Trang chính » Sáng Tác, Tùy bút Email bài này

những con kiến lửa ở đồn suối cao

“Hồi nhớ không hề là một hành vi nội chiếu thảnh thơi, nó luôn liên đới tới sự đớn đau khi kẻ hồi nhớ phá vỡ quá khứ thành từng mảnh nhỏ, tái thiết chúng nhằm cung cấp ý nghĩa cho những thương tổn trong hiện tại.”

Homi K. Bhabei (Như Huy chuyển ngữ)

Trong những bản tin chiến sự, người ta chỉ ghi:
Thiệt hại nhẹ
Thiệt hại trung bình
Đếm xác tại trận – Body Count.

Người ta không ghi chi tiết:
Về những giọt máu, những tảng thịt, về những đầu đạn của Tommy gun, AK47, M16.
Về những mảnh bom, mảnh mìn, mảnh lựu đạn, về những mũi chông.
Về Đàn Bà, về Trẻ Thơ, về những người lính Nam Bắc giết nhau không xót thương.

Trong cả mùa xuân
Trong cả thứ bảy chủ nhật
Trong cả ngày lễ, ngày tết
Trong cả ngày hưu chiến!

Về thứ Túi Mới Của Thời Đại Mới
Túi đựng xác lính – Body bag.

Đặc biệt là tôi muốn viết về mảng chiến tranh Việt Nam điêu linh gọi là: – Đếm xác tại trận – Body Count. Tôi muốn viết về một người đàn bà đau khổ của miền Nam Việt Nam. Tên của cô là Nguyễn Thị Mây. Cô Mây đã ôm con nhỏ trên tay khóc ở đồn Suối Cao Tây Ninh.

Cô Mây làm tôi nghĩ tới mấy câu thơ của nữ thi sĩ Marina Tsvetera:

“Và tiếng than buốt của chị xuyên qua chúng tôi
Như một mũi tên
Tên chị là một tiếng thở dài
Rơi xuống vực thẳm bao la”

(Diễm Châu chuyển ngữ)

Một ngày kia có nữ ký giả Đức là Beatrice Rosenbaum gọi điện thoại cho tôi yêu cầu phòng báo chí cho cô biết thực sự, biết ngay tại trận địa Việt Nam thế nào là đếm xác tại trận – Body Count.
Vì chưa được cấp thẻ báo chí nên tôi đưa cô ra khu chợ Dân Sinh mua một bộ đồ rằn ri của Thủy Quân Lục Chiến, một cái mũ màu olive, và một đôi giày trận. Tôi cũng nhắc cô đem theo ống kính zoom dài tối đa để trông có vẻ nhà nghề hơn.

Chúng tôi đáp trực thăng đi Tây Ninh thật sớm để tới đồn Suối Cao mà nơi đây có một đơn vị địa phương quân trú đóng mới bị Việt Cộng tấn công đêm qua và xác của Việt Cộng vẫn còn nguyên trên trận địa.

Trên đường đi tôi lấy bút Bic mực đen vẽ cho Beatrice một bức chân dung. Tóc cô là những sợi kẽm gai concertina. Cô rất thích bức hình này.

Bây giờ trực thăng của chúng tôi đã ở ngay trên đồn Suối Cao. Xung quanh đồn có những hố đạn đại bác bắn yểm trợ sâu hoắm. Beatrice bảo tôi nó giống như một cái bàn bi-da với thảm lúa xanh quanh đồn và điều này rất đáng tiếc cho đất nước chúng tôi.

Beatrice đã thấy tận mắt hơn mười xác chết. Có mấy cái xác trông rất trẻ bị thép từ mìn Claymore cắt nát mặt, toác ngực. Tôi trông thấy hốc mắt của họ đầy kiến lửa. Những con kiến đồng bò rất chậm vì bụng căng máu. Tôi trông thấy một xác chết miệng há hốc như một con cá đang thoi thóp cố hớp những ngụm không khí cuối cùng. Tôi trông thấy trên lưng vài lính trẻ có những chiếc xẻng nhỏ như những chiếc xẻng thời thơ ấu mẹ tôi mua cho tôi để xúc cát làm bánh cùng lũ trẻ con gái. Tôi đoán họ dùng xẻng nhỏ đào hố cá nhân trong đêm để ít gây tiếng động không chừng. Xung quanh đồn là đất cát và có trồng đậu phộng.

Beatrice hỏi tôi tại sao người Việt Nam lại dùng thịt ngỗng để cúng các linh hồn. Tôi bảo cô, có thể đồn này dùng ngỗng để làm “lính gác giặc”, cô rất chú ý về điều này. Tôi thấy cô ghi ghi chép chép rất tỉ mỉ trong cuốn sổ tay giấy vàng.

Cuối cùng cô chụp ảnh một phụ nữ ôm con nhỏ khóc mắt còn đỏ hoe. Tên cô là Mây – Mây ở đồn Suối Cao.

Cô Mây bảo tôi cô rất khổ vì không được chôn chồng như những người đàn bà khác trong đồn. Chồng cô Mây là người lính duy nhất bị mất tích. Beatrice rớt nước mắt khi tôi dịch những lời của Mây cho cô nghe…

bài đã đăng của Nguyễn Tiến Đức

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)