Facisca:
– Vâng! Mười trinh nữ cầm đèn chờ đón chú rể. Trong đó có năm cô được cho là khôn ngoan, mang theo dầu phòng hờ, và năm cô dại không đem theo dầu dự trữ. Khi được tin chú rể sắp đến, năm cô khôn không cho các cô dại vay dầu, bắt các cô này phải tự đi mua mà dùng. Trong khi các cô đi mua dầu thì chú rể đến. Phòng tổ chức tiệc cưới đóng cửa, thế là các cô bị loại.
Benix:
– Ngài thấy dụ ngôn này không hợp thời ở chỗ nào?
Facisca:
– Thưa Ngài, trước hết, cảnh mô tả trong Dụ Ngôn, so với sinh hoạt xã hội ngày nay, có vẻ khinh thường phụ nữ. Thứ nhì, ngày nay, làm gì có cảnh hàng chục cô gái tụ họp thức đêm chờ đón một chàng rể, mà không biết chắc chàng sẽ tới vào lúc nào. Ngày nay, dù người đến từ xa hàng vạn dặm, người đợi cũng biết trước, không những ngày tháng, mà cả giờ, phút. Thứ ba, dù đợi vào ban đêm, các cô cũng không cần mang đèn, mang dầu – để làm gì? – vì đã có đèn điện. Các cô bây giờ chỉ mang cell phone, Ipad, máy chụp hình…, ngay cả battery dự phòng cũng không cần, vì có thể xạc điện ở khắp nơi. Ngoài ra, các cô được gọi là khôn, đã tỏ ra thiếu đức bác ái, không chia sẻ, đùm bọc các cô cùng cảnh ngộ.
Ấy là chưa kể, trong xã hội văn minh ngày nay, làm sao có thể tìm được một nhóm mười trinh nữ ở tuổi lấy chồng?
Benix:
– Tại sao không tìm được?
Facisca:
– Bởi vì, khi là trinh nữ, họ chưa tới tuổi lấy chồng. Khi đủ tuổi lấy chồng, kiếm đâu ra mười cô còn trinh? Họa chăng chỉ có trong một nữ tu viện.
Benix:
– Sao Ngài biết?
Facisca:
– Tôi đâu biết. Chỉ đoán vậy.
Benix:
– Bộ Ngài cho rằng, phụ nữ ngày nay hư hỏng hơn thời xưa?
Facisca:
– Xin Ngài đừng bảo rằng tôi nói vậy, tội nghiệp! Ngài thử đi hỏi các nhân vật quan trọng ngày nay trong giới thể thao, giới điện ảnh, giới truyền thông, nhất là giới làm chính trị, từ chóp bu trở xuống, xem các vị ấy có để cho các cô gái dễ coi, còn trinh đến tuổi lấy chồng không?
Benix:
– Còn chỗ nào nữa trong Phúc Âm, Ngài thấy không phù hợp với sinh hoạt trong xã hội ngày nay?
Facisca:
– Chắc Ngài nhớ “Dụ ngôn thợ làm vườn nho”?
Benix:
– Nhớ chứ: Mt 20,1-15
Facisca:
– Tạ ơn Chúa, trí nhớ Ngài còn quá tốt!
Vâng, ông chủ vườn mượn một người thợ vào buổi sáng, một người vào buổi trưa, và một người vào buổi chiều. Cuối ngày, người thợ vào làm sau cùng được trả công trước, và cả ba được trả công bằng nhau. Mỗi người một quan tiền. Người thợ đầu tiên than phiền mình phải làm nhiều hơn mà cũng chỉ được trả công bằng người làm ít nhất, đã bị ông chủ cự lại rằng, tiền của ông, ông muốn trả ai bao nhiêu tuỳ ý, miễn là đúng với thoả thuận giữa chủ thợ. Ông chủ còn “đánh tráo khái niệm” bằng câu hỏi ngược lại “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Người thợ muốn được đối xử công bằng, lại bị kết án chống người tốt bụng, và ghen ghét người may mắn.
Tương quan chủ thợ hai ngàn năm trước, có thể diễn ra như thế. Ngày nay, nguyên tắc thâm niên phải được ưu tiên; người làm trước được trả lương trước, và hậu hĩnh hơn người làm sau. Nguyên tắc công bằng cũng phải được áp dụng giữa công việc và lương bổng. Làm nhiều, phải được trả công nhiều hơn. Nếu không, người thợ có quyền khiếu nại.
Benix:
– Dụ ngôn này, như Ngài đã biết, Chúa dùng để giải thích Nước Trời. Một người theo đạo từ khi mới sinh; một người nhập đạo khi đã trưởng thành, và một người chỉ được rửa tội trước khi chết, nếu tất cả là những người tốt lành, đều được vào Nước Trời, chẳng những giống nhau, theo Dụ Ngôn, người sau còn được trả công trước, và người trước được trả công sau. Kẻ thấp nược nâng lên, kẻ trên bị đẩy xuống.
Facisca:
– Tất nhiên, chúng ta không thể thay đổi Lời Chúa, nhưng những gì rõ ràng không còn hợp thời nữa, thì nên lưu giữ, không nên tiếp tục phổ biến. Ví dụ, các vị tiền nhiệm của chúng ta, cho đến nửa thế kỷ trước, vẫn ngồi trên kiệu (sedia gestoria), và đội mũ ba tầng (triregnum); chính Ngài cũng có một mũ ba tầng do dân tộc Ngài tặng, nhưng Ngài có bao giờ dùng đâu. Vì thế, trong một số trường hợp, chúng ta có thể dựa vào Ý Chúa, để giải thích một cách tránh được tranh cãi trong xã hội ngày nay.
Benix:
– Theo Ngài, như chuyện Nước Trời này, giải thích như thế nào để vừa không sai ý Chúa, vừa phù hợp với xã hội hiện tại?
Facisca:
– Thưa Ngài, từ ý niệm người làm công, ta có thể lấy ý niệm người công dân. Ví dụ, một người là công dân một nước từ khi mới sinh; một người nhập cư, trở thành công dân khi đã trưởng thành; một người tị nạn, nhập tịch khi đã tới tuổi hưu trí. Tất cả đều được hưởng quyền công dân giống nhau, có quyền đi bầu giống nhau, mỗi người chỉ có một phiếu. Dù họ không đóng thuế giống nhau, kẻ nhiều người it, nhưng được hưởng quyền lợi giống nhau.
Benix:
– Ví dụ của Ngài rất hay, để giải thích về Nước Trời cho người dân một nước dân chủ. Nhưng tại các nước độc tài, không có bầu cử tự do, sẽ giải thích thế nào?
Facisca:
– Càng dễ, thưa Ngài. Vào Nước Trời cũng như vào Trung Ương. Chỉ cần vâng lời và trung thành tuyệt đối, bảo gì cũng tin, sai gì cũng làm. Người được mướn trước hay sau, được trả công trước hay sau, nhiều hay ít, đều tuỳ thuộc vào lòng trung thành, và ân sủng của nhà độc tài hay phe đảng cầm quyền. Không làm gì hay chỉ làm tượng trưng, mà chứng tỏ được lòng thành hay có bảo trợ tốt, hoặc thuộc gia đình dòng dõi, cũng có thể được trả công hậu hĩnh. Làm nhiều mà bướng bỉnh, chẳng những không được trả công, còn bị khai trừ hay lãnh án, vào tù. Bị khai trừ, giống như bị rút phép thông công. Tù có thời hạn, giống như vào Luyện Ngục. Tù đến chết hay tử hình, giống như xuống Hoả Ngục, đời đời khóc lóc nghiến răng.
Benix:
– Không còn chuyện gì quan trọng đáng sửa đổi nữa sao?
Facisca:
– Thưa Ngài, còn nữa chứ. Đó chỉ mới là mấy chuyện tiêu biểu để làm thí dụ. Vì Ngài hỏi, tôi có thể nói thêm, về một số hình ảnh tương phản với lời Chúa.
Benix:
– Ngài có thể cho biết qua một thí dụ rõ ràng, được không?
Facisca:
– Xin kể Ngài nghe mẩu truyện nhỏ. Một hôm, tới thăm một cộng đồng giáo dân tụ họp đông nhiều ngàn người, đề tài bài giảng của tôi hướng về tình thương yêu và hoà bình. Tôi đã nhắc lại lời Chúa rằng “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Tôi cũng nhắc lại lời Chúa khi Giu Đa (Judas) hướng dẫn đội quân võ trang được thượng tế và các kỳ mục trong dân sai tới bắt Người tại vườn Nhiệt Xi Ma Ni (Gethsemane) rằng, “tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt. 26, 52). Ngay sau đó, tôi chú ý ở giữa nơi giáo dân tụ họp, có pho tượng rất tớn, khiến tôi gần cứng họng.
Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-Ca-E cầm gươm đàn áp Satan. Tranh vẽ trên tường Rila Monastery (Unesco liệt kê trong danh sách Di Sản Thế Giới, 1983), Bulgaria
Benix:
– Tượng ai, Thưa Ngài?
Facisca:
– Tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-Ca-E (St. Michael The Archangel – The Commander of the Lord’s Army of Angels), đang cầm gươm đâm quỷ Satan. Chưa hết! Sau khi cứng họng vì hiện tượng này, tôi được hướng dẫn đi giữa hai hàng Hiệp Sĩ danh dự, tuất gươm sáng ngời, làm thành rào che để tôi đi qua. Bây giờ đến lượt đầu gối tôi khựng lại, không muốn bước nữa. Nếu ở địa vị tôi lúc ấy, Ngài nghĩ thế nào? Giữa Ngài với tôi, xin hỏi, Ngài có tin rằng, Thiên Chúa Toàn Năng của chúng ta cũng có một Tổng Tư Lệnh, và một đạo quân dùng gươm giáo đánh dẹp kẻ thù?
Các Hiệp Sĩ Cấp 4 tuất gươm dàn chào trong một thánh lễ trọng thể
(4th Degree – The Patriotic Degree of the Order | Brunswick)
Benix:
– Dùng võ khí diệt trừ ma quỷ, theo tôi, là chính đáng.
Facisca:
– Tại sao ta không cầu nguyện cho ma quỷ, như Chúa phán?
Benix:
– Chúa bảo ta yêu và cầu nguyện cho kẻ thù. Ma quỷ không phải là kẻ thù, ma quỷ là ma quỷ, là thứ hết thuốc chữa, không thể thay đổi được; thay vì cầu nguyện, ta phải diệt trừ chúng bằng mọi giá, mọi cách, mọi phương tiện, kể cả gươm giáo.
Facisca:
– Nhưng làm sao chúng ta nhận diện ma quỷ, biết ai là ma quỷ?
Benix:
– Chúng ta là tông đồ của Chúa, là con cái Chúa, đi theo con đường Chúa đi, làm theo lời Chúa dậy. Kẻ nào chống chúng ta, là chống Chúa. Đó là ma quỷ, phải diệt trừ, và nhốt hết chúng vào Hoả Ngục, đời đời khóc lóc nghiến răng.
(còn tiếp)