mười một
Mắt truồng
Vào thời Pháp thuộc, trước 1945, ở quê tôi, lứa chừng sáu bảy tuổi đổ xuống đa phần ở truồng. Con nít gái cũng truồng khơi khơi. Cái mặt còn có lông mày lông mi, cái háng trắng nõn. Trong vườn quê, bọn con nít đông vầy như bầy gà, ríu ra ríu rít. Đứa bẻ đôi củ khoai, đứa ăn chung trái ổi. Đứa này cắn xong tới đứa kia. Trái ổi dính nước miếng nước mũi dơ hầy.
Chừng như con trẻ ở truồng, bọn người lớn cũng truồng theo. Quang cảnh giếng nước trong làng quê của tôi, lúc tôi lên tám tuổi vào thời Pháp thuộc, hãy còn luôn thấy cái cảnh này:
Hầu hết bọn đàn ông lớn bé già trẻ tắm quanh bờ giếng quê đều trần truồng. Người múc nước kẻ kỳ cọ, đứa đùa vui. Tôi ở truồng, đương nhiên. Cha tôi, vì chức vị một vị cửu phẩm văn giai, lúc tắm, ông mặc một quần đùi. Nước giếng múc lên bằng chiếc gàu mo cau ghép lại. Cha tôi hà tiện sức lao động. Thay vì hai lần nước, ông múc một lần thôi. Mỗi gàu nước xối một lúc cho cả cha lẫn con. Hai tay tôi ôm quàng ngang mông cha, đầu dúi sát vô bụng cha. Nước chảy ào lần lượt từ đầu cha tới đầu con, cu cha xuống cu con. Những đêm trăng mùa hè nóng bức, tắm vậy, như tiên tắm.
Bóng chiều phơn phớt, mong manh, yểu mệnh. Cây lá nhạt nhòa trải im trên nền đất. Trong cái chiều hiu hiu thôn dã, quanh bờ giếng những bờ vai vạm vỡ, những mắt hiền hòa, những da đồng đen. Ai nấy vui vầy. Ai nấy đều trần truồng như nhộng. Một rừng dương vật. Cu nông dân khỏe mạnh, đen nâu và bự.
Sinh hoạt ở nông thôn rộn rã, lao động ngày đêm đổ mồ hôi, cần giếng nước. Cả thôn xóm có một vài cái giếng nước. Vào thời chưa có máy móc, chưa biết kỹ thuật đào một cái giếng qua địa trắc, chỉ bằng tay cầm cuốc xẻng, sâu tận trong lòng đất trên sườn đồi sỏi đá không phải là dễ dàng. Có khi đào xuống mười thước sâu, cái hố tối om; không có nước, phải lấp lại, tìm đào nơi khác.
Đám đàn bà con gái, không thể nhường giếng nước riêng cho bọn đàn ông phơi cu. Đành phải ra bờ giếng. Chen chúc cùng đám đàn ông như khỉ vượn. Mà ai đâu, cũng bà con trong xóm làng. Bọn nữ nhân, tự nhiên như nhiên lom khom giặt giũ, rửa rau, múc nước đổ vào thùng. Ai lo phần ấy. Các bà các chị phần lớn cúi gằm mặt làm việc, trừ một vài cô nhìn lén cánh đàn ông trần trụi. Quen quá mà, ông nào cũng một cái cán thịt như cán dao vậy thôi.
Cả thảy đi ra từ một thế kỷ dài u mê, trì độn. Các vùng thôn quê hãy còn quá lạc hậu, mê tín dị đoan. Làng xóm có đồi nương, rừng xanh bao phủ.
Truông Cây Bứa, con đường xuyên cánh rừng, nơi thôn dân luôn phải đi qua, ai nấy nói rằng có ma quỷ quậy phá. Đàn bà con gái không ai dám đi qua lúc xế trưa, xập tối. Nửa đêm người làng nghe tiếng âm binh than khóc.
Thầy pháp Hương Trừu được người làng mời về làm lễ trừ ma diệt quỷ. Hương Trừu có lý luận, “Ma quỷ có xã hội của ma quỷ. Có ma quan ma dân, ma giàu sang, ma khố rách áo ôm. Chúng vẫn mong muốn xã hội của chúng hòa bình, yên thân với nhau. Chỉ có bọn ma quỷ khùng điên mới đi quậy phá bọn người sống. Các người mời ta đến cúng tế trừ ma diệt quỷ, là ta chỉ trừ diệt lũ ma điên tà mà thôi”.
Chú Quỳ luôn gọi Hương Trừu là đồng chí với chú, vì theo chú, cùng một đảng Điên tà. Hồi này râm ran trong dân chúng đã có cái từ “đồng chí”.
Có mổ dê giết heo gà bò. Tiếng đàn tiếng sáo, tiếng la hét bùa chú vang động. Người đội cái khăn đỏ trùm phủ xuống che cả mặt; người ở trần mình vẽ bùa chú rồng rắn màu mực đen [xạ]; người bôi mặt đen hai tay cầm hai cây kiếm dài múa may. Mùi thuốc trừ tà bay ngạt cả cần cổ, bốc lên từ một cái chum đất đầy lá khô un khói bên trong. Ánh đước chập chùng. Tiếng phèng la, tiếng trống giục thúc thâu đêm.
Chị Hai Cà suýt mất một vành tai vì Hương Trừu nói với cha của chị là phải cắt vành tai của một trinh nữ để tế quỷ ma điên. Mẹ chị Hai Cà đương đêm dắt chị chạy qua Tịch Yên quê ngoại trốn chui nhủi mấy ngày.
Tôi, thằng bé bảy tuổi có xem cuộc lễ dị thường này diễn ra ba đêm ngày. Cùng chen chúc với tôi có bọn con gái nhỏ. Được cho ăn bánh cúng trừ ma, loại bánh ú trộn với đậu đen mà nấu, không có nhưn thịt bên trong. Lượm được mấy cái nón giấy xanh đỏ trừ ma đội chơi mấy hôm.
**
Rồi mọi trai tráng lại ra bờ giếng truồng tắm. Rồi, Pháp đi, Nhật tới. Tháng Tám, 1945, “Kách mệnh lên rồi”. Bác Sùng, một người nghèo khó lưu niên, thuộc hàng cố nông vô sản, gặp thời, bác viết câu khẩu hiệu đầu tiên chào mừng, treo xênh xang chỗ đình làng: “Hoang hô kách mệnh thành cong”. Thừa chữ “g”, thiếu dấu “ô”. Hôm sau, Cả Biền mới chỉnh lại, “Hoan hô Kách mệnh thành công”.
Lịch sử phi nước đại.
1946 Pháp trở lại. Chín năm Kháng chiến. 1954, đất nước chia đôi. Nửa kia Trung Quốc Liên Xô tới, nửa nước này Mỹ đổ quân.
Năm 1967 cầu Bù Găng bị sụp gãy vì ăn phải mìn. Một toán công binh về xây lại cây cầu, có công binh Mỹ phụ giúp. Một trại quân hình thành, dọc bờ sông cạnh cây cầu. Binh lính, súng ống xe nhà binh, xe cày, ủi đất, cần cẩu, những kho lẫm chứa vật liệu.
Lính Mỹ không chịu nổi thời tiết nóng bức mùa hè. Dưới bãi sông ven bờ, bọn họ thả những tấm tôn láng, sâu dưới mặt nước chừng vài tấc tây, để chắn bùn lầy. Sông miền Trung hiếm có phù sa như các sông miền Nam. Nhờ mấy tấm tôn, nước trên mặt tôn trong vắt. Buổi trưa lính Mỹ nhảy ùm sông mát tắm, rồi cùng nhau nằm trên những bãi tôn phơi mình trong nửa nước nửa nắng.
Cả bọn, mỗi đứa chỉ một cái xì líp tí tẹo trên người. Đâu khác chi với trần truồng nguyên con của bọn tôi hồi nhỏ. Đám đàn bà con gái quê đi trên đường cái quan vừa rất ư ngại ngùng nhìn, lại vừa rất phấn khích mãi nhìn.
**
Cách đồn lính không xa, có một xóm dân cư ven bãi sông. Đất màu mỡ cây trái, vườn nhà mát mẻ. An ninh tương đối ổn, ban ngày lính Mỹ thỉnh thoảng vào xóm thăm chơi, mua trái cây, cho bọn nít kẹo bánh, tặng các ông già những hộp thịt nguội, cá ngừ, làm mồi nhậu sui gia thích chí.
Mợ Đàn bốn mươi tuổi chồng chết đã lâu. Gái quê lấy chồng sớm, con gái mợ đã có chồng con, ở bên nhà chồng. Mợ sống mỗi mình. Một chiều có hai anh lính Mỹ đi vào xóm rảo chơi, ngang qua cổng nhà. Thấy nhà vắng, vườn đầy bóng cây, mỗi mình mợ ngồi trước hiên nhà ngắm mây trời, sông nước mông quạnh, họ tạt vào.
Một anh tươi cười rút tờ hai mươi đô la Mỹ chìa trước mặt mợ. Anh kia tươi cười ra dấu bằng cách dùng hai bàn tay úp lại với nhau, nhịp lên nhịp xuống bụp bụp. Mợ Đàn chân quê, không hề biết cách này là ra hiệu làm tình. Anh viễn chinh lại vỗ vỗ vào đùi minh. Hỏi mợ, “Bập. Bập. Ok?”
Ác nhơn, mợ chẳng biết anh tiếng u, chỉ nghe bọn nhỏ trước nay thân thiện ok, ok… mợ bất ngờ trả lễ, cửa mồm lỗ miệng bốn mươi tuổi đời cũng “OK’. Thế là bọn lính nhanh như chớp dúi tiền vào túi mợ, bồng mợ lùi vô trong tí chút, đè mợ, lột quần ra mần tình.
Mợ hoảng, chân đạp, tay cào cấu miệng la bớ làng bớ xóm. Trong nắng chiều một bọn nhỏ tắm sông. Đương nhiên chúng ở truồng chẳng cần xin phép ai. Một đứa nhỏ trong xóm chạy ra kêu cứu với bọn trần truồng. Bọn con nít tắm sông, đứa ở truồng đứa mình mẩy ướt nhèm tay ôm áo quần áp trước ngực, đã có mặt.
Bọn nhỏ nhìn, mím môi, kinh sợ. Lúc này anh lính thứ hai đang hăng hái mần. Mợ Đàn chống đạp dữ dội.
Xã trưởng và dân vệ mang súng tới.
Xã trưởng dùng hai cánh tay, bàn tay, có khi hươ cả chân, kèm với một ít tiếng Mỹ buổi giao thời phụ trợ, gặn hỏi “người anh em.”
Hỏi xong, Xã trưởng bực mình than phiền với mợ Đàn:
– Bọn chúng nói có đưa bà một mớ đô la. Bà OK mà. Hiếp đáp gì đâu.
Mợ Đàn rên rỉ:
– Ừ thì đúng. Chúng có đưa tiền. Tôi những tưởng nó muốn mua cái gì, bọn này ưa ăn trái cây. Tôi có OK. Tưởng OK là xã giao vui vầy, tôi đi hái trái cây cho chúng. Ai ngờ…
Chú bé tôi lúc bé thơ ra chỗ rừng hoang xem lễ trừ tà của Hương Trừu, so với bọn nhỏ trần trụi hôm nay xem chuyện tà ma một bọn người lạ lẫm đang nằm trên bụng mợ Đàn, có khác chi nhau về mặt tâm cảm.
Ôi, cái háng âm binh đập vào đầu óc trẻ thơ. Cái háng mờ thiêng. Cái sườn đồi bập bùng ánh đuốc, lời cỏ ma xua đuổi âm binh. Máu trẻ thơ dồn tụ.
Tôi tin là máu trẻ thơ tôi đang chảy trong những động mạch thơ trẻ kia, những dòng tươi, man mác đêm hoang mị Hương Trừu, chiều bãi sông Lính Mỹ
Máu thuở bình minh, từ hoang mị, theo chúng tôi lên đường. Một lên đường, nghìn Lên Đường. Thay nhau tuôn mãi, mỗi phút mỗi giây. máu này chưa kịp đông, máu kia đã trào ra. Một dòng máu muôn trùng luôn tươi màu, một châu-thân-tập-thể.
Đã thoát hòa với không gian. Không gian Hồng, Vàng, Nâu. Chảy cả trong trời. Nhuộm khí thiêng. Rất thường trực hiểm nghèo, luôn là phút đóng đinh định mệnh, Mậu Thân ư! Thấp thoáng kinh đô, một tấm máu kéo lên, trong nắng và gió. Trong đêm trùng tấm máu vẫn còn bay. Giấc ngủ người, đã không hề nhắm mắt. Một thời dài, mớ đời người bong bóng, mớ phận người trôi theo. Những cơn mơ hoang, âm hồn vào ngôi.
1968, tôi không còn trần truồng như thuở bé. Cầu vai lon sĩ quan, áo quần nhà binh, bên hông có khẩu súng sáu colt 45 hộ vệ, nhưng cái thần hồn tôi nó vẫn quạnh hiu, lạnh lẽo cái tâm trạng trần truồng.