Chàng trẻ tuổi trong ảnh là nhà thơ Mỹ Paul Christiansen, cử nhân (BA) tại đại học St Olaf (Northfield, Minnesota), Cao Học Mỹ thuật (MFA) tại Florida International University (Miami, Florida). Thơ của anh đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín của Hoa Kỳ như Atlanta Review, Pleiades, Quarter After Eight, Threepenny Review, Zone 3, cùng nhiều nơi khác. Từng là học giả Fulbright và đã đoạt hai giải thưởng thi ca của Viện Hàn Lâm Thi Ca Hoa Kỳ (Academy of American Poetry), hiện là Tổng Biên Tập của tạp chí Saigoneer.
Khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007, Paul Christiansen đã phải lòng con người và đất nước này, anh tự nhủ sẽ trở lại.
“Mình cần quay trở lại”, tôi tự nhủ trong khi lên máy bay ở Hà Nội để về Mỹ sau mấy tháng ở nước ngoài vào năm 2007. Vì lòng tử tế mà người dân nơi đây đã thể hiện, vì lịch sử văn hóa phong phú và mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, tôi biết mình cần quay trở lại để tìm hiểu và đóng góp. Cũng phải mất một khoảng thời gian lâu hơn mong đợi một chút, nhưng sau khi lấy bằng thạc sĩ về thơ, tôi nhận được học bổng Fulbright và cuối cùng đã có thể chuyển tới Việt Nam vào năm 2015. Nhiều chuyến đi, nhiều mối quan hệ bạn bè, và các tác phẩm được xuất bản mà tôi có được trong những năm qua là nhờ sự khích lệ và nguồn cung cấp thông tin về văn chương Việt Nam… (…) Văn chương mở đường cho tôi đến Việt Nam. Không ai trở thành nhà văn từ một quyết định thận trọng về tài chính, mà vì thôi thúc tự nhiên và vì tin rằng nghệ thuật làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn” (Paul Christiansen, phát biểu tại Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III tại Việt Nam, 2019).
Sau một năm làm việc ở Quy Nhơn – nơi anh đã cảm tác hai bài thơ đặc sắc: Gửi Người Thơ Hàn Mặc Tử và Ban Mai Ở Quy Nhơn (được dịch và đăng ở tạp chí AJAR và báo Tiền phong…), Paul Christiansen chọn Sài Gòn để sống và viết.
* * *
Đèn hẻm nhỏ tù mù cho thấy đứng chờ bên ngoài cổng là một dáng người dèm dẹp, dài dài, hơi bù xù ở chóp. Thoạt nhìn trông giống cái cây ốm nhách do thiếu phân thiếu đất nhưng còn lắt lẻo trên ngọn một chùm lá rũ rượi màu vàng nâu. Đó là Paul Christiansen mà tôi gặp lần đầu. Lúc mở cổng mời khách mới thấy anh chống nạng, tóc dài quăn tíu tít như mì tôm, nách cặp cái gói sách của người bạn ở xa nhờ chuyển cho chủ nhà. Sau vài câu chào hỏi đại khái, Paul trao tôi cái gói. Khi khui ra, cả hai cùng cười ngất vì đó là quyển sách lẽ ra phải được giao cho một người khác. Thôi kệ, không sao. Lúc khác vậy. Trong gần năm năm qua, chúng tôi đã có rất nhiều “lúc khác” kể từ buổi tối đó.
Không lâu trước hôm đứng chờ ngoài cổng nhà tôi, Paul đã bị trượt té gãy chân trong khi đang lơ ngơ ngắm trời mây trên một mỏm đá hơi cao ven biển, may nhờ dân làng chài tử tế kịp thời đưa đi bệnh viện. Hiện chàng trai trẻ vẫn cứ lơ ngơ như thế ở mọi nẻo đường, không phải như một khách du lịch bỡ ngỡ giữa con phố lạ, mà như một nhà thám hiểm, một kẻ mộng mơ, một chuyên viên khảo cổ, một bác sĩ vi sinh, một sommelier.
Paul Christiansen thích đi bộ để thấy, nghe, nếm và ngửi. Anh lắng nghe tâm tình của động vật và cây cỏ trong Thảo Cầm Viên, ngửi trong tưởng tượng hương thoang thoảng của hoa lục bình trôi từng dề trên sông Sài Gòn, mua nhu yếu phẩm từ tiệm tạp hóa góc phố, uống rượu gạo với dân làng chài, thắp nhang vái lạy trước bàn thờ Cá Ông làng Phước Hải, băn khoăn về những dòng máu trắng chảy trong rừng cao su thời thuộc địa, ray rứt với từng viên thạch anh trưng bày ở Bảo tàng Địa chất, mê mẩn ngước nhìn cánh chò xoay xoay trong gió trên đường Nguyễn Đình Chiểu…
Sóng từ trường giao thoa thần kỳ. Không phải tình bà cháu, tình mẹ con, tình chị em, tình giấy bút, tình nhân loại hay gì gì. Khoảng cách thế hệ 35 năm không ăn thua. “Lần khác” nào cũng cà kê dê ngỗng đến nửa đêm mới chia tay. Chúng tôi tình cờ quan tâm đến những vấn đề giống nhau, thích nghịch chữ, nội soi những chuyện vu vơ, cười khằng khặc hoặc tặc lưỡi hít hà mọi tư tưởng lớn nhỏ, phân tích lẫn phân vân về các hiện tượng thiên nhiên hoặc các nghiên cứu khoa học, dè bỉu những giá trị đạo đức khiên cưỡng, vừa ăn bánh hỏi thịt xào chan nước mắm ớt vừa bàn về các thi văn hào vĩ đại của thế giới. Thắc mắc về tác phẩm của nhau, tôi đọc và dịch thơ và bút ký Paul Christiansen ra tiếng Việt. Tôi cũng chuyển ngữ vài sáng tác của mình ra tiếng Anh để anh có thể đọc và hiểu thêm về con đường văn chương của một người viết sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam – gọi là trao đổi văn hóa, nhân tiện nhờ anh biên tập lại một số chỗ cho hợp lý hơn về ngữ và nghĩa. Nói chung hơi cực, và nếu tính điểm hơn thua thì tôi lỗ. Nhưng tính tới tính lui hóa ra lại lời nhiều.
Thú thật là tôi đã có lăn tăn khi đọc trong bút ký của Paul Christiansen một số câu như dưới đây – khi anh viết về những cánh chò nâu bay vòng vèo trong gió chỉ để đáp bất lực trên nền xi-măng của hè phố:
….Unable to take root, their fibrous wings slump like the dorsal fins of killer whales depressed in captivity. Something inside me keels the same way (An Ode to Saigon’s Chò Nâu) /…vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ, giống như vây cá voi yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế…
Hay về tồn tại song hành giữa tạp hóa và cửa hàng tiện lợi:
If a tạp hóa’s chaotic nature and variety of community purposes mean it can be linked to a symphony, then perhaps a convenience store is a cleaner, more straiforward concerto? Different moods demand we listen to different records (Tạp hóa and convenience store) / Nếu bản chất của tạp hóa là tạp và mục đích của cộng đồng đa dạng thì tạp hóa có thể được ví như một bản symphony còn cửa hàng tiện lợi sạch sẽ đâu ra đấy thì sẽ là một concerto? Tâm trạng khi vầy khi khác khiến ta nên thưởng thức loại nhạc tương thích với niềm riêng.
Và thơ, (Each in its own way) / Theo từng cách riêng, những vụn vỡ trong mỗi con người:
My own reflection in the mirror is a stalk of ragweed rooted on a piece of driftwood, its limbs withering in the incessant sun, seeds scattering into the desolate ocean / Hình ảnh tôi phản chiếu qua gương là cọng cỏ phấn hương bám rễ trên một mảnh củi rều trôi giạt, cành nhánh héo úa trong nắng triền miên, hạt mầm lả tả trong đại dương hoang tàn.
Thường người ta hay châm biếm đặc điểm của các dân tộc qua vài nhận định đơn giản như: người Ý làm nhạc, người Pháp thưởng thức, người Mỹ mua. Tôi đã từng hoàn toàn đồng ý với định kiến này cho đến khi gặp một vài người bạn Mỹ không thực dụng, không thèm bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì nhằm chứng tỏ bản thân, hay tung hô vạn tuế chủ nghĩa tiêu dùng. Paul Christiansen không có vẻ gì là đang… xài tiền theo kiểu Mỹ.
* * *
Thật vui có cơ duyên chuyển ngữ các tác phẩm của một tác giả “còn sống”, thậm chí sống gần, còn rất trẻ và còn sung sức sáng tác. Trong quá trình làm việc chung, tác giả và người dịch – bất cứ lúc nào cần, đều có thể cùng ngồi lại để làm sáng tỏ một từ hay một cụm từ chưa thông, hoặc có khi để chỉnh sửa vỏn vẹn một dấu chấm câu, bởi cả hai đang ở cùng thành phố chỉ cách nhau vài con đường.
Qua tám đoản khúc Dưới tán chò nâu Sài Gòn, ở nhiều cung bậc cảm xúc, nhà thơ đã rót thơ vào từng câu chữ khi viết về các đề tài tưởng như khô khan và chán ngắt, những thứ hàng ngày chúng ta chạm mặt nhưng rất đỗi thờ ơ.
Việc biên dịch xuất phát từ nhiệt tình chia sẻ nhưng luôn luôn là một thách thức. Thách thức trong khi dịch Paul Christiansen không chỉ đòi hỏi nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc, mà còn phải làm thế nào để giữ cho được cái giọng châm biếm ở nhiều ngữ cảnh của tác phẩm, đặc biệt giọng văn rất thơ của tác giả.
Trần Thị NgH
06.2021
NGÕ của Paul Christiansen trong tập song ngữ Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn
Đến Việt Nam vào năm 2015 nhờ học bổng Fulbright, tôi vạch chương trình sống ở đây một năm trước khi quay về Mỹ, hoàn toàn không có ý định lưu lại lâu dài. Nhưng lòng tử tế của những con người tôi gặp gỡ cùng những câu chuyện, những trang sử và di sản văn hóa đầy lôi cuốn của đất nước này đã cầm chân tôi lại.
Sống ở Sài Gòn, cái thành phố khiến người ta cảm thấy ấm áp thân quen hơn bất cứ nơi đâu, tôi đã may mắn được làm bạn với những con người hào phóng, họ mang đến cho tôi biết bao cảm hứng, giới thiệu cho tôi các lĩnh vực tuyệt vời của Việt Nam, giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn và đánh giá đúng đắn hơn. Tôi cũng may mắn được làm việc ở Saigoneer, một tạp chí văn hóa nghệ thuật, nơi tạo cơ hội cho tôi viết bài về nhiều khía cạnh thú vị của Việt Nam, từ đó mà các bút ký của tôi ra đời.
Quyển sách này không hề nằm trong dự tính. Mỗi bài bút ký được viết ra xuất phát từ tò mò của cá nhân tôi trước chủ đề, viết nó ra giúp tôi hiểu vấn đề sâu hơn đồng thời có thể chia sẻ sự tâm đắc và kiến thức của mình với độc giả địa phương và độc giả nước ngoài, tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Bản chuyển ngữ là kết quả của một tình bạn được hình thành từ rất nhiều thứ, từ tình yêu dành cho chữ nghĩa, văn chương, nghệ thuật, khoa học, thiên nhiên, và từ sự kỳ bí vô cùng của mọi thứ xung quanh chúng tôi. Trần Thị NgH và tôi đã cùng làm việc trên bản Việt dịch, song song với việc chuyển ngữ các truyện ngắn của cô ấy sang tiếng Anh, chỉ để cho vui thôi. Nhưng rồi từ gợi ý và giúp đỡ của Dạ Ngân, Nguyễn Phan Quế Mai và Hồ Anh Thái, chuyện chơi vui của hai chúng tôi rốt cuộc đã thành ra tập song ngữ này đây.
Tôi tự coi mình là một người làm thơ trước khi viết văn xuôi, nhưng tâm huyết mà tôi dành cho thơ cũng là nỗi niềm tôi gửi vào những bài bút ký này: tôi muốn người đọc kêu lên Ồ, sao mình chưa bao giờ nghĩ về nó theo cái kiểu như thế hay nhìn nó theo cách ấy. Nếu các bài bút ký trong tập Dưới Tán Chò Nâu có thể chuyển tải một phần nhỏ lòng say đắm, yêu mến hay mê thích của tôi qua các chủ đề, thì tôi xem như mình đã thành công rồi.
Ngoài những điều thổ lộ trên đây, không bài bút ký nào của tôi được thực hiện mà không có vô số bạn bè, đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ. Họ chia sẻ những câu chuyện, làm phiên dịch, biên tập, mời đến nhà, và minh chứng cho tôi thấy đất nước này đặc biệt xiết bao: vai trò của họ thật đa dạng và sâu sắc. Rõ ràng là tôi hàm ơn Việt Nam, một đất nước đã chào đón và tiếp đãi tôi bằng tất cả nhiệt tâm và lòng tử tế.
Paul Christiansen
* Từ ban-công căn hộ nhìn qua Sở thú Sài Gòn, tháng 12, 2021.
PROLOGUE
I never expected to remain in Vietnam for very long. Arriving in 2015 on a Fulbright fellowship, I planned to spend one year here before returning to America. But the kindness of the people I met coupled with the many intriguing stories, histories and cultures that I encountered demanded I stay.
In Saigon, a city that feels more like home than any place ever has, I have been blessed to befriend many inspiring and generous people who have introduced me to so many wonderful aspects of the country and helped me gain a deeper understanding and appreciation. I’ve also been very fortunate to work at Saigoneer, an arts and culture publication that has allowed me to explore and write about the facets of Vietnam I find interesting and where these essays, in some form, first appeared.
This book was never planned for. Each essay was written solely because I had a personal curiosity about the subject and writing about it would allow me to know it more intimately and be able to share my knowledge and excitement with readers, locals and foreigners, here in Vietnam and around the world. The translations are the result of a friendship built on, amongst many other things, a love of words, literature, art, science, nature, and the incredible strangeness of everything around us. Trần Thị NgH and I had been working on translations of these essays alongside her stories for simple fun. But with the loving suggestions and help from Dạ Ngân, Nguyễn Phan Quế Mai and Hồ Anh Thái, our hobby became this collection.
I consider myself a poet before a prose writer, but what I strive for in poetry, I strive for with these essays: I want readers to say Wow, I never thought of that or saw it that way. If these essays can impart a fraction of my fascination, love or interest in the subjects then I will consider them a success.
In addition to those mentioned, none of these essays would be possible without the numerous friends and colleagues who have offered endless assistance. Sharing stories, acting as interpreters, editing work, inviting me to their homes, and showing me what a special place this is: their roles have been as varied as they’ve been profound. And of course, I owe the deepest gratitude to Vietnam, a country that has so warmly welcomed me in and treated me with such kindness.
Paul Christiansen
*My balcony overlooking the Saigon Zoo, December 19, 2021