Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

TẾT MẬU THÂN CỦA MẸ


I

Một ngày nọ, âm dương thuận hòa, Bà Mẹ đẻ ra tôi. Sống riết với nắng mưa, bầu trời trên kia, mặt đất cỏ hoa sông nước bốn bề, tôi xem thiên nhiên cũng là một bà mẹ, Mẹ nuôi. Mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ nào cũng muốn con mình sống cho dài lâu, nương theo tối sáng mà sống, dù cõi người chẳng thiếu cái lênh đênh.

**

Chuyện sinh đẻ vào thời buổi chưa có phương pháp ngừa thai, nên một mẹ, là nhiều con. Đến tuổi trưởng thành, anh em “chúng nó” lên đường. Mỗi kẻ một phương trời. Thật ra, về chỗ xưng hô giữa con người với nhau, cực chẳng đã mới đụng tới hai từ “Chúng nó”. Nhưng những người con của mẹ cha âm dương thuận hòa, vì nhân danh lý tưởng, họ đã tự nguyện phân ly, trở thành kẻ thù của nhau. Thuận tay, anh này bấm cò súng vào ngực anh nọ. Sẵn dịp, bác nọ rút mã tấu phập cần cổ chú kia, tỉnh bơ như chặt trái mít trái dừa trên cành. Cho nên hy hữu, chỉ lúc nào bình tâm nhất, khi hận thù như thủy triều rút cạn, họ mới dùng hai từ “hiền hòa” nhất, Chúng Nó.

**

Khi cần thiết, chúng sẵn sàng moi móc tổ tiên ra để sinh sự. Chúng dành dụm, tích góp không biết bao là sinh linh, chung tay góp vốn điêu linh, để cho “Tháng-Ngày”, vốn là cái bình thản vô danh, bỗng đích thực trở nên đáng ghi nhớ, đáng gọi tên và dán nhãn hiệu, Tết Mậu Thân 1968.

Tên gọi này sẽ sống rất lâu dài, cùng trường tồn với Sử Việt. Dòng máu từ vết thương nội thù này chảy hoài. Giữa khuya một mồng Tết, mẹ dùng băng bông quấn chặt, sáng mở ra, vẫn chảy. Mẹ cho uống mấy viên thuốc đông máu, băng bó lại, chiều mồng ba Tết mở ra, rằm tháng Giêng mở ra, vẫn chảy. Dòng Đỏ ối ấy chảy lai láng, miệt mài, không biết mỏi mệt. Như đứa con hoang, đi theo con đường hoang mị, quên mẹ cha, quê nhà, mái tranh giếng nước, để quay về.

Chúng ta có thể soi gương vào một buổi chiều, khi nắng đã dần tắt bên ngoài, căn phòng chưa bật sáng ngọn đèn. Trong rơi sót ánh hoàng hôn, đã thấp thoáng trong ấy, chiếc gương soi, khuôn mặt của chính mình. Một nám màu-mậu-thân. Một dị dạng nhân tình. Những mắt đen nhòa. Những miệng không ra miệng mồm. Mậu Thân đã xa lắm rồi. Nhưng, mãi là bóng hình trong mảnh gương hoàng hôn khi ta chạm mặt.

Chạm mặt, tôi bị động kinh. Tôi triền miên điên dại một thời. Văn chương tôi cũng chẳng hề tỉnh táo. Thưở này, tôi viết tâp truyện “Ai Tỉnh Ai Điên”, Nhà Trí Dũng xuất bản 1969. Bọn chữ nghĩa giữa cơn điêu tàn, xiêu đổ xuống thác ghềnh.


II

1968. Mặt thật mặt giả nhìn nhau là rất lẫn lộn giả/thật. Mỗi mặt người, mỗi mặt nạ to bằng cánh đồng cỏ. Có những chiếc cầu quê nhà giống như con khủng long bị bom mìn chặt làm ba bốn đoạn, thịt da hoen rỉ. Cầu Hiền Lương, hiền và lương. Dòng nước chảy chân cầu chia đôi Nam-Bắc hai màu đục-trong khó thể phân biệt, dù cùng lúc dưới bóng mặt trăng mặt trời.

Nói chung, vạn vật nơi đất nước tôi cư ngụ, lúc này, như đồng loạt đầu thai vào một đám côn trùng.

**

1968. Đây cũng là thời tôi sống trong cực điểm cuộc Nam-Bắc phân tranh, một cuộc chiến ngay cái tên gọi đã không mấy vui.

Đang có một nguồn bấn loạn đại đồng lớn rộng từ “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa”, cho chí “Năm Căn, Cái Nước, nắng mưa mỗi mình”. Một một cái xương gầy hình chữ S bị bẻ cong rệu rạo. Chuông mõ đánh phá. Ruồi nhặng tâm não. Tôi đang trong thời cuộc này.

Tôi, một thành phần rất lăng nhăng, nhưng không thể vắng mặt chỗ nồi da xáo thịt.

**

Đầu Xuân 1968. Cuộc hành hình những anh em bà con cùng một giống nòi đã xảy ra, được cho là, “Mang lại thành tích cao nhất” trong các cuộc đại hành hình trên toàn cõi Đất Việt, tự cổ chí kim, chính là nơi pháp trường Huế. Cố đô, nơi có trường Quốc Học, trường Văn khoa, tôi đã từng lai rai học. Nơi có những con đường cây cao bóng mát, mùa hè ve rỗng ruột ve kêu. Đặc biệt hơn, Huế là nơi mẹ tôi đang nằm dưỡng bệnh. Một ngày cuối đông mẹ bất ngờ một thân một mình, rời bỏ bệnh viện. Mẹ đã trở lại khu vườn quê để chờ một ngày Xuân khác.

Dù mùa Xuân này tôi đang ở một nơi rất mực chia lìa, Trung đoàn 10 Thiết giáp, trấn đóng tại một vùng biên giới Việt Miên, thị trấn Đức Hòa, tôi vẫn rất gần gũi, thậm hình dung ra một kinh thành Huế. Trong những chiều tưởng nhớ, những khuya khoắt giấc mơ bị băm/chặt, tách lìa bởi những tràng pháo, ánh hỏa châu một đám mắt khuya lơ láo lững lờ rụng dần xuống chân trời đêm, Huế trong tôi, là đều đều trái rụng.

Một mùa trái rụng, toàn đầu người.

Trong sân trường, bãi cỏ công viên, giữa miếu đền, người người Miền Nam đầu não đang rực rỡ tinh khôi, bị kẻ thù xem là đầu kia đã thiu thối, đã sâu bọ xài, chung chung là cần cấp tốc chặt bỏ.

Trong những cái hố đào vội, đầy những mương đất sâu lút đầu người, là bao la trái rụng. Trái tóc bạc, trái đôi mắt thanh xuân, rất mực thì thầm, trái tỏa hương, khi bầu trời bên trên là bùn đất đã dần dà lấp đầy hố người.

Tôi xa Huế cũng lâu, nhưng những tiếng nổ ấy vẫn còn vọng lại, rất gần. Đâu đây vật vờ hồi kinh tụng. Tiếng mõ chùa thiêng. Nghe cả tiếng người mò mẫm tìm nhau, sờ soạn vuốt mặt nhau, trong một thế giới kín đen của tuyệt vọng.

**

Huế ngày xưa, những ngày Kinh đô – càng lui về ngày cũ bao nhiêu Huế càng đẹp bấy nhiêu. Một cõi mờ mờ ảo ảo, lạnh và nồng, Huế có đó mà lung linh như huyền tượng trong mơ xa.

Hình như Huế được làm bằng sương mai khói chiều. Trong ký ức tôi, Huế được bỏ trong cái nồi quê, mẹ nấu, để các con ở xa thấy Huế qua làn khói. Khói không muốn bay. Rồi khói lơ lửng lên trời. Có thêm nắng hoàng hôn thì nhớ thương tắt thở.

Ấy là một Huế-nguyên-bản, đã được cất giữ trong chiếc hòm son dĩ vãng. Huế-bản-sao của Hôm nay đã rất khác. Chừng như cái máy photocopy của thời thế đã quá cũ, bản sao kia nay nhiều phần lem luốc.



III

Một ngày cuối năm âm lịch, mẹ tôi trở lại làng quê. Không hiểu làm sao mẹ đang nằm chữa một căn bệnh hiểm nghèo tại Viện Bài Lao, mẹ lại bỏ giường bệnh ra đi. Không trở về khu chợ nhỏ, nơi mẹ có một cửa hàng tạp hóa. Mẹ về thẳng làng quê nơi có ngôi nhà thờ thừa tự tổ tiên.

Nơi đây hãy còn một gian nhà ngói loại nhà rường cổ, những cánh cửa, cột kèo gỗ được chăm trổ khá tinh vi. Những chân cột cao to đều được táng trên một viên đá, loại đá Ngũ Hành Sơn, hình tròn, màu xám xanh. Theo chiều dọc những hàng cột xưa kia treo nhiều câu liễn gỗ sơn màu son, chữ viết là chữ Hán, mặt chữ được thếp vàng. Thời kháng chiến chống Pháp, loại liễn đối bằng phẳng này rất thích hợp cho việc dựng chung quanh hầm trú ẩn, hầm được chắc và sạch sẽ.

Khu vườn rộng thênh, lúc mẹ trở lại, gần như một vườn hoang. Bàn thờ tộc ba gian từ lâu rất thiếu khói hương. Bọn con cháu “có máu mặt” chẳng còn đứa nào cư ngụ trong vùng quê tranh chấp này. Thỉnh thoảng có một đứa về thăm quê nhưng người ta khiêng nó về trong áo quan.

**

Không hiểu làm sao mẹ mang chiếc thân già nua xanh xao trở về. Mẹ bị lao phổi thời kỳ cuối, ho xuất huyết thường trực. Một ngày lau năm bảy cái khăn ướt đỏ. Chỉ một người cháu gái bà con đi theo chăm sóc. Không một đứa con nào bên mẹ cho tới lúc mẹ qua đời.

Mẹ trốn viện. Có thể trời cuối đông làm mẹ nhớ những ngày kỵ giỗ, chạp mả. Mẹ nhớ nắng, nhớ khói hương, nhớ những nụ hoa nở trong ngày xuân vườn nhà, thuở an bình.

Khu vườn rộng, rất nhiều lá rụng lâu ngày chẳng ai thu dọn. Ngôi nhà thờ lạnh vắng đầy những mạng nhện, và bầy dơi chiều. Tiếng vang trong hoang vắng làm mẹ rất buồn.

Mẹ bắt đầu thuê người quét dọn vườn, dặm lại những khoảng bờ rào nghiêng đổ, sửa lại hai cánh cổng vườn đã nghiêng ngả, lau chùi sạch sẽ lư hương, bàn thờ, những cánh cửa, rui mè trên sườn nhà.

Hãy còn hàng cây cau. Từ lâu những gốc trầu đã chết mất xác. Mẹ nhờ người trồng chỗ mấy gốc cau mấy dây trầu, lòng mong được thấy chúng bò lên thân cau, mong được thấy lá.

Vườn mùa đông, đầy lá mục và trái rụng, có xác chim. Nhìn người làm thuê đốt một ít lá úa, củi mục trong vườn, mẹ thấy trong khói là nỗi nhớ. Năm bảy ngày, tuy quạnh quẽ, mẹ thấy đời sống tĩnh lặng, bình yên hơn cảnh đời nơi phố thị.

**

Mẹ chỉ biết đến vậy. Mẹ nào hiểu khu vườn mẹ hướng về con đường cái quan, cách chỗ mẹ non cây số đường chim bay, trên vùng đồi thoai thoải, những ngọn đồi liền đồi, là một căn cứ quân sự rộng lớn. Nơi ấy nhiều đơn vị bộ binh, pháo binh, thiết giáp. Đồn lũy sầm uất những khẩu trọng pháo, xe tăng.

Ngược lại, về hướng biển là một vùng thôn quê dọc miền duyên hải, toàn cát trắng nằm kẹp giữa bên kia là biển đông, bên này là con sông Trường, đã gần như một mật khu. Những trận đụng độ tàn khốc giữa đôi bên liên tiếp xảy ra, nhà cháy người chết quá nhiều, dân chúng đã dần bỏ xóm làng mà đi. Mất dần quyền kiểm sóat, những cơ quan làng xã của Quốc gia trong vùng chỉ còn là hình thức. Hoạt động cầm chừng vào ban ngày. Ban đêm toàn bộ viên chức cùng những lính dân vệ, mạnh ai nấy đi, về thị trấn quận lỵ trú túc cho an toàn qua đêm.

Quân du kích ban ngày vắng bóng, nhưng về đêm từ những chỗ bí mật chui lên. Đã phần nào qua cái thời kỳ đầu trần chân đất, dao găm mã tấu, đánh trận chỉ gây hấn để lấy tiếng vang chính trị. Bọn họ nay được quân chính quy tăng viện, cùng vũ khí từ bên kia vĩ tuyến chuyển vào.

Trước kia, lợi dụng bóng tối, những trận công đồn thường chỉ xảy ra vào ban đêm. Nay, đã có những trận tập kích đoàn xe quân sự Mỹ, hoặc đánh vào những ngoại ô thành phố giữa ban ngày. Dưới ánh mặt trời, quân lâm trận của miền Bắc chết đầy mặt đất dưới lằn đạn từng đoàn máy bay của không quân Miền Nam nã xuống. Đây là thời điểm Hà Nội đã cố ý dùng biển người làm thí điểm, để rút kinh nghiệm cho những trận địa mang tính quy ước, trong/trên đường phố, sẽ diễn ra về sau. Mạng sống của con người chỉ là phương tiện, như trái đạn quả mìn; số xác chết chỉ là một bảng liệt kê.

Quanh mẹ đã là chiến trường. Mẹ không bao giờ hiểu mình đang nằm chính giữa hai diện địa thù nghịch. Chúng có thể nã đạn pháo qua về, đường đạn sáng lòa ngay trên vườn mẹ.

**

Đêm định mệnh đã đến. Nhang cúng trên bàn thờ tàn, chừng hơn giờ sau mẹ thắp tiếp. Mẹ ngồi một mình trong đêm, cùng một đứa cháu qua ngủ cùng. Cho Bà vui.

Khởi đầu là những tràng pháo kích từ phía biển, hướng vào đồn lũy quân Cộng hòa. Trận công đồn của đêm ấy, là để yểm trợ cho cuộc tổng tấn công, hỏa lực mạnh, mở đầu chiến dịch chiếm cứ, khắp miền Nam.

Những tiếng ầm vang của pháo cối từ hướng mật khu ven biển làm mẹ thức giấc. Rồi liên tiếp, hung dữ lằn đạn, từ đồn lũy hướng tây trả lời. Thông thường bên ngoài nã vào một loại súng cối, thì trong đồn lũy “trả lễ” năm bảy tràng đại pháo.

Rõ thực, không phải pháo qua về trong đêm như Bắc-Nam từng “trò chuyện” bấy nay. Đầu Xuân này là “Tao-Mầy” phải chết sống cho ra trò. Mẹ nghe rõ cả tiếng hò thét tấn công đồng loạt như cùng lúc phát ra từ hàng nghìn cổ họng. Bầu trời khuya lạnh lẽo, bỗng sáng rực những chùm hỏa châu.

Đạn phía nào cũng rít bay qua làng xóm mẹ. Sáng rực trời đêm. Phía đồn lũy cháy. Phía xóm làng khai hỏa tấn công cháy. Đạn lạc rơi khắp nơi. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng động của chuyển quân, tải thương, từ phía rừng ngoài bìa làng, vọng lại khá rõ.

Mẹ một mình trong đêm, quá sợ hãi, mẹ ho nhiều tràng, máu bắt đầu trào ra miệng. Mẹ lăn từ giường xuống đất, cố bò đến nấp dưới bàn thờ.

Một căn hầm trên nóc được đắp vài lớp bao cát đạn pháo ấy vẫn xuyên thủng, nhưng mẹ không có gì trên đầu, mẹ quên phải thuê người đào một căn hầm trú ẩn. Đêm khốn cùng, có thể mẹ nghĩ chui dưới gầm bàn thờ mình từng khói hương kia sẽ có ông bà che chở.

**

Mẹ chết từ lúc nào trong đêm chẳng ai hay biết. Khi bà con hàng xóm biết ra đã lúc trời rưng rưng sáng ngày hôm sau.

Đứa cháu gái bé nhỏ vẫn chưa hết hoảng sợ, ngồi tê cứng như một xác chết nơi góc phòng thờ. Áo quần cháu lem luốc vì hai bà cháu ôm nhau bò lê quanh quẩn, từ giường ngủ tới cửa, cửa đóng kín, lại men vào. Đèn lạp trên bàn thờ đã tắt ngấm.

Trong bóng tối, qua ánh chớp của lửa đạn, của hỏa châu bên ngoài, mẹ vừa ngất xỉu vừa cố mò mẫm bò. Cái lóe sáng từng hồi ngoài không trung như thần linh đang chỉ lối.

**

Biết được “con đường” mẹ bò lê trong đêm đen, từ chiếc giường ngủ tới chỗ bàn thờ đã xiêu đổ, là nhờ những dòng máu quạnh quẽ, chỗ đậm chỗ nhạt, trên nền nhà. Đó cũng là “con đường mở rộng”, phóng lớn dấu vết được lịch sử nhận ra, là những xác người bày biện, là bao khổ đau riêng chịu, trải từ Lăng Ba Đình tới thềm nhà của mẹ.

Mẹ này là Mẹ của tôi.

IV

Đã năm mươi năm trôi qua. Viết/Nói về mùa Xuân, gặp gỡ chuyện trò trong ba ngày Tết, phải rặt là những điều vui hạnh phúc, lời chúc nhau đẹp đẽ nhất. Phải trình diễn với nhân gian một thần thái an bình, từ cõi lòng rộng mở rất mực. Chẳng ai nỡ kể lể, than van những nỗi đau, điều bất tường, bao rủi ro chịu phải, trong phận người. Có nên vậy không? Quả thật là đúng như vậy sao? Hay chúng ta đã dối trá với lòng dạ chính mình.

Hãy ngồi lại với nhau, chiều nay, đêm này, cùng nhau chọn tìm ra cho được, dù bất cứ đâu đó, đầu non góc biển, nhiều chục năm qua, có được một Hạnh phúc, một Niềm vui, đúng nghĩa Một Niềm Vui Chung, cho toàn thể người người đó đây, không phân biệt Tả – Hữu – Bắc – Nam.

Ngay lúc này đây, Xuân về, trước khói hương tổ tiên, hằng triệu người đang lưu lạc mười phương, hàng triệu người còn ở trong nước, đang trong giờ giỗ kỵ cha mẹ anh em. Họ đã rất thương xót những số phận không may, đã không còn quanh đây. Những số phận ấy chưa, “Chưa hề được yên nghỉ” giữa lòng cố đô Huế, hay ngoài biển Đông. Ta có thể cùng nhau thắp đèn nhang tưởng nhớ, cả trên mặt biển.

Và. Cũng là ngay trong giờ phút này đây, trên quê hương này đây, ngoài kia là tượng đài, là cổng chào cờ xí, hàng nghìn bàn tay nâng cao ly rượu mừng, để “Kỷ niệm năm mươi năm chiến thắng Tết Mậu Thân”. Hãy mừng và hãy uống, dù tự đáy lòng một ai đó lẻ loi trong ấy, biết là rượu này được chưng cất từ những xương máu anh em, từ những núi đầu lâu người vô tội.

Hãy tìm cho tôi một Ngày Vui, để chẳng còn lòng dạ nào nhắc tới nỗi buồn.

Văn chương tôi chưa hề siêu thoát.

Tôi có quyền tin, và mơ tưởng? Rồi sẽ có một ngày, có đúng nghĩa một Ly Rượu Mừng, cho khắp cả. Sẽ có một dòng chảy bao la, đồng điệu, nối liền những thành tâm. Là từ/của/bởi các thế hệ trong mai sau.

Hãy còn đây sương mù. Quá vắng niềm tin. Tin vậy, cũng hơi liều.

Tháng 1 – 2018

bài đã đăng của Cung Tích Biền

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)