Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Vòng Lục Giác

Những ngón tay bấu chặt thành giường. Co. Duỗi. Xương kêu răng rắc.
Một lần nữa, ngón tay đi quanh bối rối sờ nhẹ làn vải mịn. Rồi bỗng nhiên nghe trong cuống họng hộc lên một tiếng, người đàn ông ngó xuống sàn nhà. Nước trắng nhờn nhờn tung toé khắp nơi.
Lúc ấy bốn giờ chiều, tôi vừa đi xem phim về.
Này cha, uống nước?
Uể oải. Hắn rũ người xuống. Những ngón tay vẫn di chuyển vẽ lên nhiều hình vuông.
Cha không uống.
Hắn nhìn vào chiếc gối nằm im trong góc, trả lời. Mùi chua lè bắt đầu hắt lên xung quanh. Hắn lấy tay quệt vào vũng nước nhờn rồi vẽ chồng lên hình vuông những hình lục giác.
Cha chỉ muốn đi thôi, ngoài đường vẫn còn xe cộ chứ ?
Vẫn. Mới bốn giờ thôi…con vừa đi xem phim về.
Tiếng micro rè rè bắt đầu vọng lên từ tầng dưới. Hôm nay người ta xếp ghế trong bãi giữ xe để hội họp chi đó, hoặc chỉ để mở màn một trận đánh cờ tướng. Nhưng, lại có hoa và bánh. Nghe đâu, một người nữa trong bọn họ gần sắp đi xa. Khi tôi bước vào cửa chính của tòa nhà tập thể này thì họ nhìn tôi chằm chằm. Tôi đâu có lỗi khi tháng trước, hai người nữa đã ra đi, và tháng này thì có lẽ đến ba, hay bốn người cũng lần lượt xếp hàng nốt. Rõ ràng, tôi đã nói với cha điều này, nhưng ông chỉ cười khảy, rồi làm lơ.
Nhìn cảnh tượng này cũng đủ hiểu. Cha không muốn dây dưa gì với thế giới bên ngoài. Chắc vì thế mà mọi người hay nhìn tôi đầy vẻ nghi kị, nhất là việc tôi không tham gia những lễ lộc hoặc hội hè do nhóm họ tổ chức. Tôi đâu có thích hoa. Bánh lại càng không. Tôi cũng không quen trưng cái mặt mình ra cho họ coi nữa. Tôi hay đội cái nón cối rộng vành, tôi tự làm. Chắc vì vậy mà họ hay kêu tôi là “thằng lầm lì”. Riết rồi tôi cũng quen, mà cha cũng nói “ lầm lì thì có sao”. Tôi định kể cho cha nghe hôm nay tôi lại nghe người ta gọi tôi bằng một cái tên khác nữa, mới đầu tôi không biết cái tên đó là dành cho tôi, nhưng khi một người trong bọn họ bật lên tiếng kêu ấy thì đồng loạt những cái đầu ngẩng lên nhìn thì tôi hiểu ngay họ đương ám chỉ mình. Nhưng tôi biết, giờ đây cha cần sự im lặng và chỉ duy sự im lặng mà thôi.
Coi phim gì vậy? Giờ này đã kết thúc rồi sao? Người ta không còn điều gì hay ho để nói nữa sao?
Hắn lên tiếng. Thình lình như không nhận ra mình đã hỏi. Mà, giữa ngực lại tức lên đau nhói. Hắn nhổ một bãi nữa. Lần này màu trắng đục trở thành trắng trong.
Có chứ! Người đàn bà đó dạng chân để cho bầy kiến khổng lồ chui vào. Cha biết không, bọn chúng đã cấu xé nhau để nhặt nhạnh thức ăn chứa bên trong người đàn bà đó. Con thấy thật lạ là bên trong cơ thể mình có nhiều thứ đến vậy.
Con ngươi đảo ngược kêu sòng sọc. Hắn biết rồi. Ả đó lắm chuyện lắm. Nào là đưa thức ăn vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, nhiều cách, nhiều kiểu. Hắn định đập đầu ả bằng cái chày to cối, nhưng không hiểu vì sao ả cúi người xuống đúng lúc và thế là thoát được cú đập khủng khiếp đó. Nhưng ả cũng kịp nhìn thấy lằn đỏ trong con ngươi hắn. Ả giật lùi, chạy. Chạy rầm rập khắp xóm. Cũng may ả vốn như con mèo mướp nên có hoảng sợ cũng không dám la lối gì. Ai bảo mày vác cái thằng đó về giữa đêm ? Ai bảo mày mớm mồi cho nó bằng cái vú của mày? Thằng đó của ai? Ở đâu ra? Hắn nghe tiếng nấc nhè nhẹ. Cái thằng khốn khiếp đó được sinh ra ngay trên chiếc giường này. Nhưng, ả là của ta, không lí nào lại hiến sinh toàn bộ cơ thể, ruột gan, da thịt cho nó được. Hắn cầm kéo cắt phăng dây nhợ lòng thòng từ thân thể của ả, quăng thằng đó sang một bên, mặc cho con mắt của mẹ dại hẳn đi, nhất là máu lại chảy ra quá nhiều. Máu ! Máu ! Máu. Máu này cũng đâu phải dành cho hắn, cho thằng mọi này. Ả đang làm gì hắn vậy ? Ả có ý thức được chăng ?
Cha hướng tia mắt nhìn tôi. Mấy ngón tay chợt ngưng đọng. Tôi biết nó sắp sửa xảy ra. Cha rũ người, thở dài nhìn tôi ngao ngán rồi bất thần cong người, giơ tay cao rồi giáng thật mạnh xuống mặt tôi. Tôi vờ chúi người xuống phía trước để cánh tay cha trượt ngang vai. Cha bắt đầu ngồi dậy và bằng hai bàn tay không tóm lấy cổ tôi, ra sức đè mạnh. Tôi ngạc nhiên vì ngỡ rằng từ hơn một tuần nay sức người có vẻ yếu nhưng không hiểu sao lần này những ngón tay lại mạnh hơn bao giờ hết. Cha tôi càng siết chặt, hơi thở người càng gấp gáp. “Nói đi, nói đi, có phải mày đang sắp giết cha ? Có phải mày pha bột vào nước cho cha uống?..Nói đi, nói đi, con?” Cha tôi thều thào. Tôi nhìn trong ánh mắt người, dường như đọc thấu tim gan tôi. “Không có…Con cho cha uống nước muối.. bình thường mà cha ?” Tôi cố gắng thoát khỏi vòng tay người để trả lời. Tôi cố không muốn hất tung để ông thấy tôi còn yếu lắm. Cha tôi thở hơi dài, nới lỏng tay “Mày đừng giết cha, đừng làm thế nữa” Bàn tay rơi độp xuống đùi. Tôi thở phào. Thêm một lần nữa cha không nỡ siết tôi mạnh, mà tôi cũng đủ lì xem người xử sự ra sao với tôi. Vậy là, cái ngày đó chưa đến.
Tôi vào bếp nấu một tô mì gói, bụng đói cồn cào. Tôi chẳng muốn ăn từ khi cha trở bệnh nặng. Tôi thấy rõ chất bột mịn này phát tán ghê gớm. Nó làm lưng cha tôi còng hẳn đi, môi tái mét và liên tục ói. Nhưng tôi biết làm sao để cứu cha bây giờ ? Càng ngày, người phụ nữ đó càng ám ảnh cha tôi, giữa họ đã nối lại sợi dây liên kết. Tối hôm kia tôi nghe được trao đổi ngắn giữa mẹ và cha. Mẹ nói rằng cha phải để ý, vì bà thấy được tôi bỏ nhiều chất bột ấy vào nước. Cha tôi không tin nhưng khi mẹ nhổ ra thứ nước trong người thì mặt cha tái hẳn. Từ đó tôi cũng biết được mẹ thường xuyên về ban đêm và thông báo cho cha mọi tình hình về tôi. Tôi càng biết rõ rằng quả thật có một sự sống đằng sau thế giới bên kia, khi người ta đã nằm trong nấm mồ nhưng vẫn có thể lui tới với những gì quen thuộc. Và mẹ tôi cũng giữ thói quen phục tùng cha, cái gì cũng nói cho cha nghe mặc dù lúc còn sống bà bao phen bị cha uy hiếp. Tôi không rõ lắm về tình cảm giữa họ. Nhất là sau những trận đòn của cha thì bà vẫn quay về trong xó tối, ngồi ôm tôi và thủ thỉ những lời yêu thương. Sau này, trước khi mẹ được uống thứ thuốc bột đó đã nói cho tôi biết chính tôi là điều để cha ghen tuông, đánh đập và đay nghiến bà bao nhiêu năm trời. Cha không tha thứ cho mẹ việc có tôi. Cha không thể tưởng tượng được mẹ lại có một tình cảm, hoặc có mối quan hệ nằm ngoài cha. Khi tôi bắt đầu nhận thức được sự ức chế này thì tôi luôn có thái độ ân cần, muốn chuộc tội, chăm sóc, bảo vệ cha hơn là hành hạ ông. Cha cũng biết điều này và cũng có phần thỏa mãn mỗi khi giơ tay đánh hoặc bóp cổ tôi. Đến nay tôi được mười sáu tuổi nhưng chưa bao giờ cha thấy tôi có thể nhấc bỗng một vật nặng nào đó. Công việc của tôi chỉ có đi học, đi dạo phố, xem phim rồi về nhà cho ông uống thuốc. Tôi không hề có một sức mạnh nào, dù để giúp đỡ chính tôi trong những việc khó khăn, nặng nhọc.

Hình như cha thấy con ít tập thể dục. Con trai ạ, bằng tuổi con cha làm được nhiều việc lắm.
Ngồi trong bếp tôi bỗng nghe cha lên tiếng. Tôi vẫn tiếp tục nhai những sợi mì của mình. Nó vẫn còn chưa chín nên cứng ngắc.
Hay mày muốn cho cha thấy sự yếu ớt của mày ? Hay mày muốn trốn chạy một việc chi đó ? Nếu cha là mày thì có lẽ nên tập trung sử dụng đầu óc thì hơn.
Tôi đang hâm lại tô mì, lần này thì nó đã chín, trương phồng lên.
Cha nghe được mùi thức ăn…đã từ lâu cha không được chạm vào bất cứ thứ gì…
Tôi với tay mở cửa sổ. Gió mát lạnh thổi tràn trề. Trên tường, tấm lịch bay phần phật, chữ số lộn nhào, nghiêng ngửa. Tôi nói với cha :
Chỉ là tưởng tượng thôi, con không đánh hơi thứ gì cả. Cha cần uống thêm thuốc.
Nói rồi tôi đi rót một cốc nước đầy. Ngày hôm nay có lẽ cha ói cũng đến năm sáu lần, gấp đôi bình thường vì hồi sáng không hiểu do cố ý hay vô tình mà tôi để vuột hẳn một gói bột vào ly nước. Bây giờ cũng vậy, nhưng tôi quyết định cho thêm một phần tư gói nữa. Có thể nó đủ cho đến ngày hôm sau. Vả chăng, cũng đã đến lúc tôi muốn làm quen với mọi người xung quanh, tôi cũng ở đây thời gian khá dài rồi, tôi muốn xuống xem họ làm gì bên dưới, nhưng chắc họ cũng dành một chỗ ngồi cho tôi ?
Nghĩ ngợi và nghe ngóng. Tôi quyết định sau khi cho cha uống thuốc sẽ đi tìm nốt bộ phim nào hay hay và ghé vào xem. Ở nhà, tôi cảm giác nóng nực quá, cổ họng lại đau rần, tôi không cần soi gương nhưng cũng biết nó hằn đỏ những ngón tay của cha. Tôi bưng ly thuốc ra, cha chụp lấy, nuốt ực.
Dù sao, cha cũng muốn ra ngoài rồi. Cha muốn đi chơi, không hiểu sao cha thấy buồn bực trong người..
Cha tôi bỗng lên tiếng nói về lí do này. Tôi chờ đợi một ngày cha tự nói lên điều đó. Nhưng khi cha nói thì thật tình tôi không thấy ngạc nhiên lắm. Quả thật, cho đến thời điểm nào đó người ta cần phải có cảm giác mới, nhu cầu mới, thậm chí cả con người mới nữa kia.
Tôi quay lưng lại, nói :
Cha có thể đi, bên dưới người ta tuy xầm xì mình điều gì đó, nhưng con chắc rằng họ vẫn chừa chỗ cho cha con mình.
Tôi nói bằng giọng bình thản, cố làm cha tôi vui và tin rằng mọi việc vẫn suông sẻ, vẫn đón chờ mình như mọi khi.
Ừ, cha sẽ đi trong tối nay, với lại mẹ nói cha không muốn đi cũng phải đi. Đi để biết cảm giác lạ đó là như thế nào…khi mà người ta vây xung quanh mình…
Cha yên tâm, con nghĩ họ không ngạc nhiên lắm với sự xuất hiện của cha. Cũng giống như con đến một lúc nào đó sẽ không ngạc nhiên khi tận dụng đầu óc của mình để làm bất cứ việc gì.
Tốt, tốt, vậy con đi đi. Hẹn gặp lại con!
Hẹn gặp lại cha!
Khoác vội cái áo, tôi lao vụt ra khỏi nhà, trong đầu vẫn còn giữ câu chào tạm biệt với cha tôi.
Sáng hôm sau trở về nhà, tôi đã lo xong đủ thứ, nào giấy tờ về cha tôi, nào những gì nên giữ lại hoặc cho đem đi. Tôi cũng không quên tháo cái giường và để nó vào kho, ít ra người ta cũng nên giữ lại cái gì để nhớ…Mà quan trọng hơn đây là cái giường của cha tôi, nơi ông từng nằm bao nhiêu lâu, mặc dù những năm sau cùng ông không muốn nằm trên giường nữa.
Khi người ta tắm rửa cho cha xong xuôi và đem cha xuống tầng dưới khu tập thể thì thật ngạc nhiên, bọn họ bảo những bàn ghế này được bày ra, sắp đặt sẵn cho cha con tôi. Tôi còn biết được rằng hoa và bánh được mua ở tiệm gần đó, lúc mẹ tôi mất họ cũng từng làm y như vậy. Tôi chẳng biết nói sao ngoài lời cám ơn, rồi cứ thế mà ngồi im một đống.
Lẽ ra không nên nói về điều này, hay là nhắc lại một linh cảm mơ hồ về sự viêc xảy ra cách đây cũng khá lâu…Tôi nói lời tạm biệt với cha tôi trong ngày hôm đó. Trong giây phút hai cha con không nhìn nhau như vậy tôi biết ông có thèm đi ra ngoài thật sự chứ không phảì đi do mẹ đã báo trước hoặc nhấn mạnh cho ông biết ông buộc phải rời khỏi ngôi nhà này…Tôi đã dự định đi tìm phim để xem tiếp thì bỗng dưng như có điều gì mách bảo rằng cha cần sự giúp đỡ của tôi để ra đi trong an toàn và không vướng bận. Tôi bỗng thấy chạy vụt ngang mặt đường nhiều hình vuông, hình lục giác chồng chéo lên nhau. Chỉ có tôi mới biết chính xác số lượng bao nhiêu hình trong từng ấy năm nằm bệnh mà cha đã vẽ trên nền nhà. Đến khi cơ thể suy tàn rồi cha chỉ còn cách vẽ chúng như một trò chơi. Tự đóng khung, tự tìm tòi.
Đêm đó tôi chạy vội về nhà lục soạn giấy tờ, gọị điện nhờ người an táng cha, hỏi kĩ dịch vụ để làm cho chu đáo những việc cần thiết. Xong sau đó tôi ra khỏi nhà. Trước khi đi tôi còn nghe tiếng cha càu nhàu về tình cảm của mẹ. Bỗng nhiên tôi muốn quay vào nhà để cha trút hết giận dữ lên cổ họng tôi như mọi khi, nhưng tôi không muốn, không muốn và sợ cái dấu vết rồi sẽ hằn in lên vị trí đó mà không bao giờ chịu tan. Nên tôi đã cắm đầu chạy thẳng, tìm ra công viên rồi nằm cho đến sáng.

T4,09,6,04

bài đã đăng của Nguyễn Thúy Hằng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)