Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Một nơi không còn nữa

Hãy cứ tạm gọi, thân thể đó, nụ cười đó, mùi dầu hỗn hợp gồm khói xe và bụi đường, là hình nhân X. Nó ra đi, đầu lắc mạnh, vai thẳng như đường kẻ, trong túi lòi ra mẩu khăn giấy, ướt nhẹp mồ hôi và bụi đường. Hình nhân X không ý thức được phía bên kia chân trời mây đỏ lự, nhiều chiếc xe như chiếc hộp kín ôm những gương mặt bất động, họ điều khiển làm sao cho tất cả hình nhân cùng đồng loạt vào lúc tám giờ sáng vọt lên không trung, và cũng bằng ngả đó, năm giờ chiều đáp xuống với vẻ mặt mệt mỏi, môi trễ xuống, hằn học với lũ vịt trời kêu toang toác. Hình nhân X cố nhốt tiếng kêu ấy vào lồng ngực, thật ngạc nhiên khi mỗi buổi chiều tản bộ về, nó nghe nhiều tiếng lạ trong lồng ngực: hãy bay đi, hãy nhìn ngắm, hãy chạy trốn hừng đông trước khi bọn chúng kịp túa ra mặt đường với bộ com lê nhàu nát, rược trắng, và câu chuyện nhạt nhẽo. Chúng tôi sẽ tìm về, tìm về trước khi mùa đông đến. Rồi đàn sếu cũng vượt qua.

Chầm chậm từng bước trở về con đường cũ, hình nhân X ngẫm nghĩ: có lẽ nó sẽ bỏ mùa đông nơi đây, lần tìm về một vùng thấp, nắng, ngứa ngáy. Giờ này con sáo được nuôi trong lồng lại kêu lên “X ơi, X ơi, mày hãy về ăn cơm. " Hoặc, "X ơi, hôm nay mày nhận được một tin nhắn“, “ tin nhắn gì?“ , “một nơi ẩn náu đã bị đóng cửa, bọn chúng nó khóc tơi bời ngoài kia, như một vỏ chai bị đóng kín, X ơi, mày… “
Một im lặng kéo dài. một con mắt mệt mỏi tìm ra chỗ khác, một con mắt cúi xuống, tìm kiếm. Hình nhân X suy nghĩ thật lâu rồi trả lời với con sáo, “tao đã có một nơi trú ẩn khác, không hơi mù, im lặng và an toàn tuyệt đối“. “Ở đâu vậy?“ . Hình nhân X trỏ xuống đất “dưới bàn chân tao đây “, nhanh chóng, hình nhân X ngửa bàn chân mình lên xem, nơi ấy có có một nắp kín, hình vuông, tiếng chim non vọng ra đều dặn, nơi ấy không có người, quả nhiên.
“Đất nước tao có nhiều con mắt thật khác nhau, nó biến đổi theo từng mùa.“
“Đất nước tao có nhiều trò chơi nguy hiểm, họ ném người qua không trung,dập nát tơi bời, không bảo hiểm, không di chúc.“
“Đất nước tao có nhiều hình nhân đơn giản, họ cười, nói, giấu tiếng chim đôi khi trong lồng ngực, đôi khi dưới bàn chân.“
“Ồ vậy tao cũng muốn giấu tiếng chim dưới bàn chân, mày có thể…”
“…Không, mày không có tiếng chim, cũng không thể nào là hình nhân.“
“Vậy làm sao tao có nó?“
“Không biết được, trừ khi mày và tao hoán đổi chỗ ngồi cho nhau.“

Chậm chạp, xua đuổi mùa đông, bọn chúng nó lắc đầu, hãy chờ sang năm, tao sẽ lấy cắp hơi thở của mày, tiếng vịt trời nơi lồng ngực, và một chỗ ngồi mày vừa mất đi.
Đừng, xin mày đừng, nơi ấy… Tiếng lũ vịt trời lại toang toác “mày đừng lo, mùa đông nơi đây thật dài, khi người ngợm vón cục thì chính trí nhớ của chúng sẽ tan biến, chúng nó chẳng bao giờ nghe tiếng tao, chẳng bao giờ thức giấc“. Thật đáng sợ, hình nhân X nghẫm nghĩ, có khi nào tao cũng bị vón cục?

Mùa xuân sau cùng.

Tôi đã nhai nát mọi thứ vào buổi tối đó, thật tuyệt diệu, mưa loang loáng, bồng bềnh và tuột trôi vào hốc tối đen ngòm, đôi lúc tôi đi dọc thành phố, bịt kín mọi hang hốc, thế là nước không nơi ẩn nấp, ùa lấy đôi chân hình nhân ẩm ướt, tôi chờ mặt trời mọc nơi xó tối, nhưng chỉ có tiếng một thằng người ngợm khổng lồ, đầu to, cười ré lên “Tôi cũng có một nắp kín mà“, thằng đầu to giơ bàn chân lên, quả thật bên dưới bàn chân có một nắp kín nhưng trầy xước, người ta cố tình moi móc nó, đánh cắp bằng được chiếc nắp bí mật. “Vì sao mày đến nỗi này?“, hình nhân X hỏi nó, “Tao đã đến một nơi xa, và rồi chúng nó thú vị với chỗ ngồi của tao, thổi còi, vây bủa, tao chạy trốn, và rồi tao bừng tỉnh, gối chăn ướt nhẹp, tao khóc nhiều, nhiều lắm. Và rồi như có cơn động kinh, tao đái và văng tung tóe khắp nơi, giường chiếu, tao lê la dọc hành lang, sao mà tao lại có khối lượng nước đồ sộ đến thế, tao muốn dừng nhưng chẳng được, tao đã khóc và van xin chúng nó đừng bao giờ động đến chiếc hộp kín của tao, gầm gừ và chửi rủa, cuối cùng nó trả, nhưng tao thành kẻ không nhà rồi, tao chẳng nhớ đường về“.

Mong rằng, đừng sợ hãi mà ngôì dưới chân tường.

Chín giờ mười lăm phút sáng, cà phê không pha như mọi bữa, không phải chiếc ly cũ, không phải chỗ ngồi cũ, tự nhiên hôm nay thật khác lạ. Sau một đêm thức giấc và một tháng lang thang nơi đây, bừng tỉnh dậy nói bằng ngôn ngữ khác. Nhưng không, ta muốn đọc to và rên ư ử điệu nhạc quen thuộc. Chúng nó trố mắt nhìn, nhìn cái gì, không hiểu thì thôi ta cũng đâu cần bọn mi nói chuyện, và cũng chẳng muốn chào hỏi làm gì. Từng mái nhà bên kia cửa sổ hắt lên ánh đèn màu vàng nhạt, phải rồi ta cũng từng ao ước có một cửa sổ như thế, và rồi ta sẽ làm gì đằng sau cửa sổ nhỏ đó, một giọng hát nghêu ngao, một tiếng động nhỏ hay một đôi tình nhân quấn quít, say mê? Không, hãy dừng lại là một sự ấm áp. Chiếc môi hôn nhẹ, rồi hơi thở sâu, mùa đông bấu chặt xung quanh chiếc giường nhỏ, chúng ta buông nhau ra với hơi thở mịt mù, rồi chiếc giường từ từ bay lên. Người con trai uể oải ngắm nhìn cơ thể trong chiếc gương cũ, một viên bi nhỏ nơi chiếc lưỡi, ngày mai ta đến trường với thân thể trần như nhộng, bắp thịt nhảy nhót, ta muốn chiếm trọn một khoảng không, một quảng trường, chẳng hạn, nơi cành cây kia ta sẽ máng một phần cơ thể trên đó, và bạn, nụ cười nhỏ, ta sẽ dành một khoảng trống cho ngươi, ôi tiếng chim không ngừng nhảy nhót, một ô vuông bé, vừa vặn bàn tay nhỏ, cơ thể ta sẽ nằm đó, moị thứ đều hướng lên trời, kì diệu thay dưới bàn chân nhỏ của chàng tình nhân, mọc lên một gương mặt ta trong đó, mỉm cười.

Từng giờ từng giờ trôi qua, vẫn gọi ta là hình nhân như thế, tạm thời có gương mặt và chỗ ngồi riêng, ta là X, bung nổ, ngượng ngùng.

Hôm qua, hình nhân X đã trốn khỏi nhà, mang theo một chiếc đài và cuộn băng nhỏ, nó giấu kín cuộn băng trong mấy lần vải, sợ những thứ ẩn nấp trong đấy bị teo đi, hoặc vón cục. Nó đi theo lối công viên, nơi bọn trẻ tóc vàng bi bô tập nói và phóng lên trời những dự tính trong tưởng tượng. Nó dừng ngay một chiếc ghế đơn lẻ trong bìa rừng, đợi cho lão già bên kia đường khuân từng bao hàng nặng khuất sau nhà, nó bắt đầu mở cuộn băng. Mới đầu chỉ là tiếng lao xao người nói, rồi tiếng ghế di chuyển, ly tách chạm lanh canh, nó nghe ra một giọng nói quen thuộc, thì thầm “Mày có vui không?“, rồi giọng nó lí nhí “không“, "mày có câu chuyện nào để mang đến…“, “có “ , “mày có câu chuyện ở đâu, mày nhìn ngắm nó trong bao lâu?“, “tôi thấy nó đứng bên cạnh lối đi, trong vòng một phút“, “mày thấy gì trong đó“, “tôi thấy một người đàn ông, trần truồng, hát. Tôi đã đứng xem trong vòng một phút, mới đầu tôi nghĩ ông ta đang hát, nhưng sau khi nhìn kĩ, tôi thấy cái đó của ông ta khóc, khóc nhiều lắm và tôi biết ông ta buồn“ , “mày có cho tiền…?“, “không, tôi không cho, nhưng tôi cười với ông ta, rồi tôi đi.” , ”cái gì tiếp theo giữa mày và ông ấy?“, “tôi ra ngoài cổng, đứng ngó trời một lúc, bỗng nhiên một người đàn bà chạy đến và đưa tôi chiếc áo, nói: hãy khoác và về nhà. Tôi cầm lấy và nhìn vào chiếc gương đối diện, thật kì lạ người đàn ông trần truồng cũng cầm một chiếc áo giống hệt tôi, ông ta từ từ khoác nó vào, nói cám ơn với người phụ nữ, thôi khóc… tất cả chỉ vậy thôi“. Giọng nói trong chiếc đài nhỏ laị vọng ra, đều đặn “thế đấy, lại một lần nữa, mày lại để thất lạc chính mày“, rồi có tiếng thở dài, “thôi mày về đi, đừng ở truồng vào mùa đông như thế, chúng ta chỉ có quyền phô bày chúng một lần trong đời, và rước lấy một sự thương hại duy nhất trong đời.“

Chạy bộ về nhà, tuyết bắt đầu rơi, con đường cũ bỗng sạch sẽ hẳn lên, ngôi nhà, cành cây, viên đá nhỏ, kể cả những chiếc hộp kín đua nhau bay lên trời. Bỗng nhiên chúng mới và tinh tươm chưa từng thấy. Lũ vịt trời cười nắc nẻ, xếp hai chân vào chiếc bụng núc ních mỡ, bay nhởn nhơ dưới tuyết dày rậm rạp. Hình nhân X cố nén cười, nó đang nhớ đến một sáng kiến nhỏ của một lũ hình nhân đang cách xa nó hàng vạn dặm.

Mày thử về và pha một ly cà phê sữa tuyết?

Lần này, nó sẽ bỏ thật nhiều tuyết.

Minnesota, T7, 29, 11, 03

bài đã đăng của Nguyễn Thúy Hằng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)