Trang chính » Chuyên Đề, Cung Tích Biền, Sáng Tác, Truyện vừa, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Lính Mỹ đã có mặt- Phần II: ĐẤT ĐAU ĐẤT CŨNG RÙNG MÌNH

171003-spector-vietnam-ap_thumb.jpg

Vietnam Napalm 1972


1

Bọn Pence và Fort đến điểm dừng, là đồn lũy mới, lúc trời đã về chiều. Bên này bờ sông, cạnh một cầu nối liền hai bờ đã bị sụp gãy nhiều vày, do chất nổ phá hoại. Trong quá khứ, có tới ba lần cầu bị phá, được xây lại, rồi lại bị đối phương dùng mìn phá sập.

Nhiệm vụ của liên đội công binh là xây một cây cầu mới, rộng lớn hơn cây cầu cũ, kiên cố, xe thiết giáp, xe chuyên chở hạng nặng có thể qua lại dễ dàng. Cây cầu này rất quan trọng, là điểm chiến lược, nối bên này đường về thủ đô, với bên kia, cách cây cầu khoảng năm cây số, là đại bản doanh của một sư đoàn bộ binh.

Trước đó, đoàn tiền trạm đã dựng một doanh trại với những lều bạt, những căn nhà tiền chế, trong một vòng rào kẽm gai, mìn phòng thủ chưa kiên cố lắm. Phía này doanh trại là bờ con một con sông rộng tăm tắp, lục bình trôi xanh ngắt trên nước bạc. Ba mặt kia bao quanh bởi một cánh đồng lùng lác tưởng như mênh mông. Miền Nam hai mùa mưa nắng. Mùa mưa nước ngập, lùng lác mọc cao xanh kín như rừng nổi. Mùa hè nắng nóng cánh đồng khô vàng. Một đôi nơi, từng bãi rộng màu tro đen, do bọn nhà nông đốt lùng để lấy đất trồng hoa màu.

**

Một phần đất vùng biên giới tây-bắc, bên kia sông, định hướng từ Sàigòn, là một vùng rừng, lầy, bưng biền bao la. Phần lớn dân chúng đã lần lượt rời bỏ quê nhà, chạy vào các thành phố lánh nạn chiến tranh. Cư dân trở nên thưa thớt, xóm làng heo hút những ốc đảo. Đường giao thông, liên lạc với các vùng bình yên bên này sông không được thông suốt. Đồng ruộng bỏ hoang. Rừng đầm lầy trở nên rậm rạp.

Những vùng thôn xóm mất an ninh, tranh tối tranh sáng như thế này, vào thời nội chiến Bắc-Nam, được gọi là vùng Xôi-Đậu. Nghĩa là vùng đất, không thuộc quyền cai trị của hẳn một bên nào. “Đêm đỏ, ngày vàng”. Ban ngày tạm có chính quyền Quốc gia, nhưng chiều về tối đến là các nhân viên hành chính tìm mọi cách rút đi, trốn về các quận lỵ, hoặc những đồn lính mong bảo toàn tính mạng.

Ban đêm dân chúng thuộc quyền kiểm soát của phía Bên Kia. Trong những đêm khuya, nhất là đêm không trăng, “Nhân dân” bị bắt buộc phải đi đào đường, phá hoại. Sáng ra, du kích biến vào bóng tối. Cũng nhân dân ấy, thôn làng ấy, được chính quyền Quốc gia huy động đi đắp lại con đường bị đào phá đêm qua. Dân chúng làm việc cho Bên Kia không được trả tiền công. Cật lực suốt đêm dài, chỉ vì “nhiệm vụ thiêng liêng với tổ quốc”. Dân chúng đắp đường ban ngày, ngày làm tám tiếng đồng hồ, chính phủ Quốc phải trả tiền công. Ngôn ngữ hai bên, đêm và ngày, Ta và Địch, vẫn là tiếng Việt. Tuy nhiên thoạt nghe lời rao/mời, biết ngay, bên nào mời. “Yêu cầu tất cả nhân dân”. Và, “Kính mời toàn thể đồng bào”.

Khi cuộc nội chiến đến cao điểm, vùng bưng biền biên giới này trở thành một mật khu trọng yếu của quân “Giải phóng”. Nó nằm trên trục đường tiếp tế, xâm nhập từ lãnh thổ Campuchia, thời Quốc vương Norodom Sihanouk trị vì.

Vị vua một thời của Xứ Chùa Tháp xinh đẹp này là bậc thánh của chủ nghĩa “Xăng pha nhớt”, đầu đội cái bảng hiệu Trung lập. Biên giới nước ông nối liền với Miền Nam Việt Nam, nhưng ông cho phép quân lực Miền Bắc Việt Nam có thể lập các doanh trại, căn cứ quân sự lớn lao để binh lính đồn trú, vũ khí tập trung hạng nặng, cả trọng pháo, xe tăng, để chuyển vào các mật khu, đánh phá Miền Nam.

Vì tính thủ lợi, bang giao cả với các nước tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa, miễn sao có lợi cho mình, có người đã ví von rằng một bệnh nhân của nước ông đi xe cứu thương do Tây Đức viện trợ, xe chạy trên con đường do Pháp trải nhựa, nằm bệnh viện do Trung Cộng xây cất, thuốc chữa bệnh đa phần là hàng viện trợ từ Liên Xô.

Khi thua trận bên phần đất Việt Nam, binh lính miền Bắc có thể tạm lánh qua bên kia, lãnh thổ Campuchia, để an dưỡng, cứu thương, chữa bệnh. Các hậu cần được tiếp tế thêm thuốc men, quân trang, vũ khí, đạn dược, thụ nhận những chỉ thị, quân lệnh, từ Hà Nội chuyển vào. Ít lâu sau họ lại vượt biên giới về lại chiến khu cũ, phối hợp với lực lượng du kích, vũ trang địa phương lót sẵn. Những trận công đồn, phục kích, tập kích vào các làng mạc, thị trấn Miền Nam lại bắt đầu ác liệt hơn.

Để có một nút chặn vững mạnh, cách vùng bưng biền không xa, một thị trấn nhỏ đã biến ra một bản doanh to lớn, của lực lượng một sư đoàn bộ binh quân Cộng hòa. Thống thuộc bộ tư lịnh sư đoàn, có ba trung đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, một trung đoàn thiết giáp, các tiểu đoàn trinh sát, truyền tin, vận tải, quân y…một sân bay nhỏ, dùng cho các loại chuyên chở có đường đáp ngắn. Tổng diện tích quân sự lớn gấp ba lần vùng dân cư trú của thị trấn. Lính tráng đầy ngập. Dân chúng gần gũi hơn với những trận pháo kích từ ngoại vi nã vào, cùng những trận tập kích chớp nhoáng, để lại rất nhiều xác chết của phía bên kia. Một định nghĩa chung, dân chúng nơi này đã hòa nhập nhịp nhàng vào khí hậu Cộng Hòa, chiến chinh, trầm tư, ca nhạc. “Tình anh lính chiến”. “Tâm tư bốn vùng chiến thuật”.

2

Những ngày đầu binh lính Mỹ cảm thấy hụt hẫng, nhưng cũng có một chút thú vị khi đồn trú tại một vùng đất xa lạ. Nó rất đỗi tịch lặng cảnh thôn dã. Trong lúc chờ cây cầu kiên cố hoàn thành, đội công binh của Pence tức tốc lập một cầu dã chiến, bằng các xà lan kết lại, để tạm thời thông thương. Một xã hội tạm bợ tức thì được hình thành dọc hai bên đường dẫn vào trại lính Mỹ, do dân chúng tứ phương tụ về. Địa điểm này bỗng chốc trở nên đông đúc, rộn ràng. Những phương tiện chuyên chở trước kia muốn qua sông, là phải nhờ trực thăng, nay có thể dùng xe, từ bản doanh sư đoàn, hai chiều đi về tấp nập qua cầu.

Chỗ đầu chiếc cầu cũ sụp gãy hãy còn một đồn lính Địa phương quân, lo việc canh gác, cùng lúc một doanh trại nhỏ dành cho vợ con họ ăn theo.

Ngoài công binh Mỹ, có thêm một doanh trại của một đơn vị bộ binh Mỹ kế bên để yểm trợ tác chiến cho công binh, cùng lúc hành quân quanh vùng để nới rộng sự an toàn. Có lính Mỹ là có đám người Việt tới quanh, như ong tìm mật, lo những dịch vụ nấu ăn, giặt giũ, hớt tóc, quán cà phê, quán ăn…Đương nhiên lính Mỹ có một câu lạc bộ trong doanh trại đầy đủ, nhưng bọn họ ham vui ở ngoài, thoái mái hơn, nhất là vụ… rượu, gái.

Đồn lính Mỹ rộng lớn này cũng là một tiêu điểm thu hút sự dòm ngó, và sẽ “nã đạn vào” của phía bên kia.

Trong một buổi thuyết trình, Trung tá chỉ huy trưởng Kent đã nói với bọn Pence:

“ Chúng ta tới vùng đất này, là bạn với Miền Nam, nhưng cũng phần nào giao cái “chính nghĩa” của Việt Nam cho Miền Bắc. Dân tộc này đã nghìn năm bị người Trung Hoa đô hộ, rồi người Pháp, tới người Nhật từng chiếm cứ, họ rất nhạy cảm với sự có mặt của chúng ta. Họ xem người Mỹ cũng là một loại ngoại bang, đế quốc. Dưới chiêu bài chống ngoại xâm họ sẽ làm lu mờ ánh sáng của tự do, thao túng tư tưởng, vận động dân chúng Miền Nam cầm súng nổi dậy. Họ có thể chẳng để chúng ta yên đâu. Các bạn phải cực kỳ thận trọng, và xem sự hiểm nguy, cả hy sinh tính mạng của mình, là một điều đương nhiên. Họ quyết đánh đuổi chúng ta. “Ôm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Họ có thể dùng vài ba chục cái mạng sống của người Việt để đổi một xác lính Mỹ. Các bạn nên nhớ…”

Quả thực, chỉ vừa hơn một tháng đồn trú, đồn lính Mỹ đã bị hai lần nã pháo, loại hạng nặng 122ly.

Vào một đêm cuối tuần, một trận công đồn, có thể là thử sức của lực lượng nón cối. Cuộc giao tranh ác liệt. Pháo tràn ngập cùng lúc thuốc nổ bọc lôi nổ phá những hàng kẽm gai phòng thủ. Phút chốc đã có mặt những người lính trần, với cộc một chiếc quần đùi, chân mang dép, không có giày trận, mình mẩy bôi đất bùn ngụy trang, xuất hiện ngay trung tâm, có hầm hầm bộ chỉ huy Mỹ.

Trước sức kháng cự tinh nhuệ và, vũ khí tối tân của lực lượng Mỹ, xác chết trần trụi đã nằm la liệt. Đã phung phí mạng người ngoài sức tưởng. Những xác trần trụi, mình đầy bùn đất. Họ trông rất trẻ, chừng lên đường ra trận mạc lúc tuổi mới mười sáu mười bảy. Không sao cả, “lý tưởng” đã mở rộng cửa, rất nhiệt tình trong chủ đích “Dùng rừng biển người làm thực nghiệm, đo lường mức độ trận mạc”.

Phải hằng nghìn binh lính chết trận lót đường, cho việc thử nghiệm tiến trình. Chỉ một nét bút chì trong phòng chỉ huy kéo qua trên bản đồ địa hình hành quân, có giá vài trăm mạng người nằm xuống nơi chiến địa. Phải có “quá trình” như thế, Ta mới đi được con đường từ du kích chiến thời khởi đầu kháng chiến đến trận địa chiến trong những chiến dịch lớn lao. Và, cuộc kết thúc không phải trong núi rừng hay những vùng thôn trang. Mà là các trung tâm đầu não, thành phố. Chiến tranh đường phố là thử thách sau cùng. “Không phải chiến tranh dạy chúng ta tạo ra bao Cái chết, mà chính hờn căm bắt buộc chúng ta phải dâng hiến cho hành trình”.

3

Nơi bãi đất ngay đầu cầu cũ, dù cầu bị ăn chất nổ sụp gãy, hãy còn một cái lô cốt to lớn, hai tầng, xây bằng xi măng cốt sắt, do một đơn vị Địa phương quân trấn giữ. Tầng dưới, sâu trong đất như một cái hầm rộng lớn. Tầng trên lộ thiên, chung quanh có những lỗ châu mai, súng đạn trang bị đầy đủ, cả súng đại liên. Lô cốt nằm cách đồn lính Mỹ chừng hơn ba trăm mét, và cách đường giao thông chính bởi một khoảng ruộng nước. Bắc qua đám nước là một con đường đất, trên lót những tấm dĩ loại sắt quân đội, để cho xe nhà binh dễ dàng ra vào.

Bấy giờ từ xa một đám người dắt dìu nhau tiến về hướng chân cầu. Xa hơn một chiếc xe hư hỏng vì mìn, nằm ụ.

Đám hành khách xe đò một đoàn lang thang, nhạt nhòa trong hoàng hôn đi về hướng cầu. Một thanh niên trong họ khuyên bà con nên vào ngay cổng đồn lính Mỹ xin cầu cứu, trú ngụ qua đêm, đồn lính Mỹ có nhiều thực phẩm thuốc men, chỗ trọ sạch sẽ. Đám phụ nữ và các cô gái trẻ phản đối, lý do, “rất sợ lính Mỹ”. Vì sao mà sợ? Sợ bọn Mỹ hiếp dâm? Ai nói vậy? Người Bên Kia nói. Nói, một trăm phần trăm lính Mỹ là bọn hiếp dâm đàn bà gái trẻ, là luôn đốt nhà, giết trẻ em.

Đám người thương tích đi về phía lô cốt, xin lính địa phương cho trú nhờ qua đêm. Hai người bị thương nặng được khiêng theo còn đặt trên bờ ruộng. Nhiều người khác, về đến đây hãy còn trong lớp quần áo máu me quanh mình, tự băng bó vội bằng chiếc khăn trùm đầu hoặc chiếc áo cởi ra quấn tạm, hòng cầm máu.

Một bà mẹ trẻ bị thương nơi bàn chân vừa rên rỉ vừa trật vú cho đứa con bú. Một chị khác bẻ miếng bánh mì cho đứa con gái nhỏ, nó vừa đói vừa sợ hãi, da mặt trắng như được nhồi bột. Tất cả là một mớ hoảng loạn, xốc xếch, một mớ sản phẩm chờ Chúa lưu tâm.

Mấy anh địa phương quân nhìn cái sao hôm lơ láo ở chân trời, khó thể nói với đám người lạ mặt tang thuơng kia một lời nào. Các anh không muốn họ ở lại nhưng không thể đuổi họ đi khi trời tối quá rồi, dù sao cũng một sự đã rồi. Không xúc động không than van, cảnh đó với lính này, luôn xảy ra. Họ, chừng đã quen với việc xe đò vướng mìn. Có khi ngày hai vụ.

Chiếc máy điện cũ trong lô cốt bắt đầu nổ. Đèn soi sáng yếu ớt, vàng tanh. Bầy muỗi đói từ các góc tối bay vù. Một vài người lính đã đun cơm xong, bóc mấy cái hột vịt cho vào nước mắm, một nồi cá đồng, mớ rau luộc trong nón sắt, bữa ăn tối.

Lúc trưa họ được lính Mỹ cho một mớ đồ hộp. “Ở trỏng” có xúc xích, bơ, bánh ngọt, cá hộp, cả mớ thuốc lá, bánh quy. Đám lính Việt chia đều. Phần đông là để dành lại, chờ đến ngày phép mang về cho vợ con. Bây giờ, hít thử điếu thuốc salem, hơi khói nó thơm nhẹ, nhả khói, sướng rên, rồi ăn bữa cơm tối với rau luộc chấm hột vịt luộc, cá đồng kho tiêu, ngon chán.

Nhưng bây giờ chưa ai ăn được. Họ còn lo cho đám người “tị nạn”. Hai trại quân Việt Mỹ đóng gần nhau. Nhìn thấy thảm trạng, lính Mỹ Pence, Fort và hai quân y mang băng bông, thuốc men sang giúp đỡ. Đám rối ren chờ đức Chúa trời tới sửa sang, mần lại cho ra cái thứ người lành lặn, nay được mấy anh lính Việt lính Mỹ tận tình giúp đỡ, ai nấy cũng tạm êm.

Hai hành khách bị thương nặng được trực thăng Mỹ xin tải đi. Ban đầu các thân nhân của họ không chịu “Các ông chở đi rồi các ông ném bà con tui xuống sông cho cá ăn ai chịu?” Phi công Mỹ cười, liền cho luôn hai thân nhân vừa còm ròm than thở đi theo về tạm bệnh viện dã chiến nhà binh.

Pence vẫn nhìn cô gái trẻ được anh băng bó lúc nảy. Bây giờ cô ngồi thu mình một cách tội nghiệp trong một góc khuất của tầng dưới lô cốt. Màu tường xám xi măng cũ càng làm tăng màu da trắng trẻo của cô. Y phục của cô khá giản dị, thanh sạch, chừng còn là một nữ sinh. Chạm cái ánh mắt sắc cạnh của Pence, cô không giấu đi đâu, chẳng vùi kín được nỗi hoang mang, một pha lẫn giữa lòng biết ơn và nỗi sợ hãi, cô rùng mình cúi mặt. Vết thương nơi vai vẫn nhói đau lan xuống bờ ngực. Cô nhớ cánh tay thô to, rất nhiều lông của Pence chạm vào người cô, khuôn mặt lạ lẫm, một nụ cười an ủi của anh. Anh băng bó rất nhẹ, rất chậm, nhìn cô nhiều hơn nhìn chỗ vết thương. Anh như cố kéo dài thời gian gần gũi.

Fort dẫn ba thiếu niên, xem chừng chúng đói bụng, về phòng của mình. Bọn nhỏ được ăn uống xong có xe đưa trở về lô cốt, mang theo mấy cái mùng nhà binh màu xám, mấy tấm chăn vải từ lính Mỹ cho, và rất nhiều thực phẩm nước uống, bánh mì, thịt hộp, coca-cola, bánh ngọt…

Fort tắm vội bằng một vòi nước từ thùng xi-tẹc, rồi đến phòng họp nhận lệnh từ chỉ huy trưởng, lúc đã mười giờ đêm. Doanh trại Địa phương quân đang có đồng bào trú ẩn phải được đặc biệt tiếp trợ, và trực thăng tuần đêm phải trường trực soi sáng quanh vùng, chống những trận tập kích từ ngoài.

4

Chiếc cầu đã xây xong. Ngay vào dịp Noel và mừng năm Mới. Chiều hôm trước ngày khánh thành bàn giao, Trung tá chỉ huy trưởng Kent đứng trên chiếc cầu mới đẹp đẽ, nhìn con sông nước rộng. Chừng như chỉ có sông dài cùng những màu xanh của cỏ cây xa kia là có chút bóng dáng thanh bình nơi xứ sở này. Bất ngờ, Kent thấy sao chiều này lục bình trôi nhiều quá, về hướng chân cầu. Từng mảng quanh quẩn nhau trôi chậm. Ông thấy có chút gì nghi ngờ. Kent ra lệnh đám lính gác cầu dùng súng trung liên nã đạn ngay vào các đám lục bình. Một tiếng nổ kinh khủng phát ra từ một khóm lục bình. Dề lục bình rách toác và những đóm máu hồng loang trên mặt nước. Cảm tử quân đã ngụy trang trong những dề lục bình, mong phá tung cây cầu.

Pence cùng mấy đồng đội ngồi vây quanh nhau. Đêm cuối năm dương lịch. Đêm biên giới se lạnh. Một bàn rượu được bày. Trăng âm lịch chiếu mông lung, mơ hồ như nắng thiên đường trên lều bạt. Họ có thể thấy rõ màu cỏ cháy bên ngoài vòng rào, qua ánh sáng quét từng đợt mỗi khi trực thăng tuần tra bay qua. Cánh đồng lùng lác im lìm như một hoang mạc. Hôm nào đã tới đây? Hôm nay đã có đêm giã từ!

Đám lính trẻ ngồi quanh nhau. Bọn họ đã thấm đòn lửa đạn, nhưng chưa mường tượng ra bao cảnh ngộ sẽ tới, những hiện thực chừng rất huyền ảo, chừng phi thực, đầy bí ẩn, trên xứ sở da vàng này. Chúng chưa thể phòi đầu não ra khỏi cái bóng tối cách biệt giữa một quê hương an bình Mỹ và một hiện tình Việt Nam khá nhiều điều chưa thể giải mã. Có thể trước khi bừng tỉnh, những người lính trẻ này đã là kẻ thương tật, hoặc vĩnh viễn được khắc tên trên bia tưởng niệm những chiến binh Ra Đi không bao giờ trở lại, trên đất Mỹ.

Chỗ bàn rượu, bọn Pence chợt nghe những tràng tiếng nổ liền nhau. Rất đều đặn. một vùng sấm động từ xa vang lại, đợt này sang đợt khác.

Đó là tiếng bom được máy bay B52 Mỹ trút xuống mật khu vùng biên giới, khoảng cách không xa lắm với doanh trại bọn Pence.

Một khi, một mật khu, hay một vùng rừng núi, được B52 quyết định trút bom, thì không chỉ một lần ném bom. Không chỉ hai ba lần bom. Mà là một triền miên bom. Hết đợt này sang đợt khác. Máy bay giăng hàng, đều đặn khoảng cách nhau, đồng loạt trút bom. Hàng ngang xong, tới hàng dọc. Trút bom thêm hàng xéo, cho chắc ăn. Mỗi máy bay mang 30 tấn bom, tức thì đổ xuống. Oanh tạc mãi. Và mãi. Khi nào rừng nguyên sinh, cổ thụ kín bưng nhiều tầng cành lá, đang che khuất, ngụy trang cho những căn cứ lều tranh ẩn kín bên dưới, bị sạch bong, bày ra chỉ là những khoảng đất trống, gỗ vụn nát…mới thôi.

Trước mặt Pence, những ly tách trên mặt bàn bỗng đồng loạt rung nhẹ. Chúng run rẩy. Tĩnh vật cũng đầy lòng sợ hãi. Chúng muốn cất cánh bay mà không có đôi cánh.

Pence nhìn bọn ly tách đi dần ra rìa bàn, theo nhịp rung đều đều như ru ngủ, từ mặt đất. Chúng di chuyển rất chậm, đầy nghi hoặc. Bọn tĩnh vật nao nao.

Cả bọn lính trong đêm, ngồi yên ngỡ ngàng. Ngây ngất, chìm dần theo tiếng máy bay B52 từ xa. Tiếng bom dài dặc. Đầy từng không u uẩn. Chấn động lan dần, một đám sâu bọ khổng lồ vô hình trườn bò. Đất Mẹ đau đất đã rùng mình. Đám ly tách vô tri đồng loạt buồn nôn.

Hai người lính Viễn chinh – từng được dạy dỗ là phải hiểu văn hóa Việt Nam – thầm thì, những lời thoại xa lạ ngay với chính họ, khi nghe tiếng sấm bom dìu dặt:

“Tiếng Trống Đồng có phải là tiếng sấm linh thiêng của xứ sở này không?”

“ Đúng, nó đang lan truyền tiếng thở dài của định mệnh Việt Nam”.

“Nào…cạn ly, Pence”.

“Ngày mai ta trở về. Còn ai nhớ tới nước non này!”


Đức Hòa 1968

Bộ Chỉ huy Trung đoàn 10 Thiết giáp binh

bài đã đăng của Cung Tích Biền

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)