Dân Hà Lan biểu tình trước Sứ Thần Tòa Thánh vào năm 1973, trong dịp kỷ niệm 5 năm Tông thư Humana Vitae của Đức Giáo Hoàng Paul VI. Biểu ngữ “Dear God, tell the Pope the Pill is no dope” (“Chúa ơi, nhắn với Đức Giáo Hoàng thuốc ngừa thai không phải là chuyện chơi”) dùng từ dope trong hai nghĩa, dope vừa có nghĩa là ma túy vừa có nghĩa là người hoặc sự tình ngu xuẩn, và dope cũng hợp vần với pope
Trong chiến tranh, phụ nữ phải gánh vác những công việc trước kia do nam giới phụ trách. Sau Đệ nhị Thế chiến, nhiều phụ nữ Âu Mỹ thành goá phụ, bắt buộc phải tiếp tục đi làm, cùng với những người đã quen với công việc ngoài xã hội, hơn là nội trợ như trước. Sinh hoạt xã hội thay đổi, phụ nữ không còn có thể dành tất cả thì giờ của mình cho gia đình. Ngừa thai là giải pháp khó tránh.
Năm 1950, tuy đã ở lớp tuổi 80, Margaret Sanger vẫn chưa mệt mỏi tranh đấu cho quyền ngừa thai. Bà đã quyên được 150 ngàn Mỹ Kim để khởi đầu dự án chế thuốc ngừa thai. Năm 1960, viên thuốc ngừa thai đầu tiên, Enovid, được FDA – US Food and Drug Administration (Cơ quan kiểm soát thực và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho xử dụng. Năm 1965, Tối Cao Pháp Viện Mỹ cho các cặp vợ chồng được quyền dùng thuốc ngừa thai, coi như quyền hiến định. Tuy nhiên, 26 tiểu bang Mỹ vẫn chưa cho phụ nữ độc thân dùng loại thuốc này.
Postcard vào thời đại nữ hoàng Victoria minh họa cảnh phụ nữ xua đuổi số phận sinh sản
Nước Pháp, một thời được coi là con cả của Giáo Hội, đã chính thức chấp nhận cho ngừa thai từ năm 1967.
Lên ngôi vào năm khởi đầu Đệ Nhị Thế Chiến, Giáo Hoàng Pius XII vẫn giữ vững đường lối bảo thủ về ngừa thai của vị tiền nhiệm Pius XI. Trong 19 năm trị vì (1939 – 1958), Giáo Hoàng Pius XII công bố tới 41 Tông Thư về đủ các vấn đề, từ tín ngưỡng tới chính trị, không có cái nào đặc biệt nói về hôn nhân và ngừa thai. Nhưng Ngài đã đề cập tới vấn đề này rất tỉ mỉ trong diễn từ trước Liên Đoàn Nữ Hộ Sinh Công Giáo Ý (Italian Catholic Union of Midwies), ngày 29 tháng 10, 1951.
Nhắc lại lời Giáo Hoàng Pius XI trong Casti Connubii, rằng bất cứ cố gắng nào của vợ hay chồng trong việc làm mất đi khả năng phát sinh một cuộc sống mới, dù khi hành xử, hay trong tiến trình phát triển đưa tới hậu quả tự nhiên, đều là vô luân. Hơn nữa, không một lý do hay nhu cầu nào có thể biến đổi một hành động bản chất vô luân thành hợp đạo lý và hợp pháp (any attempt on the part of the husband and wife to deprive this act of its inherent force or to impede the procreation of a new life, either in the performance of the act itself, or in the course of the development of its natural consequences, is immoral, and furthermore, no alleged ‘indication’ or need can convert an intrinsically immoral act into a moral and lawful one). Giáo Hoáng Pius XII khẳng định rằng: Quan điềm này giá trị hôm nay cũng như hôm qua, và sẽ như vậy ngày mai và mãi mãi, vì nó không hàm ý một giới răn về luật con người mà biểu lộ một luật lệ tự nhiên và thần thánh (This precept is as valid today as it was yesterday, and it will be the same tomorrow and always, because it does not imply a precept of human law but is the expression of a law which is natural and divine).
Khi Giáo Hoàng Pius XII dậy bảo về ngừa thai năm 1951, một phương pháp mới đã ra đời được 20 năm. Phương pháp này do một bác sĩ Công Giáo người Hoà Lan, John Smulders, đưa ra vào năm 1930, là năm Giáo Hoàng Pius XI công bố Tông Thư Casti Connubii. Công trình của bác sĩ Smulders dựa vào khám phá riêng biệt của hai bác sĩ Herman Knaus (Áo), và Kyusaku Ogino (Nhật), nên còn được gọi chung là phương pháp Knaus-Ogino. Theo đó, chỉ có thể thụ thai sáu ngày trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, là thời kỳ rụng trứng, cộng với năm ngày là thời gian tối đa tinh trùng có thể sống trong cơ thể phụ nữ. Tổng cộng là mười một ngày. Nếu làm tình vào những ngày còn lại trong chu kỳ, gọi là thời kỳ vô sinh (infertile), không thể thụ thai. Giáo Hoàng Pius XII cấm ngừa thai bằng mọi cách, mọi phương tiện nhằm mục đích cản trở thụ thai, nhưng chấp nhận phương pháp mới này, coi là hợp đạo lý và hợp luật (use of the infertile periods can be lawful from the moral point of view and, in the circumstances which have been mentioned, it is indeed lawful). Tuy nhiên, vẫn theo Giáo Hoàng Pius XII, nếu dùng phương pháp này như một thói quen chỉ để thoả mãn dục vọng và tránh thụ thai, thì cũng đi ngược với chuẩn mực đạo lý.
Giáo Hoàng Pius XII không quên nói rằng: Tạo Hoá đã xếp đặt để vợ chồng tìm thấy vui thú và hạnh phúc trong tâm hồn và thể xác qua việc hành xử nhiệm vụ (sinh sản). Hậu quả là, vợ chồng không làm gì sai trong việc tìm kiếm và hưởng thụ vui sướng. Họ nhận những gì Tạo Hoá dành cho họ. Tuy nhiên, Ngài cũng nhắc nhở: vợ chồng phải biết giữ điều này trong giới hạn điều độ. Giống như ăn uống, họ không được để mình hoàn toàn theo sự thúc giục của ý muốn, họ không được buông thả trước sự thèm khát xác thịt. Bởi đó, luật lệ phải theo là: dùng cách sinh sản tự nhiên theo thiên tính chỉ hợp luật trong tình trạng hôn nhân mà thôi, và chỉ xử dụng với mục đích cho sự tồn tại của hôn nhân (Creator has arranged that the husband and wife find pleasure and happiness of mind and body in the performance of that function. Consequently, the husband and wife do no wrong in seeking out and enjoying this pleasure. They are accepting what the Creator intended for them. Still, here too, the husband and wife ought to know how to keep within the bounds of moderation. As in eating and drinking, they ought not to give themselves over completely to the promptings of their senses, so neither ought they to subject themselves unrestrainedly to their sensual appetite. This, therefore, is the rule to be followed; the use of the natural, generative instinct and function is lawful in the married state only, and in the services of the purposes for which marriage exists).
Vẫn chưa đủ, Giáo Hoàng Pius XII nhấn mạnh thêm: Sự nghiêm chỉnh và thánh thiện của luật đạo lý Công Giáo không cho phép buông thả trong việc thoả mãn bản năng dục vọng, cũng như chỉ tìm kiếm vui sướng và hưởng thụ. Điều này không cho phép một người đàn ông đàng hoàng để mình bị lệ thuộc thể chất hay hoàn cảnh của hành động. Một số người vẫn cho rằng hạnh phúc trong đời sống hôn nhân tỉ lệ thuận với niềm vui hỗ tương trong liên hệ hôn nhân. Điều này không đúng. Ngược lại, hạnh phúc trong đời sống hôn nhân tỉ lệ thuận với sự kính trọng vợ chồng dành cho nhau, ngay trong việc làm thầm kín của hôn nhân (The seriousness and holiness of the Christian moral law do not permit the unrestrained satisfying of the sexual instinct, nor such seeking merely for pleasure and enjoyment. It does not allow rational man to let himself be so dominated either by the substance or the circumstances of the act. Some would like to maintain that happiness in married life is in direct ratio to the mutual enjoyment of marital relations. This is not so. On the contrary, happiness in married life is in direct ratio to the respect the husband and wife have for each other, even in the intimate act of marriage).
Không những chỉ nêu ra những cấm kỵ trong phạm vi tôn giáo mình, vào thời đại Giáo Hoàng Pius XII, đầu thập niên 50 thế kỷ trước, Giáo Hội Công Giáo còn tạo ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế về cấm ngừa thai và kế hoạch hoá gia đình. Qua chính quyền các nước với đa số dân chúng là giáo dân, như Ái Nhĩ Lan, Ý, Lebanon và Bỉ, Vatican đã thành công trong việc ngăn chặn thiết lập chương trình kế hoạch hoá gia đình tại cơ quan Y Tế Thế Giới (WHO – World Health Organization) của Liên Hiệp Quốc. Hậu quả là nhiều nơi ở châu Á và châu Phi, rất nhiều người, nhất là trẻ em, đã thiệt mạng vì thiếu thực phẩm và chỗ ở hợp vệ sinh.
*
Lẽ thường, người dậy bảo bao giờ cũng phải nhiều kinh nghiệm hơn người cần học hỏi. Thầy dậy toán, ít nhât phải biết làm toán giỏi hơn trò. Dậy võ, đương nhiên phải biết đấm, biết đá. Dậy đàn, bắt buộc phải biết chơi một vài loại đàn. Trong hàng thế kỷ, nhiều Giáo Hoàng nối tiếp nhau dậy về đời sống gia đình, về tương quan vợ chồng, kể cả những liên hệ thầm kín giữa đàn ông đàn bà. Qua trí nhớ tuổi thơ, có thể các ngài còn giữ được một vài kinh nghiệm mờ nhạt về đời sống gia đình, nhưng chắc chắn các ngài không có chút kinh nghiệm thực tế nào về đàn bà, trong khi tác phẩm mỹ thuật này của Tạo Hoá vẫn còn là một bí ẩn, đối với cả những bộ óc thuộc loại xuất chúng. Tiến Sĩ Stephen Hawking, tuy từng khám phá nhiều bí ẩn của vũ trụ tại những nơi xa xôi hàng triệu năm ánh sáng, và tuy trải qua hai đời vợ, trước câu hỏi của tạp chí New Scientist về điều gì trong đời đã khiến ông suy nghĩ nhiều nhất, cố bác học tật nguyền lừng danh đã trả lời: “Đàn bà. Họ là một bí ẩn hoàn toàn” (Women. They are a complete mystery.)
Năm 1958, Giáo Hoàng Pius XII qua đời, Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi. Là người có đầu óc cởi mở, muốn Giáo Hội có những thay đổi cần thiết sau hai thế chiến, Ngài triệu tập Công Đồng Vatican II. Trước dư luận sôi nổi về ngừa thai, để tránh vấn đề gai góc này đưa ra trước hơn hai ngàn giám mục đại biểu từ khắp thế giới bàn cãi công khai tại Công Đồng, và có lẽ cũng ý thức được sự thiếu kinh nghiệm của mình về vấn đề lớn này, Giáo Hoàng John XXIII đã trao cho một uỷ ban gồm sáu người Âu châu, không thuộc giới thần học, phân tích về tác động mới của kiểm soát sinh sản, đối với Giáo Hội Công Giáo (analyzing the modern impact of birth control on the Roman Catholic Church), gọi là Uỷ Ban Giáo Hoàng về kiểm soát sinh sản (Pontifical Commission on Birth Control). Sau khi Giáo Hoàng John XXIII qua đời năm 1963, Giáo Hoàng Paul VI kế vị, Ngài đã nâng thành viên Uỷ Ban này lên 72 người, đến từ cả năm châu. Trong số này có đủ thành phần chuyên môn, như Hồng Y, Giám mục, bác sĩ, các nhà thần học, giáo dân, gồm cả 5 phụ nữ.
Sau hai năm làm việc, Uỷ Ban hoàn tất một báo cáo năm 1966, với kết luận ngừa thai bằng phương pháp nhân tạo bản chất không phải là điều tội lỗi (artificial birth control was not intrinsically evil), và đề nghị nên để các cặp vợ chồng Công Giáo tự ý chọn phương pháp thích hợp cho mình. Báo cáo được 64 trên 69 thành viên có quyền bỏ phiếu chấp thuận. Nhưng trước khi chính thức công bố, nguồn tin này đã bị tiết lộ qua báo chí. Những ai chờ đợi từ lâu về một sự thay đổi quan trọng đều vô cùng phấn khởi.
Tuy được đại đa số thành viên chấp thuận, có bốn nhà thần học trong Uỷ Ban đã chống lại. Các vị này lý luận rằng, nếu chấp nhận cho ngừa thai, có nghĩa là:
– Vào năm 1930, Chúa Thánh Thần đã đứng về phe Tinh Lành, thay vì Công Giáo. (Năm đó, Tin Lành chấp nhận cho ngừa thai vào giữa tháng Tám, trong khi Công Giáo cấm ngừa thai bằng Tông Thư Casti Connubii vào cuối năm).
– Trong nửa thế kỷ, vì không được Chúa Thánh Thần giúp sức, các Giáo Hoàng Pius XI, Pius XII, và các cấp lãnh đạo đều sai lầm, đã buộc tội trọng oan uổng cho hàng triệu giáo dân vì họ đã ngừa thai. Nếu Giáo Hoàng và Giáo Hội sai lầm như vậy, còn gì là uy tín. Sẽ còn ai tin tưởng vào Giáo Hội?
Cuối cùng, Giáo Hoàng Paul VI đã không chấp nhận đề nghị của Uỷ Ban. Ngài tiếp tục chống ngừa thai qua Tông Thư Humanae Vitae (Of Human Life — Về Đời sống Con Người), công bố ngày 25 tháng Bảy, 1968.
Tông Thư gồm 31 khoản. Phần mở đầu ghi nhận sự thay đổi về tình trạng xã hội và kinh tế, khiến Giáo Hội không thể làm ngơ trước những vấn nạn về đời sống và hạnh phúc con người. Ở đoạn 2, Tông Thư ghi nhận tình trạng gia tăng nhân số, gây khó khăn cho việc chu toàn nhiệm vụ với gia đình lớn; đồng thời với những hiểu biết mới về nhân phẩm và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đáng để ý hơn cả là sự phát triển kỳ diệu của con người.
Sau khi nêu ra những nhận định thiết thực, thay vì có giải pháp thích hợp, Giáo Hoàng Paul VI đã khiến nhiều người thất vọng khi tái xác nhận chủ trương cũ của Giáo Hội, vẫn cấm cả phá thai và ngừa thai, theo đúng quan điểm của các vị tiền nhiệm Leo XIII, Pius XI và Pius XII. Giống như Giáo Hoàng Pius XII, Giáo Hoàng Paul VI cho phép ngừa thai theo “phương pháp tự nhiên” (rhythm method – Knaus-Ogino). Phương pháp này được cho là “tự nhiên”, vì không dùng thuốc, hay bất cứ phương tiện nhân tạo nào.
2018 là một năm đặc biệt đối với Giáo Hoàng Paul VI. Năm này, Giáo Hội kỷ niệm 50 năm công bố Tông Thư Humanae Vitae của Ngài. Đồng thời, Ngài được phong hiển thánh vào ngày 14 tháng 10, nối gót vị tiền nhiệm của Ngài là Thánh Giáo Hoàng John XXIII. Ngài đã để lại nhiều công trạng, như là Giáo Hoàng đầu tiên công du thế giới; từ bỏ Vương Miện ba tầng biểu tượng “Vua của các vua”; mở đối thoại với các phe phái ly khai; xoá bỏ thư mục bị Giáo Hội kiểm duyệt trong cả ngàn năm; và quan trọng hơn cả, tiếp tục và hoàn tất Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, Ngài cũng để lại nhiều thất vọng, qua Tông Thư Humanae Vitae.
Thất vọng, vì đã hy vọng quá nhiều.
Từ Công Đồng Vatican I đến Vatican II, cách nhau 93 năm. Trong gần một thế kỷ, với bao thay đổi vũ bão, và hai cuộc thế chiến chưa từng có trong lịch sử, Giáo Hội cần có những thay đổi quan trọng để thích ứng với thời đại mới. Khi loan báo triệu tập Công Đồng, chính Giáo Hoàng John XXIII đã nêu rõ mục tiêu: “Để đổi mới Giáo Hội Công Giáo La Mã cho phù hợp với thời đại hơn, và cũng để thêm hấp lực đối với anh em ly khai” (to “renew” the Roman Catholic Church in order to make it more “up-to-date”, and thus also more attractive to the “separated brethren”).
Chính vì đặt quá nhiều hy vọng vào cơ hội thay đổi quan trọng; trăm năm mới có một lần; trong đó nổi bật là vấn đề ngừa thai nóng bỏng, nhiều người đã thất vọng ê chề, khi thấy qua Tông Thư Humanae Vitae, vấn đề này đã không có gì thay đổi. Nhất là, các lý do được Giáo Hoàng Paul VI nêu ra không đủ vững chắc.
Từ các giáo phụ gần hai ngàn năm trước tới các Giáo Hoàng Leo XIII, Pius XI và Pius XII vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đều dứt khoát coi ngừa thai là tội trọng, bị cấm dưới mọi hình thức. Coi bản chất việc cố ý ngừa thai là đi ngược với ý Chúa và lời dậy của Giáo Hội. Qua Humanae Vitae, Giáo Hoàng Paul VI phân biệt ngừa thai thành hai loại: nhân tạo và tự nhiên. Ngừa thai nhân tạo (artificial contraception) bị triệt để cấm như hàng ngàn năm cũ, trong khi ngừa thai hợp với luật tự nhiên (natural law) được chấp nhận.
Đi từ khởi điểm hoàn toàn cấm ngừa thai, Giáo Hoàng Paul VI chỉ còn cấm ngừa thai nhân tạo, nghĩa là dùng thuốc, giải phẫu, “ngoại xuất”, hay dùng các phương tiện khác như vòng xoắn, bao cao su… Nhưng giữa “tự nhiên” và “nhân tạo”, rất dễ gây tranh cãi.
Ngay trên đất Mỹ, hiện có hàng trăm ngàn dân thiểu số thuộc hệ phái Amish, gốc Đức Thuỵ Sĩ, đa số sống tại tiểu bang Pennsylvania. Họ cũng thờ chung một Chúa như người Công Giáo, nhưng có những lựa chọn khác. Ngày nay, người Amish vẫn chỉ đi xe ngựa, nhất định không dùng xe hơi; dùng hơi đốt (gas), nhưng không dùng điện, và các sản phẩm vận hành bằng điện, vì theo họ, những thứ này không phải là sản phẩm tự nhiên. Trong khi người Công Giáo không hề thắc mắc khi xử dụng các sản phẩm nhân tạo, như máy bay, xe hơi.
Môn phái tôn giáo Cơ Đốc Khoa Học, Christian Science, cũng có ở Mỹ, không nhờ bác sĩ chữa bệnh bằng thuốc hay giải phẫu, vì trái tự nhiên. Chỉ chữa bệnh bằng cầu nguyện. Trong khi ấy, từ Giáo Hoàng trở xuống các cấp trong Giáo Hội Công Giáo và giáo dân, đều chữa bệnh bằng thuốc, và giải phẫu. Tại sao viên thuốc chữa bệnh, là sản phẩm nhân tạo, có thể dùng được, còn viên thuốc ngừa thai, dùng là có tội? Tại sao C-section (caesarean delivery – đỡ đẻ bằng cách mổ bụng) chấp nhận được, trong khi buộc tử cung, hay buộc ống dẫn tinh là tội trọng, vì trái tự nhiên? Một trong bảy điểm nổi bật được những người yêu mến Giáo Hoàng Paul VI nêu ra: Ngài là Giáo Hoàng công du đầu tiên (The First traveling Pope), Ngài đã đổi con thuyền của Thánh Phê Rô để lấy một máy bay (Pope Paul VI exchanged the boat of Peter for an airplane). Con thuyền của Thánh Phê Rô di chuyển bằng sức người (thiên nhiên), máy bay là sản phẩm do người làm ra (nhân tạo). Bỏ thuyền đi máy bay, có khác gì bỏ rhythm method (phiền toái và và nhiều rủi ro) để dùng thuốc (thuận tiện và hữu hiệu)?
Dư luận còn thất vọng về nội dung Tông Thư Humanae Vitae, vì quyết định của Giáo Hoàng Paul VI có vẻ độc đoán. Ngài đã không dựa trên ý kiến của đại đa số những người chính Ngài nhờ cậy họ nghiên cứu và đề nghị. Bốn người chống đối là con số quá nhỏ trong tổng số 72 thành viên Uỷ Ban, và cũng vẫn quá nhỏ so với 64 phiếu đồng thuận. Điều quan trọng hơn, những ý kiến chống đối không dựa trên nền tảng vững chắc, đáng kính, như đạo lý, lẽ phải hay khoa học, mà chỉ nêu ra lý do thể diện hão huyền và tính vị kỷ nhỏ nhen. Biết cho ngừa thai là đúng, nhưng nếu chấp nhận, chứng tỏ thua kém Tin Lành, và còn ai tin mình? Giáo dân buộc phải đi xưng tội, đề được tha thứ về những sai lầm của mình. Giáo Hội không thể nhận sai lầm, vì sợ mất uy tín! Nhưng “Đạo của Sự Thật”, nếu không giám nhận sự thật, còn gì uy tín?
Vì thiếu nền tảng vũng chắc, việc cấm ngừa thai nhân tạo cũng dựa trên những lý do khó chấp nhận, đã được Humanae Vitae nêu ra nơi khoản 17, dưới tiểu mục “Consequences of Artificial Methods” (Những hậu quả của các phương pháp nhân tạo). Có ba hậu quả được nêu ra:
Trước hết, những người đàn ông có trách nhiệm nên biết rằng, ngừa thai nhân tạo mở rộng con đường bất trung trong hôn nhân. Tất cả Tông Thư của ba Giáo Hoàng nối tiếp nhau trong một thế kỷ, đều nói về sự thiêng liêng, thánh thiện và cao cả của hôn nhân do Chúa tạo lập. Bây giờ Humanae Vitae “doạ” rằng, nếu cho ngừa thai nhân tạo, sẽ mở cửa cho ngoại tình. Phải chăng họ chỉ không ngoại tình, vì không được ngừa thai? Ngừa thai quan trọng hơn đạo đức và giá trị tinh thần của hôn nhân?
Thứ nhì, người nam khi quen với phương pháp ngừa thai nhân tạo, sẽ quên sự tôn trọng về thể chất và tinh thần của phụ nữ, biến nàng thành dụng cụ thoả mãn dục vọng của mình. Vì vẫn chưa bỏ được quan niệm trọng nam khinh nữ từ ngàn xưa, vẫn coi lời dậy của Thánh Phao Lồ “vợ phục tòng chồng như Giáo Hội phục tòng Chúa” là chân lý, tác giả Tông Thư hình như không biết rằng, trong vấn đề ngừa thai, không phải chỉ phía nam giới, mà nữ giới cũng chủ động, hoặc ít nhất, đồng thuận. Ngay sau khi Humanae Vitae công bố, một bà nội trợ ở Manhattan, New York, nói với báo New York Times, 30-07-1968, rằng: “Tôi không cần biết giáo hoàng nói gì. Tôi có cảm tưởng hàng giáo phẩm nói với nhau về vấn đề này. Tôi đã có quyết định cho mình và không cần biết tới những người ở Vatican. (I don’t care what the pope says. I have a feeling the clergy are talking to themselves on this issue. I have made my decision and couldn’t care less about people at the Vatican). Kết quả thăm dò một năm sau khi công bố Humanae Vitae cho biết, 44 phần trăm phụ nữ Công Giáo trong tuổi sinh sản và đi nhà thờ đều đặn, dùng phương pháp ngừa thai nhân tạo. Đến năm 1984, 83 phần trăm Công Giáo nói họ không đồng ý với Humanae Vitae (Jon O, churchandstate.org.uk – 15-03-2016).
Một nghịch lý khác: phá thai là hậu quả của không ngừa thai. Nếu chấp nhận, hay khuyến khích ngừa thai, đương nhiên phá thai sẽ giảm. Nhưng Giáo Hội cấm cả ngừa thai lẫn phá thai!
Giáo Hội Công Giáo La Mã, cho đến nay, vẫn duy trì quan điểm: “Cố ý hành động ngừa thai bao giờ cũng là tội nặng, có nghĩa đó là tội trọng nếu được làm với sự hiểu biết hoàn toàn và cố tình ưng thuận” (deliberate acts of contraception are always gravely sinful, which means that it is mortally sinful if done with full knowledge and deliberate consent — CCC 1857). Đáng phàn nàn ở chỗ, trong khi Giáo Hội quá khắt khe với giáo dân, những cặp vợ chồng chính thức không được làm theo sự đòi hỏi tự nhiên của cơ thể, hoặc biểu lộ và cụ thể hóa tình yêu vợ chồng, nếu không muốn có con, thì trong hàng giáo sĩ khắp nơi, kể cả một số giám mục và hàng ngàn linh mục, đã lén lút thoả mãn đòi hỏi của xác thịt mình trong vòng tội lỗi. Không phải chỉ tội lỗi với Chúa, mà gây thương tổn cho biết bao thiếu niên, cá nhân và gia đình. Đồng thời, khiến uy tín Giáo Hội thiệt hại nặng nề, cả về uy tín tinh thần và đền bù vật chất.
Hiện đã có chỉ dẫn của Giáo Hội dành cho các linh mục ngồi toà giải tội, ngày nay gọi là toà “hoà giải”, thông cảm, khuyên bảo và dễ dãi tha tội cho các giáo dân khi xưng tội ngừa thai. Tuy nhiên, vấn đề không ở chỗ dễ dãi hay khó khăn. Giáo lý đã dậy, với Chúa nhân từ, tội gì cũng được tha. Vấn đề là một cặp vợ chồng, do Chúa chính thức kết hợp qua bí tích hôn phối, tại sao vẫn có tội khi làm tình, nếu không theo đúng quy định của Giáo Hội? Tại sao làm chuyện tự nhiên, hợp cả luật đời phép đạo, mà vẫn phải xưng tội? Thử tưởng tượng, một cặp vợ chồng ngoài ba chục tuổi, có 5 con. Chồng là thuỷ thủ, nửa năm mới được thăm nhà một tuần, về đúng thời kỳ vợ rụng trứng. Vợ chồng cố nhịn, đến cuối tuần, trước ngày đi, chịu hết nổi, bèn đồng ý “nhân tạo”, cố tránh “tạo nhân” một phen, tự nhủ cả hai sẽ đi xưng tội. Hôm sau chồng ra đi, chưa kịp xưng tội. Không may, đắm tầu, mất tích. Người vợ, ngoài đau khổ mất chồng, ân hận cả đời, “vì mình mà chồng phải sa hỏa ngục”! Người vợ cũng không thể lấy chồng khác. Không ai có thể làm chứng chồng bà đã chết. Chỉ khi chết, mới được chia tay!
(còn tiếp)