi được Hoa Kỳ. Bởi vì không ai có thể trói buộc được công luận Hoa Kỳ và chẳng ai có thể trói buộc được Quốc Hội Hoa Kỳ.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Và trong khi ý chí của tổng thống là tốt, quyền hạn của tổng thống thì không vô hạn.

Kennedy: Đúng thế.

Lodge: Và tôi không chắc hắn ta nhận ra điều đó. Nên đó là những điều tôi muốn nhấn mạnh.

Kennedy: Bởi vì hắn ta nghĩ rằng báo chí ngoài đó thì thật là – ông có đọc bản ghi nhớ (memorandum) của Roger Hilsman không?

Lodge: Vâng, vâng, có ạ.

Kennedy: Thế này nhá, ông có biết họ (báo chí) đến đó (VN) như thế nào không. Họ là – họ cảm thấy họ đang làm công việc của nghề nghiệp bởi vì họ đang cố loại bỏ — họ thi hành một sứ mệnh chính trị là loại bỏ Diệm, vì họ biện luận rằng, đó là con đường duy nhất để thắng. Hai năm trước đây, họ nói họ (Sàigòn) sẽ sụp đổ trong sáu tháng, bởi thế, thành tích tiên tri của họ đã không khá. Và, thêm vào đó, ông biết không, họ là một nhóm chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm. Rất nhiều người trong số họ mới qua đó vào khoảng một năm – họ từng, ông biết đấy, họ không thuộc hàng ngũ đầu tiên [không rõ]. Khoảng một ngày sau khi tôi được nghe nói họ bị đối xử thô bạo ở đó (VN), tôi được nghe về việc báo chí Mỹ bị cảnh sát đối xử thô bạo ở Rome! Thế đấy, chẳng có gì cả. Tôi đã ở đó, và họ không hề bị đối xử thô bạo. Vì thế, tôi muốn nói, ông biết các phóng viên như thế nào rồi—

Lodge: Tôi biết. Tôi từng là một (phóng viên) trong số họ.

Kennedy: — Ông biết, nhưng – họ không biết – vì thế chúng ta mới có vấn đề với họ. Tôi muốn nói, cái gã đó –Anh chàng New York Times [David Halberstam] Tôi nghĩ anh ta là một gã sáng giá, vừa viết một bài báo về việc chúng ta đang thua trận và đang có những ngày [không rõ]. Có một nhóm bè phái – ông sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ, vì họ là thế–

Lodge: Thưa Tổng Thống. Tôi định—

Kennedy: — nhiều trong số họ [không rõ]

Lodge: — có ba tờ báo chính yếu: AP, UPI, và New York Times. Chỉ có ba tay này ở đó hàng ngày—

Kennedy: Ừ.

Lodge: — từ Hoa Kỳ. Và họ sợ hãi. Họ đã từng bị cảnh sát Việt Nam áp đảo.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Bản thân họ thực sự sợ hãi. Hầu hết họ ốm yếu – bị kiết lỵ — họ nghĩ họ đã bị lừa dối, và về mặt giao tiếp, họ đã bị một vài người ở sứ quán chúng ta coi thường ra mặt. Tôi không biết chắc. Ngay ngày đầu tiên, tôi sẽ mời một người tới dùng bữa trưa với nhà tôi và tôi, và tôi sẽ yêu cầu anh ta (cẩn trọng trong việc phát biểu). Ngày kế tiếp, tôi sẽ mời người thứ nhì. Ngày thứ ba, tôi sẽ mời người thứ ba. Chúng ta sẽ từ từ chỉnh sửa như vậy, trong lúc tôi vẫn được họ coi là quá mới để có thể khai thác điều gì ở tôi—

Kennedy: Ừ.Ừ.Ừ

Lodge: –để ít nhất cho họ thấy tầm nhìn nhân đạo của sự việc.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Dĩ nhiên, họ phải biết rằng tôi sẽ không trở thành một nguồn tin hữu ích cho phe họ, nhưng ít nhất tôi sẽ không dối trá với họ. Và vì bất cứ điều gì – họ có thể tới gặp tôi. Và bất cứ quyền lợi gì mà họ được hưởng, tôi sẽ di chuyển cả trời đất để chắc chắn họ có được.

Kennedy: Dù sao, có thể đến lúc, chúng ta sẽ phải cố gắng có giải pháp về Diệm, và tôi nghĩ đó sẽ là môt giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng.

Lodge: Ồ, vâng!

Kennedy: Tôi không rõ là ông đã chuẩn bị kỹ về điều này hay chưa, hoặc loại người nào mà chúng ta sẽ ủng hộ, hoặc họ là ai—và– tôi nghĩ đó sẽ là cái chính—vấn đề chính của ông năm nay. Bà ấy (Bà Chương) nói đúng. Chúng ta không thấy tình hình nào khác diễn ra mà không tan rã [không rõ] thông tin. Có thể họ (anh em ông Diệm) cần phải ra đi, nhưng vấn đề là chuyện này sẽ được thực hiện nhanh chóng thế nào, và liệu ông có kiếm đúng người—

Lodge: Bà ấy nói rằng bà là người đầu tiên—với tôi tối hôm qua—rằng đây là tình hình [không rõ] chúng ta đã có tại Iraq, vào năm 1958.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Còn nhớ khi chúng ta giết Nuri al-Said, và mọi chuyện về vụ này? Thật ra, tôi phải —và nhân tiện, tôi muốn cảm ơn ông về việc đã giúp đỡ tuyệt vời và hỗ trợ tôi trong chính quyền này—chức vụ này—

[38 giây mật]

Kennedy: … vì chúng ta không muốn làm việc với họ (báo chí) — đó là một cám dỗ lớn để mặc báo chí hành động như chúng ta đã từng làm với Tưởng. Ông biết đấy, khi Tưởng Giới Thạch bị dán nhãn (tham ô) bởi các ký giả Mỹ, và (từ đó) công luận Mỹ được kết tạo, sự việc thành vô phương — hay sự việc có thể đã vô phương ngay từ đầu. Nhưng nhìn lại chuyện này, tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta có thể, dù trong tình trạng tệ nhất, nó vẫn sẽ khá hơn nhiều, nếu chúng ta đã làm gì đó về chuyện này. Cứ cho là tình trạng có thể vô phương, nhưng tôi—và tôi cũng biết rõ sự việc là báo chí Mỹ, và chính quyền chúng ta, bất cứ khi nào họ nói về chuyện này, kể cả ở đây, tôi chỉ muốn biết chắc rằng sẽ có ai đó khá hơn ông này [Diệm]. Nói cho cùng, ông ta đã có khả năng chống lại người Pháp, ngay cả chuyện chống lại chúng ta, tuy chưa lâu dài, nhưng chống người Pháp, rồi chống Việt Cộng, và đã làm như vậy trong mười năm. Đó là một thành tích rất tốt. Vì thế tôi không muốn chúng ta quyết định là [không rõ] sẽ khá hơn chỉ vì chúng ta bị áp lực từ báo chí. Tôi không biết rõ về chuyện này, nhưng tôi ghi nhận rằng nhóm lãnh đạo chúng ta có vẻ như luôn luôn bị (báo chí) dán nhãn.

Lodge: Đúng thế.

Kennedy: — Thái Lan, Tưởng, Nam Hàn cũng bị — mọi người chúng ta ủng hộ, luôn luôn bị coi là đồ chó đẻ. (– Thailand. Chiang, got it in South Korea—everybody we’re for always is a son of a bitch)

Lodge: Đúng thế.

Kennedy: Cho nên tôi nghĩ rằng ông phải có phán đoán độc lập về chuyện đó.

Lodge: Ông đã nhận ra những điểm tốt về Diệm. Ông ấy rất can đảm.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Can đảm về thể chất. Ông ấy có tư thái vững vàng. Và ông ấy chưa bao giờ nói “bạn làm cái này cho tôi nếu không tôi sẽ đi với cộng sản”.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Ông ta chưa bao giờ làm thế. Bây giờ không có nhiều người như thế ở Viễn Đông—có thể có vài người khác. Và nếu thế, thì việc của tôi là cố tìm ra họ. Không có nhiều người giống như thế. Và đó là điều Harriman nghĩ. Rusk đã đi tới chỗ nói rằng bất cứ ai khác hơn là Diệm.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Tôi nghĩ phó tổng thống còn tệ hơn Diệm, theo chỗ tôi biết.

Kennedy: Ừ.

Lodge: (Nguyễn Ngọc) Thơ—Ông này bết. Có vài người—có một lãnh tụ lao động mà George biết,—con tôi là George biết—[không rõ], ông ta đứng đầu hiệp hội nông dân, ông ta—ai cũng nói là người hàng đầu, vào loại thượng hạng. Nhưng bạn có thể là người hàng đầu và vẫn không là—

Kennedy: [Không rõ] để làm—

Lodge: — nhưng về mặt chính trị– đó là những gì cần thiết, ông biết đấy.

Kennedy: Ông ấy, tôi nói, tôi chỉ muốn nói, ông biết đấy, một khi dính vào chuyện dó, mọi người đều bị công kích—ông còn nhớ mọi chuyện tại Hy Lạp vào thời cuối cuộc chiến? Ông biết đấy, khi bọn cộng sản biểu tình suýt nữa lấy mất Hy Lạp, ông biết chứ?

Lodge: Vâng.

Kennedy: Và tất cả đã được viết trên báo chí Mỹ rằng chính quyền Hy Lạp có bản chất phát-xít. Vì thế, tôi không còn chút nghi ngờ gì là báo chí bẩm sinh —rất nhiều trong số họ là phóng khoáng, và một số rất—và họ chống phá bất cứ chế độ chuyên quyền nào họ [không rõ]. Rồi tới—tôi không biết—tôi không bao giờ cho rằng cha này [Diệm] trong tình trạng không thể cứu vãn được, nhưng tôi chỉ muốn biết chắc là chúng ta không bị rập khuôn vào chính sách do một vài phóng viên tự đắc và non choẹt đã lập ra cho chúng ta.

Lodge: Dĩ nhiên, tiêu điểm của họ vào lúc ấy—họ săm soi mọi chuyện—họ chỉ nhắm tới khía cạnh giật gân. Và họ không—họ không nhận ra rằng một chính phủ tập quyền là cái mà người dân luôn chịu đựng ở hầu hết các nước trên thế giới.

Kennedy: Rằng họ phải có, chỉ vì rằng không có ai khác làm chuyện đó—chỉ có mụ chó cái này (just this bitch) [Bà Nhu], dĩ nhiên. Bà ta đã làm—bà ấy đã làm—vậy đó, như tôi nói, tôi nghĩ chúng ta phải để chuyện đó hầu như hoàn toàn trong tay ông và sự phán đoán của ông. Tôi không biết liệu chúng ta có khá hơn—liệu sự thay thế có thể khá hơn. Có thể nó sẽ khá. Nếu thế, chúng ta sẽ phải hành động theo hướng đó. Nhưng tôi nghĩ, tôi phải xem xét kỹ hơn trước khi tôi đi tới kết luận theo hướng đó.

Lodge: Vâng. Bởi vì nếu—

Kennedy: (Đại sứ) Nolting luôn cảm nhận là Diệm khá hơn bất cứ ai—

Lodge: Vâng.

Kennedy: –mà ta có thể có. Bây giờ mọi người nói Diệm đã—nói rằng Nolting đã nhũn và Diệm đã [không rõ]. Dầu sao, đó có thể là chính sách đúng—

Lodge: Rất có thể như vậy.

Kennedy: –hai năm trước, mọi người đã nói rằng chúng ta sẽ chấm dứt ở đó chỉ trong sáu tháng. Và ông biết đấy, rồi chúng ta—[không rõ] đã nghĩ là chúng ta phải đưa quân Mỹ tới đó, nhưng Nolting đã nói không, ông ấy nói rằng tình hình sẽ không sao. Bởi thế, tôi nhận thấy là chúng ta không nên bị cuốn hút vì dư luận cho đến khi có cơ may biết rõ.

Lodge: Thế thì—

Kennedy: Được không?

Lodge: –rất là hữu ích. Rất là hữu ích. Tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi—

Kennedy: Thế nào, bà ấy có thích đi tới đó không? Đó thực sự là một nhiệm sở hấp dẫn nhất.

Lodge: Ồ, đó là một bổ nhiệm hấp dẫn nhất trong chính quyền, tôi nghĩ vậy.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Bà ấy rất háo hức về việc đó. Khi ông—

Kennedy: Ừ.

Lodge: –đã rất ưu ái dành cho tôi, và tôi đã hỏi ý bà ấy, và bà ấy nói được, chúng ta phải làm chứ.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Bà ấy sẽ lên đường với tôi vào Thứ Bảy.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Bà ấy rất mong đợi việc này. Và tôi nghĩ có nhiều việc bà ấy có thể làm.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Chúng ta có một cộng đồng Mỹ lớn ở đó. Và tôi nghĩ có một số hơi lo sợ–

Kennedy: Ừ.

Lodge: – sợ bị bệnh và bị bắn. Nên tôi nghĩ có nhiều việc cho bà ấy làm để đoàn kết cộng đồng Mỹ lại với nhau, đó là việc tôi hoạch định.

Kennedy: Khi nào ông tới đó?

Lodge: Thưa, sẽ sau khoảng một tuần, vì tôi sẽ đi—

Kennedy: Đi tới Hawaii?

Lodge: Tôi sẽ tới Hawaii và nghe thuyết trình vắn tắt của Đô Đốc Felt. Và rồi họ muốn tôi đến—Tổng Trưởng Ngoại Giao Nhật muốn tôi ghé Tokyo, nên tôi tới đó, và rồi Dean Rusk muốn tôi nghe tổng lãnh sự ở Hồng Kông tường trình về tình hình Trung Cộng—

Kennedy: Ừ.

Lodge: –nên tôi sẽ tới đó sau hơn một tuần.

Kennedy: Đúng.

Lodge: Và tôi được phép làm thế vì có chuyện điều chỉnh giờ ngủ–đó là mười hai tiếng khác nhau về giờ.

Kennedy: Ừ.

Lodge: –và ngày tôi đến là—ngày đầu tiên trong tình hình như thế này là quan trọng—

Kennedy: Ừ.

Lodge:–đồng thời đám người đang cố gắng gây rối cho tôi cũng dốc toàn lực chờ đợi. Tôi không muốn—tôi muốn cảm thấy tương đối dễ chịu (để đối phó).

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Ông biết chuyện ngủ nghê—

Kennedy: Ừ.

Lodge: — tôi muốn cảm thấy tươi tỉnh khi tới đó để khi bị vặn hỏi, tôi có thể đáp lại vài đòn trả đũa [cười].

Kennedy: Không sao đâu. Nghe được đấy.

Lodge: Tôi—Tôi mong muốn PL 480 (Công Luật 480, do Tổng Thống Eisenhower ký năm 1954, quy định về chương trình Thực Phẩm cho Hoà Bình—Food for Peace—giúp các quốc gia phát triển), hiện phân phối hàng hóa viện trợ qua các tổ chức bác ái thiện nguyện được áp dụng cho Phật Giáo—một số tổ chức Phật Giáo. Họ điều hành các viện mồ côi và trại di cư và mọi thứ đại loại như thế–

Kennedy: Hiện nay chúng ta có cho họ tí nào không?

Lodge: Không.

Kennedy: Chỉ có người Mỹ–

Lodge: Công Giáo Mỹ, Tin Lành Menonites, và [không rõ]. Tôi nghĩ chuyện này có thể cho tôi—cho chúng ta vài lợi thế. Nếu chúng ta có thể làm chuyện này thì sẽ tạo cảm tình với Phật Giáo. Nếu chính quyền phản đối rằng như thế là can thiệp vào chuyện nội bộ, tôi có thể nhờ Diệm yêu cầu Phật Giáo đề cử ai đó để họ giúp chúng ta vài chuyện, như thế chúng ta sẽ không bị coi là (trực tiếp mua chuộc Phật giáo).

Kennedy: Được đấy.

Lodge: Dù sao thì tôi sẽ kiếm vài lợi thế với cha này [Diệm]. Tôi nghĩ ông ta cứ tưởng là biết xỏ mũi chúng ta. Nên tôi chỉ muốn trình với ông điều này. Tôi muốn có một cái bản đồ, cái mà tôi chưa từng thấy—hiện chưa được vẽ ra—một bản đồ đen trắng, không có màu—thể hiện các vùng Việt Cộng kiểm soát hai năm trước và những nơi đó bây giờ— loại bản đồ mà tôi đã cho làm hồi tôi còn ở Liên Hiệp Quốc. Nó có thể được phổ biến trên bất cứ tờ báo nào, để người ta thấy được thành tích (chống Cộng).

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Tôi nghĩ nó có thể  giúp (cho dư luận) ở đây, và cũng hữu ích ở đó nữa. Do dư luận quần chúng đã không được tốt như kết quả chứng minh.

Kennedy: Tôi cũng thấy cái lối mà gã đó [Halberstam] đã viết trên tờ (New York) Times sáng nay về—hắn ta tường thuật về năm ngoái, không phải về hai tháng qua, nhưng chiến tranh ở vùng Đồng Bằng đã trở nên tệ hại từ năm ngoái. Ông có đọc bài đó sáng nay không?

Lodge: Có.

Kennedy: Tôi không—đó là một tường thuật đáng lo ngại hơn loạt tin mà chúng ta nhận được từ Harkins. Harkins đã làm việc xuất sắc, nhưng (bài viết của Halberstam) vẽ lên một hình ảnh u ám ở vùng Đồng Bằng.

Lodge: Nếu như—nếu vụ Phật Giáo này kéo dài, nhất định cuối cùng nó phải cần đến quân đội.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Và điều đó quá tệ. Nó quá tệ, Ồ, Harkins là một tướng lãnh ngoại hạng, và tôi mừng thấy họ định giữ ông ta lại sau khi nhiệm kỳ ông ta chấm dứt vào tháng Giêng, tôi nghĩ vậy. Tôi sẽ rất buồn, nếu khi đó ông ta ra đi.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Ông ta rất, rất tốt. Được, tôi nghĩ đó là những—tôi đang dự tính thêm nhiều tiếp cận về văn hoá. Ở xứ đó, họ rất ngưỡng mộ về văn hoá và sự học, và tôi sẽ thử kiếm thêm sách cho đại học và sẽ–thử phát triển thêm khía cạnh này một chút. Nhưng đó là về nguyên tắc—

Kennedy: Về mặt thực phẩm thì thế nào? Liệu có vấn đề gì không về việc thu xếp chuyện đó? Chúng ta có thể làm ngay được không?

Lodge: Tôi đã tiếp xúc với cơ quan viện trợ (AID), và họ đã cho biết cách thức để làm. Tôi đã gửi biên bản ghi nhớ về Công luật (PL 480) cho Hilsman. Harriman đã nghĩ tôi không cần làm phiền Rusk về chuyện đó.

Kennedy: Ừ. Ừ. Ừ.

Lodge: Và Hilsman có vẻ nghĩ rằng ông ta cáng đáng được việc này.

Kennedy: Được. Được.

Lodge: Điều đó cho chúng tôi vài chuyện để làm.

Kennedy: Ừ. Ừ. Tôi đã bảo Forrestal—thấy không, tôi đòi phải có bản báo cáo về tất cả mọi chuyện liên hệ tới vụ Phật Giáo, bao nhiêu phần về chính trị, bao nhiêu về tôn giáo, và bao nhiêu phần đòi lật đổ. Làm thế nào để phán xét chuyện này?

Lodge: Tôi nghĩ chỉ có một phần về tôn giáo. Phật Giáo không phải là tôn giáo nêu ra những đòi hỏi lớn. Đó không phải là tôn giáo có nhiều kỷ luật—hơi giống (phái Tin Lành) Episcopalians [cười]

Kennedy: Ừ. [cười]

Lodge: Ông biết đấy, người ta—họ muốn có một đám ma, và họ muốn có một đám cưới, và thỉnh thoảng người chồng đi với vợ để bà ta vui lòng, và được kính trọng [cười]

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Vậy thì tại sao họ cảm thấy họ cần phải đi và chặt tay mình trước bàn thờ? Tôi nghĩ họ cảm thấy sự bất công, điều có thể xảy ra với rất nhiều người ở đấy. Tôi nghĩ họ cảm thấy họ bị đối xử kỳ thị. Tôi không nghĩ đã có sự áp bức. Tôi không nghĩ họ (chính quyền Diệm) bách hại Phật Giáo. Tôi nghĩ chỉ là chuyện thường tình trao chức vụ cho người có kiến thức giáo dục tốt nhất, những người đã được giáo dục ở Pháp—

Kennedy: Đúng thế.

Lodge: –và họ ngẫu nhiên là người Công Giáo!

Kennedy: Đúng thế. Tôi –

Lodge: Tôi nghĩ nó diễn ra như vậy. Và rồi có chuyện hoàn toàn ngu xuẩn ở Huế–vào hôm 8 tháng 5. Nhưng chuyện này có thể xảy ra bất cứ ở đâu.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Và, rồi có những lầm lỗi nực cười, bởi vì họ trương cờ Vatican, rồi Diệm bảo phải hạ cờ Vatican và treo quốc kỳ Việt Nam lên. Sau đó họ nghĩ lại chuyện này—một tháng sau họ treo cờ Phật Giáo, và rồi, cảnh sát nhớ rằng Diệm đã ra lệnh hạ cờ Vatican nên bảo họ hạ cờ Phật Giáo rồi (cảnh sát) hóa khùng xả súng vào đám đông và, thực sự là, giết hai người Công Giáo trong đám đông. Tôi nghĩ rằng khía cạnh tôn giáo thì rất ít. Rất ít.

Kennedy: Nhưng không may ở chỗ chuyện bị coi là xung đột giữa Công Giáo và Phật Giáo.

Lodge: Và vì thế, dĩ nhiên, báo chí đã không ngừng đề cập tới vụ này.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Do chuyện (những kẻ cầm quyền) là người Công Giáo là điều tai hại [không rõ].

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Trọng tâm của sự việc là họ đã thiết lập một nước cảnh sát trị, và họ đã can thiệp vào những tự do của người dân. Và rồi sự bất mãn sinh ra từ đó.

Kennedy: Đúng. Ừ. Đúng.

Lodge: Tôi nghĩ nó là thế. Và đó là một điều vô cùng [không rõ] nghiêm trọng. Đó là nguyên thủy của mọi sự. Họ hoàn toàn—bà ấy (Bà Chương) nói với tôi như thế–bà ấy là một người rất sắc bén. Họ (Diệm và cận thần) sinh hoạt biệt lập, cắt đứt ra khỏi mọi sự. Rất khó mà vào dinh. Chỉ vào được là những người nói với họ những điều họ muốn nghe. Họ không có một chút ý niệm nào về những gì đang xảy ra trong nước. Và, nếu điều này đúng, nó rất quan trọng. Và ông—[Ngô Đình] Cẩn, người em cai trị miền Trung, chẳng ai nhìn thấy ông ta bao giờ. Ông ta tự nhốt mình ngay trong nhà. Lại còn đức giám mục của thế kỷ 12, và—

Kennedy: Ông ta là anh/em (ông Diệm), phải không–?

Lodge: Ông (giám mục) là anh.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Ông giám mục (Ngô Đình Thục)  là anh (ông Diệm). Người cai trị Trung phần (Cẩn) là người em, ông cố vấn (Nhu) cũng là một người em, và ông đại sứ (Luyện) tại London và Paris lại là một người em khác.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Nhưng, như ông nói, bọn họ là những kẻ chống cộng mạnh mẽ!

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Do đó tôi không thể buông xuôi và để cho mọi chuyện [không rõ]—

Kennedy: Ừ. Ừ. Ừ.

Lodge: Nhưng chẳng may tất cả bọn họ bị ám sát thì chúng ta phải—

Kennedy: Ừ. Ừ. Ừ.

Lodge: Và rồi chúng ta thực sự phải làm chủ tình hình.

Kennedy: Còn vụ bà Nhu nữa? Hẳn bà ta là người đồng tính? Bà ấy có vẻ nhiều nam tính.

Lodge: Vâng, tôi nghĩ bà ta là vậy.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Và tôi cũng nghĩ bà ta đã có thời lang chạ [không rõ] theo thông tin.

Kennedy: Ừ. Nhưng bà ta lại có phản ứng mạnh về đạo lý, phải không?

Lodge: Vâng. Bà ấy đóng cửa tất cả các tiệm nhảy dành cho quân nhân Mỹ.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Ngoài ra, đó là—tôi nghĩ đó là [không rõ]. Tôi sẽ cố gắng tạo cho USO (United States Organizations – Liên vụ Hỗ trợ Quân đội Hoa kỳ qua các chương trình giải trí)

Kennedy: Ừ.

Lodge: –một chút khích lệ ngoài đó.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Bởi vì nếu người ta không thể tới hộp đêm trong thành phố–

Kennedy: Ừ.

Lodge: –người ta phải được làm cái gì khác. Vâng, bà ấy đã làm mọi chuyện đó. Bà ấy ra luật Trong Sạch Hóa Xã Hội. Bà ấy như vậy đó.

Kennedy: [Không rõ]? [cười]

Lodge: [cười]

Kennedy: [Không rõ] của ông ta.

Lodge: [Không rõ] [cười]

Kennedy: Đó là một sự kết hợp nguy hiểm, phải không? [cười]

Lodge: [Không rõ] [cười]

Kennedy: [cười]

Lodge: Nói thế rất đúng. Để coi, tôi đã nói với ông về đủ chuyện đã diễn ra đêm đó. Nếu tôi có thể làm cho ông ta—nếu (nhà Ngô) có cơ hội trở lại đường lối bình thường. Tôi muốn ông ta trở thành một lãnh tụ chính trị thực thụ và—

Kennedy: Ừ.

Lodge: –cho xứ sở một ý thức về đường lối quốc gia. Và khi chúng ta dành lại mảnh đất này từ tay cộng sản, sẽ tạo cơ hội để nông dân hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Đây là một đất nước mà 80 phần trăm dân chúng là nông dân, mà chính sách lại áp dụng cho dân thành thị. Và nông dân ít khi có được giá cả phù hợp với sản phẩm của mình. Khi quân sự thắng lợi, nông dân cũng sẽ làm ăn khá hơn vì lúc đó họ có thể hợp tác với quân đội. Bạn cho họ thông tin và từ đó họ cảm thấy phấn khởi.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Hiện nay không có chính sách này bởi vì Sàigòn cách biệt với nông dân và truyền thống từ nhiều thế hệ là thủ đô ra lệnh cho làng xã làm theo ý họ nhưng không bao giờ trung ương làm theo yêu cầu của địa phương. Tôi muốn như tại Phi Luật Tân là có một hệ thống đưa ý kiến, theo đó, bất cứ ai tại bất cứ làng nào đều có thể gửi ý kiến tới Sàigòn, và sẽ có một người có khả năng điều động nhóm lựa chọn những ý kiến giá trị để thi hành và loại bỏ những ý kiến điên rồ khác.

Kennedy: Ừ.

Lodge: Tại Phi Luật Tân với loạn quân Huk, đã có hiệu quả lớn trong việc làm cho [Ramon] Magsaysay nổi tiếng rồi làm cho quân đội nổi tiếng. Và rồi có quân đội—

Kennedy: Bất cứ ai cũng có thể gửi thư tới ông ta?

Lodge: Vâng. Magsaysay thu xếp—bất cứ ai ở Phi Luật Tân cũng có thể gửi thư cho ông ta. Dĩ nhiên, ông ta không bao giờ đọc thư, nhưng ông ấy có một người rất có khả năng với một ban tham mưu có khả năng, họ thực sự theo dõi những ý kiến có giá trị.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Và, nó có một—theo tướng Lansdale, người mà ông biết—

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: –thực sự ông ấy (Landsdale) là một cố vấn sáng giá—đã biết thiết chế một guồng máy tâm lý hữu hiệu. Rồi họ thu xếp việc săn sóc các nông dân bị thương—điều trị họ tại quân y viện. Và rồi nông dân phải kiện tụng vì đất đai, thẩm phán quân pháp được cử ra để lo việc tranh tụng cho họ. Và tất cả những điều đó làm cho quân đội được tiếng tốt.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Tất cả đều là chuyện tâm lý. Tôi muốn cho ông ta (Diệm) một bài học súc tích về chuyện làm thế nào để thành một chính trị gia.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Ông có thể khá hơn tôi về chuyện này! [cười]

Kennedy: [cười]

Lodge: Nhưng tôi có thể làm khá hơn họ, nhưng một số người có thể–

Kennedy: Đúng, họ có thể. Còn [không rõ] ra sao? Ông ta là nhà báo khá, tất cả đều nói với tôi.

Lodge: Họ nói với tôi—[không rõ] là nhà báo, và rồi người đứng đầu Thông Tin Mỹ (U.S.I.A) là người cũ của Time-Life—John Mecklin.

Kennedy: Ừ, tôi có nghe.

Lodge: Thật ra, tôi được cho biết là chính quyền Mỹ đã đặt một nhóm đầu tiên ở đó, và điều này rất khả quan.

Kennedy: Ừ. Ừ. Ừ.

Lodge: Người đứng đầu uỷ ban kinh tế hiện tại có vẻ rất khá. Và—tôi nghĩ không có ai nhập nhằng trong nhóm đó. Tất cả bọn họ đều rất tốt.

Kennedy: Ừ. Ừ.

Lodge: Và, dĩ nhiên, nếu có kẻ lắm mồm—kẻ nào không hoàn hảo, tôi có quyền để–

Kennedy: Ừ. Gửi họ về.

Lodge: –gửi họ về. Vậy là xong. Tôi muốn có một tấm hình của ông, thưa Tổng Thống.

Kennedy: Ừ, tốt. Được, khi nào ông lên đường?

Lodge: Tôi sẽ lên đường vào Thứ Bảy. Bây giờ tôi phải rời đây để lên New York. Tôi có vài cái hẹn ở New York, cũng như với giám đốc của hãng AP (Associated Press).

[22:06.510]

[Chụp hình]

[Đối thoại tàn cuộc, trao đổi còn lại chuyển sang chính trị và những ứng cử viên có triển vọng vào năm 1964 từ đảng Cộng Hòa trong khi tiếng nói của họ xa dần.]

Đinh Từ Thức chuyển ngữ và hiệu đính
11-2023

 

bài đã đăng của Đinh Từ Thức

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)